Tưởng nhớ cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy
Như từ hai mươi năm qua,cứ đến cuối tháng 07,các chiến hữu,đồng chí,môn sinh và các thân hữu lại có dịp cùng nhau gặp gỡ,chung sức để tổ chức tuởng niệm Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy,người đã lià đời trên đường công-tác.Trong suốt hai mươi năm qua,ông đã được ca ngợi như một người "ngôn hành hiệp nhất",một nhà lãnh đạo tài ba của đảng Tân Đại Việt,một nhà chánh trị Việt Nam sáng giá, có tầm nhìn xa trông rộng trong giới làm chánh trị của cộng đồng người Việt quốc gia tại hải ngoại....Về mặt văn hoá,Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy cũng được ca ngợi như một học giả uyên bác,để lại cho hậu thế những công-trình biên khảo giá trị.Nhưng ,ngày hôm nay,nếu tiếp tục công việc ca ngợi này,đó chỉ là một sự lập lại.Mà,có lẽ,ở cõi tiên châu,hương linh Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy cũng sẽ mong muốn nghe những điều khác.
Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy là một người tận tụy với sứ mạng được vạch ra,đó là tranh đấu cho sự sinh tồn của dân tộc.Ông tiếp tục theo đuổi sự tranh đấu này cho đến khi nhắm mắt lìa đời ,đúng như điều ông nói "lúc tắt hơi mới biết được mạng trời,/Khi nhắm mắt mới đành thôi hoạt động."Điều mong mỏi của ông là thấy được một nước Việt Nam tự do dân chủ với một tương lai rực rỡ:"Ta hãy cười lên đón ánh dương,/Ngày mai sẽ chói rạng quê hương,/Lòng ta đã thoáng nghe văng vẳng,/Tiếng khải hoàn ca dậy phố phường".Tâm nguyện đó của ông chưa đạt được.Và có lẽ ngay trong lúc sinh thời,ông cũng đã nghĩ rằng ông khó có cơ hội nhìn thấy ngày quang phục đất nước,"gánh nặng đường xa thân mỏi mệt,/Nhưng còn trách nhiệm hãy còn đỉ",cho nên đã mong mỏi :"Giờ chỉ còn mong bạn thiếu niên,/Nhiều trang anh tuấn tiến nhanh lên,/Thay mình tranh đấu cho dân tộc/Và giữ cho bền ngọn lửa thiêng."
Về điều mong mỏi này của ông,chúng tôi,những kẻ hậu sinh,đã đi theo con đường tranh đấu cho sự sinh tồn dân tộc do cố đảng trưởng Trương tử Anh vạch ra và được Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy mở rông,chúng tôi tự thấy chỉ làm được một phần nhỏ nhoi là tiếp tục con đường tranh đấu cho sự sinh tồn của dân tộc và còn cố gắng giữ ngọn lửa thiêng,nhưng chúng tôi cũng mang tâm sự của ông là "giờ chỉ còn mong bạn thiếu niên.." Chúng tôi chỉ có thể trình đến hương linh của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy ở cõi tiên châu là ;"chúng em vẫn còn tiếp tục"!
Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy đã theo đạo Phật và có pháp danh là Hoằng Hiến.Nhưng tại sao chúng tôi lại trình đến hương linh của ông nơi cõi tiên châu.Bởi vì tiên châu là nơi ông hứa hẹn sẽ đến để cùng xum họp với vợ và con ông.Một sự mong đợi làm những người biết chuyện phải cảm xúc.
Thực vậy,bên cạnh con người tranh đấu NNH còn có một con người Nguyễn Ngọc Huy đầy tình cảm.Trên bước đường tranh đấu,nhiều khi phải đặt việc nước trước việc nhà,nhưng đó chỉ là một việc phải làm vì không thể nào làm khác được : « Đã là kẻ hiến thân đền nợ nước,
Tình thân yêu quyến thuộc phải xem thường,
Éo le thay muốn phục vụ quê-hương,
Phải dẫm nát bao lòng mình kính mến »
(Ngày tang Yên Bái) >
Nguyễn Ngọc Huy đã tạ lỗi với mẹ già vì đã không làm tròn chữ hiếu :
« Đời cách-mạng tự bao lâu bôn tẩu,
Để mẹ già sống cực nhọc lầm than,
Trước những giòng lệ ngọc ứa chan chan,
Lòng con há dửng dưng không cảm xúc,
Nhưng cũng đã trót làm cho mẹ khóc”
Biết thế,nhưng Nguyễn Ngọc Huy đã không thể làm khác được:
“Và con sẽ phải làm cho mẹ khóc,
Hỡi quê-hương,hỡi đất nước thân yêu,
Dầu gian truân khổ cực bao nhiêu,
Chúng tôi vẫn sẵn sàng nhận lấy,
Chỉ mong ước một ngày mai được thấy,
Cả non sông giống Việt hết điêu linh,
Cả toàn dân giống Việt được thanh-bình,
Và chỉ dẫu một ngày hay một buổi,
Dẫu một phút hay một giây ngắn ngủi
Được như lời nhất nguyện chốn dương trần,
Còn có cơ quì dưới gối từ thân,
Để khẩn-thiết cúi xin người thứ lỗi
(Lời nguyện cầu của những kẻ làm cho Mẹ khóc)
Chỉ vì phục-vụ quê-hương mà Nguyễn Ngọc Huy đã cố gắng chôn dấu những cảm xúc riêng tư.Sau năm 1975,tiếp-tục hoạt-động để tranh-đấu giành lại tự-do và dân-chủ cho nhân-dân Việt-Nam,Nguyễn Ngọc Huy lúc nào cũng chỉ khoác một chiếc măng-tô cũ.Thấy chiếc áo đã quá cũ,bạc mầu,anh em đã năn nỉ xin ông thay áo khác,lúc đó ông mới tâm sự “không phải vì tôi muốn tiết-kiệm đâu, áo này nhà tôi mua cho tôi lúc còn sống lưu- vong bên Pháp mấy chục năm trước,nay nhà tôi đã mất nên tôi không nỡ bỏ.Ông quyến-luyến tình-cảm với người bạn đời quá cố nên đã không thể bỏ đi chiếc áo,bởi vì chiếc áo đó đã là hình ảnh của mối tình phu phụ,nói lên tình -cảm “tào khang chi thê bất khả hạ đường”.Tình-cảm thầm kín yêu thương của ông dành cho người vợ khi bà bị tai nạn chết đuối ở Vũng Tàu đã được biểu-lộ trong bài “Nhớ Thu”:
“từ lúc em đi chẳng trở về,
Cuộc đời trống trải lạnh lùng ghê,
Trong lòng đã hết còn sinh-thú,
Chỉ thấy u-buồn với chán chê”
Ấy vậy mà ông cứ phải nén buồn để cùng với các bạn đồng tâm chí tiếp-tục công-tác:
“Công việc thường xuyên vẫn chẳng rời,
Nụ cười vẫn phải nở trên môi,
Để cho các bạn đồng tâm chí,
Vẫn giữ niềm tin rạng sáng ngời”
Không còn người vợ hiền ở bên cạnh để an ủi,khích lệ,Nguyễn Ngọc Huy đã hết sức cô đơn::
“Đành phải từ đây chỉ một mình,
Trên đường nhiệm-vụ rộng mênh mông,
Một mình nếm hết mùi cay đắng,
Trải hết vui buồn với nhục vinh”
Trên bước đường tranh đấu ở hải ngoại,Nguyễn Ngọc Huy không có nhiều thì giơ để lo cho con:
“Đức bạc tài sơ trí thấp hèn,
Nhưng đường tranh-đấu phải bon chen,
Vì Ba không thể nhìn dân-tộc,
Khổ sở điêu-linh dưới bạo-quyền.
Việc nước đa-đoan bỏ việc nhà,
Trong khi lưu-lạc cõi trời xa,
Để Con đau khổ trong cô-độc,
Cha đã không tròn nhiệm-vụ Cha »
Nhưng,một trong những người con trai của ông đã tự tử ở Hoa-Kỳ khi biết tin ông bị bệnh ung-thư. Ấy thế mà ngay sau khi làm lễ hoả táng cho con, ngày hôm sau ông đã đáp phi cơ đi dự đại-hội Liên Khu Bộ Âu Châu vì có những việc quan-trọng phải thông-báo và phải làm.Nhưng đừng nghĩ là ông đã quên vợ,quên con Những người này vẫn sống mãi trong tâm trí ông, ông chờ đợi giây phút được cùng những người thân yêu này tái-ngộ ở miền cực lạc.Khi người vợ thân yêu, ông đã từng đêm cầu nguyện :
« và cứ đêm đêm lại nguyện cầu,
Hồn em siêu thoát cõi tiên châu,
Đợi Anh đến lúc tròn công quả,
Tìm đón Anh về tái-hội nhau »
Và khi người con trai mất đi, ông đã lại :
« Ba lại ngày đêm mãi khấn nguyền,
Cho Con cùng Má ở non tiên,
Hoàn-toàn siêu-thoát và thanh-thản,
Ngày tháng tiêu-dao hết não phiền .
Rồi khi Ba dứt nợ trần-hoàn,
Với Má,Con về lại thế-gian,
Để đón Ba đi miền cực-lạc,
Cùng nhau đoàn-tụ hưởng thanh-nhàn »
Định mệnh quả là quá khắc nghiệt đối với nhà tranh đấu Nguyễn Ngọc Huy!Dấu kín niềm đau trong lòng,ông giữ vẻ thản nhiên bên ngoài "nhưng còn trách nhiệm hãy cỏn đỉ .Tinh thần hi sinh đó,những kẻ hậu sinh như chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ.Nhưng sẽ phải làm gì để xứng đáng với sự hi sinh của cố Giáo-Sư Nguyễn Ngọc Huy?
Có phải chỉ là tiếp tục con đường tranh đấu ông đã vạch ra?Có phải chỉ là duy trì và củng cố đảng và tổ chức ông đã để lại?Điều này chúng tôi nghĩ là một sự đương nhiên,nhưng hơn thế,còn phải là hoàn thành tâm nguyện của ông,điều mong muốn thấy đất nước được rạng ngời,được nghe tiếng khải hoàn vang dậy :"ta hãy cười lên đón ánh dương,/Ngày mai sẽ sáng rọi quê hương,/Lòng ta đã thấy nghe văng vẳng,/Tiếng khải hoàn ca dậy phố phường".
Trong giai đoạn hiện nay,một vài dấu hiệu mở đầu cho thấy một triển vọng tốt nhưng không phải dễ dàng đạt đến.Nó đòi hỏi nơi những người tranh đấu cho tự do dân chủ cho Việt Nam một sự kiên trì theo đuổi mục đích,không bị nao núng bởi những lời khen,chê,dị nghị,với những nỗ lực để vượt qua các gian lao,trở ngại:
"Bạn hãy bền lòng cứ tiến lên,
Can trường,quả cảm,vững niềm tin,
Con đường đã chọn tin rằng đúng,
Thì bước chân ta cứng,đá mềm!
Bạn hãy bền lòng chớ biến suy,
Đường trần ta hãy vững mà đi,
Con đường đã chọn tin rằng đúng,
Thì tiếng vo ve xá ngại gì!
Lữ hành tiến bước thẳng đường trông.
Tiếng sủa hoang đêm khó chạnh lòng!
Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả,
Anh hùng hào kiệt có như không'
(*Nhữ Đình Hùng)
Nó cũng đòi hỏi nơi những người tranh đấu phải có 'những bạn đồng hành chung lý tưởng',những người 'cố đấu tranh nhìn lại dấu quê hương,/Xây lại cảnh hùng cường trong độc lập'.Cuộc tranh đấu cho Tự Do Dân Chủ cho Việt Nam hiện nay là một cuộc đấu tranh cam go,đòi hỏi 'Hãy nhớ lại,đây là lần quyết chiến,/Định số phần cho cuộc sống còn chung./Một thất cơ,ngàn thuở chịu lao lung,/Tổ Quốc chết,người còn đâu lẽ sống!'Nhưng bên cạnh đó,cũng cần ghi nhận khối người Việt tị nạn là những người đã đi ra khỏi nước.Sự bạo tàn của chế độ csvn đang giáng lên những người Việt trong nước. Có thể ví von người tị nạn tranh đấu cho tự do dân chủ như chàng trai ra nước ngoài,để lại người yêu là dân tộc Việt ở trong nước.Phải chăng sự tiếp tục chờ đợi của 'người yêu trong nước' sẽ là động cơ 'để người yêu ngoài nước' giữ vẹn ước thề? và lỡ như kiếp này không gặp lại,cũng chẳng vì thế mà quên đi lời nguyện thề chung thuỷ với người tình,ví như người đấu tranh không quên đi lý tưởng và mục tiêu theo đuổi:
> > Hôm nay em nhận được thư anh,nhắc chuyện ngày xưa chuyện chúng mình,em thấy chiều đông dường ấm lại,bao nhành tưởng chết bỗng hồi sinh ! > > Anh nhé từ anh đi viễn xứ,có về chăng,biết có về chăng?Tháng ngày vùn vụt trôi nhanh quá,mới đây mà..đã ba chục năm! > > Tình tưởng quên đi trở lại đây,cuốn phim dĩ vãng chiếu từng giây, tình xưa sống lại bao nhung nhớ của tuổi thanh xuân của những ngày; > > Ôi tuổi ngày xưa tuổi học trò,những ngày chưa biết đến âu lo,tay trong tay với vai cùng xánh chỉ thấy rạt rào những mộng mơ. > > Cuốn hút vào trong cuộc chiến tranh,anh đi theo nhịp bước quân hành có đâu mơ tưởng điều khanh tướng,chỉ ước một ngày tan chiến chinh. > > Để lứa đôi mình vui với nhau trăm năm thề hẹn bạc đôi đầu để người khuê phụ thôi buồn trách "hối giao phu tế mịch phong hầu" > > Rồi một ngày chinh chiến đã tàn mà anh vẫn trả nợ giang san tưởng tàn thân trong tù lao cải,ai biết một hôm vượt sóng ngàn! > > Từ đó chúng mình xa cách nhau,bao năm biền biệt bặt âm hao. Hôm nay nhận được tin người cũ, tưởng đã quên mà..vẫn nhớ nhau! > > Anh ạ ngày nay tuổi đã cao,có còn đâu nữa như khi nao,tóc xanh xưa đã pha sương tuyết,tuổi hạc ngày thêm cao lại cao; > > Vẫn biết anh còn nghĩ đến em,và em em cũng chẳng hề quên,đã hẹn cùng nhau ân nghiã nặng,thề cũ em đâu bội ước nguyền! > > Thôi hẹn cùng nhau ở kiếp này,ai người đi trước trở về đây,tìm nhau trong phút giây ly biệt,về nẻo bồng lai tay nắm tay! > > Anh đón em hay em đón anh,về nơi tiên cảnh hưởng thanh bình,hoá sinh dẫu phải trăm ngàn kiếp,xin được cùng nhau trọn chữ tình.
(*Nhữ đình Hùng)
Ngày hôm nay,trong buổi tưởng niệm cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy,điều chúng tôi muốn dâng lên hương linh của Giáo Sư là sự đoan chắc 'hoàn ngã sơn hà đầy mộng ước,mãi làm cho đến lúc tàn hơi (thơ ndhung),và dẫu cho mệnh trời bắt phải bỏ cuộc giữa đường thì trong những ngày trước đó,cũng xin giữ tâm tình "hết sức mưu toan chẳng đặng rồi,/thôi cùng sông núi hẹn hò chơi,/Thề lòng chẳng bợn câu danh lợi,/Giữ tấm cô trung đến trọn đời".Và xin chuyển ngọn lửa thiêng 'dân tộc sinh tồn ' cho những người còn trẻ hơn để tiếp nối hành trình " tranh đấu cho dân tộc sống còn,liều mình để phụng sự giang sơn,đó là lẽ sống người trai Việt,muôn thuở không sờn dạ sắt son"..Xin gởi đến hương linh cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy cũng như các bậc tiên hiền,các chiến sĩ đã đấu tranh cho sự sống còn của dân tộc lòng thành kính ghi ơn "Hỡi những ai kia đã lụy mình,/Đã vì non nước chịu hi sinh,/Đã vì chủng tộc khai đường sống,/ Đây nén hương lòng kẻ hậu sinh'
Viết cho buổi tưởng niệm 07/2011 tại Bruxelles,Bỉ.
Nhữ Đình Hùng
No comments:
Post a Comment