Tác giả cho rằng vụ tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chấn của Việt Nam hôm 26/5, gợi nhớ đến vụ Senkaku- gate năm ngoái, khi tàu cá Trung Quốc tông vào hai tàu tuần duyên Nhật ở ngoài khơi quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đang tranh chấp.
Tờ báo nhận định : Trung Quốc rõ ràng muốn đánh lừa dư luận, khi cố nhập nhằng biến một vùng (lãnh hải) không thể tranh cãi, thành vùng tranh chấp. Bắc Kinh kêu gọi một giải pháp hòa bình, nhưng hành động của Bắc Kinh lại làm phức tạp hóa tình hình ở Biển Đông.
Asia Times cho biết, để trả lời vụ tàu hải giám Trung Quốc tấn công tàu thăm dò của Việt Nam, Hà Nội đã viện dẫn thêm nhiều trường hợp quấy nhiễu khác của tàu tuần tra Trung Quốc, và công khai việc hàng trăm tàu cá Trung Quốc đánh cá trên vùng biển tranh chấp ngoài khơi Việt Nam, đánh đuổi tàu ngư dân Việt. Cùng thời gian đó, Philippines cũng phản kháng sáu, bảy vụ tàu Trung Quốc xâm phạm trong vài tháng gần đây, cũng như tiến hành xây dựng tại vùng biển tranh chấp gần quần đảo Trường Sa, và xung quanh đảo Palawan của Philippines.
Nhưng ngược lại với thái độ khinh thị trước Việt Nam, Bắc Kinh đã có một vài cố gắng để đối thoại song phương với Manila. Tuy vậy có vẻ chính quyền Manila đã kết luận được rằng, lao vào đối thoại song phương với Bắc Kinh thực chất chỉ có một chiều mà thôi.
Tờ báo ghi nhận, các sự kiện này diễn ra trong bối cảnh cuộc đối thoại Shangri La giữa Bộ trưởng Quốc phòng các nước Đông Nam Á bắt đầu hôm nay tại Singapore. Lần này Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates sẽ lại hiện diện, còn người đồng nhiệm Trung Quốc Lương Quang Liệt sẽ là viên chức cao cấp nhất của Bắc Kinh từ trước đến nay tham dự.
Theo Asia Times, có lẽ thái độ độc đoán có tính toán của Trung Quốc trước Việt Nam và Philippines là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn nhấn mạnh Biển Đông là sân nhà của mình. Qua đó, Bắc Kinh muốn tuyên cáo rằng Hoa Kỳ không đủ tư cách trong khu vực để biến các trò vui trong vùng biển « xa mà gần » của mình thành một vấn đề trung tâm trong quan hệ Mỹ - Trung vốn có vẻ đang tiến triển.
« Đa phương hóa », hay quốc tế hóa » vấn đề Biển Đông vốn là những từ đại kỵ đối với Trung Quốc, đặc biệt là nếu có sự can dự của Hoa Kỳ. Vòng công du Đông Nam Á hồi tháng Năm của ông Lương Quang Liệt có thể nhằm thuyết phục Singapore, Philippines và Indonesia thảo luận song phương với Bắc Kinh, đồng thời tranh thủ các nước trong khu vực trong lúc Hoa Kỳ đang phải đối phó với nợ nần, cũng như tình hình tại các khu vực khác.
Tờ báo cho rằng thái độ cứng rắn của Trung Quốc trước Việt Nam sẽ xua tan ảo tưởng là phản ứng chung của ASEAN sẽ làm thay đổi được các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Một quy tắc ứng xử giữa ASEAN với Trung Quốc, hoặc một cơ chế nào đó với sự chủ trì của Liên Hiệp Quốc, thay vì chính sách ngoại giao song phương, có lẽ dễ chấp nhận hơn đối với hầu hết các nước ASEAN. Bởi vì dù sao thì quan hệ kinh tế với Trung Quốc cũng quan trọng không kém vấn đề biển đảo.
Asia Times nhận định, hẳn là việc quốc tế hóa tranh chấp ở Biển Đông mở ra một con đường tiện lợi và ít tốn kém cho Hoa Kỳ để can dự vào sân khấu chính trị Đông Nam Á. Nhưng các sự kiện gần đây cho thấy Bắc Kinh muốn phô trương sức mạnh để chứng tỏ rằng, việc Washington nhập cuộc sẽ bất lợi hoặc không hiệu quả. Theo tác giả bài báo, Hoa Kỳ có thể khoanh tay ngồi nhìn Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng trong khu vực, nhưng điều này có vẻ không thích hợp với chính sách đối ngoại của Washington trong thập kỷ qua.
Chiến lược mới của Hoa Kỳ : Tấn công tin học có thể bị xem là hành động chiến tranh
Hôm thứ Tư 1/6, tập đoàn Google đã tố cáo tin tặc từ Trung Quốc xâm nhập vào hộp thư điện tử Gmail của nhiều viên chức chính phủ Mỹ, sĩ quan Lầu Năm Góc, các nhà ly khai Trung Quốc cũng như các nhà lãnh đạo châu Á. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ đổi mới chủ thuyết quân sự, và sẵn sàng coi tấn công tin học là một « hành động chiến tranh », có thể dẫn đến việc đáp trả từ trừng phạt kinh tế cho đến không kích.
« Là nạn nhân của tin tặc, Hoa Kỳ xây dựng luận thuyết chiến tranh tin học », đó là tựa đề bài viết trên nhật báo Le Monde hôm nay. Tác giả nhận xét, việc thay đổi chiến lược này, theo một số chuyên gia là cần thiết, vì từ nay có thể hạ gục được một Nhà nước mà không cần bắn một phát súng nào. Do đó Hoa Kỳ hy vọng có thể răn đe bằng cách tương tự như thời kỳ chiến tranh lạnh, dựa trên sự cân bằng quyền lực.
Khó khăn là ở chỗ, để đáp trả một cuộc tấn công tin học, cần phải biết xuất xứ từ đâu. Lầu Năm Góc cho rằng, tất cả những cuộc tấn công tầm cỡ chỉ có thể từ một nhà nước thù địch mà thôi. Tuy vậy việc các tin tặc vừa xâm nhập các tờ báo lớn của Mỹ đã cho thấy là mối đe dọa còn đến từ các nhóm không chính thống.
Le Monde tiết lộ, sự kiện Gmail của Google bị tấn công xảy ra vào lúc Nhà Trắng vừa hoàn thành một tài liệu mang tên « Chiến lược quốc phòng cho các hoạt động trong không gian ảo », tức Cyber 3.0. Theo đại tá David Lapan, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng, thì chiến lược mới này sẽ được giới thiệu trong hai, ba tuần tới. Tờ Wall Street Journal đã xem được bản dự thảo, cho biết chỉ có một phiên bản đã làm dịu nhẹ đi, gồm 12/30 trang sẽ được công bố.
Tài liệu này đang rất được chờ đợi vì ngay trước vụ Google, các tập đoàn lớn hoạt động tại Mỹ như Sony hay Lockheed Martin cũng đã là nạn nhân của tin tặc. Hôm 28/5, tập đoàn Lockheed vốn sản xuất máy bay chiến đấu loại F-16, F-22 và hỏa tiễn Trident cho quân đội Mỹ, cho biết đã bị tấn công tin học « một cách đáng ngại và bền bỉ ».
Theo Le Monde, thì tài liệu trên nhấn mạnh đến khái niệm « tương đồng ». Nếu một cuộc tấn công tin học làm tê liệt hay phá hủy một phần hoạt động của Nhà nước, đến nền kinh tế hay hệ thống công cộng như phân phối lương thực, bệnh viện…thì sẽ bị xem như là một « hành động chiến tranh ». Định nghĩa này sẽ mở ra khả năng đáp trả tương tự như trong trường hợp bị một quân đội khác tấn công. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết các phương tiện răn đe là đa dạng, và việc sử dụng đến vũ lực chỉ là biện pháp cuối cùng.
Không chỉ có Washington, mà Luân Đôn cũng lo ngại các hiểm họa từ tin tặc, khi mỗi ngày có đến 70.000 virus mới xuất hiện trên net. Trong một hội nghị quốc tế về an ninh mạng được tổ chức tại Luân Đôn tuần này, giám đốc công ty điện thoại Anh đã kêu gọi thiết lập một loại « hiệp ước không phổ biến vũ khí tin học », dựa trên mô hình hiệp ước không phổ biến vũ khí nguyên tử hiện nay.
No comments:
Post a Comment