Phe tả đã đưa xã hội Hoa Kỳ vào lụn bại, điển hình là tổ chức ACLU.
Khi sự cầu nguyện và Đức Tin vào Đức Chúa Trời (= Thiên Chúa, Thượng-Đế) BỊ BỨNG RA KHỎI TRƯỜNG HỌC thì súng đạn đã vào thay thế, như mọi người đã thấy. Người ta nhân danh Tự Do Ngôn Luận để được Tự Do chống lại cái nôi đã Sản Sinh và Nuôi Dưỡng Nền Tự Do đó.
Nước Mỹ vẫn còn nhiều Glenn Beck, và cũng còn cần nhiều người như ông ta.
TG.
=====================================================
“NƯỚC MỸ CỦA TÔI”
VÀ ƯỚC MƠ VỀ NGUỒN
Sơn Tùng
“Có điều gì vượt xa hơn con người đang xảy ra. Hôm nay nước Mỹ bắt đầu quay trở về với Thượng đế.” Glenn Beck nói lớn và được các loa khuếch âm chuyển tới gần nửa triệu người đã đáp lời kêu gọi của ông ta từ mọi nơi về tụ họp trước Điện Tưởng niệm Abraham Lincoln ở thủ đô Washington sáng ngày Thứ bảy 28.8.2010.
Nhưng, Glenn Beck là ai?
Ông ta không phải là một nhà truyền giáo lớn. Không phải là lãnh tụ một đảng chính trị đang nuôi mộng vào toà Bạch ốc. Cũng không phải là một siêu sao màn ảnh hay âm nhạc.
“Tôi chỉ là một người cha, một công dân ưu tư,” Glenn Beck trả lời trong một cuộc phỏng vấn của Chris Wallace trên hệ thống truyền hình Fox News sau cuộc biểu dương khổng lồ được gọi là “Restoring Honor” (Phục hồi Danh dự).
Số người tham dự (được ước tính từ 300,000 tới nửa triệu) được so sánh với năm cuộc biểu dương quan trọng nhất tại Washington trước đây.
Vụ đầu tiên diễn ra vào ngày 3.3.1913 khi khoảng 5,000 phụ nữ và những người ủng hộ tập họp và diễn hành tại Washington để đòi quyền đi bầu cho phụ nữ. Họ đã bị đám đông la ó chống đối gây ra bạo động khiến nhiều người bị thương.
Vụ thứ hai vào ngày 17.6.1932, khoảng 20,000 cựu chiến binh cuộc Thế Chiến I đã diễn hành tại Washington để đòi trả trước tiền thưởng được hứa hẹn khi họ đầu quân. Nhiều người đã bị thương và chết khi xô xát bùng nổ.
Vụ thứ ba là cuộc biểu dương và diễn hành của 250,000 người ngày 28.8.1963 do TS. Martin Luther King Jr. lãnh đạo để đòi việc làm và tự do cho người da đen với bài diễn văn đi vào lịch sử “I Have A Dream”.
Vụ thứ tư là cuộc biểu tình của hơn nửa triệu người ngày 15.11.1969 do “Phong trào Phản chiến” tổ chức để đòi Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam và chấm dứt chiến tranh.
Vụ thứ năm là cuộc biểu dương của người da đen được mệnh danh là “Million Man March” để đàn ông da đen tự hối và tự hứa cải thiện mối quan hệ với gia đình và cộng đồng. Số người tham dự được ước tính từ 400,000 tới 800,000.
Cuộc biểu dương ngày 28.8.2010 của Glenn Beck trùng với ngày của Martin Luther King 47 năm trước, nhưng Beck nói rằng đó chỉ là ngẫu nhiên, không có chủ tâm. Tuy nhiên, đã có những liên hệ giữa hai biến cố lịch sử này.
Glenn Beck, 46 tuổi, chưa sinh ra đời khi Martin Luther King đọc bài diễn văn “I Have A Dream”, nay đứng trước thềm Điện Tưởng niệm Lincoln, chỉ cách vài bước nơi mà Mục sư King đã đứng gần nửa thế kỷ trước, ông ta và các diễn giả khác đã kêu gọi dân Mỹ trở về với những giá trị và nguyên tắc của các Cha già Lập quốc đã tạo nên đất nước vĩ đại này. Trong các diễn giả nổi tiếng có cựu Thống đốc Alaska Sarah Palin và Tiến sĩ Alveda King, cháu của Martin Luther King. Bà Alveda King nói: “Tôi cũng có một ước mơ. Tôi có một ước mơ rằng…mỗi người trong mọi sắc tộc sẽ tiếp nhận tất cả mọi người như anh chị em trong tình yêu thương của Thượng đế.”
Nhưng, cách đó vài khu phố, con trai của Martin Luther King Jr., Martin Luther King Jr. III, đã tham dự một cuộc mít-tinh khác do Mục sư Al Sharpon tổ chức để tưởng niệm ngày này 47 năm trước nhưng với số người tham dự nhỏ hơn nhiều – vài ngàn tụ họp quanh bức tượng của Mục sư King. Các diễn giả đã thay nhau chỉ trích cuộc biểu dương của Glenn Beck được cho là những người cực hữu với sự căm hờn. Hầu hết báo chí, truyền thông dòng chính tại Mỹ cũng dán nhãn hiệu như vậy cho Glenn Beck và miệt thị cuộc biểu dương mang tính chất “về nguồn” của ông ta.
Glenn Beck nhắc nhở người tham dự không nên mang theo những biểu ngữ chính trị và xác nhận rằng đây không phải là một cuộc biểu dương chính trị. Ông ta và các diễn giả thuộc nhiều thành phần trong xã hội Mỹ đã thay phiên nhau kêu gọi mọi người hãy trở về với đức tin tôn giáo và làm một cái gì để thay đổi con đường đang đưa nước Mỹ xa dần những giá trị và nguyên tắc của thời lập quốc.
Những tiếng reo hò đáp ứng của một biển người đáp lại đã vang dội vùng trời Washington một ngày nắng đẹp cuối tuần nhưng đã không xảy ra một vụ bạo động nào, không có một vụ bắt giữ nào. Mấy trăm ngàn người đã biểu lộ sự hiền hoà và ý thức công dân rất cao. Khi họ rời khu vực tập họp sau mấy tiếng đồng hồ đứng dưới trời nắng, không một vỏ chai hay bao giấy bỏ lại trên những bãi cỏ xanh. Trái với cũng nơi này vào ngày Tổng thống Obama tuyên thệ nhậm chức đầu năm 2009, khi đám đông ra về đã để lại phiá sau một biển rác.
Cuộc biểu dương đã không xảy ra một sự đáng tiếc nào ngoài chương trình. Tuy nhiên, ít người biết chính Glenn Beck đã phải mặc một chiếc áo giáp chống đạn khi ông ta say sưa truyền giảng về đức tin, hy vọng và lòng nhân ái trên thềm Điện Tưởng niệm Lincoln. Beck biết rõ tính mạng ông ta bị đe dọa, và sau cuộc biểu dương, ông ta đã không tiết lộ danh tánh những người đã tham gia vào việc tổ chức vì không muốn họ phải sống trong ác mộng như mình.
Từ mấy năm nay, Glenn Beck, một người đàn ông cai rượu và tín đồ Mormon cải đạo, đã trở thành kẻ thù số một của phe tả tại Mỹ trong khi ông ta được hàng triệu người coi như một nhà tiên tri tân thời qua một chương trình phát thanh và một “sô” truyền hình hàng ngày trên Fox News. Với kiến thức uyên bác, với lối lập luận đanh thép và trình bày đầy nhiệt tình pha lẫn hài hước, Glenn Beck liên tục tấn công phe tả qua những dẫn chứng cụ thể cho thấy họ đang đưa nước Mỹ đi vào chỗ suy đồi bằng cách phủ nhận những giá trị và nguyên tắc mà George Washington, Benjamin Franklin, Thomas Jefferson, John Adams…theo đuổi để không đầy 200 năm đã đưa đất nước của những người di dân tạp chủng lên hàng siêu cường số một thế giới.
Quả thật không thể chối cãi trong hơn 200 năm qua, Hoa Kỳ đã vươn lên từ miền bắc tây bán cầu hoang dã để đóng vai trò lãnh đạo thế giới về chính trị, khoa học, kinh tế…, và với sức mạnh quân sự vô địch, Hoa Kỳ đã hai lần cứu Âu Châu và thế giới khỏi họa độc tài qua hai trận Thế Chiến, và đã loại trừ mối đe dọa của Đế quốc Đỏ Liên-Sô trong Thế kỷ 20.
Sau Chiến tranh Lạnh, vị thế siêu cường duy nhất trên thế giới của Hoa Kỳ bị lung lay vì sự vươn lên của nước Trung Hoa Đỏ và cuộc chiến tranh kéo dài với Hồi giáo cực đoan. Ngày nay, Hoa Kỳ không còn hùng mạnh như trước, và đang bị chỉ trích ở khắp nơi, của cả thù lẫn bạn, nhưng người ta khó chối cãi rằng nếu thế giới không có nước Mỹ thì trong vòng 48 tiếng đồng hồ, mặt đất này sẽ biến thành biển lửa và nhân loại sẽ sống trong cảnh điêu linh chưa từ từng thấy với những địa ngục ở Trung Đông, ở Bắc Á, Trung Á, ở Đông Âu mà lâu nay chiến tranh không bùng nổ là vì những hung thần hiếu chiến vẫn còn sợ sức mạnh của anh “sen đầm quốc tế” Hoa Kỳ.
Người Mỹ là dân tộc hào hiệp đã đóng góp nhiều nhất cho tiến bộ và hoà bình thế giới, nhưng cũng bị ganh ghét và ít được biết ơn, đúng như nhận định của một người ngoại quốc, Gordon Sinclair, một nhà bình luận trên truyền hình Canada, sau khi Mỹ bị khủng bố Hồi giáo tấn công ngày 11.9.2001:
“Người Gia-nã-đại này nghĩ rằng đây là lúc để nói thay cho người Mỹ, một dân tộc quảng đại nhất và có thể cũng ít được biết ơn nhất trên mặt đất.
“Nước Đức, nước Nhật và, ít kéo dài hơn, Anh và Ý, đã được Mỹ vực lên từ đống gạch vụn của chiến tranh bằng cách đổ vào vài tỉ đô-la và xóa bỏ nhiều tỉ đô-la tiền nợ khác. Ngày nay, không nước nào trong số này đang trả ngay cả chỉ tiền lời của số nợ còn thiếu Hoa Kỳ.
“Khi nước Pháp ở trong nguy cơ sụp đổ năm 1956, chính người Mỹ đã kéo nước ấy dậy, và phần thưởng cho họ là bị lăng mạ và vu khống trên đường phố Paris . Khi ấy tôi đã ở đó. Tôi đã nhìn thấy.
“Khi động đất xảy ra tại các thành phố xa xôi, chính Hoa Kỳ đã vội vã tới trợ giúp. Mùa xuân năm nay, 59 cộng đồng tại Mỹ bị san bằng vì những trận bão lốc. Không một ai giúp đỡ.
“Kế hoạch Marshall và Chính sách Truman đã bơm nhiều tỉ đô-la vào những quốc gia không còn hy vọng. Ngày nay, báo chí tại những nước này đang viết về những người Mỹ tồi bại, gieo rắc chiến tranh…
“Tôi có thể kể tên cho bạn năm ngàn lần khi người Mỹ chạy tới cứu các dân tộc khác trong cơn nguy khốn. Bạn có thể nói cho tôi chỉ một lần khi ai đó chạy tới giúp người Mỹ trong lúc khó khăn?”
Hiển nhiên trên đây chỉ là một phần trong những đóng góp của người Mỹ về của cải vật chất để cứu nguy các dân tộc khác, chưa kể đến những đóng góp trong những lãnh vực khác, và chưa kể đóng góp quý nhất: máu của hàng triệu thanh niên Mỹ đã đổ xuống mọi miền đất trên thế giới để Tự do có thể nở hoa.
Ngày nay nước Mỹ đang trên đà xuống dốc, về kinh tế tài chánh, quân sự, cũng như đạo đức xã hội. Và đúng như Glenn Beck đã khẩn thiết kêu gọi người Mỹ:
- Chỉ có một người có thể thay đổi tình trạng này. Người ấy là bạn. Nếu bạn không làm gì cả, sẽ không có gì xảy ra.
Hàng triệu người đã nghe lời ông ta, và hàng trăm ngàn người đã đổ tới Washington ngày 28.8 từ mọi nơi trên nước Mỹ để tạo nên một biến cố mà ít ai nghĩ có thể xảy ra. Sau biến cố vĩ đại ấy, Chris Wallace hỏi Glenn Beck có ý định ra tranh cử tổng thống vào năm 2012 không. Beck trầm ngâm cho biết không có ý định ấy và giải thích: “Nước Mỹ đang có vấn đề, và chính trị không phải là giải pháp vì chính trị quá chia rẽ.”
Giải pháp mà Glenn Beck đưa ra là “về nguồn”. Trở về với những giá trị và nguyên tắc khởi thủy đã làm nên nước Mỹ vĩ đại trước đây. Nhờ dựa trên những giá trị và nguyên tắc ấy, những người di dân lớp trước đã đặt nền móng cho một quốc gia tự do đầu tiên khác hẳn Âu Châu, nơí mà họ đã rời bỏ để đi tìm đất mới, giải phóng mọi trói buộc, tạo điều kiện cho sự phát triển tối đa của con người về trí tuệ cũng như tâm linh. Và “phép lạ” đã xảy ra. Chỉ hơn 100 năm, miền đất hoang dã ở phiá bắc tây bán cầu đã trở thành một siêu cường dân chủ giàu mạnh nhất thế giới, thiên đường ước mơ của mấy tỉ con người chìm đắm trong lầm than trên mặt đất.
Rồi những người di dân lớp sau tiếp tục đến từ mọi lục địa đã có được cơ hội để mưu tìm hạnh phúc và thành công lớn, đồng thời cũng đóng góp vào sự hùng mạnh của xứ sở này.
Đất nước quảng đại này đã đón nhận khoảng hai triệu người Việt Nam trong một hoàn cảnh đặc biệt, và sau ba mươi năm, đã xác định một điều: họ đã hội nhập dễ dàng, và trong môi trường tự do người Việt Nam đã phát triển tài năng và góp mặt bình đẳng trong mọi lãnh vực của xã hội Mỹ.
Nhưng cộng đồng người Mỹ gốc Việt đã mang những nét đặc thù: nói chung, người Việt Nam đã đến Mỹ vì lý do chính trị nên đã mang theo những quá khứ khó thể xóa mờ và có nhiều gắn bó với quê hương cũ. Thậm chí, có những người vẫn coi đất nước này chỉ là nơi tạm dung thân, dù đã trở thành công dân Mỹ hàng chục năm. Họ quan tâm tới những gì diễn ra tại Việt Nam hơn là chuyện thời sự nơi xứ sở này”, và chưa bao giờ sử dụng lá phiếu của một công dân Mỹ. Họ coi đó là chuyện của người khác.
Từ nhiều năm nay, dù không thể dứt bỏ những ràng buộc tâm linh với quê hương cũ, và vẫn tự coi mình là một người Việt tị nạn, tôi cảm nhận sâu xa đất nước này là quê hương thứ hai của mình với mối liên hệ mỗi ngày một thêm đâm rễ nẩy cành. Tôi không thấy mình khác với những di dân lớp trước. Với tư cách là một công dân xứ này, tôi vui niềm vui của họ, tôi buồn nỗi buồn của họ, tôi lo cái lo của họ.
Tôi hiểu dân Mỹ đang có những mối ưu tư, và sẽ có những quyết định lớn vào ngày bầu cử đầu tháng 11 sắp tới. Tôi cũng có mối ưu tư và chuẩn bị như họ. Những cuộc bầu cử sắp tới sẽ có những kết quả khít khao mà tôi nghĩ lá phiếu của công dân Mỹ gốc Việt sẽ có tính cách quyết định ở vài nơi.
Xin Thượng đế phù hộ cho “nước Mỹ của tôi”.
Sơn Tùng
5.9.2010
No comments:
Post a Comment