Một hình bản đồ, chiếm gần 1/3 trang báo, vẽ lại khu vực tranh chấp theo "hình lưỡi bò", ôm trọn gần hết Biển Đông, mà Trung Quốc cho là thuộc quyền lãnh hải của họ. Đó là những hình ảnh mà Le Fiagro sử dụng để cho thấy mức độ căng thẳng đang diễn ra tại khu vực này.
Theo Le Figaro, căng thẳng về Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam vốn tồn tại từ lâu, nhưng chưa bao giờ căng thẳng lại dữ dội như lần này. Việt Nam lên án mạnh mẽ Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh thổ của mình sau một loạt các vụ tàu hải giám và tàu ngư chính Trung Quốc cắt dây cáp của hai tàu thăm dò dầu khí Việt Nam, đang hoạt động ngay trên vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Le Figaro giải thích, trước sự leo thang trong hành động gây hấn của Trung Quốc, Việt Nam buộc phải quốc tế hóa vấn đề tranh chấp Biển Đông. Điều này đã làm cho chính quyền Bắc Kinh nổi giận. Việt Nam đã chứng tỏ rằng, sự tham gia quốc tế là nhằm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Nói một cách cụ thể, Việt Nam muốn có sự hiện diện của Mỹ. Tuy nhiên, trước mắt, Mỹ vẫn muốn giữ thế trung lập. Mỹ chỉ tuyên bố lo ngại cho tình hình tại khu vực và kêu gọi các giải pháp ôn hòa. Mỹ còn đề nghị Trung Quốc và các nước thuộc khối ASEAN phải tìm cách giải quyết tranh chấp qua đối thoại đa phương, điều mà Trung Quốc không hề muốn chút nào, vì Trung Quốc chỉ muốn thảo luận song phương với từng thành viên trong khu vực.
Theo Le Figaro, tranh chấp với Việt Nam là dữ dội nhất. Có thể nói, với 1,7 triệu km², Biển Đông chứa đựng nguồn tài nguyên rất dồi dào. Vì vậy, trước tham vọng của Trung Quốc, Biển Đông như dậy sóng.
Vừa qua, Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng đã mạnh mẽ khẳng định « chủ quyền không thể chối cãi » của Việt Nam về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đài Loan cũng không chậm trễ khi vội vã tuyên bố sẽ cho triển khai các chiến hạm mang tên lửa trên vùng biển Hoa Nam và xe tăng trên vài hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Còn tại Manila, chính quyền Philippines cũng lập tức có những phản ứng khi cho đặt tên mới lại vùng lãnh hải của mình là « Biển Tây Philippines ».
Trước mắt, chính quyền Bắc Kinh theo đuổi chiến lược « vừa đấm, vừa xoa ». Trong Sách trắng về Quốc phòng của Trung Quốc, công bố cuối tháng Ba rồi, Trung Quốc cam kết sẽ nghiên cứu kỹ hòng thuyết phục lòng tin của các nước láng giềng. Nhưng Le Figaro nhận định rằng, lời cam kết này khó có thể thực hiện khi mà trong thâm tâm của Trung Quốc, Biển Đông vẫn là « ao nhà ».
Trung Quốc : Xử lý rác thải điện tử, nghề gây ô nhiễm
Liên quan đến vấn đề môi trường, Le Monde quan tâm đến một công việc nguy hiểm gây ô nhiễm môi trường và có hại cho sức khỏe con người tại Trung Quốc. Bài viết « Tại thị trấn Thái Châu, nghề tái chế những ‘'rác thải điện tử'’ (e-dechets) gây ô nhiễm » cho biết 60.000 dân ở đây đã chọn đường « xử lý rác thải điện tử » để kiếm sống. Một công việc quá ô nhiễm.
Máy vi tính cũ, màn hình ti-vi, đồ điện gia dụng cũ đến từ nhiều thành phố tại Trung Quốc, thậm chí từ nhiều nước Phương Tây được chất thành núi. Tiếp đến, chúng được tháo rời ra và sàng lọc ngay trên nền đất, không mặt nạ, những loại pin của các bàn phím, các thẻ nhớ và các loại linh kiện rời trong các loại thiết bị điện tử. Tại thị trấn Thái Châu này, có tổng cộng khoảng 148 doanh nghiệp làm công việc tái chế, để nuôi sống 60.000 dân của mình. Đối với họ, đây là một sự thành công về kinh tế.
Le Monde cho biết, một kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc công bố hôm 31/5 rồi, trên tạp chí « Các bài nghiên cứu về Môi trường », do Viện Vật lý Luân Đôn phát hành, đã minh chứng một mối nguy hiểm mới cho môi trường của công việc tách bóc rác thải điện tử. Theo họ, công việc này làm phát tán các chất gây ô nhiễm (các loại kim loại nặng như chì, cadmium, arsenic…), gây ô nhiễm đất, các dòng nước và không khí. Các nhà khoa học cho biết việc hít phải khí ô nhiễm có thể gây ra những bệnh viêm nhiễm, và ứng kích ôxy hóa (stress oxydant) có thể làm tổn hại ADN và là nguyên nhân gây bệnh ung thư.
Thế nhưng, điều đáng quan ngại nhất là các công việc xử lý rác thải điện tử này không hề tuân theo một tiêu chuẩn an toàn nào. Đối với người các chủ doanh nghiệp tại đây, lợi tức đã làm mờ con mắt, họ phớt lờ sinh mạng của những người làm công và những tác hại của công việc này đến môi trường sống. Theo Le Monde, khó có thể thay đổi được tình hình ở đây do thiếu sự hợp tác từ giới chủ. Mặc dù, chính quyền Trung Quốc cố ra sức kiểm soát ngành này, nhưng càng kiểm tra thì họ càng hoạt động kín đáo hơn.
Cuối cùng, Le Monde kết luận, thị trấn Thái Châu đang phải trả giá về môi trường và vệ sinh cho sự lựa chọn của mình.
Người Ý chống lại các đạo luật của Berlusconi
Về tình hình thời sự tại Châu Âu, thất bại thảm hại của Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi qua kết quả trưng cầu dân ý, diễn ra hôm chủ nhật là đề tài được nhiều tờ báo Pháp quan tâm đến ngày hôm nay.
57% cử tri tham gia bỏ phiếu trưng cầu dân ý, là một con số ngoài sự mong đợi.
Theo Les Echos, « Người Ý muốn đưa Berlusconi ra tòa và nói không với hạt nhân », theo như lời tựa của một bài viết trên trang Quốc tế. Đây là lần thất bại thứ hai liên tiếp của ông Berlusconi kể từ sau thất bại bầu cử địa phương.
Có thể nói « Người Ý đã được huy động để chống lại các đạo luật của Berlusconi » theo như lời nhận định trên báo La Croix. Theo tác giả, thắng lợi này cho thấy bầu không khí chính trị và xã hội đang thay đổi.
Còn với bài viết « Cú đấm mạnh dành cho Berlusconi », le Figaro nhận định đây một thất bại ê chề của Thủ Tướng Ý Berlusconi. Trưng cầu dân ý lần này được tổ chức xoay quanh ba vấn đề chính : tiếp tục năng lượng hạt nhân, tư hữu hóa việc quản lý nước và quyền miễn tố đối với ông Berlusconi.
Tuy nhiên, theo Le Figaro, kết quả trưng cầu dân ý lần này cho thấy cử tri đi bỏ phiếu trước tiên là chống lại bản thân ông Berlusconi. Các cử tri thuộc cánh tả và cánh trung, nhất là ngay trong lòng nội bộ phe đa số cầm quyền, ngày càng cảm thấy không hài lòng về ông Berlusconi. Cử tri đề nghị hủy bỏ một đạo luật về « sự vắng mặt hợp pháp », mà theo đạo luật này, nó cho phép ông Berlusconi có thể vắng mặt trong các phiên xử với lý do đang thực hiện công vụ của một lãnh đạo nhà nước.
Thất bại thứ hai chính là việc người dân Ý nói « không » với năng lượng hạt nhân. Thảm họa hạt nhân Fukushima và việc nước Đức tuyên bố sẽ từ bỏ các chương trình hạt nhân của mình đã có những tác động tích cực đến ý kiến của cử tri.
Cuối cùng, cử tri Ý cũng tuyên bố « không » với việc tư hữu hóa về quản lý và cung cấp nước. Theo họ, nước la tài sản chung của cộng đồng. Do đó, Nhà nước có trách nhiệm phải tìm nguồn tài chính để hiện đại hóa hệ thống cung cấp nước. Theo họ, việc chính phủ Ý dự định kêu gọi tư nhân tham gia vào việc quản lý và cung cấp nước, bằng cách hỗ trợ một phần chi phí đầu tư, sẽ kéo theo việc tăng giá nước.
No comments:
Post a Comment