Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy
Sinh năm 1960 nên ngày 30-4-1975 tôi tròn 15 tuổi, đang còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông trung học. Tin miền Nam hoàn toàn giải phóng dội tới từng công sở , xí nghiệp, trường học làm nức lòng toàn dân , nét mặt ai cũng hân hoan khúc khải hoàn ca. Lây tâm trạng chung của mọi người , tôi cũng cảm thấy nhẹ bỗng như người không trọng lượng. Cảm giác của người chiến thắng, nở hoa trong hồn, vui mừng không sao kể xiết. Khắp góc chợ, vỉa hè, đâu đâu người dân cũng đưa tin nước nhà giải phóng, chế độ nguỵ quyền sụp đổ. Các quầy báo đông nghịt người xếp hàng mua báo quân đội, nhân dân, Hà Nội mới, để xem tin chiến thắng . Một cuộc cách mạng long trời, lở đất, một chiến thắng vĩ đại của quân và dân Việt Nam, cũng là một cuộc cách mạng mùa thu tháng 8 -1945 lần thứ hai của người Việt Nam, thời kỳ khổ ải trường kỳ kháng chiến, thắt lưng buộc bụng qua rồi ,giờ chỉ còn xây dựng đất nước to đẹp đàng hoàng gấp 10 lần xưa thôi....
Mẹ tôi mừng gấp đôi vì đã hơn 20 năm trời xa cách , nay mới gặp được chị cả, di cư vào Nam từ 1954 theo chồng. Người chị mà vì có họ hàng dây mơ, rễ má, máu mủ ruột thịt mà cả nhà phải ngậm đắng, nuốt cay, tám anh chị em trong nhà, kể cả mẹ tôi không ai được kết nạp đảng dù thoát ly, làm đường, thanh niên xung phong từ năm 16 tuổi, phải sống, cống hiến, lao động và chịu đựng hơn gương Bác Hồ vĩ đại cả ngàn vạn lần , vẫn ra rìa, vì trong gia đình có người đầu hàng , theo địch... một vết nhơ trong gia đình, dòng tộc mà ngay cả khi thống nhất đất nước vẫn không thể nào gột rửa được
Loay hoay vất vả mãi, tận năm 1976 mẹ tôi mới xin được cán bộ tổ chức cơ quan một tờ giấy phép vào Nam ( thời gian đầu, nhà nước chỉ xét các đối tượng trong diện vợ chồng, con cái, bố mẹ...) khỏi phải nói đến sự mừng tủi của hai chị em sau 21 năm xa cách. Bác ôm lấy mẹ tôi khóc khi hay tin cả bố và mẹ đẻ đã mất ngay sau khi tiến hành cải cách ruộng đất, nhà bị đưa vào diện địa chủ, bóc lột. Ông tôi khi ấy đang làm hiệu trưởng trường cấp I, vì uất ức mà phải giằng kính khỏi mắt đập mạnh xuống nền nhà cho mắt kính vỡ tan để lấy một mảnh nhọn và sắc nhất rạch ruột tự tử ngay trước mặt cán bộ cải cách...Khi cả đoạn ruột lòi ra ngoài ổ bụng, một viên bác sĩ người Pháp vội vàng chạy đến băng bó, cấp cứu, nhưng ông tôi đưa tay ra hiệu không cần thiết, kèm câu nói chứng tỏ sự lựa chọn đúng đắn của mình: "Một xã hội mà kẻ vô văn hoá lên cầm đầu, trừng trị người lương thiện, cũng là người đã góp phần nuôi cả đại đội chiến sĩ trong nhà ăn no đánh thắng, giết giặc, lập công...thì xã hội ấy chỉ còn là sự đồi bại, tha hoá, cướp bóc, trừng trị, không những không đưa đất nước ra khỏi quỹ đạo luẩn quẩn của nghìn năm Bắc thuộc, mà còn không bằng xã hội trong thời kỳ phong kiến thối nát"...Một xã hội bất công, vô lý như thế thì tôi còn sống làm gì ? Làm sao cam tâm nhìn cảnh đất nước bị tàn phá, lương dân bị giày xéo .
Đời người chỉ chết có một lần, sống mà phải mang vết nhơ gia đình mình là địa chủ, chuyên áp bức, bóc lột dân lành thì sống sao nổi?
Nói lại những lời hùng hồn trăng trối cho viên bác sĩ người Pháp nghe xong, ông tôi nhắm mắt trút hơi thở cuối cùng. Bà tôi không chịu đựng nổi cái chết phi lý, đường đột của ông, lại chứng kiến cảnh mất nhà, cướp đất của lũ cán bộ cốt cán, từng ăn mòn bát, ngồi mòn chiếu nhà mình, một điều u, hai điều con, nay giở mặt gọi bà là địa chủ bóc lột, đòi đưa ra đấu tố, trong khi con cái ly tán khắp các phương trời góc bể, Từ Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Tây , Hà Nội v.v…nên cũng ốm đau , mòn mỏi, đành nhắm mắt, xuôi tay khi tuổi đời chưa tròn một vòng hoa giáp...
Khóc cho bố mẹ chán, bác tôi quay ra khóc cho mình, cho cả đại gia đình 9 đứa con, gần 30 chục cháu nội ngoại cùng 9 cặp dâu rể đang trong cảnh bấn loạn tinh thần. Chỉ vì tin ông bà còn sống mà nấn ná ở lại, cấm con cái không được "lầm đường lạc bước theo giặc, bỏ quê cha đất tổ mà đi"... Giờ cơ hội đã lỡ, tất cả đều trong cảnh sống giở chết giở, 6 anh con trai là sĩ quan cộng hoà đều phải đi học tập cải tạo mút mùa, vợ con không ai nuôi nấng, chăm sóc ...Đang từ xã hội tiêu thụ, gi gỉ gì gi, cái gì cũng có, thành xã hội bao nhiều, cấp ít, gi gỉ gì gi, cái gì cũng thiếu ...ai cũng hoang mang chán nản, bởi cuộc sống đã bị cướp đi những gì quý giá, căn bản nhất, không còn là sống mà chỉ là sự tồn tại, vạ vật cho qua ngày đoạn tháng, đau khổ đến chết và đói nghèo đến chết, thậm chí có người không chịu đựng nổi cảnh địa ngục trần gian do bọn phát xít mới đưa lại đã lặng lẽ tìm đến cái chết, hòng làm đứt tung mọi sự ràng buộc, gian díu với đời
Khi tôi vào, điều cảm nhận đầu tiên của tôi là sự hụt hẫng, suốt dọc đường trên chuyến tàu xuyên Việt, tầm mắt chỉ được nuôi dưỡng bằng cảnh nghèo, cái đói . Không phải "Đường vô xứ nghệ quanh quanh, non xanh, nước biếc như tranh hoạ đồ" như thơ Tố Hữu miêu tả mà là :
Đất nước mình đâu cũng mái nhà gianh , Gương mặt người ai cũng xám xanh ,
Đơn giản vì đồng đất bạc màu, hoang hoá, hết tím hoa mua lại trắng mùa hoa sở. Thứ hoa dại vốn chỉ mọc ở ven đồi, sườn núi, đẹp thì có đẹp nhưng không nuôi sống nổi con người.
Vào đến Sài gòn, nếu nhà văn Dương Thu Hương đã phải ngồi thụp xuống vỉa hè vì đau xót, hẫng hụt trước một sự thực trần trụi: Nền văn minh mọi rợ chiến tháng nền văn minh hiện đại thì tôi cũng có những nỗi buồn tương tự. Đất nước liền một dải, non sông thu về một mối, nhưng lòng người đầy cách ngăn. Một con sông bến Hải, một vĩ tuyến 17 ngày và đêm, một nhịp cầu Hiền Lương vẫn tồn tại trong lòng mỗi con người. Dù là tình máu mủ, ruột thịt, anh em, họ hàng, bà con, cô bác vẫn không sao xoá nhoà được ranh giới của kẻ thua, người thắng, kẻ Bắc, người Nam, kẻ lấn chiếm, người bị động...Khắp thành phố, sự phân biệt kị thì vẫn hằn lên trong từng ánh mắt, giọng nói, điệu cười. Các anh chị tôi tiếp đón một cách vừa phải , qua quýt, không thân cũng chẳng sơ. Nếu không có bác tôi làm cầu nối hẳn cuộc đón tiếp còn gượng gạo, buồn tủi hơn nữa. Đơn giản vì tôi là người miền Bắc, người của phe đối địch, bị đầu độc từ tấm bé, nên mọi lời ăn tiếng nói đều do "cha mẹ sinh con, đảng đoàn xã hội chủ nghĩa sinh tính"...Động mở miệng là nhắc đến bác Hồ, gọi tên thành phố cũng là thành phố Hồ Chí Minh chứ không phải Sài Gòn, càng không dám nói "Sài Gòn hoa lệ" hay "hòn ngọc Viễn Đông". Đã thế còn luôn bảo vệ ý kiến mình theo đúng đường lối, chủ trương, chính sách, quan điểm của đảng và chính phủ. Ngay cả khi bác hỏi: "Ngoài Bắc, mỗi tháng được phát mấy lon sữa, hả con?" Cũng phải lên gân, lên cốt trả lời theo đúng những lời dạy dỗ khuyên bảo của thầy cô trên lớp học của mình: "Cần gì đâu bác, không một gram sữa, không một ký thịt nào mà vẫn đánh thắng bè lũ đế quốc và tay sai đấy thôi".
Biết bao ông bố bỏ lại vợ con ra căn cứ địa cách mạng rồi tập kết ra Bắc, trở về dắt theo cả vợ lẽ, con thêm . Biết con trai đi học tập cải tạo, con dâu một nách 4,5 con nhỏ, vẫn không một lần lên trại thăm nuôi, còn dài giọng trách: - "Ai biểu nó vô Việt Nam cộng hoà, quay súng bắn lại cách mạng, Giờ tao vô trại cũng có bảo lãnh cho nó ra được đâu"... khiến con dâu vì nghèo, đói, uất ức mà phải tự tử, bỏ lại bốn, năm đứa con côi cút, găm thêm vào lòng người chồng đang ngồi tù cải tạo một vết thương sâu hoắm
Trong khi người miền Bắc thích ăn món cua bể (bê của) hàng hoá rùng rùng chuyển động ra phía bắc, thì trong nam cứ dần dần nghèo đi, câu hát của người dân miền Nam như lưỡi dao đâm vào tim người miền Bắc đau nhói: " Đi ta đi giải phóng miền Nam, đi đến khi nào người dân không còn cái quần, thì ta còn chiến đấu, quét sạch chúng sinh , lời bác sui dại bên tai, chiến đấu cho đến ngày Nam, Bắc nghèo bằng nhau".
Một dân tộc bị quá khứ lịch sử chia đôi thành hai vùng địa lý, chính trị, thuộc về hai chiến tuyến. Một vết cắt xuyên thấu mỗi gia đình, số phận, tưởng chừng giải phóng được rồi là tình người, no ấm về theo. Ai ngờ, vì những chính sách cai trị man rợ kéo dài mà kéo theo bao cảnh ba đào loạn ly, trước tiên là cảnh chia đàn xẻ nghé của tất cả các gia đình "nguỵ quân, nguỵ quyền" chồng, con, anh em vào trại cải tạo, vợ con ở lại nheo nhóc đói khổ, phải đương đầu với cuộc sống vô cùng khắc nghiệt cùng bao quyết sách man rợ, sai lầm chết người của đảng cộng sản: Tài sản bị cướp trắng sau cải tạo công thương nghiệp, giết chết cái gọi là mầm mống tư sản mại bản để đề cao lý tưởng xoá bỏ chế độ người áp bức bóc lột người. Đổi tiền "Nguỵ " ra tiền đảng với gía trị gần như không, đến mức người dân phải thốt lên đầy cay đắng khi cầm một nhúm tiền của đảng, bác trên tay:
Bố cạn tiền rồi cán bộ ơi,Đổi tiền mà sao đến nỗi nàyChưa tiêu đã hoá tiêu đi hết Chú phỉnh tôi rồi, chính phủ ơi"
Trong khi đại bộ phận người dân thành phố nghèo đi trông thấy, thì những anh bộ đội cụ Hồ, ba lô con cóc lép kẹp trên lưng với chiếc khung xe đạp, con búp bê nhựa xấu xí hôm nào, bỗng giàu lên một cách đáng ngờ. Từ vô sản thành hữu sản, còn người dân chịu cảnh đấu tranh giai cấp, cải tạo công thương nghiệp , nên đi từ hữu sản thành vô sản. Không những khốn khổ vì đời sống thấp kém, còn khốn khổ vì bị cán bộ cách mạng đè đầu cưỡi cổ, sách nhiễu lung tung.
Biết bao cán bộ lãnh đạo với khẩu hiệu - tưởng chừng bất di bất dịch như một chân lý sống: "Một cái kim, sợi chỉ của dân không lấy" , bỗng vụt hiện lên thành các quan cách mạng, quan đồng chí. Vừa ngủ quên trên ngai vàng quyền lực, chia nhau quả thực, vừa quay lưng lại nỗi khổ của dân, hà hiếp cai trị dân, dù đó là những người từng nuôi dưỡng bao bọc che chở cho mình trong suốt những ngày cách mạng còn gian khổ cam go nhất. Bao nhiêu tàn dư đế quốc, phong kiến, tưởng đào tận gốc, trốc tận rễ bỗng rùng rùng trở lại, gấp cả trăm, nghìn lần những tiêu cực yếu kém của thời kỳ tồi tệ, hà khắc, phong kiến trước kia - tàn dư của chế độ mới xã hội chủ nghĩa. Càng giành được chính quyền, giành được quyền tự chủ, tự quyết thì càng lòi sự dốt nát, bất lực trong phương pháp quản lý của đảng cộng sản. Đất nước liền một dải nhưng lại thực hiện chính sách, ngăn sông, cấm chợ, khiến 400 quận, huyện trong cả nước biến thành 400 lô cốt, pháo đài riêng biệt...Từ Lạng Sơn tới mũi Cà Mau, đất nước bị băm nát thành trăm nghìn mảnh vụn bởi các trạm gác, chốt canh, nhân viên thuế vụ v.v… Chỉ đem cân gaọ, lạng thịt từ tỉnh này sang tỉnh khác, huyện này sang huyện khác đã bị coi là buôn lậu và bị phạt, bị bắt, bị nhốt vô tội vạ, khiến lòng dân tứ tán ...Làn sóng di tản ồ ạt, di tản bằng mọi giá, gần 90% các sĩ quan ra khỏi trại cải tạo trở về là cùng vợ con bỏ đất nước ra đi, tạo thành một làn sóng lưu vong nhiều không kể xiết, nạn thuyền nhân khủng khiếp nhất thế giới...Chưa kể các trại tù mọc lên như nấm suốt dọc bờ biển Đông để nhốt người vượt biển. Hiếm có người nào đi một lần đã trót lọt. Người bỏ mình trên biển thẳm, người bị bắt hết lần này lần khác, người trở thành nạn nhân của bọn hải tặc Thái Lan v.v.. Đau thương nhiều không kể xiết..
Đất nước không phải của toàn dân tộc Việt Nam như lời cha già dân tộc nói mà chỉ là của một phe nhóm những kẻ lãnh đạo cộng sản, còn những người dân thấp cổ bé họng thì thuộc tầng lớp bị trị, bị cai quản, đầy áp đặt thô bạo và phân biệt đối xử không khác gì bài học lịch sử đau xót của cả nghìn năm trước đó: "Được làm vua, thua làm giặc". Hễ là người miền Bắc dù không có chứng chỉ văn bằng, năng lực lãnh đạo, quản lý, nhưng đều được cất nhắc lên thành cán bộ. Con em " Nguỵ quân, nguỵ quyền" bị phân biệt đối xử, bị xem xét về lý lịch, thành phần . Bao nhiêu khẩu hiệu dùng để tập hợp lực lượng, thu hút quần chúng sớm đến ngày chiến thắng, giờ trở thành đầu môi, chót lưỡi , thành sự bội ước với số đông đồng bào, đồng chí, anh em, cô bác. Xã hội bị tha hoá , tuột dốc từng ngày. Thời điểm trước "giải phóng", miền Nam Việt Nam dưới sự chỉ đạo của chính thể cộng hoà, 21 triệu người đã ra khỏi sự đói nghèo luẩn quẩn của nghìn năm lịch sử, nay nhờ được đảng cộng sản "giải phóng" mà cả nước húp chung một niêu cháo loãng, cả nước lặn ngụp trong những ô tem phiếu, nhá bo bo, mì hạt sái hàm, ăn khoai và củ mì đớ họng. Từ chỗ vượt xa Nam Hàn và Thái Lan trong thập kỷ 70, thì ngay sau "giải phóng" một năm, đã kém xa Nam Hàn và Thái Lan về mọi mặt.
Mượn lý tưởng "xoá bỏ chế độ người bóc lột người" để liên tục đánh vào tầng lớp hữu sản, để dần dần thay thế vai trò, từ vô sản thành hữu sản và ngược lại . Ngọn cờ của giai cấp vô sản càng giương cao thì tầng lớp cán bộ, lãnh đạo đảng càng giàu lên một cách bất ngờ, trong một thời gian vô cùng ngắn ngủi , trong khi bao nhiêu căn cứ cách mạng, bao nhiêu vùng nông thôn rộng lớn phải sống cảnh giật gấu vá vai, ăn bữa nay, lo bữa mai thì cán bộ cộng sản ăn chơi phè phỡn , ăn luôn cả thành tựu cách mạng bao năm gây dựng trong lòng dân . Khắp thành phố khi đó là một bức tranh hiện thực trơ trụi , xám mgoét, hậu quả tất yếu của sự lãnh đạo dốt nát, cộng với chủ nghĩa cơ hội, ăn xổi ở thì, cũng như kiêu ngạo, ảo tưởng của kẻ chiến thắng. Vừa công kênh cái dốt, đề cao cái ác, lại vừa giày xéo lên lương tâm của những người lương thiện, chưa kể còn cố tình bám vào những lý thuyết sách vở lỗi thời là chủ nghĩa Mác, Lê để níu kéo sự phát triển hài hoà của cuộc sống . Càng giương cao ngọn cờ "bách chiến bách thắng" trong mọi lĩnh vực thì càng khủng hoảng, thua lỗ. Càng nêu cao khẩu hiệu "nói thẳng , nói thật , đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật" thì càng dối lừa, gian trá, khiến cho bài toán kinh tế mỗi ngày lại mang thêm nghiệm âm.
Hàng nghìn gia đình bị dồn lên khu kinh tế mới, mới chẳng thấy đâu, chỉ thấy mênh mông mịt mùng là rừng, núi, vách đá dựng đứng. Ngày nắng rát da, đêm lạnh thấu xương. Một ngày trải đủ 4 mùa xuân, hạ, thu, đông, chẳng biết làm gì để ăn, để sống đành ôm nhau mà khóc, ôm nhau mà sợ, rồi không thể ôm nhau mà chết, đành dắt díu lếch thếch kéo nhau về lại nơi ở cũ, vạ vật nơi xó chợ, lề đường, vì nhà cũ đã được quan cách mạng chiếm cứ, trưng dụng vô điều kiện ...
Ba mươi ngày ở lại Miền Nam thâm nhập thực tế, trở ra lòng tôi trĩu nặng. Cũng như tất cả những người dân miền Nam khác trong thời kỳ đó, tôi không nhận được gì từ chế độ mới xã hội chủ nghĩa mà chỉ cảm được nỗi đau, nỗi khổ, nỗi bàng hoàng, hẫng hụt, bất bình của người dân với chính quyền cộng sản
33 năm qua rồi , nỗi đau còn đọng lại, vẹn nguyên, làm tổ, kết kén trong hồn tôi, càng ngày càng mưng mủ, và bây giờ vỡ toác trên trang giấy ...
Bệnh viện Châm Cứu 28-4-2008Trần Khải Thanh Thuỷ
No comments:
Post a Comment