TÀU TRUNG QUỐC 'VI PHẠM LÃNH HẢI' VIỆT NAM |
Tập đoàn dầu khí quốc gia PetroVietnam nói ba tàu hải giám Trung Quốc đã vi phạm lãnh hải của Việt Nam, phá hoại thiết bị và cản trở hoạt động của tàu khảo sát Việt Nam. Sự kiện này xảy ra ngay mới sáng hôm thứ Năm 26/05, tại vùng biển miền Trung chỉ cách mũi Đại Lãnh của tỉnh Phú Yên 120 hải lý, mà PetroVietnam nói hoàn toàn trong thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam. PetroVietnam đã có cuộc họp gấp với báo chí về sự việc mà hãng này gọi là “hành động hết sức ngang ngược, vi phạm trắng trợn đối với quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động của PetroVietnam”. Phó Tổng Giám đốc PetroVietnam Đỗ Văn Hậu được Thông tấn xã Việt Nam trích lời nói hãng này đã báo cáo và đề nghị Chính phủ cùng các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam “có các biện pháp phản đối mạnh mẽ nhất có thể đối với phía Trung Quốc”, đồng thời hỗ trợ PetroVietnam thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng biển của Việt Nam. Uy hiếp Theo ông Hậu, vụ gây hấn xảy ra khi tàu địa chấn Bình Minh 02 của PetroVietnam đang tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực các lô 125, 126, 148, 149 trên thềm lục địa miền Trung của Việt Nam. Ông nói tàu Bình Minh 02 đã làm công việc này trong hai đợt, đợt thứ nhất hồi năm 2010 và đợt thứ hai từ 17/03 năm nay, “quá trình khảo sát những ngày vừa qua được tiến hành trôi chảy”. Tuy nhiên vào khoảng 5 giờ sáng thứ Năm, tàu Bình Minh 02 phát hiện ba tàu hải giám của Trung Quốc chạy nhanh vào khu vực tàu này đang khảo sát mà không hề cảnh báo. Gần một tiếng sau đó, “tàu hải giám Trung Quốc đã chủ động chạy qua khu vực thả dây cáp, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02″, sau đó tiếp tục uy hiếp tàu này. Được biết hai bên đã có trao đổi, và tàu Bình Minh 02 khẳng định đang hoạt động trong lãnh hải của Việt Nam. Mãi tới 9 giờ sáng, tức sau gần bốn tiếng đồng hồ, các tàu hải giám Trung Quốc mới rút đi. Ông Đỗ Văn Hậu được dẫn lời cho biết: “Tàu Bình Minh 02 và các tàu bảo vệ đã phải dừng công việc trong ngày 26/05 và thu lại các thiết bị bị hỏng để sửa chữa”. Tàu khảo sát địa chấn của Việt Nam phải tới 6 giờ sáng thứ Sáu 27/05 mới quay trở lại hoạt động bình thường. Tăng căng thẳng Đây là một trong những lần hiếm hoi tàu Trung Quốc vào lãnh hải Việt Nam sâu và có hành động mạnh bạo như vậy. Trong quá khứ, Việt Nam từng cáo buộc tàu tuần ngư và tàu cá Trung Quốc vi phạm lãnh hải Việt Nam, nhưng sự kiện hôm 26/05 dường như vượt xa mức độ vi phạm của các lần trước. Hiện chưa biết Chính phủ Việt Nam sẽ phản đối mạnh mẽ đến mức nào. Năm nay Trung Quốc đã và đang đóng mới hàng chục tàu hải giám để tăng cường tuần tra biển. Tháng Ba vừa qua, hai tàu Trung Quốc cũng gây hấn với tàu thăm dò địa chấn của Philippines hoạt động tại khu vực Bãi Cỏ Rong ở Biển Đông, gây căng thẳng lớn về ngoại giao giữa Manila và Bắc Kinh. Sau đó, Philippines đã gửi công hàm để phản đối. Truyền thông Philippines những ngày gần đây đồng loạt đề cập chủ đề chủ quyền tại Biển Đông, dường như đang chuẩn bị dư luận cho một giai đoạn mới trong căng thẳng khu vực. Theo BBC *** Trung Quốc đe dọa tàu thăm dò của Việt Nam trong vùng biển ÐôngTheo VOA Việt Nam tố cáo Trung Quốc đe dọa một chiếc tàu nghiên cứu đang dò tìm địa điểm khoan dầu trong lãnh hải của Việt Nam. Bản tin hôm thứ 6 của hãng thông tấn AP trích thuật tin tức báo chí Việt Nam cho biết ông Đỗ Văn Hậu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), nói rằng 3 chiếc tàu hải giám Trung Quốc đã gây hư hại cho các thiết bị được dùng để tiến hành một cuộc khảo sát địa chấn ở Biển Đông hôm thứ 5. Ông Đỗ Văn Hậu hôm nay hối thúc chính phủ Việt Nam có các biện pháp phản đối mạnh mẽ nhất đối với phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hành động cản trở hoạt động của PVN. Theo tường thuật của Thông tấn xã Việt Nam, 3 chiếc tàu hải giám của Trung Quốc đã chạy vào khu vực khảo sát của tàu địa chấn Bình Minh 02 của PVN rồi cắt cáp thăm dò của tàu này. Tường thuật trích lời ông Đỗ Văn Hậu cho biết vị trí mà 3 tàu Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02 chỉ cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ông Hậu nói thêm rằng “việc các tàu hải giám Trung Quốc vào sâu trong lãnh hải của Việt Nam để phá hoại, cản trở các hoạt động thăm dò khảo sát bình thường của PVN là một hành động hết sức ngang ngược, vi phạm trắng trợn đối với quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Tường thuật hôm thứ 6 của hãng thông tấn Bloomberg cho biết Việt Nam và Philippines đang xúc tiến các dự án thăm dò dầu khí trong vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền và diễn tiến này làm tăng mối rủi ro xảy ra xung đột ở một trong các tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới. Bài tường thuật cho biết Công ty Năng lượng Talisman (Talisman Energy Inc.), một đối tác của PetroVietnam, dự định bắt đầu khoan dầu vào năm tới tại một khu vực ở Biển Đông mà Trung Quốc đã giao quyền khai thác cho một công ty đối thủ của Mỹ và bảo vệ bằng các tàu bè có vũ trang. Bên cạnh đó, Philippines cũng dự trù khai thác dầu khí trong vùng biển gần quần đảo Trường Sa, nơi mà các tàu tuần tiễu của Trung Quốc đã sách nhiễu một chiếc tàu khảo sát địa chấn của Philippines hồi tháng 3. Bài viết trích lời ông James A. Lyons, cựu tư lệnh hạm đội Thái bình dương của Mỹ, nói rằng các nước láng giềng của Trung Quốc đã trở nên bạo dạn hơn sau khi Hoa Kỳ khẳng định các quyền lợi của mình trong khu vực này hồi năm ngoái. Ông Lyons cho rằng các nước này dựa vào Hoa Kỳ để có được một ô dù an ninh tổng thể. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố tại một hội nghị an ninh khu vực tổ chức ở Hà Nội hồi tháng 10 năm ngoái rằng tự do hàng hải và hoạt động thương mại không bị cản trở trong vùng biển này là “quyền lợi quốc gia” của Hoa Kỳ. Theo dự liệu, vụ tranh chấp ở Biển Đông có thể sẽ được mang ra thảo luận vào đầu tháng 6 tại một hội nghị về an ninh Á châu tổ chức hàng năm ở Singapore, thường được gọi là Đối thoại Shangri-La. Trong phát biểu tại diễn đàn này hồi năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates tuyên bố Hoa Kỳ phản đối những mưu toan nhằm “hăm dọa” các công ty hoạt động trong vùng biển này. Nguồn: AP, VNA |
No comments:
Post a Comment