VIỆT NAM CỘNG HÒA

SINH VI TƯỚNG - TỬ VI THẦN

SINH VI TƯỚNG - TỬ VI THẦN
NGŨ HỔ MÃNH TƯỚNG QUÂN LỰC VIET NAM CỘNG HÒA

Ngũ Hổ Mãnh Tướng

Ngũ Hổ Mãnh Tướng

Tiểu Sử Các Anh Hùng Dân Việt

Tiểu Sử Các Anh Hùng Dân Việt

Các bậc anh hùng đã tuẫn tiết & chết sau 30/4/75 ..

Các bậc anh hùng đã tuẫn tiết & chết sau 30/4/75 ..

Hoa

Hoa

DANH SACH

DANH SÁCH CÁC QUÂN, DAN, CAN, CHANH NUOC VIỆT NAM CÔNG HOÀ ĐÃ TỰ SÁT TRONG NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG . . .

===========================

TT
HỌ TÊN
Cấp bậc-chức vụ -đơn vị
Ngày tự sát
==========================
1
Lê Văn Hưng
Chuẩn tướng-tư lệnh phó QĐIV
30/4/1975

2
Nguyễn Khoa Nam
Thiếu tướng tư lệnh QĐ IV
30/4/1975

3
Trần Văn Hai
Chuẩn tướng tư lệnh SĐ7BB
30/4/1975

4
Lê Nguyên Vỹ
Chuẩn tướng tư lệnh SĐ5BB
30/4/1975

5
Phạm Văn Phú
Thiếu tướng- cựu tư lệnh QĐII
30/4/1975

6
Đặng Sỹ Vinh
Thiếu tá BTL CSQG
30/4/1975 tự sát cùng vợ và 7 con

7
Nguyễn Văn Long
Trung tá CSQG
30/4/1975 tự sát tại công trường Lam Sơn, Saigon

8
Nguyễn Đình Chi
Trung tá Cục ANQĐ
30/4/1975

9
Phạm Đức Lợi
Trung tá
30/4/1975

10
Mã Thành Liên( Nghĩa)
Thiếu tá tiểu đoàn trưởng 411ĐP, TK Bạc Liêu-

khoá 10 Đà Lạt
30/4/1975 tự sát cùng vợ

11
Lương Bông
Thiếu tá phó ty ANQĐ Cần Thơ- Phong Dinh
30/4/1975

12
Vũ Khắc Cẩn
Đại úy Ban 3 , TK Quảng Ngãi
30/4/1975

13
Nguyễn Văn Cảnh
Trung úy CSQG trưởng cuộc Vân Đồn, Q.8
30/4/1975

14
Đỗ Công Chính
Chuẩn uý ,TĐ 12 Nhảy Dù
30/4/1975 tại cầu Phan Thanh Giản

15
Trần Minh
Trung sĩ I Quân Cảnh gác Bộ TTM
30/4/1975

16
Tạ Hữu Di
Đại úy tiểu đoàn phó 211 PB Chương Thiện
30/4/1975

17
Vũ Đình Duy
Trung tá trưởng đoàn 66 Dalat
30/4/1975

18
Nguyễn Văn Hoàn
Trung tá trưởng đoàn 67 phòng 2 BTTM
30/4/1975

19
Hà Ngọc Lương
Trung tá TTHL Hải Quân Nha Trang
28/4/1975 tự sát cùng vợ,2 con và cháu ( bằng súng)

20
………….Phát
Thiếu tá quận trưởng Thạnh Trị Ba Xuyên
1/5/1975

21
Phạm Thế Phiệt
Trung tá
30/4/1975

22
Nguyễn Văn Phúc
Thiếu tá tiểu đoàn trưởng, TK Hậu Nghĩa
29/4/1975

23
Nguyễn Phụng
Thiếu úy CS đặc biệt
30/4/1975 tại Thanh Đa, Saigon

24
Nguyễn Hữu Thông
Đại tá trung đoàn trưởng 42BB, SĐ22BB-

khóa 16 Đà Lạt
31/3/1975 tự sát tại Quy Nhơn

25
Lê Câu
Đại tá trung đoàn trưởng 47BB, SĐ22BB
Tự sát 10/3/1975

26
Lê Anh Tuấn
HQ thiếu tá ( bào đệ của trung tướng Lê Nguyên Khang)
30/4/1975

27
Huỳnh Văn Thái
Thiếu uý Nhảy Dù- khoá 5/69 Thủ Đức
30/4/1975 tự sát tập thể cùng 7 lính Nhảy Dù tại Ngã Chợ Lớn

28
Nguyễn Gia Tập
Thiếu tá KQ- đặc trách khu trục tại Bộ Tư Lệnh KQ
Tự sát 30/4/75 tại BTLKQ

29
Trần Chánh Thành
Luật sư- cựu bộ trưởng bộ thông tin của TT Ngô Đình Diệm- nguyên thượng nghị sĩ đệ II Cộng Hòa
Tự sát ngày 3/5/75

30
Đặng Trần Vinh
Trung uý P2 BTTM, con của thiếu tá Đặng Sĩ Vinh
Tự sát cùng vợ con 30/4/1975

31
Nguyễn Xuân Trân
Khoá 5 Thủ Đức
Tự tử ngày 1/5/75

32
Nghiêm Viết Thảo
Trung uý, ANQĐ , khóa 1/70 Thủ Đức
Tự tử 30/4/1975 tại Kiến Hòa

33
Nguyễn Thanh Quan ( Quan đen )
Thiếu uý pilot PĐ 110 quan sát ( khóa 72 )
Tự sát chiều 30/4/1975

34

Phạm Đức Lợi
Trung tá P. 2 Bộ TTM, khóa 5 Thủ Đức, học giả,

nhà văn, thơ, soạn kịch…bút danh :

35
Phạm Việt Châu,
cựu giảng viên SNQĐ, trưởng phái đoàn VNCH thực hiện HĐ Paris tại Hà Nội
Tự sát tại nhà riêng ngày 5/5/1975

36

Hồ Chí Tâm
B2, TĐ 490 ĐP ( Mãnh Sư) TK Ba Xuyên (Cà Mau )
Tự sát bằng súng M16 trưa 30/4/1975 tại Đầm Cùn, Cà Mau

37
Phạm Xuân Thanh
Th/sĩ Trường Truyền Tin Vũng Tàu
Tự sát ngày 30/4/1975 tại Vũng Tàu

38
Bùi Quang Bộ
Th/sĩ Trường Truyền Tin Vũng Tàu
Tự sát ngày 30/4/1975 cùng gia đình 9 người

tại Vũng Tàu

39

Nguyen Hoa Duong
Dai uy truong Quan Canh Vung Tau
Tu thu ngay 30 /4/75,tai hang rao truong QC.


40
Cố Đại úy Nguyễn ánh Tước
DaiUy - Khoa III/TD - ANQD
Tu tu tai nha o Hoc Mon

41

Cao Hoài Cải
Phụ tá Trưởng Chi Chiêu Hồi- Q.Hòa Đa- Bình Thuận.
Đêm 17/4/1975- Ông uống thuốc độc quyên sinh tại nhà, Ấp Hiệp Phước- ChơLầu- Hòa Đa- Bình Thuận.


42


43

=========================

Danh sách này do một cựu SVSQ khoá 3/73 Thủ Đức sưu tầm từ những tư liệu không được đầy đủ,

cần cập nhật danh sách các anh hùng của QLVNCH để được đầy đủ và chính xác nhằm lưu danh cho hậu thế…


******************************************
========================================



[Cong Luan] Đại Tá Hồ ngọc Cẩn ...


VNCH - USA Flag

image


Đại tá VNCH Hồ Ngọc Cẩn nói lời cuối cùng trước khi bị Cộng Sản hành hình :

"Nếu tôi thắng trong cuộc chiến, tôi sẽ không kết án các anh như các anh kết án tôi. Tôi cũng không làm nhục các anh như các anh làm nhục tôi. Tôi cũng không hỏi các anh câu mà các anh hỏi tôi. Tôi chiến đấu cho tự do của người dân. Tôi có công mà không có tội. Không ai có quyền kết tội tôi. Lịch sử sẽ phê phán đoán các anh là giặc đỏ hay tôi là ngụy. Các anh muốn giết tôi, cứ giết đi. Xin đừng bịt mắt. Đả đảo cộng sản. Việt Nam muôn năm".

====================================

HOA

HOA

30-4-75 : TƯỞNG NIỆM

30-4-75 : TƯỞNG NIỆM
MỘT BỨC TƯỜNG ĐÁ HOA VINH DANH NGƯỜI VỊ QUỐC VONG THÂN

Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam

Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam

Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam

Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam
Tổ Quốc Tri Ơn

TUONG DAI CHIEN SI VIET MY

TUONG DAI CHIEN SI VIET MY
WESTMINSTER CALIFORNIA

10-26-2011 Theo Cung Menh Nuoc Noi Troi voi Ngoc Dan Thanh www.youtube.com

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu - President Nguyen Van Thieu Republic of Vietnam vnlib

Diễn văn lịch sử ngày Quân Lực 19/6/1973 -- Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu

Portraits Of Honour - The Faces By Thank A Soldier| 1 video

HẢI QUÂN VIỆT NAM CỘNG HOÀ MỘT THỜI VANG BÓNG

- Ngày Đau Thương Của Binh Chủng TQLC - QLVNCH.flv

LE CHAO CO DAU NAM 2011

LE CHAO CO DAU NAM 2011

Kizoa slideshow: MERRY CHRISTMAS & HAPPY NEW YEAR 2012

F-35B Ship Suitability Testing

Canh buom vuon xuan

Friday, April 9, 2010



=======================================
TỘI ÁC HỒ CHÍ MINH VÀ ĐẢNG CSVN:

NGÀY TÀN CUỘC CHIẾN V: NGÀY CHIM VỠ TỔ (II)


Lời Người Viết:

Một nén hương lòng thắp lên để tưởng nhớ đến tất cả những vong linh Anh Hùng Chiến Sĩ đã bỏ mình trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Để tưởng nhớ đến cố Trung Tá Khưu Văn Phát, cựu Phi Đoàn Trưởng và cố Thiếu Tá Đặng Đình Vinh, cựu Phi Đoàn Phó cũng như các hoa tiêu Phi Đoàn 215, Thần Tượng đã hy sinh vì Tổ Quốc.

Lời mở đầu:

Sau khi Ban Mê Thuột rơi vào tay Cộng Sản Bắc Việt ngày 12 tháng 3, bộ tư lệnh Quân đoàn II chỉ thị cho Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù dàn quân, mở phòng tuyến ngang đèo Phượng Hoàng tại Khánh Dương, con đường độc đạo nối liền tỉnh Dắk Lắk với Khánh Hòa, để ngăn chặn bước tiến của Bắc quân tràn xuống miền duyên hải. Trên QL-1, tại đèo Cả, vị trí chiến lược nối liền hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa được giao trách nhiệm cho hai tiểu đoàn Biệt Động Quân trấn thủ.

Ngày 1 tháng 4 hai nút chặn quan trọng này hầu như bị tan vỡ, Bắc quân chỉ còn cách Nha Trang hơn bảy tám chục cây số. Thành phố không có một đơn vị chủ lực quân nào còn lại để bảo vệ, coi như đã bỏ ngõ cho đoàn quân xâm lược tiến chiếm.

Trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng này, Nha thành hầu như ở trong một tình trạng vô chính phủ, vô luật pháp, bắt đầu rơi vào cảnh hỗn loạn. Tù nhân phá cửa quân lao đào thoát lấy súng ống cùng với những thành phần bất hảo lợi dụng thời cơ nước đục thả câu, bắn giết, cướp bóc nhiều nơi. Những người dân mạnh ai nấy tìm cách thoát khỏi thành phố. Một số đi bằng đường bộ hay đường biển và một số nhỏ bằng đường hàng không quân sự.

Trước tình thế khẩn trương này, Không đoàn 62 Chiến thuật tại Nha Trang bắt đầu mở cầu không vận di tản những thành phần cơ hữu. Vào ngày cuối cùng của tháng 3 năm 75, những cánh chim sắt của phi đoàn Thần Tượng được lệnh cất cánh rời bỏ tổ ấm. Có lẽ đây là một ngày đau buồn nhất cho những hoa tiêu của phi đoàn 215 Thần Tượng, những người đã may mắn được phục vụ cho một đơn vị đồn trú tại một thành phố đẹp tuyệt vời nằm kế cạnh bờ biển xanh cát trắng này.


PHẦN II

Tình huống của Trung Úy Võ Đăng Sang và Hậu trạm trong những giờ phút cuối

Tại bệnh xá Không đoàn 62CT, Nha Trang, Trung Úy Võ Đăng Sang tỉnh dậy, thấy mình đang nằm trong căn phòng nhỏ. Anh mơ hồ nhớ lại một vài tiếng trước đây anh đã bị “crashed” và sau đó không còn biết gì nữa. Đầu óc choáng váng vì thuốc mê chưa tan hẳn, Sang vẫn ý thức được rằng anh phải rời nơi này càng sớm càng tốt. Anh lảo đảo bước ra khỏi bệnh xá trong bộ đồ bay loang lổ máu đen, đầu quấn kín mít băng trắng chỉ chừa đôi mắt. Trước mặt là con đường nhựa vắng hoe, không một bóng người.

Một chiếc xe hai bánh chạy ngang hối hả, người lính trên xe không buồn nhìn Sang đang đứng vẫy tay bên lề đường. Thất vọng, Trung Úy Sang quay người nhắm hướng hậu trạm hàng không quân sự lê bước. Sau một đoạn đường dài, băng qua một vài barracks và một bãi đất trống Sang đến trước một phi đạo vắng vẻ, không một phi cơ lên xuống. Bỗng dưng anh nghe một tràng súng nổ vang.

-Tặc…tặc…tặc…tặc..

Sang giật mình, quay đầu nhìn.

-Tặc…tặc…tặc…tặc..Sang vội vàng ngồi xuống, đưa hai tay lên đầu trong một phản ứng tự nhiên.

Từ xa một chiếc xe Jeep màu xanh mui trần đang phóng tới, trên xe khẩu đại liên còn bốc khói. Viên Trung sĩ Quân cảnh ngồi trên xe hét t

-Anh là ai, làm gì ở đây? Anh biết đây là khu cấm địa hay không ?

-Tôi là Trung Úy Sang, thuộc phi đoàn Mãnh Sư!…

-Trung Úy có phải là người phi công vừa bị bắn rớt trước sân cờ mới đây không ?

-Chính tôi đây..! Chở giúp cho tôi tới hậu trạm giùm đi! Tôi muốn đi Sài Gòn gấp. Sang vội vã trả lời.

Nghe xong, viên Trung sĩ Quân Cảnh xuống giọng:

-Trung Úy lên xe đi!

Chiếc xe Jeep chở Sang chạy dọc theo taxiway về phiá hậu trạm của hàng không quân sự. Người Trung sĩ Quân Cảnh ngồi phía trước quay đầu nói với Sang:

-Nãy giờ chưa có chiếc máy bay nào vào bãi đậu cả. Hậu trạm quá hỗn loạn, làm sao tôi giúp Trung Úy được đây?

Thấy trước mặt một chiếc C-130 đang lăn bánh trên taxiway, Trung Úy Sang la lớn:

-Anh chạy theo chiếc vận tải giùm tôi đi,.. không chừng thấy tôi họ ngừng lại đó!

-Không được đâu, để tôi liên lạc với đài kiểm soát không lưu đã,…để họ liên lạc thẳng với phi công thì tốt hơn. Viên Trung sĩ bấm máy gọi đài .

Trên ghế bay, trưởng phi cơ của chiếc vận tãi C-130 của phi đoàn 437 vừa nhận được tin từ đài kiểm soát không lưu cho biết một Trung Úy hoa tiêu trực thăng đang bị thương cần được sự giúp đỡ của phi hành đoàn. Viên phi công cho chiếc tàu ngừng lại. Phía sau thân tàu, người áp tải thò đầu ra khỏi cánh cửa đưa tay ngoắc chiếc xe Jeep đang trên đường chạy đến. Trung Úy Sang vội vàng đứng lên chiếc xe Jeep chờ sẵn. Khi xe vừa cặp sát hông tàu, Sang nắm tay người áp tải, nhón người chui lọt vào bên trong. Đàng xa, hàng trăm đang đứng trước hậu trạm ùa tới đúng lúc chiếc vận tải C-130 vừa lăn bánh.

Tất cả những phi cơ của những phi đoàn đồn trú tại Không Đoàn 62 Chiến Thuật đã ra đi. Còn lại là vài ba ngàn người trong đơn vị yểm cứ và thân nhân đang di tản khỏi phi trường bằng đường hàng không. Khoảng ba giờ chiều tại hậu trạm hàng không Quân Sự, tình thế vô cùng rối ren, hỗn loạn. Ngoài những số hành khách chính thức nằm trong danh sách để được di tản, hàng ngàn quân nhân khác cùng gia đình un ùn kéo đến hậu trạm chờ đợi, nghe ngóng, hy vọng tìm được một chỗ ngồi nào đó trên những chiếc vận tải cơ C-130. Rất nhiều quân nhân trang bị vũ khí cá nhân đầy đủ như đang chuẩn bị ra mặt trận. Sự kiện đó sẽ là một mầm mống nguy hiểm khi tình trạng vô trật tự xảy ra.

Tại phòng đợi không còn đủ chỗ chứa, đột nhiên cả ngàn người, lính cũng như dân sự tràn ra đứng bên ngoài sân đông như kiến cỏ khi nhìn thấy chiếc vận tải cơ đang lăn bánh vào bãi đậu. Tiếng súng từ trạm gác trên cao nổ vang, những viên đạn bay xẹt trên đầu đám người đang chạy, chạm vào nền xi măng tóe lửa. Tình thế tại đây mỗi lúc càng thêm tệ hại. Tại văn phòng trên lầu hậu trạm trong những tiếng ồn ào náo nhiệt như họp chợ vang lên từ bên dưới, Trung Úy Hoa, Trưởng trạm khuôn mặt đỏ ửng, lấm tấm mồ hôi, mắt đeo đôi kiếng cận trắng, hét lớn trong điện thoại: “Thưa Đại tá,…Đại tá giúp cho, tôi cần rất nhiều chuyến C-130 mới chở hết tất cả những quân nhân gia đình binh sĩ KQ đang ở tại đây“. Bên kia đầu dây, Đại Tá Nguyễn Khoa Điềm, Chỉ Huy Trưởng Không Vận Không Quân trả lời:” Tôi không thể nào cho tàu ngừng lại để chở hành khách trong tình trạng hỗn loạn như thế…Anh phải nói với chỉ huy trưởng của anh làm sao để vãn hồi trật tự thì tôi mới tiếp tục…Tôi đã cho một số tàu chờ tại Phan Rang đến khi tình thế thay đổi.”

Tại bãi đậu vận tải trước mặt building của hậu trạm hàng không quân sự, khoảng ba giờ chiều Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Lượng, Chỉ huy trưởng Sư Đoàn II Không Quân, đích thân xuất hiện cùng với Trung Tá Thông chỉ huy trưởng phòng vệ phòng thủ. Theo sau là một chiếc thiết vận xa M-113, trên xe người xạ thủ đại liên đang ngồi thủ súng. Chuẩn Tướng Lượng ra lệnh tất cả quân nhân có mặt tại hiện trường phải tháo bỏ vũ khí cá nhân ngay tức khắc. Vũ khí đạn dược được tháo bỏ liệng xuống nền xi măng kêu rổn rảng. Tất cả được chất lại thành một đống cao. Trật tự tạm vãn hồi. Cầu không vận bắt đầu. Những chiếc C-130 của hai phi đoàn 435 và 437 đóng tại Tân Sơn Nhất được lệnh cất cánh. Từ ba giờ trưa những chiếc vận tải cơ liên tục đáp xuống phi trường Nha Trang bốc đi hàng ngàn người đang đứng chen chúc trước hậu trạm.

Mọi sự tiến hành trong êm đẹp cho đến khuya. Giờ phút cuối cùng, những người lính phòng vệ phòng thủ còn lại được chỉ thị rời bỏ vị trí canh gác ở những cổng ra vào phi trường, rút về hậu trạm để được di tản. Giây phút này tất cả cổng ra vào phi trường coi như bỏ ngõ. Trên bầu trời tối đen như mực, những viên đạn lửa bay vút lên cao như những vì sao xẹt, cùng với những tiếng súng nổ lác đác đì đùng đâu đó. Hình ảnh đó càng gia tăng thêm sự căng thẳng, ngột ngạt của một cuộc chiến hầu như đang đến hồi chung cuộc. Trong sự im lắng của đêm khuya có tiếng ì ầm vang vọng. Một chiếc C-130 từ trên trời cao đang hạ cao độ để vào cận tiến. Những chiếc đèn xanh đỏ gắn trên thân tàu lập lòe, nhấp nháy trong bóng đêm. Trong chốc lát, một tiếng rít khô khan nổi lên giữa đêm khuya thanh vắng, chiếc vận tải cơ chạm mặt đất lướt nhanh trên mặt phi đạo. Từ xa, trong bóng tối con tàu trông như một con quái điểu khổng lồ đang gầm gừ, dọa nạt. Ngồi trên chiếc ghế trưởng phi cơ, Đại Úy Phan Đình Hùng thuộc phi đoàn 437, cho con tàu chạy giữa hai hàng đèn màu xanh dương. Ánh sáng mờ ảo trong phòng lái phản chiếu khuôn mặt căng thẳng mệt mỏi của Đại Úy Hùng sau những phi vụ liên tục. Đây là chuyến bay cuối cùng của anh và cũng là chiếc C-130 cuối cùng của cầu không vận đáp xuống căn cứ Nha Trang để chở những người lính phòng thủ và phòng vệ đảm trách an ninh cho phi trường.


Chiếc vận tải cơ C-130 của phi đoàn 437cuối cùng của cầu không vận đáp xuống phi trường Nha Trang

Chiếc phi cơ lăn bánh chầm chậm trên taxiway hướng về hậu trạm. Như đã chuẩn bị trước, hàng trăm xe hai bánh, trên mỗi chiếc đèo bồng hai ba người, phóng như bay về hướng chiếc C-130. Ánh sáng của hàng trăm ngọn đèn xe chói lòa trong đêm tối trông vô cùng ngoạn mục. Tấm bửng sau đuôi tàu bắt đầu hạ xuống, hàng trăm người ào ạt chạy đến, chen lấn leo lên chiếc tàu đang lăn bánh, vứt bỏ sau lưng những chiếc xe gắn máy nằm ngổn ngang cùng với nhiều hành lý rải rác trên tarmac. Nhiều chiếc xe chưa chủ nhân chưa kịp tắt máy, ngọn đèn trước mũi còn cháy sáng, rọi tứ phía bốn bề xuyên qua bóng đêm, tạo nên một hình ảnh vô cùng hỗn loạn.

Từ phòng lái, Đại Úy Hùng nhìn qua ánh sáng nhập nhòa, một người đàn ông cỡ trung niên đứng sát bên người đàn bà tay bồng đứa con nhỏ, kế bên là ba bốn đứa trẻ đang ngồi bên những hành lý chất đống trên nền xi măng. Cả gia đình đã quá mệt mỏi, không còn đủ sức đối đầu với đám người đang giành giựt chen lấn leo lên tấm bửng mở rộng sau đuôi tàu, thờ ơ buồn bã nhìn chiếc máy bay to lớn đang lăn bánh trước mặt. Họ đã bỏ cuộc và chấp nhận ở lại, phó mặc cho số mệnh.

Nhìn cảnh tượng đáng thương này, Đại Úy Hùng thấy xót xa trong lòng, muốn giúp gia đình này ra khỏi căn cứ. Nhưng khi nhìn lại thực tại, anh biết là không thể được. Rồi trong một cử chỉ dứt khoát, Đại Úy Hùng tăng vận tốc, chiếc phi cơ lăn bánh ra phi đạo. Hình ảnh cả gia đình đang ngồi bên đống hành lý mờ dần theo bóng tối.

Chiếc C-130 cuối cùng của phi đoàn 437 đã rời phi trường Nha Trang. Cầu không vận coi đã như hoàn tất tốt đẹp. Tuy nhiên, đối với Đại Úy Phan Đình Hùng, nhiệm vụ của anh trong chuyến bay cuối cùng đó chưa bao giờ hoàn tất cả! Hình ảnh của một gia đình đứng sát bên nhau trên nền xi măng lạnh lẽo, tranh tối tranh sáng trong một đêm khuya khoắc đó vẫn luôn luôn ám ảnh trong tâm khảm anh,.. mãi mãi không bao giờ xóa nhòa…

Chín giờ tối – Phan Rang

Đứng trên triền đất cao, tôi đứng lặng yên nhìn xuống phi trường Phan Rang. Giữa hai hàng đèn màu xanh lơ chạy dọc theo phi đạo, một chiếc phi cơ đang cất cánh, những ngọn đèn màu trên thân tàu nhấp nháy. Xa hơn trước mặt, một vùng tối đen, những đốm sáng từ những làng mạc le lói trong bóng đêm. Thành phố Phan Rang gió cát đang yên ngủ. Nhìn về hướng bắc, Nha Trang chỉ cách vài chục phút bay đang chờ đợi bước chân của đoàn quân xâm lược. Ý nghĩ Trung Tá Thông đang còn kẹt lại phi trường Nha Trang làm tôi lo ngại. Lòng mang một mối sầu nặng chĩu trước viễn ảnh đen tối. Phan Rang giờ phút này đã trở thành Đông Hà, địa đầu giới tuyến. Một thực tại không tưởng!

Chiều này, khi theo chân hợp đoàn Thần Tượng hạ cánh xuống căn cứ 20 Chiến Thuật, tôi đã chứng kiến một cảnh tượng hỗn độn chưa từng thấy. Trên phi đạo, những chiếc phi cơ liên tục lên xuống. Đủ loại máy bay di tản từ phi trường Phù Cát và Nha Trang bay nườm nượp như đàn chim bị động ổ. Tại trạm nhiên liệu, trực thăng chen chúc, chờ đợi đổ xăng. Tiếng động cơ bán phản lực nổ ầm ỉ, cùng với tiếng chém gió kêu phần phật vang động cả một vùng. Những người lính không quân cũng như bộ binh đeo súng ống, chạy lui tới, cố giành dựt chỗ ngồi trên một chiếc tàu nào đó. Bầu không khí phản ảnh sắc thái cuộc chiến đến hồi chung cuộc.


Phi Trường Phan Rang
Căn cứ Phan Rang hiện có ba phi đoàn A-37 đang trú đóng và một phi đội trực thăng tải thương 259D. Thêm vào đó là một phi đoàn trực thăng Lạc Long 229, đồn trú tại căn cứ 72CT, những con trâu cày của mùa hè đỏ lửa năm 72 vừa mới được bỏ xung sau khi Pleiku bỏ trống cho Bắc quân. Tại đây chưa một lực lượng chủ lực quân nào đủ mạnh được chỉ định để bao để bảo vệ phi trường này. Những đơn vị nòng cốt như Lữ Đoàn 3 Nhảy dù đang bị vùi dập, tan nát tại mặt trận Khánh Dương; Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù hiện đang trấn thủ Sài gòn; Sư Đoàn 22 Bộ Binh đang bị áp lực mạnh của Cộng Quân tại Bình Định, trên đà tan vỡ; Hai Trung đoàn thiện chiến 44 và 45 của Sư Đoàn 23 Bộ Binh tại Pleiku cũng như các đơn vị Biệt Động Quân đã bị thiệt hại nặng sau cuộc lui quân trên con lộ máu 7B tại Tuy Hòa; Những tiểu đoàn tinh hoa của Thủy Quân Lục chiến, còn đang lênh đênh những hải vận hạm trong cuộc rút quân hỗn loạn tại Đà Nẵng. Trước tình thế hiện tại, với áp lực của Cộng Sản đang trên đà tiến nhanh tiến mạnh, sự sống còn của căn cứ 20 Chiến Thuật Phan Rang chỉ còn là yếu tố thời gian.

Theo như chỉ thị nhận được, phi đoàn Thần Tượng sẽ ở lại Phan Rang đêm nay và có thể bay về Tân Sơn Nhất ngày mai. Sau khi theo chân phi đoàn đáp đổ xăng, tôi chọn một bãi đất biệt lập, an toàn trên một ngọn đồi gần khu gia đình sĩ quan để đậu tàu qua đêm, không sợ bị đám người đang tìm phương tiện rời căn cứ tràn ngập.

Căn cứ Phan Rang với tôi là một vùng đất quá quen thuộc và có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Vào năm 73, sau khi quân đội Mỹ tại Phan Rang rút lui, căn cứ được chuyển giao lại cho Không quân Việt Nam. Lực lượng phòng thủ của Không đoàn Yểm cứ tại Phan Rang không đủ nhân lực để bảo vệ hữu hiệu cho một phi trường quá rộng lớn, có chu vi hơn hai chục cây số. Một trường hợp phá hoại đã xảy ra, khi hai chiến đấu cơ F-5E do Hoa Kỳ vừa mới tăng viện đã bị đặc công Việt Cộng dùng B-40 bắn cháy. Ngay sau đó, phi đoàn Thần Tượng liền được lệnh biệt phái hai chiếc trực thăng võ trang để tăng cường bảo vệ an ninh cho vòng đai căn cứ.

Sau những trận chiếc khốc liệt của mùa hè đỏ lửa năm 72 tại Tây nguyên cũng như tại mật khu An Lão Bồng Sơn, Bình Định, những ngày trực ứng chiến tại Phan Rang đối với chúng tôi được coi như là thiên đường.

Biệt đội 215 được chỉ định ở trong một “trailer” lớn, đặt dưới vòm xi măng bán nguyệt khổng lồ sát đầu phi đạo 04, khi xưa dùng để đậu những phản lực cơ chiến đấu của Không quân Mỹ, nay đã bỏ trống. Đây là khu cấm địa, nằm đơn độc, biệt lập, xa hẳn những cơ sở khác. Hai chiếc trực thăng võ trang có bổn phận ứng chiếc 24 trên 24, sẵn sàng cất cánh bất cứ lúc nào nếu có biến. Trong giai đoạn ngưng chiến “da beo“, sau khi hiệp định Paris ký kết ngày 27 tháng 1 cuộc chiến hầu như ngưng đọng, chỉ còn những phi vụ cắm cờ, ngăn chặn đặc công phá phách lẻ tẻ. Mười mấy nhân viên của biệt đội suốt ngày rảnh rổi, tha hồ đi đây đó trong căn cứ, hay lên Câu lạc bộ Sĩ quan trên ngọn đồi độc nhất của căn cứ ăn uống, đấu láo. Buổi trưa thì ra phố ăn cơm. Ai có đủ khả năng thì nhậu món chim sẻ nướng, một đặc sản đặt biệt của địa phương. Để giết thì giờ, một số anh em đã biến khu biệt đội thành một “xưởng” thủ công nghệ. Một anh cơ phi rất có tài về hội họa, đã lấy những tấm “móp” từ những thùng đạn dược vẽ hình lên rồi dùng dao nhỏ khắc hình nổi, tạo nên những bức hình tuyệt đẹp. Mỗi khi về lại Nha Trang, anh nào cũng lủ khủ xách về nhà nhiều bức tranh làm kỷ niệm. Thỉnh thoảng phi đội có những phi vụ liên lạc, đặt biệt là những chuyến bay lên Đà Lạt, để mua sắm rau cỏ, trái cây hay đi bát phố hoặc ngồi nhâm nhi cà phê Thủy Tạ sát bên bờ Hồ Xuân Hương. Một số hoa tiêu khu trục thường tháp tùng theo chơi. Có lẽ vì lý do đó nên chúng tôi rất được trọng dụng và “cưng chìu”.

Trong thời gian lưu trú tại đây tôi đã làm quen với số phi công khu trục. Trong đó có Thiếu Tá Hạnh, Trưởng phòng hành quân chiến cuộc, Đại Úy Dương Thiệu Chí thuộc phi đoàn Kim Ngưu 534. Riêng Thiếu Tá Hạnh đã may mắn có cơ duyên thoát khỏi Việt Nam cùng với tôi trên chuyến bay định mệnh của phi đoàn Thần Tượng vào giờ phút thứ 25*. ĐặC biệt Đại Úy Dương Thiệu Chí là một người tôi thường xuyên gặp gỡ. Anh thường theo tôi đi chơi trong những chuyến bay Đà Lạt, hay cùng về Nha Trang du hí tại quán Mộng nằm trên đường Biệt Thự*. Có những lúc đi bay được con mễng nào, tôi lại nhờ Đại Úy Chí “giúp đỡ” khi anh đang còn làm quản lý câu lạc bộ sĩ quan. Anh Chí là nhân vật khá đặt biệt. Anh có một khuôn mặt tròn với bộ râu chổi xể, lúc nào cũng nở nụ cười khẩy, ẩn chứa một cá tánh ngang tàng. Một lần vị chỉ huy trưởng đến thăm khu cư xá độc thân anh đang ở. Trước barrack có tấm bản lớn đề: “Khu độc thân ANDY“. Vị chỉ huy trưởng hỏi tại sao anh lại đặt cái tên Mỹ vô nghĩa lý như thế. Anh đã lễ phép trả lời:” Dạ thưa Đại Tá, đây không phải là tên Mỹ mà chữ viết tắt của “Ăn, Ngủ, Đ. I “.

Một nhân vật khác không thể nào không đề cập đến là Trung Úy Lý Tống thuộc phi đoàn Ó Đen 548, phi công khu trục thuộc loại đẹp trai, cao ráo. Có thể nói Lý Tống là một phi công ngông nghênh và cứng đầu nhất trong giới phi hành, qua những “thành tích” anh đã chứng tỏ trong thời gian tại ngũ. Anh đã đi du học tại Mỹ năm 1966 nhưng vì hành hung một cấp cán bộ nên đã bị sa thải về nước. Vài năm sau, nhờ sự can thiệp của Đại Tá Vũ Văn Ước, anh đã được tái gia nhập Không Quân, học Cessna (phi cơ quan sát loại nhẹ) ở trường bay Nha Trang. Đến năm 1973 Lý Tống được chuyển qua học khu trục cơ A-37 và được bổ nhiệm vào phi đoàn Ó Đen đồn trú tại Phan Rang. Lần đầu tiên tôi gặp anh khi tham dự buổi dạ vũ do anh tổ chức trên câu lạc bộ Si quan trên đồi, lúc anh đang làm quản lý. Vì bộ râu Hitler của anh đã làm cho tôi đặc biệt chú ý đến Lý Tống. Tôi hỏi tại sao anh lại để bộ râu trông buồn cười và quái đản như thế? Anh đã trả lời:” Vì lúc xưa còn nhỏ Hitler là thần tượng của anh, bây giờ anh muốn giống như hình ảnh đó“. Trong giai đoạn này, Đại Tá Đỗ Trang Phúc đang làm căn cứ trưởng. Ông là một vị Đại Tá nghiêm khắc, kỷ luật và có thể nói là bảo thủ. Nhảy đầm là một điều cấm kỵ, ngay cho cả những phi công hào hoa, lả lướt. Tuy nhiên việc cấm nhảy đầm đã được hủy bỏ vì một sự kiện đã xảy ra sau đây. Trong một buổi dạ vũ tổ chức cho Không đoàn, Lý Tống đã mướn một cô gái vũ “sexy” được trả tiền hậu hĩ để đến trước mặt Đại Tá chủ tọa biểu diễn. Theo sự dàn xếp, cô gái này phải đứng ngay trước mặt bàn “VIP” nhảy múa, không được đi đâu khác. Thấy cô gái này múa trước mặt quá lâu, Đại Tá Phúc đỏ mặt vì ngượng với các bà, đã kêu Lý Tống đến và ghé tai anh, bảo” Chú mày bảo cô ta đi chỗ khác ngay!” Anh Lý Tông đã nhanh nhẩu trả lời: “Đại Tá hoặc tiếp tục ngồi xem hoặc ra về chứ tôi không có quyền xen vào nghiệp vụ của cổ, nhất là do cô tự ‘ái mộ’ Đại Tá , chứ tôi không dính dáng gì cả“. Đại Tá Phúc hỏi gằn: “Vậy chú mày muốn tao làm gì?” Lý Tống bèn trả lời: “Anh em chỉ muốn nhảy đầm như thường lệ. Đâu có Căn cứ Không Quân nào cấm nhảy đầm đâu?” Vị chỉ huy trưởng bực mình nói:“Rồi!.. Tao cho phép nhảy đầm. Xong chưa?” Thấy Đại Tá Phúc xuống giọng, anh phi công ngang bướng này lợi dụng tình thế đòi điều kiện: “Xin Đại Tá phải đi một đường bay bướm trước anh em mới dám ra nhảy chứ!?” Đại Tá Phúc ở vào thế chẳng đặng đừng miệng càu nhàu: “Cả đời tao chỉ có hai ông Tướng Kỳ và Tướng Minh mới bắt được tao nhảy đầm thôi. Mầy là người thứ ba làm chuyện đó!” Trước sự reo hò của tất cả mọi người trong buổi tiệc, vị Chỉ huy trưởng “recglo” này miễn cưỡng bước ra sàn nhảy.

Ngoài việc nghiêm khắc trong vấn đề ăn chơi, tóc tai của nhân viên trong căn cứ cũng được kiểm soát chặt chẽ. Tất cả nhân viên phải ăn bận chỉnh tề và đầu tóc phải luôn luôn húi cao theo tiêu chuẩn ba phân. Mỗi buổi sáng thứ Bảy tại sân cờ, Đại Tá Phúc đi thanh tra với một anh Quân Cảnh. Vị nào tóc dài sẽ bị xén một đường “tông đơ” và sau đó sẽ tự ra tiệm “điều chỉnh” lấy. Một hôm Đại Tá Phúc đi ăn ở Câu Lạc Bộ Sĩ quan tình cờ gặp Lý Tống với mái tóc “hippy” đang ngồi đấu láo với bạn bè. Ông bèn hỏi:” Tại sao anh không đi chào cờ?” Lý Tống trả lời: “Thưa Đại Tá, tôi bận lo kiểm tra nhà bếp nên không đi chào cờ được“. Đại Tá Phúc giận dữ: “Tôi không cần biết lý do gì! Ngày mai anh trình diện tôi với đầu tóc ngắn ba phân, nghe chưa!” Sáng hôm sau Lý Tống trình diện vị Chỉ Huy Trưởng với cái đầu cạo trọc lóc cùng với bộ râu Hitler quái đản. Đại Tá Phúc tức giận gọi thẳng Đại Tá Không Đoàn Trưởng 92, Lê Văn Thảo, cự nự: “Thằng Lý Tống cạo trọc đầu có giấy phép bác sĩ chưa?” Cũng nên biết rằng nhân viên phi hành không được cạo đầu trừ khi có giấy đồng ý của bác sĩ vì lý do sức khỏe. Đại Tá Thảo binh đệ tử, trả lời: ” Tôi nghĩ ông không nên chọc tên khùng đó là hơn!”.

Đó là một vài hành động nói lên sự ngang ngược của Lý Tống. Tuy nhiên, ngoài cá tánh dị biệt đó, anh là một phi công can đảm, lỳ lợm, không bao giờ sợ hãi trước họng súng phòng không của địch quân. Sau khi Nha Trang mất, trong một phi vụ oanh kích để phá hủy chiếc cầu trên Quốc Lộ I, giữa Phan Rang và Nha Trang, ở cao độ bốn trăm bộ trên mặt đất, Trung Úy Lý Tống đã bị hỏa tiễn phòng không bắn rơi chiếc phản lực cơ A-37 của anh và đã bị Việt Cộng bắt làm tù binh.

Trong thời gian lưu trú tại Phan Rang, vài biến cố xãy ra đã ghi dấu ấn sâu đậm trong đầu tôi. Một buổi sáng đẹp trời, khoảng chín giờ, như thường lệ tôi lái chiếc xe pick-up chạy từ biệt đội lên Câu Lạc Bộ trên đồi để ăn sáng. Khi đang chạy trên taxiway, tôi nhìn về hướng phi đạo, một chiếc C-47 đang cất cánh. Khi chiếc phi cơ vừa lên được cao độ chừng vài trăm bộ, đột nhiên chiếc phi cơ nghiêng cánh quẹo 180 độ, chúi mũi đâm sầm xuống đất nổ bùng như một quả bom lửa. Tôi há hốc miệng, tưởng chừng như mình vừa bị hoa mắt! Về sau tôi được biết chiếc phi cơ bị lâm nạn đó thuộc phi đoàn 817 Hỏa Long, đồn trú sát nách phi đoàn Thần Tượng. Cảnh tượng chiếc phi cơ cháy bùng trong biển lửa cùng với phi hành đoàn đã xáo động tâm hồn tôi không ít. Tai nạn đó như đã nhắc nhở tôi rằng cuộc đời tung mây lướt gió của người phi công như chỉ mành treo chuông. Cái sống cái chết chỉ là một cái trở bàn tay.

Một biến cố thứ hai đã xảy ra dưới một sắc thái khác. Một đêm nọ, trong một bữa tiệc tiển đưa một người bạn cố vấn dân sự Mỹ về nước tại câu lạc bộ Sĩ quan trên đồi, khi tôi đang ngồi ba hoe chích chòe với mấy người bạn Hoa Kỳ, đột nhiên Thiếu Tá Trương Khương, Trưởng đoàn Phòng Thủ, từ ngoài hốt hoảng chạy vào. Thiếu Tá Khương là anh ruột của một người bạn thân học chung lớp ở trường trung học, có một thời gian đã ở đối diện nhà tôi tại Nha Trang. Tôi luôn luôn xem Thiếu Tá Khương như là một người anh trong gia đình. Thấy tôi, Thiếu Tá Khương vội vàng đến gần nói:” Có mấy thằng đặc công Việt Cộng vừa cắt hàng rào chui vào căn cứ! …Tao với mày lên trời soi đèn kiếm tụi nó. Lẹ lên!” Nhìn nét mặt đỏ ửng của tôi, anh khựng lại vài giây: “Mày say chưa!…bay có được không đó?” Tôi bật cười, trấn an: ” Chưa đâu anh Khương ơi!… Anh đừng lo, có mấy chai bia ăn nhằm gì. Để tôi thông báo với phi hành đoàn bay chiếc võ trang thứ hai chuẩn bị.” “Không cần đâu!…một chiếc đủ rồi!”

Chiếc xe pick-up chở tôi và người hoa tiêu phụ phóng hết ga về biệt đội. Leo lên chiếc trực thăng võ trang, tôi vội vàng quay máy. Thiếu Tá Khương nhảy lên ngồi giữa hai ghế bay, trên thùng đạn mini-gun. Cho con tàu ở độ thấp vài trăm bộ, tôi cắm đầu hướng về địa điểm nghi ngờ đặc công Việt Cộng đột nhập. Tới gần hàng rào kẽm gai phòng thủ, tôi bật ngọn đèn pha dưới bụng tàu. Cuộc săn người bắt đầu!

Cho con tàu bay thật chậm, tôi rọi đèn dọc theo hàng rào phòng thủ. Tiếng động cơ cùng tiếng chặt gió phành phạch, vang dội trong đêm tối. Một con mễn bất ngờ bị bắt gặp, hốt hoảng phóng vụt ngang bụng tàu rồi biến mất dạng vào bóng đêm. Tàu bay ngang một vọng gác bằng gỗ khá cao, một anh lính đang quét ngọn đèn pha qua lại trên đầu những lùm cây.

Sau gần một tiếng đồng hồ quần quật sục sạo, tôi bắt đầu thấy hết hy vọng. Cái cảm giác căng thẳng, nôn nóng lúc ban đầu đã tan biến, tôi bắt đầu thấy mệt. Định lấy điếu thuốc ra hút xả hơi, đột nhiên linh cảm một điều gì khác thường, tôi quay đầu nhìn ra sau khoang tàu:

-”Ủa!…xạ thủ đâu rồi, sao không thấy?”

Anh mê vô đang ngồi thủ cây súng sáu nòng trả lời tỉnh rót:

-”Thằng Lan nó… nhảy xuống lúc nảy rồi!” .

-”Cái gì!…mày nói cái gì? Nó nhảy hồi nào?…Lúc sắp cất cánh tao còn thấy nó mà!”

-”Nó nhảy lúc Trung Úy đang taxi…Khi tàu quay máy, nó có nói với tôi hình như Trung Úy đang say rượu, chắc nó không dám bay đâu.”

-”Mẹ!..thằng cà chớn,..về biết tay tao! Ông Thiếu Tá đây không sợ bay với tao mà nó sợ. Đồ..”

Tôi chưa dứt câu, thì thấy Thiếu Tá Khương chồm lên từ sau lưng ghế bay chỉ xuống dưới la t

-”Có người chạy!… đó…đó…bắn!…bắn!…”

Vừa nghe Thiếu Tá Khương la, tôi vội vàng nhìn xuống dưới. Loáng thoáng vài bóng đen từ mấy bụi rậm vụt ngang dưới bụng chiếc trực thăng.

-”Minigun!…Minigun!” Vừa la, tôi vừa tôi vừa gặt cần lái. Con tàu chao đảo! Ngọn đèn pha quét những luồng ánh sáng hối hả ngang dọc trên mặt những bụi rậm.

Khẩu mini-gun quay tít, gầm lên như bò rống. Trước mũi súng, một bầu lửa sáng rực, chói sáng cả con tàu. Hàng ngàn viên đạn hối hả tuôn ra, vung vãi, tưới xuống đất những lằn lửa đỏ ối. Ở một cao độ quá thấp, những viên đạn lửa chạm mặt đất cát tiếp tục cháy, tạo nên những đốm đỏ chi chít trong bóng tối. Thiếu Tá Khương chồm hẳn ra ngoài sàn tàu, mở mắt tìm. Thần kinh kích động mạnh, mấy lon bia trong cơ thể tôi như tan biến theo âm thanh nhức nhối của khẩu súng sáu nòng nổ sát bên tai.

-”Ngừng bắn!…Ngưng bắn!…Đủ rồi!” Tôi hét to.

Tiếng súng ngưng bặt!… còn tiếng đập gió phành phạch của cánh quạt cùng với tiếng động cơ ầm ĩ trong đêm thanh vắng.

Mấy bóng đen biến mất dạng trong bóng tối! Như con hổ đói vuột mất con mồi, tôi cuống quýt lái chiếc trực thăng vòng vèo trên đầu mấy bụi cây, sục sạo. Ánh đèn vụt ngang những lùm cây thấp im lìm. Không một dấu vết của những tên giặc trong tầm mắt! Bốn cặp mắt mở lớn tìm kiếm trong vô vọng. Một con thỏ, đôi mắt sáng xanh, đứng sững dưới ánh đèn, ngơ ngác như vừa bị đánh thức dậy vì tiếng động ầm ĩ của con tàu.

Đêm đã khuya. Sau một thời gian bay vòng vèo sục sạo không dấu vết, mọi người bắt đầu mệt mỏi. Thiếu Tá Khương vói tay khều vai tôi:

-”Thôi đáp đi,…đủ rồi! Để lính phòng thủ lo.”

Tôi hướng con tàu về bãi đậu chỉ cách vài ba cây số. Giờ này có lẽ mọi người trong biệt đội đã ngủ say. Tắt máy tàu, tôi bước xuống đất, tay xách nón bay, chân lê bước trên “tarmac”. Hình ảnh của mấy bóng đen thấp thoáng trong bóng đêm vẫn còn ám ảnh trong tâm trí.

Ngày hôm sau thức dậy, tôi được tin báo của Thiếu Khương cho biết: lính phòng thủ phác giác hai tử thi bận đồ đen, nằm chết xa ngoài vòng đai ngoài phi trường. Tôi tự hỏi, có phải hàng ngàn viên đạn vung vãi trong bóng tối đêm qua là nguyên nhân cái chết của những tên đặc công phá hoại? Câu trả lời chắc không cần thiết nữa. Những tên giặc đã trả giá đắt cho âm mưu phá hoại của chúng!

Ngoài phi vụ tìm kiếm mấy tên đặc công, thời gian biệt phái trực ứng chiến được coi như là giai đoạn nhàn nhã, “ăn không ngồi rồi“. Người ta thường nói “nhàn cư vi bất thiện” quả không sai. Một ngày nọ nổi máu ham nhảy đầm, tôi tổ chức một buổi dạ vũ “bỏ túi” tại “trailer” của biệt đội. Rượu chè đã có mấy anh cố vấn Mỹ cung cấp, chỉ cần có mấy em gái hậu phương là cuộc vui thành hình. Đêm hôm ấy, dưới ánh đèn màu dã chiến của mấy đèn nê ông bọc vải đỏ và tiếng nhạc du dương từ cái máy cassette nhỏ xíu, chúng tôi bắt đầu cuộc vui. Đột nhiên có tiếng điện thoại reo. Tôi bốc máy trả lời. Bên kia đầu giây là một giọng nói Bắc kỳ ngọt ngào nhưng không kém phần lạnh lùng:

-Cho tôi gặp Trung Úy H…!

-Tôi đây!.. xin lỗi ai đầu giây?

-Tôi là Trung Tá Phạm Bính!…có phải anh đang có party nhảy đầm ở đó hay không?

Vừa nghe xong, tay chân tôi rụng rời! Không phải rụng rời vì sợ tù tội, nhưng rụng rời vì sợ “chưa vui sum hợp đã buồn chia ly“. Trung Tá Phạm Bính là một cựu phi đoàn trưởng Thần Tượng của tôi, rất đẹp trai nhưng không kém phần nghiêm khắc. Tôi đã bao lần khốn đốn với vị chỉ huy này vì những hành động vượt ngoài quân kỷ của phi đoàn như có mái tóc quá dài, trốn chào cờ hay là chở bạn gái cũng như chiếc xe Honda 90 trên tàu gunship (trực thăng võ trang tuyệt đối không được chở bất cứ gì) trong những kỳ đi biệt phái. Có những lần bay hành quân tôi đã giật (jettition) bỏ hai cánh cửa hai bên phòng lái để cho mát và dễ thấy Việt Cộng hơn. Sau đó tôi đã bị Trung Tá Bính cảnh cáo và dọa sẽ nghiêm phạt nếu tái phạm. Nhưng chính tôi cũng đã bị trả giá đắc vì hành động đó. Nhiều phi vụ xạ kích, vì không có cửa che nên nhiều lần những tàn lửa của hỏa tiễn phóng đi đã chui lọt vào trong cổ áo bay đốt cháy da cổ, nóng đến độ tôi muốn nhảy ra khỏi tàu. Một lần khác tàn lửa đã đốt cháy lớp bọc áo giáp sau lưng làm tôi tưởng là tàu bị bốc khói. Một thời gian sau Trung Tá Bính được thuyên chuyển ra Căn cứ 20/CT tại Phan Rang với chức vụ Liên đoàn trưởng LĐ 92 CT.

Đúng là chạy trời không khỏi nắng! Và giây phút này tôi đang đối diện với “người xưa”. Miệng lúng búng, ngập ngừng chưa biết trả lời sao cho hợp lý thì Trung Tá Bính gằn dọng nói tiếp:

-Anh có biết khu anh đang ở là khu cấm địa hay không? Ngay cả những quân nhân Không quân cũng không được lai vãng, thế mà anh lại dẫn gái vào! Anh cho biết tên người lính gác cổng nào đã cho anh đem gái vào tôi sẽ có biện pháp…

Biết là không xong rồi, tôi đành phải thành thực “khai báo“:

-Thưa Trung Tá, đâu có người lính nào cho phép đâu. Tôi chở mấy cô bạn gái vào bằng trực thăng, dạ thưa Trung Tá!…

-Được rồi,.. anh bỏ điện thoại xuống và đi ra ngoài cửa, thấy gì báo cáo cho tôi biết!

Hơi ngạc nhiên, tôi bỏ điện thoại xuống bước ra tới cửa nhìn ra ngoài. Dưới ánh đèn pha rọi sáng trưng, ngay trước cửa cạnh hai chiếc trực thăng đang đậu là hai chiếc xe Quân Cảnh chở đầy nhóc lính.

-Thưa Trung Tá,… tôi thấy mấy xe Quân Cảnh.

-Vì còn nể anh, tôi chưa ra lệnh Quân Cảnh vào trong biệt đội. Bây giờ anh phải giải tán mấy cô gái ngay tức khắc không thì tôi sẽ bảo Quân Cảnh bắt nhốt anh ngay!

Nghe xong tôi cố vớt vát:

-Thưa Trung Tá, đêm đã khuya rồi làm sao mà tôi dám chở mấy cô bạn ra phố Phan Rang được, đường xa không an ninh. Xin Trung Tá cho phép tôi tới sáng mai được không ạ?

Bên kia im lặng một vài giây:

-Được,…lần này tôi tha cho anh. Ngày mai anh biết phải làm gì rồi phải không?

Hơi mất vui vì không được nhãy đầm, nhưng không đến nổi “đau khổ” vì chưa mất lô “an ủi” đêm nay, tôi vội vàng trả lời:

-Dạ vâng,…Trung Tá! Nói xong tôi cúp điện thoại rồi quay qua mấy cô bạn đang đứng lẩn quẩn gần cái máy cassette đang phát rỉ rả tiếng nhạc xập xình:

- Tụi mình bị bể độ rồi!..Thôi!… tối nay mình nhậu lai rai đỡ buồn đi!

Cuốn phim dĩ vãng đang quay tới đoạn này,.. bỗng có tiếng xé gió làm tôi tỉnh giấc, ngẩn đầu nhìn. Trên trời cao, hai chiếc khu trục cơ A-37 vừa hoàn tất phi vụ đánh đêm, nghiêng cánh chuẩn bị đáp. Những cánh chim sắt vừa thi hành xong nghĩa vụ bảo vệ sơn hà trong cơn nguy biến trở về. Bài Không Quân Hành Khúc văng vẵng trong đêm vắng.

Ðôi cánh tung hoành vượt trên mây xanh
Ta là tinh cầu bay trong đêm trăng
Ðây đó hồn nước ơi !
Không quân Việt Nam vút trên ngàn mây gió…

Một niềm kiêu hãnh chợt dâng ngập lòng! Đứng yên một lúc nhìn xuống phi đạo rồi tôi quay người bước đến bên chiếc trực thăng đang đậu im lìm trong bóng đêm. Trên khoang tàu cửa mở, anh tôi đang nằm gối đầu trên chiếc nón sắt, mắt mở lớn nhìn vào khoảng không.

-Chắc anh đói lắm rồi phải không? Mình đi kiếm gì ăn nghe!

Anh tôi ngồi bật dậy. Hai anh em sánh vai rảo bước trên con đường đến Câu lạc bộ nằm trên đồi cao. Trên con đường nhựa nhỏ dẫn lên đồi, nhiều người, từng nhóm đang vội vã rảo bước. Căn cứ Phan Rang hôm nay rộn rịp khác thường. Cái rộn rịp của sự căng thẳng, sặc mùi chiến tranh! Lên tới đỉnh đồi đến trước cửa nhà ăn. Một nhóm người bận đồ bay vừa bước ra khỏi Câu lạc Bộ.

-Ê,…đi đâu đó?…Mãnh Hổ!

Tôi ngạc nhiên nghe ai gọi. Chỉ có những hoa tiêu trực thăng gần gủi với tôi mới biết danh hiệu này (tên gọi của trực thăng võ trang phi đoàn Thần Tượng). Trước mặt tôi, năm sáu pilots, trang bị áo lưới, súng ống đầy người, tay xách túi bay vừa bước ra khỏi nhà ăn. Tôi nhận ra ngay hai thằng bạn cùng khóa, hoa tiêu của phi đoàn 229 Lạc Long.

-Trời đất!…lâu quá! Tôi vừa nói lớn, vừa bước đến gần “hai con trâu cày” của miền Cao nguyên đất đỏ, “phố núi cao“.

Trước mặt tôi, Đại Úy Hoàng “mun“, phụ tá sĩ quan hành quân của Lạc Long. Kế bên là Đại Úy Trịnh Toàn Tân, anh em thường gọi là “Trịnh tòn teng“, sĩ quan huấn luyện phi đoàn 229, là một người bạn rất thân, vừa là “roommate” vừa là “flightmate” của tôi bên trường bay. Đi phía sau là Trung Úy Lê Quang Vinh, phi đội trưởng trực thăng võ trang thoát chết trong một phi vụ đi bốc một hoa tiêu khu trục bị bắn rơi trong lòng địch tại mặt trận Cao nguyên.

Khóa tôi có gần ba chục tên về nước, ngoại trừ năm bảy tên được bổ nhiệm đi các nơi khác, tất cả số còn lại “được” chỉ định lên Pleiku làm nòng cốt cho phi đoàn tân lập 229, Lạc Long. Riêng tôi và Phạm Thành Rinh, chết trong mặt trận Kontum “Mùa hè đỏ lửa”, là được bổ nhiệm về phi đoàn Thần Tượng, trú đóng tại “miền thùy dương cát trắng”. Tên gọi Hoàng “mun” đã tự giải thích lấy, anh là một nhân vật đặc biệt. Lúc còn học sinh ngữ tại Lackland, Texas, đa số anh em đều nói tiếng Anh ú ớ, ngọng nghịu. Riêng có Hoàng “mun” là nói tiếng Anh như máy. Không những sành sõi về văn phạm, mà cách phát âm của hắn không khác gì là một anh Mỹ chính cống “con nai vàng”. Sau mới biết Hoàng “mun” là con nuôi của một mục sư Tin Lành từ lúc còn nhỏ. Cũng nên biết Đại Úy Hoàng “mun” là một hoa tiêu đậu ưu hạng tại trường bay ỏ Hoa Kỳ.

Tay bắt mặt mừng, chưa kịp chào hỏi xong thì đột nhiên Hoàng “mun” lên tiếng trước:

-Ê!…, mày có biết ông Trung Tá Thông nào không? Lúc nãy tụi tao thấy ổng chạy đi kiếm mày đó!

Nghe giọng nói của Hoàng “mun” như có pha một ít âm hưởng của một người Mỹ nói tiếng Việt.

-Ủa!…thiệt không mày? Tao nghỉ rằng ông đang còn ở Nha Trang chớ!

-Tụi tao không biết! Khi tụi tao đang ăn tại Câu lạc Bộ thì thấy ông rất hốt hoảng, chạy lung tung kiếm mày đó.

Hoàng “mun” nói tới đó, đột nhiên từ cửa Câu Lạc Bộ, Trung Tá Thông bước ra. Đầu không nón, trên mặt lấm tấm mồ hôi, thấy tôi đang đứng Trung Tá Thông ngạc nhiên và mừng rỡ, nói:

-Trời…, mày trốn chỗ nào mà tao kiếm khắp nơi không thấy?

Tôi trố mắt nhìn, ngạc nhiên không kém:

-Ủa Trung Tá vô đây hồi nào vậy? Tôi cứ đinh ninh ông đang còn ở Nha Trang chứ!

-Tao có chuyện quan trọng ở Phan Rang. Lúc nảy tao theo C-130 xuống đây, bây giờ cần phải trở ra lại Nha Trang gấp. Không có máy bay nào từ Phan Rang đi Nha Trang giờ phút này cả. Mày giúp giùm, chở tao ra Nha Trang lại đi!

Vừa nghe Trung Tá Thông nói xong, tôi hoảng hồn:

-Trời,…ông nói thiệt hay nói chơi đó? Tụi Việt Cộng giờ này chắc vô tới Nha Trang rồi,…không được đâu!

-Tụi nó chưa vô tới đâu. Tao cần phải ra lại Nha Trang bất cứ giá nào. Chỉ có mình mày giúp tao được mà thôi.

Tôi ngần ngừ một lúc:

- OK!… nhưng tôi chỉ thả ông thôi, chứ không trở lại đón đâu nghe! Nhưng khoan đã chờ tôi kiếm gì ăn. Đói bụng quá rồi!

Trung Tá Thông lộ nét mừng rỡ:

-Trên xe tao có mấy ổ bánh mì thịt, ăn đỡ đi. Còn vụ đón tao,… mày đừng lo, tao sẽ tự xoay xở lấy!

Tôi quay qua hai thằng bạn Lạc Long đang còn đứng trước mặt:

-Nè,..tàu tao thiếu nhiều đèn “instrument” lắm. Không có là không bay đêm được, tụi mày cho mượn tạm một số được không?

Đại Úy Trịnh “tòn ten” nãy giờ đứng im, chen vô:

-Được!… mày chạy xuống chỗ tàu tụi tao đậu gần phi đạo, muốn gỡ bóng đèn nào thì cứ tự nhiên.

Rồi như quan tâm cho sự an toàn của tôi, Tân nói tiếp:

-Cẩn thận nghe mày… Theo tao nghĩ thì mày nên tắt tất cả đèn khi bay vào không phận Nha Trang cho chắc ăn.

Tao nghe nói tụi đặc công đã đột nhập vào thành phố nhiều lắm. Thôi mày đi đi…Chúc mày may mắn!

Nói xong Tân ôm tôi siết chặt. Cử chỉ bất ngờ của một người bạn thân đã làm tôi xúc động. Tôi chào từ giã rồi quay người cùng người anh ruột bước nhanh đến bên chiếc xe Jeep của Trung Tá Thông đang chờ. Chiếc xe chạy nhanh xuống đồi. Bất chợt nhìn thấy một hoa tiêu đang đứng bên đường, tôi vẫy tay la lớn:

-Thạch…, Thạch! Chiếc xe Jeep ngừng lại.

-Ê Thạch!…Lại đây tôi nói cái này…, tôi sắp bay về lại Nha Trang bạn bay với tôi nghe!

Miệng đang phì phèo điếu thuốc, Thạch trố mắt nhìn tôi:

-Trời!… giờ này mà còn đi Nha Trang à? Anh có điên không, tụi Việt Cộng vô tới nơi rồi đó!…

Thạch là một hoa tiêu phụ đã bay với tôi nhiều phi vụ nhất trong phi đội trực thăng võ trang và một người bạn rất thân tình. Trong một chuyến đi du hành Đà Lạt khi đang còn biệt phái cho căn cứ Phan Rang, Thạch và tôi tình cờ gặp hai cô con gái trẻ, xinh đẹp, đang ngồi ăn kem trong tiệm cà phê Thủy Tạ, sát bên bờ Hồ Xuân Hương. Sau vài câu tán tỉnh làm quen chúng tôi được phép ngồi chung bàn. Thạch là một phi công dong dỏng cao, đẹp trai và rất “hippy” nên được lòng nhiều cô gái trẻ. Sau vài tiếng đồng hồ nói chuyện vui vẻ, chúng tôi đã thuyết phục được hai cô gái nhí nhảnh này leo lên chiếc trực thăng đang đậu sát bờ hồ, về Phan Rang “chơi” một đêm cho biết thành phố. Ngày mai sẽ có máy bay đưa hai cô trở lại Đà Lạt. Tưởng đây chỉ là chuyện vui bên lề của đời phi công, ai ngờ chỉ sau một đêm gần gũi, một cô đã yêu Thạch say đắm và chấp nhận làm vợ chàng phi công “hippy” đó suốt đời. Đúng là một chuyến bay định mệnh!

Thấy Thạch có vẻ lo ngại, tôi thuyết phục:

-Tụi nó chưa vô tới đâu. Trung Tá Thông vừa ở đó về đây nè!

Nghe tôi nói xong, Thạch gật đầu rồi leo lên xe chiếc xe Jeep. Chuyến bay đã được xếp đặt ổn thỏa.

Từ trên đồi cao, chiếc trực thăng cất cánh lên bầu trời tối đen, nhắm hướng Nha Trang trực chỉ! Trong ánh sáng mờ ảo của phòng lái, thấy Thạch đang dán mắt nhìn vào dàn phi kế được soi sáng bằng những bóng đèn màu đỏ, nét mặt lộ nét ưu tư, tôi hỏi:

-Sao!…bây giờ bà xã Thạch đang ở đâu vậy?

-Tôi gởi đi Sài Gòn hôm qua rồi!

Đột nhiên Thạch chuyển đề tài:

-Này,..tôi thấy mình không nên phải mạo hiểm làm gì. Nếu muốn từ chối mà Trung Tá Thông khỏi buồn thì… mình cứ nói đại là tàu hư rồi quay về ông đâu có biết. Vả lại bay trong đêm tối thui này mất vui quá!

-Không nên vậy Thạch à,… tôi đã hứa!..Đừng lo Thạch,…không có gì xảy ra đâu! Tôi vỗ về, trấn an người hoa tiêu phụ.

Chiếc trực thăng đơn độc giữa bầu trời tối đen sâu thẳm. Phía dưới, những đốm sáng nhỏ từ những làng mạc nhấp nháy cho ảo tưởng của những vì sao đêm. Một vài đám cháy rừng đang âm ỉ cháy tỏa ánh sáng lung linh. Trên Quốc lộ-1 đang chìm trong bóng đêm, rải rác ánh đèn của những chiếc xe chạy về hướng Phan Rang.

Giao cần lái cho Thạch, tôi lướt nhìn dàn đồng hồ phi kế, tất cả đều bình thường. Tiếng động cơ nổ đều đặn. Đa số trực thăng không được trang bị đầy đủ phi cụ để bay đêm như những phi cơ có cánh (fixed wings). Tại trường bay, những khóa sinh chỉ được huấn luyện bay IFR (Instrument Flight Rules) qua loa một vài giờ là trở về nước. Cho nên bay trong những đêm tối đen ở những vùng rừng núi, hay bay vô mây là một điều tối nguy hiểm cho những hoa tiêu chưa đủ kinh nghiệm.

Khi bay trong đêm tối trời, hay là bị vô mây, phi công không còn thấy mặt đất cũng như đường chân trời và phải dựa hoàn toàn vào những đồng hồ phi kế để điều khiển con tàu. “Vertigo” là một danh từ quen thuộc đối với nhân viên phi hành, dùng để chỉ người phi công bị lâm vào tình trạng bị ảo giác (hallucination) mất khả năng định hướng (disorientation) và không còn điều khiển con tàu chính xác được nữa. Một vài trường hợp đã xảy ra khi bay trong đêm tối không trăng sao, trên những vùng xa xôi hẻo lánh, những ánh đèn le lói từ những thôn xóm có khi làm những phi công đang lâm vào tình trạng bị “vertigo” đã tưởng là ánh sao trời và cuối cùng đã đâm tàu xuống đất. Đa số tai nạn xảy ra vì “vertigo” thường đưa đến tử vong.

Một trường hợp hoa tiêu bị “vertigo” đã xảy ra cho một phi hành đoàn Thần Tượng. Đây có thể nói là một giai thoại hay là cũng một bi hài kịch. Anh em trong phi đoàn khi được nghe kể lại đã cười ra nước mắt! Trong một phi vụ trở về Nha Trang từ phi trường Pleiku, Trung Úy Hòa “test” (test pilot) trưởng phi cơ đã bay cùng với Trung Úy Tân “kiến” là hoa tiêu phó. Ngồi thùng – danh từ của trực thăng ám chỉ những hoa tiêu ngồi phía sau khoang tàu- có khoảng ba bốn hoa tiêu của phi đoàn cùng mấy người mê vô xạ thủ trở về căn cứ gốc sau hai tuần biệt phái tại Pleiku.

Đường về Nha Trang từ Pleiku vào mùa mưa hay bị sương mù che phủ, trần mây thấp. Mấy năm trước đây, một chiếc máy bay của phi đoàn Thần Tượng đã đâm sầm vào triền núi vào một buổi chiều mù sương trên đường trở về căn cứ Nha Trang. Không một ai trên tàu sống sót. Ngày hôm đó cho dù thời tiết rất xấu, Trung Úy Hòa ngồi ghế trưởng phi cơ đã quyết định cất cánh bay về Nha Trang. Sau hơn ba mươi phút bay, khi tàu vừa qua khỏi Cheo reo, Phú Bổn thì thời tiết càng tệ hại. Bầu không khí mù mịt, nặng chĩu hơi sương. Trong phòng lái, Trung Úy Hòa nhìn ra ngoài trời, trong lòng bấn loạn. Chiếc trực thăng đơn độc tiếp tục lầm lủi lướt trên mặt rừng cây, bay xuyên qua những cụm mây treo lơ lững trong không khí. Trần mây xám xịt mỗi lúc mỗi hạ thấp dần trên mặt rừng âm u. Thấy thời tiết quá bi đát, Trung Úy Hòa quyết định quay trở về Pleiku trước khi quá trễ. Đột nhiên, giữa trần mây xám trước mặt tàu một khoảng trống nhỏ vừa hé mở, để lộ bầu trời trong xanh. Như tìm được lối thoát, không một giây suy nghĩ, Trung Úy Hòa kéo cần lái. Chiếc trực thăng ngóc đầu vươn lên cao độ chui qua lỗ trống. Chưa lên tới nửa tần mây, bầu trời xanh đột nhiên biến mất. Mây trắng bủa vây chiếc trực thăng chậm chạp. Từ phòng lái nhìn ra chỉ thấy toàn một màu mây trắng đục. Bên ghế co-pilot, Tân “kiến” tái xanh mặt, còn Trung Úy Hòa thì thất thần, tay cầm cần lái mắt mở lớn nhìn vào dãy đồng hồ trước mặt. Ba đồng hồ quan trọng nhất trong trường hợp bay vào mây là đồng hồ vận tốc, đồng hồ cao độ và đồng hồ vị thế (gyroscope dùng để chỉ vị thế của con tàu đối với đường chân trời).

Sau vài phút trong mây mù, Trung Úy Hòa mất bình tỉnh, tay chân bắt đầu quờ quạng thấy rõ. Ngồi ngay sau hai ghế bay là Trung Úy Vinh và Trung Úy Học, hai hoa tiêu người Huế, có giọng nói đặc kẹo, đang chen nhau chồm về phía trước. Đột nhiên Trung Úy Học chỉ vào cái đồng hồ trước mặt, la lớn:

-”Ê!..ê…ê…, coi chừng! “

Bốn cặp mắt đổ dồn vào cái đồng hồ vận tốc đang chỉ gần như”zero” knots! Chiếc trực thăng hầu như đang đứng lại giữa không trung. Trung Úy Tân “kiến” là người có phản ứng đầu tiên, vội thò tay nắm cần lái (cyclic) đẩy về phía trước. Kim đồng hồ vận tốc tăng dần…Trong vài phút sau, chiếc trực thăng đột ngột rung mạnh. Đồng hồ chỉ vận tốc con tàu đang bay 120 knots và đang gia tăng tốc độ (vận tốc tối đa của UH-1 là 120 knots).

-”Trời!…trời!…trời!… kẹo…kẹo…kẹo”. Ngồi sau, Trung Úy Vinh “huế” vừa chồm người lên trên cockpit, miệng vừa la làng, vừa vói tay chụp cần lái trước mặt Trung Úy Hòa kéo về phía sau.

-”Đậy…, đậy…!” Tới phiên Trung Úy Học hốt hoảng chồm người đẩy cần lái về phía trước.

-”Kẹo!…kẹo…, kẹo!” Vinh “huế” lắp bắp: “Đ. mạ chết tui rồi!…trời đất ơi là trời đất!…sao mà con “vặng” số thế này! Kẹo.., kẹo…! Trời ơi là trời!…” Tiếng la ai oán của Trung Úy Vinh “huế” càng làm gia tăng thêm vẽ kinh hoàng trong lòng những “chiến sĩ của không gian“.

-”Trại!…trại…, trại.” Tới phiên Trung Úy Học. Anh nhào tới phía trước chụp cần lái trước mặt Tân “kiến” bẻ qua bên trái. Trên đồng hồ vị thế chỉ con tàu đang nghiêng hẳn về phía bên phải.

Bốn anh hoa tiêu cùng lái con tàu một lúc!

Hết “đậy, đậy rồi tới kẹo kẹo!” Hết “trại, trại rồi phại, phại!” Chiếc trực thăng bồng bềnh, ngả nghiêng, gục ngặc như chiếc lá vàng đang trôi nổi trên con thác lũ hơn mười phút đồng hồ. Phía sau sàn tàu, mọi người nhốn nháo, nhìn tứ phía bốn bề. Một anh mê vô đang lầm bầm đọc kinh. Kế đó là Trung Úy Phạm Mẫn đang lết người ra ngồi sát cửa, sẵn sàng để nhảy ra khỏi tàu. Làn da ngâm đen “mặn mà” của anh bắt đầu đổi sang màu xám xịt! Không có một ngôn ngữ nào đủ để diễn tả sự kinh hoàng khủng khiếp đang ngự trị trên chiếc trực thăng “khốn khổ” này.

Hơn mười phút vật lộn với tử thần trôi qua như bất tận…Hình như Thần chết đã chán chê đùa dỡn tánh mạng của gần mười anh nhân viên phi hành, bỏ lửng trò chơi ngang xương! Bầu trời bỗng dưng trong sáng! Mây mù biến mất như một phép lạ. Tất cả mọi người há hốc nhìn ra ngoài. Ngay trước mặt chiếc trực thăng sừng sững vách núi đá dựng đứng. Chiếc trực thăng đang ở trong một vị thế bay ngang như một con cua… suýt bị rang muối!

Dãy núi Mẹ Bồng Con nằm giữa Tuy Hòa và Nha Trang đang chạy dài trước mặt. Hai viên phi công run rẩy lết về Nha Trang. Tất cả mọi người trên tàu còn bàng hoàng chưa tỉnh cơn ác mộng, không ai còn sức mở miệng nói một lời nào. Gần hai mươi phút bay sau, những nhịp đập cuồng loạn trong trái tim tất cả những người trai trẻ đã chậm lại, phi trường Nha Trang hiện ra dưới một bầu trời hanh nắng. Tại bãi đáp, Trung Úy Hòa “test” đã mất hơn hai phút đồng hồ để đặt hai cái càng của chiếc máy bay trực thăng xuống mặt đất cao…không quá một sải tay!

Nhớ lại câu chuyện “vertigo” do Phạm Mẫn kể lại với một lối diễn tả khôi hài hóa độc đáo, tôi bật cười thành tiếng.

Sau hơn hai mươi phút bay, dãy núi Đồng Bò phía bắc thành phố Nha Trang mờ ẩn trước mặt con tàu. Tôi vứt điếu thuốc đang hút dở ra khỏi cửa:

-Này,..Thạch để tôi bay cho! Vừa nói tôi vừa lấy lại cần lái.

Chiếc trực thăng đang băng ngang rặng núi phía bắc của phi trường, bắt đầu vào không phận Nha Trang. Trên bầu trời đen, những viên đạn lửa liên tục bay vụt lên trời như như những vì sao xẹt. Tôi bảo Thạch tắt hết tất cả đèn bên ngoài. Chiếc trực thăng biến mất giữa trời khuya!…còn lại tiếng máy nổ đều đặn và tiếng chém gió phần phật của cánh quạt.

-Sao…, Trung Tá muốn tôi thả xuống
chỗ nào đây? Tôi quay đầu nhìn Trung Tá Thông đang ngồi yên lặng sau lưng.

-Chỗ nào cũng được! Hay là…mày thả tao trên phi đạo cho chắc ăn đi!

Ở cao độ bốn ngàn bộ, phi trường Nha Trang hiện ra trong tầm mắt. Những ngọn đèn xanh lơ, mù mờ chạy dọc hai bên phi đạo. Xa hơn thành phố vẫn còn thức. Đốm sáng từ ánh đèn vàng vọt của những ngọn đèn đường chạy thẳng tắp, ngang dọc giữa những cụm đèn le lói trông buồn bã. Đa số dân chúng đã bỏ đi, còn lại những người không đủ phương tiện hoặc già yếu phải ở lại.

Cho tàu hướng về phi đạo phụ. Chiếc trực thăng lù lù trong bóng đêm hạ cao độ giữa hai hàng đèn xanh mù mờ cách khoảng. Đâu đây, những viên đạn lửa bất chợt vút lên trời cao cùng với những tràng súng vang vọng càng rõ rệt. Lái chiếc trực thăng trống rỗng, không có một khí giới để tự vệ tôi cảm thấy hồi hộp, căng thẳng… Tay siết chặt cần lái tôi hạ dần cao độ. Dưới bụng con tàu toàn một màu đen như mực, không hề thấy mặt đất. Bất chợt một tràng súng nổ vang gần đó. Giật thót người!..tôi đè cần cao độ xuống tận đáy. Chiếc trực thăng rơi như một cục đá, chạm mặt đất nhảy tưng lên. Một vật gì cứng đập mạnh vào đầu gối tiếp theo là một tiếng động khô khan phát ra từ sàn tàu dưới chân. Tim đập thình thịch!..Sau sàn tàu Trung Tá Thông đã biến mất vào bóng tối từ lúc nào! Kéo vội cần cao độ, chiếc trực thăng trống trải vươn mình bốc cao lên bầu trời đêm. Sờ đầu gối,.. không thấy gì…tôi hoàn hồn! Chờ cho tàu lên cao tôi vói tay bật ngọn đèn bản đồ trên đầu. Ngay dưới chân tôi, cái máy “motorola” to như cục gạch đang nằm “trơ trẻn” trên sàn. Tôi lầm bầm như để tự chữa thẹn: “Mẹ nó,…bố khỉ!…mày làm tao hết hồn!”

Trong bóng tối mù mờ phản chiếu từ những đồng hồ phi cụ, Thạch đang nhìn tôi cười!

-Thạch,…bạn bay giùm đi! Nói xong tôi giao cần lái cho Thạch.

Con tàu hướng về phi trường Phan Rang, để lại sau lưng vùng ánh sáng nhập nhòa mỗi lúc mỗi mờ dần rồi biến mất sau rặng núi cao. Ngồi dựa ngửa đầu vào lưng ghế bay nghỉ mệt. Ngày mai tôi và những cánh chim vỡ tổ sẽ bay về phương Nam tìm lại tổ ấm. Điếu thuốc lá trên tay, tôi miên man suy nghĩ mông lung về một viễn ảnh đen tối đang chờ đợi. Bất chợt thoáng hiện hình ảnh người em gái với nụ cười tươi trên đôi môi mọng đỏ, đang chờ đợi mở rộng vòng tay chào đón, những nỗi phiền muộn lo âu trong tâm hồn bỗng tan biến vào hư vô…

Trước mặt con tàu, phi trường Phan Rang mờ ẩn, những ánh đèn màu nhấp nháy dưới bầu trời đen. Hạ dần cao độ chuẩn bị đáp, tôi thì thầm trong hơi gió: “Việc gì đến sẽ đến!”  

LỜI KẾT

Ngày 10 tháng 3 năm 1975 Cộng Sản Bắc Việt khởi động cuộc chiến tấn công thành phố Ban Mê Thuột. Ba ngày sau, 13 tháng 3, trái tim của miền cao nguyên đất đỏ rơi vào tay địch quân.

Ngày 17 tháng 3, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút quân khỏi Quân khu II khỏi Cao nguyên, bỏ trống Kontum, Pleiku.

Ngày 21 tháng 3 Huế thất thủ.

Ngày 24 tháng 3 Quảng Đức và Quảng Ngãi rơi vào tay Cộng quân.

Ngày 27 tháng 3, Đà Nẵng lung lay trước áp lực của Bắc Việt và lọt vào tay địch một vài ngày sau đó.

Ngày 1 tháng 4, Qui Nhơn, Phú Yên, Nha Trang hoàn toàn lọt vào tay phía Bắc Việt, 14 trên 44 tỉnh của miền Nam bị mất. Hơn hai tuần lễ sau, ngày 16 tháng 4 căn cứ Phan Rang thất thủ.

Ngày 30 tháng 4, xe tăng Cộng Sản Bắc Việt ủi sập cổng dinh Độc Lập, chiếm thủ đô Sài Gòn. Cuộc chiến tranh Việt Nam thật sự chấp dứt khi vị Tổng Thống cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa là Dương văn Minh đầu hàng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Từ ngày Cộng Sản khởi động cuộc chiến tấn công Ban Mê Thuộy đến ngày miền Nam thất thủ chưa hơn một tháng hai mươi ngày!

Chiến tranh Việt Nam đã bắt đầu vì sự dính líu của Hoa Kỳ và sau cùng chấm dứt cũng vì sự “tháo chạy” của Hoa Kỳ.



Chiến Sĩ VNCH anh dũng chiến đấu trong giai đoạn "Ngày Tàn Cuộc Chiến"

Sau khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, sự bành trướng của Cộng Sản được xem như là một đe dọa lớn cho thế giới tự do. Vì lẽ đó, miền Nam Việt Nam được những nhà lãnh đạo Mỹ xem như là một “tiền đồn chống Cộng” tại vùng Đông Nam Á. Khi Cộng Sản Bắc Việt khởi sự cuộc xâm lấn, Hoa Kỳ bắt đầu yểm trợ quân sự và kinh tế cho miền Nam. Ngày 8 tháng 3 năm 1965, 3.500 thuỷ quân lục chiến của quân đội Hoa Kỳ lần đầu tiên đổ bộ vào miền Nam Việt Nam, khởi đầu giai đoạn Hoa Kỳ thực sự tham chiến vào chiến tranh Việt Nam.

Chiến tranh Việt Nam kéo dài và gia tăng cường độ, sự thiệt hại nhân mạng của lính Mỹ lên cao, ngân quỹ chi phí cho chiến tranh càng gia tăng, cộng thêm phong trào phản chiến bành trướng mạnh trên đất Mỹ đã làm cho chính phủ Hoa Kỳ muốn rút chân ra khỏi “vũng lầy” Việt Nam. Hòa đàm Paris được Hoa Kỳ khởi xướng năm 1968, với mục đích hòa giải đôi bên, nhưng thực chất của nó là để Hoa Kỳ có lý do rút khỏi Việt Nam mà không mất mặt đối với dư luận thế giới. Sau chuyến viếng thăm Trung Hoa năm 1972 của Tổng Thống Nixon, sự bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng tiến triển, miền Nam Việt Nam bắt đầu mất vị thế quan trọng trong vai trò “tiền đồn chống Cộng”. Hội đàm Paris được ký kết ngày 27 tháng 1 năm 1973, với sự đồng ý miễn cưỡng của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu dưới áp lực mạnh của phía Hoa Kỳ.

Năm 1974, quốc hội Mỹ phủ quyết nghị định viện trợ 800 triệu đô la cho chính phủ miền Nam đang thiếu hụt đạn dược, khí giới. Đó là một bản án tử hình cho miền Nam tự do. Năm tuần sau khi nghị định phủ quyết của Quốc hội Mỹ, CSBV sửa soạn cuộc tổng công kích vào vùng Cao nguyên, sau khi biết chắc chắn Hoa Kỳ sẽ không can thiệp. Cuộc chiến tranh Việt Nam coi như sắp chấm dứt, với một kết quả thấy trước.

Đầu năm 1975, khi tình báo ghi nhận và phát giác được nhiều hoạt động của Cộng Sản dọc theo biên giới Cambochia và Lào, Bộ Chỉ Huy Quân Đoàn II tiên đoán địch quân đang chuẩn bị một cuộc tổng công kích vào vùng Cao Nguyên. Trong buổi họp tại Quân Đoàn II, Tổng Thống Thiệu tiên đoán rằng Bắc quân sẽ tấn công Ban Mê Thuột thay vì Pleiku. Tổng Thống Thiệu tin tưởng rằng vì Pleiku nằm giữa đồi núi trọc, địch quân sẽ không bao giờ muốn làm mồi cho phi pháo. Ngược lại Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Khu II, nghĩ rằng Cộng Sản sẽ tấn công vào Pleiku, đầu não của Quân Đoàn II qua những hoạt động nghi nhận được. Thay vì đem Sư Đoàn 23 từ Pleiku xuống bảo vệ Ban Mê Thuột, Tướng Phú chỉ để Trung Đoàn 53 trấn giữ thành phố với vài ba ngàn lính địa phương. Và đúng như lời tiên đoán của Tổng Thống Thiệu, Bắc quân mở cuộc tấn công vào thành phố đất đỏ vào ngày 10 tháng 3 năm 75. Ba ngày sau Ba Mê Thuộc mất vào tay Cộng Sản. Từ đó đã dẫn đến cuộc triệt thoái Cao Nguyên và đưa đến sự sụp đổ toàn diện của miền Nam.

Chiến tranh Việt Nam đã đi vào lịch sử. Những gì sau đây chỉ là những sự luận bàn để giải tỏa những uẩn ức, khắc khoải trong lòng tất cả những người Việt yêu nước đã hy sinh và mất mát trong cuộc chiến tranh tương tàn này.

Hai quyết định tối quan trọng sau đây của cấp lãnh đạo trong giai đoạn tổng tấn công của CSBV, mặc dù sẽ không thay đổi được sự thắng bại, nhưng sẽ làm ảnh hưởng lớn lao đến hậu quả của cuộc chiến trong giai đoạn chung cuộc.

Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Khu II đang bay chỉ huy hành quân tại mặt trận Cao Nguyên

Hãy đi ngược dòng lịch sử với chữ “Nếu” và mỗi người Việt chúng sẽ suy ngẫm và tự trả lời lấy câu hỏi:

1- Nếu Thiếu Tướng Phú đưa mấy trung đoàn tinh nhuệ của Sư Đoàn 23 trấn thủ Ba Mê Thuộc trước khi Bắc quân mở cuộc tấn công thay vì cố thủ Pleiku thì hậu quả cuộc chiến sẽ thay đổi như thế nào về phương diện nhân mạng cũng như vật chất?

2-Nếu Tổng Thống Thiệu ra lệnh tái chiếm Ba Mê Thuột bằng mọi giá, thay vì ra lệnh triệt thoái Quân Đoàn II về miền duyên hải trong buổi họp các Tướng lãnh cao cấp tại Cam Rang ngày 14 tháng 3 năm 1975, thì hậu quả cuộc chiến sẽ thay đổi dưới hình thức nào?

Để cho sự nhận định được khách quan, sau đây là cuộc đối thoại của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Thiếu Tướng Phạm Văn Phú trong buổi họp cao cấp, sau khi Bắc quân mở cuộc tổng công kích:

- “Thưa Tổng Thống, cho tôi được tử thủ Pleiku, giữ cao nguyên. Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn II trình với vị Chỉ Huy Tối Cao của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.

Tổng Thống Thiệu hỏi:

- Tử thủ? Với quân số, đạn dược hiện có, liệu anh chiến đấu được bao nhiêu ngày với Cộng Sản?

- Thưa Tổng Thống từ 40 đến 60 ngày.

- Rồi sao nữa?

Tướng Phú khựng lại, đưa mắt nhìn tướng Viên cầu cứu, nhưng tướng Viên quay đi chỗ khác. Tướng Phú đáp:

- Tôi sẽ chiến đấu đến cùng, cho đến khi không còn được tiếp tế súng đạn, lương thực nữa.

Và tướng Phú vẫn liều lĩnh nói với giọng hơi lớn:

- Thưa Tổng Thống, thưa quí vị tướng lãnh, nếu rút khỏi cao nguyên năm nay, thì một cuộc tấn công khác của Cộng Sản, có thể vào năm tới, sẽ làm mất duyên hải và mất nước. Tôi và các chiến sĩ của tôi có chết ở cao nguyên bây giờ cũng không khác gì chết ở Sài Gòn trong năm tới.”

Cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc là một cuộc chiến tranh khốc liệt, phức tạp, khó hiểu mà sự thắng bại không định đoạt bằng lòng can đảm và ý chí chiến đấu của những người lính trên chiến trường mà trên của quyền lợi của những cường quốc. Sự sụp đổ của miền Nam Tự Do là một nổi đau đớn vô cùng tận cho những người Việt đấu tranh cho tự do, chính nghĩa. Đó là số phận chung mà tất cả chúng ta phải chấp nhận. Tuy nhiên chúng ta phải mãnh liệt tin tưởng rằng, một chế độ Cộng Sản độc tài, đảng trị sẽ không thể nào tồn tại lâu dài khi tự do và hạnh phúc của con người vẫn bị khống chế và áp bức!

Hãy nhớ rằng, lịch sử chưa ngừng tại đây và đang còn tiếp diễn…

HẾT
Ngày 17 tháng 2 năm 1010

Tro ve dau trang

==============================================

==============================================================

No comments:

Post a Comment

Chúc Mừng Năm Mới - Diễn Hành Hoa Hồng từ California

Chúc Mừng Năm Mới - Diễn Hành Hoa Hồng từ California

3rd Brigade Combat Team Change of Command

Nhạc Phẩm Anh La Ai - Anh Là Ai

"Làm truyền thông, quí vị không có nhiệm vụ phải bảo vệ!" - Vũ Công Lý

Biểu tình lên án VietWeekly và đồng bọn làm tay sai cho Việt Cộng.

Phải Lên Tiếng-Sinh Viên VN bảo Vệ Hoàng Sa,Trường Sa-Ngô Nguyễn Trần

Tôi yêu Tổ quốc tôi

Tin tuc So . net " Viet Nam doi chu quyen Hoang Sa

Lich Su To Quoc Viet Nam

Nam Cali bieu tinh chong Cong ham ban nuoc cua Pham van Dong tren 4000 nguoi tham du

Tai Nam California luc 6PM 14 thang 9 nam 2011, hang ngan dong huong da dung chat khu Tuong Dai Chien Si Viet My, tham du cuoc bieu tinh phan doi TC xam lang VN; vach mat bon CSVN ban nuoc !! Va tranh dau cho nhan quyen VN voi chu de " Dem Thap Nen Niem Tin ".

14-9-11:Bieu tinh chong Tau cong va vc ban nuoc dang bien VN

DapLoisongNui.MP4

Lời Kêu Gọi Thanh Niên Việt Nam Yêu Nước

Tự Đốt Xe Phản Đối VC Bán Nước Tại Siêu Thị Co.op Mart, VT

Lao động Trung Quốc quậy phá nhà dân tại Nghi Sơn, Thanh Hóa

Tội ác bán nước của CSVN- Quốc Hận 30/4/1975 - Phần 5

Bản lĩnh người yêu nước : Biểu tình trong đồn CA

26-8-2011 Tin Vietnam:Wikileak, bieu tinh tai Hanoi ky 11

Demonstration Against China August 21/ Biểu Tình Chống Trung Quốc ngày 21/8

Toàn cảnh cuộc trấn áp biểu tình ngày 17/07

Toi Ac Cong San 2

Biểu tình tại Hà Nội 7/8/11

bieu tinh phan doi TQ tai Sai Gon 6

19-6-2011 tin tuc Vietnam - Sbtn - Bieu tinh chong Tau cong:Saigon & Hanoi

Browse Movies Upload Dậy mà đi hởi đồng bào ơi

6/12/11 Liên Mạng Tranh Đấu cho VN

Saigon bieu tinh demonstration 19/6/2011

Xuong duong cung canh hoa Lai

Demonstration agaist China's aggression in NY June 25th 2011

Video: Biểu tình chống TQ tại Hà Nội 3/7/11

Thanh nien Co Vang va dong bao VN Nam Cali xuong duong

Biểu Tình Chống Trung Quốc tại VN ngày 05.06.2011

Biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn trên biển Đông ngày 5/6/2011

LẤY LẠI HOÀNG SA - TRƯỜNG SA

chùa Hang đảo Lý Sơn - 6 drduongdinhhung Subsc

Tôi Đã Thức Tỉnh - Lê Nguyễn Huy Trần

Mậu Thân, Anh Nhớ Gì Không?

- HUẾ 68 (Nhạc và lời Vĩnh Điện) Tiếng hát Bảo Triều

------------ http://www.bacaytruc.com Tưởng Niệm Huế Tết Mậu Thân (1968)

LIÊN MẠNG HOA LÀI TRANH ĐẤU CHO VIỆT NAM

6/5/11 LIÊN MẠNG HOA LÀI TRANH ĐẤU CHO VIỆT NAM Tình hình trong nước mấy ngày qua, nhộn nhịp chuẩn bị biểu tình vào ngày 5 tháng 6/ 2011 tại hai thành phố Sàigon và Hà nội, trước các tòa Đại sứ quán Trung cộng để nói lên sự quyết tâm của toàn dân: - Phản đối Nhà nước CS quá nhu nhược làm tay sai cho Tàu công đang hiếp đáp dân lành. Trên biển cả, trong giới hạn Quốc tế đã khằng định theo các hiệp ước qui định, dân chúng VN sống từ đời ông cha để lại chưa bao giờ có một nước nào dám ngang nhiên ngăn cấm việc làm ăn vì cuộc sống độ nhật thường ngày. - Ngày nay Trung cộng ỷ nước lớn giàu mạnh, lại muốn chiếm đoạt cả miền thềm lục địa VN. Cấm dân làm ăn sinh sống trên biển và hải đảo VN có từ cha ông để lai. - Người dân biết lượng sức mình, VN chỉ bằng cái chén, Trung cộng là thúng thì hỏi bằng cách nào mà VN chống đỡ ?! - Chúng tôi chỉ cần xin các nước trong Liên Hiệp Quốc giúp đỡ và giải quyết công bằng cho con dân VN. 2/ Và hiện nay chúng tôi đồng thông báo cho toàn thế giới chính thức biết rằng: - Chúng tôi nhất quyết chống lại Nhà nước CSVN là tay sai của Đảng CS Nga- Tàu. 3/ Toàn dân VN chỉ mong có một nước VN : - Độc Lập - TựDo - Dân Chủ- Phú Cường. Không lệ thuộc bất cứ nước nào. 4/ Toàn dân VN trong và ngoải nước đồng xuống đường cùng một ngày hôm nay để biểu thị tính thông cảm, tình Đồng bào ruột thịt để nói lên tiếng nói chung: - Đảng CSVN chỉ là tay Sai thủ đắc, che giấu làm Việt gian cho Đảng CSQT Nga - Tàu mà thôi ! 5/ Trong suốt 64-65 năm qua, dưới chế độ CS chưa bao giờ có Độc lập - Tự Do - Dân chủ. Toàn dân VN hôm nay đồng nói lên nguyện vọng chung : - Chúng tôi cần Quốc tế hóa VN. Không để các nước lớn lợi dụng Đảng phái riêng tư mà làm thiệt hại nước nhỏ bé VN ?! Trân trọng, ===================================