Xin hãy yêu …
TRƯƠNGGIA VY
Việt Tribune
“….Cách đây 2 năm khi còn làm bác sĩ ở Kaiser, em cứ tự hỏi tại sao có những bệnh nhân và gia đình bốn năm lần hỏi đi hỏi lại cũng vẫn chỉ một câu hỏi mặc dầu mình đã tận tình giải thích rất tỉ mỉ. Bây giờ, là cương vị người bệnh, tuyệt vọng đi tìm phương thuốc chữa cho chính mình, em mới thật hiểu. Nếu cơ may, lành bệnh, trở lại đi làm, em sẽ dành thì giờ cho bệnh nhân nhiều hơn, yêu thương họ hơn!”
Đó là lời chia xẻ của bác sĩ Lâm Mỹ Việt đã nói với tôi vào sáng thứ Bảy vừa qua, tại toà soạn Việt Tribune. Bạn biết không ngày cuối tuần vốn là ngày hạnh phúc của chúng ta, tôi cũng thế, đó là thì giờ dành cho gia đình sau những ngày lao đầu trong công việc, vậy mà, tôi đã phải xin khất lại tất cả để gặp một người con gái xa lạ bởi vì tôi biết cô đang chờ tôi và tôi cũng cần gặp cô.
Tại sao? Chắc bạn đang nhìn tôi, chờ đợi sự giải thích phải không?
Để tôi kể bạn nghe nhé. Sáng thứ Sáu, tôi nhận được một điện thư của một độc giả tên Nhân Trần, gởi đến địa chỉ thudocgia@viettribu ne.com với giòng chữ mở đầu … kính gởi các anh chị toà soạn báo Việt Tribune, đặc biệt là cô TrươngGia Vy và bác Giao Chỉ câu chuyện về bác sĩ Việt Lâm, người đang bị ung thư máu và đang cần cộng đồng Việt Nam hiến tủy để cứu mạng sống. Tôi chưa kịp đọc xong bức điện thư thì chuông điện thọai reo, bên đầu giây là giọng quen thuộc của Hoàng Mộng Thu: “Chị ơi, hôm nọ chị có hứa giúp giùm bé Barry Pham, 9 tháng cần hiến tủy. Hôm nay có thêm một người nữa. Chúng em cần chị!” Và đó là lý do mà tôi gặp Lâm Mỹ Việt.
Bạn ơi, phải chi có bạn ngồi kế tôi ngày thứ Bảy vừa qua, để thấy những giọt nước mắt của Hoàng Mộng Thu, của Lâm Tuyết Ni, của Lâm Mỹ Linh là hai người chị của em. Tôi cũng vậy, mắt tôi cũng đỏ hoe khi nghe về đời của bác sĩ Lâm Mỹ Việt.
Cha mẹ chia tay năm em vừa sanh ra. Cha được quyền nuôi dưỡng 2 người con lớn là Lâm Bình và Lâm Tuyết Ni, ông lập gia đình khác mang theo 2 con từ Mũi Né, Phan Thiết, dọn vào Sàigòn. Lâm Mỹ Việt và Lâm Mỹ Linh ở lại với mẹ, làm y tá, tại Mũi Né một làng chài cá nhỏ bé thuộc tỉnh Phan Thiết cách Saigon 200 cây số. Năm lên 4, mẹ qua đời. Người anh Lâm Bình, bỏ Saigon về lại Mũi Né để lo cho 2 em. Năm Lâm Bình 18, em đã lén lút dắt theo Mỹ Linh 14, Mỹ Việt 11 theo chân những người vượt biên để tìm đến bến bờ tự do. Nhờ tàu Mỹ nhân đạo vớt giữa lúc con thuyền nhỏ sắp chìm trong cơn bão dữ, ba anh em đã trải qua khoảng thời gian chật vật trong trại tị nạn ở Singapore và Indonesia .
Năm 1985, cả 3 được nhà thờ bão lãnh đến Michigan . Lâm Bình đã quá tuổi vị thành niên, bị tách ra, em phải ghi danh vào chương trình National Job Corps để được chính phủ giúp đỡ. Còn lại Linh và Việt, 2 em đã dắt díu nhau đi từ gia đình cha mẹ nuôi này đến căn nhà bão dưỡng khác. Vậy đó mà cả hai đã vượt bao khó khăn thử thách, một thân một mình nơi xứ lạ quê người, học tập ngôn ngữ mới, phong tục tập quán mới để trở thành người hữu dụng. Mỹ Linh làm bác sĩ gây mê. Mỹ Việt thành bác sĩ nội thương.
Mỹ Linh cho biết lúc đó tiếng Việt của 2 em rất dở. Các em học tiếng Việt bằng cách nghe những bài nhạc Việt Nam . Ra trường, em quyết định tìm về nơi có cộng đồng Việt Nam để sinh sống, vì vậy em từ chối vị trí trường Michigan dành cho em để nhận làm trong một bệnh viện ở San Francisco. Câu trả lời cô dành cho người Viện Trưởng khi ông trách sao cô không ở lại làm việc ở Michigan : “Cám ơn sự ưu đãi của ông, nhưng xin lỗi, tôi muốn tìm về cội nguồn của tôi!” Hai năm sau, ra trường lúc 33 tuổi, tháng Giêng năm 2006 cô theo chị về California, nơi mà cô biết là cộng đồng người Mỹ gốc Việt của cô đang ngày càng tăng trưởng lớn mạnh. Cô làm bác sĩ điều trị tại bệnh viện Kaiser, San Rafael . Nơi đây, cô vẫn chưa có cơ hội để tiếp xúc nhiều với cộng đồng Việt Nam . Cả hai đều tạ ơn trời đất đã quá rộng tay ban nhiều ơn phước cho mình. Mỗi năm, đến kỳ nghĩ thường niên, Linh và Việt vẫn thường đi đến những nước ở miền Nam Mỹ để giúp săn sóc các trẻ em mồ côi bệnh hoạn. Linh phụ trong việc chữa lành những bệnh sứt môi vì trước khi trở thành bác sĩ gây mê, cô là bác sĩ giãi phẫu.
Tháng Năm, 2008 Mỹ Việt phát hiện cô bị nổi những cái hạch nhỏ ngay cổ, da bị ngứa. Kết quả thử nghiệm cô mắc phải cơn bệnh ung thư máu (Non – Hogkin Lymphoma) rất hiểm nghèo. Thế là ngưng làm bác sĩ. Ngưng mộng giúp đời, giúp người. Thế là cuộc đời cô bác sĩ trẻ đang tươi sáng ngừng lại bằng những ngày đêm vật vã với cơn đau, bằng những lần hóa trị. Mái tóc đen, dầy cắt ngắn mạnh khoẻ đã rụng dần vương vãi trên mặt gối trắng mỗi đêm. Bây giờ, ngồi trước tôi là một cô gái xanh xao, chiếc đầu trọc, đôi mắt ngấn lệ. Nhưng bạn ơi, nụ cười của em mới tươi non làm sao. Hai lúm đồng tiền vẫn sâu và em vẫn can đảm để kêu gọi sự cứu giúp không cho riêng em mà cho luôn cả những bệnh nhân khác đã, sẽ và đang cần sự giúp sức của chúng ta.
Cả hai người chị của Mỹ Việt đều không có máu tủy hạp với em. Theo sự giải thích của bác sĩ Đỗ Lâm, người cống hiến thời gian của mình trong hoạt động hiến tủy, đứa con trai của anh cũng bị bệnh và đã được chữa khỏi nhờ tủy của một nhân viên cảnh sát người Mỹ gốc Nhật ở Seattle, trong 10 triệu người mới tìm được một người có tủy sống giống mình.
Hoàng Mộng Thu nước mắt ngắn dài, nhìn Mỹ Việt cô lại nhớ đến Michelle, cô con gái nhỏ xinh đẹp, trái tim của Hoàng Mộng Thu cũng đã mất vì không tìm được tủy tương thích và cô theo nguyện ước trước khi mất của con gái, đem hết thì giờ của mình để giúp những bệnh nhân đang mắc căn bệnh quái ác này. Cũng cái đầu trọc vì hóa trị, cũng nụ cười tươi với lúm đồng tiền, Mỹ Việt làm chúng tôi nhớ Michelle một cách lạ lùng.
Bạn ơi, tôi ước gì có thể chia được cho các em chút sức sống còn lại trong tôi. Các em còn non trẻ quá, tương lai các em còn dài, các em chính là hy vọng là tương lai của cộng đồng mình. Vậy mà, tôi ngồi nhìn em, bó tay, bất lực.
Chưa bao giờ tôi chạy rong ngoài đường nhiều như ngày thứ Bảy vừa qua. Hình như sự can đảm trong sáng trong giọng nói, nụ cười của Mỹ Việt làm tôi quên cả mệt mõi. Chúng tôi xin được kêu gọi sự giúp sức của cộng đồng trên đài Quê Hương. Cô Đoan Trang và ông Nguyên Khôi đã cho không chúng tôi một tiếng để hội thoại trên radio và một tiếng trên TV. Ăn vội một chén cháo, cả bọn, kéo luôn bác sĩ Đỗ Lâm chạy qua Calitoday để có buổi hội thoại với anh Thái Quốc Hùng. Phạm Phú Nam đang đưa cậu con đi thi cũng bỏ về cùng với Phương Đông, chuyên viên kỹ thuật của đài IRCC để đem câu chuyện của Lâm Mỹ Việt lên phát sóng.
Bạn ơi! Tôi biết cộng đồng chúng ta rất giàu lòng nhân ái. Người Việt từ nhỏ dù xuất thân giàu sang hay nghèo hèn đều được gia đình dạy cho điều nghĩa nhân và trọng hạnh bố thí. Xin bạn hãy cùng tôi, chúng ta giúp cho những người bất hạnh.
Trời vẫn còn lất phất mưa bão trong lúc tôi lái xe về nhà, trong hồn vẫn còn vương vấn giọng cười dòn của Mỹ Việt cùng tiếng ho của em, đôi mắt sầu thảm của bác sĩ Đỗ Lâm khi kêu gọi hiến tủy, giọng nói nức nở đứt nghẹn của Tuyết Ni và Mỹ Linh và những hàng lệ chảy dài trên má Hoàng Mộng Thu.
Về nhà, tôi vào Google, đánh chữ Viet Lam MD, Kaiser. Hiện lên màn hình máy tính là hình ảnh một cô bác sĩ tóc dài chẻ gìữa, đôi mắt sáng với cặp kính cận và nụ cười rộng mở. Tôi nhớ đến cô gái tôi vừa mới chia tay, đầu trọc, những cơn ho kéo dài như muốn bung cả lồng ngực của em, ốm yếu, run rẩy nhưng nụ cười vẫn thường trực trên môi, giọng cười vẫn trong trẻo. Vậy mà, bỗng dưng tôi lại nghe giọng hát không phải của các ca sĩ nỗi danh mà là của anh Thịnh Văn Trương của đêm thứ Sáu vừa qua trong bài ca tôi yêu thích … “nếu có yêu tôi, thì đến với tôi bây giờ. Đừng để ngày mai, đến lúc tôi xa đời…”
Bạn thân mến, cho tôi đổi thành lời kêu gọi
…. Xin hãy yêu tôi, và đến với tôi bây giờ
Đừng để ngày mai, đến lúc tôi xa đời
Đừng để ngày mai, đến khi tôi nằm im hơi
Cát bụi làm sao, mà biết mĩm cười…”
Bạn ơi, xin hãy yêu giùm những thân phận nhỏ nhoi đang chờ sự quan tâm cứu giúp của những tấm lòng nhân ái! [TGV]
Tro ve dau trang
No comments:
Post a Comment