Trùm Điệp Báo Mười Hương
Càng ngày Đảng CSVN và chính quyền Hà Nội càng cho tung ra nhiều chuyện bịa đặt về những hoạt động tình báo huyền thoại của họ tại miền Nam Việt Nam trước 1975, mặc dầu hồ sơ và một số nhân chứng lịch sử, tức những người đã bắt và lấy lời khai các điệp viên của họ vẫn còn đó. Chắc chắn CIA có đầy đủ hồ sơ của Phạm Xuân Ẩn, vì Ẩn được CIA huấn luyện và hổ trợ để làm điệp viên nhị trùng (double agent). Chúng tôi tin rằng CIA cũng đã có đầy đủ hồ sơ của Đại Tá Lê Câu, Chỉ Huy Cục 2 Quân Báo Miền Nam, và các mạng lưới liên hệ, vì năm 1964, CIA đã mượn Đại Tá Lê Câu để thẩm vấn (chúng tôi sẽ nói sau), v.v.
Có lẽ Hà Nội tưởng rằng làm như vậy họ có thể đánh lừa được dân chúng và một số sử gia ngoại quốc, bằng chứng là họ đã đánh lừa được Larry Berman! Nhưng họ đã lầm. Ở Mỹ và các nước Tây phương, qua một thời hạn, các hồ sơ mật được giải mã, các sự láo phét đều bị lật tẩy.
Như chúng tôi đã nói nhiều lần, sự thất bại lớn lao nhất về hoạt động tình báo của Hà Nội tại miền Nam là hai trùm tình báo của họ đã bị cơ quan an ninh VNCH tóm gọn, đó là Trần Quốc Hương (tự là Mười Hương) thuộc Cục Tình Báo Chiến Lược, chỉ huy Điệp Báo và Đại Tá Lê Câu, Chỉ Huy Cục 2 Quân Báo Miền Nam, với khoảng 60 cụm tình báo chiến lược của Hà Nội đã bị phá vỡ, không kể các cụm tình báo địa phương.
Để che giấu những sự thất bại này, trong 30 năm qua, Hà Nội đã cố gắng đưa những tên tình báo cắc ké ra và huyền thoại hoá như Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn... để đánh lừa dư luận. Hà Nội không hề nhắc đến hai tên trùm tình báo Mười Hương và Lê Câu.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Hà Nội đã tung nhiều tài liệu nói về Mười Hương, đặc biệt là cuốn “Trần Quốc Hương - Người thầy của những nhà tình báo huyền thoại”, do Nguyễn Thị Ngọc Hải biên soạn. Nhiều người đã đặt câu hỏi: Hà Nội muốn gì?
Trước khi nói về Mười Hương, chúng tôi xin nói qua Nguyễn Thị Ngọc Hải, một tên bồi bút được Công An giao cho viết những chuyện bịa đặt về “thắng lợi” của Đảng ta khi hoạt động tình báo tại miền Nam trước năm 1975.
VÀI NÉT VỀ BỒI BÚT NGỌC HẢI
Báo Công An Nhân Dân đã giới thiệu Nguyễn Thị Ngọc Hải như sau:
Nguyễn Thị Ngọc Hải sinh ngày 31.1.1944 tại Hà Tây. Đảng viên Đảng CSVN. Trình độ văn hóa: Tốt nghiệp Khoa ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1966).
Nguyễn Thị Ngọc Hải bắt đầu viết văn vào những năm 60, có truyện ngắn in chung trong tập Ánh Sáng Cây Đèn Biển, chuyển sang làm báo chuyên nghiệp. Bà đã từng là thư ký tòa soạn rồi ủy viên ban biên tập báo Phụ nữ Việt Nam. Sau 1975, chuyển vào công tác tại thành phố Hồ Chí Minh. Hiện là chuyên viên báo chí và là Ban Tư Tưởng Văn Hóa Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.
Với “thành tích” như vậy, bà Hải làm bồi bút cho Công An là chuyện rất bình thương. Do Công An “mớn”, bà Hải đã viết một số sách như "Phạm Xuân Ẩn, tên người như cuộc đời", "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, "Đại tướng Mai Chí Thọ, Tướng con dân",“Trần Quốc Hương - Người thầy của những nhà tình báo huyền thoại”, v.v. Tuy nhiên, vì bà Hải không biết gì về tổ chức và hoạt động của chính quyển miền Nam trước đây nên đã phịa ra nhiều chuyện rất lố bịch. Cuốn sách được coi như thành công nhất của bà Hải là cuốn "Phạm Xuân Ẩn, tên người như cuộc đời", lại là cuốn chứa đựng nhiều chuyện nhố nhăng hơn cả. Chúng tôi đã nêu lên khá nhiều chuyện nhố nhăng này trong bài “Điệp viên Phạm Xuân Ẩn” phổ biến ngày 5.10.2006.
VÀI NÉT VÊ MƯỜI HƯƠNG
Trong các cán bộ tình báo của Hà Nội bị bắt tại miền Nam, Mười Hương là người có cấp bậc cao nhất, nhưng cũng là người có số phận hẩm hiu và bi đát nhất vì bị Đảng nghi ngờ.
Tài liệu của Hà Nội công bố cho biết Mười Hương tên thật là Trần Ngọc Ban có bí danh là Mười Hương, sinh năm 1924 tại xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, hoạt động cách mạng từ năm 1937. Ông gia nhập Đảng Cộng Sản Đông Dương năm 1943. Năm 1941, ông bị Pháp bắt cùng với ông Nguyễn Thọ Chân vì treo cờ Cộng Sản và rải truyền đơn, rồi bị tống giam hơn một năm trước khi ra tòa án binh của Pháp. Nhưng do còn nhỏ tuổi, ông đã được trả tự do với lời cảnh báo của một mật thám Pháp: “Đừng thấy nó nhỏ tuổi mà coi thường, Cộng Sản đã ăn vào máu của nó rồi”. Năm 1943, ông đã trở thành đảng viên Đảng Cộng Sản. Trước và sau Cách mạng tháng Tám, ông làm thư ký riêng của Tổng Bí Thư Trường Chinh.
Trong Đảng CSVN, ông đã từng giữ các chức vụ quan trọng sau đây: Ủy viên Trung Ương từ khóa IV đến khóa VI, Bí Thư Trung Ương Đảng khóa VI, Trưởng Ban Nội Chính Trung Ương.
Chúng tôi xin trích lại các các bài tự thuật của ông về việc ông đi vào nghề tình báo và trường hợp ông bị bắt trước khi nói về sự thất bại nặng nề của ông và Cục Tình Báo Chiến Lược Hà Nội.
ĐI VÀO NGHỀ TÌNH BÁO
Chúng ta hãy nghe ông Mười Hương kể lại chuyện ông đi vào nghề tình báo như thế nào:
“Khoảng tháng 7/1954, Xứ ủy Nam Kỳ cử đồng chí Lê Đức Thọ ra gặp Trung Ương để bàn về chiến lược cách mạng và xin Trung Ương cử tôi vào đó. Tổng Bí Thư Trường Chinh xin ý kiến và được Bác Hồ đồng ý. Anh Trường Chinh gặp tôi giao nhiệm vụ và nói: “Khó khăn nhiều lắm đấy, đi không biết bao giờ trở lại. Phải suy nghĩ cho kỹ, nếu thấy đi không được thì cứ báo cáo, Trung Ương không ép”. Bác Hồ cũng gặp tôi dặn dò: “Công việc thì các chú khác đã dặn chú kỹ rồi, xem làm được thì nhận và đã nhận thì đừng phụ lòng Trung Ương, đi sao nhớ về vậy!”.
Vào Nam, lạ nước lạ cái, nhưng ông may mắn được các đồng đội thân thiết, nhất là ông Phan Trọng Tuệ, từng là bạn tù, và ông Lê Toàn Thư giúp nắm bắt tình hình để cùng ông Mai Chí Thọ và Cao Đăng Chiếm nhanh chóng mở các lớp huấn luyện nghiệp vụ tình báo. Nhận nhiệm vụ trong Ban Địch Tình Xứ Ủy, với vỏ bọc là giáo viên dạy tư tại Sài Gòn, ông và gia đình sống trong ngôi nhà số 45A đường Tú Xương, quận ba, thành phố Sài Gòn.
Báo Công An Nhân Dân đã kể lại “thành tích” của ông trong việc hình thành các cụm tình báo chiến lược Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Xuân Ẩn... Nhưng các cụm tình báo này đều đã bị bắt và những tên Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy... đều đã chuyển hướng và làm công tác địch vận cho Đoàn Công Tác Đặc Biệt.
Ông Mười Hương có cho biết năm 1962 ông có phái Vũ Ngọc Nhạ vào khu giáo xứ Bình An ở Bình Đông để theo dõi nhóm Giám Mục Lê Hữu Từ. Vũ Ngọc Nhạ “đã chiếm được lòng tin của Giám mục Lê Hữu Từ... trở thành người đại diện trong quan hệ với chính quyền họ Ngô”. Nhưng ông Mười đã nói láo không có sách. Lúc đó Vũ Ngọc Nhạ đã chuyển hướng và làm việc cho Đoàn Công Tác Đặc Biệt. Ông Nguyễn Tư Thái, Phụ Tá Trưởng Đoàn Công Tác cho biết năm 1962, khi được tin nhóm Giám Mục Lê Hữu Từ đang hợp tác với các nhóm khác để tổ chức lật đổ ông Diệm, ông Ngô Đình Cẩn ở Huế đã nhắn vào, yêu cầu Đoàn Công Tác đưa Vũ Ngọc Nhạ vào giáo xứ Bình An để theo dõi nhóm Giám Mục Lê Hữu Từ, vì khi ở ngoài Bắc, Nhạ có học trường đạo và sinh sống tại Phát Diệm. Đoàn đã bố trí Nhạ theo chỉ thị của ông Cẩn.
HOẠT ĐỘNG TẠI MIỀN NAM VÀ BỊ BẮT
Mười Hương bị Đoàn Công Tác Dặc Biệt của ông Dương Văn Hiếu bắt vào tháng 6 năm 1958. Mười Hương rất bất ngờ và các cấp trên của ông ở Hà Nội lúc đó cũng rất ngạc nhiên. Trong nghề tình báo, Hà Nội thường đánh giá Mười Hương là một người thận trọng, chín chắn và có kinh nghiệm hoạt động. Báo Công An Nhân Dân cho biết, trong chương trình giao lưu "Ký ức thời hoa lửa" tổ chức tại Học viện cảnh sát nhân dịp 30/4/2008, ông Mười Hương đã cho biết về hoạt động tình báo tại miền Nam và trường hợp ông bị sa lưới như sau:
1.- Hoạt động tình báo tại miền Nam
“Sau 1954, quân đội, công an ta tập kết ra miền Bắc, một địa bàn rộng lớn thả không cho địch là bất lợi. Muốn hiệp định Giơ-ne-vơ được thi hành, Bắc nhanh chóng đoàn tụ sau hai năm tạm chia cắt theo ranh giới vĩ tuyến 17 - cầu Hiền Lương thì phải tìm cách thu gom nắm tình hình của địch. Vì thế TW (Trung Ương) đã nhanh chóng lập ra BAN ĐỊCH TÌNH của XỨ ỦY PHÍA NAM do đồng chí Văn Viên phụ trách và các thành viên: Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm, Hoàng Minh Đạo và Trần Ngọc Ban (Mười Hương). Hơn bốn tháng sau, đồng chí Văn Viên ốm nặng đã qua đời.
“Vào quãng thời gian 1956 đến 1957 đang hoạt động thì Hoàng Minh Đạo bị bắt. Khi thoát ra tù Hoàng Minh Đạo được chuyển sang công tác khác. Ban Đặc Tình Xứ Ủy Miền đề nghị TW bổ sung cán bộ thay đồng chí Hoàng Minh Đạo.
“Trung Ương nhanh chóng cử đồng chí tên là Ba, nguyên Phó Chính Ủy sư đoàn 330 vừa mới tập kết ra Bắc vào thay. Đồng chí Ba quê ở miền Tây bộ. Vợ con không theo đồng chí ra tập kết. Trước 1954 đồng chí đã từng là Bí Thư Tỉnh Ủy (khu căn cứ). Đồng chí Ba quả là hạt giống được chọn lựa, vừa có năng lực chỉ đạo vừa có trình độ chính trị thâm niên vững vàng.
“Biết tin đồng chí Ba đi vào bằng đường “xanh” (rừng) có ngang qua vùng giới tuyến 17 - Quảng Trị. Sau một thời gian Ban Đặc Tình cử anh Mười đi đón đồng chí Ba. Giữa Sài Gòn ồn ào, náo nhiệt dễ trà trộn, hợp pháp, nhưng anh Mười vẫn tuân thủ từng bước đi, cử chỉ thận trọng và luôn luôn cảnh giác để đón vị khách mới, một cán bộ cấp cao nhập cuộc.
“Việc đầu tiên đón một cán bộ mới là phải giới thiệu một cơ sở ăn, ở, hoạt động và có thể làm nơi đặt hòm thư trao đổi, gặp gỡ. Cơ sở này là một lãnh tụ Đại Việt.
“Trước khi vào, TW cũng đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Ba bắt mối với cơ sở này. Khi anh Mười vừa đề xuất thì Ba đã liên hệ với cơ sở này trước. Không biết vì nghề nghiệp hay sự nhạy cảm, anh Mười bắt đầu ngờ ngợ trước cử chỉ này. Nhập cuộc một tổ chức, nhất là tổ chức tình báo gần giống như vô một ngôi nhà, bước đầu khách phải tuân thủ sự hướng dẫn của chủ nhà mới hợp lẽ. Đằng này cứ tự động sục sâu vào trong là vô nguyên tắc của lẽ sống thường tình. Và qua tiếp xúc, anh Mười mới rõ, tuy chân ướt chân ráo, đồng chí Ba đã liên hệ với gia đình ở miền Tây. Sự việc thứ hai này làm anh Mười càng ngỡ ngàng, băn khoăn hơn. Hoạt động tình báo nguyên tắc số một là cắt cái đuôi gia đình. Sự lòng thòng dùng dằng dễ bị lộ lắm. Đồng chí Ba có vợ và năm con. Trước tình thế bất khả kháng như vậy, buộc anh Mười đề xuất với đồng chí Ba cho hai đứa lớn ra Bắc học. Ban Đặc Tình đồng ý, anh Mười gởi hai cháu sang đường Campuchia qua Trung Quốc rồi về Hà Nội. Cháu thứ nhất chịu đi, cháu thứ hai không biết nó nghĩ ra làm sao lại quay trở về. “Cái đuôi” vẫn còn dài, nguy hiểm đang rình rập đến anh ta, và mạng lưới Ban Đặc Tình Miền. Sự việc xảy ra ngoài ý muốn, anh Mười nói với đồng chí Ba nên thuyết phục cháu tiếp tục đi. Anh ta đồng ý và đặt một điểm hẹn. Anh Mười đến, cô giao liên bảo anh ta không đưa thằng cháu đến. Kế hoạch đưa thằng cháu đi không thực hiện được...
“Cú sốc ấy ám ảnh hoài nhưng anh Mười vẫn kiên trì giao ước với anh ta hai cuộc hẹn, phòng cuộc thứ nhất không thành thì cuộc hẹn thứ hai sẽ gặp...
“Hôm sau theo hẹn, anh Mười vẫn đến cơ sở xóm lao động thành phố Gia Định. Anh Mười không đi thẳng đến chỗ hẹn, mà đón các cháu của chủ cơ sở đang lon ton chạy về nhà để kiểm tra tình hình. Và lần hẹn thứ hai, anh Mười lại cố tình để hụt...”
2.- Bị sa lưới của Đoàn Công Tác Đặc Biệt
“Đến lần thứ ba anh Mười hẹn gặp anh ta ở một cơ sở tại Gò Vấp. Vùng ngoại ô hẻo lánh này bọn mật thám thường ngại đến rình mò. Nơi hẹn là thôn quê, trước nhà có sân, trước sân cạnh đường có một quán cóc bán nước, rượu và một ít thức nhắm như đậu phụng, bò khô... Giờ hẹn là chín giờ. Anh Mười đến trước để quan sát có gì khác thường không...
“Anh Mười hẹn anh ta từ quán cóc đi vào, nếu yên tĩnh thì đặt để xe máy theo một hướng quy định. Đúng giờ anh ta đến và răm rắp làm theo hẹn ước. Một hồi lâu anh Mười mới ra.
- Sao hôm qua hẹn ông không đến (anh ta vặn hỏi)?
“Mắt anh ta lại tỏ ra không bình thường. Anh Mười liền đưa cho anh ta mấy tờ báo mới mua sáng sớm và bảo: “Tôi bận”.
“Nói xong, anh Mười vừa lên xe một đoạn thì một thanh niên đang ngồi ở quán cóc, bên cạnh có dựng gánh chiếu, đứng dậy chặn anh Mười lại:
- Ông không đi được! Ông cho tôi xem giấy!
- Anh là gì mà xem giấy tôi - Anh Mười nhát gừng hỏi.
“Cãi qua cãi về một lúc, tên thanh niên thổi còi vang lên. Lập tức hàng chục thanh niên nấp đâu trong các nhà lân cận ùa ra vây quanh anh Mười. Nó dẫn anh Mười ra một con đường. Nó vẫy một taxi đẩy anh Mười lên xe và quàng vào mắt một kính sơn màu đen gần như không thấy gì. Trong đầu anh Mười cứ dõi theo để xem chúng nó đem anh về đâu và thằng nào bắt anh. Tụi nó gọi nhau ơi ới, anh Mười mới biết tên thanh niên đóng giả người bán chiếu ngáng anh lại để bắt tên là Khanh (Ghi chú: Phan Khanh, một nhân viên của Đoàn Công Tác Dặc Biệt). Nó nói giọng Huế...”
Mười Hương bị đưa về giam tại trại Vân Đồn ở Khánh Hội.
Báo Công An kể tiếp:
“Quãng mười giờ sáng hôm đó một tên đến hỏi anh Mười với cái giọng hách dịch:
- Tên là gì?
- Chí! Giấy tờ tôi các ông nắm trong tay.
- Láo! tên ông là HG
Anh Mười Hương giật mình. Biệt danh HG ký trong các bức thư gởi ra TW, sao chúng nó lại biết. E là?...? Chúng nó dọn cho anh Mười một phòng ở. Trưa đó vẫn có cơm, thức ăn mặn, nước uống đàng hoàng.
Khi đi qua đám người đang xúm quanh bàn cờ tướng, anh Mười xẹc đại vào. Trong bàn cờ có anh đại tá cục hai.
- Anh em cho tôi tham gia vài nước được không? Anh Mười lên tiếng.
- Được! anh cứ ngồi đi.
Bỗng nhiên, có một thanh niên (sau này mới biết anh ta tên Hội (con) cán bộ tình báo ghé vào tai anh Mười “thằng Ba bắt anh đấy”. “Chỗ giam hắn đâu” anh Mười hỏi...
“Từ đây mọi chuyện đã rõ ràng như ban ngày. Ba đi vào nam, qua Quảng Trị bị bắt. Chúng nó đã chuyển hướng được Ba, qua cầu rồi và đã rút ván. Thằng Ba đã làm cò mồi bắt Mười Hương và đã chỉ điểm bắt Năm Ba Son. Ba còn manh động chỉ điểm muốn xóa sạch Ban Đặc Tình Xứ Ủy Miền...”
3.- Một vài điểm cần ghi nhớ:
Chúng tôi có thể tóm kết về hệ thống tình báo chiến lược của Hà Nội tại miền Nam như sau:
(1) Sau hiệp định Genève 1954, Hà Nội đã cho lập Ban Địch Tình của Xứ Ủy Phía Nam để tổ chức và lãnh đạo mạng lưới tình báo chiến lược tại miền Nam do Văn Viên phụ trách. Ban này được đặt dưới sự chỉ huy của Cục Tình Báo Chiến Lược Hà Nội và gồm những thành phần sau đây: Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm, Hoàng Minh Đạo và Trần Ngọc Ban (Mười Hương).
(2) Một thành viên của tổ chức này là Hoàng Minh Đạo đã bị bắt. Sau khi được thả ra, vì sợ Hoàng Minh Đạo làm phản gián cho địch nên Xứ Ủy đã chuyển đi làm công tác khác.
(3) Hà Nội đã cử “đồng chí tên là Ba, nguyên Phó Chính Ủy sư đoàn 330 vừa mới tập kết ra Bắc vào thay” Hoàng Minh Đạo. Và “đồng chí” Ba này mới vào tới Quảng Trị thì bị bắt. Sau đó, “đồng chí Ba” đã chuyển hướng, Đoàn Công Tác đã cho gặp vợ con ở Cần Thơ và dùng “đồng chí Ba” để gài bắt Mười Hương và phá vở Ban Địch Tình của Xứ Ủy Phía Nam.
Qua lời tường thuật của Mười Hương, chúng ta thấy được hoạt động tình báo của Đoàn Công Tác Đặc Biệt tinh vi như thế nào.
Mười Hương chỉ được giam giữ ở trại Vân Đồn một thời gian rồi được chuyển ra trại Tòa Khâm (Toà Khâm Sứ Pháp cũ) ở hữu ngạn sông Hương, Huế, để được thuyết phục chuyển hướng.
MƯỜI HƯƠNG GẶP ÔNG NHU
Trong thời gian bị giam ở Huế, Mười Hương có đuợc dẫn đến nói chuyện với ông Ngô Đình Cẩn và ông Ngô Đình Nhu. Mười Hương đã tường thuật lại các cuộc đối thoại trong hai cuộc gặp gỡ này. Dĩ nhiên là Mười Hương đã tường thuật theo lối tuyên truyền để thanh minh với Đảng và với các đồng chí của ông. Không ai biết được nội dung cuộc gặp gỡ như thế nào, nhưng chuyện Mười Hương đồng ý đi gặp ông Cẩn và ông Nhu đã khiến Đảng CSVN nghi ngờ Mười Hương có hợp tác với ông Nhu trong một phạm vi nào đó nên không tin dùng Mười Hương sau khi Mười Hương được chuộc ra.
Sau đây chúng tôi xin đăng lại một đoạn do Mười Hương kể về cuộc “Đấu lý với ông Nhu” do Vũ Hiệp ghi lại vào tháng 6 năm 2006 trong bài “Tìm hiểu nhà tình báo Mười Hương”. Câu chuyện thực hư như thể nào chúng tôi không thể kiểm chứng được.
Ông Vũ Hiệp viết:
“Trong thời gian ở tù, ông đã có cuộc gặp “đấu lý” với Ngô Đình Nhu. Sau khi dùng đòn tâm lý, tư tưởng, hành hạ thể xác để lung lạc Mười Hương không được, Ngô Đình Cẩn đã phải nhờ cố vấn Ngô Đình Nhu gặp ông để thuyết phục. Họ bố trí cho ông Mười Hương gặp Ngô Đình Nhu trong một cuộc họp đông người tại nhà nghỉ mát của Ngô Đình Cẩn ở cửa Thuận An. Cuộc gặp đó có cả Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, Hà Thúc Luyện (Tỉnh trưởng Thừa Thiên), Hồ Đắc Khương, Trần Văn Đôn và một số cán bộ cộng sản bị bắt.
“Trong tù đã lâu, thiếu thông tin nhưng với cái nhìn thời cuộc của nhà chỉ huy tình báo, ông Mười Hương đã đưa ra nhiều lý lẽ khiến anh em nhà họ Ngô phải giật mình. Khi tranh luận, ông nói:
- Các ông chưa có độc lập đâu.
Nhu hỏi:
- Tại sao ông lại nói thế. Chúng tôi chỉ dựa vào Mỹ, cũng như các ông dựa vào Nga Xô thôi.
“Chính các ông nói: Mỹ viện trợ 80% cho quân sự và vũ khí, 20% còn lại trang bị cho cảnh sát và thông tin tuyên truyền, tức là chỉ giúp các ông phương tiện để đánh nhau và chửi nhau với miền Bắc thôi, chứ có gì cho xây dựng kinh tế đâu. Các ông phụ thuộc vào Mỹ. Viện trợ Mỹ là cái thòng lọng. Khi nào các ông chống họ, không nghe họ thì họ thắt lại, các ông hết thở thôi. Lý Thừa Vãn được Mỹ tin hơn ông Diệm, vậy mà khi cần gạt nó vẫn gạt như thường. Ông Mười Hương phân tích.
“Nhu không chịu thua, đáp lại:
- Ông ạ, các ông cứ chửi chúng tôi là tay sai của Mỹ, cứ giữ biên giới Mỹ ở Vĩ tuyến 17. Không biết ông có biết không, hay là chỉ các ông lớn ở trên mới biết, là Kennedy và Khorutsov đã thỏa thuận, xác định Vĩ tuyến 17 ở Việt Nam và Vĩ tuyến 38 ở Triều Tiên làm ranh giới phân chia cân bằng ảnh hưởng của hai phe, hai thế lực. Chúng tôi bước sang phía Bắc Vĩ tuyến 17 thì Nga Cộng không để yên. Còn các ông đã bước vào phía Nam nên Mỹ không thể nào để yên được.
“Mười Hương lập tức trả lời:
- Ông Nhu này, tôi là người Việt Nam. Từ nhỏ tôi đã được học: Nước Việt Nam liền một dải, từ Ải Nam Quan ở phía Bắc tới Mũi Cà Mau ở phía Nam. Cụ Hồ từng nói “Miền Nam là máu thịt của Việt Nam, dù dù sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Tôi theo Cụ Hồ. Tôi rất tự hào vì đã được ở lại miền Nam để đấu tranh cho thống nhất đất nước.
“Nhu đã phản biện khá khôn ngoan:
Các ông muốn đất nước thống nhất theo cách của các ông, các ông đấu tranh bằng con đường bạo lực, Nga Xô cung cấp vũ khí cho các ông. Còn chúng tôi đấu tranh theo cách của chúng tôi. Chúng ta theo hai lý tưởng khác nhau, không thể nói người Cộng sản yêu nước hơn người Quốc gia, chúng tôi cũng muốn thống nhất đất nước...”
HÀ NỘI CHUỘC MƯỜI HƯƠNG
Sau cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963, Việt Cộng đã nhờ một Trung Tướng của VNCH, người Huế, theo Phật Giáo, và là một điệp viên của Việt Cộng, vận động để thả Mười Hương ra. Trung Tướng này đã nói chuyện với Tường Mai Hữu Xuân lúc đó được Tướng Dương Minh cử làm Đô Trưởng Sài Gòn, kiêm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, kiêm Đặc Ủy Trưởng Phủ Đặc Uûy Trung Ương Tình Báo với “sứ mạng” là kiếm tiền. Nghe nói Tướng Xuân đòi 50.000 USD. Hà Nội đồng ý. Sau khi đưa tiền, Mười Hương đã được phóng thích. Như vậy Mười Hương đã chỉ tù hơn 6 năm đúng như Mười Hương đã kể.
Sau 30.4.1975, ông Nguyễn Tư Thái, Phụ Tá Trưởng Đoàn Công Tác, đã bị Công An Việt Cộng bắt và bị đưa đi thẩm vấn tại nhiều cơ quan khác nhau. Khi bị giam ở trại Thanh Liệt, nhiều cán bộ cao cấp từ trung ương đã đến hỏi ông về những lời khai của Mười Hương. Năm 1986, khi ông được đưa về giam tại trại Nam Hà, Bộ Chính Trị phái một Tướng tên là Hải và một Đại Tá đến hỏi ông về chuyện hợp tác giữa Mười Hương và cơ quan tình báo VNCH. Ông viết: “Cũng trong dịp này, hai tên cán bộ này có cho tôi biết sau năm 1963 phải lo lót cho nhóm Dương Văn Minh và Mai Hữu Xuân trên 5 triệu đồng Mười Hương mới được thả ra.”
Người thứ hai cũng đã được Hà Nội thương lượng để được Tướng Mai Hữu Xuân phóng thích là Đại Tá Lê Câu, chỉ huy Cục 2 Quân Báo Miền Nam, bị bắt tại Sài Gòn năm 1962. Đại Tá Lê Câu lúc đó đang bị giam ở Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo, số 3 Bến Bạch Đằng, Sài Gòn, đã được Mai Hữu Xuân cho chuyển qua Tổng Nha Cảnh Sát để chờ đợi được phóng thích sau khi thương lượng xong. Nhưng khi cuộc thương lượng về tiền bạc đang được tiến hành, CIA được tin Mai Hữu Xuân đã thả Trần Quốc Hương, nên sợ Mai Hữu Xuân cũng sẽ phóng thích Đại Tá Lê Câu sau khi nhận tiền của Việt Cộng, do đó CIA đã yêu cầu Tổng Nha Cảnh Sát cho mượn Đại Tá Lê Câu để thẩm vấn. Đại Tá Lê Câu đã được đưa về lại Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo rồi được CIA đưa ra chiến hạm Mỹ ở Thái Bình Dương để lấy lời khai và lưu giữ một thời gian, vì thế Tướng Mai Hữu Xuân không thể phóng thích Đại Tá Lê Câu.
THẤT BẠI NẶNG NỀ CỦA HÀ NỘI
Chúng ta hãy nghe một đoạn nói về hoạt động của Đoàn Công Tác Đặc Biệt do những cán bộ cao cấp của Việt Cộng ghi lại sau ngày 30.4.1975:
Trong cuốn hồi ký mang tên “Bội Phản hay Chân Chính?”, Dư Văn Chất, Phái khiển của cụm tình báo chiến lược A.22 đã viết:
“Đây là một ngành an ninh đích thực, nhưng là một “siêu tổ chức” với nhiều đặc thù mà không có bộ máy nào của Ngụy so sánh được. Nó tập trung quyền lực cao độ: cực quyền, với các phương thức hoạt động hết sức tinh vi, hiểm độc và táo bạo. Trong cái nhà tù không song sắt, Công an Mật vụ cùng với kháng chiến Việt Cộng ăn chung, ngủ chung, chơi chung và công tác chung. Chuyện khó tin mà có thật, và chỉ có được trong thời điểm lịch sử nhất định. Bắt đầu từ cuộc đấu tranh chính trị đòi hỏi hiệp thương tổng tuyền cử cho tới tiếng súng Đồng Khởi hạ màn kết thúc. Thành tích chống Cộng của Mật vụ Ngô Đình Cẩn – Dương Văn Hiếu thật diệu kỳ. Chúng đánh phá vào cơ quan đầu não của các Đảng bộ miền Trung như Liên Khu Năm, Tỉnh Ủy Thừa Thiên, Thành Ủy Huế rồi Đà Nẵng. Tiến xuống phía Nam, chúng tấn công cơ sở Đặc Khu Sài Gòn Chợ Lớn, Thủ Biên, Cần Thơ. Nổi bật nhất là Mật vụ Miền Trung đánh bắt gọn các lưới Tình Báo Chiến Lược của ta trải suốt từ Bến Hải tới Sài Gòn trong vòng chỉ một năm.”
Chính Trần Quốc Hương cũng đã nhìn nhận:
“Cái chủ trương bao trùm của Ngô Đình Cẩn là chuyển hướng tù nhân, đối tượng là những người kháng chiến nằm vùng hoặc từ Bắc vào. Ai có bị bắt, bị nhốt trong các nhà lao ấy mới thấy sự thâm hiểm của chúng. Ngô Đình Cẩn thường nhốt chung năm bảy người vào một cụm. Chúng nó vẫn cho ăn, uống, đi lại, thậm chí có thể gởi mua sách báo đọc. Nhốt từng buồng giam nhưng như kiểu không nhốt, có khoảng cách khó hiểu, để mọi người nghi ngờ lẫn nhau, muốn đoàn kết vẫn không đoàn kết được.”
Theo tài liệu của Bộ Thông Tin VNCH, tính đến tháng 5 năm 1956 đã có 94.041 cán bộ Việt Cộng về hồi chánh và 5.613 bị bắt.
Cuốn “Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 - 1955” của Bộ Quốc Phòng Hà Nội, Tập II (tr. 73 – 74) đã viết:
“Chỉ từ tháng 7–1955 đến tháng 2–1956, Mỹ – Diệm đã giết hại, giam cầm 93.362 cán bộ, đảng viên và những người yêu nước. Cơ sở đảng, cơ sở quần chúng bị tổn thất nặng.
“Ở Tây Nam Bộ, sau hai năm thực hiện đấu tranh chính trị, đã có một đồng chí Phó Bí Thư Xứ Ủy, 18 tỉnh ủy viên, 100 huyện ủy bị giết.
“Tỉnh Thủ Đầu Một ta bố trí ở lại 1.647 đảng viên chỉ còn 260. Tỉnh Gia Định 3.000 đảng viên chỉ còn 350. Huyện Hàm Thuận (Bình Thuận) từ 656 đảng viên đến ngày 20.7.1955, chỉ còn 80 đảng viên, v.v.
“Đặc biệt nghiêm trọng, do bị khủng bố dã man ở một số địa phương đã ra đầu hàng, tự thú với địch. Ở Bình Định, hầu hết đảng viên bị bắt đều khai báo tự nhận mình là đảng viên hoặc khai cho người khác. Hai huyện Nghĩa Hành và Đức Phổ (Quảng Ngãi), tính đến tháng 8–1955, có 80% đảng viên khai báo. Xã Phong Chương (Phong Điền, Thừa Thiên) có chi bộ 25 đảng viên, ra đầu hàng 24 còn một phải chạy trốn. Một số đảng viên không tin ở đấu tranh chính trị thành công đã dao động, chạy dài, tránh né công tác, thậm chí có người tập ăn nhạt, uống ít nước để nằm hầm bí mật được lâu...”
Báo Công An Nhân Dân online ghi nhận thêm:
“Hầu như nhiều vùng Quảng Trị, Thừa Thiên mất trắng. Đa phần cán bộ ta đã bị chúng bắt, cơ sở bị xóa. Một số ít dạt ra miền Bắc, lên xanh hoặc chuyển công tác vào phía.”
Vì không chịu nổi chiến dịch tố Cộng tại miền Nam, năm 1957 Lê Duẫn, Xứ Ủy Nam Bộ, phải bỏ ra Hà Nội.
TẠI SAO MIỀN NAM MẤT?
Ông Nguyễn Tư Thái đã cho chúng tôi biết, có tới 96% cán bộ Cộng Sản bị bắt đều có vấn đề: Nhẹ nhất là các thành phần cho biết các tin tức về các đường dây hoạt động của các tổ chức cộng sản trong vùng mà họ biết. Thứ hai là các thành phần chịu khai báo tổ chức của họ để Đoàn theo dõi và bắt thêm. Thứ ba là các thành chuyển hướng được cho phóng thích và hoạt động trở lại để lấy tin tức. Trường hợp của Vũ Ngọc Nhạ là trường hợp điển hình nhất. Hàng tháng Nhạ đã lãnh lương của Đoàn Công Tác. Thứ tư, quan trọng hơn cả, là những thành phần đồng ý hớp tác với Đoàn để lập kế hoạch thanh toán các tổ chức cộng sản mà họ biết, lấy lời khai các cán bộ mới bị bắt và thuyết phục các cán bộ này chuyển hướng. Trường hợp của Lê Hữu Thúy và “đồng chí Ba” chuyển hướng mà Mười Hương đã kể là những thí dụ điển hình. Trong số các cán bộ chuyển hướng này, có nhiều người đã làm việc rất xuất sắc như Nguyễn Đình Chơn, Tô Hoàng, Nguyễn Văn Mạc, Trịnh Văn Hiền, v.v. Nhiều người đã được giao cho làm công tác chiêu hồi. Nhờ vậy, Đoàn Công Tác đã quét sạch gần như toàn bộ mạng lưới tình báo chiến lược của Hà Nội tại miền Nam.
Thế thì tại sao miền Nam bị mất?
Tại vì người Mỹ nghĩ rằng họ có thể làm hay hơn, mặc dầu họ hiểu biết rất ít về hoạt động của Cộng Sản tại miền Nam. Người Mỹ đã thuê một “bọn ác ôn côn đồ” (danh từ của Tổng Thống Johnson) đảo chánh và giết ông Ngô Đình Diệm rồi đưa bọn cóc nhái của CIA lên cầm quyền. Trong công điện gởi cho Bộ Ngoại Giao lúc 2 giờ chiều ngày 7.9.1963, Đại Sứ Cabot Lodge có kể lại lời ông Ngô Đình Nhu đã nói với ông như sau:
“Tôi báo động về những gì sẽ xẩy ra trong Quân Lực. Nếu tôi ra đi, Quân Lực sẽ nắm chính quyền. Bọn cóc nhái của CIA và USIS này sẽ phá hoại nỗ lực chiến tranh.”
Lữ Giang
Ghi chú: Nếu tìm không thấy bài, cứ vào motgoctroi.com, mục "Mỗi tuần một chuyện" sẽ thấy trong đó.
__._,_.___
Attachment(s) from Lu Giang
1 of 1 File(s)
No comments:
Post a Comment