Theo Reuters, Bắc Kinh muốn quy lỗi của vụ việc trên cho phía Việt Nam. Bản tin của Tân Hoa Xã phát đi ngày 28/5 mang tựa đề: "Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao: Trung Quốc phản đối việc Việt Nam thăm dò dầu khí tại vùng biển thuộc quyền pháp lý của Trung Quốc". Hãng tin Anh trích tuyên bố của phát ngôn viên bộ này, bà Khương Du, như sau : “Lập trường của Trung Quốc về Biển Đông là rõ ràng và nhất quán. Chúng tôi phản đối các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam, vì tổn hại đến lợi ích và quyền lợi pháp lý của Trung Quốc tại Biển Đông, và vi phạm thỏa thuận chung mà hai nước đã đạt được trên vấn đề này”.
Trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Khương Du nói rằng : “ Những việc mà các cơ quan hữu quan của Trung Quốc thực hiện là hoàn toàn tuân thủ luật biển, và các hoạt động giám sát trên vùng biển thuộc chủ quyền pháp lý của Trung Quốc”… “Trung Quốc đã cam kết bảo vệ hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Chúng tôi sẵn sàng làm việc với các bên liên quan để tìm kiếm một giải pháp cho các tranh chấp”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phản kháng lại vụ tàu hải giám Trung Quốc phá thiết bị của tàu Việt Nam nói trên, bằng cách trao công hàm cho đại diện đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội vào hôm thứ Năm.
Theo Thông tấn xã Việt Nam, thì vụ việc trên xảy ra tại khu vực được gọi là lô 148, cách bờ biển thành phố Nha Trang thuộc Nam Trung bộ Việt Nam khoảng 120km ( 80 hải lý).
Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) có hiệu lực từ ngày 16/11/1994 quy định Vùng đặc quyền kinh tế là 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong vùng này, quốc gia ven biển có toàn quyền thăm dò và khai thác, duy trì và quản lý các nguồn lợi thiên nhiên.
No comments:
Post a Comment