Cựu quân nhân và dân chính các cấp rước di ảnh cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vào nơi hành lễ. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Tưởng niệm cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: 'Không chỉ để nhớ, mà còn phải kết hợp'Sunday, October 04, 2009 Nguyên Huy/Người Việt .
.
WESTMINSTER - “Tưởng niệm Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu hôm nay, chúng ta tưởng niệm vị tổng thống quan trọng của nền Ðệ II Cộng Hòa, đã hết lòng trong suốt tám năm trời, lèo lái con thuyền tự do, nhân bản của VN trong việc bảo vệ Hiến Pháp, phát triển đất nước theo con đường tiến bộ tốt đẹp của nhân loại. Nhưng tưởng niệm không phải chỉ để nhớ lại mà còn là để nhắc nhở chúng ta hãy kết hợp lại, củng cố chế độ chính trị tốt đẹp của chúng ta, gây ý thức về chế độ tốt đẹp đó trong các thế hệ về sau để khi có cơ hội trở về nước xây dựng lại chế độ tốt đẹp đó ở trong nước.”
Ðó là đoạn kết trong bài diễn văn khai mạc của Trưởng Ban Tổ Chức, Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm trong lễ Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nhân ngày giỗ thứ tám của ông tại nhà hàng Regent West vào trưa Chủ Nhật, 3 Tháng Mười, 2009.
.
Ðây là lần đầu tiên lễ tưởng niệm Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu được tổ chức tại Nam California. Buổi lễ này do các cựu quân cán chính VNCH đứng ra tổ chức với sự phối hợp của một số cựu quân cán chính VNCH tại Bắc California và Virginia. Khoảng 500 đồng hương đã có mặt tại lễ tưởng niệm.
.
Có mặt cùng phu nhân cố tổng thống còn có bà cựu dân biểu phó chủ tịch Hạ Viện VNCH Nguyễn Thị Hai, vợ chồng trưởng nam cố tổng thống là ông bà Nguyễn Quang Lộc. Trước đó ông Hoàng Ðức Nhã, người em bà con của cố tổng thống từng có một thời gian dài làm việc bên cạnh ông cũng đã tới dự. Ngoài ra chúng tôi còn nhận thấy có Dân Biểu Trần Thái Văn và một số dân biểu gốc Việt của các thành phố Westminster và Garden Grove. Không thấy có một quan chức người Mỹ nào trong chính quyền Hoa Kỳ trong buổi lễ tưởng niệm này.
.
Sau phần mở đầu buổi lễ với những nghi thức rước di ảnh cố tổng thống vào hội trường đặt lên bàn thờ, chào quốc kỳ Mỹ-Việt và một phút mặc niệm, cựu Ðốc Sự Châu Văn Ðể nói lên ý nghĩa buổi lễ tưởng niệm này. Tiếp đó cựu Ðại Tá Hải Quân Trần Thanh Ðiềm đã tuyên đọc tiểu sử cố tổng thống. Tiếp theo là nghi thức tế lễ trang trọng do ban nghi lễ cổ truyền của ông Phan Như Hữu phụ trách. Bài văn tế 10 phút kể lại tinh thần chống Cộng kiên cường của người quá cố, dù có phải lâm vào tình trạng nước sôi lửa bỏng, giặc trong thù ngoài và sự phản bội trắng trợn của đồng minh.
.
Nhiều nhân sĩ trong cộng đồng hải ngoại phát biểu sau buổi tế lễ. Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh, cựu tư lệnh Không Quân VNCH nói về vị cựu Tổng Tư Lệnh QLVNCH Nguyễn Văn Thiệu, rằng: “Lịch sử đã chứng minh cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là một người yêu nước, là người bị bao vây trong nhiều thế chính trị lại không có đủ phương tiện để chống lại.”
.
Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh cũng nhắc đến công lao của người quá cố từ khi chưa được bầu làm tổng thống. Trong cương vị một sĩ quan cao cấp, ông đã cải tổ trường Võ Bị Quốc Gia, cũng như lưu tâm đến nền giáo dục của VNCH trong suốt tám năm ông lãnh đạo đất nước. Trong dịp này, Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh cũng xin được tạ lỗi với cố tổng thống rằng ông đã không giữ được lời hứa giữ quốc tịch VN để cố tổng thống đã chiến đấu trong cô đơn vào cuối cuộc chiến khi đồng minh phản bội, rút lui khỏi cuộc chiến và bắt ép VNCH phải nhận chịu thế cuộc.
.
Nhiều nhân sĩ khác như cựu Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình, cựu tư lệnh Cảnh Sát Quốc Gia cũng cho rằng: “Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là một anh hùng đã đứng ra cáng đáng đất nước đang trong lúc vô cùng khó khăn. Dân chúng VN đến nay đều đã xác nhận cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu quả là một nhà lãnh đạo can cường, có lòng yêu nước nhiệt tình. Không chỉ có CSVN mà cả cộng sản quốc tế cũng muốn tiêu diệt Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vì ông là trở ngại lớn lao cho việc nhuộm đỏ Ðông Nam Á.”
.
Cựu Thẩm Phán Phạm Ðình Hưng, đại diện cho hai cơ quan tư pháp của VNCH là Bộ Tư Pháp và Giám Sát Viện cũng cho rằng: “Cố tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã phải chịu biết bao nhiêu khó khăn khi người bạn đồng minh Hoa Kỳ thay đổi và còn làm áp lực để VNCH cũng phải thay đổi chấp nhận những lợi thế cho cộng sản ở miền Nam VN.”
.
Một đồng hương của Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là ông chủ tịch hội ái hữu Ninh Thuận Trần Thái Ất cũng nhắc đến những kỷ niệm mỗi lần cố tổng thống về thăm quê, luôn bày tỏ tấm lòng yêu quê hương của một người yêu nước thiết tha. Người dân Ninh Thuận hết sức hãnh diện vì được là người đồng hương với cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
.
Vị quan khách phát biểu sau cùng là người được mọi người tham dự chờ đợi, là ông Hoàng Ðức Nhã, người có thời gian thân cận khá dài với cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Ông Hoàng Ðức Nhã nhắc đến lòng yêu nước của cố tổng thống, một người mà theo ông “lúc nào cũng ôm ấp một hoài bão Bảo Quốc và An Dân.” Ông Hoàng Ðức Nhã cũng nhắc đến việc vì sao mà cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã không nói gì trong suốt thời gian sau 30 Tháng Tư, 1975.”
.
“Không nói vì không có bối cảnh!”
.
Nhưng bối cảnh như thế nào, ông Hoàng Ðức Nhã không giải thích.
Buổi Lễ Tưởng Niệm cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu kết thúc bằng một bữa cơm thanh đạm của ban tổ chức, được mang đến tận chỗ cho từng người tham dự.
.
Có ba điều dễ dàng ghi nhận từ lễ tưởng niệm. Thứ nhất, suốt buổi lễ, dù có nhiều diễn văn nhưng hội trường lúc nào cũng giữ được không khí trang trọng, yên lặng. Thứ hai, số đồng hương đến tham dự khá đông. Nếu như còn chỗ đậu xe thì số người tham dự có thể còn cao hơn nữa. Và thứ ba là tình cảm của người tham dự chan hòa với phu nhân của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Bà bị vây kín ngay từ lúc bước chân vào hội trường. Ai nấy đều mong nói được một câu chia sẻ tình cảm với bà và nắm tay bà biểu lộ tấm lòng trân quí với cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
(N.H)
-----------------------------------------------------------------------------------------------
Tin Santa Ana
– Chính quyền miền Nam Việt Nam trải qua 3 vị Tổng thống từ 1954 đến 1975. Hai người được hầu hết dân quân miền Nam và thế giới kính nể và ngưỡng mộ là Tổng Thống Ngô Đình Diệm, đệ nhất Cộng Hòa (1954 – 1963) và Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, đệ nhị Cộng Hoà (1965 – 1975). Vị Tổng thống thứ ba Dương Văn Minh thì không còn từ ngữ nào để viết sau 2 lần gây nên tội: Cách mạng 1/11/1963 và đầu hàng cộng sản Bắc việt.
.
Hằng năm sau khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu qua đời ngày 29/9/2001 thì cộng đồng người Việt hải ngoại thường có 2 buổi lễ giỗ Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào đầu tháng 11 Dương Lịch và cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cuối tháng 10 Dương Lịch. Hai cuộc đời, một cái chết chỉ cách nhau chưa đầy 1 tuần lễ của 2 vị cựu nguyên thuỷ Quốc Gia và đều được người đời mến phục và ngưỡng mộ.
.
Lẽ dĩ nhiên nhân vô thập toàn, cũng giống như các vị nguyên thuỷ quốc gia trên thế giới cũng có người thích kẻ chê. Ai cũng có ưu và và khuyết điểm. Người ta có thể phê bình một vài lỗi lầm của 2 nhà lãnh đạo này tuỳ hoàn cảnh tuỳ môi trường và tuỳ nhận định theo cảm tính cá nhân.
.
Nhưng chắc chắn cả hai vị cố Tổng Thống của đệ nhất và nhị Công Hòa đều được đa số người Việt Quốc Gia ngưỡng mộ vì cả 2 người đều là những người yêu nước nhiệt thành, có khả năng lãnh đạo và lèo lái quốc gia trong những giai đoạn phôi tha của chế độ cộng hòa miền Nam (Ngô Đình Diệm) và giai đoạn dầu sôi lửa bỏng của chiến tranh (Nguyễn Văn Thiệu.)
.
Nếu Nam California được vinh dự chứng kiến hằng năm về ngày giỗ của cố TT Ngô Đình Diệm vì cụ Cao Xuân Vỹ cư ngụ Nam California, lễ giỗ cố TT Nguyễn Văn Thiệu thường lệ được tổ chức tại miền Đông Hoa Kỳ, Virgini là lần đầu tiên đã được tổ chức tại Nam California.
.
Năm nay, nam California được vinh dự đứng ra tổ chức lễ giỗ húy nhật lần thứ 8 cố TT Nguyễn Văn Thiệu. Buổi lễ đã được đã được long trọng cử hành trang nghiêm tại nhà hàng Regent West, Santa Ana bằng lễ nghi quân cách và tế lễ cổ truyền dân tộc. Cách Phước Lộc Thọ khoảng 2 dặm Anh về hướng đông trên đại lộ Bolsa, vào trưa thứ Bảy, ngày 3 tháng 10 năm 2009 tại nhà hàng Regent West khu đậu xe chật cứng, những người tham dự đã phải đậu xe nhiều khu phố lân cận.
.
Khoảng 10 giờ sáng thời tiết California chỉ còn khoảng 75 độ Anh, ánh nắng chan hòa nhưng mát mẻ, rất lý tưởng cho các buổi hội họp, sinh hoạt. Từ sáng sớm những anh em trong Ban Tổ Chức đã có mặt để chuẩn bị chương trình. Chúng tôi đặc phái viên Việt Star có mặt đúng 11 giờ theo lời mời của Ban Tổ Chức.
.
Trên sân khấu một bàn thờ lộng lẫy uy nghi với ly hương, nhang đèn, hoa quả, cờ phướng, 2 lộng vàng 2 bên. Hội trường đã đầy chật quan khách. Trên hàng ghế đầu chúng tôi nhận thấy sự hiện diện của Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, cựu Thứ Trưởng Giáo Dục và cũng là Trưởng Ban Tổ Chức, Dân biểu Trần Thái Văn, Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, cựu Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình, Đại tá Hải Quân Trần Thanh Điền cựu Chỉ huy trưởng Liên Minh Phòng Vệ Tổng Thống Phủ, bà quả phụ Trung tướng Lê Nguyên Khang, bà quả phụ Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang rất đông các dân biểu (Nguyễn Thị Hai, Bùi Văn Nhân…..), nghị sĩ (Cựu Th/T Công Binh Nguyễn Văn Chức…..), cựu bộ và thứ trưởng, các cựu quân nhân QL/VNCH thuộc Liên Hội Cựu Chiến Sĩ và Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại, Hội đoàn và thân hào nhân sĩ trong cộng đồng.
.
Khoảng hơn 600 người ngồi và đứng chật hội trường và một số phải đứng bên ngoài vì hết chỗ. Ngay từ bên ngoài hội trường chúng tôi đã thấy một biểu ngữ với hàng chữ quen thuộc, một câu châm ngôn nằm lòng cho dân quân cán chính VNCH: “Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm.” một tấm bảng lớn treo trên nóc nhà hàng với chân dung của cố Tổng Thống và hàng chữ Lễ Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
.
Đúng 12 giờ trưa, phu nhân cố TT Nguyễn Văn Thiệu, ông Hoàng Đức Nhã (Cố vấn, nguyên cựu Tổng Trưởng Dân Vận và Chiêu Hồi,) cùng với vợ chồng con trai trưởng là Nguyễn Quang Lộc, bà dân biểu Nguyễn Thị Hai, Phó chủ tịch Hạ Viện VNCH cùng số đông thân thuộc. Buổi lễ được bắt đầu ngay sau đó. MC điều hợp toàn bộ chương trình là ông Nguyễn Hữu Của, hội trưởng hội ái hữu Bình Dương giọng nói sang sảng và rất rõ mặc dù đã lớn tuổi.
.
Trước hết là lễ đưa đi ảnh của cố Tổng thống lên bàn thờ do 6 quân nhân trong đơn vị Nha Kỹ Thuật. Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm (Trưởng BTC) đón nhận di ảnh cố Tổng thống và an vị trên bàn thờ nghi lễ. Không khí hoàn toàn im lặng. Mọi người lắng đọng tâm hồn tưởng nhớ anh linh của một vị nguyên thủ quốc gia trong gia đoạn nghiêm trọng nhất của lịch sử.
.
Với một hoàn cảnh khắc nghiệt của áp lực bởi người bạn đồng minh, bởi thế lực bàn cờ quốc tế, có lẽ không ai có thể làm gì hơn trong thế quốc biến. Chiến lược chính trị đã trói tay những quy tắc chiến tranh. Dù QL/VNCH tài giỏi, những tướng lãnh thao lược dưới tay những cấp chỉ huy trung cấp đầy kinh nghiệm chiến trường, gan dạ và mưu lược thì sức người cũng phải bó tay trước vũ khí tối tân dư thừa và vượt trội. Có thể những cuộc rút lui vôi vàng đã là những lý do làm cho một số người bất mãn và ác cảm.
.
Nhưng dù sao lịch sử đã sang trang, dù chế độ có những khuyết điểm thì sự cương quyết lãnh đạo của cố Tổng Thống cũng đã làm cho những quân nhân các cấp của quân lực VNCH vẫn có những sự ngưỡng mộ. Số người hiện diện trong buổi lễ giỗ huý nhật lần thứ 8 đã nói lên tâm tư của người Việt lưu vong hải ngoại.
.
Những người tham dự đã hi sinh những ngày nghỉ cuối tuần với trận tranh tài thể thao sôi nổi của Mỹ quốc mùa hè. Ngày thứ Bảy đa số các hội đoàn úy kỵ không dám tổ chức vì sợ đám hỏi, đám cưới, sinh nhật đa số đều thất bại. Nghị Hội Người Việt Toàn Quốc trước đây 1 tuần là một thí dụ. Nhưng cộng đồng vẫn đến trong tình thương quyến luyến. Đến để chia xẻ và cảm thông cho người chiến sĩ bị “giam mình” lãnh đạo trong hoàn cảnh khó khăn và áp lực của đồng minh.
.
Sau khi di ảnh của cố Tổng Thống đã được kính cẩn an vị, toán Quốc Kỳ tiến lên để bắt đầu nghi lễ khai mạc với Quốc Kỳ, Quốc Ca Hoa Kỳ & VNCH và Phút Mặc Niệm. Một phút mặc niệm ngắn ngủi 1 phút, nhưng âm thanh réo rắt của nhạc truy điệu như tiếng hờn ai oán làm mủi lòng người hiện diện.
.
Vì số quan khách và chức sắc tham dự quá đông nên Ban Tổ Chức không có thì giờ giới thiệu hết ngoại trừ gia đình cố Tổng Thống, phu nhân và trưởng nam Nguyễn Quang Lộc, ông Hoàng Đức Nhã, bà quả phụ Lê Nguyên Khang và Phạm Ngọc Sang, Dân biểu Trần Thái Văn, các viên chức Lập, Hành và Tư Pháp trong chính quyền đệ nhị VNVCH và Hội đồng Liên Tôn.
.
Sau đó, ông Châu Văn Để, hội trưởng hội Quốc Gia Hành Chánh Nam Cali thay mặt Ban Tổ Chức đọc diễn văn chào mừng, Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm diễn từ ý nghĩa và lý do tổ chức, cựu Đại Tá Trần Thanh Điền đọc tiểu sử của cố Tổng Thống (đã được đăng trong tuần báo KBC Hải Ngoại số 45 tháng 10/2009.)
.
DVD bài nhật lệnh của Tổng Thống đọc nhân ngày Quân Lực 19/6/1973 được BTC cho chiếu trên màn ảnh dài khoảng 10 phút xen lẫn những đoạn phim nói lên sự chiến đấu anh dũng của dân quân miền Nam.
.
Ban Tế Quan do nhân sĩ Phan Như Hữu điều hợp với Chánh tế ông Phan Kỳ Nhơn (cựu Tổng Hội trưởng Quân Cảnh) cùng 8 thành viên cử hành nghi thức tế lễ Tưởng Niệm cổ truyền trong lúc nhà báo Nguyễn Thanh Huy đọc bản Chúc Văn Tưởng Niệm. BTC chỉ mời Phu nhân cố Tổng thống và gia đình lên niệm hương, sau đó Hội đồng Liên Tôn (gồm đại diện 4 tôn giáo lớn: Phật Giáo, Tin Lành, Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, không có đại diện Công Giáo) lên làm nghi lễ cầu nguyện.
.
Quan khách sẽ được mời thắp nhang niệm hương sau khi phần nghi lễ chấm dứt để tránh tình trạng gián đoạn và kéo dài buổi lễ. Sau phần nghi lễ tưởng niệm là mục vinh danh công đức, Dân biểu Trần Thái Văn đã gửi bảng tuyên dương sự nghiệp của cố Tổng Thống, Nghị viên Andrew Đỗ đến rất trễ và không còn chỗ ngồi, nhưng BTC đã khéo léo năn nỉ khách tham dự nhường ghế ngồi bên dưới, nhưng cũng kịp thời lên trao bằng tưởng lục của Giám Sát Viên Janet Nguyễn. Ông Andrew Đỗ và Lê Công Tâm đã ra về ngay sau khi trao tặng bằng tưởng lục, có lẽ họ chỉ có nhiệm vụ đến trao bằng tưởng lục nên không tham dự lễ tưởng niệm trước đó.
.
Trong phần phát biểu cảm tưởng của quan khách lần lượt bà Nguyễn Thị Hai, Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, Thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình, Tiến sĩ Phạm Đình Hưng, ông Trần Thái Ất (Hội ái hữu Ninh Thuận, quê hương cố Tổng Thống,) bác sĩ Võ Đình Hữu và anh Trần Quốc Bảo (tân phó cbủ tịch Tổng Hội Sinh Viên.) Tất cả đều mang nội dung ca tụng tài lãnh đạo, tham mưu và chính trị lẫn quân sự.
.
Cuối cùng là lời đáp từ của phu nhân cố Tổng Thống. Trong một đoạn diễn từ bà nói: “Trước hết, cho tôi kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của các chiến sĩ quốc gia đã Vị Quốc Vong Thân, đã hi sinh vì lý tưởng tự do, vì danh dự màu cờ đến ngày cuối cùng tháng Tư, 1975. Chúng tôi cũng không quên công ơn của anh chị em Thương Phế Binh đã vì cuộc chiến bảo vệ miền Nam mà hi sinh một phần thân thể của chính mình cho đất nước để chúng ta được sống an lành, mạnh khỏe. Tôi cũng xin gửi đến tất cả anh em chiến sĩ quân lực VNCH còn mạnh khỏe sau cuộc chiến 1975 lời thăm hỏi của tôi. Về phần chúng tôi, chúng tôi xin tri ân tất cả các Ban Tổ Chức trong 8 năm qua đã tổ chức những lễ giỗ cho Tổng Thống thật chu đáo, đặc biệt trong ngày lễ hôm nay tại nam California.” Mở đầu bài diễn văn bà nói: “Sự hiện diện đông đảo của những người có mặt ngày hôm nay trong buổi lễ đầy trang nghiêm và ấm cúng này đã nói lên lòng tương kính và sự biết ơn của Dân Quân Cánh Chính đã dành cho vị Tổng Thống của nên Đệ Nhị Cộng Hòa.” Cuối cùng bà kết thúc: “Trước hồn thiêng sông núi, trước Anh Linh của Tiền Nhân và trước Anh Linh của Tổng Thống, kính xin độ trì cho dân tộc Việt Nam sớm thoát khỏi ách thống trị tàn bạo của cộng sản và có một đời sống tự do đích thật. Trước khi dứt lời, Kính xin Thượng Đế chúc phúc bình an, hạnh phúc cho tất cả quý vị.” Sau cùng, ông Hoàng Đức Nhã đã thay mặt gia quyến và Ban Tổ Chức ngỏ lời cảm tạ và tâm sự vài kỷ niệm trong lúc phục vụ đệ nhị Cộng Hoà. Phóng viên Việt Star có đề nghị với ông Hoàng Đức Nhã vì Tổng Thống không viết hồi ký để nói lên những bí ẩn nền đệ nhị Cộng Hòa nhất là những tháng sau cùng của năm 1975. Với tư cách là một trong những cố vấn và qua vài dữ kiện mà ông vừa tâm tình, nếu được ông nên viết hồi ký để làm sáng tỏ một giai đoạn lịch sử. Buổi lễ giỗ cố TT Nguyễn Văn Thiệu được chấm dứt với bữa ăn trưa do BTC khoản đãi. Ghi nhận bên lề, điều ngạc nhiên không có mặt của các đại diện 2 Ban Đại Diện Cộng Đồng Nam California ngoại trừ ông Nguyễn Tấn Lạc ở trong ban Tế Quan và Bác sĩ Võ Đình Hữu Đại diện Cộng Đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ. Ngoài ra phóng viên Việt Star cũng ghi nhận sự khó khăn của BTC khi phải sắp xếp chỗ ngồi. Do đó VS cũng đề nghị nếu được quý vị chức sắc, nên có mặt trước khi chương trình cử hành, nhất là nghi lễ chào Quốc Kỳ là điều không nên thiếu sót, trừ phi mình cố tình không muốn chào Quốc kỳ VNCH.
_________________
Nguồn:
Nguyễn Phương Hùng Board Administrator Diễn Đàn KBC Hải Ngoại độc lập và không có liên hệ với tuần báo KBC Hải Ngoại
Trở về đầu trang
=========================================
=====================================================
No comments:
Post a Comment