Khánh An, phóng viên RFA
Các bạn An ở Hà Nội, Bảo và Thanh ở Sài Gòn, thảo luận về động lực chính khiến họ tham gia biểu tình và đặc biệt là về sự kiện tàu Trung Quốc tiếp tục cắt cáp tàu thăm dò của Việt Nam.
AFP photo
Giới trẻ Hà Nội xuống đường biểu tình chống Trung Quốc lần thứ hai hôm 12/6/2011
Bộc phát lòng yêu nước
Khánh An: Theo như những gì các bạn chia sẻ thì nói chung là cuộc tuần hành đã diễn ra rất là thành công. Nó vẫn đi đúng với mục đích ban đầu mà các bạn trẻ đề ra trong cuộc biểu tình này là biểu lộ chính kiến của mình đối với vấn đề Trung Quốc xâm lấn hải phận Việt Nam. Ngay từ đầu của cuộc biểu tình, khi lời kêu gọi được phát ra ở trên mạng internet cũng như các trang mạng xã hội, đã có nhiều người bị đe dọa trước rằng là không được đến cuộc biểu tình, cũng như họ cho rằng cuộc biểu tình này do những tổ chức phản động tạo ra để lôi kéo các bạn.
Khánh An muốn hỏi các bạn rằng các bạn chính là những người trẻ tại Việt Nam, cũng chính là những người đã tham gia vào cuộc biểu tình đó, vậy các bạn có thấy là cuộc biểu tình này do một hay nhiều tổ chức phản động nào đó tạo ra hay không?
An: Thực sự những thông tin như thế thì cũng là những thông tin trái chiều. Theo An nghĩ, có một tổ chức duy nhất mà nếu nhà nước Việt Nam coi đó là tổ chức phản động thì An đành phải chấp nhận, đó là tổ chức của con tim, tổ chức của trái tim, của lòng nhiệt huyết, của lòng yêu nước của mỗi người dân Việt Nam khi đi biểu tình chống Trung Quốc.
Còn lời kêu gọi trên mạng internet phát ra từ các forum, các trang mạng, hay của một nhóm người nào đó, đấy chỉ là những lời, những ý kiến phát biểu của họ thôi. Còn nếu cuộc biểu tình đó không có lợi ích cho dân tộc, không có lợi ích cho đất nước, theo An nghĩ thì thực sự sẽ không có một bạn trẻ nào tham gia cuộc biểu tình đó. Còn về hậu quả của những đe dọa thì chính An đã là người mà ba bốn ngày hôm nay đã nhận được những lời đe dọa đó.
Có một tổ chức duy nhất, đó là tổ chức của con tim, tổ chức của trái tim, của lòng nhiệt huyết, của lòng yêu nước của mỗi người dân Việt Nam khi đi biểu tình chống Trung Quốc.
An ở Hà Nội
Khánh An: Vâng. Bạn bị đe dọa bằng cách nào?
An: Khi đi cuộc tuần hành về thì hôm sau An được một cái hẹn lịch đi uống cà phê, sau đó thì có một hai cuộc tiếp xúc với nhân viên an ninh. Họ phân tích, họ nói rằng cái này không đúng thế này thế kia, rồi họ hỏi An là có ai tổ chức, ai cầm đầu, băng rôn khẩu hiệu ở đâu, thế này thế nọ. Thực sự chuyện đó đối với An cũng rất ảnh hưởng đến công việc, nhưng đối với An thì lòng yêu nước sẽ không có một thế lực nào hay không có một ai có thể cản trở hay cấm người dân Việt Nam yêu nước.
Khánh An: Vâng. Cảm ơn An rất là nhiều về những điều mà bạn vừa chia sẻ cũng như những điều mà bạn đã làm. Khánh An không biết là những bạn ở trong Sài Gòn thì các bạn nghĩ như thế nào về cuộc tuần hành này. Các bạn có nghĩ do một tổ chức phản động nào đó tạo ra hay do chính lòng yêu nước, do chính bức xúc của người dân đã tạo ra cuộc tuần hành này?
Bảo: Nói chung mình cảm thấy là dù có ai tổ chức đi chăng nữa thì cuộc biểu tình vừa rồi thành công là do đúng thời điểm, do chính cái tâm lý bức xúc bị dồn nén từ bao lâu nay và lời kêu gọi xuất phát từ trên mạng, từ đâu đó nhưng nó hợp mới mọi người và nó bùng phát thành một cái gì đó rất lớn. Còn nếu mà nghĩ rằng ai đó thúc đẩy lòng yêu nước thì chắc hẳn không ai làm được điều đó.
Với lại nói chung, cuộc tuần hành này thành công không thể thiếu những báo đài quốc doanh trong nước bởi vì người ta có những bài viết kích động lòng yêu nước rất nhiều nên kết hợp với lời kêu gọi thì nó làm bùng phát nên ngọn lửa đấu tranh. Cuộc xuống đường thành công thì không thể không nói tới những bài báo trên báo chí quốc doanh, mà rất lạ là khi họ đăng liên tục những bài phản đối Trung Quốc.
Khánh An: Vâng. Thế còn Thanh? Ý kiến của bạn thế nào?
Thanh: Mình nghĩ thế này. Cuộc tuần hành này nếu nói như anh Bảo thì báo chí trong nước cũng đóng vai trò khá là lớn, tại vì trước đây khi mà nói về một vụ va chạm nào đó ở ngoài biển thì báo chí đăng tin một cách dè dặt mà thôi, chẳng hạn khi đăng tin thì gọi là "tàu lạ" đó, tức là gọi tàu Trung Quốc là "tàu lạ". Mình cũng có một sự ngạc nhiên là tại sao trong một thời gian ngắn mà họ lại thay đổi cách đưa tin và đưa tin một cách nhanh chóng với số lượng bài trên báo viết về cuộc tranh chấp ở Biền Đông bỗng dưng nhiều lên một cách bất thường như vậy, thì mình nghĩ là báo chí đã được mở cửa, được bật đèn xanh để viết ra được những bài như vậy. Thông qua báo chí mà mình biết được vụ tàu Bình Minh, trước đây cũng đã có nhiều lần đụng độ rồi nhưng mà lần này thì không hiểu sao mà báo chí lại đăng tin dồn dập về vụ đụng độ này.
Còn riêng đối với cuộc tuần hành này thì mình đồng ý với ý kiến của anh Bảo. Mình không nghĩ là có một tổ chức phản động nào lại có thể huy động được một lực lượng đông đảo đến như vậy, mà chẳng qua là lời kêu gọi đó xuất hiện đúng thời điểm, với lại mọi người giống như đốm lửa đang âm ỉ cháy, chỉ cần một ngọn gió thổi qua là đốm lửa phựt cháy ngay lập tức, cũng giống như lòng yêu nước, sự bức xúc từ lâu ngày và nay nó bùng phát mãnh liệt như vậy.
Mình không nghĩ cuộc biểu tình này thành công là do một tổ chức nào đó để nhận công, mà đây là tất cả mọi người đều tham gia vào cuộc tuần hành và đó là công của tất cả mọi người. Đặc biệt là cuộc tuần hành này không có người lãnh đạo, không có người chỉ đạo gì hết, mà tự mọi người hẹn nhau mà đi thôi và mọi người ý thức rất là rõ là làm sao để đừng vi phạm pháp luật mà mình chỉ đơn thuần bày tỏ nỗi bức xúc của mình thôi. Mình thấy cuộc biểu tình này diễn ra rất là tốt đẹp.
Chính phủ chỉ "võ mồm"
Khánh An: Vâng. Mặc dù sự thành công của cuộc biểu tình vừa rồi ai cũng nhìn thấy thế nhưng nếu các bạn theo dõi tin tức thì các bạn thấy là ngay sau đó lại xảy ra một vụ cắt cáp khác do Trung Quốc gây ra cho tàu Viking 2 của Việt Nam…
Người dân Hà Nội biểu tình chống TQ lần đầu hôm 05/6/2011. AFP photo
Thanh: Mình theo dõi rất nhiều những trang Facebook thấy họ thể hiện sự bức xúc một lần nữa. Lần này có vẻ như họ không còn kiên nhẫn hơn được nữa rồi. Có nhiều người bạn nói cứ nói là bây giờ hay chủ nhật này mình cứ đi biểu tình nữa đi, thì mình nghĩ cái đó cũng không nên, mà mình cũng nên đặt một chút lòng tin vào chính phủ để xem lần này là lần thứ hai Trung Quốc cắt cáp của mình thì chính phủ giải quyết bằng những nỗ lực ngoại giao nó cứng rắn cỡ nào. Tới lúc đó mình mới quyết định là có nên bày tỏ sự bức xúc của mình một lần nữa qua cuộc biểu tình nữa hay không. Nếu như lần này mà họ phản ứng một cách cương quyết như là những lần trước họ tuyên bố thì mình hoàn toàn đồng tình với họ thôi.Khánh An: Theo như bạn nói về một sự phản ứng cương quyết của chính phủ, nghĩa là như thế nào? Trước giờ đã xảy ra nhiều lần những vụ tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc ở trên Biển Đông và Bộ Ngoại Giao Việt Nam cũng vẫn lên tiếng rất nhiều lần. Sau mỗi lần như thế thì đều lên tiếng, đều nói rằng “phản đối”. Vậy chính sách mà bạn mong chờ là như thế nào? Chính sách cương quyết mà bạn nói từ phía chính phủ Việt Nam là như thế nào?
Thanh: Tất nhiên là mình không hiểu rõ về những ngôn từ ngoại giao, mình không có học về ngành này cho nên mình không biết rõ trong vấn đề ngoại giao còn có những cái lắt léo khác không như mình nghĩ. Nhưng mà đơn thuần mình nghĩ như vầy, nếu nó đã vô nhà mình rồi, nó ăn cắp mọi thứ đồ nhà mình như vậy mà mình ở đó chỉ phản đối nó thôi thì liệu nó có chịu dừng tay hay không? Bằng chứng là nó đâu có chịu dừng tay đâu! Bây giờ nó lại cắt lần hai nữa thì Bộ Ngoại Giao lại cứ phản đối theo cái kiểu của cô
Phương Nga của Bộ Ngoại Giao như vậy thì mình nghĩ là nó không có hiệu quả đâu.
Thậm chí là trao công hàm cho nó mà không biết là nó có chịu đọc hay không nữa! Hay là lần sau nó lại tiếp tục nữa? Những lời cô Phương Nga nói là Việt Nam yêu cầu Trung Quốc dừng ngay những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, nhưng mà bây giờ nó không dừng thì Việt Nam có những phản ứng nào tiếp theo hay là vẫn cứ tiếp tục nói "Anh không được xâm phạm tôi. Anh không được xâm phạm tôi" nhiều lần như vậy sao?
Mình nghĩ những lời tuyên bố đó chỉ là võ mồm mà thôi, không có hiệu quả gì đáng kể. Thậm chí là người phát ngôn Bộ Ngoại Giao theo mình biết là cấp thấp nhất, tại sao mình không phát biểu, không phản ứng chính thức ở những cấp cao hơn? Ví dụ như bộ trưởng bộ ngoại giao, hoặc là thủ tướng phát ngôn thì sao?
Mình nghĩ là cần phải có những phản ứng mạnh mẽ hơn. Theo như những bài báo mình đọc trên mạng thì có nhiều nhà phân tích, người ta phân tích là Trung Quốc nó theo đối sách "mềm nắn, rắn buông", cho nên bây giờ mình phải "rắn" chứ? Tại sao mình lại cứ "mềm" mãi như vậy cho được? Theo mình nghĩ là như vậy.
Sức mạnh lòng dân
Khánh An: Vâng. Cảm ơn ý kiến của Thanh. Các bạn khác thì các bạn nghĩ như thế nào? Các bạn có mong chờ một chính sách cương quyết, chính sách cứng rắn nào đó từ phía nhà nước Việt Nam hay không? Và điều mà bạn mong chờ là gì?
Hải quân VN trên vùng quần đảo Trường Sa hôm 08/6/2011. AFP photo
An: Điều mong chờ của An thì cũng có một phần trong những phát biểu của anh Bảo, nhưng mà theo An nghĩ thì chúng ta nên có những biện pháp cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Nếu mà lần này nhà nước vẫn có những phát biểu hay có những hành động như vụ tàu Bình Minh 02 thì chúng ta có thể có những biện pháp như An mong muốn, chẳng hạn chúng ta triệu tập đại sứ Trung Quốc, hay chúng ta gọi đại sứ chúng ta về nước và trục xuất đại sứ Trung Quốc. Có rất nhiều biện pháp ngoại giao cứng rắn để chúng ta làm việc đó nhưng mà quan trọng là nhà nước sẽ xử lý như thế nào và những biện pháp đó thì An và tất cả mọi người cũng đang rất mong chờ nhà nước xử lý, hoặc là chúng ta cũng có thể đưa lên tòa án quốc tế, đưa lên các tổ chức quốc tế, đưa lên Liên Hiệp Quốc. Theo An thì có rất nhiều tổ chức quốc tế khác để chúng ta nhờ sự bênh vực và lên tiếng của họ.Khánh An: Vâng. Ý kiến của Bảo thì như thế nào?
Bảo: Mình thấy cái đợt này nói chung là nó vừa sau đợt vừa rồi, nghĩa là lửa chưa có tắt thì nó lại bồi thêm một cái nữa. Theo mình, mình có hai cảm nhận, một cảm nhận là Trung Quốc muốn thử xem là mình cứng rắn tới đâu. Sau tuyên bố là nó yêu cầu Việt Nam sửa nhận thức chung của người dân, có nghĩa là cấm biểu tình và sau tuyên bố đó thì nó lại làm một lẫn nữa, thì theo mình nghĩ thì một là có thể nó thử sự kiên trì của người Việt Nam tới đâu, thứ hai là nếu mà đứng về khía cạnh, về góc nhìn của một người dân thì Bảo nghĩ là trước hết nhìn vào cách xử lý của bên Bộ Ngoại Giao như thế nào, biểu tỏ thái độ như thế nào, hay là vẫn như lần trước.
Nếu mà Bộ Ngoại Giao Việt Nam xử lý không khéo và không cứng rắn hơn thì việc phản đối không còn nằm ở Trung Quốc nữa mà nó phản đối trực tiếp tới Bộ Ngoại Giao Việt Nam, tới chính phủ Việt Nam!
Bảo ở Sài Gòn
Lần này, mình nghĩ có thể là nếu mà bên Bộ Ngoại Giao Việt Nam xử lý không khéo và không cứng rắn hơn thì nó sẽ tự sinh thêm một cái nữa là việc phản đối không còn nằm ở Trung Quốc nữa mà nó phản đối trực tiếp tới Bộ Ngoại Giao Việt Nam luôn và phản đối tới trực tiếp chính phủ Việt Nam vì xử lý không khôn khéo. Đang đà biểu tình ở Việt Nam, đang bộc phát lòng yêu nước mà nếu chính phủ qua đợt này mà không thỏa đáng được tình cảm mà người dân đã bày tỏ trước đó thì có thể nó sẽ như con dao hai lưỡi, có nghĩa là vừa biểu tình chống Trung Quốc mà vừa biểu tình phản đối chính phủ Việt Nam có thể xảy ra.
Khánh An: Theo quan điểm của bạn Bảo vừa rồi, thì chính quyền Việt Nam đang ở trong tình thế buộc phải có một chính sách khôn ngoan và cương quyết nếu không muốn mất lòng dân. Thế nhưng, theo các bạn trẻ thì chính Đảng cầm quyền cũng đang gặp nhiều khó khăn và bị “trói” trong chính cơ cấu hệ thống của mình. Mời quý vị tiếp tục theo dõi phần cuối cuộc thảo luận trong chương trình kỳ tới.
No comments:
Post a Comment