Hầu hết mọi người đều rất lo lắng hoặc chống đối tình trạng thiếu hụt ngân sách quốc gia (national budget deficit) và quốc trái (national debt, món nợ của quốc gia). Tuy nhiên, ít có ai hiểu rõ hai hiện tượng này cũng như ảnh hưởng của nó đến nền kinh tế và sự an sinh của người dân.
Thật vậy, nhiều người (gồm cả một số chính trị gia và kinh tế gia) tỏ ra bất mãn khi nghe tin chính phủ chi nhiều hơn thu, đưa đến tình trạng vay mượn (bằng cách phát hành và bán công khố phiếu hoặc trái phiếu) để có tiền trang trải các chi phí mà tiền thuế không đủ để tài trợ. Sự thiếu hụt nầy theo thời gian tạo thành một số nợ to lớn cho quốc gia. Theo ước tính mới nhất, hiện nay quốc trái của Hoa Kỳ lên đến 12 ức (trillion) Mỹ Kim. Đây là một số tiền khổng lồ. Nhưng số nợ khổng lồ nầy có ảnh hưởng gì đến nền kinh tế và sự an sinh của dân chúng Hoa Kỳ trong hiện tại và con cháu của họ trong tương lai?
A. Đối Với Nền kinh tế Quốc Gia
Trước khi phân tích ảnh hưởng của quốc trái (hay nợ quốc gia), ta cần biết chính phủ vay nợ để làm gì. Câu trả lời đơn giản là khi nền kinh tế lâm vào tình trạng suy thoái, số chi của ngân sách quốc gia vượt quá số thu, chính phủ phải “vay nợ” để tài trợ những chương trình quốc gia được quốc hội phê chuẩn. Ngoài ra, chính phủ phải vay nợ để thực hiện các kế hoạch phục hồi để đối phó với các cuộc suy trầm kinh tế. Kế hoạch nầy gồm những chương trình về quốc phòng, an sinh xã hội, y tế, và kinh tế tài chánh ... nhằn bảo vệ an ninh quốc gia, an sinh xã hội, và phát triển kinh tế. Thí dụ:
(1) Về an sinh xã hội: Chính phủ vay tiền để nâng đở các công nhân thất nghiệp, trợ cấp an sinh xã hội cho người cao niên, tàn tật ..., , tài trợ ý tế công cộng ...
(2) Về Quốc Phòng: Chính phủ vay tiền để trả lương cho quân nhân, mua quân trang, quân cụ, vũ khí và thiết lập hoặc mở rộng các nha, sở an ninh như Homeland Security và các hoạt động an ninh tình báo ...chống khung bố, v.v..
(3) Về Kinh tế : Chính phủ vay tiền để nâng đỡ các công ty sắp bị phá sản trong giai đoạn suy trầm kinh tế, hoàn trả một số thuế lơi tức cho người dân ... Thí dụ, chính phủ Obama đã phát hành tiền tệ (bằng cách bán công trái phiếu) để cứu thoát 3 hãng chế tạo xe hơi Ford, GM và Chrysler, cùng một số ngân hàng và cơ quan tín dụng lớn ở Hoa Kỳ. Chính phủ cũng cấp tín dụng thuế khóa (tax credit) cho người mua nhà lần đầu để nâng đỡ số cầu trên thị trường địa ốc...
Nói một cách tổng quát, những chương trình khuyến khích tiêu thụ (nâng sức cầu trên thị trường) nằm trong kế hoạch khuyến cầu (stimulus plan) của chánh phủ nhằm điều hoà thị trường -- tạo công ăn việc làm, gia tăng đầu tư và nâng cao mức sản xuất của quốc gia để phục hồi nền kinh tế. Do đó, mục đích vay nợ của chính phủ là tăng số lượng tiền tệ lưu hành trong nước hầu giúp công chúng (gồm giới tiêu thụ và giới sản xuất) tiếp tục tiêu thụ và điều hoà hoặc cải tiến guồng máy sản xuất của quốc gia, đưa đến sự phục hồi hoặc phát triển kinh tế.
Rõ ràng, kế hoạch khuyến cầu có mục đích tốt. Tuy nhiên, một câu hỏi rất quan trọng thường được đặt ra là: Việc vay tiền để tài trợ kế hoạch khuyến cầu nầy có hậu quả gì đối với nền kinh tế?
(a) Theo lý thuyết: Trong lý thuyết kinh tế có 2 trường phái: (i) trường phái bảo thủ thuế khóa (fiscal conservatism), và trường phái Keynesian (Keynesian economics).
i. Phái bảo thủ thuế khoá (fiscal conservatism) quan niệm rằng chính phủ bao giờ cũng nên cân bằng ngân sách và phải dùng thặng dư ngân sách để trả nợ (nếu mắc nợ) và chi tiêu dựa trên quốc trái là không tốt. Lý thuyết nầy dựa trên kinh tế gia đình: Gia đình không nên để cho thiếu hụt – ta nên làm ra tiền trước khi tiêu xài – và điều gì đúng cho gia đình thì cũng đúng cho quốc gia. Hơn nữa, nợ phải được hoàn trả, nếu không, sẽ là gánh nặng cho thế hệ mai sau.
ii. Phái Keynesian ( phát xuất từ "Lý Thuyết Tổng Quát" (The Geral Theory) của John M. Keynes) khẳng định rằng vay nợ là một điều nên và cần làm để đối phó với tình trạng suy trầm kinh tế. Trong giai đoạn suy thoái, guồng máy sản suất quốc gia bị đình trệ, các hãng xưởng phải sa thải nhân công. Do đó, tỷ số thất nghiệp tăng cao, lợi tức gia đình bị sa sút khiến số cầu ( tiêu thụ hàng hoá) trên thị trường giảm sút. Chính vì thế, chính phủ phải thực hiện các chương trình tiêu xài dựa trên thiết hụt ngân sách (deficit spending) bằng cách vay tiền để đối phó với các cuộc suy trầm kinh tế, đặc biệt là các cuộc suy thoái trầm trọng.
Giữa hai lý thuyết trên, đa số các kinh tế gia không chấp nhận thuyết bảo thủ thuế khoá. Lý do chính là vì quốc gia hoàn toàn khác với gia đình hoặc cá nhân. Đặc biệt,
(1) Cá nhân không thể tạo ra tiền tệ, và như thế nếu ta vay nợ mà không thể trả nợ, ta không thể thể phát hành tiền tệ để trả. Hậu quả là ta phải lâm vào tình trang phá sản. Trong khi đó quốc gia có thể và có quyền tạo ra (phát hành) tiền để trang trải thiếu hụt hoặc nợ. Bằng chứng rõ rệt là trong 2 năm vừa qua, chính phủ Obama đã phát hành trên 3 ức Mỹ kim (http://www.ritholtz.com/blog/wp-content/uploads/2008/12/total-bailout-costs.png) để cứu thoát (bail out) các xí nghiệp tư doanh Hoa kỳ. (Dĩ nhiên, hầu hết số tiền nầy sẽ được các xí nghiệp này hoàn trả khi họ phục hồi và có lợi nhuận.)
(2) Cá nhân có thể bị thất nghiệp và không có lợi tức, nhưng quốc gia không thể không có lợi tức vì quốc gia có quyền thu thuế để tài trợ ngân sách (dù có thiếu hụt trong giai đoạn suy trầm). Ngoài ra, trong thời kỳ bành trướng kinh tế (economic expansion), chính phủ có thể dùng thặng dư ngân sách để trả nợ.
Chính vì lý do vừa kể, thuyết Keynesian được đa số các kinh tế gia (mainstream econmists) chấp nhận, nhất là từ cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1939. Theo thuyết nầy, khi nền kinh tế lâm vào tình trạnh suy thoái, số cung hàng hoá vượt quá số cầu tạo ra tình trạng ứ đọng hàng hoá trên thị trường. Tình trạng nầy khiến các nhà sản xuất phải giảm bớt nguồn sản xuất bằng cách sa thải công nhân, thu hẹp hãng xưởng. Hậu quả là số công nhân thất nghiệp lên cao và lợi tức chung của công nhân bị sụt giảm. Khi lợi tức bị sụt giảm, thì số tiêu thụ trên thị trường càng sụt thêm, khiến các nhà sản xuất phải sa thải thêm công nhân. Vòng luẩn quẩn nguy hại nầy nếu không được chấm dứt thì nền kinh tế quốc gia sẽ lâm vào tình trạng ngày càng suy thoái. Để cắt dứt vòng luẩn quẩn nầy chính phủ cần "vay nợ" để khuyến khích tiêu thụ bă`ng nhiều cách khác nhau. Thi' dụ như tung tiền ra để bảo trợ các công ty quan trọng tiếp tục hoặc tăng gia sản xuất. Với sự bảo trợ nầy, các công ty có thể lưu giữ hoặc mướn thêm nhân công. Hậu quả là gới nhân công có việc làm và lợi tức để tiêu thụ hàng hoá trên thị trường . Khi số cầu đuổi kịp số cung, thị trường sẽ trở lại thế quân bình. Chính vì lý do nầy, mà các quốc gia theo hệ thống thị trường tự do đã và đang áp dụng lý thuyết Keynesian để đối phó với những thăng trầm kinh tế.
Tóm lại, theo lý thuyết, đối với quốc gia, vay nợ để thực hiện các chương trình phục hồi kinh tế là điều nên làm, và không tai hại như người ta thường nghe đi nghe lại từ radio, TV hoặc đọc thấy trên báo chi'. Trên thực tế, quốc trái không nhất thiết phải đưa quốc gia đến tình trạng phá sản.
B. Đối Với Thế Hệ Mai Sau.
Chúng ta thường nghe nói rằng sự vay mượn của chính phủ sẽ để lại một món nợ to lớn mà con cháu chúng ta phải trả. Thoạt nghe, điều nầy có vẻ hữu lý vì có vay thì phải trả. Tuy nhiên, tưởng cũng nên nhắc lại rằng tổng số nợ nầy gồm những công khố phiếu (treasury bills) và trái phiếu (savings bonds, notes ...) mà một phần lớn là do công chúng và Ngân Hàng Liên Bang Hoa Kỳ làm chủ (77% tổng số quốc trái). Do đó, số nợ mà quốc gia vay mượn rõ ràng là tài sản của người dân. Nếu người dân để dành số tài sản nầy (nghĩa là tiếp tục đầu tư vào công khố phiếu), họ sẽ để lại số tài sản lớn nầy cho con cháu của họ sau nầy. Do đó, cho rằng nợ của quốc gia là nợ của thế hệ mai sau là không đúng và nghịch lý. Giả sử, chính phủ thanh toán hết số nợ đối với công chúng hôm nay, điều nầy có nghĩa là chính phủ sẽ xóa đi số tiết kiệm khoảng 5 ức (trillion) Mỹ kim (theo ước tính hiện nay) của dân chúng dành cho thế hệ mai sau. Trên thực tế, nợ của quốc gia là tài sản của người dân hôm nay và con cháu của họ trong tương lai (Cũng tương tự, “nợ” mà chính phủ Hoa Kỳ vay của Trung Cộng là tài sản của Trung Cộng).
Rõ ràng, món nợ của quốc gia không phải là gánh nặng mà là tài sản của thế hệ mai sau.
(b) Theo Thực Nghiệm.
Hậu quả của quốc trái có thể được quan sát rõ ràng qua các con số trình bày trên hai biểu đồ dưới đây.
Biểu Đồ # 2 : Ty? Số Tăng Trưởng cuảTổng Sản Lượng Quốc Gia Hoa Kỳ Theo Đầu Người (1809-2009)
Biểu đồ # 2 biểu diễn tiến trình của tỷ số tăng trưởng của tổng sản lượng quốc gia Hoa Kỳ theo đầu người từ 1809 đến 2009. Quan sát hai biểu đồ trên, ta thấy tổng sản lượng quốc gia (GDP) theo đầu người của Hoa Kỳ liên tiếp tăng gia theo thời gian (Biểu đồ #2) dù tổng số quốc trái tăng giảm thấy rõ theo chu kỳ (Biểu đồ #1). Điểm đáng lưu ý là trong cuộc đại khủng hoảng kinh tế 1929-1939, tổng sản lượng quốc gia theo đầu người sụt giảm trầm trọng (xem Biểu đồ #2). Để cứu vãn tình hình kinh tế chính phủ Rosevelt phải vay tiền để thực hiện các chương trình phục hồi kinh tế. Hậu qủa là tỷ số quốc trái tăng vọt đến 120% tổng sản lượng quốc gia (xem biểu đồ # 1). Nhờ đó mà GDP theo đầu người tăng vọt trở lại mức quân bình (xem biểu đồ #2). Cũng tương tự, cuối thời tổng thống G. W. Bush (Cộng Hoà) đến thời tổng thống Obama (Dân Chủ), nền kinh tế Hoa Kỳ lâm vào tình trạng suy thoái. Để đối phó với tình trạng nầy cả 2 thống Bush và Obama gia tăng quốc trái (xem iểu đồ #1). Theo ước tính hiện nay, tỷ số quốc trái Hoa kỳ sẽ tăng lên trên 100% tổng sản lượng quốc gia.
Sự gia tăng quốc trái hiện nay đã gây nên nhiều lo lắng và chỉ trích của báo chí cũng như chính trị gia thuộc đảng đối lập đối với chính phủ đương nhiệm. Các chỉ trích nầy dựa trên quan niệm cho rằng quốc trái cao sẽ đưa Hoa Kỳ đi đến tình trang phá sản. Tuy nhiên, dựa trên lý thuyết cũng như số thống kê (thực nghiệm) vừa phân tích, những chỉ trích nầy rõ ràng là thiếu căn cứ và không đúng với thực tế. Lịch sử đã chứng minh rằng mắc nợ nhiều đã không đưa Hoa Kỳ vào tình trạng phá sản. Điển hình là trong cuộc đại khủng hoảng kinh tế 1929-1939, quốc trái của Hoa Kỳ vượt lên 120% của GDP (xem Biểu đồ #1), nhưng số nợ lớn nầy chẳng những không đưa Hoa Kỳ vaò tình trạng phá sản mà còn giúp họ vượt qua cơn khủng hoảng và tiếp tục phát triển (xem Biểu đồ # 2).
KẾT LUẬN.
Dựa trên cả hai phương diện lý thuyết và thực nghiệm, rõ ràng là tình trạng thiếu hụt ngân sách và gia tăng quốc trái không mang đến tai họa cho quốc gia như người ta thường nghĩ và lo lắng. Lich sử kinh tế Hoa Kỳ đã chứng tỏ rõ ràng là quốc trái là một phương tiện hữu hiệu dùng để thu ngắn tình trạng trì trệ kinh tế. Dựa trên kinh nghiệm kinh tế gia đình, người ta thường lo lắng cho vận mệnh quốc gia khi chứng kiến tình trạng quốc trái tăng vọt. Tuy nhiên, điều quan trọng mà mọi người nên ý thức là ta không thể so sánh quốc gia với cá nhân và gia đình bởi lẽ (1) quốc gia có thể và có quyền tạo nên tiền tệ, và (2) quốc gia có quyền thu thuế. Và như thế, không như cá nhân và gia đình, quốc gia khó có thể lâm vào tình trạng phá sản vì vay nợ. Ngược lại, nhờ vào món nợ khổng lồ nầy mà Hoa Kỳ đã (1929-1939) và đang (2007 - ngày nay) phục hồi tình trạng suy thoái kinh tế để đưa quốc gia tiếp tục đà phát triển và phồn thịnh trong suốt 100 năm qua.
00000000000000000
MUỐN BẢO VỆ NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM,
TUYỆT ĐỐI KHÔNG DÙNG TỪ NGỮ CỦA CỘNG SẢN
--
MUỐN BẢO VỆ NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM,
TUYỆT ĐỐI KHÔNG DÙNG TỪ NGỮ CỦA CỘNG SẢN
No comments:
Post a Comment