Kẻ giết Tổng Thống Thiệu
Lữ Giang
Từ 1986 đến nay, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng đã cho xuất bản ba quyển sách nói về những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hoà, đó là các cuốn “Hồ sơ Dinh Độc Lập” (1986), “Khi Đồng Minh tháo chạy” (2005) và “Tâm Tư Tổng Thống Thiệu” (2010).
Vốn là một nhà khoa bảng, ông Hưng viết có nghiên cứu, có tham khảo và trình bày theo phương pháp khoa học. Các tài liệu ông công bố có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn tại sao miền Nam Việt Nam đã sụp đổ một cách nhanh chống như thế. Nhưng ông Hưng không nghiên cứu về quân sự, chiến lược và chiến thuật, nên không thấy hết được kế hoạch đánh chiếm miền Nam của Hà Nội cũng như nguyên nhân và diễn tiến của cuộc thạo chạy của quân lực VNCH năm 1975. Ông cũng không phải là một nhà phân tích chính trị nên không thấy mặt trái đàng sau chính sách của Hoa Kỳ về chiến tranh Việt Nam và những sai lầm nghiêm trọng của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu khi lãnh đạo miền Nam. Nguyên cái tên cuốn sách thứ hai của ông “Khi đồng minh tháo chạy” cũng đã cho chúng ta thấy ông chưa nhìn ra được kế hoạch và phương thức hành động tinh vi của chính phủ Hoa Kỳ. Đó không phải là một cuộc tháo chạy như một số người đã tưởng mà là một sự ra đi được tính toán và chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Từ việc ép VNCH ký kết Hiệp Định Paris, cắt viện trợ, buộc Tổng Thống Thiệu từ chức... đến việc gài bẩy cho Tướng Dương Văn Minh ra nhận chức Tổng Thống để tuyên bố đầu hàng... đều được tiến hành theo một kế hoạch được dàn dựng rất tinh vi. Dĩ nhiên, Tổng Thống Thiệu và Tướng Dương Văn Minh chẳng biết gì cả nên bị cho “vô cơ”!
Dầu sao, Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng cũng đã cung cấp cho các sử gia và các nhà phân tích một số tài liệu hữu ích để làm sáng tỏ lịch sử.
Năm nay, nhân kỷ niệm 36 năm ngày mất miền Nam, dựa vào những tài liệu ông Hưng đã cung cấp và một số tài liệu khác, chúng ta thử tìm hiểu tại sao Tổng Thống Thiệu đã đưa ra kế hoạch “Đầu bé đít to”, một kế hoạch điên rồ, khiến miền Nam có một quân đội thiện chiến được trang bị đầy đủ, lại phải bỏ chạy một cách nhục nhã? Ai là người đã cố vấn và thúc đẩy Tổng Thống Thiệu làm chuyện đó?
TẠI SAO CÓ QUYẾT ĐỊNH DIÊN RỒ?
Số viện trợ quân sự Mỹ cho VNCH đã bị giảm dần sau Hiệp Định Paris ngày 27.1.1973: 1972 – 1973: 1 tỷ 614 triệu; 1973 – 1974: 1 tỷ 026 triệu và 1974 – 1975 xuống còn: 700 triệu.
Trong cuốn “Khi Đồng Minh Tháo Chạy” (từ tr. 231 – 236), ông Hưng có kể lại rằng ông có được đọc trong “Phòng Tình Hình” của Dinh Độc Lâp một tập báo cáo do Tướng John E. Murray (người thay Tướng Abraham) và Bộ Tổng Tham Mưu trình lên, trong đó ghi những điểm mà ông nhớ được.
Trước khi nhắc lại những điều ông Hưng đã ghi nhớ, cần lưu ý rằng sau Hiệp Định Paris, các cơ quan lãnh đạo cuộc chiến tại Việt Nam của Hoa Kỳ là Joint Chiefs of Staff, CINCPAC và MACV được giải tán và được thay thế bằng cơ quan Defense Attaché Office (Văn Phòng Tuỳ Viên Quân Sự), viết tắt là DAO. Nhiệm vụ chính của cơ quan này là điều hành việc phân phối viện trợ quân sự của Mỹ, thu lượm các tin tức tình báo và đánh giá tình hình, nhưng trên nguyên tắc, DAO không còn được phép “cố vấn” cho chính phủ và Quân Lực VNCH. Sự sụp đổ nhanh chóng của VNCH một phần cũng vì sự thiếu sự “cố vấn” này.
DAO bắt đầu hoạt động kể từ ngày 28.1.1973: từ tháng 1/1973 đến tháng 8/1974 do Tướng John E. Murray điều khiển, từ tháng 8/1974 đến 30.4.1975 do Tướng Homer D. Smith. Như vậy, bản báo cáo mà ông Hưng nói được lập trong khoảng thời gian từ tháng 1/1973 đến tháng 8/1974. Mặc dầu có nhiều báo cáo của DAO đã được giải mã, chúng tôi chưa tìm thấy bản văn này, nhưng ông Hưng cho biết ông nhớ được những điểm chính của bản báo cáo đó như sau:
- Nếu mức độ quân viện là 1,4 tỷ thì có thể giữ được tất cả những khu đông dân cư của cả bốn Vùng Chiến Thuật.
- Nếu là 1,1 tỷ thì Quân Khu I phải bỏ;
- Nếu là 900 triệu thì khó lòng giữ được QK I và II, hoặc khó đương đầu với cuộc tấn công của Bắc Việt;
- Nếu là 750 triệu thì chỉ có thể phòng thủ vài khu vực chọn lọc, và khó điều đình được với Bắc Việt;
- Nếu quân viện dưới 600 triệu thì chính phủ VNCH chỉ còn giữ được Sài Gòn và vùng châu thổ song Cửu Long.
Ông Hưng cho biết Tướng John Murray kết luận: “Tôi có thể ví sự mất tiền xấp xỉ như mất đất vậy.”
Ông Hưng cho rằng vì bản báo cáo này, ông Thiệu đã nghĩ ra chiến lược mới “Đầu bé đít to”, tức bỏ Vùng I và II (đầu). Ông Thiệu thường nói: “Từng chiến lược cho từng mức viện trợ”, sau đó ông dùng chữ “tái phối trí” (tr. 235),
Trong cuốn “Tâm Tư Tổng Thống Thiệu”, ông Hưng cũng đã nhắc lại sự kiện nói trên (tr. 41, 43) như để biện minh rằng sở dĩ Tổng Thống Thiệu đưa ra kết hoạch “Đầu bé đít to”, rút quân khỏi Vùng I và Vùng II về lập phòng tuyến ở Tuy Hoà, là do đề nghị của Tướng John E. Murray và Bộ Tổng Tham Mưu, chứ không phải là do chủ trương của ông Thiệu. Nhưng lời biện minh này lại trở thành gậy ông đập lưng ông.
Thật ra, bản báo cáo mà ông Hưng nhắc đến ở trên, nếu có, cũng chỉ là một bản phân tích tình hình chứ không phải là một giải pháp hay một kế hoạch hành động được đề nghị. Nếu Tổng Thống Thiệu nghĩ đó là một đề nghị về kế hoạch hành động là hoàn toàn sai lầm.
TED SERONG NHÚNG TAY VÀO
Nếu chỉ đọc bản báo cáo nói trên, không chắc Tổng Thống Thiệu dám đưa ra chiến lược “Đầu bé đít to”. Phải có sự thúc đẩy của Tưóng Ted Serong, một chuyên gia người Úc về du kích chiến, ông Thiệu mới có quyết định điên rồ như vậy.
Tiến sĩ Anne Blair, một giảng viên về Quan Hệ Quốc Tế và Nghiên Cứu về Á Châu tại Đại Học Victoria University of Technology ở Úc, đã viết hai cuốn sách nói về Tướng Ted Serong, đó là cuốn “There to the Bitter End: Ted Serong in Vietnam”, dày 298 trang, xuất bản năm 2001 và cuốn “Ted Serong: The Life of an Australian Counter-Insurgency Expert”, dày 248 trang, xuất bản năm 2004. Ngoài ra, trong cuộc hội thảo tại Texas Tech University ở Texas vào tháng tư năm 1996, bà có thuyết trình đề tài "Get Me Ten Years’: Australia's Ted Serong in Vietnam, 1962-1975."
Bà Anne Blair cũng đã nghiên cứu và viết khá nhiều về các biến cố đã xẩy ra tại Việt Nam, nhất là cuốn “Lodge in Vietnam, a patriot abord” lột trần về những trò xảo trá của Đại Sứ Cabot Lodge trong vụ lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm,
Trong bài thuyết trình “"Get Me Ten Years': Australia's Ted Serong in Vietnam, 1962-1975", bà Anne Blair cho biết vào tháng 12 năm 1974, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm có tiếp xúc với Tướng Ted Serong và yêu cầu ông ta đưa ra một kế hoạch cứu vãn miền Nam. Tướng Ted Serong đã khuyến cáo rút khỏi Quân Khu I và Quân Khu II, với lý do là 2/3 Quân Lực VNCH đã được triển khai ở phía bắc trong khi ở nơi này chỉ có 1/10 dân số và 1/3 tài nguyên của miềnNam.
Ông Hưng cho biết Tổng Thống Thiệu đã chỉ thị Tướng Đặng Văn Quang, Cố Vấn An Ninh Phủ Tổng Thống, phối hợp với Tướng Ted Serong nghiên cứu lập một phòng tuyến kéo dài từ Tuy Hoà đến Tây Ninh để làm phòng tuyến rút quân!
Tướng Francis Philip “Ted” Serong (1915 – 2002) tốt nghiệp Trường Huấn Luyện Quân Đội Hoàng Gia tại Duntroon vào năm 1937, có nhiều kinh nghiệm về chiến trường Đông Nam Á. Năm 1961 ông được cử làm cố vấn cho quân đội Miến Điện. Do kinh nghiệm của ông về chống nổi dậy (counterinsurgency), theo đề nghị của CIA, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã yêu cầu chính phủ Úc cho ông đến phục vụ tại miền Nam Việt Nam. Tại đây, ông vừa chỉ huy một toán nhỏ người Úc vừa là Cố Vấn Chống Nổi Dậy cho MACV dưới thời Tướng Harkins. Ông phục vụ ở Quảng Ngãi và cố vấn cho Quân Đoàn I, nhưng theo bà Blair, Tướng Harkins không tin vào chống nổi dậy và ông không muốn một cố vấn. Tướng Ted Serong đã đưa nhiều đề nghị về huấn luyện quân lực VNCH nhưng không được đáp ứng. Ông cũng chủ trương thương lượng với chính phủ Lào để cắt đứt con đường mòn Hồ Chí Minh ở Tchepone bằng một hiệp ước, chận quân Bắc Việt đi vào miền Nam. Chủ trương này đã được William A. Hariman, phụ tá Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ về chính trị sự vụ, thực hiện bằng mọi giá, bất chấp sự phản đối của chính phủ Ngô Đình Diệm, nhưng thất bại rất thê thảm. Từ năm 1965 đến 1967, Ted Serong đã giúp VNCH thành lập và huấn luyện Lực Lượng Cảnh Sát Dã Chiến.
Năm 1968, ông rời quân đội Úc với chức vụ Thiếu Tướng và đến Việt Nam làm việc cho RAND Organization, tức Tổ Chức Nghiến Cứu và Phát Triển (Research and Development) do Hoa Kỳ đài thọ. Ông đến giảng dạy tại Trường Cao Đẳng Quốc Phòng của VNCH.
Đầu năm 1975, Tướng Ted Serong thông báo cho Tổng Thống Thiệu thời hạn chót cho việc tái phối trí quân đội phải kết thúc nội trong tháng hai. Ông cũng đã nói với Đức Cha Nguyễn Văn Thuận, Giám Mục Nha Trang, rằng ngài nên "chuẩn bị cho năm 1955 một lần nữa” (tức lại đi di cư). Vào giữa tháng 3, Bộ Trưởng Ngô Khắc Tĩnh thông báo cho ông rằng Tổng Thống Thiệu muốn tham khảo ý kiến ông. Tướng Ted Serong nói với ông Ngô Khắc Tĩnh rằng cuộc chiến đã kết thúc, chỉ kéo dài trong vòng ba tuần lễ nữa thôi. Ông đã rời khỏi Việt Nam trên một chiếc trực thăng ở trên nóc của Toà Đại Sứ Mỹ vào ngày 29.4.1975.
Nhìn lại, chúng ta thấy Tướng Ted Serong là một người đã tích cực giúp VNCH chống cộng sản, nhưng ông chỉ là một chuyên gia về chống du kích chiến, tức ông chỉ là một tướng về chiến thuật. Ông không nắm vững chính sách của Hoa Kỳ về chiến tranh Việt Nam trong từng giai đoạn, không biết rõ chiến lược và chiến thuật của Hà Nội đánh chiếm miền Nam, không nắm vững vị trí chiến lược của miền Trung, nhất là cái xương sống Cao Nguyên, và phương pháp điều binh, nên mới đề nghị Tổng Thống Thiệu rút khỏi Quân Khu I và Quân Khu II về lập phòng tuyến ở Tuy Hoà!
Cho đến nay, chúng tôi chưa tìm thấy kế hoạch Ted Serong – Đặng Văn Quang, có lẽ Hà Nội đang giữ. Nhưng kết quả cho thấy đó là một kế hoạch sai lầm nghiêm trọng.
KHÔNG CÓ TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC
Có thể nói sau khi Mỹ rút, các nhà lãnh đạo miền Nam không ai có tầm nhìn chiến lược về cả chính trị lẫn quân sự nên không thể giữ miền Nam được.
1.- Về phương diện chính trị
Tôi đã từng kể lại, vào năm 1968 khi tôi đang ở Mỹ, thấy phong trào phản chiến lên cao quá, tôi đã nhờ một tổ chức sinh viên công giáo Việt Nam ở Mỹ mời một số anh em, nhất là những người biết rõ tình hình tại Hoa Kỳ, đến để cùng nhau tìm hiểu chuyện gì đang xẩy ra và mình có thể làm gì. Đa số đều nhận định rằng đây không phải là một phong trào tự phát của dân chúng mà là một chiến dịch có tổ chức và có lãnh đạo. Đại Đức Thích Hạnh từ Pháp đã được đưa qua Mỹ và đưa vào quốc hội Mỹ tuyên truyền phản chiến. Rõ ràng là Mỹ đang chuẩn bị rút lui khỏi cuộc chiến. Họ khuyến cáo tôi khi về Sài Gòn nên tìm cách trình cho Tổng Thống Thiệu biết.
Tôi mới về Sài Gòn thì có một cuộc họp báo tại Dinh Độc Lập. Tôi đứng lên nói rõ tôi mới ở Mỹ về và xin thông báo cho Tổng Thống biết phong trào phản chiến ở Mỹ đang lên cao và có thể Mỹ sắp bỏ miền Nam. Ông Thiệu có vẽ ngơ ngác và nói ông chưa thấy có dấu hiệu nào cả. Một số anh em ký giả vây quanh tôi và hỏi: Làm sao Mỹ bỏ miền Nam được?
Sau khi Hiệp Định Paris được ký vài tuần, tôi gặp Bác Sĩ Đặng Văn Sung, người thường được ông Thiệu giao các sứ mạng đặc biệt. Ông nói ngay với tôi: “Nội dung Hiệp Định Paris cho thấy Mỹ đã quyết định bỏ miền Nam”. Tôi hỏi ông Thiệu nghĩ sao, ông cười và nói không thể nói chuyện gì với ông ấy được.
Mỹ cắt dần viện trợ cho miền Nam là dấu hiệu rõ nhất cho biết Mỹ sắp bỏ miền Nam, nhưng Dinh Độc Lập vẫn không nhận ra được!
2.- Về phương diện quân sự
Khi ổn định xong tình hình miền Nam, năm 1956 Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho tiến hành ngay việc khai thông con đường 14 chạy dài từ Phước Long đến Quảng Trị, ngang qua Cao Nguyên Trung Phần (VC gọi là đường Đông Trường Sơn) để ngăn chận sự xâm nhập của quân Bắc Việt.
Trước hết ông ra lệnh bình định Chiến Khu D gồm một vùng rộng khoảng 2000km2 và thành lập ba tỉnh Bình Long, Phước Long và Phước Thành để trấn giữ chiến khu này. Sau đó thành lập tỉnh Quảng Đức để kiểm soát vùng Tam Biên và lập Quận Đức Lập như một cái chốt cắt đứt đường chuyển quân và tiếp liệu của cộng quân từ Cao Nguyên xuống Chiến Khu D. Tiếp theo, ông cho thành lập Quận Thường Đức (phiá tây Đà Nẵng), tách ra khỏi Quận Đại Lộc thuộc tỉnh Quảng Nam để hình thành nút thứ hai chặn quân và tiếp liệu từ phía Quảng Trị và Thừa Thiên vào.
Khi Mỹ đổ quân vào miền Nam, họ cũng làm như ông Diệm đã làm. Vì hai chốt Thượng Đức và Đức Lập đã khóa chặt con đường Đông Trường Sơn, Hà Nội phải thiết lập con đường Tây Trường Sơn trên đất Lào để xâm nhập miền Nam, tốn rất nhiều công sức và thời gian.
Sau Hiệp Định Paris và Mỹ rút, Hà Nội lập ngay kế hoạch tấn công miền Nam. Kế hoạch đó như sau: Khai thông con đường Đông Trường Sơn đưa quân vào Chiến Khu D để đánh thẳng vào Sài Gòn, bỏ qua các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, địch giả vờ đánh mạnh vào Quảng Trị và Huế để Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham Mưu và Tướng Ngô Quang Trưởng tưởng Quảng Trị và Huế là “điểm”, dồn hết quân ra Vùng I và VNCH đã trúng kế địch.
Theo kế hoạch của Hà Nội, năm 1974 phá chốt Thường Đức, năm 1975 chiếm Phước Long và phá chốt Đức Lập để đưa quân xuống Chiến Khu D. Năm 1976 mới đánh thẳng vào Sài Gòn. Kế hoạch này đã được Tướng Trần Văn Trà xác nhận trong cuốn “Kết Thúc Cuộc Chiến Tranh 30 Năm”.
Dĩ nhiên, cơ quan DAO nắm rất vững kế hoạch tấn công miền Nam của Hà Nội, nhưng họ không còn có quyền “cố vấn” như trước nữa. Họ chỉ “bật mí” cho VNCH biết, nhưng Tổng Thống Thiệu. Bộ Tổng Tham Mưu và các tướng lãnh VNCH không có khả năng nắm bắt được điều họ cho biết.
Tháng 6 năm 1974, khi Cộng quân sắp chiếm Thượng Đức mà Tướng Ngô Quang Trưởng chẳng quan tâm gì hết. DAO phải chở một phái đoàn ký giả từ Sài Gòn ra Đà Nẵng rồi lấy trực thăng đưa lên Thường Đức để quan sát các dấu vết chứng tỏ Cộng Quân sắp chiếm Thường Đức. Tôi có đi trong phái đoàn này. Tuy nhiên, trong khi địch đem 3 sư đoàn để chiếm Thường Đức, Tướng Trưởng chỉ cho tiểu đoàn 79 Biệt Động Quân đóng ở đó. Ngày 7.8.1974, chốt Thường Đức đã bị Cộng quân chiếm. Bộ Tổng Tham Mưu ra lệnh phải lấy lại Thường Đức bằng mọi giá, Tưởng Trưởng đã ra lệnh cho Sư Đoàn Dù tái chiếm. Mặc dầu đã chiến đấu rất anh dũng, Sư Đoàn Dù chỉ chiếm lại được đồi 1062 ở phía đông và đã bị tổn thương mất nữa sư đoàn.
Cuối năm 1974, Quân Đoàn III biết địch sắp tấn công Phước Long và đã đưa ra kế hoạch phòng thủ Phước Long từ 3 tháng trước. Nhưng Tướng Cao Văn Viên cho biết trong cuộc họp tại Dinh Độc Lập, Tổng Thống Thiệu nói Phước Long “không quan trọng” nên quyết định bỏ. Ngày 6.1.1975 Cộng quân chiếm Phước Long.
Ngày 2.3.1975, Chi Trưởng CIA ở Quân Khu II tại Nha Trang đã lên Ban Mê Thuột báo cho Đại Tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh Trưởng Ban Mê Thuột, biết Cộng quân đang chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột. Quân Đoàn II cũng đã nhận được lời cảnh báo này, nhưng Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn II, vẫn tin Cộng quân sẽ đánh Pleiku! Ngày 8,3,1975 Quận Đức Lập bị chiếm và ngày 10.3.1974 tỉnh Ban Mê Thuộc mất.
TRÁCH NHIỆM CỦA TED SERONG
Cổ nhân bảo “cùng tắc biến, biến tắc thông”. Khi gặp tình thế như vậy, công việc trước tiên là đi tìm một giải pháp chính trị. Sau Hiệp Định Paris, Pháp biết miền Nam sẽ mất nên đã gợi ý nhiều lần về một giải pháp chính trị, nhưng ông Thiệu nhất định ôm chặt “Bốn Không”. Giả thiết nếu không còn một giải pháp chính trị nào nên đành phải “tái phố trí”, thì kế hoạch “tái phối trí” phải khả thi.
Mặc dầu đã ở trong quân ngũ 25 năm, học đủ các trường, lên tới cấp tướng, Tổng Thống Thiệu không biết Cao Nguyên là cái xương sống của miền Nam, mất Cao Nguyên là mất miền Nam. Ông cũng không biết cách rút quân hay “tái phối trí”.
Đầu năm 1975, khi nghe tin Tổng Thống Thiệu sẽ rút quân về Tuy Hoà, các nhà chính trị và quân sự ở Sài Gòn đều nói rằng muốn thực hiện kế hoạch này phải có một hiệp định như Hiệp Định Genève năm 1954 mới có thể rút được. Tuy nhiên, dù có lập phòng tuyến ở Tuy Hoà rồi cũng sẽ mất, vì tại Tuy Hoà không có phòng tuyến thiên nhiên nào cả.
Kế hoạch của Hà Nội là khai thông con đường Đông Trường Sơn, đưa quân vào Chiến Khu D rồi đánh thẳng vào Sài Gòn, nên khi đã bỏ mất Cao Nguyên, dù có giữ được ở Quảng Trị, ở Huế hay ở Tuy Hoà, miền Nam cũng sẽ mất. Tướng Ted Serong chỉ giỏi về chiến thuật chống du kích, nhưng không biết địa thế miền Nam VN, không biết gì về kế hoạch của địch, nên đã cố vấn có Tổng Thống Thiệu bỏ Vùng I và Vùng II (cái xương sống của miền Nam) làm mất miền Nam một cách nhanh chóng. Ông chính là người đã giết Tổng Thống Thiệu.
Chúng tôi hy vọng rằng sau khi đọc bài này, Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng sẽ nắm vững hơn những gì đã xẩy ra.
Ngày 22.3.2011
Lữ Giang
==========================================
============================================================
No comments:
Post a Comment