TRÊN ĐỒI TĂNG NHƠN PHÚ
Xin Kinh Chuyen va Blog se cap nhat thuong xuyen
http://NKTTL.blogspot.com
Đức Nguyên (Nguyễn Đức Đệ)
1-Năm
ấy, tôi đang làm việc tại thị xã Huế thì bị động viên nhập ngũ vào
khóa 3 sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Lệnh gọi được tính từ ngày
1.4.1953. Trước đó tôi là công chức tại Tòa Ủy Viên Cộng Hòa
Pháp. Nhưng sau khi thi đậu tham sự hành chánh của Pháp, vì bảng
cấp số của Tòa Ủy Viên Cộng Hòa chỉ có hai tham sự, các anh Tham Hà
Văn Công và Bửu Hương, tôi là người thứ ba nên phải thuyên chuyển
đi nơi khác. De Redon, viên đổng lý sự vụ tại tòa Ủy Viên Cộng Hòa
muốn giữ tôi lại giúp việc cho Pháp, nên hỏi ý kiến tôi có muốn
vào Sài Gòn làm ở Phủ Cao Ủy Pháp hay không? Tôi từ chối, vì mới
cưới vợ và sinh được đứa con trai đầu lòng, tôi không muốn xa Huế,
nơi có gia đình nhà vợ để nương tựa. Sài Gòn quá xa xôi, tôi không
quen biết ai, làm sao sống? Gia đình bên tôi còn kẹt ở Quảng Ngãi,
vùng cộng sản tạm chiếm. Do đó tôi chấp nhận phải chuyển sang các
cơ quan của chính phủ Việt Nam để được ở lại Huế. Mới làm việc ở
Thị xã Huế có ba tháng đúng, tôi đã có lệnh gọi nhập ngũ. Đúng là
cái số phải xa gia đình. Khi tới chào từ biệt, ông tỉnh trưởng
Thừa Thiên Nguyễn Đôn Duyến cũng ngõ ý tiếc tôi, một viên chức của
Pháp siêng năng, cần cù, có óc cầu tiến.
Nhà tôi ở gần nhà anh Phạm Đình Chi trên đường Phạm Hồng Thái
(Verdun cũ), anh Chi cũng là một viên chức của Tòa Ủy Viên Cộng Hòa
Pháp Huế, và cũng nhận được lệnh động viên nhập ngũ khóa 3 Sĩ quan
Trừ Bị Thủ Đức như tôi. Chúng tôi hẹn nhau đi trình diện một ngày
cho có bạn. Sáng hôm ấy, tôi từ giã vợ tôi và đứa con trai đầu
lòng sinh cuối năm 1952. Việc gia đình từ nay do vợ tôi lo
liệu, nàng mới mười chín tuổi, với một chị người làm ở nhà quê đưa
vào. Có lẽ sau khi tôi đi, vợ tôi sẽ thu xếp trả căn nhà thuê này
về tá túc với gia đình nhà vợ ở đường Đào Duy Từ, từ cầu Đông Ba đi
xuống nữa, một quãng xa. Anh Chi cũng từ giã vợ và ba con, hai bé
gái và một trai, thằng Cu con anh cũng bằng tuổi với thằng Cu con
tôi. Chúng tôi leo lên hai chiếc xích lô đạp, mặc sơ mi trần dài
tay, chiếc va li da để dưới chân, gồm hành trang đem theo, lệnh
nhập ngũ trong túi áo. Hai chiếc xích lô đạp chạy song song, suốt
đường Phạm Hồng Thái, ra tận mé sông Hương, rẽ tay trái theo đường
Jules Ferry, lên cầu Trường Tiền, đi vào thành nội, và đến trại Duyệt
Thị, nơi tạm trú của các sinh viên sĩ quan trừ bị khóa 3, trình diện
nhập ngũ. Tại đây tôi gặp, ngoài anh Lê Văn Đệ, công chức của
tòa tỉnh như tôi, một số viên chức hành chánh của các cơ quan khác, các
giáo viên tiểu học ở Huế… mà tôi chưa quen biết ngoài đời. Khá
đông người đã đến trại tạm trú, khoảng ba bốn chục anh. Thuộc
lớp tuổi trên dưới ba mươi, thành phần viên chức và giáo viên nhiều
nhất. Các sinh viên học sinh trẻ ít bị gọi nhập ngũ kỳ này, vì
kinh nghiệm với khóa 2 Thủ Đức, có một số khóa sinh chống đối lệnh
nhập ngũ, đã đánh lại các sĩ quan và hạ sĩ quan huấn luyện người Pháp,
mấy sinh viên sĩ quan khóa ấy bị ra binh nhì, đưa đi tác chiến.
Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa ngày ấy mới thành lập, cần có nhiều sĩ
quan tốt để chỉ huy, nên hầu như vơ vét gần hết các thành phần công
chức trẻ, đã có hay chưa có gia đình, vì cho đó là những phần tử
tốt, cuộc sống ổn định, biết tôn trọng kỷ luật quân đội, chứ không
nhiều thanh niên tính như sinh viên học sinh, là thành phần của các
khóa trước, đã đưa lại kết quả không tốt đẹp như trên. Với lứa
tuổi ba mươi, quân trường dễ nắm các sinh viên hơn về mặt quân kỷ,
và hy vọng sẽ đào tạo được nhiều sĩ quan tốt cho quân đội, có đức
tính chỉ huy và tinh thần kỷ luật cao. Đội ngũ sinh viên sĩ quan
khóa 3 chúng tôi gồm nhiều người đã “tam thập nhị lập”, có học thức
khá, được đào tạo qua nhiều năm công chức Pháp và Việt, nên rất
đều đặn, sau này ra trường đặt đâu cũng có thể làm việc được, có
hiệu năng. Đêm đầu tiên xa gia đình, nhớ nhà quá. Tạm ổn định
cuộc sống tập thể, thu xếp chỗ ăn chỗ nằm, giờ giấc. Chiều chiều,
trước khi bóng ngã về đêm, một số chúng tôi lang thang leo lên bờ
thành nội, nhìn về phía hữu ngạn sông Hương, nơi đang có gia đình
tôi ở đó, mịt mù sau màn sương lam cho đỡ nhớ. Trước khi trở về
lại trại Duyệt Thị, chờ điểm danh và đi nằm, nói chuyện râm rang
với những người bên cạnh, ngủ trên những chiếc giường bố của quân
đội. Khá thân với anh Lê Văn Đệ, vì cùng làm việc với nhau tại
tỉnh đường, Đệ lớn hơn tôi một tuổi, người đứng đắn, đằm thắm, nên
tôi thích nằm cạnh anh, và nghĩ rằng khi vào đến Thủ Đức nếu có thể
được sẽ cùng sống chung với nhau đồng đội, đồng phòng.
1A-
Mấy hôm sau, được Trại Nhập Ngũ cho về thăm hai hôm, tôi thuê xe xích
lô bay về nhà để gặp vợ con. Vợ tôi mừng quá, bé Dũng, con trai tôi,
mới lên tám tháng, đang ngủ yên giấc trong chiếc nôi buông màn tuyn
xanh. Hai ngày đầm ấm rồi lại ra đi. Tôi nhân dịp, đến nha sĩ nhổ
chiếc răng cấm hàm dưới, bị sâu răng lâu ngày, chỉ còn vành mỏng, nhưng
lâu lâu vẫn nhức nhối. Tôi muốn có sức khỏe đầy đủ để chịu đựng mấy
tháng ở quân trường. Buổi tiệc trà tiễn đưa chúng tôi được tổ chức tại
một phòng rộng Trại Duyệt Thị, có Đại tá Trương Văn Xương, tư lệnh Quân
Khu 2 chủ tọa, và sự tham dự của một số sĩ quan khóa đàn anh, động
viên chúng tôi rất nhiều. Xếp bút nghiêng! Cuộc sống của tôi từ nay
gắn liền với đời quân ngũ, nhưng tôi chưa hình dung được rõ ràng là sẽ
ra sao? Đời sống quân trường vất vả thế nào, nhất là đối với tôi, sức
khỏe không được dồi dào, đi vào quân đội lúc vừa tròn ba mươi tuổi.
Rời
thành phố Huế một buổi sáng trời trong bằng những chiếc quân xa GMC
chở chúng tôi từ Duyệt Thị lên ga xe lửa. Khi đi ngang qua tòa tỉnh
Thừa Thiên, lòng tôi buồn man mác. Nghĩ là mới tháng trước đây tôi còn
là một công chức trẻ, đạp chiếc xe đạp mới, đi làm việc và về ngày hai
buổi. Tối đến tôi đọc sách, nói chuyện với vợ, đùa giỡn với con, cứ
tưởng cuộc đời công chức sẽ là cuộc đời của mình cho đến ngày tàn xế
bóng. Nhưng lênh nhập
ngũ đã thay đổi hoàn toàn nếp sống. Giờ này, những người bạn công chức
lớn tuổi hơn tôi vẫn đang ngồi làm việc sau chiếc bàn giấy của họ, đầy
hồ sơ vụ việc, nào thuế má, đấu thầu, điạ ốc, các nhà hàng, quán ăn,
chợ Đông Ba... của một thị xã Huế đang phát triển. Còn tôi thì đang
trên đường nhập ngũ, chưa biết tương lai ra sao. Tiếng súng đại bác
vẫn nổ rền mỗi buổi sáng từ những đồn pháo binh bắn yểm trợ các đơn vị
bạn, vọng lại ở xa xa. Cuộc đời của tôi từ nay được liên hệ mật thiết
với những người bạn đồng hành ngồi trước mắt trong chuyến xe GMC, và
chốc nữa đây trên xe lửa thẳng tiến vào Nam. Một niềm vui nho nhỏ và
hy vọng nhen nhúm lên trong lòng tôi khi nghĩ rằng chúng tôi sẽ có thể
tham gia vào việc bảo vệ đất nước. Tôi cũng hãnh diện được đóng góp
một phần nhỏ nhoi. Cuộc đời quân ngũ sắp đến chắc chắn sẽ có nhiều ý
nghĩa hơn cuộc đời công chức hiện tại bình thường. Với những ý nghĩ đó
tôi đã nguôi bớt nỗi nhớ nhà khi đoàn tàu xa dần miền sông Hương, núi
Ngự vào đến ga Lăng Cô, Cầu Hai, để sửa soạn chui vào bảy chiếc hầm ở
dãy núi Hải Vân, bắt đầu bằng hai hầm dài nhất, hầm Sen, hầm Súng.
Đang
ngồi nói chuyện với các bạn sinh viên sĩ quan khác trong toa tàu, lúc
đoàn xe lửa chạy ngang từ đèo Hải Vân, bỗng một loạt súng AK nổ rang từ
phía chân đèo. Phản ứng nhanh, chúng tôi nằm rạp xuống các băng trong
toa tàu, tránh xa các khung cửa sổ tàu rộng lớn. Trong lòng rất hồi
hộp. Một loạt súng khác, rồi một loạt khác nữa. Nhưng hình như từ hai
chiếc toa bọc kẽm ở đầu và cuối đoàn xe bắn ra để bảo vệ hành khách.
Nhất là có chúng tôi là những tài nguyên quốc gia mà Việt cộng muốn sát
hại. Tiếng súng của đối phương im bặt. Đoàn tàu vẫn từ từ tiến vào
miệng hầm, bình an. Một người trong chúng tôi vui mừng thốt lên trong
bóng tối đen kịt của chiếc hầm: - "Đúng là một lễ "baptêm de feu", phải
không các bạn?". Ai nấy đều cười đồng ý.
2-
Được
vài ngày nghỉ chân tại thành phố Đà Nẵng, đoàn sinh viên sĩ quan miền
Trung chúng tôi tổ chức đi thăm Ngũ Hành Sơn, một danh lam thắng cảnh
của tỉnh Quảng Nam. Lần bước đi trong các hang động Ngũ Hành đầy bóng
tối mát rợi, có những dòng thạch nhũ như rơi từ trời cao và đông đặc,
trông tuyệt đẹp. Những tảng đá cổ thạch khổng lồ có vẻ muốn đổ xuống
đầu người. Một chiếc vú đá trong một hốc đá nhỏ không còn chảy nước.
Tương truyền ngày xưa có một vị hoàng tử triều đình đã tinh nghịch sờ
vào chiếc vú đá, nên từ ấy dòng nước ngọt đã khô, thật đáng tiếc. Một
buổi tiệc diễn hành được tổ chức tại Tòa Thị Sảnh, và chiều hôm sau,
đích thân ông Lê Tá, thị trưởng thành phố Đà Nẵng đã tiễn đưa chúng tôi
đến tận bến phà của cảng Đà Nẵng, trong điệu nhạc quân hành. Chúng tôi
nối đuôi nhau, tay xách vali, túi xách, làm thành một đoàn dài, dần
tiến xuống hầm tàu đang mở rộng như chờ đón. Chiếc tàu Gascogne của
Pháp là phương tiện chuyển vận của chúng tôi bằng đường biển vào Nam.
Mỗi sinh viên sĩ quan được phân phối cho một chỗ nằm chật hẹp trong hầm
tàu. Khi nằm ngửa, nhìn lên trần hầm chỉ cách mặt tôi khoảng nửa mét,
có vài lỗ thông hơi nhỏ, không khí lùa vào đỡ ngột và mang lại gió mát
của đại dương. Được chạm khắc ngay ở trần hầm là những dòng chữ: "Kỷ
niệm ngày bị đày vào Côn Đảo, 192...", trên chỗ nằm nào cũng có câu
này. Trời! Người ta nhốt chúng tôi vào tầng hầm mà mấy chục năm xưa,
Pháp chở những tù chính trị bị đày đi Côn Đảo. Họ xem chúng tôi như
những kẻ tù đày chăng? Nghe nói khóa 1, các anh động viên ở Nam Định
vào bằng đường biển, Pháp cho họ ở tầng trên, và có thể vào câu lạc bộ
sĩ quan để giải khát, đọc báo, đúng tư cách một sinh viên sĩ quan. Có
lẽ sau vụ khóa 2, nên tụi Pháp sợ chăng? Mấy ngày sống trên tàu thủy,
chúng tôi cắt phiên nhau mỗi lần mấy người đi lãnh cơm và thức ăn, nước
uống, có tráng miệng dưa hấu đỏ. Gà mèn đựng cơm và thức ăn, ca uống
nước được lãnh trước. Không có muỗng, nĩa, đũa. Tôi quên đem những
thứ đó, nên hôm đầu tiên phải dùng cái chausse-pied mới để làm muỗng đưa
cơm. Hôm sau, được nhà bếp cho mượn muỗng, nĩa. Họchỉ cho chúng tôi
mỗi ngày lên boong tàu một lần để hứng gió mát và tắm nắng, vào buổi
sáng hoặc buổi chiều. Lần đầu tiên tôi đi đường biển, tuy biết là gần
bờ biển miền Nam, nhưng xa tít mù khơi, không nhìn thấy được. Thỉnh
thoảng được nhìn thấy một chiếc tàu buôn lớn, hoặc một chiến hạm, xã
khói lướt nhanh ngoài khơi. Một vài chú cá voi nổi lên mặt biển, phun
nước, như để chào mừng chúng tôi.
Ba
ngày hai đêm trên mặt biển rồi cũng sắp qua thôi. Tàu Gascogne tiến
dần vào bờ biển Nam Bộ, trước ngày lên bờ một hôm, một sự kiện xảy ra,
đã gây bất mãn cho tất cả chúng tôi, trước hành động của bộ chỉ huy
tàu. Vì sau hai ngày đi đường, với những bữa ăn, sinh hoạt tập thể của
đội ngũ. Đáng lẽ công việc làm sạch sẽ nơi này phải do những lao công
của nhà bếp. Nhưng họ lại bắt chúng tôi phải quét dọn lau rửa, khu
này trước khi lên bờ. Bị chúng tôi cự nự, viên quản bếp gây gổ: "Các
anh phải làm sạch sẽ mới được đi. Trước khi trở thành sĩ quan, các anh
phải là người lính đã". Đành rằng việc làm sạch sẽ khu hầm tàu này
không khó khăn đối với tuổi trẻ của chúng tôi lúc bấy giờ, và sau này
vào quân trường chúng tôi còn phải lao động, thao dượt đổ nhiều mồ hôi,
nhưng việc đối xử kém văn hóa của bộ tham mưu người Pháp tàu Gascogne
từ mấy hôm nay đã dấy lên sự công phẫn trong hàng ngũ chúng tôi, Chúng
tôi cương quyết từ chối. Vì uy tín của quân đội, vì danh dự của người
Việt Nam. Thấy không lay chuyển được, bọn họ ra lệnh cấm chúng tôi lên
boong tàu hứng mát như mọi ngày. Mặc kệ, chúng tôi quyết định làm
reo. Muốn ra sao thì ra. Cuối cùng hai sĩ quan Việt Nam, người lớn
cấp nhất là trung úy, những hướng dẫn viên của chúng tôi từ Huế vào
Nam, phải đứng ra dàn xếp, ban chỉ huy tàu mới đồng ý cho chúng tôi lên
boong, và xếp việc làm sạch sẽ hầm tàu. Chúng tôi thắng được bước
đầu. "Uy vũ bất năng khuất". Sáng hôm sau, khoảng mười giờ, chiếc tàu
Gascogne từ từ tiến vào Vũng Tàu và đi theo sông Lòng Tảo, hai bên mọc
toàn cây đước và dừa xanh để lên hướng cảng Sài Gòn. Thành phố Sài
Gòn, thủ đô của miền Nam hiện ra xa xa trong nắng mai. Hòn ngọc Viễn
Đông đẹp thật, nhất là đối với một người từ trước đến giờ chỉ biết có
Huế và loanh quanh một vài thành phố nhỏ ở miền Trung. Có một lần tôi
ra Hà Nội tu nghiệp ngành văn khố và thư viện sáu tháng, nhưng Hà Nội
cổ kính với ba mươi sáu phố phường chật hẹp quá. Đứng trên boong tàu,
tôi nhìn về phía Sài Gòn. Nhiều cao ốc lộng lẫy dựng sừng sững nơi
đường chân trời, chói chang dưới nắng mai. Tôi không biết đâu vào đâu
cả. Lòng tôi bồi hồi xúc động trước cảnh vật đổi thay. Mới đầu tuần
còn ở Huế, nay đã vào đến miền Nam xa lạ - ở Sài Gòn tôi không quen
biết ai cả, trừ Phiên và Đạt, là những người bạn công chức cũ của tôi
tại Tòa Ủy Viên Cộng Hòa Pháp. Phiên đã vào Sài Gòn được bốn năm nay
và mới thi đậu tham sự một lần với tôi. Phiên đậu thủ khoa tham sự ấy,
và hiện nay làm Phủ Cao Ủy Pháp. Gia đình Phiên ở đường Vassoigne
(sau này là Trần Văn Thạch), vùng Tân Định. Đạt làm thư ký đánh máy,
cũng được đổi vào Nam trước Phiên. Đó là hai địa chỉ bạn khá thân quen
mà tôi có thể đến chơi sau này, khi nào cuối tuần, được phép về Sài Gòn
nghỉ. Giờ thì nỗi nhớ nhà đang dâng lên trong lòng tôi. Làm sao vợ
tôi sinh sống khi tôi bị động viên nhập ngũ. Liệu tòa Tỉnh Thừa Thiên,
cơ quan cuối cùng tôi phục vụ có trả lương sai biệt cho vợ tôi ở Huế
không? Không muốn đổi vào Sài Gòn làm việc thì nay cũng phải vào Sài
Gòn đi lính. Miên man suy nghĩ, tàu cập bến lúc nào không hay. Một
đoàn quân xa mấy chiếc đến đón chúng tôi tại Bến Bạch Đằng. Các sinh
viên sĩ quan mang hành lý xuống tàu. Mệt mỏi sau một cuộc hành trình
dài trên biển. Nghe nói các anh ở miền Bắc cũng đã lên tàu thủy đi từ
cảng Hải Phòng để vào Nam. Ban đón tiếp leo lên các chiếc xe Jeep chạy
đầu, hướng dẫn chúng tôi về một nơi nào đó để nghỉ ngơi và ăn trưa.
Tôi không rõ chỗ nào, chỉ biết đó là một quán ăn bên đường, đầy cây cao
bóng mát. Sau này nhớ lại, có lẽ là khu vực Hàng Xanh.
3- Chiều
hôm ấy, đoàn quân xa lại chở chúng tôi đến quân trường Thủ Đức, nằm
trên đồi Tăng Nhơn Phú, sau khi chạy ngoằn ngoèo, theo một con đường
nhỏ hẹp, rồi đến một đoạn thẳng tắp, có cột pylone cao thế, dựng cao
vút trên ngọn đồi thưa cây. Tấm biển lớn treo trước cổng bằng tiếng
Pháp cho biết đó là Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Đoàn quan xa dừng
lại tại một quảng trường rộng lớn, rải nhựa, phất phơ lá quốc kỳ Việt
Nam trên ngọn. Xung quanh quảng trường, một bên là các ngôi nhà xây
theo kiểu biệt thự - chắc nhà các sĩ quan cán bộ và gia đình. Còn bên
kia sâu vào phía trong là những dãy nhà trệt vách trắng, mái ngói đã cũ,
phủ rêu và một số lợp ngói đỏ tươi, chắc mới xây. Các sĩ quan cán bộ
của quân trường ra tận sân cờ tiếp nhận chúng tôi. Sinh viên được xếp
tạm vào từng đội ngũ khoảng ba chục người, được sĩ quan cán bộ hướng
dẫn đưa về các dãy nhà trệt. Đó là trại sinh viên. Về đó để lãnh phần
ăn chiều và tạm nghỉ qua đêm. Đêm đầu tiên tôi nằm ngủ trên một chiếc
giường bố xếp nhà binh, song song với giường anh Lê Văn Đệ, mà tôi
tưởng là được ở gần anh trong thời gian khóa học. Một giấc ngủ ngon
lành sau những đêm mỏi mệt, ngộp thở ở hầm tàu.
Sáng
hôm sau chúng tôi được lệnh đi lãnh quân trang quân phục. Nơi lãnh là
một chiếc lều vải dài của nhà binh Pháp. Mỗi người được lãnh hai bộ
quân phục tác chiến màu xanh cỏ, hai bộ quân phục ngắn gồm quần đùi áo
sơ mi cụt tay, hai bộ kaki vàng dài tay, hai đôi giày trận da cứng
ngắt, một đôi dày da đỏ thấp cổ. Rồi nào là mũ nồi, mũ sắt, mũ nhựa,
mũ rộng vành, nịt da, tất lính, bi đông đựng nước, gà mèn, ca uống
nước, vải lều xanh sac kaki vàng đeo vai, áo mưa lính cũng màu xanh,
ngoài lớp vải trong lót cao su. Tất cả đều được cho vào một chiếc sac
marin lớn, trừ bộ quân phục ngắn phải mặc ngay trước khi ra khỏi lều
lãnh quân trang. Chiếc áo sơ mi trắng và quân dân sự được nhét vào túi
vải mới lãnh. Một ý nghĩ ngộ nghĩnh nảy ra trong trí tôi: "khi bước
vào lều còn là dân sự, khi ra khỏi lều đã là một quân nhân". Toàn màu
xanh cỏ, gọi là xanh cứt ngựa, toàn trại. Tất cả sinh viên sáng nay lố
nhố với màu sắc dân sự áo này quần nọ, bây giờ đều biến thành một màu
xanh cỏ, màu xanh của lính. Xếp bút nghiêng từ đây - giã từ cuộc sống
công chức, "sáng vác ô đi, tối vác về". Sau đó chúng tôi lại lần lượt
bước qua một lều vải khác để nhận lệnh phân phối về các binh chủng,
ngành thụ huấn. Tôi mạnh dạn trong sự rụt rè, vén bức màn vải cửa
chiếc lều nhỏ (tente murale) để vào trình diện ủy ban phân phối, khi có
lệnh gọi và một anh bạn khác vào trước tôi vừa bước ra. Trước mặt tôi,
một chiếc bàn giấy nhỏ, kê đối diện với cửa lều. Sau bàn giấy, một sĩ
quan Pháp cấp đại úy, người to lớn, bệ vệ đang ngồi trên một chiếc
ghế, ngước mặt nhìn tôi. Hai bên viên đại úy là hai sĩ quan người Pháp
khác, cấp Trung úy. Tất cả đều nhìn tôi như để xem mặt bắt hình
dong. Tôi cố trấn tĩnh, đưa cánh tay phải lên chào nghiêm túc, đồng
thời chân phải đập mạnh vào gót giày bên trái nghe một tiếng đốp thật
kêu. Động tác này tôi đã được các sĩ quan cán bộ người Việt hướng dẫn
cho các sinh viên sáng hôm nay. Miệng hô to bằng tiếng Pháp: "E.O.R.
Nguyễn Đức... số quân... trình diện ủy ban". Quyết định của Ủy ban chỉ
trong giây phút. Họ đã xem kỷ hồ sơ tôi trước rồi. Nay chỉ còn phần
trình diện với quân phục, tác phong bên ngoài. "5e Division, Artillery"
(Đại Đội 5, Pháo Binh). Do miệng viên trung úy ngồi bên phải người
chủ tịch thốt ra. Tôi nhớ thoáng một khuôn mặt quá dài như anh hề
Fernandel với bộ râu mép, chiếc mũ nồi vàng, dải xanh đỏ của quân
trường, cặp lon trung úy nỉ đỏ đeo ở cầu vai. Đôi mắt sáng quắt, mở
to, mũi hếch lên như dò xét tâm hồn tôi. Sau này tôi mới biết đó là
trung úy Ladonne, sĩ quan pháo binh, và là trung đội trưởng của chúng
tôi. Bước ra khỏi lều họp, tôi hỏi các bạn khác đứng quanh đấy vì tôi
không rõ tôi được phân phối cho ngành nào. Là công chức, tôi đâu đã
hiểu các thuật ngữ quân sự. Có tiếng trả lời: "Ồ ngành đó sướng lắm -
Đứng sau bắn tới không hè! Không sợ chết". Một anh khác thêm vào: "chỉ
có học là vất vả thôi. Đi không thấy mặt gà, về nhà không thấy mặt
chó" (Ý nói đi quá sớm, gà chưa ra chuồng, về quá trễ, chó đã di ngủ).
Một số anh khác đi các ngành ABC (thiết giáp), Train ( quân vận),
Transmission (truyền tin), Matériel (quân cụ). Đó là những binh chủng
chuyên môn trong khóa 3 chúng tôi. Còn đại đa số sinh viê sĩ quan đều
được phân phối theo ngành Bộ Binh (Infantry), trong đó có các anh Phạm
Đình Chi, người bạn lối xóm, và Lê Văn Đệ, đồng nghiệp công chức toà
tỉnh Thừa Thiên.
4-
Đeo
ba lô lên vai, tôi theo các bạn cùng ngành về hai dãy trại mới làm,
ngói còn đỏ tươi, xây ở cuối quân trường, dành cho sinh viên sĩ quan
học các binh chủng chuyên môn. Ngành pháo binh chúng tôi được xử dụng
hai căn phòng giữa, hai phòng bên cạnh là thiết giáp, một bên kia nữa
là quân vận. Hai đầu, một bên là dãy nhà vệ sinh, bên kia là buồng tắm
hoa sen. Trại kế cận thuộc truyền tin, quân cụ, cũng tổ chức y hệt
như trại chúng tôi. Tôi vào phòng đầu pháo binh, đặt ba lô trên chiếc
giường thứ hai từ ngoài đếm vào để chiếm chỗ. Căn phòng rộng khoảng 6
mét x 6 mét. Hai đầu có hai cửa ra vào. Mỗi bên kê bốn chiếc giường
cá nhân bằng gỗ, hai tầng, trên một người, dưới một người. Tôi nằm ở
tầng dưới, nghĩ mình lớn tuổi. Tôi bị động viên năm ấy vừa tròn ba
mươi tuổi, một anh lính già mới tò te. Trung đội sinh viên sĩ quan
pháo binh có ba mươi sáu anh, chia nhau ra nằm mỗi phòng mười tám
người. Thế mà cũng có vài anh khác đồng tuế, hoặc hơn tôi một hay hai
tuổi. Như Bùi Thúc Duyên, Đặng Chiêu Tài, có nốt ruồi nơi má. Trẻ
nhất có lẽ là anh Lê Văn Nghị, người Huế, đang học trung học đã bị động
viên. Phần lớn là công tư chức, giáo viên tiểu học, giáo sư trung
học. Học hết giai đoạn 1 (hai tháng), Nghị được chuyển sang bộ binh có
lẽ vì yếu sinh ngữ. Thời ấy toàn học tiếng Pháp tại các quân trường.
Sau này, trong cuộc đời quân ngũ, Nghị đã thăng đến cấp trung tá,
thuộc Phòng 2, Bộ Tổng Tham Mưu. Mập nhất trung đội là anh Phạm Văn
Mân, người Nam, đang học năm thứ nhất Luật khoa Sài Gòn. Anh Nghị chọn
ở trong nhóm (trinôme) của anh Mân và một anh nữa để được học kèm, có
anh Mân giúp đỡ. Học nhóm là một phương thức học tập, do Trung úy
Ladonne, trung đội trưởng của chúng tôi đặt ra, gồm có các anh Nguyễn
Văn Vinh, tư chức, người Huế, và Ngô Văn Điện, giáo viên người Nam. Họ
cho là tôi giỏi hơn nên bầu tôi làm trưởng nhóm, tôi có từ chối cũng
không được. Học nhóm có lợi là gây óc cầu tiến. Vinh nằm tầng trên
giường tôi, Điện nằm giường bên cạnh. Điện hiền khô, tóc hơi quăn, mắt
tròn xoe như mắt mèo, lúc nào cũng vui vẻ, cười cười. Vinh hay pha
trò, hơi tếu. Tầng trên giường của Điện là Chương Văn Nam, mặt đen,
đầu húi ngắn như một võ sĩ quyền Anh. Nam cũng là giáo viên. Tại các
giường khác trong phòng, nếu tôi không lầm, có các anh Chung Văn Xôm,
mặt nghếch nghếch, biết đàn vọng cổ, người Nam, tư chức, Trần Hùng
Riệu, người Bắc, kiểm soát viên quan thuế, hóm hỉnh, Lê Tất Hào, nhỏ
người, với cặp kính trắng, thích đấu lý, Nguyễn Tiến Ích, nghiêm trang,
cận thị, ít nói... Hai anh Hào và Ích lúc ấy đều là sinh viên. Sau này
giải ngũ, Hào làm luật sư, và qua Mỹ lúc nào không biết, đã đỗ tiến sĩ
luật khoa Hoa Kỳ, hành nghề ở quận Cam, miền Nam Cali. Ích sau đó,
được chuyển sang Hải Quân, vì anh đậu cử nhân toán. Có một dạo khi tôi
làm ở ngành Tổng Quản Trị Bộ Tổng Tham Mưu, tôi có đề cử anh lên làm
giáo sư Toán ở trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, cùng với anh Nguyễn Phụng,
một sĩ quan Hải Quân khác. Anh Ích ngày ấy, tôi phục anh rất thông
minh. Vừa qua, đọc báo, tôi được biết hiện anh cũng đang ở Hoa Kỳ.
Các anh Mân, Riêu, Ích, Hào là những sinh viên sĩ quan giỏi của khóa
tôi, ngành pháo binh. Còn một anh nữa cũng xuất sắc, anh Bùi Hữu
Khiêm, người Nam, sinh viên đại học. Khiêm, người nhỏ nhắn, khiêm
nhường, mũi rất thẳng, điềm đạm, ít nói và học rất có phương pháp. Các
môn pháo binh khá khó, cần phải có khiếu toán học. Khiêm không cày,
không gạo như một số các anh khác, anh chỉ cần gạch xanh, gạch đỏ những
đoạn nào cần thiết, và làm dàn bài ngắn gọn. Nhưng kết quả thi viết
môn tác xạ đại cương, thi bắn thực hành, anh điểm rất cao. Nhờ anh có
trí nhớ thị giác tốt. Sau này chuyển sang học Luật, anh cũng học có vẻ
tài tử nhưng đậu cử nhân lúc nào không hay. Đại úy Vìgnon, trưởng ban
Pháo Binh, người Pháp, một sĩ quan pháo binh rất thông minh và tài ba
sau cặp kính trắng, lúc gần mãn khóa đứng trò chuyện với chúng tôi,
thường huơ huơ cây gậy chỉ huy của ông ta và chỉ vào mỗi người chúng
tôi, những sinh viên xem như sắp có điểm ra trường cao nhất. Bắt đầu
là anh Mân, ông nói: "Anh có thể thủ khoa". Rồi chỉ anh khác nói tiếp:
"Anh cũng có thể là thủ khoa". Rồi anh khác nữa: "Anh cũng có thể thủ
khoa". Chỉ liên tiếp vào bốn, năm người. Ý ông ta muốn nói: "Ăn thua
là ở Code d'amour mà tôi cho điểm các anh". Đó là một số điểm do quyền
chuyên quyết của các sĩ quan huấn luyện viên trưởng ngành ở các quân
trường. Số điểm từ 0 đến 20 tối đa. Chúng tôi dịch đùa với nhau:
"Điểm ái tình". Tưỏng đại úy Vignon nói đùa, hóa ra là sự thật. Ngày
mãn khóa, anh Phạm Văn Mân đậu thủ khoa, không chỉ của ngành pháo binh
36 người, mà còn là thủ khoa của toàn thể khóa 3, gồm khoảng bảy trăm
tân khoa. Anh Mân đậu thủ khoa, kể cũng rất xứng đáng. Người anh thể
lực khỏe, tính nết điềm đạm, học giỏi, bắn hay, địa hình, truyền tin,
quân xa, môn nào anh cũng đều giỏi. Can đảm, tháo vát, rất tuân kỷ
luật quân đội, giúp đỡ anh em đồng khóa. Anh Mân đậu thủ khoa là niềm
hãnh diện cho ngành pháo binh chúng tôi, như đại úy Vignon thường đề
cao binh chủng: "đó là một binh chủng thông thái". Trong cuộc đời quân
ngũ, anh Mân cũng đã nhiều lần chứng tỏ tài của anh qua các khóa quân
sự mà anh đều đậu thủ khoa, và những chức vụ quan trọng anh nắm giữ.
Từ chức tham mưu trưởng Tổng Cục Tiếp Vận mà trong khi đang du học khóa
Chỉ Huy Tham mưu Cao Cấp (Leavenworth) tại Hoa Kỳ anh được gọi về nước
gấp để nhận lãnh, rồi tỉnh trưởng An Giang trong mấy năm, cuối cùng Mân
được điều về làm phụ tá Tổng Ủy Công Vụ bên dân sự, ngang hàng thứ
trưởng. Nhưng tiếc thay, nay đã là người thiên cổ. Được di tản qua Mỹ
sau ngày mất nước, thời gian ở Mỹ anh đã chết trong một vụ tai nạn xe
hơi. Người thứ nhì trong binh chủng pháo binh khi mãn khóa là anh Trần
Hùng Riệu. Sau này anh giải ngũ, trở về lại với ngành quan thuế.
Không biết bây giờ anh ở đâu? Người thứ ba là anh Nguyễn Tiến Ích trên
đây. Người thứ năm là anh Bùi Hữu Khiêm, người thứ sáu là anh Lê Tất
Hào. Tôi được xếp hạng tư trong binh chủng. Đó là một sự may mắn, do
sự cố gắng của bản thân. Tôi thích toán lúc còn đi học, nên khi được
chọn vào ngành pháo, tôi dễ thích ứng trong việc tính toán với chiếc
quạt độ giạt thời Pháp trên xa bàn cũng như các buổi thực tập tác xạ.
Chứ thể lực tôi yếu, lớn tuổi, thuận tay trái, nên tôi gặp rất nhiều
trở ngại khi leo trèo, chạy nhảy trên đoạn đường chiến sĩ, khi tập ném
lựu đạn, khi bắn bia ở xạ trường. Với kết quả mãn khóa, tôi cũng có
phần nào tự hào, xem như đại diện cho bảy sinh viên sĩ quan miền Trung,
mang chuông đi đánh nước người, tôi không phải hổ thẹn vì màu cờ sắc
áo. Vì trong sáu anh xếp hạng cao nhất ngành pháo thủ, chỉ mình tôi là
người miền Trung. Hầu hết ba mươi sáu sinh viên sĩ quan thuộc trung
đội pháo binh đều ra trường với cấp bậc thiếu úy. Chỉ có vài người đậu
chuẩn úy - Một người phải mang cấp Trung Sĩ, anh Nguyễn Mộng Hùng.
Tính anh hơi bướng, hay cãi lại với đại úy Vignon sao đó, mà ông này
nóng tính. Nhưng sau này, khi giải ngũ ra đời, anh lại rất thành công,
vì anh này có khoa ăn nói, lợi thế trong việc xã giao. Trung đội
chúng tôi chỉ có một anh tử trận. Anh Phạm Vĩnh Hưng, người Bắc, rất
hiền lành, ngoan nết. Anh vĩnh viễn ra đi khi chưa có hiệp định Genève
chia đôi đất nuớc, trong một cuộc hành quân tại miền Bắc mà anh là sĩ
quan tiền sát pháo binh, yểm trợ cho một đơn vị bộ binh. Các anh khác
hoặc đã giải ngũ trở về đời sống dân sự, hoặc chuyển sang quân chủng,
binh chủng hay binh sở khác... như Quân Nhu, Quân Pháp, Hải Quân, Không
Quân hoặc Bộ Tổng Tham Mưu, Bộ Quốc Phòng. Những anh còn nặng nợ Pháo
Binh hoặc yêu khẩu thần công Howitzer 105, 155 bắn xa, bắn mạnh,
"artilleur fait mouche à chaque coup", bách phát bách trúng, nghĩa đen
và nghĩa bóng, đến ngày gần sập tiệm đều đã nở hoa mai bạc trên cổ áo.
Có một số anh đã đi thoát được vào ngày ba mươi tháng 4, nay đang ở
Hoa Kỳ, thành công trong cuộc sống. Những anh chậm chân, không có
phương tiện, hoặc vì kỷ luật quân đội "người lính chưa hàng mà thành
phố đã tiêu tan"(1), đều
phải bị trả giá đắt cho mười ba năm lao lý trong ngục tù cộng sản. Anh
Bùi Hữu Khiêm và tôi đều cùng chung một số phận. Các trại Long Giao,
Suối Máu, Yên Báy, Nam Hà, Xuân Lộc, là nơi mà chúng tôi đã nếm mùi
gian khổ, lao động cực nhọc, trong đói ăn, thiếu mặc, xa tất cả những
tình thương, không hy vọng có ngày về. Thời gian trong các trại cải
tạo từ trong Nam ra đến ngoài Bắc, rồi lại trở về miền Nam, tôi đã gặp
nhiều bạn đồng khóa, tuy không cùng binh chủng, nhưng đều chung một kỷ
niệm. Đó là ngày trình diện nhập ngũ, bỡ ngỡ khi đến quân trường, và
nỗi vui mừng sung sướng của ngày mãn khóa. Sau gần bảy tháng trên các
thao trường, với bao nhiêu mồ hôi, nhưng rèn luyện cho mình được nhiều
thứ, từ thể xác đến tâm hồn. Bắp thịt rắn rỏi, màu da rám nắng, tinh
thần cương nghị. Nhìn chiếc ảnh tôi chụp ngày mãn khóa, trong bộ quân
phục treillis màu xanh cỏ thẩm, chiếc mũ sắt đội trên đầu không còn thấy
nặng, khẩu súng Garant M1 đeo sau vai từ nay là "người yêu của lính",
tôi không nhận ra là tôi nữa, trước đây mấy tháng, một viên chức ở tỉnh
Thừa Thiên. Nay tôi là một thiếu úy tân khoa, vàng chói trên cầu vai
cấp bậc thiếu úy mới mua. Tôi là một sĩ quan của quân đội Việt Nam
Cộng Hòa, đường binh nghiệp là con đường từ nay tôi phải theo, tuy tôi
không chọn, nhưng cảm thấy thích thú, vì một cái gì đã đổi mới trong
tôi. Vợ con tôi ở Huế đang mong đợi ngày tôi về chậm đến, vì tôi còn
phải thực tập hai tháng pháo binh tại Trung Tâm Huấn Luyện Pháo Binh
Phú Lợi, thuộc tỉnh Thủ Dầu Một. Các sĩ quan bộ binh sẽ về trước tôi
để ra đơn vị hoặc nhận công tác tham mưu. Tôi còn được huấn luyện thêm
hai tháng nữa về chuyên môn. Đêm nay, toàn thể sĩ quan tân khoa khóa 3
chúng tôi được các nhà Mạnh Thường Quân ở Sài Gòn mời dự tiệc, chia làm
nhiều địa điểm. Trong bộ lễ phục kaki vàng bốn túi mới may ngày sắp
mãn khóa, chiếc mũ cát-két lưỡi trai cầm tay, chúng tôi bước vào những
nhà hàng sang trọng của Sài Gòn đang chờ chúng tôi đến dự tiệc. Đêm
nay, trong bầu không khí mát dịu của Sài Gòn hoa lệ, gần bảy trăm sĩ
quan tân khoa được họp mặt nhau ở các nhà hàng, hoặc các tư gia sang
trọng, để rồi ngày mai họ sẽ lên đường ra Bắc, hoặc về miền Trung, lên
Tây Nguyên, hoặc xuống miền Tây. Tình đồng khóa của chúng tôi bắt đầu
từ đấy.
(1) trích một bài hát do anh em hát trong tù
5
Sau
ngày mãn khóa, được nghỉ phép hai tuần lễ để trở về thăm gia đình, ai
nấy đều lên đường đi đơn vị bộ binh hay binh chủng, theo các vùng chiến
thuật đã chọn sau khi có kết quả kỳ thi mãn khóa, tùy theo thứ tự cao
thấp được xếp hạng. Hồi ấy, cuối năm 1953 - đất nước chưa bị chia
cắt. Bốn vùng chiến thuật, hay đúng ra theo danh từ quân sự lúc bấy
giờ là bốn quân khu. Miền Bắc, Quân khu 3 là nơi cuộc chiến tranh quốc
cộng đang diễn ra một cách ác liệt nhất. Quân đội Pháp đã tạo ra trận
Điện Biên Phủ để thu hút quân cộng sản về đấy hòng tiêu diệt, rảnh tay
cho họ bình định vùng lưu vực sông Hồng. Còn Việt cộng cũng tương kế
tựu kế, dồn tất cả lực lượng để vây hãm Điện Biên Phủ, cầm chân quân
đội Pháp, khiến Pháp không còn nhiều lực lượng để ứng cứu các trận đánh
ở đồng bằng. Quân lực Việt Nam Cộng Hòa lúc ấy mới thành lập, hãy còn
non yếu với những tiểu đoàn khinh binh, lấy từ các lực lượng Bảo Vệ
Quân ở Trung, Bảo Chính Đoàn miền Bắc, một số đơn vị giáo phái. Các sĩ
quan cán bộ đang được đào tạo gấp rút tại trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt
và qua các khóa 1, khóa 2 và khóa 3 Thủ Đức như chúng tôi. Do đó, khi
mãn khóa, ít ai muốn chọn ra Quân khu 3, trừ những anh quê quán vùng
Hà Nội, hoặc xếp hạng thấp, không có quyền chọn chỗ. Quân khu 2 thuộc
miền Trung, Quân khu 4 thuộc vùng Tây Nguyên Đà Lạt, Pleiku, Ban Mê
Thuột, tương đối ít có những trận chiến lớn, tuy cũng lắm hiểm nguy.
Chỉ có miền Nam là dễ chịu nhất, lực lượng quân Pháp ở đấy mạnh, nơi có
thủ đô Sài Gòn cần phải bảo vệ, và Việt cộng lúc ấy chưa dám xâm nhập
nhiều. Quân khu 1 rất được nhiều tân sĩ quan Khóa 3 Thủ Đức chọn để
phục vụ, nhất là các anh quê quán ở miền Nam. Vì xếp hạng thứ tư trong
binh chủng và cũng đậu khá cao trong số năm mươi người đầu toàn khóa,
đáng lẽ ra tôi được phục vụ tại một đơn vị pháo binh thuộc Quân khu 1 ở
miền Nam. Tôi đã chọn Quân khu 1 rồi. Nhưng một bạn đồng khóa pháo
binh, anh Huỳnh Hữu Lân, người Nam, phải chọn ra miền Trung, nơi anh
không có gia đình. Lân đề nghị tôi đổi phương vị cho anh, để Lân vào
Nam, tôi ra Huế. Sau một hồi suy nghĩ, cân nhắc tình cảm gia đình, bạn
hữu, tôi thuận hoán đổi phương vị với Lân, anh vào Quân Khu 1, tôi về
Quân Khu 2, tại Huế. Dù sao ở Huế, tôi còn cò vợ con tôi, đang sống
nương náu ở gia đình nhà vợ. Dù tôi có theo đơn vị, cũng không đến nỗi
quá xa nhà. Tâm tư một người công chức vẫn còn tiềm ẩn trong tôi.
Sau
hai tuần nghỉ phép mãn khóa, các sĩ quan khóa 3 chúng tôi đều đi trình
diện đơn vị, trên khắp các nẻo đường đất nước. Sĩ quan bộ binh được
phân phối cho các đơn vị bộ binh, còn những người thuộc các binh chủng
chuyên môn như chúng tôi, phải đi theo các binh chủng đã thụ huấn ở
quân trường.
Trong
quá trình binh nghiệp, các sĩ quan khóa 3 được thuyên chuyển đến nhiều
nơi, bổ nhiệm vào các chức vụ khác nhau, người được giữ lại ở các bộ
tham mưu quân khu, quân đoàn, sư đoàn, các bộ chỉ huy quân trường, binh
chủng, người phải đi đơn vị chiến đấu, hành quân quanh năm suốt
tháng. Mỗi người số phận như đã an bài. Với thời gian, cấp bậc càng
cao, họ được giữ những chức vụ quan trọng hơn trong quân đội. Có người
được thuyên chuyển vào Bộ Tổng Tham Mưu, Bộ Quốc Phòng hoặc các Nha Sở
Trung ương. Có người được chuyển ngành, thay đổi binh chủng, quân
chủng, chuyển vùng chiến thuật. Có anh vươn cao hơn, được giữ một
nhiệm vụ quan trọng ở Phủ Đầu Rồng. Các anh Huỳnh Minh Quang, Phạm Duy
Thân, Ngô Như Báu thích nghề lính tàu bay, nên xin chuyển sang Không
Quân, tuy để giữ những nhiệm vụ dưới đất. Nhiều anh học thêm, đậu được
những bằng cấp dân sự, để có một tương lai sán lạn hơn. Anh Phạm Đổ
Thành, giám đốc nha Hành Chánh thuộc Tổng Nha Hành Ngân kế Bộ Quốc
Phòng giật được mảnh bằng cao học luật khoa, sau đó ứng cử nghị sĩ quốc
hội. Anh Nguyễn Trọng Liệu, thuộc Quân Cụ, đeo đuổi ngành luật học,
lấy được cao học để chuyển sang Quân Pháp. Nay anh đã là tiến sĩ luật
khoa Hoa Kỳ. Sau bao năm, tôi gặp lại anh ở quận Cam, anh không già đi
tí nào, vẫn cái đầu tròn thưa tóc, đôi kính cận thị nặng, tính tình
vui vẻ, xuề xòa. Nói chung, các sĩ quan khóa 3 Thủ Đức phần nhiều lớn
tuổi, nhiều người là công chức, dạy học trước khi vào quân đội, nên mang
theo tác phong công bộc, nhà giáo vào cuộc đời quân ngũ của mỗi
người. Có người được biệt phái sang các ngành Dân sự, Giáo dục, Xây
Dựng Nông thôn, Bưu Điện Viễn Thông... Một số anh được tổng thống bổ
nhiệm để giữ các chức vụ tỉnh trưởng: Phạm Đình Chi, Phú Bổn; Huỳnh
Ngọc Diệp, Phong Dinh (Cần Thơ), trước đó anh là tỉnh trưởng Sa Đéc,
Nguyễn Ngọc Diệp, Gò Công; Phạm Văn Mân, Long Xuyên. Sau đó Mân được
bổ nhiệm về Phủ Tổng Ủy Công Vụ. Thật ra, các sĩ quan trừ bị khóa 3 đã
được đào tạo một cách có hệ thống khi còn ở dân sự, họ có nhiều kinh
nghiệm hành chánh, dạy học, họ lớn tuổi, đứng đắn, đàng hoàng, nên rất
đắc lực nếu làm phụ tá cho các vị tư lệnh, tổng cục trưởng, tổng giám
đốc. Và khi được giao cho những chức vụ chỉ huy, họ có nhiều sáng kiến,
tinh thần phục vụ cao. Anh Trần Văn Thăng hiền lành, tốt bụng, đã
từng làm Cục trưởng An Ninh Quân Đội, rất có uy tín một thời. Anh
Nguyễn Kỳ Nguyện đã làm chánh văn phòng Đại tướng Tổng Tham Mưu Trưởng
những năm cuối cùng của chế độ. Khóa 3 Thủ Đức có thể nói là một khôố
thuần nhất trong quân đội, cần cù, kỷ luật và năng xuất cao. Một số
anh đã giải ngũ sớm, cũng trở thành những luật sư giỏi: Trần Văn Thục,
Lê Quý Đôn, Lê Tất Hào. Về cấp bậc, sĩ quan trừ bị khóả không được
thăng cấp nhanh chóng như các khóa 1, khóa 2 đàn anh, mà một số đông đã
bước lên hàng tướng lãnh, hoặc như khóa 4 đi sau, có những ngôi sao
mọc sớm. Khóa 3 trừ bị thăng cấp chậm nhưng chắc, đến ngày quốc hận
30-4 phần đông đã được thăng cấp đại tá. Cũng lấp lánh vài ngôi sao để
góp mặt với đời. Đó là hai anh Nguyễn Khoa Nam và Huỳnh Văn Lạc. Anh
Nguyễn Khoa Nam nguyên là công chức trước khi nhập ngũ, anh làm việc ở
Ty Ngân Khố Huế, trong những năm tôi tùng sự tại tòa Khâm Sứ Pháp.
Tôi không quen biết anh nhiều lúc ấy. Khi vào quân đội, anh chọn binh
chủng Nhảy Dù. Một công chức trẻ như anh hồi đó, với cái bụng hơi phệ;
đi lại không được nhanh nhẹn lắm, theo ký ức của tôi có về anh. Do đó,
tôi rất ngạc nhiên và kính phục anh khi tôi đổi vào Sài Gòn, được biết
anh thuộc binh chủng Nhảy dù, và sau đó làm đến Lữ Đoàn trưởng thuộc
Sư đoàn Dù. Ngày anh được Tổng thống bổ nhiệm làm Tư Lệnh Sư đoàn 7 ở
Mỹ Tho, anh có ghé thăm tôi tại Phòng Tổng Quản Trị và để xin tôi một
số sĩ quan cấp tá để làm cán bộ nòng cốt tại Sư Đoàn này. Lúc ấy anh
còn mang cấp bậc Đại tá. Vì tình đồng khóa, và là quê miền Trung; anh
là người Huế, thuộc một trong bốn gia đình vọng tộc ở cố đô, Nguyễn
Khoa, Hồ Đắc, Thân Trọng, Trần Thanh và cũng nguyên là công chức, tôi
đã tận tình giúp đỡ anh. Tôi đưa anh vào xem phiếu tiểu sử của một số
sĩ quan cấp tá mà tôi đánh giá tốt theo con mắt của một người đã lâu
năm trong ngành quản trị nhân viên. Anh Nam đến với tôi cũng do lòng
tín nhiệm lẫn nhau và tin tưởng ở tôi, một người bạn đồng khóa. Liên
tưởng đến anh Phạm Đình Chi, cùng khóa 3, hiện ở Sư Đoàn 7, tôi nhắc
tên anh Chi với anh Nam. Chi lúc ấy không còn là tỉnh trưởng Phú Bổn
nữa. Nam không nói gì, và xem tiếp các phiếu tiểu sử. Nhưng sau này
Nam vẫn giữ Chi ở chức vụ tham mưu trưởng Sư Đoàn 7. Anh Nguyễn Khắc
Thiệu, cũng khóa 3, làm chỉ huy trưởng Pháo Binh Sư Đoàn 7. Chuyện kể
về tướng Nguyễn Khoa Nam rất nhiều, tuy không có tính huyền thoại như
đối với Trung tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh Quân Đoàn IV/Quân Khu 4
trước anh, nhưng vẫn xoay quanh cung cách lãnh đạo Sư Đoàn của anh Nam,
là lo cho lính, đi sát với lính... và nếp sống độc thân lâu đời của
anh không lay chuyển. Nhưng huyền thoại nhất là trong những năm tôi ở
tù cộng sản, tôi vẫn được nghe nhiều tin tức về anh sau ngày cộng sản
xâm chiếm miền Nam và nội các Dưong Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Một
vài bạn trẻ đồng tù, nguyên thuộc vùng 4 vẫn tin tưởng rằng tướng
Nguyễn Khoa Nam chưa chết. Tin đồn anh tự sát theo họ là không đúng.
Đó chỉ là tử thi của người quân nhân cận vệ của tướng Nam mà thôi. Còn
tướng Nam thật sự đã thoát ra khỏi vòng thành Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 4,
giả dạng người hành khất, sống lang thang, và đang tìm cách đi Mỹ.
Huyền thoại trên được nuôi dưỡng những năm chúng tôi bị cộng sản đưa
vào Nam, nhốt tại Xuân Lộc. Ngày sang Mỹ, được đọc một số báo cũ năm
1983 của bán Nguyệt san Đời, có bài viết của bà Phạm Thị Kim Hoàng, phu
nhân cố tướng Lê Văn Hưng, người cùng tuẫn tiết với tướng Nam tại Cần
Thơ năm 1975, mới biết huyền thoại trên đây chỉ là một điều bịa đặt.
Một tướng lãnh khác thuộc khóa 3, anh Huỳnh Văn Lạc, nguyên tu xuất bị
động viên. Anh Lạc người hiền lành, nụ cười dễ nở trên môi, càng hiền
lành hơn sau khi đôi kính cận dày. Nhưng cũng rất kỹ lưỡng, tỉ mỉ
trong công việc. Ngày tôi phải thuyên chuyển về Quân Đoàn 4, đầu năm
1972, anh Lạc đang làm tham mưu trưởng Quân Đoàn. Gặp anh tôi cũng
mừng, nghĩ rằng mình đang sa cơ thất thế, gặp bạn đồng khóa, có thể
giúp đỡ cho tôi phần nào trong công vụ lúc ban đầu. Sau khi tôi được
đổi về Sài Gòn trở lại, tôi được tin anh đi nắm một Sư Đoàn ở miền
Tây. Còn một anh nữa, được báo Đai Dân Tộc "lăng xê" đưa tin lên mặt
báo vào cuối năm 1973 (cùng với 4 anh khác) là được phong tướng, nhưng
sau đó chìm xuồng luôn. Đó là anh Hoàng Đức Ninh, lúc ấy làm Tư Lệnh
Biệt Khu 44 ở miền Tây.
6-
Tình
đồng khóa giữa các anh em khóa 3 Thủ Đức chúng tôi là như thế, bàn bạc
trong suốt cuộc đời quân ngũ. Không ai lợi dụng ai trong chức vụ,
nhưng âm thầm nâng đỡ nhau, trong sự tin cậy lẫn nhau. Để thể hiện
tình thân tương ái này, vào khoảng thập niên 1960, một hội Ái Hữu Khóa 3
sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức đã được thành lập, do anh Trần Văn Thăng làm
chủ tịch. Thăng lúc ấy đang là Cục trưởng An Ninh Quân Đội, một chúc
vụ mà những người khác khi nghe tên, đều có vẻ ớn, sợ nữa là đằng
khác. An Ninh Quân Đội với các cấp chỉ huy tiền nhiệm, là ngành mà quân
nhân đều kính sợ. Nhưng với cục trưởng Trần Văn Thăng thì khác.
Ngành này có vẻ cởi mở hơn. Nhất là đối với chúng tôi khóa 3, có một
người bạn đồng khóa, giữ một chức vụ then chốt như vậy, cảm thấy dễ
chịu hẵn. Hơn nữa dáng dấp của Thăng trông như một vị sư, hiền lành,
hòa nhã, kín đáo, thâm trầm, chứ không có vẻ gì là hùng hổ, ta đây, như
một người nào khác ở vào địa vị của anh.
Thời
ấy, thường mỗi năm, đến ngày 1 tháng tư - ngày nhập ngũ khóa 3 Thủ Đức
- chúng tôi tổ chức gặp nhau, ăn uống, trò chuyện, và bàn bạc những
công việc hội ái hữu. Mượn hội trường Cục Công Binh ở Sài Gòn làm nơi
hội họp. Ngày làm trưởng phòng Tổng Quản Trị Bộ Tham Mưu, tôi đã nhiều
lần tham dự buổi họp mặt này. Sau khi anh Thăng thôi giữ chức vụ hội
trưởng, anh Phạm Đổ Thành, thuộc ngành Hành Chánh Tài Chánh Bộ Quốc
Phòng được anh em trong khóa bầu lên giữ chức vụ này. Anh Thành được
đắc cử vào Thượng Viện, khóa chúng tôi lại có một ái hữu tại tòa nhà lập
pháp lúc bấy giờ. Nếu khóa 1 Thủ Đức có nhiều tướng lãnh nhất trong
quân đội, khóa 3 chúng tôi lại tỏa ra khắp nơi, nắm giữ nhiều chức vụ
quan trọng, góp mặt ở nhiều lãnh vực, quân sự, chính trị, văn hóa, nghệ
thuật, thương mại, kinh doanh. Anh Nguyễn Kim Tuấn với bút hiệu Duy
Lam là một nhà văn, một nhà thơ lớn, có tầm vóc quốc tế. Anh Tạ Tỵ,
một nhiếp ảnh gia nghệ thuật tài ba. Anh Lưu Tấn Phát chủ tịch công ty
bảo hiểm Met-Life ở quận Cam, miền Nam Cali. Anh Lý Quốc Sinh, một
nhà văn, nhà giáo, anh Tô Văn Đào, một luật sư. Hai anh sau này đã bỏ
mình trong ngục tù cộng sản. Tình đồng khóa vẫn còn tiếp tục khi chúng
tôi phải trải qua những ngày lao lý. Lấy ngày 1 tháng 4 làm kỷ niệm,
trong thời gian ở trại giam Xuân Lộc, khi chúng tôi được đưa về Nam năm
1983, mỗi năm đến ngày ấy, một số bạn đồng khóa 3 và đồng tù đã họp
nhau để đánh dấu ngày nhập ngũ hơn ba mươi năm về trước. Buổi họp mặt
rất đơn giản: một chiếc chiếu hoa trải ở góc sân sau một dãy nhà tù
trong trại, dùng làm mặt bàn, dưới những tàn mít cao cho bóng mát. Trên
mặt chiếu, nào kẹo bánh, cà phê, nước trà, do các anh em đồng khóa tự
nguyện góp, trích trong số quà nhà, gia đình mang đến cho hàng tháng,
mỗi lần thăm viếng thân nhân đang "cải tạo". Bạn đồng khóa ở trại giam
Xuân Lộc, ít thôi: các anh Nguyện (văn phòng Đại Tướng, Tổng Tham mưu
Trưởng, Trần Văn Hoàng (Phòng Tổng Quản Trị Bộ Tổng Tham mưu), Nguyễn
Khắc Thiệu, Nguyễn Văn Trân (Pháo Binh), Bùi Hữu Khiêm, Trần Tín, Lê
Quang Thi, Võ Quốc Sử, Huỳnh Minh Quang, vài anh nữa và tôi. Mỗi người
một chiếc đòn ghế nhỏ, đi đâu cũng mang theo để ngồi, quây quần xung
quanh chiếc chiếu, nhâm nhi kẹo bánh, trò chuyện râm ran, ôn lại những
kỷ niệm ngày xưa, thời quân trường, thời quân ngũ, cười đùa chọc nhau
tùy lúc, để mong quên phần nào cảnh "nhất nhật tại tù, thiên thu tại
ngoại", không biết đến ngày nào mới được tự do.
Tôi
sang Hoa Kỳ gần hai năm, nhưng mới về cư ngụ tại Quận Cam miền Nam
Cali được tám tháng nay. Nhân đến dự tiệc cưới con gái một người bạn,
tình cờ tôi gặp anh Nguyện Trọng Liệu. Tay bắt mặt mừng, tôi biết được
anh Liệu hiện thời là Chủ tịch hội ái hữu Nguyễn Khoa Nam, lấy tên của
vị anh hùng dân tộc, cố Trung tướng Nguyễn Khoa Nam, người bạn đồng
khóa của chúng tôi, lòng tôi vô cùng xúc động và tự hào. Hội đã quy tụ
cho đến nay hơn một trăm ái hữu, hiện có mặt tại Hoa Kỳ, trên đất nước
tạm dung, đa số đều sống ở miền Nam và miền Bắc Cali. Một số anh sống
rải rác ở các bang khác. Phần lớn các anh đã may mắn ra đi vào những
ngày miền Nam sụp đổ. Sang đây, các anh đã thành công về nhiều mặt,
bản thân, gia đình vợ con, đạt được danh vọng, tiền tài và hạnh phúc.
Con cái các anh hầu hết đã thành tài, và có chỗ đứng vững vàng trong xã
hội Mỹ, trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Những người mới qua
sau này, theo diện HO, ODP, tuy đi sau các anh mười bảy, mười tám năm,
nhưng khoảng cách xa vời, như gần một thế kỷ. Một sự thua kém rõ rệt
về nhiều mặt: thành công trong cuộc sống, ngôn ngữ, sự học hành của con
cái, tương lai còn mờ mịt, tình cảm nhạt phai, hạnh phúc gia đình có
người đã đổ vỡ.
7.
Nhớ
về khóa 3 là nhớ đến quân trường Thủ Đức, nơi mà bốn mươi mốt năm về
trước, phần đông đã trên dưới ba mươi, gồm nhà giáo, công tư chức, sinh
viên học sinh, đã có cuộc sống ổn định ngoài đời, thuộc khắp nẻo đường
đất nước, nhưng đáp lời sông núi, đã đi trình diện nhập ngũ để trở
thành sĩ quan trừ bị, góp phần vào việc bảo vệ tổ quốc quê hương. Đa
số đã trở thành sĩ quan, nhưng cũng có người kém may mắn, đã ra trường
với cấp trung sĩ. Cũng có anh còn xấu số hơn nữa, biết mình thi điểm
kém, nên quẫn trí, vào buồng tắm, kê cầm vào họng súng Garant M1, tự
sát một buổi chiều hè nọ, anh em vừa thi vấn đáp về, bỗng nghe tiếng
súng nổ vang lên, kết liễu một cuộc đời. Tên anh là Đậu.
Nhớ
về khóa 3 là nhớ đến những buổi trưa hè nắng gắt của miền Nam, cùng
nhau tập dượt môn tác chiến ở thao trường, mệt lã, mồ hôi nhễ nhại.
Trong những phút nghỉ giải lao, được uống bát nước dừa xiêm tươi mát,
từ các quả dừa xiêm nho nhỏ do những cô gái quê xinh xắn chào mời, thắm
đượm tình quân dân. Hoặc những cuộc hành quân đêm trong chương trình
thao diễn, phải ngủ qua đêm trong những chiếc lều vải cá nhân, nằm nghe
mưa rơi qua kẻ lá, thấm xuống vải lều căng thẳng, xung quanh lều, mỗi
người có đào những rãnh nhỏ ngăn nước không chảy vào lều ướt lạnh. Một
tuần lễ vất vả, mệt nhọc, với những môn lý thuyết và thực tập san sát
nhau không kẻ hở trong chương trình huấn luyện. Mong cho đến trưa thứ
bảy, thắng bộ quân phục "sortie" vào, quần áo kaki vàng dài tay, cà vạt
đen, mũ cát-két, leo lên những chiếc xe GMC, ngồi đầy ở khung sau.
Đoàn quân xa chở về Sài Gòn thả các sinh viên sĩ quan ở khoảng đường
Hai Bà Trưng, mỗi người trong tay cầm tấm giấy phép, được tự do hai
mươi bốn tiếng cuối tuần. Những anh người Nam, có gia đình ở Sài Gòn,
thích thú được về hú hí với vợ con. Những anh miền Trung, miền Bắc tìm
đến nhà bà con, nhà bạn, hoặc thuê phòng - chẳng mấy chốc họ đều biến
mất, lẫn trong giòng người xuôi ngược, mỗi người một tâm sự riêng tư.
Họ đi ăn, xem ci-nê, đêm ấy có người hẹn đào đi bát phố, tận hưởng hai
mươi bốn giờ trước mắt tự do. Để rồi chiều chủ nhật, cũng vào giờ này,
hẹn nhau tại bãi đậu xe đường Hai Bà Trưng hôm qua. Đoàn quân xa lại
chở các sinh viên trở về quân trường, vui vẻ thoải mái, tinh thần sảng
khoái, cũng có kẻ có những tâm sự buồn, để tiếp tục ra thao trường huấn
luyện. Phải hai tuần lễ nữa mới được đi phép lần sau.
Nhớ
về khóa 3 là nhớ những bài thi tập thể, cà mấy trăm sinh viên ngồi
theo đội ngũ tại sân cờ trong một buổi sáng mát trời, im lặng làm bài
lý thuyết, để Ban Giám Khảo đánh giá học tập của mỗi người, lấy điểm
mãn khóa. Riêng ngành pháo binh chúng tôi, ngoài ra, còn có những buổi
thực tập tác xạ vào "đảo dừa". vùng tự do oanh kích, vì là vùng Viêt
Cộng. Hoặc lặn lội với quan ba Vignon, trưởng ban huấn luyện pháo binh
đến những khu rừng vắng, các cánh đồng hoang. Pháo đội thực tập đặt ở
đâu, ông không cho biết, chỉ cho biết mục tiêu. Sinh viên phải ước
lượng, tính toán trên bản đồ của mình. Bắn một quả thử, hoặc ngắn quá,
hoặc dài quá, để điều chỉnh cự ly, hướng đúng, rồi bắn hiệu qua. Đại
úy Vignon quả là một sĩ quan pháo binh xuất sắc của Pháp, một huấn
luyện viên rất giỏi. Suốt mấy tháng học với ông, chúng tôi đã nắm vững
kỹ thuật pháo binh và tự hào là một pháo thủ giỏi, không mặc cảm tự ti
trước các sĩ quan Pháp khi ra đơn vị. Còn Trung úy Ladonne đi theo
sát trung đội như hình với bóng, để ý từng ly từng tí về tính tình,
thái độ, mặt yếu, mặt mạnh của mỗi sinh viên, đánh giá rất đúng. Sau
này khi làm ở ngành Tổng Quản Trị, tôi có dịp mở hồ sơ cá nhân của mình
ra xem, biết anh nhận xét rất tinh tường. Trong quá trình huấn luyện,
chúng tôi cũng có dịp về Sài Gòn tham dự lễ duyệt binh trong ngày quốc
khánh. Hùng dũng khi đi ngang qua khán đài danh dự, rất đều bước trong
nhịp quân hành. Được vậy cũng nhờ tài điều khiển của Ladonne, với các
thế đứng nghiêm, bắt súng chào, súng lên vai đi đều bước, từ người cao
đến người thấp, sắp xếp như mái ngói trên nhà. Anh đã nghiêm khắc phê
phán những bước chân xiêu vẹo, đi lạc nhịp, cách bắt súng chào ẻo lả
của một vài anh sinh viên trong trung đội. Ladonne đã đào tạo cho
chúng tôi một tinh thần kỷ luật rất cao, một sự cố gắng liên tục. Đó
là điều mà chúng tôi đòi hòi sau này ở các binh sĩ dưới quyền.
Đại tá Nguyễn Đức Đệ
No comments:
Post a Comment