Nguyên nhân và hậu quả của Hiệp định Geneva 1954
Không có tham vọng viết sử, tiểu luận này chỉ nhằm nhắc lại những biến cố, những hậu quả của việc chia đôi đất nuớc hầu đáp ứng phần nào nhu cầu tìm hiểu về một quá khứ gây nhiều ẩn ức của các thế hệ trẻ ngày nay. Tiến bộ khoa học cộng với thời gian đủ dài để ta có thể phóng tầm nhìn tìm về hoàn cảnh Việt Nam sau Thế Chiến Thứ Hai, về cuộc Chiến Tranh Đông Dương (1946-1954) với trận đánh Điện Biên Phủ, về Hội Nghị Genève và bản Hiệp Định đình chiến ngày 20/07/1954, về cuộc Di Cư vĩ đại của đồng bào miền Bắc vào Nam, về những vết thương hằn sâu trên da thịt dân tộc Việt Nam gây ra bởi giòng sông Bến Hải…
Từ khi thực dân Pháp khởi sự đánh chiếm nước ta và suốt trong thời kỳ đất nước mất vào tay người Pháp, nhân dân ta luôn luôn tìm cách khởi nghĩa kháng Pháp. Từ vua quan trong triều đến dân dã khắp nơi, những anh hùng dân tộc như Vua Duy Tân, vua Thành Thái, như Trương Công Định, Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Hoa Thám, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực, Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều vv… đã tổ chức những cuộc khởi nghĩa võ trang đánh đuổi thực dân. Những nhà ái quốc như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học và bao nhiêu người khác đã nổi lên đấu tranh giành độc lập. Tình thế chỉ tạm yên vào khoảng năm 1935.
Từ năm 1933, tình hình thế giới sau Đệ nhất thế chiến (1914-1918), hai cường quốc Âu Châu là Pháp và Anh tỏ vẻ mệt mỏi, nhất là Pháp còn lúng túng về chính trị trong các công cuộc xây dựng lại. Lúc đó, Hitler (Đức), Mussolini (Ý) và Nhật Bản đã ký thỏa ước 3 bên (25/11/1933) lập thành lực lượng “Trục”. Bắt chước Hitler vẫn coi Áo và Ba Lan thuộc Đức, Mussolini coi Ethiopia và Libya thuộc Ý, quân đội Nhật đã tiến chiếm Mãn Châu vào ngày 7/7/1937.
Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhì đã chính thức bắt đầu vào ngày 1/9/1939 tại Âu Châu. Từ Tiệp Khắc, quân đội Đức Quốc Xã của Hitler đã xua quân vào Ba Lan trước hết rồi đồng loạt tấn công các nước các nước trên chiến trường phía Đông nước Đức. Đến năm 1940, Hitler mở mặt trận phía tây. Quân đội Đức nhảy dù xuống Hòa Lan và Bỉ (10/05/1940), đồng thời dội bom xuống các thành phố phía Bắc nước Pháp giáp giới với Bỉ. Sau 18 ngày đêm cầm cự, vua Léopold của Bỉ đã phải đầu hàng vào ngày 28/05/40. Thanh toán được Bỉ, quân Đức tiến xuống phía Nam và đánh vào nước Pháp. Paris bị dội bom. Trong lúc Mussolini tuyên chiến với Pháp. Pháp bị lưỡng đầu thọ địch. Chính phủ Pháp lúc đó do thống tướng Pétain cầm đầu đã tuyên bố ngưng bắn vào lúc nửa đêm ngày 17/06/40. Nước Pháp đã lọt vào tay của Đức. Chính phủ Pétain rút về đóng tại Vichy và có chính sách cộng tác với kẻ xâm lược. De Gaulle bay sang Anh và hô hào kháng chiến, kêu gọi người Pháp vượt biển qua Anh gia nhập “Lực Lượng Pháp Tự Do”, chiến đấu bên cạnh quân đội Đồng Minh.
Tại Đông Dương, chính quyền bảo hộ nhìn thấy thế lực của Nhật đang tiến đánh Trung Hoa (1937), nên đã phục tòng chính phủ Vichy ở mẫu quốc. Với đường lối này, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương trở nên đồng minh của lực lượng “Trục”. Sau khi tiến chiếm Hà Nội vào năm 1939 và sau khi Pháp đầu hàng Đức, quân đội Nhật vẫn để chính quyền thực dân tiếp tục cai trị và phải có nghĩa vụ hậu cần cho quân đội Thiên Hoàng. Tình trạng này tiếp tục cho đến năm 1945.
Sau khi quân đội Đồng Minh đổ bộ lên bờ biển Normandie và giải phóng nước Pháp, chính phủ Vichy bị lật đổ và bị bắt, De Gaulle lên nắm chính quyền. Chính quyền thực dân tại Đông Dương quay lại thần phục De Gaulle và vì vậy đã ở thế thù nghịch với quân đội Nhật đang bị thua trận trên chiến trương Thái Bình Dương. Ngày 9/3/45 người Nhật trao tối hậu thư cho toàn quyền Pháp, Decoux, yêu cầu đặt toàn bộ quân đội Pháp tại Đông Dương dưới quyền chỉ huy và điều động của Nhật. Decoux từ chối và đã bị bắt ngay, không kịp ra lệnh cho lực lượng Pháp dưới quyền. Quân đội Nhật bất thần tấn công các doanh trại và cơ sở của chính quyền thuộc địa. Chỉ trong một đêm họ đã thanh toán xong toàn bộ cứ điểm của Pháp, bắt giam tất cả các quan chức Pháp. Sử gia Phan Khoang đã viết : “Sáng ngày 10/3/45 cờ Nhật phất phới từ Nam Quan đến Cà Mâu. Ngày ấy Đại Sứ Yokohama yết kiến vua Bảo Đại ở Điện Kiến Trung, tuyên bố trao trả độc lập cho nước Việt Nam”. Bảo Đại, sau đó đã tuyên bố hủy bỏ tất cả những hiệp ước ký kết với Pháp trước đó và mời nhà trí thức Trần Trọng Kim ra thành lập chính phủ. Tuy “thoát khỏi” ách nô lệ của Pháp, nhưng chính phủ này vẫn phải đi theo đường lối thân Nhật và quân đội Nhật vẫn chiếm đóng trên đất nước ta.
Sự cai trị của Pháp coi như bị gián đoạn. Trong lúc đó đảng Cộng Sản Đông Dương và các đảng phái quốc gia hoạt động ráo riết để giành độc lập. Mặt Trận Việt Minh do cộng sản thành lập đã chiếm ưu thế nên khi Nhật đầu hàng vào tháng 8/45, trong khoảng trống chính trị lúc đó, họ đã huy động được quần chúng Việt Nam nổi lên cướp chính quyền ngày 19/8/45. Hồ Chí Minh đã đọc tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/45 tại Hà Nội, khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Trong buổi lễ Hồ Chí Minh đã tuyên đọc mấy lời thề mà lời thề đầu là “Cương quyết không thương thuyết với Pháp”. Tuy nhiên, tình thế phức tạp lúc đó ở nước ta với sự hiện diện của quân đội Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch tới tước khí giới quân đội Nhật đã gây bất ổn cho Hồ Chí Minh và đảng cộng sản. Việt Minh rất mong quân đội Trung Hoa sớm rút khỏi Việt Nam. Đồng thời, tham vọng lấy lại thuộc địa của thực dân Pháp cũng khiến họ thương thuyết với Trung Hoa để quân đội của họ có thể thay thế quân đội Trung Hoa ở Việt Nam. Hồ Chí Minh đã thà phản bội lời thề, thương thuyết với Pháp còn hơn bị hại bởi Quốc Dân Đảng Trung Hoa và Việt Nam. Vì thế ông ta đã ký với Sainteny Hiệp Ước Sơ Bộ 6/3/1946 chấp nhận Việt Nam là một nước tự do trong Liên Hiệp Pháp và để quân đội Pháp tiến vào miền Bắc. Tướng Leclerc của Pháp đã dẫn đoàn quân hơn 10.000 bộ binh và trên 100 chiến xa đổ bộ tại Hải Phòng. Cũng nên nhắc là theo tinh thần Hiệp Định Sơ Bộ 6/3/46 quân đội Pháp với 15.000 quân hợp tác với 10.000 quân Việt Nam (Việt Minh) để giữ an ninh trên lãnh thổ miền Bắc. Việt Minh có sự cam kết của Pháp là sẽ không can thiệp vào những vụ xung đột giữa Việt Minh và các đảng phái quốc gia, nên đã rảnh tay tấn công vào trụ sở Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) tại Hà Nội và các chiến khu của VNQDĐ tại các tỉnh ở miền Bắc.
Nhưng ý đồ giành lại thuộc địa của Pháp rất là mạnh mẽ trong giới cầm quyền ở Pháp, đặc biệt là De Gaulle. Quân đội Pháp đã mang quân tiến chiếm tất cả những công thự và cơ quan của Pháp trước kia. Thái độ khiêu khích ngày càng gia tăng và cuộc chiến đã bùng nổ ở nhiều thành phố, đặc biệt là Hải Phòng, Bắc Ninh. Ngày 19/12/1946, Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Những năm đầu, Việt Minh rất yếu thế : vừa đánh vừa xây dựng lực lượng. Chiến thuật họ thường dùng là chiến tranh du kích mà họ học được của Mao Trạch Đông với phương châm “tứ khoái, nhất mãn”. Về chiến lược, họ chủ trương trường kỳ kháng chiến, tiêu hao địch. Hậu cần họ lấy tại chỗ, trong nhân dân. Vì vậy quân đội viễn chinh của Pháp phải ngày đêm đi càn quét, đi lùng địch mà không phát hiện. Về vũ khí, Việt Minh chủ yếu chỉ có súng nhẹ. Vũ khí cộng đồng thường là đại liên, trung liên, súng cối 60 ly, súng cối 81 ly. Chủ yếu, lúc đầu là những vũ khí cũ của Pháp, Mỹ, Anh, Nhật để lại sau Đệ Nhị Thế Chiến. Nhiều nơi còn dùng gậy gộc, giáo mác, tầm vông vạc nhọn. Họ có lập ra một vài “công binh xưởng” để chế tạo lựu đạn nội hóa, bom ba càng và một số mìn bẫy. Từ năm 1950, tức là sau khi Mao Trạch Đông chiếm được toàn bộ Trung Quốc, hỏa lực và quân số của Việt Minh mới phát triển. Họ đã thành lập được những đơn vị cấp trung đoàn rồi “đại đoàn” (tương đương sư đoàn hiện nay). Súng ống họ đã có phòng không, đại bác không dật (DKZ) và pháo binh gồm 105 và sơn pháo 75 ly. Vũ khí và quân trang, quân dụng đã do đàn anh Trung Cộng tiếp tế qua biên giới phí bắc. Những năm cuối của trận đánh, Việt Minh đã phản công và quân chính quy chấp nhận trận địa chiến với Pháp, trong lúc, quân địa phương và dân quân, tự vệ của họ tiếp tục đánh du kích. Kết quả là hệ thống đồn bót của quân đội Pháp bị cô lập.
Nhận thấy tự mình tiến hành một cuộc chiến tranh vũ trang không kham nổi, Pháp đã phải nhờ tới ông Bảo Đại. Họ cam kết công nhận nền độc lập của Việt Nam không cộng sản do Bảo Đại làm quốc trưởng của “Quốc Gia Việt Nam”. Những người không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản, những người từng là nạn nhân của cộng sản vô thần đã lần lượt quy thuận Quốc Gia Việt Nam. Quân Đội Việt Nam được hình thành và chiến đấu bên cạnh quân đội Pháp.
Cuộc chiến kéo dài đến tháng 7/1954. Sự tính toán chủ quan, sai lầm của tướng lãnh Pháp đã dẫn đến việc dồn quân vào thung lũng Điện Biên Phủ, xa mọi hậu cứ tiếp vận, tạo cơ hội cho Việt Minh tổ chức trận địa tiến hành một trận đánh lớn dẫn đến sự thất thủ của tập đoàn căn cứ Điện Biên Phủ, quân Pháp đầu hàng lúc17 giờ 30 chiều ngày 5/5/1954. Hội nghị Genève về Việt Nam khai mạc ngay ngày hôm sau khi Điện Biên Phủ thất thủ.
Trong lúc Điện Biên Phủ thất thủ thì cũng là lúc chính phủ Laniel sụp đổ và người lên thay thế vào ngày 17/6/54 là Mendès France. Ông có một lời hứa “Nếu trong 4 tuần lễ, vào ngày 20/7 tới đây, tôi không đạt được một cuộc ngưng bắn tại Đông Dương, tôi sẽ từ chức”. Thực tình, nếu ông không thành công mà có từ chức thì cũng như 16 ông “chủ tịch hội đồng bộ trưởng” (thủ tướng) tiền nhiệm của ông thôi. Nhưng ý chí quyết liệt thực hiện lời hứa của ông bằng bất cứ giá nào kể cả hy sinh số phận hàng triệu con người thì ngoại trừ đảng viên cộng sản hay xã hội, khó ai làm nổi. Ông thuộc đảng Xã Hội Pháp.
Sau Đệ nhị thế chiến, thế giới, đặc biệt là Á Châu đã là sân khấu của một cuộc chiến tranh khác. Đó là cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa chủ nghĩa cộng sản bành trướng do Liên Xô và Trung Cộng thống lãnh và khối các nước dân chủ Tây Phương, đứng đầu là Hoa Kỳ. Hình thức cuộc chiến tranh lạnh là “chiến tranh ủy nhiệm”. Các cường quốc lãnh đạo không trực tiếp đụng độ với nhau, nhưng khơi mào, nuôi dưỡng các cuộc chiến tranh ở những quốc gia nhỏ bé. Cuộc chiến tranh mà cộng sản gọi là “chiến tranh giải phóng” trên chủ trương, phong trào “giải phóng dân tộc” thực chất là chiến tranh bành trướng chủ nghĩa cộng sản. Cuộc chiến tranh tại Việt Nam bùng nổ từ cuối năm 1946 và cuộc chiến tranh Triều Tiên khởi sự vào ngày 25/6/1950. Cả 2 cuộc chiến đều khốc liệt, đều là gánh nặng cho các quốc gia tham chiến. Nhưng thực sự thì khối “thế giới tự do” sốt ruột nhiều hơn với cuộc chiến tranh Triều Tiên vì có nhiều quốc gia Tây Phương tham dự. Sức ép nội bộ của từng quốc gia khiến họ cần phải có một cuộc đàm phán để chấm dứt sự tham chiến của họ. Họ cũng chẳng tha thiết gì đến vấn đề chiến tranh Đông Dương vì chỉ có Pháp liên quan và vì thế Pháp đã tìm đủ cách để đưa vấn đề Việt Nam vào cuộc đàm phán mà họ rất cần. Họ thực sự hết lực theo đuổi và muốn rút ra trong danh dự. Vì thế trong Hội Nghị tứ cường (Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Liên Xô) ngày 25/1/1954 tại Bá Linh, Pháp đã tìm mọi cách thuyết phục các nước kia đưa vào nghị trình vấn đề “chấm dứt chiến tranh, tái lập hòa bình tại Đông Dương”.
Hội Nghị Genève khai mạc vào ngày 26/4/1954 với sự tham dự của đại biểu 19 quốc gia để bàn về chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Đông Dương. Một ngày bàn về Triều Tiên, một ngày bàn về Việt Nam. Có các phái đoàn cường quốc đứng đầu 2 phe : Phe cộng sản có Liên Xô do Molotov làm trưởng đoàn, Trung Cộng do Chu Ân Lai hướng dẫn. Phe thế giới tự do có Hoa Kỳ với ngoại trưởng John Foster Dulles, Anh Quốc với Anthony Eden và Pháp với Georges Bidault. Các nước liên hệ có phái đoàn Quốc Gia Việt Nam, Việt Minh, Lào, Cao Miên, Nam Triều Tiên và Bắc Triều Tiên. Sau đây, chỉ nói về các cuộc đàm phán về vấn đề Việt Nam mà thôi.
Hội nghị Genève về Việt Nam chính thức được đẩy mạnh ngay sau khi Điện Biên Phủ thất thủ và đã khai mạc vào ngày 8/5/1954.
Phái đoàn Quốc Gia Việt Nam gồm có các ông : Nguyễn Quốc Định, ngoại trưởng (chính phủ Bửu Lộc) là trưởng đoàn, Nguyễn Khắc Khê, Trần Văn Tuyên, Trương Văn Chình, Bửu Kính, Đoàn Thuận. Đến ngày 10/5, phó thủ tướng Nguyễn Trung Vinh được cử làm trưởng đoàn và tăng cường thêm ông Nguyễn Duy Thanh.
Phái đoàn Việt Minh có Phạm Văn Đồng là trưởng đoàn và các ông Phan Anh, Trần Công Tường, Hoàng Văn Hoan, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Thanh Hà, Hà Văn Lâu, Nguyễn Thanh Sơn, Đặng Tính, Trần Lâm, Hoàng Nguyên, Trần Thanh, Lê Văn Chánh.
Phái đoàn Pháp có ngoại trưởng Bidault. Phái đoàn Anh, có ngoại trưởng Eden. Phái đoàn Mỹ có thứ trưởng ngoại giao Bedell Smith. Phái đoàn Liên Xô có Molotov. Phái đoàn Trung Cộng có Chu Ân Lai. Phái đoàn Lào có Phumi Sananikone. Phái đoàn Cao Miên có Tep Than.
Lúc đầu, nghị trình họp cách ngày và họp công khai, có báo chí tham dự. Mỗi bên lên đọc quan điểm của mình. Sau 4 phiên họp như vậy, tại phiên họp ngày 14/5, Molotov đã thông báo kể từ kỳ họp tới là ngày 17/5 các phiên họp sẽ không công khai và được thu hẹp lại : mỗi phe chỉ có 3 đại biểu. Tại phiên họp ngày 26/5, Pháp và Việt Minh thỏa thuận về ngưng bắn và rút quân về các khu vực ấn định. Việt Minh đề nghị chia đôi lãnh thổ Việt Nam, Pháp rút về phía Nam, Việt Minh rút về phía Bắc. Hội nghị cũng lập ra một tiểu ban quân sự để bàn cụ thể về ngưng bắn và rút quân.
Phía Việt Minh có Tạ Quang Bửu thứ trưởng quốc phòng, Đại tá Hà Văn Lâu và Hoàng Nguyên, thông dịch viên.
Phía Pháp Việt có Tướng Delteil, Đại tá Brébisson…, Đại tá Lê Văn Kim, LS. Trần Văn Tuyên, Đại tá Trần Văn Minh và LS. Bửu Kính. Phiên họp đầu tiên của tiểu ban này diễn ra ngày 2/6. Trên địa thế, đã có những cuộc gặp gỡ, đàm phán về quân sự giữa hai phái đoàn quân sự Việt Minh và Pháp Việt tại Trung Giá.
Trong suốt tiến trình Hội Nghị, Việt Minh luôn đòi chia đôi lãnh thổ. Thoạt đầu, với chiến thắng Điện Biên, họ đòi chia đôi ở vĩ tuyến 13. Phía Pháp đòi vĩ tuyến 18. Phái đoàn Quốc Gia Việt Nam từ đầu luôn chống lại biện pháp chia đôi đất nước. Dưới sức ép của Liên Xô và Trung Cộng, Việt Minh từ bỏ đòi hỏi vĩ tuyến 13 và chấp thuận vĩ tuyến 17. Trưởng phái đoàn Quốc Gia Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Định đã tuyên bố ngay : “Tôi để cho phái đoàn Việt Minh trách nhiệm đối với lịch sử… Chia đôi, nghĩa là sớm muộn cũng lại có chiến tranh”.
Trong lúc đang diễn ra Hội Nghị Genève thì tại Việt Nam, Bảo Đại đã mời Ngô Đình Diệm làm thủ tướng. Ngày 7/7/54, ông Diệm thành lập chính phủ và BS. Trần Văn Đỗ làm Bộ Trưởng ngoại giao thay thế Nguyễn Quốc Định. Ông cũng thay ông Định làm trưởng phái đoàn Việt Nam tại Genève. Ông Đỗ khi biết Việt Nam sẽ bị chia đôi, đã đứng lên phản đối, giọng nghẹn ngào vì xúc động trong bầu không khí im phăng phắc của cả Hội Nghị. Biến cố này được nhà báo Pháp Jean Lacouture và LS. Trần Văn Tuyên viết lại.
Nội dung Hiệp Định có 47 điều và một phụ lục và được tóm tắt như sau :
Lằn ranh giới tuyến chia đôi Việt Nam là vĩ tuyến thứ 17 Bắc. Cụ thể trên địa thế là từ cửa sông Bến Hải, theo giòng sông đến làng Bồ Hô Su và biên giới Việt-Lào. Hai bên bờ sông, một vùng phi quân sự rộng 5 km là trái độn giữa 2 vùng. Theo Hiệp Định, lằn ranh này chỉ tạm thời và sẽ có cuộc tổng tuyển cử để thống nhất 2 miền vào tháng 7/1956 (thời điểm này chính Pháp đã đơn điệu ấn định không có sự đồng ý của Quốc Gia Việt Nam). Trong thời gian chờ tổng tuyển cử, mỗi bên có quyền quản trị hành chánh ở khu vực của mình.
Cấm phá hủy cơ sở trước khi rút quân; cấm trả thù hoặc ngược đãi những người đã cộng tác với đối phương khi trước; cấm đưa thêm quân đội, vũ khí hoặc lập căn cứ quân sự ở vùng đối phương. Việc giám sát đình chiến được giao cho một Ủy Hội quốc tế gồm Gia Nã Đại, Ba Lan và Ấn Độ. Lúc đầu Việt Minh từ chối và đòi chỉ có Việt Minh và Pháp mà thôi.
Trong vòng 300 ngày dân chúng 2 miền có quyền di chuyển từ vùng này sang vùng khác không bị hạn chế, không bị ngăn cản.
Việt Minh và các trưởng đoàn đại biểu đã ký vào bản Hiệp Định và bản thông cáo chung ngoại trừ phái đoàn Quốc Gia Việt Nam không ký. Phái đoàn Hoa Kỳ cũng không ký.
Đối với một số dân chúng miền Bắc, không có chuyện ở lại với Việt Minh vì họ đã chống Việt Minh cộng sản hoặc đã làm việc trong bộ máy hành chính của quốc gia tại Hà Nội và các tỉnh lớn. Chính sách trả thù và những hình ảnh đấu tố dã man trong cải cách ruộng đất của Việt Minh đã làm cho họ lo sợ thêm. Bỏ lại tất cả sản nghiệp để di cư vào Nam, dù là chỉ trong vài năm đã là điều trước đây không bao giờ họ nghĩ tới. Nhưng, do Hiệp Định ký kết bởi thực dân và Việt Minh cộng sản, hôm nay, họ chỉ còn 300 ngày để quyết định, để chuẩn bị, để gom góp của cải và bỏ xứ lên đường vào Nam ! Dư luận rất xôn xao. Những người thức thời đã nhanh chân lên đường ngay những tháng sau đó.
Nhìn thấy xu hướng có hàng triệu người sẽ bỏ miền Bắc vào Nam, chính phủ Ngô Đình Diệm đã phải có đối sách khẩn cấp bằng cách ban hành Nghị Định số 111.TTP/VP, thành lập một Tổng Ủy Di Cư. Cơ quan này đầu tiên được giao cho bộ trưởng Nguyễn Văn Thoại làm tổng ủy trưởng và ông Đinh Quang Chiêu làm phụ tá. Ngày 21/8 ông Ngô Ngọc Đối được cử thay thế ông Nguyễn Văn Thoại và đến ngày 4/12 Bs thú y Phạm Văn Huyến được cử thay thế ông Ngô Ngọc Đối.
Đồng bào đã được tạm định cư trong các trại xung quanh Sài Gòn trước khi được đưa đi định cư vĩnh viễn ở các vùng Biên Hòa, Bà Rịa, Vũng Tàu, Ban Mê Thuột, Diling, Blao, Liêng Khàng, Long Khánh, Nha Trang, Cam Ranh, vv… Riêng trên vùng Cao Nguyên Miền Trung, có khoảng 300.000 đồng bào đã được định cư. Sau một thời gian đầu khó khăn, nhưng được sự giúp đỡ tận tình của chính phủ và của quốc tế, nhất là Hoa Kỳ, đồng bào di cư đã ổn định được cuộc sống, làm ăn ngày càng phát đạt tạo thêm phong phú cho nền kinh tế cũng như văn hóa, giáo dục tại miền Nam.
Dân tộc Việt Nam không thể tha thứ cho CSVN về cái tội chia cắt đất nước. Năm 1954, họ đã cắt một nửa giang sơn dâng cho thực dân Pháp. Hành động này không khác gì trong những năm gần đây, họ cắt đất, cắt biển dâng cho Trung Cộng.
From: LocNguyen6110@yahoo.comDate: Tue, 26 Apr 2011 18:25:15 -0700
No comments:
Post a Comment