Thấm thoát mà đã gần 20 năm. Những người Việt định cư trên những đất nước thứ ba đến bây giờ đã yên ổn với cuộc sống mới. Là một thuyền nhân, tôi cũng như bao người khác, đã không khỏi nhiều lúc ngồi suy nghĩ thẩn thờ, nhớ về những kỷ niệm khó quên của một chuyến đi đầy cam go, đầy hãi hùng vượt đại dương.
Nay ban tổ chức đã làm một việc rất ý nghĩa; để chúng tôi, những thuyền nhân có dịp ôn lại kỷ niệm; và ghi lại một đoạn đời, có thể gọi là một giai đoạn bi thương của lịch sử dân tộc Việt Nam, qua hàng hàng lớp lớp làn sóng người bất chấp hiểm nguy, xuống thuyền vượt biển Đông tránh nạn Cộng Sản sau 1975. Viết bài này, với hy vọng đóng góp một phần nhỏ nhoi, để cho thế hệ Việt Nam sau này biết được nhữ gì chúng tôi đã đi qua, để họ biết quí các giá trị tương lai, đã được những người đi trước đánh đổi bằng nước mắt, và hơn thế nữa: bằng máu. Riêng những người chưa hiểu rõ chế độ Cộng Sản, sẽ thấy được thêm tội ác của họ đã gây ra cho dân tộc Việt Nam, vốn đã nhiều đau thương và bất hạnh.
Cuộc sống ngày đó rất khắc nghiệt. Mẹ tôi thường mọi giá phải cho tôi ra đi vì ba tôi là sĩ quan chế độ cũ; anh em tôi đương nhiên sẽ không vào được đại học, mà phải đi thanh niên xung phong hay đăng ký nghĩa vụ quân sự để bị đưa ra làm bia đỡ đạn trong cuôc xâm lăng Campuchia. Từ thành phố đến nông thôn, công an khu vực và bọn chỉ điểm ngày đêm rình rập như cú vọ, chỉ chực chụp lên đầu người dân những tội trạng vô lý. Thành phần trí thức và quân đội Việt Nam Cộng Hòa thì kéo lê xiềng xích trong hàng ngàn trại cải tạo mọc lê khắp mọi miền đất nước. Sài gòn như một người thiếu phụ với những giọt nước mắt sau tấm màn đen vô vọng.
Những giọt nước mắt đã biến thành hy vọng khi biết bên kia bờ đại dương, các đất nước tự do đang chờ đón. Hy vọng đã nung nấu trong tim những người trẻ chúng tôi, chấp nhận hiểm nguy ra khơi chóng chọi với ba đào, nhất định phải vượt thoát khỏi cái đất nước tù tội.
Sau nhiều lần vượt biên bị bắt ở khắp nơi: Vũng Tàu, Rạch Giá, Cần Thơ. Cuối cùng chúng tôi lại chuẩn bị ra biển. Chuyến đi này bắt đầu từ Ngọc Hà, một thôn nhỏ giữa Long Thành và Bà Rịa, trên đường ra Vũng Tàu. Năm đó là 1985, tôi được 18 tuổi. Nhiệm vụ của tôi là mang cái hải bàn trong cái giỏ lát đi xe đò cũng ít ai nghi. Đến nơi, tôi được sắp xếp dấu vào nhà một người quen. Suốt năm ngày nằm chờ, tôi được dặn không nên ra khỏi căn phòng, sợ dân làng và công an thấy lạ mặt sẽ tình nghi. Tôi chỉ nhìn được ra ngoài qua những kẻ hở trên vách lá dừa. Thôn này ở gần sông, dân cư sinh sống bằng nghề biển như đánh cá, đóng ghe, đan lưới… Đời sống họ thật lam lũ. Nhìn xa xa gần mé sông, có một chiếc tàu đang đóng, mũi tàu vươn lên ngạo nghễ, tôi tự nhủ không biết tàu mình đi có được như vậy không?
Thế rồi đêm đó, chúng tôi được tin sẽ “đánh”, có nghĩa là đi. Xăng dầu và lương thực đã được chuyển xuống ghe. Tôi chuẩn bị hết mấy món đồ mà mẹ tôi đã gói sẵn: thuốc say sóng, thuốc chống đói, phao cá nhân, một chiếc nhẫn hai chỉ may trong lai quần để lỡ bị bắt hoặc lọt sang trại tị nạn, có cái mà xoay sở hoặc đánh điện tín về nhà. Tôi chợt thấy thương mẹ tôi, đã lặn lội khắp hang cùng ngõ hẻm ở Sàigòn để tìm mua những thứ này, vốn được xem là đồ cấm. Bây giờ đã làm cha, tôi mới cảm nhận được cái khổ đau ngày nào mà mẹ tôi phải trải qua khi đưa đứa con trai lên đường, vào đại dương sóng gió để tìm tự do và tương lai, mà biết rằng chẳng bao giờ gặp lại được nhau.
Hôm đó, là ngày 15 tháng 7, 1985. Gia đình tôi ở trọ cũng gởi ba đứa con đi chuyến đó nên họ làm bữa cơm cuối cùng tiễn chúng tôi. Bữa cơm này đúng ra nếu không được thịnh soạn thì cũng phải kha khá, vì những ngày sắp tới chúng tôi sẽ không còn cơ hội mà ăn uống đầy đủ để chống chọi với biển khơi, nhưng dọn ra vỏn vẹn chỉ một dĩa rau luộc, môt chém mắm và mấy trái cà pháo. Thế mới biết đời sống họ cơ cực đến đâu, trong khi nhà nước và bọn cán bộ thì mặc sức vơ vét và làm giàu.
Ăn uống, từ biệt xong, khoảng 8 giờ, tôi được dẫn đi. Đi bộ rất lâu, băng qua các bờ ruộng, bờ lau trong đêm tối. Lâu lâu có tiếng chó sủa inh ỏi, chúng tôi phải ngồi xuống núp vào những cái mả đen ngòm. Nỗi sợ công an làm tôi quên hẳn cả sợ ma. Vừa đi, vừa chạy, rốt cuộc chúng tôi đến một bờ sông. Tôi được đưa đi bằng một chiếc xuồng nhỏ không máy. Người chèo thuyền ra hiệu bảo im lặng, rồi lặng lẽ chèo ra phía sông lớn. Thuyền đi cũng khá lâu, thinh lặng trong đêm để tránh trạm biên phòng. Những chiếc thuyền này, người việt biên thường gọi tiếng lóng là “tắc xi” hoặc “cá nhỏ” sẽ đưa người tới chỗ chuyển tiếp để lên “cá lớn” là tàu vượt biên.
Thuyền đi qua những hàng đáy, là tiếng dân chài gọi những hàng cọc gỗ đóng ở cửa biển thành một hàng rào để bắt cá tôm. Tôi nghe gió biển lồng lộng và thấy nhiều thuyền bè đánh cá neo ở gần đó. Không khí trở nên hồi hộp vì biết đâu trên những tàu đó có công an phục kích. Lúc ấy khoảng 11 giờ đêm, người chèo thuyền chớp đèn pin về phía trước, chúng tôi hiểu đã ra đến điểm hẹn. Có ánh đèn trả lời. Ráng căng mắt ra, tôi thấy phía trước là một chiếc ghe gỗ chưa dài đến 10 thước. Tàu này đi được sao? Tôi tưởng tàu vượt đại dương phải lớn và chắc chắn ghê lắm, ai ngờ … Bây giờ có sợ cũng đã trễ rồi, tôi cột cái giỏ vào người để rảnh tay leo qua ghe lớn. Đôi dép đã đứt khi lội qua mấy con mương trên bờ. Thế rồi ” tắc-xi” cặp vào ghe lớn, sóng đập mạnh làm cả hai ghe đều chòng chành. Sau khi leo lên, tôi đưa mật mã, là một tấm hình nhỏ để cho người ta đem về, thì mẹ tôi mới giao cho hai cây vàng còn lại. Đưa mật mã xong, bụng tôi vẫn còn lo: lỡ chưa đi tới đâu mà bị bắt, thì ở nhà mình cũng đã giao hết tiền cho người ta.
Tôi bị thảy ngay xuống hầm. Thuyền nhỏ mà người rất đông. Sau này mới biết là có tất cả là 45 người trên chiếc thuyền dài 9m5 đó. Người ngồi như cá hộp, tối quá nên không nhận ra ai là ai, chỉ có mùi dầu xanh và mùi mồ hôi xông lên nồng nặc.
Đến hơn nửa đêm, tàu nổ máy bắt đầu khởi hành. Tiếng máy nổ rất ồn nghe ” bình… bình…” và chiếc ghe gỗ rung lên từng nhịp với tiếng máy cũ kỹ. Tôi thấy mừng vì tàu đã chạy, chứ ở đó quá lâu, công an ập đến thì hỏng. Ngồi dưới hầm quá ngột ngạt nhưng chúng tôi phải ráng chịu. Chạy một lát, tàu bỗng chạy chậm và dừng hẳn lại. Chúng tôi được dặn không ây tiếng ồn vì có công an biên phòng. Phía trên nghe tiếng chân người chạy qua chạy lại cùng với ánh đèn vàng quét sáng loáng ngang từng kẻ hở trên khoang tàu. Tim chúng tôi đập thình thịch, không ai dám thở mạnh, chỉ nghe tiếng thì thào cầu nguyện. Những đứa trẻ bị bố mẹ bịt chặt miệng, sợ để chúng khóc sẽ lộ ngay.
Phía trên, tài công đang trình giấy phép đánh cá. Nếu có gì khả nghi, tụi công an đòi qua xét tàu thì kể như xong. Trình giấy tờ và vui vẻ hối lộ xong, chúng cho đi, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Tàu trực chỉ cửa Cần Giờ và hải đăng ra biển, sóng càng lúc càng lớn. Lúc này các cửa hầm được yêu cầu mở ra cho thoáng, tôi đứng dậy nghe gió lùa vào mặt mát rượi. Tôi muốn hít cho thật đầy buồng phổi, một cơn gió, một khoảng không gian cuối cùng của quê hương thân yêu. Nhìn lại, thấy tượng Chúa Giêsu đứng trên núi Bãi Sau Vũng Tàu, giang tay ra như che chở cho những người con quá bé nhỏ, quá tuyệt vọng, vì không chịu nổi cái ngục tù trên quê hương, phải ra đi tìm tự do.
Tôi căng mắt ra nhìn cho rõ một lần cuối những dãy núi, những ánh đèn xa xa trong khi bình minh cũng vừa chợt ửng hồng ở chân trời phía trước mặt. Đó là quê hương tôi, thương biết mấy. Mảnh đất xa xa đó có mẹ tôi chắc đang thấp thỏm lo âu; có các em tôi bây giờ chắc đang còn say giấc ngủ. Bạn bè tôi, người con gái ngồ ngộ mới quen ở trường Nguyễn Thái Bình mà ra đi không dám nói lời chia tay. Biết đến bao giờ gặp lại. Chuyến đi này, ai biết chừng không là vĩnh biệt. Bạn thân tôi đó, thằng Thiện đô con ngày nào còn lọc cọc đạp xe một bọn đến trường, năm ngoái cũng ra đi. Nghe nói cả tàu bị mất tích, giờ này cũng chẳng có tin tức gì. Đi ngang nhà nó, giờ đây đã thấy hình nó trên bàn thờ, vẫn nụ cười hồn nhiên như không hề hay biết định mệnh đã mang nó đi khi còn quá trẻ.
Trời đã sáng, con thuyền tiếp tục rẽ sóng. Xung quanh là biển nước mênh mông với những ngọn sóng bạc đầu cong cong như lưỡi hái của thần chết. Không còn thấy bến bờ đâu nữa. Biển tháng 7 quá dữ tợn, tôi nhắm cũng cấp 5 cấp 6 gì đó, nhờ vậy mà công an biên phòng ít dám ra ngoài mùa này, chỉ có con tàu chúng tôi một mình trong phong ba, hành trang chỉ có lòng can đảm và đức tin. Trong hầm tàu, nước biển đã tràn và cao hơn cổ chân. Mọi người đều ướt sũng, bị nước biển tạt vào từ bốn phía. Mùi ói mửa, mùi dầu gió, mùi hơi người quyện lại với nhau thành một mùi vô cùng khó chịu. Con tàu như con ngựa hoang, thỉnh thoảng bị sóng nhấc lên thật cao, rồi rớt xuống như xuống vực thẳm, tạo thành những âm thanh khô khốc y như va phải vào đá, tưởng chừng muốn vỡ đôi. Mỗi lần lên cao rồi rớt xuống như vậy, tiếng cầu xin lại nghe lớn hơn, ” Giêsu Maria”, “Nam Mô A Di Đà”. Trẻ con khóc thét lên vì sợ, những người say sóng thì không còn biết gì nữa, kẻ còn tỉnh thì đầy vẻ lo âu: kiểu này va phải đá ngầm thì hết sống.
Ngày thứ hai, mọi người đều ngất ngư. Chủ tàu phát mỗi người một nắm cơm múi mè, nước uống phải rất dè sẻn vì đêm trước hai thùng nước phụ cột phía sau đã rơi xuống biển. Nước vào nhiều quá làm gạo và đồ khô bị sình lên, một số không ăn được. Đến chiều cơn giông lại nổi lên, trời càng ngày càng xám xịt, bỗng nghe tiếng la từ phòng lái:
- Có tàu nhỏ rượt theo mình rồi đó nghe !
- Chạy lẹ lên, mình tới hải phận quốc tế chưa vậy anh Bảo ?
- Chắc tới rồi, không lẽ đây là tụi cướp Thái Lan.
- Nguy rồi, chạy đi.
Đàn bà con gái trong tàu không ai bảo ai, lấy dầu máy và những gì dơ dáy để bôi lên mặt, trông đen đúa xấu xí để tụi cướp tha cho khỏi hãm hiếp. Mẹ bôi cho con, họ vừa bôi vừa khóc. Ngồi cạnh tôi là một cô gái tên là Dung, trạc tuổi tôi 17, 18 gì đó và cũng ra đi một mình. Dung cũng bắt chước bôi dầu máy đầy mặt, vẻ lo sơ, chúng tôi vẫn không biết con tàu rượt theo là cướp Thái Lan hay cũng có thể là tàu quốc doanh Việt Nam, chỉ biết điềm dữ nhiều hơn lành, vì lúc đó trời gần tối và mưa gió mịt mù, ống nhòm cũng không dùng được. Tàu kia bắt đầu nổ súng, tiếng súng có lẽ là trung liên, bị át đi bởi tiếng máy tàu và tiếng sóng, chỉ nghe “lụp bụp” và tiếng đạn bay líu chíu trên đầu. Thuyền chúng tôi tắt hết đèn và tống hết ga, cuối cùng tối quá thì tàu kia mới bỏ cuộc. Dung là người duy nhất bị trúng đạn. Viên đạn xuyên từ vai tới ngực, máu ra lênh láng. Chúng tôi xé áo băng vết thương cho Dung, cả tàu không có thuốc gì cầm máu, chỉ biết rửa bằng nước biển.
Tàu đi suốt đêm trong cơn bão, mọi người đều mệt lả nên cũng không giúp gì hơn được cho người bị thương. Ngày thứ ba thì bão dứt, song đến ngày thứ tư thì Dung không còn dậy được nữa vì đã mất máu quá nhiều. Tôi nghe tiếng những người đàn bà khóc sụt sùi thì biết Dung đã ra đi. Chúng tôi cầm tay nhau đọc kinh và tôi không dám nhìn khi người ta quấn nàng bằng chiếc mền rồi thả xuống biển. Dung ở lại đó mãi mãi, phần những người còn lại trên tàu, từ thể xác đến tinh thần gần như đã tê bại, vì biết đâu số phận mình rồi cũng như nàng, sẽ chết trên cái biển nước mênh mông này.
Qua ngày thứ năm, lương thực trên tàu đã cạn, nước cũng còn rất ít, chỉ để ưu tiên cho con nít, đàn bà và những người đuối sức. Bỗng nhiên có một con chim bay lượn trên tàu, chúng tôi hy vọng: hay đã gần đến đất liền hoặc hòn đảo nào đây mà có chim bay ra. Suốt hai ngày thứ sáu và thứ bảy có một đàn cá heo bơi theo tàu, bay nhảy đùa giỡn. Tôi cảm thấy vui vì ít ra cũng có dấu hiệu của sự sống. Thế rồi sự sống đã đến khi sừng sững trước mặt chúng tôi có một chiếc tàu lớn. Mọi người nhốn nháo đứng dậy vẫy tay, la hét kêu cứu: “Được vớt rồi bà con ơi, sống rồi con ơi!” Vậy mà con tàu cứ tỉnh bơ rẽ sóng, nhiều người trên tàu lớn đổ xô ra xem, họ còn chụp hình chúng tôi nữa, rồi hững hờ đi luôn. Mọi người nằm bệt ra vì thất vọng. Suốt ngày thứ tám và thứ chín, chúng tôi gặp rất nhiều tàu ngoại quốc nhưng không tàu nào dừng lại, mà cũng chẳng thương tình cho chút đồ ăn nước uống. Nước và lương thực đều đã cạn, máy tàu cũng đã hư sau những lần xả hết ga đuổi theo các tàu lớn. Ngày thứ mười, tàu thả trôi, nước vào ngập cả khoang nhưng không ai còn có sức tát nữa. Đói và khát hoành hành, trẻ con khóc như ri, cha mẹ chúng phải cho chúng uống cả nước tiểu. Tôi và mấy người đàn ông không chịu nổi cái nóng và khát nên nhảy xuống biển ngâm mình, hy vọng cái mát sẽ làm dịu cái khát trong người. Mấy người bàn nhau:
- Bây giờ mà gặp tàu lớn nữa, tôi sẽ nhảy xuống bơi liền đến, chắc họ thấy chết sẽ cứu. Chứ ở đây trước sau gì cũng chết đói thôi.
Chiều ngày thứ mười, tôi còn nhớ là ngày 25 tháng 7 năm 1985, đang nằm chờ chết thì tôi thấy xa xa, một con tàu hiện ra, ngày càng rõ và có vẻ đi về hướng chúng tôi. Khoảng nửa tiếng sau, nó ở trước mặt, thật hùng dũng với năm cái bình tròn khổng lồ màu vàng nổi lồ lộ trên biển xanh. Mọi người lúc ấy đã quá đuối và tuyệt vọng, không buồn kêu cứu nữa, chỉ nằm thoi thóp vì khát nước. Tôi thấy trên boong tàu lớn có một người đi ra. Tôi vươn sức tàn cầm cái áo vẫy liên hồi. Người đó kinh ngạc nhìn xuống, rồi chạy vào trong kêu thêm nhiều người nữa. Con tàu đi ngang để lại những đợt sóng khổng lồ muốn nhận chìm chiếc ghe bé nhỏ. Thế rồi phép lạ đã đến, tôi thấy trước tàu lớn không còn sóng chẻ ra nữa, hình như nó dừng lại.
Hy vọng tràn trề. Có tàu vớt rồi sao? Có nước uống, có đồ ăn rồi sao? Con tàu mang cờ Panama, lớn kinh khủng, che mát cả một vùng biển. Đàn ông chúng tôi chỉ còn độc nhất chiếc quần xà lỏn, thân thể chỉ còn da bọc xương, vươn hết sức ra ma gào thét và đưa mấy đứa con nít ra cho họ thấy. Một chiếc cầu thang được hạ xuống, ba người mặc áo phao, trang bị súng ngắn cẩn thận bước xuống thang. Họ ra hiệu cho chúng tôi đến gần, nhưng chúng tôi làm dấu bảo rằng tàu không chạy được. Họ quăng dây kéo lại, hỏi bằng tiếng Anh. Với vốn liếng tiếng Anh chút đỉnh học ở Việt Nam, chưa bao giờ tôi thấy quý bằng lúc này.
Họ hỏi chúng tôi có mấy người, từ đâu đến; rồi giới thiệu họ là người Mỹ, sẽ cứu chúng tôi. Nghe nói tàu Mỹ, cả ghe reo hò mừng rỡ; ” Thoát rồi, thoát chết thật rồi bà con ơi!”, chứ gặp phải tàu Liên Xô thì chúng chở về Việt Nam thì toi mạng. Các thủy thủ thả thang dây xuống, nhưng nhiều người đứng dậy không nổi nên họ nhanh nhẩu ôm từng người dìu lên cái cáng rồi kéo lên tàu. Lên được trên tàu, nhìn lại chiếc ghe rách nát nhỏ như một hột đậu, chúng tôi vừa thương vừa sợ. Họ đánh đắm chiếc ghe, chắc là theo luật hàng hải. Nhìn chiếc tàu từ từ chìm xuống mà mọi người nghĩ rằng mình như đang còn ở trên đó.
Chúng tôi đi thẳng từ địa ngục lên tới thiên đàng. Trong đời tôi chưa bao giờ mừng như vậy. Thủy thủ đoàn ân cần săn sóc, người yếu được đưa thẳng vào clinic, đầy đủ dụng cụ như bệnh viện để chuyền “serum” cho lại sức. Chúng tôi được chia hai, đàn ông đàn bà cho tắm rửa sạch sẽ bằng xà bông thơm. Sau đó được dẫn vào kho lựa quần áo mới tinh mặc vào, tuy rộng thùng thình nhưng sạch quá, thơm quá! Bác sĩ khám xong, chúng tôi ra dùng bữa tối. Cả tàu khoảng 20 thủy thủ, gồm 3 phụ nữ, xúm lại phục vụ những người khách đen đúa vì nắng biển, chỉ còn hai con mắt và hàm răng cười biết ơn. Cảm động quá, nhiều bà ôm chầm mấy cô Mỹ mà khóc tức tưởi. Ăn xong thuyền trưởng cho gọi tôi và một người nữa biết tiếng Anh lên văn phòng. Ông cho biết tàu này chở gas từ Nhật về. Ông ta rất hiểu hoàn cảnh của thuyền nhân Việt Nam nên đã hai lần ra tay cứu người tị nạn, tàu của chúng tôi là tàu thứ ba.Ông đã liên lạc với đất liền, và dự định sẽ đưa chúng tôi đến Singapore, nơi đó có trại tị nạn của Liên Hiệp Quốc.
Chúng tôi quá mừng vì biết chắc mình đã “lọt”, đêm đó tôi không ngủ được. Chỉ mới tối hôm qua đây, còn ngủ với cơn đói khát, thân tàn ma dại, cái chết rình rập; thế mà bây giờ đã giường êm nệm ấm, đồ ăn thức uống không thiếu thứ gì. Y như một giấc mơ kinh hoàng. Ngày hôm sau, mọi người được dẫn đi chơi khắp tàu. Đám con nít được cho kẹo sô-cô-la và uống Coca thỏa thích; Nhỏ đến lớn mới được uống Coca, đứa nào cũng chảy nước mắt và ợ lên rồn rột, làm mấy thủy thủ cười nắc nẻ. Họ vô cùng thân thiện, còn cho mỗi đứa trẻ ít tiền đô la Mỹ để khi lên đảo có cái mà dùng.
Thế rồi chúng tôi đến Singapore. Thành phố từ xa trông rất đẹp, quá hiện đại. Chúng tôi đứng trên boong tàu mà miệng há hốc vì chưa bao giờ thấy cái gì đẹp như vậy. Rồi có phái đoàn từ trong trại ra, có cả một người Việt Nam tên là Dì Mười lên tàu đón chúng tôi. Chia tay với thủy thủ tàu Capricorn, ai cũng bùi ngùi. Sau khi lấy địa chỉ của họ bên Mỹ, chúng tôi hứa nếu qua được Mỹ sẽ tìm đến thăm. Mấy cô Mỹ ôm từng đứa con nít lên, không dấu được lệ. Xuống tàu nhỏ, cập bến rồi lên xe bus, chúng tôi ai cũng đi nghiêng ngửa vì đã lâu không lên đất liền, trông thật tội nghiệp và buồn cười. Xe chở qua các thành phố Singapore thật rộn rịp văn minh rồi về trại tị nạn trên đường Hawkins Road. Đồng bào Việt Nam trong trại ùa ra đón chúng tôi.
Cuộc hành trình cuối cùng đã kết thúc. Tôi say sưa ôm lấy tự do. Chợt nhớ về Dung, người con gái ngồi bên tôi đã chết và được thủy táng lặng lẽ trên biển Đông, tôi không khỏi ngậm ngùi rơi nước mắt. Dung bây giờ đã về đâu, đã nằm trong bụng cá hay lẻ loi đi về một miền xa lạ nào. Tôi nhớ đến Thiện, người bạn của tôi và hàng ngàn người bất hạnh đã chết trên vùng biển đó. Hình như chính linh hồn họ đã dẫn đưa những con tàu của anh em đồng bào đến bến bờ bình yên. Cầu mong hương hồn của họ được về đến bến thanh bình và giấc mơ của họ cuối cùng cũng thành sự thật: TỰ DO
From: NGUYEN VAN LOC <LocNguyen6110@yahoo.com>
Date: 2011/4/27
No comments:
Post a Comment