Tuệ Vân
Tâm Thức Việt Nam
November 6, 2009
Nghe
Tải xuống để lưu giữ
“Khu công nghiệp Bình Long được phê duyệt từ năm 2002, mãi đến nay các hạng mục vẫn còn dang dỡ chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành. Thế nhưng trước mắt đã có bao gia đình dân, nhà cửa bị giải tỏa để xây khu công nghiệp, đang lâm vào tình cảnh khốn cùng. Họ trở thành kẻ không đất, không nhà, không nghề nghiệp với tương lai mù mịt.” “Dãi cồn bãi ở Bình Hưng là dạng đất khó kiếm, quanh năm chuyên canh đất hoa mầu cho lợi nhuận từ 20 triệu đồng 1 công. Những năm 1990, với giá 8 lượng vàng 1 công chẳng ai bán. Vậy mà nay bao người trở thành kẻ không đất.” “Khu công nghiệp chưa biết bao giờ hoàn thành, chưa biết bao giờ mới lấp đầy diện tích. chưa biết đơn vị nào đăng ký thuê mặt bằng mở cơ sở sản xuất nên tỉnh chưa hề tính đến chuyện tổ chức dậy nghề cho lao động địa phương, nhưng hiện nay bao gia đình bị giải tỏa đất đai, nhà cửa để xây dựng Khu Công Nghiệp đang trôi dạt kiếm sống.”
Ba đoạn văn nói trên đã được trích từ bài phóng sự viết về thảm cảnh của người dân, những nạn nhân đau khổ của dự án xây dựng 'Khu Công Nghiệp Bình Long, huyện Châu Phú, An Giang' của ký giả Đức Vịnh báo Tuổi Trẻ, đăng ngày 17 tháng 7 năm 2005. Đoạn văn trích từ phóng sự “Ham chồng xứ lạ” ngày 31 tháng 10 năm 2009 đăng trên báo Thanh Niên sau đây thì nói lên thảm cảnh đổ vỡ gia đình trên một khu công nghiệp tại vùng đất Tiền Giang:
“Vốn là nơi “khỉ ho cò gáy”, dân cư thưa thớt, đất đai bị nhiễm phèn nặng, nhưng từ khi có khu công nghiệp thì một vùng quê hẻo lánh thuộc vùng Đồng Tháp Mười (xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, Tiền Giang) không còn yên ả. Ly thân, ly dị tùm lum!
Khi được hỏi về tin đồn nhiều phụ nữ tại địa phương bỏ chồng để “cặp bồ” với lao động người nước ngoài, ông Q.H.M, một nông dân ở ấp 5, xã Tân Lập 1, lắc đầu ngao ngán: “Thì đầy nhóc hết chứ đồn đại gì. Tan đàn xẻ nghé hết rồi! Hồi xưa giờ ở đây đâu có chuyện như vậy. Còn bây giờ thì ly thân, ly dị, bỏ chồng, bỏ vợ tùm lum”.
Bi kịch nhất là trường hợp của anh V. làm ở Công ty cổ phần rau quả Tiền Giang. Cũng theo ông M.: “Sau khi nghe tin vợ anh cặp bồ nên viết đơn đòi ly hôn, rồi gặp vợ đang chạy chiếc xe gắn máy do nhân tình mua tặng, không kiềm chế được cơn tức giận, anh đã tông thẳng vào xe vợ khiến cả hai cùng vào bệnh viện”. Anh Hồng, chủ một quán giải khát ở ấp 5 và cũng là một người vừa bị vợ bỏ, nói: “Chuyện mấy ông lao động ngoại “làm bạn” với gái VN rồi cặp kè đi chơi thì nhiều lắm. Cả mấy bà dù đã có chồng con rồi, gia đình đang ấm êm, hạnh phúc, cũng “làm bạn” với họ luôn. Cũng tại dân mình thôi, thấy tiền là lóa mắt”.
Thấy tiền thì lóa mắt. Nghe nói mà ngậm ngùi!
Nhưng tại sao mà ra nông nỗi. Có phải chăng do đời sống cơ cực mà những người dân Việt Nam dễ lóa mắt vì tiền? 34 năm sau chiến tranh tại sao người dân Việt Nam nước mắt vẫn đoanh tròng? Cơm không đủ no, áo không đủ ấm. Gia đình tan nát. Tại sao những người gọi là “chủ” của đất nước đến nay vẫn luôn thiếu thốn, đau khổ? Còn những kẻ tự nhận là những “đầy tớ” của dân thì giầu có, đi du lịch nước ngoài như cơm bữa.
Cũng theo lời kể của người dân tại khu vực Tiền Giang, thì lúc đầu nghe tin mở Khu Công Nghiệp, dù bị mất đất nhưng đa số người dân đều đồng tình, hy vọng sẽ có công việc làm ổn định, đời sống của dân nghèo sẽ sung túc bớt nghèo hơn. Nhưng cuối cùng thì Khu Công Nghiệp chỉ tuyển lao động theo thời vụ, hợp đồng miệng và làm những công việc phụ như... phụ hồ. Vì vậy, ngày nào có làm thì mới có ăn. Nay gia đình của người dân trong khu vực lại đi đến chỗ ly tán, đổ vỡ, vì sự xuất hiện của những người khách ngoại quốc rủng rỉnh tiền chi tiêu rộng rãi.
Bài học là gì cho những người dân tối thiểu có 34 tuổi xã hội chủ nghĩa, nếu sinh từ sau tháng 4/ 1975? Đó là: Kinh tế quyết định tất cả, mà vật chất là yếu tố then chốt điều khiển con người, theo như chủ nghĩa xã hội hiện thực đã dậy rõ và đảng CSVN đã áp dụng rất hiệu quả để duy trì quyền lực. Trong hoàn cảnh này, những con người mà Hồ chí Minh gọi là những con người mới xã hội chủ nghĩa đã chỉ hành xử theo cái “bao tử”, theo cái “tiếng lòng” để sống và phê. Nói cho rõ, cái gọi là tình trạng ấm êm hạnh phúc trong những túp lều vách lá mái tranh khó có thể nào chống được sự thu hút của những “lao động ngoại” nhiều đô la. Những người chồng Việt chỉ còn hai chọn lựa: hoặc là chấp nhận cái thế yếu của mình và yên phận, hoặc là vùng lên chống lại chế độ CS biến thái hiện nay đang kết hợp bạo lực chuyên chính Cộng sản với những biện pháp tư bản man rợ nhất, để tha hoá con người mà thống trị xã hội.
Tuệ Vân
Ngày 6 tháng 11 năm 2009
Tro ve dau trang
No comments:
Post a Comment