Nguyễn Xuân Nghĩa
Nước Lào Trong Vòng Tay Lạ... Mà Quen
Như thông lệ, người nào vừa lên lãnh đạo Hà Nội cũng trước tiên thăm viếng nước Lào. Xưa kia thì thăm viếng hai nước Lào và Căm Bốt, ngày nay thì chỉ còn Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Thời thế đã đổi thay....
Trong hai ngày mùng chín và mùng 10 Tháng Chín, Thủ tướng vừa "tái đắc cử" của Hà Nội đã dành chuyến xuất ngoại đầu tiên của nhiệm kỳ mới cho nước bạn láng giềng. Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Đảng Cách mạng Nhân dân Lào là Choummaly Sayasone, gặp Thủ tướng Thongsing Thammavong, cùng Thongsing chủ trì Hội nghị Hợp tác và Đầu tư Việt-Lào với cao điểm là sáu dự án có tổng số vốn đầu tư là 410 triệu đô la Mỹ.
Nhưng thời thế đã đổi thay.
Trong bốn ngày, từ 18 đến 21 Tháng Chín, Chủ tịch Choummaly đã lần đầu tiên chính thức thăm viếng Trung Quốc theo lời mời của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Tại đây, Chủ tịch Lào đã gặp Hồ Cẩm Đào, Tổng lý Quốc vụ viện Ôn Gia Bảo và Phó Chủ tịch Tập Cận Bình cùng nhiều giới chức khác của Bắc Kinh.
Kết thúc chuyến thăm viếng nước Lào của Thủ tướng Hà Nội, phía Việt Nam cho báo chí biết là "đôi bên đã ký kết nhiều văn kiện pháp lý về hợp tác song phương đồng thời thiết lập những cơ chế phối hợp cần thiết, phù hợp với quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước." Xin chú ý đến chữ "đặc biệt".
Kết thúc chuyến thăm viếng Trung Quốc của Chủ tịch Lào, Tân hoa xã cho biết là đôi bên đã có một tuyên bố chung vào ngày Thứ Tư 21, và nhấn mạnh đến việc tăng cường sự hợp tác rộng lớn mang tính chất chiến lược. Đáng chú ý hơn nữa là bản tuyên bố chung còn giải thích rằng sự hợp tác này có "đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của khu vực và của thế giới...." Xin chú ý đến chữ "chiến lược", nó có khác với chữ "đặc biệt" của Hà Nội.
Với nhiều người, đây chỉ là loại tin tức thời sự khô khan về hai chuyến thăm viếng.
Nhưng nếu quan tâm đến Việt Nam, ta có thể thấy là Lào đang dần dần ngả vào vòng tay chờ đợi của Bắc Kinh.
***
Năm nay, Trung Quốc chào mừng 50 năm thiết lập quan hệ hữu nghị với nước Lào, từ khi Lào còn là một Vương quốc. Trong khi ấy, từ khi thành lập vào năm 1930, đảng Cộng sản Việt Nam - dưới tên gọi này khác – đã có quan hệ gắn bó với "Cách mạng Lào'". Đó là một phần nhiệm vụ của Hồ Chí Minh với Đệ tam Quốc tế - hay Komintern, Quốc tế Cộng sản.
Nhớ lại thì từ năm 1920, khi Hồ Chí Minh gia nhập đảng Cộng sản Pháp - một tác phẩm đầu tay của KGB - ông được đưa qua Liên Xô huấn luyện, rồi từ năm 1924 được phái về Trung Quốc phát triển cơ sở, thì Komintern đã có ý hướng bành trướng chủ nghĩa cộng sản – theo kiểu Xô viết – ra mọi nơi.
Chủ trương ấy khiến Liên Xô hỗ trợ cách mạng vô sản tại Trung Quốc, rồi qua địa bàn Trung Quốc và những cán bộ như Hồ Chí Minh, gieo mầm cộng sản tại Đông Nam Á, trước hết là tại Đông Dương. Và tại Đông Dương thì trước hết là Việt Nam. Sự ra đời của đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930 là một kết quả...
Mối quan hệ giữa Cộng sản Việt Nam và Lào - dưới bất kỳ tên gọi nào – cũng xuất phát từ đó.
Lồng trong ý thức hệ, người ta phải thấy ra quyền lợi quốc gia và những yếu tố song hành như độc lập, chủ quyền, đường hướng phát triển, v.v.... Liên Xô vào thời Lenin, Stalin hay sau này nữa, mà muốn bành trướng chủ nghĩa cộng sản thì cũng vì quyền lợi của mình. Komintern được lập ra là để thi hành nhiệm vụ đó.
Khi Mao Trạch Đông chọn con đường cộng sản thì cũng vì mục tiêu tranh đoạt quyền bính với Quốc dân đảng và sau cùng là vì mục tiêu của Hán tộc Trung Hoa. Cho nên ta không ngạc nhiên là trên nẻo đường ý thức hệ đã có lúc Mao đụng độ Liên Xô về lý luận – và thanh trừng một cán bộ Xô viết trong đảng Cộng sản Trung Hoa như Vương Minh. Sau này, Trung Quốc đi theo ngả đường cộng sản khác, với màu sắc Trung Hoa. Chẳng khác gì Tito và đảng Cộng sản Nam Tư.
Nhớ lại như vậy thì mâu thuẫn Nga-Hoa về chủ trương đường lối cách mạng là điều tất yếu. Tất yếu như mâu thuẫn sau này về quyền lợi giữa hai đế quốc gọi là anh em, đồng chí.... Hoặc gần với chúng ta hơn, mâu thuẫn Việt-Hoa tất nhiên cũng phải xảy ra.
Nước Lào không chỉ bị khóa trong bán đảo Đông Dương mà còn bị khóa trong vòng kiềm toả của đảng Cộng sản Việt Nam. Sau khi chiến tranh chấm dứt năm 1975 thì trở thành một chư hầu của Hà Nội.
Nhưng thời thế đã đổi thay. Ngày nay, Lào muốn bước ra khỏi bóng rợp Hà Nội và đi vào trật tự Bắc Kinh. Và đấy là một vấn đề cho Việt Nam.
***
Lào là một nước nhỏ, chí có chưa tới bảy triệu dân bị kẹt giữa các nước lớn hơn, như Cam Bốt, Thái Lan, Miến Điện, Trung Quốc và Việt Nam. Vì vị trí địa dư ấy, quốc gia này là đất trung chuyển cho việc mua bán giữa các lân bang với nhau, và cũng là vùng trái độn cho các nước muốn xưng hùng xưng bá. Sau khi tiêu diệt chế độ quân chủ và xây dựng xã hội chủ nghĩa theo kiểu Xô viết, với màu sắc Việt Nam, Lào cũng chỉ bắt đầu "đổi mới" sau khi Việt Nam đổi mới.
Trong hai chục năm, từ 1988 đến 2008, Lào đã có tốc độ tăng trưởng trung bình là 6% một năm chủ yếu là nhờ đầu tư nước ngoài. Theo sau Việt Nam, Lào lần lượt gia nhập các tổ chức quốc tế, như khu vực kinh tế của Tiểu vùng Mekong, ASEAN, vùng Mậu dịch Tự do của ASEAN, đã xin vào Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, năm nay thì đã có thị trường chứng khoán.
Cùng với nỗ lực hội nhập vào thế giới bên ngoài, Lào đang muốn tìm cho mình một định mệnh khác: lấy vị trí địa dư làm nền tảng xây dựng thành một quốc gia hành lang. Một bước thiết yếu cho chiến lược đó là giải tỏa chế độ kiểm soát đầu tư. Một dự kiến đang chuẩn bị là thực hiện những dự án hoả xa cao tốc trị giá bảy tỷ Mỹ kim sẽ nối liền tỉnh Vân Nam với thủ đô Vientiane và từ đó mở đường thông thương đến Thái Lan, Mã Lai Á và Singapore.
Nghĩa là cũng mở đường thông thương giữa các tỉnh bị khoá trong lục địa của Trung Quốc với miền Tây của Đông Nam Á, sau lưng Việt Nam.
Bên trong, Lào cũng khai thác địa dư đầy núi đồi và con sông Mekong tại biên giới miền Tây làm cơ sở cho các dự án thủy điện. Ngoài 14 đập thủy điện đã vận hành, Lào trù tính thực hiện thêm 20 dự án trong 10 năm tới. Nguồn năng lượng thủy điện ấy sẽ góp phần hiện đại hóa xứ sở và thu hoạch thêm nhờ xuất cảng qua các nước láng giềng.
Chính quyền Lào nhờ các chuyên gia quốc tế ước lượng cho tiềm năng về thủy điện: 18 gigawatts (GW) trong đó có 12,5 GW nằm trong lưu vực sông Mekong, trên thượng nguồn của Việt Nam. Để khai thác tiềm năng đó, Lào đặt ra chỉ tiêu là từ 2,54 GW hiện nay sẽ xây thêm hàng loạt đập nước có công xuất tổng cộng là hơn tám GW vào năm 2020 tới đây. Trong đó, có đập Xayabury sẽ gây họa cho Việt Nam ở hạ nguồn là điều chúng ta đã nói tới, Vientiane đã hứa là không làm nhưng vẫn đang xúc tiến....
Trong những toan tính này, Lào có một láng giềng đầy khả năng quyền biến. Đó là Trung Quốc. Khi mục tiêu đôi bên có điểm tương đồng thì việc hợp tác để thực hiện chỉ là chuyện tất nhiên.... Khi ấy, Việt Nam ở đâu?
Trong vòng vây hãm của Trung Quốc.
***
Sau khi xây dựng sự nghiệp cách mạng cho đảng Pathet Lào, rồi sử dụng lãnh thổ Lào làm hành lang xâm nhập - lại chữ hàng lang - để tấn công miền Nam, đảng Cộng sản Việt Nam đưa Vương quốc Lào vào nội chiến giữa phe Bảo hoàng và phe Cộng sản, một cuộc nội chiến dưới sự lãnh đạo của Hà Nội.
Trong trận nội chiến ấy, Lào là quốc gia có lãnh thổ lãnh nhiều bom đạn nhất thế giới, tính theo dân số của một dân tộc thật ra vô cùng hiền hòa và sùng chuộng đạo Phật.
Sau khi chiếm xong miền Nam, Quân đội giải phóng của Hà Nội liền luôn giải phóng nước Lào vào cuối năm 1975. Vua Lào là Sisavang Vatthana phải thoái vị, năm 1977 bị đưa vào "cải tạo", và chết trong tù đầy vào năm 1978, hay năm 1984 thì người ta cũng không biết!
Lào được đổi tên thành Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, ký kết hiệp ước hợp tác với Việt Nam năm 1977 cho phép Hà Nội đem quân đội và cán bộ vào giúp đảng Nhân dân Cách mạng Lào "xây dựng xã hội chủ nghĩa".
Khi mâu thuẫn Việt-Hoa bùng nổ năm 1979, Lào bị Hà Nội yêu cầu phải đoạn giao với Bắc Kinh, và ủng hộ việc Việt Nam đưa quân vào Kampuchia – tên gọi của xứ Cam Bốt khi ấy - lật đổ chế độ Khmer Đỏ. Lào hoàn toàn bị cô lập và mất hồn, lãnh thổ bị chiếm đóng, tài nguyên lâm sản bị Hà Nội cùng các cán bộ khai thác, là chuyện cho đến nay mới bắt đầu bị phanh phui trước dư luận quốc tế. Ai ngầm giúp cho cái việc phanh phui ấy thì chưa biết. Hoặc sẽ sớm đoán ra sau này.
Tình hình xứ Lào chỉ xoay chuyển khi Liên Xô sụp đổ, tan rã và đảng Cộng sản Việt Nam xoay ngược mà trở về thần phục Bắc Kinh. Động lực của Hà Nội khi ấy là ý thức hệ, để cứu lấy đảng. Và giải pháp bài bản khi ấy là học theo sự chuyển hướng kinh tế của Trung Quốc, đi dưới bóng rợp của người anh em xã hội chủ nghĩa.
Tại Lào, bước ngoặt bắt đầu xảy ra năm 1997, khi toàn cõi Đông Á bị khủng hoảng tài chánh và kinh tế năm 1997-1998.
Bắc Kinh đã bành trướng ảnh hưởng vào Cam Bốt, lôi kéo lãnh đạo xứ này theo quỹ đạo của mình, rồi nhân vụ khủnhg hoảng tung tiền viện trợ và đầu tư cho Lào khỏi bị hiệu ứng gián tiếp của cơn chấn động kinh tế.
Ngày nay, Hà Nội vẫn khoe rằng Việt Nam đã đầu tư ba tỷ 300 triệu Mỹ kim vào nước Lào qua 203 dự án và Lào là nơi Việt Nam đầu tư nhiều nhất. Thực tế và quan trọng hơn thế thì Lào nhận được nhiều đầu tư nhất là từ Trung Quốc, qua các dự án khai thác khoáng sản, hầm mỏ, thủy điện, xây dựng hạ tầng và cả canh nông.
Các dự án của Trung Quốc tại Lào không nhắm vào doanh lợi. Nhân công Trung Quốc được ào ạt gửi qua đó cũng không chỉ để kiếm ăn và mở ra những khu "Phố Tầu", trước tiên là ngay tại thủ đô Vientane. Thiên triều nhìn xa hơn lợi nhuận cho tay chân theo kiểu Hà Nội.
Bắc Kinh nhắm vào hạ nguồn sông Mekong mà Thiên triều đã kiểm soát từ thượng nguồn và sẽ có thêm Lào nằm ở vị trí then chốt, như cái khóa cho nguồn nước ở dưới của 60 triệu dân. Lào còn là vùng trái độn của Việt Nam ở miền Tây, nơi mà mà bề ngang lãnh thổ chỉ rộng có năm sáu chục cây số. Đấy là tử huyệt của Việt Nam, nơi đã được cấy bauxite. Bên kia Trường Sơn từ nay sẽ có lá cờ Ngũ tinh Hồng kỳ.
Lào cũng là thành viên của Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á ASEAN, có thể phá vỡ thế liên kết của Đông Nam Á, nếu như Miến Điện, Cam Bốt hoặc Việt Nam không hoàn thành được nhiệm vụ ly gián đó. Lào còn có nhiều tài nguyên khoáng sản và là hành lang thông thương với Thái Lan, một con đường ra biển cho các tỉnh miền Nam của Trung Quốc. Con đường hỏa xa do Thiên triều xây dựng sau này sẽ giúp Trung Quốc tiến ra biển nóng, và nối kết vòng đai xây dựng từ Pakistan qua Bangladesh, Miến Điện và Đông hải.
***
Nhìn như vậy thì trận đấu Hoa-Việt, nếu như có một trận đấu, có thể âm thầm xảy ra trong rừng núi nước Lào, hoặc trong cơ chế chính trị mờ ảo của Vientiane, chứ chưa hẳn là ồn ào ngoài Đông hải trước sự quan sát của thế giới.
Nhưng nghĩ như vậy thì vẫn là nông!
Vì nếu nhớ lại từ đầu nguồn, từ năm 1930, người ta nên tự hỏi rằng động lực hay bản năng sinh tồn của các quốc gia là ý thức hệ, là tình đồng chí anh em giữa những kẻ gọi là đồng chí đồng đảng? Từ chuyện Liên Xô qua Trung Quốc về tới Miên Lào, người ta đều thấy các nước tính toán theo quyền lợi của quốc gia, và đôi khi dùng ý thức hệ làm phương tiện huy động. Thế thôi.
Hà Nội thì tính ngược, dùng ý thức hệ làm sợi dây xích đưa cả nước vào quỹ đạo Trung Quốc. Còn tệ hơn dân Lào!
--
http://www.dangnguoivietyeunguoiviet.org/
https://sites.google.com/site/tochucnguoivietyeunguoiviet/
No comments:
Post a Comment