| http://www.facebook.com/l/12fc95c-Ts1RAXFKJfgudkQ59pA/bietkichxaxu.multiply.com/journal/item/288/288
Sau đây là một vài bài học kinh nghiệm, tổng hợp từ những gì đã xảy ra trong các cuộc xuống đường tháng 6/2011
Tháng Sáu Dậy Mà Đi và những bài học quí giá
Có lẽ sẽ chẳng người Việt nào lấy làm ngạc nhiên nếu sử sách sau này gọi ngày 5 tháng 6 năm 2011 là mốc điểm khởi đầu của thời đại Sức Mạnh Nhân Dân tại Việt Nam. Tuy nhiên, từ điểm khởi đầu hệ trọng đó đến ngày Nhân Dân thực sự làm chủ đất nước và bảo vệ được đất nước một cách hữu hiệu vẫn còn là một khoảng thời gian khó khăn; đòi hỏi người Việt chúng ta liên tục học hỏi từ các kinh nghiệm của tuần trước, tháng trước để đẩy nhanh hơn các nỗ lực trong tương lai. Loại kinh nghiệm này không thể thu thập hoàn toàn từ các dân tộc khác.
Thật vậy, lý thuyết và các qui luật Đấu Tranh Bất Bạo Động đều giống nhau trong hầu hết mọi trường hợp đã thấy trong thế kỷ 20 và 21. Tuy nhiên, các kinh nghiệm thực hiện của mỗi dân tộc vẫn có nhiều điểm khác biệt. Chính vì vậy mà mỗi dân tộc phải tự rút kinh nghiệm cho chính mình và từ đó tính toán đường đi của dân tộc mình.
Sau đây là một vài bài học kinh nghiệm, tổng hợp từ những gì đã xảy ra trong các cuộc xuống đường tháng 6/2011:
1. Thành phần cò mồi của Thành Đoàn.
Đây là những người được nhà cầm quyền đưa vào để chuyển hướng đi cũng như chuyển nội dung của đoàn biểu tình. Các dấu hiệu để nhận dạng:
(1) họ không dám đi lẻ mà thường kéo từng nhóm khoảng 10 người;
(2) thay vì phản đối Trung Quốc họ ca các bài hát ca ngợi nhà nước và lãnh đạo;
(3) họ cố hô những câu ngược với ý muốn của đoàn biểu tình;
(4) họ cố kéo mọi người đi liên tục chứ không ngừng lại, vì ngừng lại sẽ gia tăng cơ hội tích tụ đông người hơn.
Đối với loại cò mồi này, đoàn biểu tình chỉ cần biết trước các dấu hiệu để nhận dạng họ và không làm theo ý họ là đủ. Nếu sau khi kéo đoàn biểu tình đi hướng khác không được, họ lại quay trở lại đi theo đoàn biểu tình thì điều đó giúp kiểm chứng thêm nữa vai trò của họ. Chúng ta rất nên chụp hình những thành phần này và quảng bá để nhiều người cùng biết. Việc quảng bá này sẽ giúp giảm bớt những trò cò mồi trong các cuộc biểu tình kế tiếp vì họ biết thủ thuật ấy đã lộ và không hiệu quả.
2. Đối phó với “bắt nóng” khi đang biểu tình.
Khi công an chìm xé lẻ một vài người biểu tình ra để “làm việc” riêng, đoàn biểu tình chúng ta không nên đi tiếp, nhưng gấp rút bao vây càng nhiều vòng càng tốt; chụp hình tới tấp các công an chìm này, và la to các câu “tụi này giả dạng công an, đè tụi nó xuống đi”, “tụi này côn đồ, đầu gấu đó, đè nó xuống trước đã”,….
Lại còn có thủ thuật cả công an nổi lẫn chìm cùng tri hô “cướp giật, móc túi,…” rồi xách người biểu tình đem đi. Hiện nay đoàn biểu tình chúng ta chỉ đứng thụ động nhìn những cảnh này. Theo kinh nghiệm từ các dân tộc khác thì đoàn biểu tình cần gấp rút bao vây nhiều tầng các công an đang bắt người phi pháp đó, chụp hình tới tấp, và la chung những câu như: “Công an nhân dân — không hỗn với dân”, “Hèn với giặc — Ác với dân”,…
Các hình ảnh công an bạo hành cần được đưa ngay lên Internet và thường xuyên cập nhật.
Đặc biệt, để giúp cho các cuộc biểu tình sau, cần phóng rõ ra các khuôn mặt công an chìm và tập hợp vào một vài trang giấy dễ in ra để người biểu tình cầm theo.
3. Đối phó với những công an quay phim, chụp hình.
Đây là thành phần nguy hiểm và đóng vai trò hệ trọng trong biện pháp trấn áp của nhà cầm quyền. Công an dùng việc quay phim, chụp hình vừa để hù dọa người biểu tình tại chỗ vừa để tiến hành việc “bắt nguội” sau đó.
Đoàn biểu tình cần đặc biệt quan tâm chụp hình và quảng bá mặt mũi những người này như một loại công an chìm ác ôn.
Và giữa chỗ đông người, việc nhiều người lỡ vấp té vào những tên quay phim chụp hình, lỡ làm đổ nước lên máy móc, lỡ đạp lên phim ảnh của họ,… đều là những điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, đoàn biểu tình sẽ không có hành vi bạo động nào đối với các tên này để tránh lọt bẫy công an.
4. Tạo cơ hội cho những công an bức xúc bày tỏ suy nghĩ.
Từ kinh nghiệm của nhiều dân tộc khác, tiếng nói của những người bên trong guồng máy trấn áp có ảnh hưởng lớn nhất đối với các thành viên khác của guồng máy đó. Trong các cuộc biểu tình vừa qua, chính chúng ta đã thấy một số công an biểu hiện thái độ khổ tâm vì phải làm điều trái với lương tâm, phải làm điều mà chính họ biết là sai trái.
Đây là những người mà đoàn biểu tình cần giúp để họ bộc phát ra những bức xúc của mình. Có thể thâu âm thanh hoặc ghi lại phát biểu của họ mà không cần phải lộ tên, lộ mặt. Khi chúng ta quảng bá các phát biểu này, những bạn bè công an thân nhất của họ sẽ biết họ là ai mà mức rủi ro vẫn thấp.
Đây là cách vừa giảm bớt mức độ hung hãn của công an nói chung vừa góp phần thu nhỏ dần thành phần công an ác ôn.
5. Đối phó với quan chức được chỉ định ra khuyên nhủ.
Trước hết, đoàn biểu tình cần thấy rõ đây là những người sẵn sàng nói dối, nói ngược với lương tâm chỉ để tiếp tục nhận lợi lộc từ tay nhà cầm quyền. Lời nói của họ, do đó, không có giá trị gì và ngược lại, nỗ lực thuyết phục họ cũng vô ích.
Tuy nhiên, đoàn biểu tình rất nên tận dụng cơ hội này để dừng lại một thời gian ngắn. Việc dừng lại vừa để dưỡng chân, lấy sức vừa để tụ tập thêm số đông.
Đoàn biểu tình có thể liên tục đấu lý với những người ra khuyên bảo. Mục tiêu không phải để thuyết phục họ nhưng để nâng cao tinh thần đoàn biểu tình, để mọi người cùng thấy rõ việc mình làm là quá đúng. Nhưng đoàn biểu tình cũng có thể hát lớn hoặc hô các khẩu hiệu chung mà không cần đếm xỉa gì đến những kẻ ra khuyên nhủ.
Và sau cùng, khi mục tiêu tích tụ thêm người và dưỡng chân đã đạt thì đoàn biểu tình kéo nhau đi tiếp, bỏ các quan chức đó lại phía sau. Chính việc đoàn biểu tình đứng lên bỏ đi sẽ góp phần đánh thức giây thần kinh xấu hổ của các quan chức đó nếu còn đánh thức được.
6. Những người nổi tiếng được công chúng thương quí.
Sự có mặt của các bloggers, trí thức, văn nghệ sĩ,… được nhiều người biết đến đã và đang góp phần mở rộng đoàn biểu tình đến nhiều thành phần khác nhau của dân tộc. Đây không còn chỉ là cuộc biểu tình của thanh niên sinh viên. Chính vì vậy mà sự có mặt của các vị này tại các cuộc biểu tình là mối bực mình lẫn lo âu cho công an. Các vị này có thể giúp cho đoàn biểu tình bằng cách:
(1) Đi xa khoảng 1 tuần hoặc vài ngày trước thời điểm biểu tình và đến đúng lúc mới xuất hiện tại hiện trường; hoặc
(2) Nếu biết chắc công an sẽ ngăn cản bằng mọi giá không cho đến nơi biểu tình, các vị này vẫn có thể đóng góp bằng cách cố gắng thu hút càng nhiều công an về phía họ càng tốt để chia mỏng bớt số công an được phân công trấn áp đoàn biểu tình. Cụ thể như cứ cho thấy đang chuẩn bị rời khỏi nhà để công an phải đặt thêm các ca canh gác ngày đêm. Và nếu có thể ra khỏi nhà thì kéo thêm một vài vị cùng hoàn cảnh tụ tập ở một nơi xa đoàn biểu tình để nhiều công an phải đi theo rình rập ở địa điểm đó.
7. Đối phó với bắt nguội.
Đây là những trường hợp công an, ban giám hiệu trường, ban giám đốc công ty,… gọi lên xách nhiễu, hăm dọa.
Chúng ta cần giải thích và khuyến khích những ai đang xách nhiễu chỉ vì đã tham gia biểu tình hãy lên tiếng. Đừng chịu đựng trong im lặng. Hãy viết và gởi cho các cơ quan truyền thông bên ngoài Việt Nam hoặc gởi cho một blogger nào đó và nhờ họ quảng bá. Lý do cần cho công luận biết là vì:
(1) Công an khó có thể trả thù tiếp khi đông người cùng lên tiếng;
(2) Các nạn nhân bị bắt nguội cần nói ra để tìm được sự hỗ trợ tinh thần của quần chúng và những người cùng hoàn cảnh để cùng xác quyết với nhau điều chúng ta làm là đúng. Những kẻ ngăn chận lòng yêu nước mới là sai.
(3) Chứng tỏ cho công an thấy đòn xách nhiễu đó đã mất tác dụng. Chỉ khi đông người cùng lên tiếng, họ mới không dùng nữa, và
(4) Chỉ khi đông người lên tiếng, hình ảnh “sợ dân hơn sợ giặc” của giới lãnh đạo mới được tô đậm và làm công chúng sôi sục. Chính sự sôi sục này buộc giới lãnh đạo phải hạ lệnh cho công an thôi trò bắt nguội vì sợ lòng uất ức của dân tràn bờ.
8. Đơn giản hóa các cuộc biểu tình.
Một cuộc biểu tình càng dễ thực hiện thì xác suất nó được lập lại nhiều lần và ở nhiều nơi càng cao. Chúng ta cần nhiều sáng kiến trong mọi khâu để việc thực hiện càng đơn giản càng tốt.
Cụ thể như không cần phải tụ tập trước sứ quán hay lãnh sự quán Trung Quốc nữa. Dĩ nhiên trong lần đầu, việc chọn 2 địa điểm này rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, nếu cứ tiếp tục gom tụ về 2 địa điểm tương đối nhỏ như vậy, công an có lợi thế tập trung lực lượng trấn áp thay vì phải trải mỏng theo nhiều đường phố. Họ cũng có thêm lý cớ bảo vệ ngoại giao đoàn để giải tán biểu tình.
Mọi địa điểm miễn sao thuận lợi cho việc di chuyển, tập trung người biểu tình cùng lúc tạo nhiều khó khăn cho lực lượng trấn áp thì đều có thể là địa điểm tốt để biểu tình.
9. Cuộc biểu tình cần lan ra các tỉnh.
Một khi không cần phải có sứ quán hay lãnh sự quán Trung Quốc nữa và các phương tiện thực hiện biểu tình đều đơn giản, việc lan truyền phong trào biểu tình yêu nước ra các tỉnh là việc rất cần làm.
Nếu lan ra được các tỉnh, đó sẽ là một bước tiến triển lớn. Tinh thần yêu nước và tự tin trên toàn quốc sẽ lên một tầng cao mới. Thậm chí có thể phân công để tuần nào cũng có nơi lên tiếng trên đất nước Việt Nam mà không địa phương nào phải đuối sức vì biểu tình liên tục.
Chúng ta có thể tiếp tục dùng các mạng xã hội như Facebook để trưng cầu dân ý các thành viên ở mỗi tỉnh. Tỉnh nào có đủ số người ghi danh thì tiến hành biểu tình. Con số bao nhiêu là đủ sẽ tùy thuộc vào ý kiến chung.
10. Mức độ thường xuyên biểu tình
Hiện nay, chúng ta chỉ mới có 2 nơi có thể biểu tình là Sài Gòn và Hà Nội. Với thực tế đó, nên biểu tình ở mức nào thì vừa. Dĩ nhiên không ai muốn cứ Trung Quốc làm gì xúc phạm đến Việt Nam rồi người Việt mới phùng lên biểu tình, sau đó ai về nhà nấy cho tới khi có vụ xúc phạm khác. Loại biểu tình đó chẳng đem lại tác dụng gì đáng kể.
Ngược lại, có ý kiến cho rằng phải biểu tình hàng tuần và xem đó như cơ hội tập luyện của quần chúng. Nhiều người không đồng ý, vì ít người có hoàn cảnh để đi biểu tình hàng tuần. Và nếu số người biểu tình cứ ít dần đi như đang thấy, hiện tượng này sẽ ảnh hưởng lên tinh thần chung.
Quả thật, khó mà biết mức độ thường xuyên nào là đúng nhất. Tuy nhiên, nếu xét từ chủ đích muốn biến các cuộc biểu tình thành cơ hội tập luyện, chúng ta thấy sau mỗi cuộc biểu tình mọi người rất cần thời gian rút kinh nghiệm, bàn thảo cách đối phó, và quảng bá các giải pháp mới rộng rãi đến những người muốn đi biểu tình lần tới. Chỉ khi liên tục học hỏi và cải tiến như vậy, chúng ta mới có thể gọi đây là cơ hội tập luyện. Và thời gian tối thiểu để làm khâu cải tiến đó phải mất vài tuần lễ.
Do đó, với tình hình thực tế của giai đoạn khởi đầu này có lẽ chu kỳ biểu tình hàng tháng thích hợp nhất.
****
Trên đây là một số tổng hợp ý kiến của nhiều người và nhận định tóm tắt trong phạm vi kiến thức hạn hẹp của tác giả. Hiển nhiên còn nhiều bài học kinh nghiệm khác nữa cần trao đổi và quảng bá giữa những người muốn đóng góp cho tương lai đất nước. Chúng tôi ước mong được đón nhận các bài học kinh nghiệm khác nữa, để một khi tổng hợp sẽ trở thành vốn liếng chung của dân tộc chúng ta trên con đường bảo vệ quê hương. Mọi sáng kiến, góp ý, phê bình xin gởi về vuthach.dtbbd@gmail.com
http://www.facebook.com/l/12fc94RC9XbhtzupMH7wVbBt9Yg/baotoquoc.com/2011/06/22/thang-sau-d%25E1%25BA%25ADy-ma-di-va-nh%25E1%25BB%25AFng-bai-h%25E1%25BB%258Dc-qui-gia/ |
|
|
|
No comments:
Post a Comment