LITTLE SÀIGÒN, cái tên quen thuộc của hầu hết người Việt tỵ-nạn khắp nơi.
LITTLE SÀIGÒN, cái biểu-tưởng cho sự đoàn-kết của những người Việt tha-hương, lưu-vong vì lý-tưởng tự-do.
LITTLE SÀIGÒN, cái tên biểu-lộ sự thành-công về mặt thương-trường của người Việt tỵ-nạn rời xa quê-hương với hai bàn tay trắng.
LITTLE SÀIGÒN, tại San Jose nói riêng, là cái tên thể-hiện sự thành-công trong việc đóng-góp, của người Việt tỵ-nạn tại San Jose, vào sự tái khởi-sắc phồn-thịnh của thành-phố, vốn dĩ tiêu-điều từ hàng chục năm trước. Sự đóng-góp đáng-kể này là nguyên-nhân để Hội-Đồng thành-phố quyết-định chọn một khu thương-mại với nhiều thương-vụ của người Việt, và đặt một tên tiếng Việt cho khu thương-mại đó, để vinh-danh và ghi-nhớ công-lao, sự kiên-trì nhẫn-nại, bản-tính khắc-phục khó-khăn để đạt được thành-quả của những người Việt không bột mà đắp nên hồ.
LITTLE SÀIGÒN, cái tên luôn luôn nhắc lại sự bội-phản của Madison Nguyễn, nghị-viên do đồng-hương cả tin bầu vào Hội-Đồng Thị-Xã. Qua các cuộc thăm-dò tổ-chức bởi chính thành-phố và bởi cơ-quan ngôn-luận lớn nhất trong vùng, San Jose Mercury News, đại đa số đồng-hương, từ 80 đến 90 phần-trăm, đã ủng-hộ và chấp-thuận tên Little Sàigòn. Madison Nguyễn vẫn tùng-quyền, và dùng những luận-điệu gian-trá để bác-bỏ tên này, rồi hướng-dẫn sai-lạc các nghi-viên khác của Hội-Đồng Thành-Phố biểu-quyết thuận một tên khác. Madison Nguyễn đã hành-sự dưới áp-lực của cái mà cư dân San Jose quen gọi là “special interest” và “backroom deal”. Đó là lý-do bộc-phát cuộc đấu-tranh dai-dẳng cho danh-xưng Little Sàigòn tại San Jose từ 20-11-2007 đến 14-03-2008 chống lại sự áp-đặt một danh-xưng không phù-hợp với nguyện-vọng của tất cả đồng-hương trong vùng.
LITTLE SÀIGÒN, cái tên được đại đa-số đồng thuận ngày nay đã được chính-thức dựng lên một cách trang-trọng trên đoạn đường của Story Road, từ xa-lộ 101, San Jose, nhưng những tổn-thương đáng-tiếc đã xảy ra vì sự hành-xử thiếu trung-thực của Madison Nguyễn. Về mặt tinh-thần, sự tổn-thương thật ray-rứt. Sự chia-rẽ trong cộng-đồng rơi đúng vào chủ-trương chống-phá sự đoàn-kết tập-thể người Việt quốc-gia hải-ngoại mà cộng-sản chủ-trương. Ngân-sách 120 ngàn Mỹ-kim dành cho sự xây-dựng bảng tên LITTLE SÀIGÒN đã bị thành-phố thu-hồi. Ngân-khoản tài-trợ tu-bổ hàng năm từ thị-xã cũng không còn nữa. Đồng-hương tại San Jose phải tự mình xây-dựng và tu-bổ hàng năm. Thật bất hạnh cho cộng-đồng khi chọn lầm một nghị-viên. Quả đúng là “sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham-hiểm ai đo cho cùng”.
Cộng-đồng người Việt tỵ-nạn tại San Jose đã thấy gì và học được gì sau biến-cố LITTLE SÀIGÒN?
Khi bảo nghị-viên Madison Nguyễn đã dùng những luận-điệu gian-trá và hành-xử thiếu trung-thực đối với tập-thể đồng-hương Việt-Nam, chúng ta có kết-luận quá-đáng không? Trong thời-gian đấu-tranh, lập-luận của ủy-ban tranh-đấu chưa được minh-chứng. Từ đó đến nay, hơn hai năm trôi qua, thời-gian đã làm công việc bạch-hóa này. Cái đại đa-số người Việt thầm-lặng của Madison Nguyễn đã không nổi lên chống lại sự chấp-thuận tên Little Sàigòn như Madison Nguyễn đã tuyên-bố. Cái đại đa-số thầm-lặng này không có. Tuy cộng-đồng Việt-Nam tại đơn-vị 7 đã không thành-công trong công-tác “Recall” và tái tranh-cử của nghị-viên Madison Nguyễn, nhưng đó là vì cộng-đồng Việt-Nam tại đơn-vị 7 đã không có đủ túc-số cử-tri, tài-chánh, phương-tiện, và nhất là không có nhân-sự lèo-lái những thủ-đoạn trong tiến-trình tổ-chức tranh-cử. Và đây là tình-trạng thực-tế chung của thiểu-số trong toàn-bộ cộng-đồng rộng-lớn nhiều sắc-dân khác nhau trong vùng. Khi đấu-tranh cho nguyện-vọng chung, tất cả mọi người trong tập-thể người Việt trong vùng có quyền tham-dự. Khi đi bầu phiếu, chỉ có cư dân sinh-sống trong đơn-vị 7 có quyền bầu. Đó là thể-lệ bầu-cử.
Trong một thể-chế dân-chủ, những nguyên-tắc của thể-chế này rất hay và cho phép người dân những quyền đấu-tranh và thể-hiện nguyện-vọng của mình. Đạt thành nguyện-vọng qua cuộc đấu-tranh lại tùy thuộc hoàn-toàn vào ngân-sách, điều-kiện, phương-tiện, nhân-sự, lãnh-đạo, đoàn-kết và quyết-tâm. Trong môi-trường thực-tế của xã-hội, bốn yếu-tố đầu giữ phần quyết-định cho sự thành-công. Chúng ta cần luôn-luôn nhớ rằng trong cái thể-chế dân-chủ hiện nay, nguyên-tắc rất hay nhưng luật-lệ về việc thi-hành các nguyên-tắc này rất lỏng-lẻo. Một vài thí-dụ cụ-thể đã xảy ra gần đây ở San Jose cho chúng ta một cái nhìn tinh-tế về thể-chế hiện nay. Đó là việc Chuck Reed trúng-cử năm 2006 và việc tổ-chức “recall” Madison Nguyễn.
Từ những việc làm của thị-trưởng Gonzales, ứng-cử viên Reed tranh-cử bằng lời hứa-hẹn chính cho cư-dân San Jose là trong-sáng-hóa (transparency) guồng máy chính-quyền và quân-bình ngân-sách thị-xã. Lập-trường của Reed bị Labor Union chống-đối. Khi thắng cử, Reed tuyên-bố: “We ran against the system, and We won”. Chữ “system” ở đây ám-chỉ một thể-chế điều-hành bởi những nhân-sự thân Labor Union. Khi đi bầu, mọi người dân San Jose đều có quyền đi bầu và chọn Reed. Khi trúng cử rồi, ngày ngày làm việc giải-quyết các vấn-đề của thành-phố, người dân không còn tiếng nói trực-tiếp nữa mà Reed phải làm việc với những nhân-sự thân Labor Union trong Hội-Đồng Thị-Xã. Trong suốt bốn năm của nhiệm-kỳ đầu, Reed đã không làm được gì nhiều vì các đề-nghị của Reed, bị Labor Union phản-đối, lại phải được biểu-quyết bởi thanh-viên của Hội-Đồng Thị-Xã mà đa-số thân Labor Union. Reed đã phải kiên-trì, từ-từ tổ-chức lại Hội-Đồng Thị-Xã bằng cách tạo nên một đa-số nhân-sự đồng-thuận với những đề-án của minh. Trong thủ-thuật dùng người, những người có cùng quan-điểm, có tì-vết, ham danh-lợi, hoặc bị ruồng bỏ, thường là những người dễ bị thuyết-phục nhất. Thời-cơ cho Reed đã đến khi biến-cố Wisconsin , chủ-xướng bởi Thống-Đốc Scott Walker, xảy ra và lan-tràn qua các tiểu-bang khác. Chương-trình thực-hiện của Reed bắt đầu có kết-quả. Sự trì-trệ trong việc thực-hiện lời hứa lúc tranh-cử của Reed là đương-nhiên vì điều-kiện thực-tế phức-tạp trong Hội-Đồng Thị-Xã. Sự quyết-tâm và kiên-trì của Reed thật đáng để chúng ta suy-ngẫm.
Thứ đến là việc “recall” Madison Nguyễn. Hội-Đồng Thị-Xã có nhiều giải-pháp: tổ-chức “recall” mà thôi rồi sẽ tổ-chức bầu-cử người thay-thế, tổ-chức “recall” và chọn người thay-thế Madison Nguyễn cùng lúc, tổ-chức “recall” rồi sẽ chỉ-định người thay thế Madison Nguyễn cho đến hết nhiệm-kỳ. Mỗi cuộc tổ-chức bầu-cử như thế sẽ tốn-kém khoảng $300,000.00 từ ngân-sách của thị-xã. Giải-pháp thứ nhất sẽ tốn $600,000.00 từ ngân-sách của thị-xã. Để hỗ-trợ Madison Nguyễn, Reed đã chọn giải-pháp thứ nhất.
Trong bối-cảnh thâm-hụt ngân-sách trầm-trọng của thị-xã, cử-tri không nói tiếng Việt đã không chịu “recall” Madison Nguyễn vì tốn-kém quá. Chọn một giải-pháp cho bầu-cử là quyền của Reed và lý-do của chọn-lựa giải-pháp không cần đưa ra vì không có luật buộc người quyết-định phải đưa ra lý-do.
Qua hai thí-dụ trên và với cuộc đấu-tranh bảo-vệ danh-xưng LITTLE SÀIGÒN, người Việt tỵ-nạn chúng ta đã học được những bài học thâm-thúy.
Điểm lại sự việc: Madison Nguyễn đã hướng-dẫn sai-lầm Hội-Đồng Thị-Xã nên đã sinh ra Ordinance 20-11-07; dưới áp-lực của những Black Tuesdays và sự tuyệt-thực của Lý-Tống, một số nghị-viên đã tiết-lộ sự vận-động trái-luật của Madison và những tiết-lộ này đã đưa đến vụ án Brown Act; Hội-Đồng Thị-Xã đã phải biểu-quyết nên xét lại Ordinance 20-11-07; biểu-quyết hủy-bỏ Ordinance 20-11-07; biểu-quyết chấp-thuận danh-xưng Little Sàigòn và cho treo các bảng tên Little Sàigòn dọc đường Story, và nay chính-thức cho xây các bệ xi-măng kiên-cố với tên Little Sàigòn trên đường Story từ xa-lộ 101. Đây là những thành-quả không dễ đạt được và hiếm có trong lịch-sử sinh-hoạt của các sắc-dân thiểu-số sinh-sống tại San Jose.
Danh-xưng LITTLE SÀIGÒN nay đã được hợp-thức-hóa và được trang-trọng khắc lên bệ xi-măng vững-chắc trên đường Story của thành-phố San Jose . Công-tác đề ra đã đạt thành. Hãy đa-tạ những người đã đóng-góp công-sức cho công-tác khó-khăn này. Hãy suy-ngẫm những bài học thâu-lượm được. Hãy quyết-tâm đoàn-kết để tiến lên. Ngày tàn của Cộng-Sản đã gần kề với quyết-tâm của toàn thể dân-tộc Việt-Nam. Tôi nhớ lại một câu thành-ngữ và xin mượn câu này để toàn dân Việt gởi đến Đảng Cộng-Sản Việt-Nam: “Vos jours sont compté”.
Phạm-Quang-Minh
No comments:
Post a Comment