Hà Nội: Biểu tình và những giọt nước mắt
Trong video mà nhà báo tự do Đoàn Bảo Châu quay được, một phụ nữ vừa khóc vừa lạc giọng nói: "Mấy người là người ác".
Hà Nội vốn vẫn nổi tiếng với câu "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An".
Hà Nội bây giờ còn được mở rộng hơn xưa và người ta có quyền kỳ vọng có thêm nhiều người Hà Nội thanh lịch.
Nhưng những gì chính quyền và một số người dân Hà Nội thể hiện trong 11 tuần qua có lẽ làm nhiều người Hà Nội gốc xấu hổ.
Người ta đã nhại cả những câu thơ đẹp đẽ để ghi lại những sự cố ở Hà Nội trong mùa hè 2011:
Những bàn chân dẫm xuống mặt dân
Những đôi mắt ếch nhìn đôi mắt
Buồn ở đâu hơn ở chốn này
To ra nhưng không lớn lên
Đây có vẻ là sự lặp lại của cuộc biểu tình lần thứ bẩy khi nhóm biểu tình nhỏ, cũng không có mặt các trí thức tên tuổi, bị đưa lên xe bus chở về Mỹ Đình.
Điểm khác là lần này không có ai "bị khiêng như một con vật" và bị đạp vào mặt ngay giữa phố.
Nhưng đây là lần đầu tiên có nhiều người bị giam giữ qua đêm, thậm chí có người bị tạm giữ sang ngày thứ ba.
Tạm bỏ qua quy định không số, không người ký mà các trí thức nói rằng không có giá trị pháp lý, cách thức giải tán biểu tình của chính quyền Hà Nội cho thấy thủ đô có to ra nhưng không lớn lên.
Việc 'dân hóa' giải tán biểu tình bằng cách dùng tới những người mặc thường phục, có những người trông khá bặm trợn, có thể được lực lượng công an cho là thông minh nhưng không văn minh.
Bộ đồng phục với phù hiệu và số hiệu thể hiện tính chịu trách nhiệm của lực lượng công an đối với các hành động của họ.
Vụ Đại úy Minh mặc thường phục và đạp vào mặt anh Nguyễn Chí Đức là bài học gần đây nhất cho công an Hà Nội.
Hơn nữa nhóm nhỏ người biểu tình đã bị giải tán cho dù họ không lấn chiếm lòng đường và bị bắt khi họ đang đi trong khu vực công cộng bên Hồ Hoàn Kiếm.
'Mời' chứ không bắt
Họ nói qua loa cầm tay với một phụ nữ phản đối việc bắt người: "Đây không phải là bắt đâu mà chúng tôi mời chị lên xe."
Nhưng sự "mời" của người Hà Nội Mới là lời mời không thể từ chối.
Cả thảy 47 người biểu tình chống Trung Quốc đã được "mời" lên xe, nhiều người sau đó bị mời ăn "cơm tù" và ngủ qua đêm tại trụ sở công an.
Sau vụ này, có người hài hước nói "Đề nghị giải tán và bầu lại nhân dân mới."
Nhìn lại lịch sử, có thể nói sự khinh ghét Trung Quốc hiện nay của nhiều người dân Việt Nam có nhiều phần do sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản.
Đảng luôn thể hiện rõ sự yêu ghét rõ rệt với các kẻ thù khi những nhà tuyên truyền của Đảng bảo "BỌN thực dân ở đâu cũng thế" hay "O du kích nhỏ giương cao súng, THẰNG Mỹ lênh khênh bước cúi đầu".
Trong những câu chuyện cảnh giác phát trên đài phát thanh hồi năm 1979, người dân luôn được tuyên truyền đề phòng những "âm mưu và thủ đoạn" của Trung Quốc.
Tiếng Trung Quốc thậm chí gần như bị bỏ xó trong nhiều năm sau đó.
Nhiều người thuộc lòng những câu hát:
"Quân xâm lược bành trướng dã man.
Đã giày xéo mảnh đất tiền phương.
Lửa đã cháy và máu đã đổ.
Trên khắp nẻo biên cương..."
Bản thân sự khẳng định "Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam" cũng đã được các nhà tuyên truyền đưa vào một số ca khúc.
Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa
Ngàn bão tố phong ba
Đã vượt qua, vượt qua...
Cách mạng Hoa Nhài
Nhưng giới biểu tình và cả những người ủng hộ chính quyền đã đưa ra những nhận định của họ.
Người nói Hà Nội đã thống nhất với Bắc Kinh về việc phải cùng nhau "hướng dẫn dư luận".
Chỉ riêng việc Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh phải họp kín với các đại biểu quốc hội cũng cho thấy Việt Nam không muốn "chọc giận Trung Quốc".
Nhưng Việt Nam vẫn mời các tàu chiến của Hoa Kỳ tới thăm viếng mà không sợ Trung Quốc nổi đóa.
Việt Nam vẫn sắm tàu chiến và máy bay chiến đấu của Nga mà không ngại gì Bắc Kinh.
Một số đảng viên và đoàn viên lên các diễn đàn thách thức người dân tập hợp được hàng chục triệu người biểu tình chống Trung Quốc.
Nhưng giới blogger cũng đã nói sức mạnh của người dân sẽ tăng lên gấp bội nếu họ được trả lại quyền được xuất bản, phát hành, lập hội và biểu tình.
Có người lại nhắc tới cuộc Cách mạng Hoa Nhài mới đây ở Bắc Phi và Trung Đông.
Họ nói Đảng Cộng sản lo sợ khả năng bất ổn có thể xảy ra nếu các cuộc biểu tình tiếp diễn.
Nhưng các chính quyền bị kéo đổ trong thời gian gần đây là những chính thể độc tài, tham nhũng và gia đình trị.
Nếu Đảng Cộng sản là đảng của dân, do dân và vì dân như Đảng nói thì có lý do gì để lo sợ?
Và trong khi Đảng cấm người dân biểu tình thì các đoàn viên và đảng viên lại được huy động để hát phục vụ người dân ngay tại những nơi mà người biểu tình muốn tới.
Vậy không hiểu nếu người biểu tình, trong đó có cả những cây violin và guitar, tới hát những bài chống Trung Quốc mà Đảng dạy họ từ khi mới lọt lòng để phục vụ người dân thì liệu Đảng sẽ nghĩ gì.
Hay yêu nước và cả hát những bài yêu nước cũng lại là độc quyền trong một nhà nước độc đảng và người dân được khuyên bảo theo tinh thần của một người dùng Facebook:
"Thành đổ đã có Vua xây
Việc gì gái góa lo ngày lo đêm"?
BBC
http://danguoivietyeunguoiviet.org
--
No comments:
Post a Comment