Trong những ngày gần đây, đồng hương tại Nam California nói riêng và trên toàn thế giới nói chung, vô cùng phẫn nộ và tức giận về việc nhật báo Việt Herald đăng bài “Kẻ Phản Bội” do Lữ Giang viết nhằm nhục mạ, phỉ báng, mạt sát cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bằng những từ ngữ xúc phạm nặng nề, như: “tên ác ôn côn đồ”, “quay cuồng”, “điên rồ” v.v… Dù đồng hương đã mạnh mẽ bày tỏ sự bất mãn và phản đối về hành động thiếu đạo đức, vô luân lý này, nhưng cho mãi tới nay, Ban Lãnh Đạo nhật báo Việt Herald cũng chưa chính thức đưa ra “Lời Xin Lỗi” đứng đắn, đàng hoàng và chân thành để chứng tỏ họ ân hận về việc làm sai trái, tắc trách của mình.
Thế mà báo Việt Herald số ra mắt đầu tiên ngày 4 tháng 7 năm 2009, trong Lá Thư Chủ Nhiệm, ông Đỗ Việt Anh đã đề cập nhiều đến khái niệm “lương thiện”. Ông tuyên bố lý do ra báo như sau: “Chúng tôi là những người làm báo lương thiện, quyết tâm giữ tờ báo thật lương thiện với độc giả, không lường gạt, không dối trá, không mị dân, không phe phái. Chúng tôi chỉ thiên về một phe, đó là Sự Thật. Chúng tôi chỉ nghiêng về một phái, đó là lợi ích chung của Cộng đồng Người Việt Tỵ Nạn…” (ngưng trích)
Và để tái xác nhận cái “tuyên ngôn” rất ư là mỹ miều, đẹp đẽ đó, trong bài “Việt Herald 100: Sẵn sàng bước vào giai đoạn mới đầy tin tưởng”, đánh dấu 100 ngày đầu tiên báo được phát hành, ông Trần Văn Chi, với tư cách Phó Tổng Giám Đốc đã viết:
“…Cái gì đẩy Việt Herald tiến nhanh như vậy? Phải chăng có cái gì đó đằng sau đẩy Việt Herald chăng?
Xin thưa nếu có cái gì đó thực sự thúc đẩy, thì cái đó chính là lòng đam mê của những người làm báo chuyên nghiệp, những người lấy nghiệp báo là lẽ sống của cuộc đời. Tất cả chúng tôi, Việt Herald có chung một ước mơ làm nhà báo “lương thiện”, thực hiện hoài bão đã đề ra trong Lá Thư Chủ Nhiệm nhân số ra mắt ngày 4 tháng 7 năm 2009…” (ngưng trích)
Phải công nhận là những lời “hoa bướm” trên đã làm tôi ngập tràn niềm tin và hy vọng. Hy vọng sự đóng góp của Việt Herald sẽ làm phong phú hóa và thăng hoa ngành truyền thông báo chí Việt ngữ hải ngoại.
Nhưng than ôi, sự kiện Việt Herald cho đăng tải bài “Kẻ Phản Bội” và lại còn ngoan cố không chịu đưa ra “Lời Xin Lỗi” đã làm tôi thất vọng ê chề, và tôi tự hỏi: “Việt Herald có thật sự “lương thiện” như thông điệp mà họ từng đưa ra hay không?
Tôi muốn hỏi ông Đỗ Việt Anh và ông Trần Văn Chi là cái việc Việt Herald cho đăng tải bài “Kẻ Phản Bội” của Lữ Giang có lương thiện và công bình với cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Quân Dân Cán Chính VNCH hay không? Nếu muốn nói về lương thiện, mời hai ông nghe Socrate nói như sau: “Điều duy nhất mà người lương thiện phải nhìn trong suốt đường đời của mình là coi hành động của mình công bình hay không, coi nó là hành vi của thiện nhân hay ác nhân.”
Để quý đồng hương và quý độc giả có đủ dữ kiện đánh giá cái “lương thiện” và “tư cách, đạo đức” của Việt Herald, tôi xin trình bày thêm sự kiện sau đây:
Chờ cho đến 9 ngày, vào ngày 22 tháng 10 năm 2009, khi mà Ban Tổ chức Lễ Tưởng Niệm Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đưa ra Bản Lên Tiếng phản đối nhật báo Việt Herald, thì nhật báo Việt Herald mới miễn cưỡng đăng “Lời Tòa Soạn” trong số báo ngày 24 tháng 10 năm 2009 nơi trang 2 như sau:
“LTS: Tòa soạn nhật báo Việt Herald vừa nhận được Bản Lên Tiếng đề ngày 22 tháng 10 năm 2009, của Ban Tổ Chức Lễ Tưởng Niệm cố Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, đồng ký tên 17 hội đoàn, đoàn thể Nam Bắc California, nội dung phản đối nhật báo Việt Herald, trong các số báo 102, 103, 104, đã cho đăng tải bài viết ba kỳ, nhan đề Kẻ Phản Bội, tác giả Lữ Giang, “nhằm bôi xấu hình ảnh một vị cựu nguyên thủ quốc gia, tổng tư lệnh quân lực VNCH” bằng những lời lẽ khiếm nhã, bất xứng. (Xin đọc bài viết đính kèm). Ngay khi tiếp nhận ý kiến phản bác rất chính đáng của độc giả, tòa soạn đã nhận khuyết điểm, đăng lời trần tình để xin minh xác bài báo nói trên là một sơ xuất lớn về mặt biên tập, đường lối, tôn chỉ của Việt Herald và làm tổn thương người đọc cùng tập thể đồng hương thuộc các đoàn thể thuộc các đoàn thể quân cán chính từng sát cánh với cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trong cuộc chiến chống xâm lăng cộng sản và sự nghiệp bảo quốc an dân. Tòa soạn một lần nữa, xin ghi nhận ý kiến đóng góp hết sức quý báu và tích cực của toàn thể quý vị, nhằm giúp cho Việt Herald ngày càng kiện toàn về mọi mặt để tiếp tục phục vụ tự do ngôn luận và đoàn kết cộng đồng. Chúng tôi xin cáo lỗi về sự sơ sót nêu trên và cam kết sẽ hết sức nghiêm cẩn hơn nữa trong nghiệp vụ để tránh lỗi lầm tương tự. Chúng tôi xin đăng lại nguyên văn bản lên tiếng này sau đây.
Trân trọng
Việt Herald” (ngưng trích)
Thực sự thì Việt Herald trước kia đã không hề trình bày những lời lẽ lịch sự, đứng đắn như vậy. Trong các số báo trước, Việt Herald làm gì có viết những lời lẽ “đàng hoàng, biết điều” như vậy, thế mà bây giờ họ lại đổi giọng, đi nói những lời lấp liếm, mị dân. Việt Herald từng ngạo mạn, hống hách, coi thường, khinh rẻ độc giả và đồng hương, do đó trong số báo ngày 16 tháng 10 năm 2009, Việt Herald chỉ “bố thí” vỏn vẹn mấy chữ trong trang 2 như sau:
“Nói lại cho rõ
Trong 3 ngày qua, Việt Herald có đăng bài Kẻ Phản Bội của tác giả Lữ Giang trên mục Phiếm của trang A2. Một số lời lẽ của tác giả không được thích hợp có thể làm độc giả xúc động. Chúng tôi xin nói lại cho rõ đó không phải là chủ trương của Việt Herald. Nhật báo Việt Herald luôn theo đuổi mục tiêu phục vụ độc giả và cộng đồng với lòng trung tín, sự trân trọng và hết khả năng của ban biên tập. Về mặt chuyên môn, chúng tôi sẽ phải thận trọng hơn nữa để lược bỏ những từ ngữ thiếu chuẩn xác hầu bảo vệ tính vô tư trong bài viết.
Trân trọng,
Nhật báo Việt Herald” (ngưng trích)
Hãy so sánh “Lời tòa soạn” và “Nói lại cho rõ” nêu trên để thấy nhật báo Việt Herald có giữ đúng lời hứa “lương thiện với độc giả, không lường gạt, không dối trá, không mị dân” như lời ông chủ nhiệm từng tuyên bố hay không? Hỏi tức là trả lời.
Những lời lẽ của Lữ Giang trong bài “Kẻ Phản Bội” rõ ràng là vô luân, thiếu đạo đức, đi ngược lại luân thường đạo lý của người Á Đông một cách trắng trợn. Chúng tôi “không có thể”, chúng tôi “không xúc động”, mà trái lại chúng tôi thật sự phẫn nộ, bất mãn, tức giận vô cùng. Thế mà tại sao trong mục “Nói lại cho rõ” thì lại màu mè, kẻ cả cho rằng “Một số lời lẽ của tác giả không thích hợp có thể làm độc giả xúc động”. Có phải Việt Herald cố tình xỏ xiên, mỉa mai, khinh rẻ độc giả và đồng hương hay không?
Trong bài “Kẻ Phản Bội” kỳ 1 do Lữ Giang viết, có một đoạn như sau: “…Nhóm tay sai của CIA Mỹ làm đảo chánh ông Diệm và giết ông Diệm, trong đó Trần Thiện Khiêm và Nguyễn Văn Thiệu đóng vai trò chủ chốt đã bị Tổng Thống Johnson gọi là “một bọn ác ôn côn đồ” (a goddam bunch of thug). Nay một số người lại mưu toan tôn một tên “ác ôn côn đồ” đã làm sụp đổ miền Nam Việt Nam lên làm anh hùng! Đó là một sự nhục nhã đối với VNCH” (ngưng trích). (5 tiếng Mỹ trên, ông Lữ Giang đã viết sai chính tả).
Trong bài viết “Lời Góp Ý Cuối Cùng Gởi Việt Herald”, tôi đã thách đố ông Lữ Giang trưng dẫn tài liệu nào chứng minh là Tổng Thống Johnson gọi đích danh Trần Thiện Khiêm và Nguyễn Văn Thiệu là “a goddamn bunch of thugs”. Thách là thách vậy chứ làm sao Lữ Giang có bằng chứng để chứng minh, vì con người của Lữ Giang chỉ là một tên thích “nổ”, chuyên nghề khoác lác, xô bồ, ồn ào, lố bịch mà thôi. Tài liệu mà tôi trích dẫn ra đây lấy từ sách Triangle of Death, nói về cái chết của Tổng Thống John F. Kennedy. Thì vào ngày 1 tháng 2 năm 1966, Tổng Thống Lyndon Johnson gọi điện thoại nói chuyện với Thượng Nghị Sĩ Eugene McCarthy đề cập đến thủ phạm giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Tổng Thống Johnson nói: “He was corrupt and he ought to be killed. So we killed him. We all got together and got a goddamn bunch of thugs and assassinated him. Now, we’ve really had no political stability (in South Vietnam ) since then.” Lữ Giang có tìm ra được cái tên của hai ông Trần Thiện Khiệm và Nguyễn Văn Thiệu trong câu nói của Tổng Thống Johnson hay không? Thực tế thì Tổng Thống Johnson chỉ nói một cách chung chung về một số người tham dự cuộc đảo chánh mà thôi. Trích dẫn tài liệu trên nhằm lột mặt nạ sự vô trách nhiệm, gian xảo, lố bịch, trơ trẽn của Lữ Giang, tức Tú Gàn, tức Nguyễn Cần.
Hôm nay, thứ Hai ngày 26 tháng 10 năm 2009, Việt Herald có bài “Nhìn lại các nhân vật lịch sử” của tác giả Bùi Bích Hà. Bài viết chiếm 4/6 trang báo chứa nhiều lời lẽ giống như là phần phân tích, quan điểm, nhận định, bình luận được in trong mục Sổ Tay, mà lẽ ra mục này chỉ nên dùng để ghi chép những tin tức ngắn, hay sự kiện nóng bỏng, bất ngờ xảy ra trong ngày mà thôi. Thế mà ông Vũ Ánh, phụ tá chủ bút từ lâu nay lại dùng cái mục Sổ Tay này để cà kê dê ngỗng, kể lể ỉ ôi cái thời vàng son 40, 50 năm về trước của ông thì thật là lạ.
Nhìn chung, bài “Nhìn lại các nhân vật lịch sử” được trình bày một cách thẳng thắn và sâu sắc. Điều làm tôi thắc mắc là bà Bùi Bích Hà viết bài này với tư cách gì, một ký giả hay chủ nhiệm? Thông thường thì vị chủ nhiệm viết “Lá Thư Chủ Nhiệm” để đăng trên báo mà thôi, chứ ít khi nào thấy viết bài “kết án” chính người biên tập viên của báo mình như vậy. Hay tại vì bà Bùi Bích Hà quá “bức xúc” vì không thể im lặng trước sự thô lỗ, xấc láo, hỗn xược của Lữ Giang, nên bà “xé rào” một lần cho bỏ ghét. Tôi đồng ý với các nhận xét của bà Bùi Bích Hà, mà đoạn chót được trích như sau:
“…Trở lại “Kẻ phản bội” của tác giả Lữ Giang, khi đặt vấn đề đánh giá một nhân vật lịch sử mà tiên quyết đã gán ngay cho nhân vật ấy một cái nhãn hiệu là sai ngay từ con chữ đầu tiên. Nếu tác giả không nhằm đánh giá lại mà nhằm hạch tội thì càng sai hơn nữa vì, thứ nhất, bị cáo không có mặt lên tiếng; thứ hai, thay vì tập hợp tài liệu, phân tách nghiêm chỉnh, rút ra một kết luận khách quan và công chính để đóng góp kinh nghiệm ứng xử cho người sau thì dùng ngôn từ bất xứng, do cảm tính xô đẩy để gây thêm ngộ nhận, miệt thị một tổng thống, một tổng tư lệnh quân đội của đất nước mà tác giả từng sống và làm việc với tư cách một công chức cao cấp trong chính phủ do tổng thống ấy lãnh đạo, người viết tin chắc rằng ngoài tác giả ra, trên địa cầu này khó có người thứ hai, kể cả trong khối Cộng Sản mà phía quốc gia thường cho là thấp kém, bất nhân, ăn cháo đá bát…” (ngưng trích)
Tôi công nhận khả năng và sự ứng xử khéo léo của bà Bùi Bích Hà trong quá khứ, tuy nhiên với vai trò chủ nhiệm của Việt Herald để giải quyết vấn đề Lữ Giang, bà Bùi Bích Hà đã không có được những phản ứng thích ứng và thức thời, làm cho sự kiện kéo dài càng ngày thêm trầm trọng và nhiêu khê. Tôi tin là bà Bùi Bích Hà sẽ không thấy phiền toái, bực mình khi phải đương đầu với thực tế, vì Yiming có nói: “Nếu bạn muốn làm thợ mộc thì đừng ghét tiếng cưa kéo inh tai, muốn làm thợ rèn thì đừng sợ lửa đỏ. Bạn muốn làm giám đốc thì xin đừng ngại nhiều việc phiền toái.”
Là một độc giả luôn thiết tha với làng báo Việt ngữ tại hải ngoại, và để bày tỏ thiện chí xây dựng, nên tôi xin đóng góp một phần tài liệu đề cập đến Tiêu Chuẩn Nghề Nghiệp hay Những Giáo Điều Của Làng Báo do Hiệp Hội các Chủ Bút Nhật Báo Hoa Kỳ (American Society of Newspaper Editors) đề ra như sau:
“Nhiệm vụ đầu tiên của báo chí là truyền đạt tin tức cho nhân loại về những cái gì mà con người làm, cảm thấy và nghĩ đến. Do đó, báo chí đòi hỏi những người hành nghề (practitioners) phải có một trình độ hiểu biết, kiến văn và kinh nghiệm sâu rộng nhất cũng như những khả năng do thiên phú hoặc do huấn luyện về quan sát và suy luận. Thêm vào tư cách là một biên niên ký, báo chí có những nghĩa vụ (obligations) không thể tách rời được là giáo huấn và dẫn giải.
Muốn làm tròn nhiệm vụ, phải có một số tiêu chuẩn hành nghề và đó cũng là những ước nguyện của báo chí Hoa Kỳ. Những giáo điều (canons) đó đã được đặt ra như sau:
I
Trách nhiệm. Quyền của một tờ báo để lôi cuốn và duy trì độc giả không thể bị hạn chế vì bất cứ lý do nào ngoài lý do phúc lợi công cộng. Việc sử dụng một tờ báo để gây sự chú ý của công chúng cũng phải dùng để định rõ ý thức trách nhiệm mà mỗi nhân viên trong tòa soạn đều phải chia xẻ gánh vác. Một ký giả dùng quyền lực của mình cho lợi riêng hoặc nói một cách khác cho mục tiêu thấp hèn thì không xứng đáng với một kỳ vọng cao cả nào.
II
Tự do báo chí. Tự do báo chí được coi như là một quyền sống còn của nhân loại. Đó là quyền không thể chối cãi được về việc thảo luận bất cứ cái gì không bị luật pháp cấm chỉ minh bạch, kể cả sự thận trọng của bất cứ điều lệ hạn chế nào.
III
Độc lập. Không bị gò bó bởi bất cứ sự ràng buộc nào trừ lòng trung thành với lợi ích công cộng là điều thiết yếu.
1) Ủng hộ bất cứ quyền lợi riêng tư nào ngược lại với phúc lợi chung dù với bất cứ lý do nào đều không tương hợp với nền báo chí liêm chính. Những cái gọi là truyền đạt tin tức từ các nguồn tin riêng tư không được phổ biến nếu không công bố nguồn tin hoặc không chứng minh được là có giá trị của tin tức, cả về hình thức lẫn nội dung.
2) Óc bè phái, trong bài bình luận xa rời sự thật một cách rõ ràng, làm tổn thương cho tinh thần cao cả của nền báo chí Hoa Kỳ; trong tin tức, nó làm hại cho nguyên tắc căn bản của nghề nghiệp.
IV
Thành thật, sự thật, chính xác. Giữ tín nhiệm với độc giả là nền tảng của tất cả các ngành báo chí xứng đáng với danh nghĩa đó.
1) Qua mọi khía cạnh của sự tín nhiệm, một tờ báo bắt buộc phải nói lên sự thật. Nó không thể nào được tha thứ vì thiếu sự đầy đủ hoặc thiếu chính xác trong phạm vi kiểm soát của nó, hoặc thất bại trong việc thực thi những đức tính đó.
2) Những đề mục (tít) phải được hoàn toàn bảo đảm bởi nội dung của những bài báo mà chúng chế ngự.
V
Vô tư. Cách thức làm việc chắc chắn cho thấy có sự phân biệt rõ ràng giữa tường thuật tin tức và bày tỏ ý kiến. Tường thuật tin tức phải không bị gò bó bởi ý kiến hoặc bất cứ sự thiên lệch nào.
Qui tắc này không nên đem áp dụng cho cái gọi là bài đặc biệt chỉ dùng để biện minh hoặc có chữ ký cho phép có những kết luận hoặc dẫn giải của người viết.
VI
Công bình. Một tờ báo không được đăng những lời buộc tội không chính thức làm hại danh giá và đạo đức mà không cho bị cáo có cơ hội bào chữa; cách thức làm việc đứng đắn đòi hỏi phải cho có cơ hội như vậy trong tất cả trường hợp tố cáo nghiêm trọng ngoài những biên bản của tư pháp.
1) Một tờ báo không được xâm phạm những quyền riêng tư hoặc những cảm nghĩ (của con người) nếu không chắc chắn trong việc phân biệt quyền của công chúng với sự hiếu kỳ của công chúng.
2) Đặc quyền cũng như bổn phận của một tờ báo là phải sửa chữa ngay và đầy đủ những lỗi lầm về sự kiện và ý kiến của báo đó bất cứ phát xuất từ đâu.
Đứng đắn. Một tờ báo không thể tránh khỏi tội thiếu thành thật nếu trong khi đề cao tinh thần nghề nghiệp lại đi cung cấp những yếu tố có tính cách kích thích để làm căn bản cho cách thức cư xử như đã thấy những chi tiết về tội ác và tật xấu; phổ biến những điều như vậy rõ ràng không có gì cho ích lợi chung. Vì thiếu uy quyền để bắt buộc thi hành những giáo điều của mình, báo chí có đại diện ở đây chỉ có thể bày tỏ hy vọng rằng sự phó mặc cố ý cho những bản năng xấu xa sẽ bị công chúng không tán thành hoặc bị đồng nghiệp kết án…” (ngưng trích)
Đúng như lời bà Bùi Bích Hà đã viết, xử dụng tự do phải đi đôi với đạo đức và trách nhiệm. Chính
Chính vì vậy mà khi người làm báo viết quá trớn sẽ bị mang tội “phỉ báng”. Theo định nghĩa của Tiểu Bang New York về phỉ báng (Khoản 1340, Hình Luật Tiểu Bang N.Y.) là một trong những định nghĩa rộng rãi nhất và hữu dụng nhất ở Hoa Kỳ:
“Một xuất bản phẩm có ác ý được viết ra, in ra, bằng hình ảnh, hình khắc, dấu hiệu hoặc cái gì khác hơn là lời nói, làm cho một người còn sống hoặc vong linh của một người quá cố bị ghét bỏ, khinh miệt, chê cười, ô nhục, hoặc xuất bản phẩm đó gây ra hoặc có ý làm cho bất cứ người nào bị xa lánh hoặc ghét bỏ, hoặc nữa có khuynh hướng mạ lỵ người nào, đoàn thể nào hiệp hội nào, trong công việc hoặc trong chức vụ của người ấy, của đoàn thể ấy và hiệp hội ấy, là phỉ báng.” (ngưng trích)
Như vậy, nếu nhật báo Việt Herald không có thiết lập riêng cho mình một tiêu chuẩn báo chí, hay không xử dụng “luật rừng”, thì những nguyên tắc và tiêu chuẩn mà Hiệp Hội Chủ Bút Nhật Báo Hoa Kỳ nêu ở trên, được coi như là kim chỉ nam cho nghề báo. Và dựa theo đó, tôi quả quyết và kết luận rằng Lữ Giang không hội đủ tiêu chuẩn, hay nói đúng hơn là không xứng đáng và không có đủ trình độ, tư cách, tác phong, đạo đức để được công nhận là một nhà báo đúng nghĩa. Lữ Giang chỉ là một tên viết mướn, và y viết theo “đơn đặt hàng” mà thôi. Ngôn ngữ đẹp là biểu hiện cụ thể của tâm hồn đẹp. “Có thiện tâm mới có thiện ngôn”. Một người như Lữ Giang chỉ có tâm địa xấu xa, đố kỵ, bỉ ổi, thấp hèn và điêu ngoa mà thôi, do đó y không thể nói hoặc viết ra được điều êm ái, tốt lành được.
Trong tinh thần trên, tôi cũng nghĩ rằng Ban Lãnh Đạo nhật báo Việt Herald cũng chưa thể hiện, bày tỏ trọn vẹn trách nhiệm và thiện chí của mình khi vẫn còn ngoan cố, kèn cựa mà không chịu đưa ra “Lời Xin Lỗi” chính thức, công khai, đứng đắn và đúng tiêu chuẩn.
Để chứng tỏ tinh thần khách quan và không hề có ác ý hay tư thù trong việc cá nhân tôi mấy ngày nay lên tiếng phản đối nhật báo Việt Herald, tôi xin phép trích dẫn một phần trong Bản Lên Tiếng của Ban Tổ chức Lễ Tưởng Niệm Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, gồm có 23 tổ chức, hội đoàn đồng ký tên, được phổ biến vào ngày 22 tháng 10 năm 2009 như sau:
“…Nhật báo Việt Herald có đăng bài “Kẻ Phản Bội” của tác giả Lữ Giang nơi trang A2, trong ba số báo 102, 103, 104 ngày 13, 14 và 15 tháng 10 năm 2009, với nội dung nhằm bôi xấu hình ảnh một vị Cựu Nguyên thủ Quốc gia Tổng Tư lệnh QLVNCH và cố tình gây chia rẽ hàng ngũ Tập thể Dân Quân Cán Chính VNCH với những lời lẽ cáo buộc bất xứng. Dưới cái tiểu tựa “SUY TÔN BỌN ÁC ÔN CÔN ĐỒ”…..
Ban Tổ chức Lễ Tưởng Niệm Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, Húy nhật năm thứ 8, tại Nam California chính thức lên tiếng:
1) Phản đối Nhật báo Việt Herald đã cho đăng bài viết nêu trên với những cáo buộc phi lý, những lời lẽ vô lễ đối với một vị cố Tổng Thống của một chế độ hiến định, một thái độ vô ơn đối với những hy sinh mất mác lớn lao của tập thể Dân Quân Cán Chính VNCH trong công cuộc chống Cộng sản xâm lăng, bảo vệ sự tự do no ấm cho Miền Nam Việt Nam trước 1975.
2) Phản đối Nhật báo Việt Herald đã vô tình hay cố ý chia rẽ phân hóa hàng ngũ Dân Quân Cán Chính VNCH qua việc phân biệt, so sánh hai Lễ Tưởng Niệm nhị vị Tổng thống VNCH - Tổng Tư lệnh Tối Cao QLVNCH, tạo cơ hội cho Cộng Sản xâm nhập lũng đoạn Cộng đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại hải ngoại.
3) Ngoài ra Ban Tổ chức Lễ Tưởng Niệm Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu cũng cẩn trọng báo động và cảnh giác quý Đồng hương Việt Nam về âm mưu phân hóa gây chia rẽ Cộng đồng Người Việt Tỵ nạn chúng ta của tay sai Cộng Sản tại Little Saigon từ bấy lâu nay để làm suy giảm sức mạnh của người Việt chống Cộng ở hải ngoại…”(ngưng trích)
Để kết luận bài viết này, tôi vẫn kiên định lập trường và tiếp tục đòi hỏi nhật báo Việt Herald phải trả lại danh dự và sự công bình cho cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Quân Dân Cán Chính VNCH, bằng cách “Ban Lãnh Đạo” nhật báo Việt Herald chứ không phải “Tòa Soạn”, cần đưa ra “Lời Xin Lỗi” một cách tự nguyện, tự giác, thiện chí, công khai, rõ ràng, trong sáng, minh bạch, đứng đắn và rốt ráo. “Lời Xin Lỗi” cần được in tại một vị trí trang trọng và dễ thấy ngay trang nhất của tờ báo. Vì ông Lữ Giang là người gây ra sự thương tổn và phiền toái, rắc rối này, do đó tôi cũng đòi hỏi “Ban Lãnh Đạo” nhật báo Việt Herald cần cam kết công khai trong việc chế tài đích danh ông Lữ Giang một cách thích đáng, chứ không phải “đuổi cổ” ông ta một cách âm thầm như một số tin tức bên trong đang được tiết lộ một cách “bán chính thức”.
Đây là nước dân chủ, tự do nên nhật báo Việt Herald có quyền quyết định phương cách giải quyết vấn đề. Đưa ra “Lời Xin Lỗi” hay không là tùy thuộc vào sự sáng suốt và thiện chí của “Ban Lãnh Đạo” Việt Herald. Khổng Tử khẳng định: “Có lỗi mà không sửa thì đúng là có lỗi vậy”, và “ Không tự biết mình, chăm lo sửa lỗi cho mình được mỗi ngày một hoàn thiện hơn thì quả là cái lỗi lớn nhất của người quân tử. Lỗi nhỏ mà không sửa được thì còn dũng cảm đâu để mà sửa lỗi lớn hơn và cứ như thế lỗi lầm chồng chất mãi.”
Bên cạnh đó, về phía tôi, là độc giả và thành viên nhỏ bé trong cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản mà nhật báo Việt Herald cũng đang sống trong cộng đồng này, tôi cũng được quyền bày tỏ nguyện vọng và thể hiện cái đòi hỏi chính đáng của mình bằng nhiều phương cách trong tinh thần hợp tình, hợp lý và hợp pháp theo Tu Chính Án số 1 cho phép. Như từng trả lời với phóng viên trên nhật báo Việt Herald ngày 21 tháng 10 năm 2009: “Tôi không để ý đến phản ứng của người khác. Tôi làm vì bổn phận của một cựu công dân Việt Nam Cộng Hòa dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Bây giờ người ta xúc phạm đến cố Tổng Thống thì tôi lên tiếng phản đối. Tôi chẳng theo phe đảng nào, mà cũng không kêu gọi ai ủng hộ cả. Vấn đề của tôi là thấy chuyện nên làm thì làm mà thôi.”
No comments:
Post a Comment