Cao niên và câu chuyện tháng 4 |
Tác Giả: Huy Phương |
Công dân cao niên nhận lãnh một lần số tiền $30,000 nếu đồng ý trở về sinh sống tại quốc gia nguyên thủy của họ. Hình minh họa Ðể giảm bớt gánh nặng trợ cấp cho người già trên đất Mỹ, và trước tình trạng ngân sách thiếu hụt của quốc gia này, cuối cùng vào ngày 1 tháng 4 năm nay, Lưỡng Viện Quốc Hội Mỹ đã thông qua đạo luật chấp thuận cho những người cao niên trên 65 tuổi, không sinh ra tại Mỹ, được lãnh một số tiền quy định đồng đều là $30,000 nếu đồng ý trở về sinh sống tại quốc gia nguyên thủy của họ. Ðạo luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2012, nhưng chỉ dành cho những người tự ý chấp thuận, không có tính cách bắt buộc hay kỳ thị, và công dân cao niên phải làm đơn trong vòng 90 ngày từ ngày đạo luật có hiệu lực tại các cơ quan xã hội quận hạt nơi mình cư ngụ. Cao niên hiện nay ở tại Mỹ, được lãnh đủ số tiền này, một người già sống chung với chồng hay vợ phải mất thời gian gần 42 tháng (nếu tính theo số tiền được quy định từ tháng 3 năm 2011 trở về trước là $703.00 cho một người sống chung với hôn phu hay hôn thê. Nay với số tiền này ($30,000) được lãnh trọn, người trở về nước của họ sẽ có một số vốn làm ăn hay an hưởng tuổi già mà không cần phải ở lại Mỹ để được hưởng hàng tháng số trợ cấp do chính phủ quy định. Ðạo luật nay đã được nghiên cứu và cứu xét trong nhiều năm kể từ tháng 5 năm 1990, theo các bản phúc trình có giá trị, thì những người cao niên như sắc dân Châu Á, mỗi năm đã dành số tiền trợ cấp mười một tháng để đem tiêu xài hết trong một tháng trở về đất nước của họ. Mặt khác số tiền trợ cấp đã thay đổi tùy theo nấc thang thời giá được ấn định lại hằng năm, nhưng đối với mức sống thấp của những người di dân đến Mỹ, họ còn có khả năng gởi về đất nước của họ hằng tỷ đô-la mỗi năm. Theo con số của Ủy Ban Người Nước Ngoài Việt Nam, mỗi năm Việt Nam nhận 8 tỷ dollars do các di dân gửi về trong đó có 65% số tiền xuất phát từ Mỹ. Nếu số cao niên Châu Á hay từ các quốc gia sau chiến tranh có sự tham dự của Mỹ đồng ý chọn giải pháp nhận số tiền trợ cấp của đạo luật 1/1/12, như đã ghi trên, nước Mỹ sẽ tiết kiệm được những chi phí sau đây: - Tiền trợ cấp y tế, (thuốc men, bệnh viện, săn sóc tại gia, các chi phí cho dịch vụ cấp cứu): 78 tỷ mỗi năm. - Tiền day-care cho các cụ (đến ăn trưa, tập thể dục, chơi bài, đấm bóp, xem TV, vào internet): 892 triệu mỗi năm. - Chi phí về housing: 3 tỷ 2 mỗi năm. Hiện nay, theo sự thăm dò của cơ quan Orange County Senior Research (OCSR) cùng một số thiện nguyện viên quan tâm đến vấn đề này, đã tiếp xúc với với các vị cao niên tại các nơi sinh hoạt tôn giáo như chùa, nhà thờ, tại các dịch vụ day-care, chỗ đông người như chợ, siêu thị, trên các chuyến xe bus hằng ngày chở đi các casino, các quán cà phê có hay không có bàn cờ tướng, các phòng massage. Kết quả tạm ghi nhận được: - Nhóm thứ nhất: 65% chấp nhận lãnh số tiền trợ cấp một lần $30,000 để trở về nguyên quán không trở lại, trong số này có: 21% bệnh tật lâu năm, khó chữa muốn về chết trên quê hương, 17% hiện có bất động sản đã mua hay của con cái, gia đình làm ăn khá giả, nên muốn về ở luôn, có thể mở tiệm phở, hớt tóc, massage, cà phê đủ loại, 8% xem Việt Nam ngày nay có tiến bộ, giàu có, có tự do sống thoải mái, 7% đã mua sẵn đất chôn, mỗi năm đều về Việt Nam và đã có ý định về ở luôn, 23% bị con cái bạc đãi, không chăm sóc, buồn phiền, trầm uất, 8% không thích hợp với đời sống, văn hóa Mỹ, không có nhiều bạn bè lui tới, 7% sắp qua đời, muốn về chết ở việt Nam. 9% đời sống ở Mỹ bó buộc, không có tự do (sử dụng rượu, thuốc lá) phương tiện di chuyển đắt, khó khăn, sẽ làm đơn, nhưng không cho biết ý kiến, sợ đụng chạm. - Nhóm thứ hai: 10% đang cứu xét và thăm dò, chưa có quyết định. - Nhóm thứ ba: 18% không chấp nhận, dù vì hoàn cảnh khó khăn của nước Mỹ, trợ cấp bị cắt giảm (đã nhận nơi này làm quê hương), không muốn về Việt Nam dù với điều kiện nào. - Nhóm thứ tư: 7% không có ý kiến. Chưa bao giờ nước Mỹ thâm thủng và nghèo mạt như hiện nay. Một tiểu bang của Mỹ giàu có đứng vào hàng thứ năm của thế giới đã nghèo hơn bao giờ hết. Theo nguồn tin mới nhất từ thủ phủ Sacramento của California, ngân sách tiểu bang thâm thủng 42 tỷ đô la. Thống Ðốc Brown của tiểu bang vừa loan báo sự cắt giảm ngân sách giáo dục lên đến 1,200 triệu Mỹ kim, trong đó, tài khoản của hệ thống CSU (California State University System) sẽ còn dưới 500 triệu Mỹ kim, hệ thống CU (University of California) sẽ bớt đi 500 triệu cho và 200 triệu ít hơn cho các cơ quan nghiên cứu. Thống đốc cho biết đây là “trong điều kiện thuận lợi nhất và nếu trong kỳ trưng cầu dân ý vào tháng 6 năm 2011 nếu dân chúng không chấp nhận cho gia hạn thuế khóa như hiện nay thì tình hình cắt giảm sẽ nặng nề hơn nữa”. Không còn giải pháp nào khác có thể cứu vãn tình hình ngân sách thâm thủng. Ở cấp tiểu học và trung học, Học Khu Westminster đã bớt đi 10 ngày học và Học Khu Garden Grove giảm 5 ngày. Trong tổng số hơn 200 ngày giảng huấn mỗi năm, sự giáo dục sẽ có những kết quả tai hại nếu trong tương lai số ngày nghỉ học phải tăng lên vì không đủ ngân sách tài trợ từ tiểu bang. Nói chung, giờ học của con em chúng ta ở California chỉ còn 175 ngày, trong khi con số trung bình toàn quốc hiện nay là 180 ngày. Niên học sẽ rút ngắn đi ít nhất là 6 tuần lễ, nghĩa là học sinh, nghỉ hè sau lễ Phục Sinh vào tháng 4, chứ không còn như thường lệ kéo dài đến giữa tháng 6 nữa. Một thành phố của California là Anaheim vừa đi đến một quyết định theo đó tất cả công chức thành phố không sử dụng trong trường hợp khẩn cấp sẽ giảm 5% lương, đồng thời bớt 10% số giờ làm việc và tiền lương của hơn 1,100 công chức thành phố, kể cả ban quản trị sở cứu hỏa, sở cảnh sát và các nhà quản trị khác, sẽ bị cắt lương 5%, giúp tiết kiệm cho thành phố khoảng $3.4 triệu. Xa hơn nữa, Neward của New Jersey, trong một cố gắng tuyệt vọng để làm giảm mức thâm thủng của thành phố lên tới 70 triệu đô la trong năm 2010, thị trưởng của Newark đã cho cắt luôn khoản tiền mua giấy vệ sinh cho các cầu xí của nhân viên, cắt bớt 4 ngày làm việc cho các nhân viên không chính thức, dẹp bỏ các biểu ngữ trang trí lễ lạc, đóng cửa các hồ bơi công cộng và bất cứ hợp đồng nào không cần cho an ninh đường phố, phòng cháy cũng sẽ bị cắt. Các biện pháp này sẽ tiết kiệm từ 10 triệu đến 15 triệu đô là mức thâm thủng của thành phố. Nước Mỹ của chúng ta không còn là một anh chàng công tử nhà giàu nữa, mà là một anh chàng nghèo kiệt xác đang giật gấu vá vai để qua hồi suy thoái kinh tế. Nửa phần bài tạp ghi hôm nay, viết vào những ngày đầu tháng 4 theo truyền thống “Cá Tháng Tư” (April Fools' - Poisson d'Avril), hy vọng không ai mừng hụt và cũng không hy vọng đạo luật này sẽ thành hình. Nửa phần cuối của bài này là chuyện nước Mỹ đang nghèo, con cháu chúng ta phải chịu dốt hơn vì ngân sách giáo dục bị cắt, giờ học bị bớt, lớp học bị dồn lại, ngay cả vòi nước uống, sân chơi cho các em cũng không có tiền tu bổ. Xin quý vị cao niên, nhịn bớt tiêu xài, phá phách, đừng đem tiền ra khỏi nước Mỹ nữa, xin hãy sống với nước Mỹ và yêu nước Mỹ hơn, xin đừng xem đây là nhà trọ, là nơi “share” phòng nữa! |
No comments:
Post a Comment