Chen lấn cướp ấn đến ngất xỉu
Bài hát “Chuyến xe Tây Ninh” được tác giả Thanh Hiền sáng tác khoảng tháng 10 năm 1976 và được nam nghệ sĩ Thanh Tuấn ca trên làn sóng phát thanh. Bài hát vui tươi, tràn đầy tính lịch sự, văn hóa, tình cảm giữa con người với nhau, một thời gian dài thu hút người hâm mộ. Trong bài hai lần lặp lại một ý, đoạn mở đầu bằng điệu Xang Xừ Líu vui vẻ, tác giả viết:
“Có một chuyện vui nhỏ trên …. đường,
Nên chép lại khúc ca.
Tôi quen cô bạn đường xa,
Bạn đường xa nên hóa ra gần.
Lên xe nhường chổ bạn ngồi, nhường nơi bạn chọn, nhường lời bạn trao,
Bốn bề sắc áo màu hoa, bốn bên lời ca tiếng cười,
Xe lên đường, mời anh chọn chỗ”.
Đoạn dưới, ở câu vọng cổ thứ 2, tác giả lặp lại: “Lên xe nhường chỗ bạn ngồi, nhường nơi bạn dựa nhường lời bạn trao. Một vùng nhà thấp lúa cao, qua cầu sóng vỗ nôn nao đôi bờ”.
Cái văn hóa miền Nam thời ấy làm con người miền Nam trở nên lịch sự chẳng khác các nhà quý tộc Pháp thời xưa. Tôi, sau ngày 30/4/1975 mới 7 tuổi, nhưng đã hấp thụ được một số vốn kha khá “nền giáo dục Mỹ – Ngụy” là phải biết “đi thưa về trình”, “kính già yêu trẻ”, bất cư nơi nào cũng phải nhường chổ ngồi cho người già, phụ nữ có thai hay có con nhỏ, hoặc em bé hơn mình.
Bây giờ, sau mấy chục năm “được” ngồi dưới mái trường XHCN, bỗng nhiên người Việt mất đi tính khiêm nhường, lịch sự “nhường chỗ bạn ngồi, nhường nơi bạn dựa nhường lời bạn trao” mà dễ nóng giận, dễ gây gỗ, lại thích chen lấn thấy sợ luôn.
Trước Tết Tân Mão, có lần tôi đi qua đường Trần Quang Khải (gần chợ Tân Định) bỗng thấy phía trước có đám đông làm ùn tắc giao thông. Đến gần thì thấy một ông khoảng hơn 50 tuổi, tướng tá bệ vệ, ăn mặc lịch sự nhưng lại một tay nắm cái xe máy Wave màu xanh, một tay nắm vào tay cô gái mặc áo dài trắng đồng phục nữ sinh trung học, miệng gào lên thật to chửi bới: “Mày đui hay sao mà chạy xe như vậy? Tao sẽ đến tận trường của mày, tận nhà của mày mà kiện, v.v… và v.v…”. Hóa ra, ông kia đi xe máy Dream, cô nữ sinh đi xe Wave, cô này muốn vượt lên nhưng lại điều khiển xe chen lấn ông nọ từ bên phải, làm ông té vào xe taxi bên trái xém “die”, thảo nào ông ta chẳng bừng bừng thịnh nộ như vậy. Mọi sự cũng tại cô kia cố chen lấn mà ra. Cô gái đứng nín thinh, cúi đầu cam chịu nghe chửi mắng một lúc ông mới chịu buông tay cho cô đi. Tôi nhìn thấy mắc cười, thầm nghĩ: May cho ông đó nghen, cô này cũng là loại nữ sinh ngoan hiền, chớ gặp loại “nữ sinh nữ tặc” thì nó “oánh” cho một trận rồi còn quay “phin” tung lên mạng nữa.
Cận tết, có tiền đi mua hàng cũng chen lấn ở các siêu thị đến khổ sở. Siêu thị thuộc loại có uy tín với khách hàng như Big C, Nguyễn Kim thì cái sự khách hàng chen lấn để vào- ra càng dữ dội. Báo Việt Nam tạm thống kê, bình quân mỗi người mất hơn 6 giờ đồng hồ để xếp hàng, mua hàng, tính tiền, mà thời gian chọn hàng vào giỏ thì chỉ chiếm từ 30 phút đến 1 giờ.
Chưa kịp quên mấy vụ chen lấn kia thì đùng một cái, ngày 7/2/2011 báo chí loan tin tai nạn giao thông cầu Ghềnh thảm khốc làm 2 người chết, 24 người bị thương, 7 người phải vào tù… cũng đều xuất phát từ nguyên nhân không ai chịu nhường đường cho ai mà ra. Người ta đổ lỗi tai nạn xảy ra do đường sắt dùng chung với đường bộ, nhưng cố tình làm lơ việc cái đường sắt chung đường bộ này có từ thời Pháp thuộc chớ đâu phải mới đây, mà hồi trước đâu có những tai nạn thảm khốc như kiểu này. Nếu anh tài xế taxi kia chịu thụt lui lại nhường đường cho 5 cái ô tô ngược chiều kia qua thì đã không gây ra cảnh ùn tắc ngay trên cầu, làm cho cái xe lửa chạy thẳng tới cán bẹp dí cả 5 cái ô tô.
Đạp lên đầu nhau để chen vào cướp ấn
Ngày tết, đi lễ ở nhà thờ Kỳ Đồng cũng có người chen lấn giành chổ đứng, giành chổ ngồi với tôi dù họ đến sau tôi. Tuy nhiên, những người này, nhờ ơn Chúa, vẫn còn biết xấu hổ, nên khi tôi phàn nàn: “Đi lễ mà cũng chen lấn giành chổ” thì họ bẽn lẽn đứng dậy đi chổ khác.
Ở các bệnh viện, người ta chen lấn nhau để được khám bệnh đến nỗi có câu chuyện vui thế này (Tôi đọc được trên báo tường ở Bệnh viện nhân dân Gia Định, Sài Gòn. Tôi không nhớ nguyên văn nên viết lại ý chính): Một ông cụ sau khi chen lấn lên phía trước đến gần được bác sĩ bèn kể lể đủ thứ bệnh tật v.v… và v.v… Bác sĩ nói: “Cụ khỏi khám tôi cũng biết cụ không bệnh tật gì hết. Chúc mừng cụ, cụ mà chen được đến đây thì cụ còn khỏe hơn cả tôi”.
Sau Tết, báo chí lại đưa tin ngoài Bắc người ta tranh nhau chen lấn để đi chùa Hương cầu lộc thánh, chen lấn ở đền Trần để “xin ấn” với nhiều hình ảnh minh họa thật sống động, hãi hùng. Cả mấy ngàn người tranh nhau chen lấn, đạp lên đầu nhau để trèo vào bên trong “cướp ấn”, ảnh chụp cho thấy không ít người thẩn thể xơ xác, quần áo nhàu nhỉ, mặt méo xệch khóc lóc, ngất xỉu, v.v… đủ kiểu “hỉ nộ ái ố” hết, làm lực lượng bảo vệ, cảnh sát giữ trật tự “khiêng vác” nạn nhân mệt nghỉ. Nếu Thánh Trần mà sống lại chứng kiến cảnh chen lấn này hẳn Ngài sẽ chết khiếp, hoặc lấy làm đau lòng khi thấy con cháu Ngài hành xử với nhau kém văn hóa cùng cực như thế.
Chợt nhớ, trước đó không lâu, người Việt cũng chen lấn, xô đẩy đến ngất xỉu để mua vé trận bán kết lượt về VN – Malaysia đã tái diễn tại sân Mỹ Đình sáng 16/12/2010. “Ngay sau trận bán kết lượt đi kết thúc, tại sân Mỹ Đình đã có hàng trăm người mang theo áo mưa, chăn chiếu, đồ ăn, ghế nhựa… chờ đến giờ ban tổ chức mở cửa bán vé vào buổi sáng”. “Cảnh tượng chen lấn kinh hoàng, giẫm đạp lên nhau tại hàng rào cuối sân Mỹ Đình khiến hàng chục cổ động viên bị ngạt ngã lăn xuống đất. Cảnh sát cơ động đã phải trấn áp đám đông định phá hàng rào vào trong sân. Rời đám đông, chị Nguyễn Thị Thơm (ở thôn Nhân Mỹ, Mỹ Đình) quần áo tả tơi, tóc tai rối bù, vừa đi vừa khóc vì tiếc công xếp hàng từ 22g đêm 15-12…”.
Còn bây giờ, cứ đến giờ tan tầm, hãy ra ngoài đường thì sẽ thấy cảnh chen lấn nghẹt thở. Trong cái nóng gay gắt, cái khói bụi của Sài Gòn, tất cả các loại phương tiện và người cùng chen nhau nhích từng centimet. Người khỏe chen người ốm, đàn ông chen phụ nữ, chen bất kể thân thể, chen bất cần sĩ diện, miễn sao mình vượt lên được phía trước… Từ trên cao nhìn xuống, cảnh đường phố giống y như bầy kiến (là các xe nhỏ) đông đen vây quanh mấy cục đường (là xe buýt).
Cái sự chen lấn bất kể chết, chen lấn không biết xấu hổ miễn được việc của mình xuất hiện ở người Việt phải chăng bắt nguồn từ thời bao cấp, khi mà tất cả trẻ con như tôi đều có “nhiệm vụ” chen lấn để xếp hàng, giữ chổ, mua hàng của hợp tác xã. Công mình xếp hàng cả ngày nhiều khi gần đến phiên mình thì thấy đùng đùng xuất hiện trước mặt hai chữ “hết hàng” làm cho người ta phải bằng mọi giá chen lên phía trước nhằm cố gắng mua được hàng (phân phối).
Tất cả mọi sự lịch sự, khiêm nhường, sĩ diện, xấu hổ… của người Việt vốn có từ xưa giờ bỗng dưng mất hết, để lại một thứ đáng xấu hổ vô cùng là “văn hóa” chen lấn thời nay.
Tạ Phong Tần
28-03-2011
No comments:
Post a Comment