Nói chuyện với ông Trương Phú Thứ, người sẽ xuất bản hồi ký của bà Ngô Ðình Nhu
Ngọc Lan
WESTMINSTER - “Tôi chỉ muốn dùng chữ bể oan cừu để nói về cuộc đời của bà Nhu. Với tôi, bà luôn là một người đàn bà giỏi, đức hạnh và biết tha thứ.” Ông Trương Phú Thứ, người duy nhất có những cuộc tiếp xúc với bà Ngô Ðình Nhu, cũng là người sẽ xuất bản quyển hồi ký của cựu đệ nhất phu nhân này, nói với phóng viên Người Việt hôm Thứ Hai.
|
Bà Ngô Ðình Nhu quan sát dinh tổng thống bị thả bom năm 1962. (Hình: Life) |
Bà Nhu, nhũ danh Trần Lệ Xuân, qua đời hôm Chủ Nhật Phục Sinh trong một bệnh viện ở Rome. Bà “trút hơi thở cuối cùng thanh thản và an bình với tất cả các con và cháu nội ngoại quây quần bên giường bệnh,” theo tin ông Thứ gởi ra bằng email. “Bà đã nhận lãnh các phép bí tích cuối cùng với tràn đầy ân sủng của Chúa Phục Sinh.”
Nói chuyện qua điện thoại từ Seattle, ông Thứ, một trong số những người Việt Nam hiếm hoi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với bà Nhu từ sau chính biến 1963 cho đến ngày bà mất, chia sẻ cảm nghĩ, “Ðứng trên phương diện tình cảm con người, bất kỳ sự ra đi của một người nào cũng đều là tin buồn, là sự mất mát. Nhưng riêng trường hợp của bà Nhu, tôi lại cảm thấy mừng cho bà, người đàn bà trung trinh tiết hạnh, thờ chồng nuôi con.”
Cái mừng của ông Thứ là cái mừng của một giáo dân tin vào nước Chúa. Ông Thứ nói trong sự xúc động, “Bà đã sống thui thủi gần suốt cả nửa thế kỷ trong một căn apartment, để làm gì? Ðể hy vọng đến một ngày nào đó được gặp lại người chồng của mình, người mà lúc ông chết, bà đã không được nhìn mặt, không được lo chôn cất, không được đeo khăn tang. Giờ thì bà đã được gặp chồng bà. Chính vì vậy mà tôi mừng cho bà.”
Có rất nhiều những lời dị nghị về người vợ ông cố vấn Ngô Ðình Nhu và là em dâu Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Tuy nhiên, thời gian gần 50 năm sống gần như ẩn dật, không giao thiệp với bất cứ ai có liên quan đến chính trường, không lập gia đình dù đang ở độ tuổi đẹp nhất của một người phụ nữ, dù có nhiều người chính khách, nhiều nhà tài phiệt trên thế giới đeo đuổi, muốn giúp đỡ “bà đều lắc đầu, ở vậy nuôi các con học thành tài,” cũng đủ cho thấy bà là một phụ nữ “rất hay”. Ông Thứ, người đã “quen biết gia đình bà Trần Lệ Xuân từ khi còn nhỏ,” nhận xét như thế.
Sau thời gian dài sống một mình ở Pháp, 3 năm trước khi mất, “lúc sức khỏe bắt đầu suy yếu,” bà Nhu sang Ý sống cùng gia đình người con trai lớn là Ngô Ðình Trác.
Bà Nhu mất vì bệnh già, sau gần một tháng nằm bệnh viện. Bà ra đi có sự chứng kiến đầy đủ của các con bà, gồm gia đình Ngô Ðình Trác, Ngô Ðình Lệ Quyên sống cùng bà tại Ý, và Ngô Ðình Quỳnh từ Bỉ cũng kịp quay về.
Lễ tang của cựu Ðệ Nhất Phu Nhân Ngô Ðình Nhu được tổ chức tại Ý “rất đơn giản, kín đáo, và chỉ trong vòng gia đình”, theo lời một vị linh mục người Ý.
Về quyển hồi ký bà Ngô Ðình Nhu
Ông Trương Phú Thứ, người chịu trách nhiệm xuất bản quyển hồi ký của bà Ngô Ðình Nhu nói với Người Việt, “Nếu bà còn sống, chúng tôi dự định sẽ xuất bản sách vào khoảng tháng 9, tháng 10 năm nay. Nhưng giờ bà đã mất, thời gian ra mắt quyển hồi ký có thể phải trễ hơn.”
Quyển hồi ký này được bà Nhu viết trong thời gian khá dài, có thể đến 10 năm, bằng tiếng Pháp. Lúc đầu, bà dự định sẽ tự dịch ra tiếng Anh và tiếng Ý. Sau đó sẽ xuất bản bằng 4 thứ tiếng là Anh, Pháp, Ý và Việt.
Tuy nhiên, về sau sức khỏe không cho phép, bà Nhu chỉ viết bằng tiếng Pháp, “loại tiếng Pháp thượng thừa, hay hơn cả người Pháp viết,” theo nhận xét của ông Thứ. Ông Thứ, cùng ông Nguyễn Kim Quý, một người có bằng tiến sĩ về văn chương Pháp, hiện đang ở Oregon, sẽ dịch sang tiếng Việt.
“Hồi ký của bà Nhu sắp tới sẽ chỉ xuất bản bằng tiếng Việt,” ông Thứ khẳng định.
Chia sẻ về nội dung quyển hồi ký với phóng viên Người Việt, người chịu trách nhiệm dịch thuật, in ấn và phát hành cho biết, “Nếu ai tò mò muốn biết những chuyện thuộc về thâm cung bí sử của gia đình họ Ngô, hay muốn nghe bà Nhu thanh minh, cải chính những chuyện bịa đặt về bà, như bà có 17 tỷ Mỹ kim, trong khi bán cả Sài Gòn lúc ấy có được 17 tỷ đô la hay không... thì sẽ không thể tìm thấy trong quyển hồi ký này.”
Thay vì tiết lộ chuyện giật gân, cuốn sách đưa suy nghĩ, tư tưởng của bà Nhu đến cho người đọc. Ông Thứ nói:
“Quyển sách này là những vấn đề bà ấp ủ, bà muốn đưa những suy nghĩ, những tư tưởng của bà đến với mọi người, để mọi người hiểu. Hồi ký của bà không phải như cách người ta vẫn thường viết về những kỷ niệm, những hồi tưởng, những chuyện lớn, chuyện nhỏ, chuyện vui chuyện buồn đã xảy ra trong đời. Quyển sách này đáp ứng những chuyện cao hơn, xa hơn.”
Những tư tưởng hận thù, những lời nói động chạm hay nặng nề đến những người đã làm đảo chính, lật đổ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và giết chết chồng bà, cố vấn Ngô Ðình Nhu, đều không được nhắc đến trong hồi ký.
“Anh Thứ à, những chuyện người ta nói xấu về tôi thì tôi không biết. Nhưng nếu họ có nói xấu tôi, thì tôi cũng tha thứ hết.” Bà Ngô Ðình Nhu đã nói như thế, theo lời ông Trương Phú Thứ.
No comments:
Post a Comment