Khiêm Nhường và Kiêu Ngạo
Khiêm Nhường và Kiêu Ngạo đều viết tắt là K.N. Nó giống nhau cách viết nhưng hoàn toàn khác nhau về tính chất. Khiêm nhường là khiêm tốn trong quan hệ đối xử, không giành cái hay cho mình mà sẵn sàng nhường cho người khác; không tự mãn tự kiêu cho mình là hơn người. Kiêu ngạo là tự cho mình hơn nguời, coi thường những người khác. Ai cũng mến người khiêm nhường và ghét người kiêu ngạo, mặc dù kiêu căng là bản tính của con người. Tác giả truyện “Tây Du Ký” muốn nêu lên tâm lý con nguời giống con khỉ Tôn Ngộ Không muốn bằng trời nên tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh. Theo Kinh Thánh, Satan, thiên sứ Lucifer phản nghịch muốn có quyền năng bằng Đức Chúa Trời nên bị Ngài nguyền rủa và đày xuống hỏa ngục.
Trong Kinh Thánh có đoạn nói về sự kiệu ngạo: Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau, và tánh tự cao đi trước sự sa ngã (châm ngôn 16:18)-Pride goes before destruction, and a haughty spirit before a fall. (Sự sa ngã, theo Kinh Thánh là sự mất đi tính trong trắng vô tội của nhân loại tiếp theo sự không vâng lời của Adam và Eve khi nghe lời cám dỗ của Satan ăn trái Chúa cấm để có được sự tinh khôn và sẽ nên như những Thiên Chúa biết cả tốt xấu). Bàn về chữ Pride trong câu tiếng Anh, ta có hai nghĩa khác nhau. Một, nói lên niềm tự hào, hãnh diện, và tự trọng là điều tốt. Hai, nói lên tính tự thị, tự cao, tự đại, kiêu ngạo vốn dĩ là tính xấu. Vậy tính tự hào, hãnh diện nên được giới hạn ở mức vừa phải, đừng để đi quá lố, dễ biến thành tính kiêu căng, hợm hĩnh đáng ghét.
Kinh Dịch, quyển sách căn bản của đạo học Đông Phương rất chú trọng đến đức Khiêm. Quẻ thứ 15 trong Kinh Dịch là Địa Sơn Khiêm, nghĩa là núi tuy cao nhưng chịu nhún nhường nằm dưới đất, hoặc nói cách khác đất tuy thấp nhưng trong lòng lại có chứa núi, có ý nói về người có bản lãnh nên cư xử ôn nhu khiêm tốn. Quẻ này chứa nhiều câu giảng trình thâm thúy về đức Khiêm. Trong sách Học Làm Người của Nguyễn Hiến Lê có đoạn: “Kinh Dịch, đạo của người quân tử: Khiêm là đạo của trời, đất và người. Trời có đức Khiêm vì ở trên đi xuống chổ thấp mà sáng tỏ; đất có đức khiêm vì chịu ở dưới mà đi lên. Đạo trời, cái gì đầy thì làm cho khuyết đi, cái gì thấp kém (khiêm) thì bù đắp cho (Thiên đạo khuy doanh nhi ích khiêm). Đạo đất, đạo quỉ thần cũng vậy. Còn đạo nguời, thì ghét kẻ đầy, tức sự kiêu căng thỏa mãn, mà thích kẻ khiêm tốn (Nhân đạo ố doanh nhi hiếu khiêm)”.
Khiêm nhường là coi trọng người khác, bởi lẽ ở bất cứ người nào cũng có những điều chúng ta có thể học hỏi được. Người khiêm nhường biết nhìn nhận khuyết điểm hay lỗi lầm của mình. Nếu khi nghe lời phê bình mà nóng mặt, hay sôi máu lên thì đó là dấu hiệu của sự thiếu khiêm nhường.
Đức tính khiêm nhường đòi hỏi sự tự chế đối với bản thân. Khi đắc ý về mình ta có thể nhẹ nhàng, khéo léo thổ lộ điều đó cho bạn bè biết, thổ lộ một lần thôi cho mỗi người bạn, thế cũng đủ rồi, Như vậy mới đúng là khiêm nhường. Ngược lại, nếu ta đem thành tích của mình, dù là thành tích đích thực đi nữa, ra khoe khoang nhiều lần với quá nhiều người thì ta trở thành kẻ vô duyên, xa lạ với tính khiêm nhường. Nhà văn Pháp La Rochefoucauld (1613-1680) có nhận xét như sau trong tác phẩm Reflexions ou Sentences et Maximes Morales (goi tắt là Maximes) của ông:” Tự hào về mình thì được, nhưng khoe với người khác là lố bịch”. Cũng diễn đạt ý đó, tục ngữ Việt Nam có câu: “Mèo khen mèo dài đuôi”. Tương tự như thế, Hòa Lan có câu ngạn ngữ: “Con khỉ càng leo cao thi càng hở mông”, ngụ ý nói người tự cao, tự đại hay khoe khoang dể trở thành kẻ lố bịch dưới mắt thiên hạ.
Tính kiêu ngạo thường dẫn tới tật khoe khoang, vốn dĩ không có cơ sở chính đáng. Thánh Kinh cho rằng con người không có một cơ sở nào để hợm mình, khoe khoang về những gì mình có, hay những gì mình thực hiện được, vì tất cả là quà của Thượng Đế ban cho. Người có tài năng xuất chúng người đời gọi là thiên tài (divine gift) tức là cái tài do trời cho vậy. Trong một bức thư Thánh Phao-Lồ gởi giáo hữu Cô-rinh-tô, Ngài nhắc nhở: “Ai bảo là anh chị em hơn người khác? Có gì anh chị em có mà không phải quà tặng đâu? Và nếu là quà tặng thì tại sao anh chị em tự hào như thể quà đó do tay mình làm ra?”
Người kiêu ngạo chỉ thấy mình là tất cả, mình tài giỏi hơn, khôn ngoan hơn người khác, ý của mình luôn đúng, văn thơ mình luôn hay, họ không thấy trời cao đất rộng, như ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung.
Hiền triết Đông Phương nhấn mạnh: “Mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích” có nghĩa là “tự mãn, kiêu ngạo sẽ mời gọi sự tổn hại, còn khiêm tốn thì nhận được lợi ích”. Thánh Kinh cũng phân biệt rõ: “Sự kiêu ngạo của người sẽ làm hạ người xuống, nhưng ai có lòng khiêm nhường sẽ được cất lên”.
Chúng ta còn nhớ chiếc tàu Titanic vĩ đại của Anh Quốc đóng vào đầu thế kỷ 20 tại Belfast, Ái Nhĩ Lan dài bằng 4 khu phố, cao 13 tầng, nặng trên 46 ngàn tấn, có thể chứa đuợc 3000 người. Người ta khen chiếc tàu là một kỳ công của nhân loại và thường khoe đây là chiếc tàu không thể chìm (The Unsinkable). Ngày 10 tháng 4 năm 1912, tàu Titanic khởi hành từ Southampton, Anh Quốc nhắm tới New York với lối 2200 khách, trong số đó nhiều người là quý tộc và trưởng giả. Ngày khởi hành, viên thuyền trưởng ngạo nghễ tuyên bố một câu xanh dờn: “ Ngay cả Chúa cũng không thể đánh đắm chiếc tàu này nổi” (God himself could not sink this ship). Không tới 5 ngày sau, tàu đụng vào tảng băng sơn khổng lồ, nứt ra và chìm dần xuống đáy biển Đại Tây Dương mang theo trên 1500 sinh mạng. Tàu biến mất dạng khỏi mặt biển sáng sớm ngày 15 tháng 4 năm 1912 ! Đây là một trường hợp điển hình của tính kiêu ngạo khoác lác đưa tới hậu quả cực kỳ thê thảm.
Câu chuyện Tử Kích và Điền Tử Phương cho ta bài học sau đây. Tử Kích, một bậc quyền thế, đi xe, gặp Điền Tử Phương, một bậc hiền tài, đang đi ở bên đường, bèn xuống xe chào. Điền Tử Phương không đáp lễ. Tử Kích nổi giận, bắt lỗi Điền Tử Phương rằng: “Kẻ phú quý khinh người đã đành, người bần tiện có khinh người được chăng?”. Tử Phương nói: “Vua khinh người thì mất ngôi, quan khinh người thì mất chức. Kẻ có học thức xử cách bần tiện, nói vua không dùng, quan không nghe theo thì xỏ chân vào giày đi ngay lập tức, đến đâu mà chẳng được bần tiện, còn lo gì mà không dám khinh người. Tử Kích nghe ra, bèn xin lỗi Tử Phương. Đây cũng là một trường hợp điển hình của tính kiêu ngạo phát sinh từ nguyên do tự cho mình là người có quyền cao chức trọng hơn người. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng trường hợp kiêu ngạo-khiêm tốn trên đây là một trường hợp hết sức đặc biệt. Bởi lẽ sau cùng Tử Kích đã xin lỗi Điền Tử Phương mặc dù Điền Tử Phương cũng có lỗi là không chịu đáp lễ khi được Tử Kích chào hỏi trước. Kết cục, Tử Kích biết phục thiện, và trên bình diện nào đó Tử Kích tỏ ra khiêm nhường hơn Điền Tử Phương.
Đạo Công giáo có 10 Đìều Răn và 7 Mối Tội Đầu mà mỗi giáo hữu khi còn nhỏ đã phải học thuộc lòng để trở thành con chiên tốt lành của Chúa. Trong 7 mối tội đầu có 3 tội được xếp hàng đầu: Thứ nhất kiêu ngạo, Thứ hai hà tiện, Thứ ba dâm dục. Người đời nghe nói đến “dâm dục” thì hình như ai cũng cho là gớm ghiếc không muốn nghe. Nhưng nếu nói đến cụm từ nào mà có chữ “tình” như, tình yêu, tình ái, tình dục thì người nghe thấy có cảm tình ngay. Bởi lẽ hai chữ “dâm dục” mang cái nghĩa tục tĩu, dâm loạn, bất chánh. Như trường hợp ngoại tình, lấy vợ bạn, cha con, anh chị em, bà con lấy nhau…! Cái tội dâm dục này không chừa một ai, giới trí thức, văn nghệ sĩ, người có chức quyền, và các bậc tu hành đều có thể vấp phạm. Và cái hậu quả của nó đôi khi không thể lường được: án mạng giết người vì ghen tương, hạnh phúc gia đình đổ vỡ, tự tử, phá thai… Tội lớn như thế mà nó được xếp hàng thứ ba sau tội Hà tiện và tội Kiêu ngạo.
Thế mới biết tội Kiêu ngạo là một tội nặng nề biết chừng nào! Nó là đầu mối cho những tội lỗi khác. Như vậy, những kẻ kiêu ngạo sẽ bị Trời Đất nguyền rủa không dung tha.
Lê Quang Sinh
Xuân Canh Dần
=====================================
=================================================
No comments:
Post a Comment