China'sThreatToAmer icanEconomicStab ility_CNN
TẠI SAO HOA KỲ VÀ TRUNG QUỐC SẼ ĐỤNG ĐỘ ?
Ngày 08-02-2010, giờ 01:37
Ðó là câu hỏi mà ký mục gia Gideon Rachman của tờ Financial Times đưa ra khi nhận xét về việc Google quyết định đối đầu với Bắc Kinh và nói là sẽ sẵn sàng rút lui nếu chính quyền không chịu giảm thiểu việc kiểm duyệt.
Ông Rachman không lạ gì với Á Châu. Trước khi tham gia làm ký mục gia cho tờ Financial Times, ông đã từng là phóng viên thường trú của tờ The Economist ở Bangkok . Hơn thế, sau đó ông về làm chủ biên Á Châu của tờ tạp chí kinh tế nổi tiếng của Anh Quốc này. Ông cũng từng là phóng viên thường trú của tờ The Economist tạiWashington và Brussels . Là một người hiểu rõ cả Ðông lẫn Tây, cả Âu lẫn Á, cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc, những nhận xét của ông đáng để chúng ta chú ý.
Theo ông, cuộc đụng độ giữa Google và Trung Quốc không phải chỉ là về số phận của một công ty, dầu cho đó là một công ty vô cùng hùng mạnh. Việc công ty quyết định rút ra khỏi Trung Quốc, trừ phi chính phủ thay đổi chính sách về kiểm duyệt, là dấu hiệu cho sự việc là liên hệ Mỹ-Trung sẽ ngày càng đi vào cơn sóng gió.
Theo ông, vụ này còn đáng chú ý hơn nữa vì nó cho thấy những giả định trên đó tất cả chính sách Hoa Kỳ đối với Trung Quốc được đặt nền tảng kể từ sau cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989 là đã hoàn toàn sai. Hoa Kỳ đã chấp nhận, và ngay cả chào đón, sự hình thành của một Trung Quốc như là một cường quốc kinh tế bởi vì các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ tin là cởi mở kinh tế rồi sẽ dẫn đến cởi mở chính trị tại Trung Quốc.
Nếu định đề đó thay đổi, chính sách của Hoa Kỳ với Trung Quốc cũng sẽ phải thay đổi. Chào đón một cường quốc đang lên tại Á Châu mà rồi sẽ trở thành một nền dân chủ tự do là một điều có thể chấp nhận được. Bảo trợ cho sự lớn mạnh của một chế độ Leninist độc đảng, mà có thể trở thành đối thủ địa lý chính trị duy nhất của Hoa Kỳ, lại là điều khác hẳn. Kết hợp việc này với sự thất vọng chính trị của một nền kinh tế đang chịu thất nghiệp đến hai con số vốn hiện đang đổ cho là vì chính sách dìm giá tiền tệ của Trung Quốc thì chúng ta rõ ràng có một công thức cho một phong trào bài Trung Quốc.
Cả hai tổng thống Bill Clinton và George Bush đều tin tưởng là mậu dịch tự do, đặc biệt trong thời đại Internet, sẽ làm cho Trung Quốc đương nhiên có thay đổi chính trị. Khi đến thăm Trung Quốc năm 1998, ông Clinton tuyên bố “Trong thời đại tin học, khi thành công kinh tế dựa trên tư tưởng, tự do cá nhân là điều căn bản cho sự vĩ đại của bất cứ một quốc gia nào.” Một năm sau, ông Bush cũng đưa ra cùng một luận điệu “Tự do kinh tế tạo thói quen tự do. Và thói quen tự do tạo trông đợi dân chủ... Buôn bán tự do với Trung Quốc thì rồi thời gian sẽ thuộc về chúng ta.” Ngay cả các cố vấn của hai vị tổng thống cũng nghĩ vậy. Ông Robert Wright, một trong những nhà tư tưởng được ông Clinton rất mê, đã lý luận là nếu Trung Quốc ngăn chặn tự do tiếp cận Internet, “cái giá phải trả sẽ là thất bại kinh tế thảm hại”.
Nhưng cho đến nay thực tế cho thấy sự tin tưởng đó là không tưởng. Trung Quốc tiếp tục kiểm duyệt cả truyền thông cũ lẫn mới, và mặc dầu vậy họ nào có bị “thảm bại kinh tế” đâu. Ngược lại, Trung Quốc nay là nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới và là quốc gia xuất cảng lớn nhất thế giới, với một dự trữ ngoại tên lên đến trên 2,000 tỷ đô la. Nhưng tất cả những sự tăng trưởng kinh tế này không cho thấy có dấu hiệu gì thúc đẩy thay đổi chính trị mà ông Bush và ông Clinton trông đợi. Ngược lại, chính phủ Bắc Kinh còn có vẻ siết chặt hơn nữa. Ngoài những vụ đàn áp các nhà dân chủ như vụ bỏ tù 11 năm ông Lưu Hiểu Ba, người mà tội duy nhất là tìm cách phổ biến một hiến chương kêu gọi dân chủ đa nguyên, Bắc Kinh đã ngang nhiên lập một bức tường lửa “vạn lý trường thành” để bao vậy dân chúng của họ ra khỏi mạng Internet toàn cầu.
Trong hoàn cảnh đó, ông Rachman tin là việc Google có quyết định đối đầu với chính phủ Trung Quốc là một báo động sớm là Hoa Kỳ đã bắt đầu chán phải đối phó với Trung Quốc độc tài. Nhưng áp lực lớn nhất sẽ không phải từ các nhà kinh doanh. Google là một trường hợp khá đặc thù, hoạt động trong một ngành kinh doanh rất chính trị hóa. Nếu Google quyết định thực sự rút khỏi Trung Quốc, sẽ không có hàng đoàn các đại công ty Hoa Kỳ đùng đùng rút theo. Ngược lại các nhà kinh doanh rồi đây sẽ là những người cố gắng vận động để duy trì liên hệ với Bắc Kinh, bởi thị trường Trung Quốc quá lớn để có thể bị bỏ qua được.
Áp lực rút lui sẽ là từ các nghiệp đoàn, các vị diều hâu trong ngành an ninh, các chính trị gia, đặc biệt là tại Quốc Hội. Cho đến nay, chính sách Trung Quốc của chính phủ Obama đã dựa trên truyền thống của hai chính phủ tiền nhiệm. Ngay đến bài diễn văn chính của tổng thống trong chuyến công du vừa qua cũng lập lại luận điệu cố hữu, kể cả lời nói nay đã thành tập tục, đó là Hoa Kỳ chào đón sự thăng tiến của Trung Quốc. Nhưng sau khi bài diễn văn của ông tại Thượng Hải bị kiểm duyệt và sau khi ông bị một viên chức cấp thứ trưởng lên tiếng dạy bảo ở Hội Nghị Copenhagen, hẳn ông Obama ngày nay sẽ không cảm thấy nồng nhiệt bao nhiêu với Bắc Kinh.
Và bàn diễn văn hôm thứ năm của Ngoại Trưởng Hillary Clinton đã cho ta thấy sự đổi ý đó. Với một giọng điệu phỏng theo bài diễn văn nổi tiếng của cố Thủ Tướng Winston Churchill của Anh, bà ngoại trưởng nói “Một bức màn sắt thông tin mới đang hạ xuống trên hầu khắp thế giới.” Ðó là luận điệu của ông Churchill khi ông nói đến bức màn sắt của Liên Xô đổ xuống Âu Châu. Bà Clinton khẳng định “Chúng tôi bảo vệ một Internet độc nhất nơi toàn thể nhân loại được đồng đều tiếp cận kiến thức và tư tưởng.”
Những lời kêu gọi phải cứng rắn hơn với Trung Quốc sẽ lan ra từ các nghiệp đoàn đến các ngành an ninh, qua Quốc Hội trong năm bầu cử, khiến chủ thuyết bảo hộ mậu dịch nay đang trở thành ngày một phổ biến và được ưa chuộng. Bắc Kinh nên bắt đầu lo là vừa.
Một cuộc chiến tranh mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là một điều có thể đưa thế giới trở lại cuộc khủng hoảng chính trị và đẩy thế giới vào một giai đoạn căng thẳng mới. Nếu nó có xảy ra thì cả hai bên đều chịu một phần lỗi. Hoa Kỳ, vì đã quá ngây thơ về liên hệ giữa tự do mậu dịch và dân chủ. Nhưng Trung Quốc còn phần lỗi hơn khi đã khiêu khích về chính sách tiền tệ và về nhân quyền.
Ông Rachman kết luận “Nếu họ (Trung Quốc) muốn tránh một cuộc đụng độ trầy vi tróc vảy với Hoa Kỳ thì họ nên thay đổi chính sách.”
Có điều ông Rachman không nói đến là việc thay đổi chính sách cũng khó lắm thay. Bắc Kinh cho đến nay vẫn tin chắc là chế độ của họ không thể tồn tại nếu cho người dân tự do. Thành ra, cuộc đụng độ, mà có lẽ cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều không muốn, không thể nào tránh nổi.
Lê Phan
Tro ve dau trang
==================================
==================================================
No comments:
Post a Comment