BẢO ÐỊNH NGUYỄN HỮU CHẾ
Tiểu Ðoàn trưởng Tiểu Ðoàn 2/TrÐ43/SÐ18BB
ĐƯỜNG RA BIÊN GIỚI
Ăn Tết xong, đơn vị tôi lên đường hành quân vượt biên qua Kampuchia. Đây là lần thứ ba, cũng là lần cuối, các đơn vị thuộc Sư đoàn 18BB hoạt động bên ngoài lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Đó là đầu Xuân năm 1971.
Sau cuộc Tổng Công Kích và Nổi Dậy hồi Tết Mậu Thân năm 1968, hạ tầng cơ sở của Việt Cộng bị lộ diện. Bọn cán bộ nằm vùng như Lê Văn Hảo (giáo sư Đại học Văn Khoa Huế), Tôn Thất Dương Tiềm (giáo sư các Trường Tư thục Bồ Đề và Nguyễn Du, cũng là giáo sư quốc văn của tôi năm tôi học lớp Đệ Tứ B3 Nguyễn Du), anh em nhà Hoàng Phủ Ngọc Tường & Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân,…phải chạy vào bưng. Các đơn vị chủ lực địa phương VC bị tiêu diệt gần hết. Quân CSBV xâm lăng bị đánh tả tơi trên khắp các mặt trận. Bọn cán binh nao núng, tinh thần xuống thấp, nhất là tại mặt trận Sàigòn và Huế, nhiều tên ra chiêu hồi. Bọn họ là những tên cán binh bất đắc dĩ, buộc phải theo đoàn quân xâm lược vào Nam, không muốn “sinh Bắc tử Nam”, nên có dịp thuận tiện là xin ra chiêu hồi ngay. Hầu hết bọn chúng đều dấu diếm, thủ sẳn một tấm giấy truyền đơn “Thông hành Chiêu hồi”. Đó là trường hợp của Bùi Thiện và Đoàn Chính. Trung tá Huỳnh Cự và Thượng tá Tám Hà, những cán binh cao cấp, nhưng đã mất niềm tin với đảng cướp, cũng đã sớm rời bỏ hàng ngũ Cộng sản để trở về với Chính nghĩa Quốc Gia – Dân Tộc. Đại tá Bùi Tín và chiến sĩ gái Dương Thu Hương, mãi đến sau 30/4/1975 mới mở mắt. Dù muộn còn hơn không. Đáng tiếc thay, bây giờ vẫn còn những kẻ “ăn cơm Quốc Gia, thờ ma Cộng sản”.
Do những bản báo cáo láo của đám cán bộ cấp dưới – làm láo báo cáo hay – đinh ninh rằng thời cơ đã chín mùi, bọn đầu lĩnh Bắc Bộ Phủ quyết định tung hết lực lượng tấn công 44 tỉnh thành của VNCH trong cái gọi là “Cuộc Tổng Công Kích và Nổi Dậy mùa Xuân năm 1968” mà ta vẫn quen gọi là Biến cố Tết Mậu Thân. Nếu trong lúc này mà các nhà lãnh đạo VNCH dám đánh phủ đầu CSBV, đưa vài đơn vị thiện chiến đánh thẳng ra Bắc, thì lịch sử của đất nước ta sẽ đi về đâu. Do đánh giá tình hình sai lầm, chế độ Hànội, và bọn Côn đồ Giải phóng Miền Nam đã hoàn toàn chuốc lấy thảm bại. Quân CSBV xâm lăng phải chuồn qua bên kia biên giới, sang Kampuchia hay vùng hạ Lào để lo “rèn cán chỉnh quân”. Đất nước Miền Nam thân yêu của chúng ta được tạm yên ổn trong vài năm.
Binh pháp có câu: Phương pháp phòng thủ hữu hiệu nhất là tấn công. Do đó các đơn vị quân chính quy Sư đoàn, Biệt Động Quân, Dù, và Thủy Quân Lục Chiến đã thay nhau, liên tiếp mở những cuộc hành quân tảo trừ sang tận lãnh thổ Kampuchia và Lào để truy diệt Trung Ương Cục Miền nam, các Đại đơn vị và cơ sở Hậu cần của CSBV.
Đất trời đang vào Xuân. Gió Xuân nhẹ nhàng làm mát mặt người chiến sĩ trên đường ra tiền tuyến. Gió rì rào len qua kẻ lá. Gió làm tung bụi mù trời khi đoàn xe chở quân đi qua. Quốc lộ 22 bắt đầu từ Gò Dầu hạ, xuyên qua tỉnh lỵ Tây Ninh, đến đầu Thiện Ngôn nhựa đường còn tốt, chưa bị tróc hết, dù những đoàn xe nhà binh chở đầy quân hay kéo theo những khẩu đại pháo hạng nặng, ngày đêm qua lại. Những đoàn xe tăng M113 và M41 là hung thần của những con đường nhựa láng bóng. Nhưng những con trâu sắt này thì cứ ngày đêm đổ ra biên giới. Khi qua khỏi Thiện Ngôn đến cầu biên giới Xa Mát thì con đường chỉ là đất đá. Các Chiến đoàn 43, 48 và 52 của Sư đoàn 18BB vẫn theo lột trình này vượt biên hành quân truy kích địch trên đất bạn. Sư đoàn 25 tiến qua vùng Mỏ Vẹt; Sư đoàn 5 tiến qua vùng Mimot. Cộng quân thua xiểng liểng, phải chạy dài, chẳng khác nào cuộc tháo chạy “Vạn Lý Trường Chinh” năm xưa của Mao bên Tàu.
Những lần hành quân trước, đơn vị chỉ hoạt động dọc theo QL7 từ Krek đền Suong. Đất nước xứ Chùa Tháp từ lâu không có chiến tranh, người dân thì nghèo, mức sống thấp, không có nhiều xe cộ lưu thông, do đó đường sá còn rất tốt. Tuy nhiên hệ thống giao thông được mở mang từ thời Pháp, nên lòng đường hẹp. Các “phum” sống bình yên sau những rặng cây thốt nốt và dừa xanh.
Với kế hoạch tận truy, tận diệt Trung Ương Cục Miền Nam, và các đơn vị chính quy CSBV xâm lăng, lần này Quân đoàn III/QLVNCH do Tướng Đổ Cao Trí làm Tư lệnh, đã điều động Lực lượng Xung kích Quân đoàn III của Đại tá Trần Quang Khôi, các Chiến đoàn 3, 333 và 5 của BĐQ, hành quân đánh đuổi địch chạy dài từ đồn điền cao su Chup đến tận Dampierre. Cơ quan đầu não của chúng, Trung Ương Cục Miền Nam, tức Cục R bị đánh đuổi tơi bời, phải chạy từ vùng Mỏ Vẹt qua Kandol (giữa Krek và Chup), đang lủi về Dampierre, Chlong để lên vùng rừng rậm Kratie. Tiểu đoàn 2/43 của Thiếu tá Hắc Long Đổ Văn Tân được tăng phái một Chi đoàn Thiết kỵ và các Pháo đội 105 và 155 ly, hành quân lên đồn điền cao su Chup. Bộ Chỉ huy Chiến đoàn 43 của Trung tá Nguyễn bá Mạnh Hùng vẫn hạ trại tại Suong, một quận của tỉnh Kompong Cham. Các Sư 5, 7 và 9 của VC đang tập trung quanh khu vực để bảo vệ con đường tháo chạy của Cục R. Chúng được lệnh phải tử thủ để giữ tuyến đường, hầu các anh lớn của chúng có thì giờ đánh bài chuồn. Kế hoạch truy diệt quân CSBV đang trên đà thắng lợi thì một tin buồn đến với quân bạn: Trung Tướng Đổ Cao Trí, Tư lệnh Quân đoàn III kiêm Quân khu 3 đã tử nạn máy bay trực thăng vào một buổi sáng sớm khi ông cùng Bộ Tham Mưu cất cánh từ căn cứ Trảng Lớn, định đi thị sát chiến trường Kampuchia. Tướng Trí chết, kế hoạch hành quân do ông soạn thảo bị hủy bỏ khi người kế nhiệm của ông là Trung Tướng Nguyễn Văn Minh lên nắm quyền Tư lệnh. Các Chiến đoàn BĐQ đang truy kích địch, đang ác chiến với chúng tại Dampierre, được lệnh ngừng lại và rút trở về.
Trong thời gian này, tình hình chiến sự tại vùng đồn điền cao su Chup tương đối lắng dịu, so với nhưng trận chiến ác liệt đang diễn ra tại Dampierre, nơi mà ta và địch điều động đến cấp sư đoàn. Dọc theo Quốc lộ 7, lúc này chỉ còn những hoạt động lẻ tẻ của vài đơn vị nhỏ quân Bắc Việt phối hợp với bọn Khmers Đỏ. Thỉnh thoảng đơn vị tôi cũng chạm trán với quân CSBV cấp Đại đội, nhưng chúng không giao chiến lâu, mà thường thì tìm cách chém vè. Buổi chiều ngày đơn vị đến Chup, khi đoàn quân di chuyển qua một trường học, có một cuộc chạm súng nhỏ, chúng cho nổ vài trái mìn, bắn vài trái đạn B40, B41 và vài loạt AK rồi chạy trốn. Ta với địch đều vô sự. Nhưng đêm hôm sau, tình cờ mở đài Hànội, tôi đã nghe được bản tin động trời: “Quân và dân Kampuchia anh hùng đã chận đánh và tiêu diệt gọn Tiểu đoàn số 2 quân Ngụy Sàigòn, bắn cháy và gây hư hại hơn 100 xe quân sự và xe bọc thép. Tên Thiếu tá Hắc Long (danh hiệu truyền tin của Thiếu tá Tân) và hằng trăm tên lính Ngụy bị đền tội!”.
Tiểu đoàn hạ trại trên một cánh đồng lúa đã gặt, đồng ruộng rộng mênh mông, cách xa đường QL 7 lối vài trăm thước, và cũng không xa bao nhiêu trung tâm nhà máy đồn điền cao su Chup. Mỗi ngày các Đại đội hoạt động tuần tiểu quanh khu vực, và an ninh lộ trình từ Suong qua khỏi Chup, đến bến đò qua Kompong Cham. Đại đội 2/2/43 của tôi đã mở những cuộc hành quân thám thính vào tận các làng người Việt, nằm sâu bên trong khu rừng cao su già. Họ là đồng bào người Bắc, được thực dân Pháp mộ qua đây làm phu cạo mủ từ thập niên 1940. Cuộc sống tuy lam lũ, phải sống nơi rừng thiên nước độc, nhưng no đủ, không thiếu ăn như hồi còn ở quê nhà. Họ quây quần bên trong những ngôi làng riêng biệt. Nhà cửa hầu hết là mái tranh vách đất. Dù thế, cuộc sống tương đối ổn định. Những người già đến tuổi về hưu, hằng ngày cứ việc đến nhà máy của đồn điền ăn uống như lúc còn lao động. Đau yếu bệnh tật thì đã có Bệnh xá chữa chạy miễn phí. Nhưng kể từ khi Thủ tướng Lon Nol làm cuộc đảo chánh ông hoàng Quốc trưởng Norodom Sihanouk để tự phong làm Tổng Thống và tự gắn cấp Thống Chế 5 sao, tình hình sinh sống của đồng bào người Việt đã gặp muôn vàng khó khăn, nhất là nạn “cap Duồn’ (tức chặt đầu người Việt). Chính phủ của Thống chế Lon Nol đứng hẳn về phía Thế giới Tự Do chống Cộng sản, không còn giữ thể Trung lập. Chiến tranh đã bùng nổ lớn giữa quân Chính phủ và bọn Khmers Đỏ do CSBV hậu thuẩn. Cuộc chiến tràn lan, vào tận các làng mạc xa xôi. Tình hình chiến sự tại Kampuchia đã hình thành giữa hai thế lực: một bên là CSBV với quân Khmers Đỏ, một bên là QLVNCH với quân của chính phủ Lon Nol. Việt kiều sinh sống trên đất Kampuchia từ bao đời đã trải qua hai kiếp nạn: nạn cáp Duồn. Lần thứ nhất xảy ra vào năm 1945, và lần này với qui mô rộng lớn. Phần lớn bà con ta đã tìm đường chạy trốn. Nhưng vẫn còn một số kẹt lại. Tôi đã cho gom đồng bào. Nếu ai muốn về Việt Nam thì tôi xin xe GMC đưa họ về định cư tại Tây Ninh hay Hậu Nghĩa.
CHIẾN THẮNG ĐẦU XUÂN
Các lực lượng quân ta đang hành quân rượt đuổi bọn CSBV về hướng Kratie thì được lệnh ngừng và rút về. Cộng quân giờ đây chỉ đánh cầm chân, đồng thời cấp tốc điều động một lực lượng lớn trở lại hoạt động vùng đồn điền cao su Chup. Chúng bắt đầu quấy phá, và mở những cuộc phục kích trên QL7.
Căn cứ hỏa lực của Tiểu đoàn 2/43 với nhiều pháo đội 105ly, 155ly, và một Chi đoàn Thiết kỵ M113, có nhiệm vụ bảo vệ an ninh quanh khu vực Chup và một đoạn đường của QL7 từ Suong đến bến phà qua Kompong Cham. Hằng ngày các đại đội được tung ra hành quân lục soát trong khu vực, hay mở đường giữ an ninh trục lộ.
“BẮT SỐNG THẰNG ĐẠI ÚY”
Tôi nhận lệnh mở đường về hướng thị trấn Suong vào một buổi sáng. Khi đơn vị di chuyển ngang qua một trường học, bên phải là khu nhà dân. Tôi thấy tình hình có vẻ khác thường. Hàng ngày vẫn có trẻ em nô đùa trong sân trường, nhưng hôm nay thì vắng vẻ. Khu nhà dân im lìm, như đang say sưa trong giấc ngủ muộn. Tôi cho lệnh quân sĩ cẩn thận đề phòng. Lời nói chưa dứt thì Cộng quân đã khai hỏa. Những tràn đại liên, AK, B40, B41 thi nhau nổ tới tấp vào đội hình của Đại đội. Chúng tôi đã bị phục kích! Toàn Đại đội bị dồn xuống con đường mương sâu và rộng, chạy dài dọc theo lề đường. Những khẩu súng cộng đồng từ bên trong cửa sổ các lớp học không ngừng khạc đạn. Trong lúc đó, những tiếng la xung phong dậy trời phát ra từ khu nhà dân, nhất là câu “ Bắt sống thằng Đại úy! Bắt sống thằng Đại úy!” Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt ngay từ những giây phút đầu. Quân bạn cố sức chống trả nhiều đợt xung phong của địch. Những trái lựu đạn M26 được tung ra làm hàng rào chận địch. M16, M60, M79 bắn xối xả vào đội hình xung phong của Cộng quân, đã ngăn chận được các đợt xung phong biển người của chúng. Đường mương đủ rộng và dài để cho tôi và Đại đội Phó, Thiếu úy Phạm Đình Huệ (khóa 23 Đàlạt vừa mới ra trường) điều động quân sĩ. Bên phía trường học, ta với địch cách nhau một quảng sân trường, địa thế trống trải, nên chúng chỉ đặt những khẩu súng cộng đồng bắn yểm trợ. Phía dãy nhà dân, ta với địch chỉ cách nhau một quảng sân hẹp, nên là nơi xuất phát những đợt tấn công. Mặc dù bất ngờ, dù bị dồn xuống đường mương, phải chiến đấu trong một tình thế bất lợi, nhưng với tinh thần quyết chiến và rất quả cảm của tất cả quân sĩ, Cộng quân với thế thượng phong, vẫn không làm nên cơm cháo gì, trái lại đã bị quân ta đốn ngả rất nhiều. Sau hơn một giờ chiến đấu cam go, quân cứu viện được gọi đến. Chi đoàn Thiết Kỵ M113 với tiếng động cơ nổ ầm ầm, nghe mỗi lúc một gần. Pháo binh từng tràn, từng tràn, không ngớt rót vào đội hình của địch. Chúng đã nao núng, bắt đầu tìm cách rút êm. Tình hình có vẻ sáng sủa trở lại. Nhưng những trái đạn B40 và B41 vẫn tới tấp bắn vào đường mương, nơi chúng tôi đang co cụm. Khẩu SKZ 75 ly đặt ở đầu dãy nhà đã định được vị trí của Ban Chỉ huy Đại đội. Một trái đạn lướt qua đầu, nổ trên đường. Trái thứ hai nhắm trúng mục tiêu, đạn đụng thành mương nổ, các mảnh đạn tung tóe làm cho Thiếu úy Huệ bị thương nặng ở cánh tay trái, tôi thì bị một mảnh đạn ghim vào mặt, máu chảy lênh láng. Cặp kính cận vở. Máu chảy làm mắt mờ. Tôi tưởng chừng như như nặng lắm, nhưng sau đó mới biết chỉ là vết thương nhẹ, không cần phải tản thương. Dù Ban Chỉ huy Đại đội đang “tang gia bối rối”, quân sĩ của tôi vẫn chiến đấu dũng cảm. Tôi đã liên lạc được với quân cứu viện. Cũng là lúc các xạ thủ đại liên M 60 báo cáo hết đạn. Tôi cho lệnh tháo cơ bẩm. Lựu đạn đã được xử dụng tối đa từ đầu để ngăn chận những đợt tấn công biển người của địch, bây giờ cũng không còn trái nào! Tình thế thật là nguy khốn. Mặc dù quân cứu viện đang trên đường đến, nhưng có bắt tay được đơn vị tôi không là chuyện khác. Tôi định cho lệnh mở đường máu, tràn qua dãy nhà, tiến nhanh về hướng Tây, nơi đó là đồng ruộng trống trải, rồi nhắm hướng căn cứ hành quân của Tiểu đoàn mà chạy về. Nhưng địch bám chặt quá! Chúng cố tiêu diệt đơn vị tôi trước khi rút đi. Những tiếng la: “Bắt sống thằng Đại úy! Bắt sống thằng Đại úy!” lại vang lên. Để trả lời, bây giờ chỉ còn là những loạt đạn M16 nổ dòn. Quân sĩ hai bên sắp đánh cận chiến thì tình hình đã đổi khác. Đoàn quân cứu viện đã đến. Tiếng súng địch thưa dần. Quân CSBV vội vã rút chạy. Chúng không kịp mang theo số tử vong nằm trong sân trường, trên sân của dãy nhà dân. Phe ta dù bị phục kích bất ngờ, nhưng đã chuyển bại thành thắng. Chỉ cần một chiếc trực thăng tải thương đã đưa hết số bị thương về Việt Nam, trong đó có Thiếu úy Huệ, Đại đội Phó của tôi. Đây là trận đánh đầu đời lính của anh. Trái lại con số thương vong của địch quân là khá cao.
CHIẾN THẮNG KHÔNG ĐỔ MÁU
Một tuần lễ sau, cũng trong một cuộc hành quân mở đường. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này tôi thận trọng hơn. Tôi cho Đại đội mở rộng đội hình, bung sâu hai bên đường lục soát kỹ lưỡng. Vùng trách nhiệm là khu rừng cao su dọc theo hai bên đường QL7 tại Chup.
Nắng mai thật đẹp. Vài cụm mây trắng lững lờ bay trong bầu trời cao và xanh trong. Một đàn chim theo đội hình chữ “V” nhẩn nha bay về hướng Bắc. Không khí thật êm ả. “Xuân đang đang đến, nghĩa là Xuân đang đi”. Ước gì không có chiến tranh, không có đánh nhau để mình có thể nhàn rỗi dạo chơi trong cánh rừng mùa Xuân này. Tâm trí đang miên man suy nghĩ thì những tràn đạn AK chát chúa chen lẫn M16 nổ dòn, đã đưa tôi trở về với thực tại:
“Đại Lộc đây 23! Đại Lộc đây 23!”
”Đại Lộc nghe 5/5”.
“Trình Đại Lộc, 23 gặp phục kích, ta vô sự”.
“Nằm tại chỗ, chờ lệnh”.
“23 nhận 5/5”.
Tôi cho lệnh Trung đội 1 của Chuẩn úy Hào dừng quân bố trí tại chỗ, bung rộng đội hình, trông chừng hướng Đông. Tôi nhanh chóng hướng dẫn thành phần còn lại của Đại đội, di chuyển nhanh đến tiếp ứng cho Trung đội 3 của Chuẩn úy Cường đang chạm địch ở khu rừng phía Tây con đường.
Điểm chạm địch là khu rừng cao su già, thân cây lớn vừa vòng tay ôm. Một con đường lô chạy dài về hướng Bắc, song song với QL7, ngăn cách khu rừng này với rừng cao su non, ra đến mặt lộ. Trong lúc Trung đội 3 đang thận trọng di chuyển thì bị một loạt AK của tên VC núp trên ngọn của một cây cao su lớn khai hỏa. Tên VC bị bắn chết ngay, treo tòn ten, đầu ngược xuống đất, chân bị trói vào ngọn cây, khẩu AK còn dính trên vai. Tôi cho lệnh Trung đội 2 của Chuẩn úy Thạch lục soát kỹ khu rừng. Nhất là phải chú ý các ngọn cây. Trung đội 2 của Thạch phát hiện vài toán VC, nhưng chúng vừa bắn vừa chạy. Vài tên bị bắn hạ, vài tên chạy thoát được, lủi vào rừng sâu. Trung đội 3 của Chuẩn úy Cường tiếp tục thận trọng tiến lên phía trước, đã phát hiện một ổ kháng cự mạnh. Đó là một hầm chiến đấu lớn, được ngụy trang khéo. Hầm chìm sâu dưới mặt đất. Nóc hầm được che chở bằng thân cây. Tổ khinh binh của Cường tiến lên bị bắn dội ngược trở lại. Tôi báo cáo Hắc Long, tức Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng. Hắc Long cấp tốc điều động ngay một Chi đội Thiết kỵ M113 tăng viện cho tôi. Nhờ hỏa lực mạnh của thiết giáp cùng hỏa lực đại liên M60 cơ hữu, và M16 cá nhân bắn che, tổ khinh binh bò sát lên ném lựu đạn. Những những trái lựu đạn M 26 được ném ra tới tấp, lăn vào chỗ trũng. Sau đó là những tiếng la xung phong dậy trời. Toàn Trung đội dàn hàng ngang tiến lên. Khói súng mịt mờ. Ổ kháng cự bị câm họng ngay. Chỉ trong chốc lát, 4 tên VC bị lôi ra khỏi hầm. Chân chúng bị trói vào nhau bằng dây điện thoại Trung cộng. Đơn vị lại tiếp tục tiến. Một hầm, lại một hầm nữa bị phát hiện. Những hầm chiến đấu này của Cộng quân cũng bị cùng chung số phận như những hầm trước, cũng bị diệt gọn với những tên VC bị banh xác, chúng cũng bị trói chân vào nhau. Có một điều lạ lùng là hầm nào bị phát hiện thì chỉ hầm đó chống trả, không hề có sự yểm trợ của hầm khác, theo thế “kiềng chốt” mà chúng rất sở trường. Đến hầm thứ năm, ba trong số 5 tên còn sống vội xin đầu hàng. Chúng được kéo lên khỏi hầm. Tôi liền hỏi cung một tên có vẻ là cấp chỉ huy, vì mặt mày tên này khá sáng sủa. Đúng là cấp chỉ huy. Hắn là tên cán binh cấp C, tức Đại đội. Hắn thành thật khai báo: “ Chúng tôi có 4 Tiểu đoàn tham dự cuộc phục kích này. Hai Tiểu đoàn bố trí trên tuyến phục kích, từ đây đến Suong. Hai Tiểu đoàn khác bố trí sâu bên trong, nằm chờ trong cánh rừng phía Đông, sẵn sàng vận động chiến tiếp ứng. Nhưng chúng tôi không phục kích các ông, mà phục kích Chiến đoàn BĐQ đang trên đường rút ra từ Dampierre”. Thế là đã rõ. Thắc mắc của tôi đã được giải đáp. Đơn vị tôi không phải là mục tiêu chính, nên hầm nào chưa bị phát hiện thì phải nằm yên mai phục, không được lộ diện. Chúng được lệnh chờ con mồi lớn, đó là Chiến đoàn BĐQ rút ra từ Dampierre. Tin tức thật hấp dẫn và nóng hổi. Tôi báo cáo lên trên và được lệnh ngay tức khắc trở về căn cứ. Chi đoàn Thiết Kỵ M 113 đến cỏng chúng tôi về, cũng là lúc đoàn quân Biệt Động vừa di chuyển qua khỏi khu vực trách nhiệm. Trung đội 1 của Chuẩn úy Hào ở bên kia đường báo cáo cho biết VC rất đông, chúng từ bên trong rừng sâu, đồng loạt đứng xổng người. Tất cả đều quân phục trận màu xanh, nón cối ngụy trang, đang từ từ tiến ra đường. Nhìn về hướng Đông, tôi thấy đúng như vậy. Một rừng người, đúng là một đàn kiến xanh, sổng lưng, đang tiến ra QL 7. Vội vã thu dọn chiến trường. Chiến lợi phẩm là mười mấy khẩu súng AK, B40, B41, một súng sối 61ly, một khẩu SKZ 107 ly, một máy truyền tin Trung cộng, và 3 tù binh. Tất cả lên xe M 113, băng đồng trở về căn cứ. Bên ta hoàn toàn vô sự! Chuyện khó tin nhưng có thật. Đúng là chuyện hy hữu!
Thật sự, tôi đã gặp may. Hay nói một cách khác, tôi có số mạng cầm quân. Với trận phục kích cấp Trung đoàn tăng cường đó của quân CSBV, đơn vị cấp Đại đội của tôi chỉ là hạt muối bỏ biển. Trong chiến trận, may rủi là chuyện thường tình. Nếu không vì một con cá lớn là Chiến đoàn BĐQ, thì Đại đội tôi đã bị nuốt gọn. Cũng vì đợi chờ con cá lớn, chúng chịu hy sinh những cái lẻ tẻ. Kết quả có lối 30 tên CSBV bị hạ sát tại chỗ. Tên nào cũng chết banh thây vì lựu đạn. Chúng đều bị cột dính chùm vào nhau trong những hầm hố chiến đấu.
Chiến thắng không lớn lắm, nhưng rất quan trọng. Kế hoạch phục kích, kế hoạch đánh chận Chiến đoàn BĐQ từ Dampierre rút ra hoàn toàn bị bẻ gãy. Nếu đơn vị tôi không phát hiện được kịp thời thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho Chiến đoàn BĐQ. Khi kế hoạch bị bại lộ, cấp chỉ huy của chúng đã không có những bước đi kế tiếp để đối phó với tình hình mới. Chúng đã không hề học bài học “xử trí” hầu ứng phó với tình hình biến chuyển. Chúng chỉ khư khư chấp hành mệnh lệnh một cách mù quáng của Đảng ủy chiến trường. Từ sự việc này, một lần nữa, tôi có thể kết luận lũ tướng tá VC rất ngu xuẩn, trình độ thấp kém, không biết cách vận dụng trí tuệ (nhưng chúng vẫn tự nhận là đỉnh cao của trí tuệ! có lẻ là trí tuệ của loài khỉ đột) để ứng phó. Cấp chỉ huy không có sáng kiến, không biết vận dụng trí tuệ là nguyên nhân đưa đến thất bại.
Michigan, Mùa Tuyết trắng năm 2007.
Bảo Định
Tro ve dau trang
No comments:
Post a Comment