Huyền Thoại Trung Quốc 1
Huyền Thoại Trung Quốc 1 Nguyễn Xuân Nghĩa
Trung Quốc Vĩ Đại và những Vấn Đề Vĩ Đại...Mùng một tháng 10 tới đây, lãnh đạo Bắc Kinh sẽ rầm rộ tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc. Đây là một biến cố quốc tế vì sẽ được truyền thông quốc tế loan tải với rất nhiều bình luận, so sánh. Đa số sẽ trầm trồ ngợi khen những tiến bộ vượt bậc trong ba chục năm sau, kể từ 1979, nếu so sánh với ba chục năm trước, từ 1949 đến 1979. Cột báo này sẽ có loạt bài liên tục về Trung Quốc, nhưng từ một giác độ khác. Đó là giải phẫu huyền thoại Trung Quốc để phơi ra mặt trái biểu tượng quang hoa và thăng tiến mà Bắc Kinh muốn phóng chiếu ra ngoài với sự cổ võ của truyền thông quốc tế - nhất là truyền thông Mỹ. Mà vì sao lại truyền thông Mỹ?Người Mỹ nói chung có đặc tính am hiểu hời hợt về lịch sử, địa dư và văn hóa của xứ khác. Điều này dễ thông cảm vì họ sống trong một quốc gia quá lớn, có quá nhiều sắc thái đa điện, lại thường gây ảnh hưởng ra nước ngoài hơn là bị nước ngoài chi phối như nhiều xứ khác. Đã hời hợt trong một quốc gia quá mạnh và quá trẻ, dân Mỹ thường có tâm lý lạc quan thái quá rồi sau khi hồ hởi sảng, họ cũng dễ hốt hoảng bậy và bi quan quá đáng khi gặp vấn đề mới. Mới đối với nước Mỹ, chưa chắc là đối với nước khác.Hai chục năm trước, khi Liên bang Xô viết bị khủng hoảng, một học giả Mỹ đã vội kết luận "sự cáo chung của lịch sử" với hàm ý là sau khi chủ nghĩa phát xít rồi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, thế giới đều thấy ra ưu điểm của kinh tế tự do và chính trị dân chủ. Sự thắng thế của nền dân chủ tự do ("chủ nghĩa tư bản dân chủ" cho dễ hiểu) là quy luật phổ biến sẽ chi phối quan hệ quốc tế sau thời Chiến tranh lạnh. Đây là một bước ngoặt lịch sử cũng nghiêm trọng như Âu Châu sau giai đoạn "Chiến tranh Napoléon", từ 1806 trở về sau. Bài viết với đề tựa đó của Francis Fukyama xuất hiện năm 1989, rồi được khai triển thành sách và là dấu mốc của hiện tượng hồ hởi sảng. Hai chục năm sau, dân Mỹ đang hốt hoảng bậy. Kinh tế thị trường gây ra khủng hoảng nên cần sự can thiệp anh minh của chính quyền. Chìm sâu bên dưới là sự hoài nghi chủ nghĩa tư bản và thể chế chính trị dân chủ. Niềm tin về giá trị của quy tắc kết hợp kinh tế tự do với chính trị dân chủ - được quảng bá dưới thời Tổng thống Bill Clinton qua tên gọi là "Washington Consensus" - đã bị đả phá và lay chuyển từ gốc rễ. Nỗi bi quan đó khiến một bỉnh bút khét tiếng của tờ New York Times là Thomas Friedman đã viết hôm mùng chín tháng Chín vừa qua một bài kết án nền dân chủ Mỹ trong kế hoạch giải trừ nguy cơ nhiệt hoá địa cầu - chỉ vì khả năng cưỡng chống của đảng Cộng Hoà thiểu số. Tác giả có quyền bình luận như vậy vì tầm nhìn nông cạn của ông ta. Nhưng từ đó lại ngợi ca ưu thế độc đảng của Trung Quốc trong việc kiểm soát khí thải và bảo vệ môi sinh, ông bỗng thành người Mỹ điển hình. Ngây ngô!Với tâm lý hoảng loạn như vậy, trong khi Bắc Kinh ra sức tuyên truyền thì truyền thông Mỹ tất nhiên càng chú ý đến trường hợp Trung Quốc: cường quốc kinh tế đang lên, sẽ vượt qua Nhật và bắt kịp Mỹ. Trước mắt thì sẽ ra khỏi nạn suy thoái kinh tế sớm hơn các nước khác. Lãnh đạo Bắc Kinh có nỗ lực tuyên truyền - và mua chuộc - để truyền thông, một số nhà đầu tư hay kinh tế càng củng cố lập luận đó trong dư luận Hoa Kỳ và cả thế giới. Nhiều người Việt ta ở tại Mỹ không khỏi bị ảnh hưởng và tiếp tục suy luận theo chiều hướng đó, đến độ đã có người kết luận rằng Trung Quốc quá mạnh nên Việt Nam ta chẳng làm gì được. Chi bằng đầu hàng, như lãnh đạo Hà Nội đang muốn?Tại Việt Nam, nhiều người cũng quan sát Hoa Kỳ - trong tinh thần vừa ham vừa sợ - và muốn biết dân Mỹ nghĩ gì về Trung Quốc. Nếu lại thấy một số truyền thông Hoa Kỳ ngợi ca Trung Quốc, thậm chí đề cao một "Beijing Consensus" như sự phản biện của "Washington Consensus", họ có thể tuyệt vọng. Hoặc đành tin là Hà Nội có lý khi đi theo chiến lược Trung Quốc, và phục tòng Bắc Kinh.Vì những yếu tố rất Mỹ đó, người viết sẽ đi ngược dòng - dù là rất lâu - để tìm hiểu mặt trái của huyền thoại Trung Quốc và kết luận về nguy cơ khủng hoảng tại một quốc gia vĩ đại có những nan đề vĩ đại không kém. Cơ sở phân tách tất nhiên không tập trung vào những luận giải xuất phát từ Trung Quốc hay Hoa Kỳ. Chúng ta cần nhìn sâu hơn, xa hơn và khách quan lạnh lùng hơn về sự thịnh suy của Trung Quốc. Vì nó ảnh hưởng đến Việt Nam.***TINH THẦN PHỤC TẦUCách đây đúng năm năm, tháng Chín năm 2004, nhật báo The Wall Street Journal - theo xu hướng kinh tế tự do và chính trị bảo thủ - có một bài viết lạc quan của hai tác giả David Wessel và Marcus Walker về tình hình kinh tế toàn cầu. Bài viết này đáng chú ý vì tham khảo ý kiến của hơn một chục kinh tế gia đã đoạt giải Nobel Kinh tế về những quốc gia nào là có chính sách kinh tế gần như đúng đắn nhất. Nhiều người không trả lời câu phỏng vấn hóc hiểm ấy - một sự phê phán về kinh tế chính trị học - nhưng Na Uy và Hoa Kỳ được mỗi nước hai phiếu ngợi khen! Năm năm sau, là ngày nay, Hoa Kỳ là con bệnh kinh tế của thế giới và chánh sách kinh tế của Mỹ dưới thời Bush là một trọng phạm! Thế nào là đúng hay sai bây giờ?Câu hỏi ấy khiến ta chú ý đến Trung Quốc. Kinh tế gia Kenneth Arrow, Khôi nguyên Nobel ở tuổi trẻ nhất, 51 tuổi vào năm 1972, thì phê phán chế độ chính trị Trung Quốc nhưng ngợi khen Trung Quốc, Đài Loan và Nam Hàn trên cơ sở của thành quả vào thời đó. Giáo sư Vernon Smith của Đại học Chapman (tại Quận Cam), theo xu hướng kinh tế tự do tuyệt đối - có thể đồng nghĩa với bảo thủ - đoạt Nobel Kinh tế năm 2002, thì khen là Trung Quốc đã tiệm tiến chuyển hóa đúng hướng. Giáo sư Harry Markowitz, một nhà lý luận tài chánh về kinh toán học và Khôi nguyên Nobel năm 2002, thì khen rằng Trung Quốc đứng sát phía sau Hoa Kỳ về chánh sách kinh tế. Một kinh tế gia thuộc xu hướng thiên tả là Joseph Stiglitz, thần tượng của nhiều nhà kinh tế trong nước, giải Nobel năm 2001, từ chối chấm điểm, nhưng nhắc tới Trung Quốc như có thành tích kinh tế cao nhất thế giới.Tổng cộng là Trung Quốc đoạt bốn giải thuộc loại danh dự từ những người mà chúng ta phải tin là am hiểu về kinh tế hơn thiên hạ. Trước những phán đoán khách quan như vậy, làm sao thiên hạ không thấy khâm phục? Nếu lại có đôi chút hiểu biết về kinh tế thì chỉ cần vạch tiếp đường tuyến của những thành qua đã qua vào một tương lai sẽ tới, người ta phải thấy vị trí vĩ đại của Trung Quốc trong thế kỷ 21. Rồi kết luận với đầy vẻ khoa học về ưu điểm của "xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Quốc", hoặc chiến lược phát triển "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" - market socialism - mà Hà Nội tự xưng là đang tiến hành. Nếu lại đối chiếu với cuộc tranh luận thời thượng ngày nay về những tệ nạn của kinh tế thị trường và chính trị dân chủ tại Hoa Kỳ, chiến lược của Trung Quốc quả là hấp dẫn. Và sức mạnh Trung Quốc là một khách quan khó cưỡng nổi...Chúng ta cần đi xa hơn kinh tế học, đi sâu vào địa dư, lịch sử, văn hoá và chính trị của Trung Quốc thì mới nhìn ra những bất toàn của chiến lược phát triển này và may ra thấy trước nguy cơ khủng hoảng. Vì vấn đề không chỉ thu gọn vào những mâu thuẫn căn bản giữa quy luật của thị trường tự do ở dưới và ý chí của chính trị độc tài ở trên. Mâu thuẫn ấy, ta có thể thấy tại nhiều nước Đông Á đã nhân danh "giá trị văn hoá Á châu" mà hạn chế tự do chính trị để dồn sức vào phát triển kinh tế. Các quốc gia đó đều lần lượt chuyển hoá qua chế độ chính trị dân chủ hơn và nhờ đó cải thiện được việc sung dụng tài nguyên một cách tối hảo cho đại đa số dân chúng. Vấn đề của Trung Quốc nó sâu xa hơn vậy, hơn Singapore hay Đại Hàn, Đài Loan, vì nằm trong nền tảng địa dư văn hoá xứ này và giải thích chuyện "hợp-tan" đã thấy trong lịch sử Trung Quốc. Nó cũng tiên báo khủng hoảng khó tránh trong tiến trình tập trung quyền lực quốc gia và phân quyền từ trung ương xuống địa phương - kể cả việc Đại hội đảng sắp tới sẽ chọn người kế vị thế hệ lãnh đạo hiện nay. Cụ thể thì nó khiến ta nên xét lại các thống kê kinh tế ngoạn mục của Trung Quốc. Chiến lược hơn, nó soi sáng cách ứng xử của Bắc Kinh với thế giới trong khi vẫn đề cao một chuỗi chủ trương hoa mỹ, nào là "quật khởi hòa bình" (peaceful rise), "xã hội hài hoà" ("hoà hài xã hội" theo cách nói của họ) hay "xã hội tiểu khang" mà họ lượm ra từ... Kinh Thi. Quốc gia vĩ đại này đang gây ra những thách đố sinh tử cho Việt Nam nhưng lại có những vấn đề vĩ đại khiến khủng hoảng dễ bùng nổ. Khi bùng nổ thì cũng trực tiếp ảnh hưởng đến Việt Nam. Vì vậy, ta nên kiên nhẫn tìm hiểu, trong khi thiên hạ om xòm đốt pháo bông mừng ngày "Quang Diện Trung Hoa"...
NGUYỄN XUÂN NGHĨA
Huyền Thoại Tq 2
Huyền Thoại TQ 2 - Cái Nghiệp Hợp Tan
Nguyễn Xuân Nghĩa
Tập trung để ổn định hay Phân quyền để tan rã?
Truyện Tam quốc chí Diễn nghĩa mở đầu như sau: "Phàm đại thế trong thiên hạ, cứ tan lâu rồi lại hợp, hợp lâu rồi lại tan: như cuối đời nhà Chu, bảy nước phân tranh xâu xé rồi sau lại hợp về nhà Tần. Đến khi Tần mất, thì Hán Sở tranh hùng rồi sau thiên hạ lại hợp về tay nhà Hán..."Người Việt chúng ta thường mê truyện Tầu và Tam quốc thì còn đọc lầu lầu, nhưng có khi lại quên mất câu mở đầu của tác phẩm. Nó có thể là một quy luật lịch sử, xuất phát từ một thực tế địa dư. Nói cho thi vị, nó nằm trong lá Tử vi của Trung Quốc!Quốc gia bát ngát này có địa dư hình thể khá đặc biệt đã ảnh hưởng đến kinh tế, văn hoá và chính trị.Từ biển Đông đi vào hướng Tây, Trung Quốc có khu vực đầu tiên là cái nôi của nền văn minh gọi là Hoa Hạ, với các sắc dân có thể từ nơi khác về tập trung dần ở tại đây và dựng nên Trung Quốc như ta biết ngày nay. Nếu vạch một đường tuyến từ điểm giáp giới với với mỏm cực Bắc của Miến Điện lên tới Bắc Kinh và kéo dài qua phân nửa Đông Nam của Mãn Châu, ta có một đường "đẳng cao tuyến" phân biệt độ mưa (isohyet). Bên phải của đường tuyến ra tới biển là nơi có cùng độ ẩm (36 phân nước mưa) thuận tiện cho việc trồng trọt. Bên kia là những vùng đất khô cằn. Khu vực này còn có ba con sông lớn là Hoàng hà, Dương tử và Châu giang cần thiết cho tiêu tưới và cả vận chuyển. Đây là Trung Nguyên, vùng sinh hoạt tập trung Hán tộc trong khi các sắc tộc thiểu số khác thì sống phân tán trên những vùng còn lại, bị đồng hoá dần. Những vùng còn lại đó là 1) khu vực nội địa, nằm ở phía Tây và khó thông thương ra ngoài và 2) khu vực biên trấn tiếp giáp với xứ khác, từ cao nguyên Thanh Tạng qua Tân Cương lên tới Nội Mông và Mãn Châu. Khu vực biên trấn này là vùng trái độn về quân sự để bảo vệ Trung Quốc vì trong lịch sử, các dị tộc hay ngoại bang mà người Hán khinh miệt thường tràn vào tấn công, thậm chí làm chủ Trung Nguyên trong nhiều thế kỷ.Bài toán hợp tan từ muôn thuở là làm sao thống nhất được Trung Nguyên, kiểm soát được canh nông và phân phối lương thực ở tại đây, khống chế được khu vực nội địa và bảo vệ được khu vực ngoại biên. Ngay tại Trung Nguyên, một bài toán khác cũng từng đặt ra là thống nhất cai trị trên vùng đất trù phú và đông dân nhất: mâu thuẫn Nam-Bắc đã nhiều lần xảy ra và ngày nay, vẫn còn miền Nam nói tiếng Quảng Đông, miền Bắc nói tiếng Quan hoả, ở giữa là nhiều ngôn ngữ địa phương khác.Vì vậy, mọi triều đại vừa lên cai trị đều phải giữ chặt Trung Nguyên bằng một chế độ tập trung và khống chế được các dị tộc bên ngoài để khỏi bị tấn công. Muốn như vậy, phải kiểm soát được các vùng thảo nguyên sa mạc vây quanh và cả những đường chuyển vận huyết mạch xuyên qua khu vực hoang vu đó. Say mê truyện Tầu, chúng ta đã nghe hoặc đọc nhiều về rợ Hung Nô, về mối lo của nhà Hán tại Tây Vực, hoặc sự hình thành của nhiều đợt Vạn lý Trường thành được xây dựng từ thời Chiến Quốc qua nhà Tần, nhà Minh... Đấy là biểu hiện của bài toán kết hợp để bảo vệ, nếu không là tan thành nhiều nước... Sau các thời Xuân Thu rồi Chiến Quốc, Tần Thủy Hoàng đế đã bãi bỏ chế độ phân phong - chia đất và phong hầu cho tầng lớp quý tộc, về sau họ trở thành nhiều "nước" sâu xé lẫn nhau - để lập ra chế độ quận huyện với một bộ máy quan lại (gọi là hành chánh theo ngôn ngữ ngày nay) do trung ương thống nhất điều khiển... Điều khiển việc gì? Chủ yếu là việc trưng thu và phân phối tài nguyên, kể cả thuế khóa, để nuôi quân và bảo vệ triều đình ở trung ương. Trong mấy ngàn năm, mưu thuật chính trị của đa số quan lại là nếu ở trong triều thì phải ảnh hưởng được tới Hoàng đế hầu bảo vệ được quyền lực trong bộ máy công quyền; nếu ở địa phương thì ảnh hưởng được tới các quan tại trung ương hầu được thăng quan tiến chức - hoặc khỏi mất việc, bay đầu... Trong ngần ấy mưu toan, ai ai cũng nhân danh Hoàng đế, một người có "chân mạng đế vương", thừa "thiên mệnh" mà cai trị bàn dân thiên hạ.Nhưng nội loạn vẫn có thể bùng nổ khi bộ máy công quyền ấy cấu kết với các phần tử ưu tú - giàu có và sáng suốt nhất ở từng địa phương - và đòi làm chủ một khu vực mà không công nhận quyền lực trung ương. Nội loạn bùng nổ nhiều lần trong lịch sử, khi quyền lực trung ương bị suy yếu vì triều đình mục nát, quan lại tham ô. Đó là chuyện tan. Khi có kẻ xuất chúng bước lên thống nhất thiên hạ bằng bạo lực thì quyền lực trung ương lại được tập trung rất chặt chẽ, đấy là chuyện hợp... Trên một lãnh thổ rộng lớn như vậy, xứ này có đủ tài nguyên để tồn tại trong chế độ tự cung tự cấp. Nếu muốn được trù phú hơn, Trung Quốc phải giao thương với bên ngoài. Trong một giai đoạn mấy ngàn năm, cõi "bên ngoài" ấy chưa là biển Đông vì xứ này không có một nền hàng hải như nhiều quốc gia duyên hải khác của nhân loại. Một thử nghiệm ngắn ngủi là các chuyến hải hành của Đô đốc Trịnh Hoà vào đầu thế kỷ 15 rồi bị dập tắt. Họ quay vào trong, thành một cường quốc lục địa. Khi cần giao thương, ngả đường chủ yếu là "Con đường Tơ lụa" Ti trù lộ trên khu vực biên trấn qua Tân Cương vào Trung Á. Bảo vệ đường giao thương hiểm trở ấy là chiến lược an ninh và kinh tế. Trung ương cung cấp phương tiện phòng vệ cho các địa phương và đổi lại thì được các địa phương cung cấp tài vật trưng thu được trên đường giao thương.Khi nhân loại bắt đầu bước qua giai đoạn công nghiệp thì cũng là lúc xuất hiện các pháo hạm Âu Châu, rồi Nhật Bản và Hoa Kỳ, ở ngoài biển Đông. Thế quân bình ngàn năm bị đảo lộn. Trung ương phải giao thương với bên ngoài theo những điều kiện do các cường quốc bên ngoài đặt ra. Vì lý do địa lý lẫn chính trị, việc giao thương đó lại tập trung ở các tỉnh duyên hải miền Đông Nam, nằm rất xa Bắc Kinh để trung ương khỏi bị nhiễm độc Tây dương. Đâm ra, rất cô đơn ở trên đỉnh, trung ương tại Bắc Kinh thấy là mình phải xử lý một lúc với hai thế lực đôi khi toa rập với nhau, là ngoại bang và các tỉnh duyên hải này. Trung ương viện dẫn "thiên mệnh" hay "Thánh hiền", các tỉnh thì viện dẫn thịnh vượng và tiến bộ. Bài toán hợp tan lại đặt ra. Nếu bế quan toả cảng để tập trung quyền lực thì xứ sở nghèo đi trong một thế "đại đồng" mà kiệt quệ. Nếu lại giao thương với bên ngoài để mở mang xứ sở thì trung ương bị suy yếu trong khi các tỉnh lại giàu mạnh hơn. Nhà Đại Thanh bị suy yếu dần trong thế kỷ 19 rồi tan rã dưới hai động lượng song hành là thế lực ngoại bang (chủ nghĩa tư bản!) và thế lực địa phương (chủ nghĩa cát cứ!). Mà chẳng thế lực nào lại có thể kiểm soát được cả lãnh thổ nên Trung Quốc đi vào nội loạn và nội chiến kéo dài....Trong nhiều biến động chính trị của lịch sử xứ này, thành phần dân chúng đói khổ ở các vùng nội địa vẫn thường cung cấp nhân lực cho cách mạng đổi đời tại Trung Nguyên, là nơi có điều kiện sinh sống tương đối thoải mái hơn. Tần Thủy Hoàng đế hay Mao Trạch Đông cũng quy tụ nhân lực từ những khu vực ấy để tiến vào làm chủ Trung Nguyên. Trung Quốc đã tồn tại hơn hai chục thế kỷ với hệ thống chính trị đó. Bây giờ, tình hình đã khác...***Khi lên nắm quyền vào năm 1949, Mao Trạch Đông lập tức tập trung quyền lực vào trung ương, đưa quân đi xây dựng vùng trái độn ở ngoài phiên trấn và phát huy chủ nghĩa đại đồng theo quan niệm và sự diễn giải của ông ta. Muốn phát triển xứ sở cho đại đa số dân nghèo - thành phần quần chúng của mình - bớt đói khổ, ông phát động "Bước nhảy vọt vĩ đại". Đó là giải pháp cách mạng kinh tế tại các công xã địa phương mà không đe dọa quyền lực của trung ương. Kết quả là một tai họa lịch sử làm 36 triệu người chết! Chìm sâu bên dưới bi kịch đó là một hiện tượng vẫn đang tiếp diễn: trung ương bị mù lòa về thông tin vì thống kê ở bên dưới đưa lên là những dữ kiện ảo. Mỗi cấp lại châm thêm một "hệ số tích cực", là thổi phồng thành quả, và tích lũy thành một báo cáo siêu thực hoàn toàn tách rời khỏi thực tế. Khi thấy quyền lực trung ương bị rung chuyển, Mao Trạch Đông thi thố loạt biện pháp thứ nhì: dùng quần chúng sinh viên và nông dân đánh ngược vào cơ sở đảng, rồi gọi đó là "Cách mạng Văn hoá Vô sản Vĩ đại". Người có công trong chiến lược quái đản này của Mao là Khang Sinh, trùm an ninh và mật vụ của Mao và cũng là nhân vật thực tế chỉ đạo "Tứ nhân bang", kể cả Giang Thanh. Mười năm cách mạng hoang tưởng đó chỉ kết thúc với cái chết của Khang Sinh rồi Mao Trạch Đông, khiến Đặng Tiểu Bình có cơ hội trở về tranh thủ lại quyền lực đã mất. Xong rồi, ông tiến hành một cuộc cách mạng thật, là cải cách kinh tế và mở cửa ra bên ngoài, kể từ đầu năm 1979 trở đi (Sau Hội nghị kỳ ba của Ban Chấp hành Trung ương khoá 11 vào tháng 12 năm 1978). Sau khẩu hiệu "đại đồng" của Mao là khẩu hiệu "tiểu khang" của Đặng. Lấy chữ trong Kinh Thi, phần Đại Nhã, bài "Dân Lao", Đặng Tiểu Bình muốn cho dân nghèo đều được đủ ăn (khang tí tí thôi) bằng cách lấy tăng trưởng kinh tế là thước đo cho sự thăng tiến chính trị của các đảng viên. Quả nhiên là khi trung ương hết tập trung kiểm soát kinh tế thì người dân được làm ăn thoải mái hơn, với kết quả là 800 triệu người đã thoát khỏi mối lo chết đói...Nhưng, địa dư hình thể và chính trị độc đoán vẫn lại vận hành: ba chục năm sau khi cải cách, các tỉnh duyên hải làm giàu nhanh nhất, các đảng viên trong bộ máy quan lại cũng vậy. Nông dân khỏi lo chết đói thì lại thấy rằng mình vẫn tụt hậu, bị lọt sổ ở dưới. Và đất đai canh tác bị thu hẹp, bị cưỡng đoạt cho công cuộc kỹ nghệ hoá và đô thị hóa. Giữa các tỉnh với nhau, khu vực duyên hải cũng tăng trưởng mạnh nhất, bỏ xa hai khu vực còn lại. Hố sâu giàu nghèo bị đào sâu giữa các thành phần dân chúng và giữa các tỉnh. Giang Trạch Dân rồi Hồ Cẩm Đào đều đã thấy vấn đề này. Và lờ mờ nhìn ra viễn ảnh hợp tan.Mươi năm về trước, Giang Trạch Dân và Chu Dung Cơ phát động phong trào "Tây Tiến" để kêu gọi đầu tư vào các tỉnh lạc hậu bị khoá trong lục địa ở hướng Tây. Nhưng thiên nhiên hiểm trở và thị trường lý tài đều thuộc loại cứng đầu nên phong trào không có kết quả. Hàng hóa sản xuất từ mấy nơi đó thì rẻ hơn thật, nhưng vận chuyển ra ngoài, tới vùng duyên hải để xuất cảng qua xứ khác lại tốn kém hơn nhiều!Khi lên kế vị, thế hệ Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo cũng thấy ra mối nguy hợp tan đó. Họ lấy lại khẩu hiệu "tiểu khang" để nhắc nhở đến khối dân cùng khốn, họ quảng bá khái niệm "phát triển trên cơ sở khoa học" và xây dựng "xã hội hài hòa", tập trung nỗ lực vào một số ngành chiến lược như thép, than hay dầu, và tăng cường quyền hạn và phương tiện cho quân đội để thể hiện ý chí "quật khởi hoà bình". Toàn những khẩu hiệu đẹp mà sau nhiều năm thi hành vẫn chưa thấy kết quả.Lãnh đạo Trung Quốc đang gặp lại bài toán muôn thuở là tập trung quyền lực về trung ương để gìn giữ ổn định, hay phân quyền cho các địa phương để phát triển, nhưng là phát triển không đồng đều trên một lãnh thổ có ba vùng tam phân về lợi tức và nhận thức. Chưa nói đến sự cấu kết của các thế lực ngoại bang hay doanh nghiệp ngoại quốc với các đảng bộ phú hào ở địa phương... Hấp dẫn lắm!
Huyền Thoại Trung Quốc 3:
Nội lực ra sao làm sao biết được?
Milton Friedman là một kinh tế gia bậc thầy, thuộc trường phái tiền tệ với chủ trương nhiệt liệt đề cao tự do kinh tế. Ông cũng đã từng được mời qua Bắc Kinh diễn thuyết về kinh tế thị trường và quyền tự do chọn lựa của người dân. Ông mất vào tháng 11 năm 2006, ở tuổi 95. Trước khi tạ thế mấy tháng, ông được tờ Wall Street Journal phỏng vấn và bài này được tờ báo phổ biến trong số ra ngày 22 tháng Giêng năm 2007.Ghi rõ như vậy để những người tò mò có thể tìm đọc lại, khi Friedman được tờ báo mời ông so sánh Trung Quốc và Ấn Độ. Câu trả lời phải làm chúng ta giật mình:"Trung Quốc vẫn duy trì chế độ tập thể về chính trị và nhân sự trong khi giải phóng dần nền kinh tế thị trường. Tới nay thì điều đó có thành công, nhưng sẽ dẫn tới xung đột vì không thể dung hợp kinh tế tự do với chính trị tập thể. Ấn Độ thì duy trì chế độ dân chủ chính trị nhưng lại quản lý một nền kinh tế tập thể. Bây giờ họ mới bắt đầu giải phóng kinh tế nên sẽ gia tăng mọi quyền tự do, vì vậy xứ này có vị trí khả quan hơn Trung Quốc".Có lẽ các kinh tế gia thường nhìn sự việc khác thiên hạ nên mới có lời phán như của Milton Friedman. Thiên hạ đang nói đến Trung Quốc như một đại cường, hoặc một mối lo cho thế giới. Không mấy ai chú ý đến Ấn Độ, một xứ có một tỷ 200 triệu dân và sẽ có dân số vượt Trung Quốc trong vài thập niên nữa. Ấn Độ có nhiều dân Hồi giáo nhất thế giới và thường bị khủng bố tấn công, nhưng không ai nghe thấy chuyện đàn áp tôn giáo hoặc chà đạp nhân quyền, như Trung Quốc. Và Ấn Độ cũng không có âm mưu bành trướng hoặc đe doạ các lân bang. Trong khi ấy, Trung Quốc mới là nhân vật nổi!Milton Friedman không là kinh tế gia bình thường, ông nhìn sự việc khác với thiên hạ nên là nhân vật hiếm hoi không tỏ vẻ gì là bị mê hoặc về huyền thoại Trung Quốc mà còn tiên báo điều nghịch lý. Có lẽ vì ông nhìn vào nội lực thật của Trung Quốc. Chúng ta cũng nên thử tìm hiểu về nội lực đó khi cả thế giới cứ nói hoài là khi Trung Quốc tỉnh giấc, thiên hạ sẽ bị chấn động.Quả nhiên là Trung Quốc đang thành cường quốc kinh tế, có dự trữ ngoại tệ hơn hai ngàn tỷ My kim, làm chủ nợ của Mỹ, đã phóng vệ tinh và đưa người lên không gian, nay đang chế tạo tầu ngầm và sẽ có hàng không mẫu hạm để vươn tới biển xanh, v.v...Nếu còn hồ nghi thì cứ đọc báo với những thống kê hàng ngày về sản lượng kinh tế gia tăng vùn vụt trong khi Hoa Kỳ còn đang suy trầm, suy thoái và mắc nợ tứ tung. Hôm đầu tháng Chín vừa rồi, Uỷ ban Phát triển và Cải cách Thành phố Bắc Kinh còn loan báo một con số đầy "ấn tượng" - chữ của người Hà Nội xin trả lại cho Hà Nội - rằng cuối năm nay thì sản lượng GDP trung bình của một người dân Bắc Kinh sẽ lên tới 10.000 Mỹ kim. So với năm ngoái là 9.075 đô la thì coi như tăng 12,5%. Con số một vạn đồng này có giá trị mầu nhiệm về tâm lý vì là tiêu chuẩn của mức sống trung lưu trên thế giới. Thống kê được tung ra như tiếng gáy trước ngày kỷ niệm 60 năm thành lập Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc.Nhưng người dân tại chỗ thì coi bộ lạnh tanh. Họ đã nghe quen tiếng gáy.Thế hệ cha anh của họ đã kể lại thành tích long trời lở đất của "Bước nhảy vọt vĩ đại" thời Mao Trạch Đông. Từ nay ta sẽ phú cường yên vui. Sau đó, từ 1959 đến 1961 đã có 36 triệu người chết vì đói ngay trong thời bình. Chỉ vì một chuyện rất lạ là chính Mao Trạch Đông cũng không biết gì về thực trạng của xã hội, từ các công xã lên tới tỉnh, thành. Không biết gì về thực trạng đó nên dân mới chết đói mà nhà nước vẫn bình chân như vại. Chỉ vì từ cấp thấp nhất lên tới cấp cao nhất của bộ máy hành chánh cách mạng, người người đều thi đua thổi ống đu đủ, với những báo cáo vượt chỉ tiêu trình lên trên. Lên mỗi cấp lại nống thêm một nấc để lập thành tích dâng đảng.Ở trên cùng, lãnh đạo đảng ngồi uống nước đường trong khi dân đói rã họng, chết như ruồi.Hai chục năm sau trò đùa man rợ này, Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách, và ý thức được sự mù lòa của lãnh đạo khi không có thông tin thực tế và thống kê khả tín. Ông muốn hiện đại hoá hệ thống thu thập thống kê và tiêu chuẩn hóa cách đo lường cho khoa học hơn. Ngày nay, ba chục năm sau, tình hình vẫn vậy! Tình hình sở dĩ vẫn như vậy sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2001. Chỉ vì WTO không đòi hỏi xứ này cũng phải có hệ thống thống kê theo cùng tiêu chuẩn, chỉ cần có phương pháp phù hợp với các quốc gia đối tác mà thôi. Nước nào mà khôn ngoan tự cải tiến thì sẽ sáng hơn, nếu không thì cứ ráng chịu!Vì vậy, ta mới có những tiếng gáy lạc điệu. Thí dụ mà những người bị Trung Quốc mê hoặc nhất cũng không thể không biết. Tháng Tám vừa rồi, Cục Thống kê Quốc gia loan báo con số vĩ đại về Tổng sản lượng Nội địa với tăng suất cao bất ngờ, trong khi cả thế giới đang lao đao về suy thoái kinh tế. Nhưng con số đó chưa thấm vào đâu vì nếu cộng lại Tổng sản lượng GDP của 31 tỉnh và thành phố của toàn quốc thì còn cao hơn 10%! Cùng một nhà nước lãnh đạo mà ta có hai con số khác nhau... Trước đó, vào tháng Tư, Cục Thống kê cũng nói tới mức tăng trưởng sản xuất đáng kể, làm Cục Năng lượng Quốc tế ngạc nhiên vì số cầu về dầu khí của Trung Quốc đã giảm mạnh. Tháng Sáu thì có chuyện sản lượng kỹ nghệ gia tăng đầy ấn tượng, là 8,9%. Các chuyên gia hoài nghi con số này của Cục Thống kê vì cùng lúc đó số điện tiêu thụ lại sút giảm. Dùng ít điện ít dầu hơn mà vẫn sản xuất nhiều hơn thì chỉ có phép lạ của con trời.Vì sao lại có chuyện đó?Vì Trung Quốc có hai hệ thống thu thập thông tin song hành. Một hệ thống là tổ chức thống kê với chức năng hội nhập và đúc kết các con số từ dưới đưa lên. Hệ thống kia là thống kê của các phủ bộ hay cơ quan cũng của nhà nước. Hệ thống hội nhập là của Cục Thống kê Quốc gia nằm tại Bắc Kinh, có nhân viên ở mọi cấp bên dưới để báo cáo về trung ương. Hệ thống kia là văn phòng thống kê của từng bộ có nhiệm vụ thu thập thống kê trong phạm vi chức năng của mình. Bộ Tài chánh có thống kê về tài chánh, thuế khoá, Bộ Thương mại có con số về đầu tư nước ngoài, v.v...Hai hệ thống ấy gạn ra hai con số không giống nhau vì cùng một nguyên nhân. Chúng ta trở lại ý kiến của Milton Friedman.Vì chế độ chính trị ông gọi là "tập thể", nhân sự trong bộ máy công quyền đều được ở trên bổ nhiệm - trừ nhân sự cấp xã ấp là do dân chúng bầu lên. Vì vậy, tuyệt đại đa số "công bộc nhà nước" đều chịu trách nhiệm với thượng cấp ở trên, là nơi quyết định việc thăng thưởng hoặc cơ hội đỉnh chung làm giàu cho họ. Cho nên họ chỉ phải báo cáo để thượng cấp đẹp lòng, chứ không chịu trách nhiệm gì với những người ở dưới - dưới cùng là người dân.Trong công vụ, họ cần đưa lên trên những báo cáo có đặc tính tâng công và mỗi cấp lại châm thêm một hệ số tâng công như vậy, nên ở trên cùng, những người lãnh đạo đều có một phúc trình màu hồng. Và nhiều khi còn hồng hơn phúc trình của cơ quan khác, về cùng một lãnh vực cần khảo sát. Đã vậy, phương pháp thống kê của Trung Quốc cũng có... "màu sắc Trung Hoa", nghĩa là không hoàn toàn giống phương pháp của các nước kỹ nghệ tiên tiến như Mỹ, Âu, Nhật. Thí dụ như con số về Tổng sản lượng GDP, Trung Quốc dùng phương pháp quy ra toàn năm, thí dụ từ tháng Tám năm này so với tháng Tám năm ngoái. Trong khi các nước kia dùng cả phương pháp đó (xin lỗi, gọi là year-over-year) lẫn phương pháp chi tiết hơn, là từ quý này qua quý sau (mỗi ba tháng). Những trường hợp khác biệt này có rất nhiều, nhưng điểm cần nói ở đây là truyền thông đôi khi không phân biệt hay giải thích, nên dễ kết luận sai và tạo ra ấn tượng (cảm tưởng, định nghĩa của từ này) là kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh, thất nghiệp thấp, có lợi tức cao, v.v...Rồi ngạc nhiên khi có tin là vùng này vùng kia của Trung Quốc có loạn vì dân chúng biểu tình dàn trận với công an!Những chuyện ngoắt ngoéo ấy dẫn ta về vấn đề chính: đảng viên cán bộ không có trách nhiệm với người dân ở dưới nên không còn là tai mắt đáng tin về thực tế xã hội. Khi có vấn đề thì an ninh và công an lại có quyền đàn áp, mà truyền thông bị gạt ra ngoài.Loạn nhỏ sẽ gây ra loạn lớn làm mọi người đều ngạc nhiên. Ngoại trừ Friedman, nhưng ông đã đi rồi. Chúng ta sẽ còn trở lại những chuyện đáng ngạc nhiên này. Xin chờ đợi số báo tới!
NGUYỄN XUÂN NGHĨA
Huyền Thoại Trung Quốc 4
Lãnh đạo mù loà và nguy cơ phân hoá
Với nhiều người Trung Quốc, nhà nước đã tăng lương cho họ mà các chủ doanh nghiệp lại chưa biết!Đây là một câu nói diễu, khá dở nếu ta không hiểu được thực trạng xã hội đằng sau huyền thoại huy hoàng về những tiến bộ vượt bậc của kinh tế. Nếu hiểu ra, có lẽ thiên hạ mới thấy sự mỉa mai của lời diễu cợt.Lãnh đạo Trung Quốc tập trung chú ý vào loại thống kê kinh tế then chốt, thí dụ như tổng sản lượng GDP và chỉ số giá tiêu thụ CPI để, thứ nhất, căn cứ trên đó mà quyết định về chánh sách kinh tế, và thứ hai, dùng đó làm khí cụ tuyên truyền cho sức mạnh của Trung Quốc. Họ thành công trong lãnh vực tuyên truyền hơn là quản trị kinh tế vì phương pháp thu thập thống kê. Như đã trình bày khái quát vào kỳ trước trong loạt bài về "Huyền Thoại Trung Quốc (Thống kê như Gà gáy), thống kê nhà nước cho biết sản xuất kỹ nghệ đã tăng vọt, trong khi ấy, cũng thống kê của nhà nước lại cho biết là lượng điện tiêu thụ đã sút giảm trong cùng thời kỳ. Hoặc tổng sản lượng GDP là con số rất đáng nghi qua hai cách tính, của Cục Thống kê Quốc gia và của 31 tỉnh thành.Tháng Hai năm nay, chính người dân Trung Quốc đã tranh luận về mâu thuẫn đó và hai tháng sau thì diễu cợt con số huy hoàng về lợi tức của người dân ở thành phố do Cục Thống kê công bố: từ năm 2007 qua 2008 đã tăng hơn 17%. Thực tế tại chỗ và ở ngoài đời lại không được như thống kê của nhà nước ban xuống, cho nên dân chúng mới mỉa mai là nhà nước tăng lương cho họ mà các ông bà chủ ở trên lại không biết! Bây giờ thì ta có thể cười được về lời châm biếm ấy, và về sự cả tin của truyền thông thế giới khi loan bao về sức mạnh rồng cọp của kinh tế Trung Quốc.Thật ra, việc này cũng có thể hiểu được, nếu mình tò mò phân tách phương pháp thống kê của các đấng con trời.Chẳng hạn như trong cách đo lường tỷ lệ lạm phát, một phương pháp sáng tạo mang "màu sắc Trung Quốc", tức là... chẳng giống ai. Các quốc gia thường dùng "giá hiện hành" - thí dụ để tính sản lượng GDP - và so sánh với giai đoạn trước, hoặc dùng "giá cố định", quy vào giá cả của một thời điểm nhất định. Cục Thống kê Trung Quốc dùng phương pháp họ gọi là "giá so sánh", là so sánh giá của các sản phẩm mới với giá của những sản phẩm đó vào một thời điểm gốc. Muốn thi hành phương pháp đó, các doanh nghiệp từ loại hương trấn trở lên đều nhận được một cẩm nang chỉ dẫn giá biểu của một số sản phẩm - và một số mà thôi. Nhờ vậy, doanh nghiệp có cơ hội sáng tạo để biểu dương thành tích, bằng cách đánh hạ áp lực của lạm phát.Những chuyện quá chuyên môn rắc rối ấy thường lọt khỏi sự chú ý của thiên hạ khi tường thuật về thành tích kinh tế rồng cọp trong giá cả ổn định.Cũng thế, khi tính lượng đầu tư cố định trong kinh doanh và kinh tế - một thí dụ rất nóng trên thị trường gia cư địa ốc hay bất động sản - Trung Quốc bút ghi số đầu tư đó khi tiền được giải ngân, dù chưa được dùng tới. Nhiều ngôi nhà xây xong mà bán chưa được vẫn cứ được tính là đầu tư! Nhiều ngôi nhà bán ế và bị ngân hàng kéo vì khách nợ không trả được tiền vẫn cứ coi là có đóng góp cho sản xuất. Trong lãnh vực thương mại cũng vậy. Họ cộng vào lượng hàng bán lẻ mọi sản phẩm được gửi tới điểm phân phối, dù hàng cứ nằm đó vì chưa bán cho nhà tiêu thụ - hoặc có khi bị trả về hãng xưởng, Khi loại hàng tồi tệ ế ẩm này được hãng xưởng gửi đi lần nữa cho các điểm phân phối khác thì lại được cộng thêm vào lượng hàng bán lẻ! Trong khi ấy, Hoa Kỳ công bố đều đặn số liệu về nhà bị tịch biên hay về tồn kho ế ẩm. Làm nhiều người không hiểu càng có cảm tượng là tư bản đang dẫy chết trong khi kinh tế Trung Quốc cứ lên vù vù!Chuyện thống kê ấy đạt kết quả là tuyên truyền cho sức mạnh Trung Quốc, nhưng gây hậu quả là làm cho nhà nước đánh giá sai thực trạng kinh tế và lấy quyết định sai trong quản lý! Lãnh đạo Bắc Kinh có ý thức ra hậu quả tai hại này nên cố gắng cải tiến phương pháp thống kê. Mà vẫn không có kết quả - hoặc có rất chậm - vì công nhân viên nhà nước, đảng viên hay cán bộ vẫn sinh hoạt trong hệ thống chính trị anh minh của đảng Cộng sản Trung Quốc: họ chỉ chịu trách nhiệm với cấp bộ ở trên, không cần đếm xỉa với những người ở dưới. Dưới cùng là người dân!Khi nói đến việc giải phẩu huyền thoại Trung Quốc, ta phải mất công lòng vòng trong mấy chi tiết chuyên môn như vậy để nói ra một sự thật có cơ sở: không nên tin vào các số liệu kinh tế của xứ này. Hôm mùng bốn tháng Tám vừa qua, một bài xã luận của tờ China Daily - trong hệ thống quốc doanh của tờ Nhân dân Nhật báo của Trung ương đảng, nhưng bằng Anh ngữ - cho biết một kết quả khảo sát mới đây, theo đó 91% những người trả lời cho biết là họ không tin vào thống kê nhà nước. Năm 2007, tỷ lệ hoài nghi ấy là 79%. Tờ Hoàn cầu Thời báo (Global Times) cũng của Nhân dân Nhật báo không nhịn nổi về chuyện số liệu dị biệt ấy và cho biết là dân chúng Hoa lục bật cười về những thành quả kinh tế do Cục Thống kê công bố. Thế thì tại sao cả thế giới vẫn nói đến sức tăng trưởng kinh tế rất mạnh của xứ này sau khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách từ đầu năm 1979?Vì thành tích ấy quả là có thật khi người dân Trung Quốc nói chung được giải phóng khỏi chế độ tập trung quản lý đầy hoang tưởng kiểu Mao. Mục đích giải phóng là để cho mọi người đều đủ ăn được một tý (chữ "tiểu khang" của Đặng Tiểu Bình). Khi chỉ có cái bát nhôm với một chén cơm được nhà nước bảo đảm cho mọi người theo chánh sách cào bằng của lý tưởng xã hội chủ nghĩa, nếu một tỷ người có thêm một chén cơm nữa thì lợi tức hay mức sống quả là đã tăng gấp đôi! Từ 1980 trở đi, tình hình có khả quan hơn ở thôn quê vì người dân được tự do hơn trong canh tác với chế độ khoán. Về sau, chế độ này được mở rộng ra ngoài khu vực nông nghiệp. Sau khi được giao khoán cho một số phương tiện sản xuất - như đất đai - người dân phải giao nộp một số sản phẩm nhất định, nếu sản xuất quá định mức đó, họ được phép tiêu thụ hay bán ra ngoài. Nhờ chánh sách khuyến khích ấy, mọi người đều túa ra làm ăn, và đổi mới kinh tế một cách tự phát, từ dưới lên, chứ không do sự chỉ đạo từ trên xuống. Song song, Trung Quốc cũng cho thành lập loại "xí nghiệp hương trấn", là các cơ sở kinh doanh nhỏ của tập thể, ở cấp hành chánh thấp nhất là hương và trấn (không quá hai vạn dân), mỗi cơ sở thường không có hơn 50 nhân công. Các cơ sở tập thể này là sự kết hợp giữa chính quyền làng xã và dân chúng thôn quê, cùng làm ăn để chia nhau lợi lộc. Và làm ăn khá hơn các xí nghiệp quốc doanh của nhà nước! Năm 1979, các xí nghiệp hương trấn đó sử dụng 30 triệu nhân công, qua năm 1996, con số này lên tới 135 triệu. Một bước nhảy vọt đích thực, cũng vĩ đại như năng suất canh nông đã tăng gấp đôi...Quan niệm "tiểu khang" của Đặng Tiểu Bình vì vậy chú ý đến thành phần cùng khốn nhất, ở thôn quê, và có giúp cho khoảng ba trăm triệu người thoát khỏi cảnh "cơ hoang" - chết đói trên đồng ruộng phì nhiêu mà không có lúa. Con số bần cùng từ 400 triệu vào năm 1978 đã chỉ còn chừng 100 triệu vào năm 1999. Nhìn trên viễn cảnh lịch sử thì đấy là một biến cố đáng kể. Và thời kỳ 1985-1995 được coi là 10 năm hoàng kim của dân nghèo. Nhưng tới đó là hết. Từ 1996, số nhân viên trong các xí nghiệp loại hương trấn này (Anh ngữ gọi là "Township and Village Enterprises - TVE) hết tăng, và bắt đầu giảm, trong khi nông dân càng ngày càng bất mãn. Họ ăn no hơn thế hệ trước, nhưng muốn ăn ngon hơn thì không nổi, trong khi đảng viên cán bộ đã thành triệu phú bằng đô la.Chỉ vì Trung Quốc bắt đầu bước qua tiến trình kỹ nghệ hoá.Khi dân chúng cùng khốn có thêm cơ hội làm ăn thì đảng viên cán bộ địa phương đều hể hả ủng hộ vì chuyện ấy không xâm phạm vào quyền lợi của họ. Đã vậy, trung ương còn gia tăng quyền hạn kinh tế cho họ ở địa phương. Nhưng sau đợt tiểu khang ấy, kinh tế xứ này bước qua ngả khác với nhu cầu đầu tư mạnh hơn vào công nghiệp, và mâu thuẫn gay gắt hơn về quyền lợi giữa các đảng bộ địa phương với nhau, giữa các địa phương với trung ương và giữa đảng viên với người dân. Nghĩa là Trung Quốc cần một đợt cải cách mới để giải tỏa nhiều hơn và đấy là lúc có va chạm quyền lợi giữa dân và đảng viên cán bộ. Vụ tàn sát Thiên an môn năm 1989 đánh dấu sự xoay chuyển đó khi dân chúng bất mãn về lạm phát và tệ nạn tham nhũng trong guồng máy công quyền và bắt đầu phản đối. Sinh viên nhân đó đòi thêm quyền tự do, dân chủ. Người đề xướng cải cách là Đặng Tiểu Bình cũng là người ra lệnh đàn áp để tránh động loạn xã hội và quyết định củng cố thêm chế độ độc đoán chính trị để quy trì quyền lực của đảng. Chúng ta có hiện tượng tự do kinh tế ở dưới và độc tài chính trị ở trên, với mâu thuẫn không thế tránh được. Trong khi ấy, nền độc tài ở trên lại không nắm vững thực trạng kinh tế ở dưới vì hệ thống thông tin và thống kê rất lệch lạc của họ.Khi lên cầm quyền, thế hệ lãnh đạo thứ tư như Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đã dùng lại khẩu hiệu "tiểu khang" của thời trước để cố gắng nâng cao mức sống của dân nghèo, đa số ở trong hai khu vực nội địa và phiên trấn. Họ cùng đề ra chủ trương "xã hội hài hòa" để san bằng những dị biệt về lợi tức và nhận thức. Nhưng, họ đụng vào quyền lợi của các cơ sở đảng ở địa phương!Nếu không cải cách thì nước Tầu sẽ vỡ đôi, vỡ ba vì những dị biệt và xung đột ngày càng gia tăng. Nếu cải cách thì đảng Cộng sản Trung Quốc có khi vỡ đôi vỡ ba vì quyền lực trung ương bị các địa phương ngăn chặn và mỗi vùng địa phương lại nhìn về một hướng, theo quan niệm "hợp tan" truyền thống của Trung Quốc. Chúng ta sẽ còn có cơ hội trở lại chuyện này, cho đến ngày Trung Quốc ăn mừng Quốc khánh vào mùng một tới đây...
NGUYỄN XUÂN NGHĨA
.
Huyền Thoại Trung Quốc 5
Khi sự sợ hãi được định chế hóaMọi chế độ độc tài đều sống trong sự sợ hãi, nhưng lãnh đạo Trung Quốc lại có mức hãi sợ phi thường vì đặc tính văn hoá đa nghi của họ. Khi theo dõi những lễ lạc liên hoan mừng 60 năm ra đời của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, người ta nên nhìn ra khía cạnh đó. Chế độ mắc bệnh tữ kỷ ám thị và định chế hoá sự sợ hãi nên càng khó xoay trở cho một tương lai tốt đẹp hơn cho Trung Quốc...Các bạo chúa hay lãnh tụ độc tài đều nghi ngờ trước tiên những tay chân của mình. Với họ thì nhờ quyền lực đang có trong tay, việc dân chúng có mất niềm tin, thậm chí trở thành bất mãn vẫn chưa phải là một vấn đề ưu tiên. Mối lo ruột gan cấp bách chính là sự thiếu chung thủy của những người xây dựng chế độ vì họ đe dọa quyền lực của lãnh đạo ở trên. Mao Trạch Đông có phát động cuộc Đại văn cách kéo dài 10 năm, từ 1966 cho tới khi ông tạ thế, thì cũng để tấn công ngay vào nhân sự đảng từ cấp cao nhất trở xuống. Và cũng sự sợ hãi của các đảng viên cao cấp nhất, thuộc tầng lớp lãnh đạo, mới khiến một sự việc ghê tởm như vậy có thể xảy ra.Ba chục năm sau, "mây năm xưa bỗng phiêu du trở về..."Vì hệ quả tất yếu của chế độ chính trị chuyên quyền ở trên kinh tế thị trường người ta chứng kiến một hiện tượng là nhiều người có thêm đặc lợi nhờ đặc quyền trong khi đa số ở dưới vẫn ở trong trạng thái "tiểu khang", chỉ vừa đủ ăn. Thành phần ưu tú mới, đảng viên cao cấp có nhiều đặc quyền và đặc lợi không còn quan tâm đến đạo đức cách mạng nữa. Họ quan tâm và tranh thủ quyền lợi kinh tế. Hết lý tưởng, họ thành lý tài. Và cũng vì nhu cầu kinh tế ấy, họ muốn mở rộng khả năng can thiệp để có thêm tự do. Đấy là mối lo cho lãnh đạo đảng. Sự nghi ngờ lại tỏa rộng, từ trên xuống. Vì nếu hiện tượng đó lan rộng trong quần chúng thì lúc đó cái lẽ chính thống của quyền lãnh đạo sẽ trở thành vấn đề: dân hết tin đảng là đảng khó tồn tại.Đảng Cộng sản Trung Quốc vì vậy đang ở giữa cơn khủng hoảng tâm lý: là đảng mất lẽ chính danh để tồn tại và sẽ bị thách đố ở mọi nơi, có khi tan rã.Thật ra, nỗi lo sợ bị biến chất từ trên đầu xuống, như con cá ươn thì thối trước ở cái đầu - đã manh nha từ lâu. Từ thế hệ lãnh đạo thứ ba, của những Giang Trạch Dân, Lý Bằng và Chu Dung Cơ. Họ muốn hiện đại hoá đảng khi Trung Quốc bước vào thế kỷ 21 vì nhìn ra sự lạc hậu của các đảng viên. Năm 1978, trước thời mở cửa, trong số đảng viên là 37 triệu thì đến hơn hai phần ba là nông dân và công nhân. Thành phần "có học" chỉ là thiểu số. Vì vậy, Hiến pháp mới được tu chỉnh vào năm 2002 để mở rộng cho các thành phần khác được gia nhập đảng, kể cả trí thức và tư doanh. Từ bên ngoài, người ta mừng là đảng Cộng sản Trung Hoa nay đang tự "tiểu tư sản hoá", may ra thì sẽ đưa tới thay đổi tốt đẹp hơn cho xã hội.Sự thay đổi có xảy ra, nhưng không theo hướng đó! Năm 2005, khi thế hệ thứ tư, của những Hồ Cẩm Đào, Úy Kiện Hành và Ôn Gia Bảo, đã nắm vững bộ máy đảng và nhà nước, đảng có 70 triệu đảng viên, gần gấp đôi thời bắt đầu mở cửa. Trong số này, thành phần công nông chỉ chiếm 29% và giới chuyên gia - có tay nghề chuyên môn - và người có học đại học chiếm 53%. Cũng trong năm 2005, 75% doanh gia Trung Quốc được thăm dò trong một cuộc khảo sát cho biết là họ đã hoặc sẵn sàng gia nhập đảng. Qua năm 2008, một công trình nghiên cứu khác cho biết 34% tư doanh của Trung Quốc đã thành đảng viên. Quả là đảng là đại biểu của khoa học tiên tiến, văn hoá tiên tiến và các thành phần tiên tiến nhất trong xã hội.Một chỉ dấu tốt đẹp hơn? Không!Thành phần gọi là ưu tú này trong xã hội đã gia nhập đảng nhiều hơn để tìm cơ hội tiến thân nhờ có bàn tay trong guồng máy đảng. Họ vào đảng để tìm đặc quyền, hầu có đặc lợi. Và họ lại cấu kết với nhau trong mục tiêu rất phàm tục mà chính đáng ấy. Nhìn từ bên ngoài thì người ta có thể nghĩ rằng đảng bành trướng quyền lực trong doanh trường - là điều không đến nỗi sai, y như các tổ chức mafia vậy. Nhưng nhìn từ bên trong, từ thành phần lãnh đạo xuống thì hiện tượng ấy không lành mạnh. Lý tưởng bị hy sinh cho lý tài và hiện tượng tham ô trục lợi từ trong đảng tỏa ra ngoài khiến đảng mất lẽ chính thống. Không còn lý do lãnh đạo chính đáng nữa. Việc diệt trừ tham nhũng - thanh trừng đảng viên tham ô - để lấy lòng quần chúng trở thành đấu đá chính trị.Nhưng đấu đá chính trị rơi vào sức hút nguyên thủy của Trung Quốc, là tranh chấp giữa trung ương và các địa phương, giữa các tỉnh đói ăn và các tỉnh làm giàu. Tranh chấp đó còn nguy ngập hơn nữa vì nhiều đảng viên biến chất - lý tài - lại nhân danh tiến bộ mà cấu kết với doanh nghiệp nước ngoài, đối tác ưu tiên của họ trong kinh doanh. Nhìn theo lối tự kỷ ám thị và bài ngoại truyền thống của Trung Quốc thì "tư bản nước ngoài đang lũng đoạn ngay bộ máy đảng!" Chỉ vì thành phần ưu tú này đề nghị những biện pháp cải cách thông thoáng hơn theo quan niệm kinh tế tự do của Tây phương.Bây giờ, mình hiểu ra nỗi lo của lãnh đạo đảng.Một số khuynh hướng cực tả trong đảng đã muốn kéo đảng về lý tưởng cách mạng nguyên thủy thì.. đụng vào "thực tế Mao Trạch Đông" và những sai lầm khó chối cãi của Bước nhảy vọt vĩ đại hay Đại văn cách. Một số khuynh hướng tiến bộ thì nhấn mạnh tới "khoa học phát triển quan" do Hồ Cẩm Đào tung ra để chứng minh sự ưu việt của đảng, nhưng lại đâm vào bức vách của "tinh thần Tây phương", "chủ nghĩa tư bản". Ly kỳ nhất là Hồ Cẩm Đào phải nói hai ngôn ngữ đó một lúc trong khi lại nghĩ khác ở trong đầu. Với đảng viên trong các phiên họp kín, ông nhắc tới các khẩu hiệu cách mạng của Mao Trạch Đông, thậm chí có những lý luận nhuốm mùi Đại văn cách: vận dụng sự bất mãn của quần chúng để thanh lọc đảng! Với truyền thông và doanh giới ngoại quốc, ông nói về "xã hội hài hòa", "quật khởi hoà bình" và cải cách cơ chế - khiến thiên hạ cứ tưởng ông là thuộc xu hướng đổi mới. Nhưng ông không tin vào điều mình nói mà còn ra lệnh đàn áp rất nặng tại cả Tây Tạng lẫn Tân Cương. Và kiểm soát rất chặt bộ máy an ninh và thông tin tuyên truyền.Khi nào đứng trong bộ máy nhà nước, các đảng viên cao cấp nói theo giọng thực tiễn của thị truờng và thế giới nên được truyền thông và cả các học giả Tây phương đánh giá là ôn hòa cởi mở. Nhưng khi đứng trong bộ máy đảng, cũng chính đảng viên cao cấp đó lại nói theo giọng đặc sệt của tuyên huấn trung ương. Họ có khả năng phân thân nhị trùng như vậy nhưng không có khả năng cứu đảng vì mâu thuẫn căn bản giữa tự do kinh tế và độc tài chính trị. Càng không có khả năng họ càng nghi ngờ, sợ hãi... Nhất là khi quần chúng nông thôn ngày càng bất mãn, với 800 triệu dân đang muốn thay đổi, từ nông dân tới công nhân thất nghiệp hay 'dân công' - là thành phần từ quê ra tỉnh kiếm việc gửi tiề về nhà nay sẽ lại hồi hương với tay trắng. Họ muốn thay đổi vì không thể chấp nhận được những bất công nay đã trở thành mười mươi. Vì vậy mà 60 năm sau khi lãnh đạo, đảng Cộng sản Trung Quốc đang nghi ngờ đảng viên cao cấp của mình - y như Từ Hy Thái hậu vào lúc cuối trào! Và giải pháp dễ dãi cổ điển nhất là phát huy tinh thần dân tộc, chủ nghĩa Đại Hán để chỉ ra kẻ thù ở bên ngoài. Sự sợ hãi đang được định chế hoá thành tinh thần "sô vanh dân tộc" - chữ của cộng sản - nhuốm mùi bài ngoại. Và dồn vào sức mạnh bảo vệ của Quân đội Giải phóng, để trở thành giấc mơ bành trướng...Những ồn ào vọng động của Trung Quốc đối với thế giới bên ngoài chỉ là mặt trái của sự hãi sợ ở bên trong.
NGUYỄN XUÂN NGHĨA
Trung Quốc 'bao giờ cũng đúng'?
Dương Danh Dy
Nhà nghiên cứu Trung Quốc