Audio chất vấn Nguyễn Đức Nhanh: ở Việt Nam không đàn áp người biểu tình yêu nước!
Phạm văn Điệp
Người dân và Phạm văn Điệp chất vấn ông Nguyền Đức Nhanh, giám đốc Công An Thành phố Hà Nội… về hành vi bắt bớ người biểu tình yêu nước trong cuộc biểu tình sáng chủ nhật, 21/08 vừa qua.
- A-lô, xin hỏi ông có phải ông Nguyễn Đức Nhanh không ạ?
- Thưa chị có việc gì?
- Tôi là một người dân Việt Nam đang sống và làm việc ở nước ngoài, tôi muốn hỏi anh, trên mạng sáng nay tôi đọc tin trực tiếp bên này, thấy một số người dân yêu nước đi biểu tình, mà tại sao lại bắt bớ những người như thế là có hợp lệ không anh nhở?
- Bây giờ thế này nhớ, tôi nói với chị thế này. Nếu mà chị thiện chí, chị là người Việt Nam, chị đang ở nước ngoài, chị ra bằng con đường nào tôi không quan tâm, nhưng nếu chị quan tâm việc này, tôi nói chính thức với chị và chị giải thích cho anh em ở bên đó biết là ở Việt Nam không đàn áp người biểu tình yêu nước. Và ở Việt Nam muốn tụ tập đông người, muốn biểu tình thì phải xin phép. Sáng nay thì có một số người tụ tập trái phép, gây rối trật tự công cộng và Ủy ban thành phố người ta có quy định rằng không được tụ tập, và Chính phủ có nghị định 38 về việc này rồi. Sáng nay một số người vẫn cố tình tụ tập, thì anh em người ta phải đưa về để giải thích tuyên truyền. Còn số nào cầm đầu quá khích gây rối trật tự công cộng đã bị bắt giữ. Chị sống ở nước ngoài chị biết rồi, sống ở nước ngoài cũng phải tuân theo pháp luật ở nước ngoài. Tôi nghĩ chị đang ở vùng nào ở Nga thì phải,…
- Điều đó không quan trọng đâu ạ…
- thì chị cũng phải tuân theo pháp luật. Đúng rồi, chị sống ở đâu không quan trọng, chị ra nước ngoài bằng đường nào tôi cũng không quan tâm, nhưng chị ở bất kỳ đất nước nào cũng phải tuân theo pháp luật ở đất nước đó, chị đồng ý với tôi không?
- Vâng ạ.
- Bất kỳ ở đất nước nào, ở Việt Nam cũng thế mà đâu cũng vậy, kiểu gì cũng phải có pháp luật. Nhà nước quản lý bằng pháp luật. Mình là công dân, mà người nước ngoài sống trên đất nước người ta cũng phải chấp hành, chứ đừng nói là công dân của nước đó, đúng không nào?
- Vâng, điều đó tôi công nhận với anh. Nhưng ý tôi muốn nói thế này anh này, từ khi Trung Quốc gây hấn với Việt Nam, chúng tôi là những người dân Việt Nam, tất nhiên là đang sinh sống ở nước ngoài, nhưng chúng tôi cũng rất là phẫn nộ. Cái trạng mà cứ để cho nó lấn chiếm thế này thì chúng tôi rất lo ngại rằng tình trạng Việt Nam sẽ bị mất nước. Thì chúng tôi…
- Đấy là biểu hiện của lòng yêu nước. Thể hiện lòng yêu nước phải thể hiện như thế nào cho đúng pháp luật, đúng quy định. Chứ không phải muốn thể hiện lòng yêu nước là cứ ra đường hô hào vô chính phủ là không được. Ở đâu cũng thế chị ạ, ở nước ngoài muốn biểu tình cũng phải xin phép, trong khuôn khổ, trong khu vực nào. Ở Anh vừa rồi một số đối tượng quá khích xuống đường, Anh cũng bắt hết.
- Cái hiện tượng một số người kích động, rồi phản động rồi bán nước thì các anh cứ tìm tòi và bắt triệt để. Nhưng tôi thấy những người dân chỉ biểu hiện lòng yêu nước…
- Không phải, chị ở xa chị không biết những người dân vừa rồi đâu chị ạ. Nếu chị muốn hiểu, theo tôi chị về nước mà tìm hiểu. Chị liên hệ với tôi, tôi đón chị và cho chị tìm hiểu nhớ. Những người ấy là ai và như thế nào nhớ.
PVĐ: A-lô, anh Nhanh đấy phải không? Người dân người ta chỉ phản đối Trung Quốc xâm lược, sao anh lại bắt?
- Không phải, anh không hiểu gì cả, người ta gây rối trật tự công cộng, vi phạm pháp luật. Bắt bớ là bắt bớ người vi phạm pháp luật, không ai bắt bớ người yêu nước của mình cả, anh hiểu không? Anh ở nước ngoài, anh không biết…
- Theo như tin trên mạng, chúng tôi thấy những hình ảnh người ta đứng trên vỉa hè.
- Mạng đấy là những trang mạng phản động, anh hiểu không? Nếu anh thực sự yêu nước, anh quan tâm, thì anh phải tìm hiểu những trang chính thống, văn bản của Ủy ban Thành Phố, của Chủ tịch thành phố chỉ đạo. Thứ hai là nghị định của Chính Phủ quy định rồi, anh phải hiểu điều đó…
- Thế thì cái quyền biểu tình của người dân Việt Nam thì các anh định bỏ vứt đi à, hay là như thế nào?
- Biểu tình thì phải xin phép…
- Cái luật nào bảo rằng biểu tình phải xin phép hả anh? Ở Việt Nam làm gì có luật Biểu tình?
- Anh không đọc văn bản, anh không hiểu gì nhé. Thôi anh đừng nói gì, anh muốn biết anh về đây nhé. Về đây mà anh phản động thì chúng tôi cũng bắt.
- Chúng tôi đã về Việt Nam rồi, nhưng hôm nay chúng tôi thấy tin người Việt Nam chỉ có phản đối Trung Quốc xâm lược, mà tại sao các anh lại bắt…
- Đấy là anh nghe tin một chiều, anh hiểu không? Anh không hiểu gì cả, nhớ…
- Những hình ảnh lưu truyền trên Internet đây cho thấy người ta chỉ đứng trên vỉa hè, hô đả đảo Trung Quốc xâm lược, vậy mà các anh công an ra dùng xe bắt hết người ta đi.
- Lãnh đạo thành phố người ta đã quy định không được tụ tập đông người nơi công cộng, gây rối trật tự công cộng, tại sao tụ tập?
- Thế bờ hồ Hà Nội có phải là nơi cấm người ta đến hô đả đảo Trung Quốc không anh?
- Tốt nhất là anh về đây, mà anh về mà anh [chỗ này nghe không rõ lắm, hình như là "nói nữa" - DL] là tôi cũng bắt đấy.
- Chúng tôi về rồi, chúng tôi muốn là các anh làm sao cho đúng pháp luật một tí.
- [Nói gì đó không nghe rõ rồi cúp máy]
[Gọi lại]
- [Lại giọng nữ] Xin lỗi, anh Nhanh ạ, anh cho tôi hỏi thêm mấy câu nữa được không ạ?
- Tôi không có thời gian, chị hỏi ngắn gọn thôi…
- Tôi đang nói chuyện dở, mà tôi là người dân, tôi thấy anh là một ông tướng, đang lãnh đạo dân…
- Thôi, chị không quan tâm đến cái đó, bây giờ chị muốn hỏi cái gì?
- Tôi muốn hỏi tôi thấy những hình ảnh trực tiếp ở trên mạng đó, thì những người dân người ta…
- Chị không biết đấy là ai, nhớ!
- Không biết đấy là ai, nhưng người ta có gây rối trật tự, lấn chiếm lòng đường đâu?
- Những người đấy chúng tôi không bắt giữ, những người đấy chúng tôi đưa về để người ta trình bày yêu nước ra làm sao, nguyện vọng thế nào. Những người đấy chúng tôi không bắt giữ. Bây giờ họ về nhà cả rồi. Chị cứ yên tâm, rằng chúng tôi chỉ bắt giữ những người có hành động vi phạm pháp luật, còn những người không vi phạm chúng tôi không bắt một ai cả, nhớ. Tôi đang bận, tôi chỉ trả lời chị đến thế thôi nhớ!
No comments:
Post a Comment