– Mõ Sàigòn
tka23 post
Vua Cảnh Công nước Tề, có thú vui cưỡi ngựa bắn tên, nên thường đi săn bắn. Ái phi là Đổng thị, mới nhân lúc Cảnh Công được vui. Quỳ xuống thưa rằng:
- Thiếp lần dở sách xưa, có đọc được câu: Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, thời đủ biết với người quân tử - việc tề gia nó quan trọng thể nào - mà bệ hạ mãi vui cùng cùng bọn sĩ tốt ở rừng xa hoang vắng, đến độ quên béng chuyện tề gia, là nghĩa làm sao?
Cảnh Công giả lả đáp:
- Muốn tề gia thì phải có vợ. Ta chưa có vợ, thời… tề được hay sao?
Đổng thị nghe Cảnh Công giải bày như vậy, mặt bỗng nghệch ra. Thảng thốt nói:
- Thiếp tận tình săn sóc, hầu hạ đêm ngày, đến nỗi ăn chẳng biết ngon, ngủ chẳng đầy giấc, mà nay bệ hạ lại chặt đẹp thế này, thì thiệt khiến cho thiếp phải buồn đau không dứt!
Đoạn, xụ mặt xuống mà thở. Cảnh Công thấy vậy, mới nhỏ giọng nói rằng:
- Ái khanh là niềm vui, là sức sống, là nơi đã giúp ta hiểu được hạnh phúc ở cõi đời này. Có điều, ái khanh chưa phải là hoàng hậu, nên gia đạo chưa thông, thì dẫu muốn làm sao ta tính tới?
Tối đó, lúc lui về hậu cung, bất chợt có Thái công công đến thưa với Cảnh Công rằng:
- Chuyện của ái phi bệ hạ tính sao? Đặng nô tài biết mà mần theo cho trúng!
Cảnh Công cười nhẹ đáp:
- Trăm họ là của ta. Hà cớ chi phải giam mình vô trong đó?
Thái công công mắt trợn ngược lên. Lắp bắp thưa rằng:
- Đành là vậy, nhưng nếu bệ hạ không lập chánh cung, thời… hết hơi lấy ai truyền ngôi báu?
Cảnh Công mĩm cười đáp:
- Hôm nọ ngao du ở ngoại thành, bất chợt gặp một đạo sĩ. Ta có hỏi rằng: "Quả nhân bên trái có em, bên phải có út, trước sau mỹ nữ xếp hàng, mà duyên phận chưa êm, là cớ làm sao?". Hắn đáp: "Duyên phận một khi tới thì đẩy không ra, cắt không đứt, cố quên cũng không làm sao quên được. Bây giờ bệ hạ chưa gặp bởi vì duyên chưa tới. Chỉ có vậy thôi!", nên ta chẳng vội xáp vô là vì duyên cớ đó.
Ngày nọ, có sứ thần của Lỗ qua dâng cho Cảnh Công một con chiến mã. Cảnh Công lấy làm thích lắm bèn sai tả hữu dùng quốc lễ mà đón tiếp. Lúc ấy, có Bản Thương là mã phu nổi tiếng một vùng, nên được Cảnh Công vời vô. Nói:
- Ta giao cho ngươi chăm sóc con ngựa này. Nếu nó được bình an mạnh khỏe, thì đường tài lộc của ngươi sẽ như diều gặp gió. Bằng ngược lại thì giỗ chạp tới luôn. Nhắn vợ ngươi nhớ lo phần nhang khói.
Thương cúi đầu lạy tạ, rồi thơ thới dẫn ngựa ra phía sau mà chăm sóc. Vợ của Thương là Hàn thị, thấy vậy, mới lo âu mà nói với Thương rằng:
- Làm việc với vua mà lỡ chết thì không phải chết một mình. Sao chàng lại dính vô?
Thương thở ra đáp:
- Vua gọi mà từ chối thời phạm tội khi quân, mà nhận làm không xong cũng tuồng y như thế, nên ta đành nhận. Chỉ mong mưa thuận gió hòa, để ta được ổn yên bên nàng cho khoan khoái.
Rồi nhìn thẳng vào mắt của Hàn thị. Tha thiết nói:
- Chết. Ta không sợ. Nhưng khi nghĩ đến nàng trở thành cô phụ, thời ta lại không vui. Thiệt hổng biết có là mê không nữa?
Một thời gian sau, con ngựa tự nhiên lăn ra chết. Cảnh Công giận lắm, cho là cố tình giết ngựa, bèn sai tả hữu lôi đầu Thương ra chém. Gặp lúc Tướng quốc Án Tử đang ngồi bên, ngăn lại mà hỏi vua rằng:
- Xưa vua Nghiêu vua Thuấn chém người thì chém ở đâu trước?
Cảnh Công ú ớ đáp:
- Quả nhân không biết!
Án Tử lại hỏi:
- Chết mà tâm phục, thì mới thu được lòng dân. Xử chết mà lòng dân không phục, thì mầm mống tiêu tan đã nằm ngay nơi đó!
Cảnh Công nghe vậy, trong bụng hoang mang chưa biết liệu định thế nào. Chợt Án Tử ào tuôn phang tiếp:
- Không phải lỗi lầm nào cũng có thể sửa được. Cũng vậy. Đầu rớt rồi. Lẽ nào nối đặng hay sao?
Cảnh Công càng nghe càng hoảng, liền nhìn đám tả hữu. Phất tay nói:
- Tạm thời giam ở ngục để luận tội rồi mới chém sau, để trước là nó yên tâm xuống tuyền đài, sau khỏi phải trách ta làm vua không tốt!
Án Tử thấy vậy, mới đứng lên mà thưa rằng:
- Tên phạm nhân này chưa biết rõ tội mà chịu chết. E rằng không phục. Hổng chừng lại tưởng là oan. Chi bằng để hạ thần luận tội nó rồi hạ ngục cũng chẳng muộn.
Cảnh Công nghe vậy nhẹ cả người. Hớn hở đáp:
- Phải! Phải!
Lúc ấy, Án Tử mới kể tội rằng:
- Người ta có một tội đã đủ chết. Còn ngươi, có ba tội đáng chết.
Thứ nhất. Vua sai nuôi ngựa mà để ngựa chết, là một tội. Lại để chết con ngựa rất quý của nhà vua, là cái tội thứ hai. Để vua mang tiếng vì con ngựa mà giết chết một mạng người, làm cho trăm họ nghe thấy ai cũng oán vua, các nước nghe thấy ai cũng khinh vua. Phần ngươi, làm chết một con ngựa, khiến cho dân gian đem lòng oán giận, nước ngoài có bụng ngấp nghé, là cái tội thứ ba.
Bây giờ hãy tạm giam ngươi vào ngục, đợi lúc ta bố cáo cho bàn dân thấu hiểu tội của ngươi, rồi xách đầu ra chém, thời vợ con ngươi cũng không lấy gì ân hận, mà chúa thượng cũng được yên, bởi bá tánh sẽ ngừng thôi thắc mắc!
Cảnh Công nghe Án Tử tán cho một hồi, bỗng lạnh cả sống lưng, hoảng hốt nghĩ rằng: "Con nít không bị té thì không thể lớn. Không vấp ngã thì không thể trưởng thành được. Ta may nhờ có Án Tử, vạch lá soi gương, nên hiểu được giữa cái đúng với sai chỉ to bằng… sợi chỉ. Lại nữa, ngựa là loài vật. Chỉ vì đụng đến sở thích của ta mà tiêu một mạng người, rồi gieo khổ nhọc lại cho vợ con của người ta, thì cái nghiệp đó bao giờ mới trả được?". Nghĩ vậy, liền khua tay nói:
- Thôi! Tha cho nó, kẻo ta mang tiếng bất nhân, thì ít nữa đứt chến ở cõi ni làm sao ta siêu thoát?
Tối ấy Án Tử về nhà. Vợ là Uyển thị từ trong bếp lúc thúc chạy ra. Nói:
- Thiếp nghe chàng mới cứu người. Vậy hư thiệt ra sao? Kể liền cho thiếp biết!
Án Tử cười cười đáp:
- Cảnh Công thấy con ngựa yêu của mình chết. Muốn chặt đầu kẻ nuôi ngựa là đang cơn tức giận, không còn biết nghĩa lý là gì cả. Ta biết vậy nên dùng lời để mua lấy thời gian, chờ cơn giận hạ xuống, rồi lấy lòng Cảnh Công bằng cách kể tội người nuôi ngựa, mà kỳ thực là gợi đến lòng nhân ái của Cảnh Công, làm cho Cảnh Công phải tỉnh ngộ mà hối lỗi. Chỉ có vậy thôi!
Uyển thị khúc khích cười nói:
- Chỉ mấy lời dịu dàng, mà cứu được mạng người, thời đủ biết lẽ ăn nói thật phải đáng nêu cao, cho bàn dân trông thấy.
Rồi nắm tay Án Tử hướng vào trong mà tiến bước, lúc đến ngang ngạch cửa, thời đứng lại mà hỏi rằng:
- Chàng đối với vua thì nhỏ nhẹ, với người lầm lỗi thì mở lượng khoan dung, với kẻ dưới thì nhiệt tình giúp đỡ, mà chưa hề dành những điều ấy cho… vợ, là nghĩa làm sao?
Án Tử ấp úng đáp:
- Đối xử với nàng theo cách giao tế với người ngoài. Ta làm không được.
Uyển thị bực tức gắt:
- Chàng bệnh thời thiếp lo, buồn thiếp dỗ, đến lúc khỏe mạnh lại xớn xác lo cho người ngoài, mà chưa hề để ý đến sự xót xa trong tâm hồn của thiếp. Đã nhiều lần thiếp nghĩ: "Với chàng, thiếp chỉ là chiếc bóng. Là hình nhân lo cơm gạo áo tiền.". Chớ mặn nồng hai chữ phu thê. E đời sau chưa thấy!
Án Tử nghe vợ kết tội mình làm vậy, trong bụng hổng vui. Buồn thiu nói:
- Nghe một lời ngon ngọt. Nhận một nụ cười vui, mà không ràng không buộc, thì sao bằng… bực dọc có nhau? Đã nhiều khi ta tự hỏi: "Sao với người ngoài thì dễ thứ tha, mà với cật ruột, sống chung, thì khó hơn lên trời lên núi?".
Là bởi ở lòng thành thực mà ra. Không màu mè, không đưa đẩy. Không há miệng đãi bôi, nên đụng chạm lung tung là vì duyên cớ đó.
Uyển thị nghe chồng giải thích theo kiểu chạy tội, lại thiếu sự thành tâm, bèn bực tức nói:
- Ngày phu thê giao bái. Cha thiếp có hỏi: "Vậy chứ cưới con gái của ta về. Ngươi sẽ làm gì cho gia đình hạnh phúc?". Chàng lẹ miệng đáp: "Tương kính như tân. Quyết không dời không đổi.". Cha lại hỏi: "Mới cưới về thì dễ, nhưng khi đã ở với nhau được chục năm rồi, tương kính đặng hay chăng?". Chàng láu táu đáp: "Khi tình lên tiếng thì việc gì cũng làm được. Xin nhạc phụ chớ lo, kẻo an nguy đến tuổi thọ, thì trước là nhạc mẫu mất vui, sau hiền thê cũng ưu tư rầu lo không khoái.".
Chừng ở với nhau được hai mùa lá rụng, chàng đành đoạn đổi thay, khiến thiếp bao phen khóc thầm trong đêm vắng. Ra ngoài là tướng quốc, tả hữu trước sau, trăm họ trông vào, thường cho chàng là quân tử, mà với vợ thì tiền hậu bất nhất, nói trước quên sau. Thậm chí vợ có sửa mũi cắt mi cũng không thèm để ý, nên thiếp muốn hỏi chàng: "Vậy chớ với chữ thương của chàng. Thiếp phải hiểu làm sao cho đúng?".
Án Tử lặng yên một chút, rồi chậm rãi đáp:
- Nàng nhớ một quên hai, nên mới trách chồng yêu như thế. Ngày ta rước nàng về, chuyện gì cũng bàn bạc, thậm chí quốc sự cũng hỏi ý của nàng. Nàng bảo: "Xuất giá tòng phu. Thiếp đã là người của chàng. Hà cớ chi lại nhọc công hỏi tùm lum như thế? Cuộc đời của thiếp, kể từ khi hướng về tổ tiên cùng lạy với chàng - là đã xem hạnh phúc của chàng là muôn đời của thiếp - nên trăm sự đều theo ý của chàng mà hành sự.". Ta lại hỏi: "Nàng muốn vậy. Có phải là do tự ở đáy lòng hay không?". Nàng đáp: "Theo ý thiếp là chuyện nhỏ, nhưng đồng mộng đồng sàng mới là chuyện lớn, nên từ nay chàng cứ liệu đó mà mần. Tuyệt chẳng phải đợi ý của thiếp làm chi cho thêm phần rắc rối!". Từ đó, ta cứ vậy mà làm. Bây giờ nàng lại trách ta. Thiệt hổng biết có phải lập đàn giải oan không nữa?
Đoạn, nhìn vợ, thở ra một cái mà nói rằng:
- Thế gian được vợ hỏng chồng. Thôi thì ta tình nguyện… hỏng cho nàng được. Đã chịu hay chưa?
MÕ SÀIGÒN
No comments:
Post a Comment