Giá mà các vị lãnh đạo nước ta… !
Lục Dân
Thưa anh Lục Dân,Ao ước của anh thật đẹp đẽ, tiếc rằng hình như anh đã gửi trái tim nhầm chỗ mất rồi. Nếu tôi nhớ không nhầm thì từ năm 1925, một nhà văn Xô-viết – Bulgakov – đã viết một vở kịch sau này được coi là kinh điển: Trái tim chó.Anh thấy đấy, từ rất sớm, các nhà nhân văn thiên tài đã chỉ ra đúng bản chất một loại người mà điều kiện lịch sử thế kỷ XX đã giúp họ mọc lên trên trái đất này và cũng do điều kiện đặc thù của lịch sử họ được nhân loại ngộ nhận đó là “cứu tinh của loài người” trong khoảng già nửa thế kỷ. Ở đây tôi hoàn toàn không có ý bài bác lý thuyết cao cả – nhưng cũng có phần không tưởng – của hai nhà tư tưởng Marx và Engels. Tôi chỉ nói đến cái thứ sản phẩm sinh ra từ hệ quả méo mó của lý thuyết ấy mà chắc hai vị triết gia thiết tha yêu nhân loại ở thế kỷ XIX kia có sống lại cũng không thể tin đó là “con đẻ” của chính mình.Loại người được sản sinh và quy định bởi những chủ thuyết cắt đầu xén đuôi thêm thắt chỗ này chỗ nọ do bàn tay hai nhà chính trị Nga đầu thế kỷ XX nhân danh đệ tử hai ông trên, nóng vội muốn lật đổ Nga hoàng thực hiện – loại người đó sau khi đã sinh ra rồi thì cứ thế sinh nở không ngừng như nấm trên trái đất. Nhưng điều này mới là quan trọng: anh Lục Dân hãy thử nghiệm xem một chuỗi diễn biến kéo dài kế tiếp sau đấy: nào là những cuộc thanh trừng hàng loạt ở Liên-xô, nào là quần đảoGulag, là Đại cách mạng văn hóa Trung Quốc, là các đội tra tấn và hành quyết nhân danh Ăngka của chính quyền Khơ-me Đỏ ở Campuchia, là vụ Thiên An Môn năm 1989, là bộ mặt “xã hội đen” mà ta chỉ nhìn thấy thấp thoáng sau bức màn sắt ở Bắc Triều Tiên suốt từ 1953 đến giờ… Những con người thực hiện vô số kịch bản kinh hoàng nói trên thử hỏi có cùng chung một loại hình như nhà tiên tri Bulgakov khẳng định từ cách đây gần một thế kỷ hay không? Thế thì anh trách ai đấy phi nhân không phải là trách nhầm chỗ thì còn gì nữa! Thấp cao gì họ cũng đều nằm trong một loại hình ấy cả.May mà sau khi phải trả những cái giá quá đắt, loài người đã thức tỉnh. Lịch sử đã chuyển sang một trang mới và sản phẩm của một thời chắc chắn cũng phải biến đi. Song chúng chưa thể biến ngay một lúc. Chúng biến dần dần. Khác với những điều các nhà văn Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan nói về sản phẩm của xã hội thực dân nửa phong kiến xưa kia, những gì anh nhận xét hôm nay, theo tôi chỉ còn là cái rơi rớt lại trên thế giới, chúng mang tính hài nhiều hơn bi, và ta nên cười vui để tiễn chúng.Anh Lục Dân còn ao ước cũng tức là anh còn rất nhiều niềm tin. Tôi, trong thân phận một con người bé nhỏ, tôi chỉ mong có được một phần niềm tin chất chứa nơi anh.
Nguyễn Huệ Chi
Tối ngày 20 tháng 5 tai nạn đường thủy khủng khiếp đã xảy ra làm tàu du lịch Dìn Kí khi đang làm sinh nhật tròn ba tuổi cho cháu trai Quách Hồng Đạt đắm trên sông Sài Gòn. 16 du khách đã thiệt mạng, trong đó riêng nhà cháu Đạt ngoài ba mẹ con cháu còn 6 người thân khác. Các báo in đã phải kêu lên “tang thương bao phủ hai bờ sông Sài Gòn”, các báo hình báo nói đều đưa tin thống thiết, các báo mạng thì tràn ngập những thán từ đau xót và lời chia sẻ. Dường như bất kì người dân nào trên mọi vùng của nước ta đều cảm thấy nỗi đau buồn đồng loại đang xâm chiếm tâm hồn mình. Vậy mà các nhà lãnh đạo của nước ta… Sáng nay bật mạng lên xem thấy hình ảnh các vị lãnh đạo tươi cười đứng trước hòm phiếu, chìa tay cho đông đảo cử tri bắt.
Ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp béo căng trong áo ca rô mùa hè được báo nhà khoe vừa xuống sân bay sau chuyến công tác dài ngày cười hơn hớn bước đến hòm phiếu. Tôi biết ngày 22/5 là ngày bầu cử – được gọi là ngày thực hiện quyền nghĩa vụ thiêng liêng. Và tôi còn biết báo ta còn đưa lại tin một vị lãnh đạo nước ta được một báo vùng Đông Nam Á khen là “sát dân” thế nên tôi chợt ao ước: Giá trong lúc thực hiện nghĩa vụ cao quí của công dân, hay khi nghe tin tai nạn thương tâm làm 16 đồng bào vừa tử nạn các vị lãnh đạo ta ngỏ lời chia buồn, chia sẻ với nỗi bất hạnh của gia đình những ngưòi đau khổ thì… Nhưng đấy chỉ là sự ước ao của tôi; tôi biết các vị sẽ chẳng bao giờ làm thế bởi vì những sự vụ đau lòng đó chưa bao giờ tạo được sự chú ý trong suy nghĩ các vị. [Chẳng hạn,] vụ 12 người tử nạn trong tai nạn của tàu Trường Hải 06 trên biển Vịnh Hạ Long ngày 17/2. Trong trận lụt lịch sử của Hà Nội năm 2008 làm ba ngưòi dân thủ đô bị chết thì đến ngay ông Chủ tịch thành phố – một trí thức có bằng Kiến trúc sư – còn không một lời hỡi ơi thì trách gì các vị ở cao chót vót kia. Một cầu thủ bất ngờ qua đời trước một trận bóng đá, cầu thủ hai bên còn cúi đầu một phút mặt niệm. Một cháu bé lâm vào cảnh bất hạnh thì từ Giáo hoàng đến Tổng thống còn gửi điện hỏi thăm. Thiên tai xảy ra gây ra thảm cảnh cho ngưòi dân khiến Thủ tưởng Nhật tự nguyện không nhận lương vì ông cảm thấy trách nhiệm của cá nhân ông trong nỗi đau khổ, tang thương, mất mát của ngưòi dân… Nhưng đấy là nước người ta, còn nước mình… Đến bao giờ dân xứ Việt này mới được các nhà lãnh đạo thật sự quan tâm bằng hành động thiết thực chứ không phải những lời nói trên diễn đàn…
Cúi mình trước vong linh bé nhỏ, tội nghiệp của cháu Quách Hồng Đạt và 15 con ngưòi vừa tử nạn trên sông Sài Gòn, tôi ước ao.
L. D.
Nguồn: http://trannhuong.com/news_detail/9331/GI%C3%81-M%C3%80-C%C3%81C-V%E1%BB%8A-L%C3%83NH-%C4%90%E1%BA%A0O-N%C6%AF%E1%BB%9AC-TA-!
No comments:
Post a Comment