Một cuộc đấu trí
Lữ Giang
Bản tin của đài RFI ngày 29.6.2009 và nhiều bản tin khác từ trong và ngoài nuớc cho biết từ chiều 28 đến rạng sáng 29.6.2009, giờ địa phương, một nhóm người không rõ lai lịch, có vũ trang, đã tấn công tu viện Bát Nhã thuộc xã Dambri, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng với lý do các tu sĩ nơi đây cướp chùa của Phật tử xã Dambri. Nhà bếp, máy phát điện và các nơi công cộng khác của chùa Bát Nhã đã bị đập phá hư hại nặng nề. Hiện các tu sĩ đang bị cô lập hoàn toàn trong chùa, không điện nước, ăn uống, không ra được bên ngoài. Thượng tọa Thái Thuận bị đánh trọng thương đang được cấp cứu tại bệnh viện Bảo Lộc.
Bản tin nói rắng tu viện Bát Nhã có 400 tu sĩ trẻ tu học. Những tu sĩ và thiền sinh này là học trò của Thiền sư Nhất Hạnh và khu tu học này do Thượng tọa Đức Nghi trụ trì. Vị tu sĩ này qua tận làng Mai ở Pháp, xin tu thiền với Thiền sư Nhất Hạnh. Không rõ vì nguyên nhân nào, Thượng Tọa Đức Nghi lại kiện thưa là bị chiếm chùa. Chính Thượng tọa Đức Nghi đã tìm mọi cách trục xuất 400 sư đệ của mình ra khỏi chùa.
Bản tin cũng cho biết các Phật tử kêu gọi giới hoạt động nhân đạo và nhân quyền cùng Phật giáo thế giới vận động chính quyền Việt Nam để ngăn chặn vụ bạo động.
Từ Làng Mai ở Pháp, Sư cô Chân Không kêu gọi tăng thân toàn thế giới cầu nguyện cho các tu sĩ chùa Bát Nhã thoát khỏi cơn nguy..
HẬU QUẢ CỦA HOANG TƯỞNG
Mới đọc qua bản tin này, nhiều người nghĩ rằng đây chỉ là một cuộc tranh chấp giữa một tổ chức Phật Giáo tại địa phương hay một nỗ lực của nhà cầm quyền nhắm loại bỏ một tổ chức Phật Giáo không nằm trong hệ thống của chính quyền. Nhưng vấn đề không giản dị như vậy. Vụ này là hậu quả của một cuộc “đấu trí” giữa một nhóm trí thức và tăng sĩ thuộc Giáo Hội Ấn Quang và nhóm Nhất Hạnh với nhà cầm quyền CSVN để giành quyền thống lãnh Phật Giáo Việt Nam, nhưng một lần nữa chiến thuật của các nhóm này lại thất bại.
1.- Chủ trương “TRÁ HÀNG”
Một nhóm Phật Giáo nhận thấy rằng sau nhiều năm đấu tranh, GHPGVNTH (thường gọi là Giáo Hội Ấn Quang) chẳng những không được hợp thức hoá và tiến lên lãnh đạo Phật Giáo ở trong nước, mà trái lại càng ngày càng bị phân hoá, do đó nhóm này nghĩ rằng cần phải thay đổi chiến thuật để tạo cơ hội cho GHPGVNTN có thể đảm nhận vai trò của mình, đó là “TRÁ HÀNG” bằng cách đưa Giáo Hội Ấn Quang sát nhập vào Giáo Hội Nhà Nước, rồi len lỏi vào trong đó xâm chiếm dần Giáo Hội này, chờ khi đảng Cộng Sản suy yếu hay sụp đổ, sẽ tiến lên thống trị Phật Giáo Việt Nam, từ đó tiến tới thành lập một chính phủ Phật Giáo do các tăng sĩ làm Quốc Phụ. Đây cũng là tham vọng và chủ trương của nhóm Thượng Tọa Thích Trí Quang và Thượng Toạ Thích Thiện Minh dưới thời VNCH mà CIA và Đại Sứ Henry Cabot Lodge đã nhiều lần báo cáo về Washington.
Hiện nay, có ba nhóm chủ trương “trá hàng”, một ở trong nước và hai ở ngoài nước.. Nhóm chủ trương “trá hàng” ở trong nước là nhóm Già Lam, gồm các đệ tử của Thích Trí Quang và Thích Trí Thủ như Lê Mạnh Thát, Thích Tuệ Sỹ, v.v. Hai nhóm chủ trương “trá hàng” ở hải ngoại là nhóm Thiền sư Nhất Hạnh và nhóm Về Nguồn. Nhóm Về Nguồn gồm một số tăng sĩ và cư sĩ gồm có các nhân vật chính sau đây: Trần Quang Thuận, Bùi Ngọc Đường, Cao Huy Thuần, Hồng Quang, v.v. Cao Huy Thuần và Hồng Quang đã về sinh hoạt với Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước.
Ba nhóm nói trên đã coi “trá hàng” là một “thượng sách”, một “diệu kế” để đưa Giáo Hội Ấn Quang tiến tới thống lãnh Phật giáo Việt Nam.
2.- Khai thác Thiền sư Nhất Hạnh
Nắm được chủ trương của ba nhóm nói trên, đảng CSVN đã tương kề tựu kế, tạo điều kiện cho Thiền Sư Nhất Hạnh trở về Việt Nam tìm cách kết hợp Giáo Hội Ấn Quang lại với Giáo Hội Nhà Nước, sau đó xoá sổ Giáo Hội Ấn Quang.
Để chuẩn bị cho việc khai thác Thiền Sư Nhất lại, nhà cầm quyền đã cho Sư Cô Thích Đàm Lan và Thượng tọa Đức Nghi qua Làng Mai ở Pháp “thọ giáo” với Thiền sư Nhất Hạnh, và mời Đoàn Thiền Sư Nhất Hạnh và Sư Cô Chân Không về thăm Việt Nam.
Thượng Tọa Đức Nghi đã đến San Diego, nam California, thăm tu viện Lộc Uyển của Thiền Sư Nhất Hạnh. Thượng tọa còn hứa sẽ khôi phục lại trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội do Thiền sư Nhất Hạnh lập năm 1964 và dâng tu viện Bát Nhã ở Lâm Đồng cho Thiền Sư Nhất Hạnh. Tu viện này đã được đổi tên thành tu viện Làng Mai Bát Nhã.
Ngày 7.7.2006, Ban Tôn Giáo Chính Phủ đã ban hành công văn số 525-TGCP-PG chấp thuận cho phép Làng Mai Bát Nhã tu học theo pháp môn Làng Mai.
Với những sự “nới lỏng” như trên, Làng Mai tưởng mình đã “trúng mối” nên giúp Thầy Đức Nghi phát triển Làng Mai Bát Nhã với hy vọng từ đó sẽ phát triển “Pháp môn Làng Mai” ở trong nước. Tăng thân Làng Mai kêu gọi Phật tử trong và ngoài nước giúp đở 2 tỉ 800 triệu để Thầy Đức Nghi đứng tên mua 8 mẫu đất nhằm mở rộng cơ sở Làng Mai Bát Nhã, cấp cho Thầy Đức Nghi 12 tỷ 509 triệu để xây dựng tăng xá, ni xá và các loại thiền đường, và 90 ngàn Mỹ kim để xây dựng nhà dưỡng lão trên khuôn viên tu viện Bát Nhã, v.v. Thấy “thời cơ đã đến”, Thiền sư Nhất Hạnh quyết định về Việt Nam thực hiện “diệu kế” của mình.
3.- Thi hành “sứ mạng” thất bại
Đoàn Thiền sư Nhất Mạnh đã được nhà cầm quyền cho về thăm Việt Nam hai lần để thi hành “sứ mạng”: Lần thứ nhất vào đầu năm 2005 dưới hình thức một Đoàn Múa Lân đi trình diễn để hấp dẫn Phật tử. Ngày 11.1.2005, Ông Phạm Thế Doanh, Phó Trưởng Ban Tôn Giáo Chính Phủ khẳng định: “Giáo Hội Phật Giáo sẽ tạo mọi điều kiện, cũng như đảm bảo an ninh cho đoàn trong thời gian ở Việt Nam.”
Trong chuyến đi này, Thiền sư Nhất Hạnh đã thất bại trong việc xin tiếp kiến Hoà Thượng Quảng Độ và gặp Thượng Toạ Tuệ Sỹ, nhưng ông đã thuyết phục được các tăng sĩ và Phật tử của hai giáo hội ở Huế cùng “bồ tát” chung, với hy vọng sẽ dần dần tiến tới sát nhập. Tuy nhiên, khi ông đi rồi, mỗi bên ai về nhà nấy.
Thất bại trong lần thứ nhất. Đoàn trở lại Việt Nam đầu năm 2007 dưới hình thức “Trai Đoàn Giải Oan”. Thiền sư Nhất Hạnh hy vọng rằng với danh nghĩa “cầu nguyện và giải trừ oan khổ cho tất cả những ai đã từng gánh chịu hậu quả khắc nghiệt của cuộc chiến tranh...”, các tăng sĩ và Phật tử thuộc hai giáo hội sẽ cùng đến và ông sẽ CỘT cả hai bên lại với nhau. Nhưng phe GHPGVNTN cũng không đến.
Khi “sứ mạng” của Thiền sư Nhất Hạnh bị thất bại, nhà cầm quyền CSVN đã lật con tẩy “trá hàng” lên rồi ngăn chận hoạt động của các nhóm Già Lam, Làng Mai và Về Ngưồn ở trong nước. Vụ chùa Bát Nhã ở Lâm Đồng hiện nay cũng chỉ nằm tiến trình xoá sổ các nhóm “trá hàng” ở trong nước.
LÀNG MAI BỊ TRẮNG TAY
Ngày 29.10.2008, ông Nguyễn Thế Doanh, Trưởng Ban Tôn Giáo Chính Phủ đã công bố văn thư số 1329/TGCP-PG lên án các hoạt động của các tăng thân Làng Mai:
“Ba lần về Việt Nam, tăng thân Làng Mai (Nước Pháp) đã thực hiện một số việc như: tấn phong giáo phẩm không thông qua GHPGVN, đề cập sai lệch những vấn đề chính trị của đất nước, đưa lên internet (Website Làng Mai) một số thông tin sai sự thực và thực tế ở Việt Nam. Những việc làm ấy là vi phạm pháp luật Việt Nam.”
Ngày 13.11.2008, công an xã Đambri, Lâm Đồng, đã áp dụng biện pháp cưỡng hành để trục xuất 400 đệ tử xuất gia và tăng sinh tu học theo pháp môn Làng Mai ra khỏi tu viện Bát Nhã. Trong số này, có 40 ni cô đến từ Huế và một số tu sĩ từ nước ngoài vào.
Ngày 19.11,2008, Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước thuộc Văn Phòng 2 GHPGVN, đã triệu tập một cuộc họp bất thường tại số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Sài Gòn, gồm các nhân vật sau đây để giải quyết vụ tu viện Bát Nhã:
- Đại diện Nhà Nước: ông Bùi Hũu Dược, Vụ Trưởng Vụ Phật Giáo, từ Hà Nội vào.
- Đại diện Phật Giáo Trung Ương: Hoà Thượng Thích Hiển Pháp, Phó Pháp Chủ; Hoà Thượng Thiện Nhơn, Chánh thư ký; các Hoà Thượng Thích Từ Nhơn, và Thích Trí Quảng….
- Đại diện Phật Giáo Lâm Đồng: Ban trị sự Phật Giáo tỉnh Lâm Đồng gồm có các thầy Pháp Chiếu, Linh Toàn và Đức Nghi.
Đại diện pháp môn Làng Mai không được mời tham dự.
Sau vài giờ thảo luận, hội nghị đã đưa ra bốn kết luận như sau:
(1) Mọi người, nếu muốn có thể tu theo pháp môn Làng Mai.
(2) Tăng thân Làng Mai ai có đầy đủ giấy tờ, tu học tốt, có thể tiếp tục tu. Ai chưa đủ giấy tờ thì phải bổ sung.
(3) Ai quậy phá thì sẽ bị xử lý.
(4) Về tài sản, đôi bên tự giải quyết hoặc giải quyết theo luật pháp.
Trong 4 điều khoản nói trên, điều (4) là quan trọng nhất: Tuy tài sản của tu viện Làng Mai Bát Nhã là do sự đóng góp của bá tánh thập phương và nhóm Làng Mai của Thiền Sư Nhất Hạnh, nhưng trên phương diện pháp lý, tất cả tài sản này đều do Thượng Tọa Đức Nghi đứng tên, nên coi như đó là tài sản riêng của Thượng Tọa này. Làng Mai bị trắng tay.
Hôm 29.4.2009 chính quyền Thị xã Bảo Lộc đã triệu tập một cuộc họp tại chính điện của tu viện Bát Nhã gồm đại diện UBND, Ban Nội Vụ, Ban TGCP, Ban Trị Sự Phật giáo Lâm Đồng, Viện chủ tu viện Bát Nhã Thích Đức Nghi và Tập thể tăng ni của Tu viện để phổ biến Công văn số 1329/TGCP-PG của Ban Tôn Giáo Chính Phủ (như đã nói trên), Công văn số 037/CV/HĐTS của Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước, và Công văn số: 367/UBND của UBND thị xã Bảo Lộc. Các văn kiện này đã cấm tu viện mở các khóa tu và Phật tử tụ tập tại tu viện. Tiếp theo, Thượng tọa Thích Đức Nghi đã lên án Thiền sư Thích Nhất Hạnh hoạt động chính trị.
Khi cuộc họp đang diễn ra, thầy Thích Pháp Duệ, thế danh Hoàng Trọng Phương, một tu sĩ của Làng Mai Pháp quốc, có quốc tịch Canada, đã bị công an Bảo Lộc tới bắt đi.
Bản tin ngày 29.6.2009 cuả đài Á Châu Tự Do ở đã ghi lại cuộc phỏng vấn ông Hiệp, Phó Chủ Tịch UBND Xã Dambri của Thiện Giao từ Bangkok như sau:
Thiện Giao: Thưa có phải là ông Hiệp không ạ?
Ông Hiệp: Tôi đây.
Thiện Giao: Tôi là Thiện Giao, phóng viên đài Á Châu Tự Do, và tôi muốn hỏi về sự cố xảy ra tại tu viện Bát Nhã.
Ông Hiệp: Đó là chuyện nội bộ người ta. Tôi cũng chưa biết. Nếu anh cần gặp mặt tôi, anh lên công an Tỉnh, gặp tôi, tôi sẽ trả lời.
Thiện Giao: Có tin nói họ đã kêu cứu lên các giới chức cao cấp, trong đó có cá nhân ông. Và được hứa sẽ giúp đỡ nhưng không giúp đỡ.
Ông Hiệp: Tôi không nhận được gì cả. Tôi xin lỗi ông. Tôi không biết mặt ông nên không thể trả lời.
Thượng Toạ Pháp Hội, giáo thọ tại tu viện Bát Nhã, cho biết công an tỉnh Lâm Đồng đã nói rằng họ [tăng sinh, giáo thọ] “không được đi đâu cả,” và “dù bất cứ nơi đâu trên lãnh thổ này cũng gặp khó khăn tương tự.”
Một bức tượng vinh danh tình mẫu tử, đặt tại tu viện Bát Nhã, đã bị đập gãy tay chân.
CON ĐƯỜNG MUỐM TIẾN TỚI
Các báo cáo của CIA và Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn trước 1975 mà chúng tôi đã công bố nhiều lần, cho biết tham vọng của các nhà lãnh đạo Phật Giáo đấu tranh năm 1963 là lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm và hình thành một chính phủ Phật Giáo cai trị miền Nam Việt Nam. Muốn thực hiện tham vọng này, công việc trước tiên phải làm là hình thành một tổ chức thống lãnh toàn thể Phật Giáo tại miền Nam.
1.- Thống Lãnh Phật Giáo dưới thời VNCH
Chúng ta không ngạc nhiên, khi thấy chính phủ Ngô Đình Diệm vừa bị lật đổ, 11 Giáo Phái và Hội Đoàn Phật Giáo đã họp tại Chùa Xá Lợi và ngày 4.1.1964 và biểu quyết một Bản Hiến Chương thành lập Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất. Đây là một Hiền Chương nằm trên và ngoài luật pháp quốc gia, nên Tướng Tôn Thất Đính, Tổng Trưởng Nội Vụ lúc đó, đã từ chối duyệt y. Tuy nhiên, sau khi Tướng Nguyễn Khánh làm “chỉnh lý”, vì bị tố cáo là “Cần Lao tái xuất giang hồ”, Tướng Khánh đã ban hành Sắc Luật số 158-SL/CP ngày 14.5.1964 công nhận bản Hiến Chương nói trên, tức cho phép GHPGVNTH được hoạt động trên và ngoài luật pháp quốc gia, tạo ra một gian đoạn lịch sử hổn loạn mà báo chí thời đó đã mô tả bằng câu “Nhất Đĩ nhì Sư, tam Cha tứ Tướng”.
Tuy nhiên, sau những cuộc tranh chấp đẩm máu trong nội bộ, GHPGVNTN bị bể ra thành Giáo Hội Việt Nam Quốc Tự và Giáo Hội Ấn Quang. Chính phủ đã ban hành Sắc Luật số 023/67 ngày 18.7.1967 chuẩn y Hiến Chương ngày 14.3.1967 của Giáo Hội Việt Nam Quốc Tự và thu hồi Hiến Chương của Giáo Hội Ấn Quang khiến Giáo Hội này phải hoạt động ngoài vòng luật pháp cho đến nay.
Thất bại trong việc dùng áp lực chính trị để nắm chính quyền, năm 1966 Thượng Tọa Thích Trí Quang đã quyết định dùng bạo lực để cướp chính quyền, nhưng thất bại. Từ đó, Giáo Hội Ấn Quang đứng hẵn về phe Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Thích Trí Quang chủ trương rằng cần phải dùng Cộng Sản để buộc Mỹ rút khỏi miền Nam và loại bỏ Công Giáo, rồi sau đó dùng Phật giáo để “hóa giải Cộng Sản” và giành quyền lãnh đạo đất nước. Trong cuốn Tâm Thư xuất bản năm 1995, Đỗ Mậu đã phê bình chủ trương này của Thích Trí Quang như sau:
“Sai lầm chiến lược thứ hai của Trí Quang là nhận định chủ quan về đường lối và chính sách của Cộng Sản Hà Nội. Trí Quang nghĩ rằng Ki-tô giáo nguy hiểm hơn Cộng Sản và Phật giáo đủ khả năng đương đầu với Cộng Sản sau khi ngoại cường triệt thoái...” (trang 178).
2.- Âm mưu thống lãnh Phật Giáo dưới chế độ cộng sản
Sau khi Việt Cộng chiếm miền Nam, để thực hiện mưu đồ thống lãnh Phật Giáo của mình, Giáo Hội Ấn Quang đã tổ chức “Mừng Giải Phóng” và “Sinh Nhật Bác Hồ”. Sau đó Giáo Hội gởi thư cho Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam (quốc doanh) tại Hà Nội, kêu gọi thống nhất Phật Giáo Nam Bắc, nhưng Hội này không đáp ứng. Tiếp theo, Giáo Hội Ấn Quang cử Hòa Thượng Đôn Hậu đến xin gặp ông Nguyễn Văn Hiếu, Bộ Trưởng Văn Hóa, xin cho Giáo Hội Ấn Quang đứng ra vận động thống nhất Phật Giáo Việt Nam, nhưng ông Hiếu đã từ chối với lý do: “Thống nhất Phật Giáo thì tốt, nhưng thống nhất với Phật Giáo cách mạng, chứ thống nhất làm gì với Phật Giáo phản động!”
Như vậy, tham vọng “thống lãnh Phật Giáo” dưới thời VNCH hay dưới thời Cộng Sản đều bị thất bại, Giáo Hội Ấn Quang quay lại chống chính quyền CSVN và bị chính quyền này đập bể ra làm hai như dưới thời VNCH, một nữa theo Nhà Nước thành lập Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước, một nữa quay lại dựa vào Mỹ để chống Cộng!
ĐI TÌM MỘT SINH LỘ?
Chúng ta hãy nghe Đỗ Mậu mô tả về cuộc đấu tranh chống Cộng của Giáo Hội Ấn Quang còn lại:
“Không thể tưởng tượng được thái độ của qúy thầy. Đấu tranh với một đối tượng gồm toàn hạng người sừng sỏ, kinh nghiệm đấu tranh cách mạng đầy mình, lại có đầy đủ phương tiện mà qúy thầy đấu tranh một cách khơi khơi. Người thức giả thấy phong cách đấu tranh của qúy thầy không khỏi ái ngại cho tương lai của Phật Giáo và ái ngại cho qúy thầy quá ngây thơ, thành ra chính quý thầy đã hại Phật Giáo.” (Tâm Thư, tr. 186)
“Giải pháp” được Đỗ Mậu đưa ra như sau:
“Nếu tôi được gặp quý Thầy như Quảng Độ và Thầy Huyền Quang, tôi muốn nhắc nhở với mấy Thầy là đất nước phải qua giai đoạn Phật Giáo với chính phủ phải bắt tay nhau. Gia Tô chính là kẻ thù chung...”
Đây cũng là “giải pháp” đã được Trần Quang Thuận phát biểu trong cuộc hội thảo về “Nhân Quyền Cho Việt Nam” tại Westminster vào chiều 8.1.1995. Trần Quang Thuận bảo có người từ Việt Nam mới về đã đưa ra một nhận định “rất độc đáo” như thế này:
“Cái hiểm họa mà Phật Giáo mắc phải trước đây và có thể cả sau này, thật sự không phải là Cộng Sản mà là Thiên Chúa Giáo. Ông nói Phật Giáo với bản chất hiền lành như thế đó không làm sao có thể ngăn chận được cái sự xâm nhập của Thiên Chúa Giáo. Chỉ có Cộng Sản làm được việc đó không mà thôi. Như vậy đó, tại sao các ông lại chống chính quyền, chống Cộng Sản ở bên đó. Chính Cộng Sản đã tiếp tay cho các ông làm những chuyện như vậy.”
ĐI VÀO TỬ LỘ
Với những nhận định như trên, một số tăng sĩ và trí thức Phật Giáo chủ trương “trá hàng” để chiếm dần Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước. Có hai nhà thiền sư nổi tiếng nhất của Phật Giáo đã quyết định “trá hàng” để tìm sinh lộ cho Phật Giáo Việt Nam.
Người đầu tiên “trá hàng” được nói là “để làm văn hoá và hoằng pháp” là Thiền sư Lê Mạnh Thát (tức Thích Trí Siêu) thuộc nhóm Già Lam. Sau khi được chính quyền chấp thuận, ông đi nghiên cứu lịch sử và kinh Phật để chứng minh Phật giáo là siêu Việt và Phật giáo là Dân Tộc (vấn đề này chúng tôi đã trình bày rồi). Lý thuyết của ông được dẫn ra trong Thông Điệp Hướng về Thế Kỷ XXI của Giáo Hội Ấn Quang: “Lịch sử Phật giáo Việt, lồng trong lịch sử dân tộc trên hai nghìn năm qua, đã bao lần minh chứng rằng Hộ Dân, Hộ Quốc, Hộ Pháp hòa quyện trong nhau làm kim chỉ nam cho nếp sống và hành động của người Phật tử Việt Nam.”
Thông Diệp cũng trích dẫn “Lục Độ Tập Kinh”, một cuốn kinh được nói là xuất hiện vào thế kỷ II Tây lịch, do một Thiền sư Việt Nam viết bằng chữ Việt (!) rồi được dịch ra tiếng Tàu, để chứng minh rằng các tăng sĩ phải nhảy ra làm chính trị để cứu dân khi quốc gia nguy biến. Đoạn được trích dẫn đó như sau: "Bồ tát thấy dân kêu ca, do vậy gạt lệ xông vào nơi chính trị hà khắc để cứu dân khỏi nạn lầm than".
Những lập luận và trích nói trên cho thấy đến nay Giáo Hội Ấn Quang vẫn chủ trương Phật Giáo là dân tộc và Phật Giáo phải đứng ra lãnh đạo đất nước. Khi con tẩy của Thiền Sư Lê Mạnh Thát bị lộ, nhà cầm quyền đã loại ông.
Người thứ hai quyết định “trá hàng” để cứu Phật giáo là Thiền sư Nhất Hạnh. Ông suy nghĩ và hành động có vẻ thực tế hơn. Bằng hành động và lời nói, ông làm cho các tăng sĩ và Phật tử thấy rằng Phật giáo quốc doanh hay không quốc doanh đều là Phật giáo. Những công trình mà Nhà Nước đã hay đang làm cho Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước hiện nay, rồi đây sẽ thuộc về Phật giáo một khi chế độ cộng sản không còn nữa. Vì thế, ông đã nhận “sứ mạng” đi về trong nước thuyết phục hai giáo hội cùng “bố tát” chung với nhau và cùng xây dựng Phật giáo.
Quan điểm của Thiền sư Nhất Hạnh cũng là quan điểm của nhóm Già Lam và nhóm Về Nguồn. Mới nghe qua quan điểm này, một số người cho rằng đây là một “diệu kế” hay một “thượng sách”. Nhưng trong thực tế, “giải pháp” này là một hoang tưởng:
1.- Khi đánh xì phé mà để cho đối phương thấy con tẩy của mình thì không thể ăn ai được:
(a) CSVN đã tương kế tựu kế, muợn bàn tay Nhất Hạnh để sát nhập Giáo Hội Ấn Quang vào Giáo Hội Nhà Nước rồi xoá sổ. Vụ tu viện Bát Nhã là một thí dụ điển hình. Nhưng khi “sứ mạng” của Thiền sư Nhất Hạnh không thành, ông và pháp môn Làng Mai của ông cũng bị loại.
(b) Nhóm Hoà Thượng Huyền Quang và Hoà Thượng Quảng Độ chắc chắn không bao giờ chấp nhận “giải pháp trá hàng” vì biết chắc nó sẽ đưa GHPGVNTN vào tử lộ.
(c) Các thế lực đứng đàng sau Giáo Hối Ấn Quang cũng không để cho Giáo Hội này biến mất khỏi tầm tay của họ.
2.- Kinh nghiệm cho thấy Giáo Hội Ấn Quang không đủ khả năng thống lãnh Phật Giáo để tiến tới nắm chính quyền, vì có rất nhiều trở ngại từ bên trong lẫn bên ngoài. Các “nhân sự” của Giáo Hội chỉ có tham vọng chính trị chứ không có khả năng lãnh đạo. Nói trắng ra, họ chỉ dựa vào Giáo Hội để kiếm ghế, chứ chẳng làm nên trò trống gì.
3.- Thời đại lẫn lộn giữa giáo quyền và thế quyền đã chấm dứt từ lâu, thời đại đó không trở lại nữa.
4.- Chủ trương tranh chiếm chính quyền của Giáo Hội Ấn Quang đã từng gây hổn loạn cho quốc gia trong quá khứ và trong tương lai hiện tượng này cũng khó tránh khỏi. Do đó, dù Pháp, Hoa Kỳ, VNCH, CSVN hay bất cứ một chính phủ hậu Cộng Sản nào đó cũng phải đối phó như nhau, nhất là khi Giáo Hội tạo bạo loạn để cướp chính quyền như năm 1966.
Thiền sư Dhammananda đã nói:
“Khi tôn giáo bị sử dụng để gia tăng thế lực chính trị thì tôn giáo sẽ phải hy sinh các lý tưởng đạo đức cao quý và trở nên mất gốc, nhượng bộ cho các thế lực chính trị trong thế gian.”
Lữ Giang
(Ngày 7.7.2009)
No comments:
Post a Comment