Vết chân dã tràng
Lữ Giang
Trong bài trước, chúng tôi đã nói về cuộc đời chính trị của Trịnh Công Sơn. Trong bài này, chúng tôi xin nói tiếp về cuốn “Trịnh Công Sơn - Vết chân dã tràng” của bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, bút biệu Ban Mai, đang bị nhà cầm quyền cấm lưu hành vì “vi phạm luật xuất bản”, “có nội dung thiếu khách quan; xuyên tạc sự thật lịch sử; xúc phạm những trí thức, nhạc sĩ khác...”
Được biết bà Nguyễn Thị Thanh Thuý sinh năm 1963 tại Quy Nhơn, tốt nghiệp Cao Học (trong nước gọi là Thạc Sỹ!) Ngữ Văn Trường Đại Học Quy Nhơn năm 2006 với luận án “Thân phận con người và tình yêu trong ca từ Trịnh Công Sơn”, hiện là chuyên viên chính Phòng Khoa Học và Công Nghệ, Trường Đại Học Quy Nhơn. Cuốn “Trịnh Công Sơn - Vết chân dã tràng” chỉ là sự tu chỉnh, bổ sung từ luận văn nói trên và đã được Trung Tâm Văn Hóa Ngôn Ngữ Đông Tây ở Hà Nội in ấn và xuất bản vào tháng 10/2008. Thế thì tại sao đến ngày 13.8.2009, UBND tỉnh Bình Định lại ra quyết định đình chỉ phát hành cuốn sách này?
LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Để có thể tìm hiểu tại sao nhà cầm quyền cho rồi lại cấm phát hành cuốn “Trịnh Công Sơn - Vết chân dã tràng”, chúng ta hãy nghe bà Ban Mai nói về sự hình thành tác phẩm của mình.
Được phóng viên của tập san Da Màu (damau.org) hỏi tại sao chị chọn đề tài Trịnh Công Sơn để làm luận văn mà không chọn các nhà thơ, nhà văn Việt Nam khác, tác giả Ban Mai cho biết:
“Tôi chọn ca từ Trịnh Công Sơn để nghiên cứu khi làm luận văn Thạc sĩ đơn giản vì tôi vốn thích và say mê ngôn ngữ nhạc Trịnh Công Sơn, ngôn ngữ ca từ của ông đích thực là thơ, một kiểu thơ lãng mạn, trữ tình, giàu chất hiện sinh, siêu thực, mang đậm chất thiền.
“Mặt khác bản chất của nghiên cứu là tìm kiếm cái mới, dùng ca từ của một nhạc sĩ để nghiên cứu dưới góc nhìn văn học là một đề tài hoàn toàn mới, chưa có một công trình nghiên cứu nào trong trường học Việt Nam làm về đề tài này tính cho đến thời điểm tôi đang làm luận văn Thạc sĩ, vì vậy, tạo cho tôi một sự kích thích say mê.
“Bên cạnh đó, cuộc đời Trịnh Công Sơn tiêu biểu cho bi kịch một thế hệ trí thức Miền nam Việt Nam những năm chiến tranh loạn lạc và sau thời hậu chiến; nghiên cứu về Trịnh Công Sơn cũng là nghiên cứu tiếng nói của một thời đại, một hiện tượng văn hóa nghệ thuật đặc sắc của thế kỷ 20.”
Thật ra, Trịnh Công Sơn không hề “tiêu biểu cho bi kịch một thế hệ trí thức Miền nam Việt Nam những năm chiến tranh...” mà chỉ tiêu biểu cho bi kịch của một thế hệ sinh viên và thanh niên đầy cuồng tín đã đi theo một nhóm tăng sĩ Phật Giáo có nhiều tham vọng chính trị để đấu tranh cướp chính quyền và lập một chính phủ Phật Giáo tại Miền Nam. Họ bị đẩy vào tình trạng không tìm ra lối thoát cho cuộc đời của mình. Chúng ta hãy nghe Nguyễn Đắc Xuân, Đoàn Trưởng Đoàn Sinh Viên Quyết Tử của Thích Trí Quang kể lại chuyện trốn chạy khỏi mạng lưới của cơ quan an ninh VNCH sau khi lực lượng đấu tranh của Phật Giáo bị Quân Đội VNCH dẹp tan vào năm 1966:
“Biết không thể có mặt ở Huế thêm nữa, hai anh em Hoàng Phủ liên lạc được với Thành ủy rồi thoát ly. Còn tôi phải ẩn mình trong chùa Diệu Đế để tiếp tục công việc trong đài phát thanh Cứu nguy Phật giáo đặt ngay trong chùa. Sau đó được tin Thiệu Kỳ sẽ truy bắt tôi, các thầy bảo tôi phải rời chùa Diệu Đế ngay để tránh khỏi bị bắt như hồi tháng 8.1963 nữa. Tôi mượn áo cà-sa mặc vào, giả làm một Ni-cô và được hai sinh viên Quyết tử (cũng là sinh viên Phật tử) là Phạm Văn Rơ và Cao Hữu Điền hộ tống lên chùa Từ Đàm. Lên chùa được hai hôm, thầy Thiện Siêu gởi tôi vào ẩn ở chùa Kim Tiên của thầy Chánh Trực. Ở Kim Tiên được một tuần, tôi lại chuyển qua Tường Vân. Để có thể thoát được sự theo dõi của bọn tình báo, tôi được thầy Chơn Tế cạo đầu cho giả làm một nhà sư của chùa. Nhưng rồi ở Tường Vân cũng không yên, nhiều lần bị lính Nùng của Thiệu Kỳ vây bắt. Nếu không có được sự che chở của các thầy chùa Tường Vân thì tôi đã nát thây với lính Thiệu Kỳ từ cuối tháng 6.1966 rồi. Không ngờ chùa Tường Vân nằm trong địa bàn lõm của Thành ủy Huế. Tất cả những căng thẳng đe doạ diễn ra hằng ngày đối với tôi ở chùa Tường Vân, Thành ủy Huế đều biết. Đến đầu tháng 7.1966, anh Hoàng Phủ Ngọc Tường từ Thành ủy Huế trên chiến khu gởi thư rủ tôi ra bưng nghĩ một thời gian chờ tình hình đàn áp của Thiệu Kỳ lắng xuống rồi sẽ trở lại Huế. Sống với các thầy nhiều năm, ranh giới giữa Phật giáo và Mặt trận Giải phóng trong tôi rất mờ nhạt, cho nên khi nhận được thư anh Tường từ chiến khu gởi vào, tôi thấy không có gì bất ngờ cả. Hơn nữa, trước đó không lâu (5.1966), hai ông bạn tôi là N.N.L và Trịnh Công Sơn đã trao đổi với tôi về lối thoát cho các cuộc tranh đấu lúc đó là con đường của Mặt trận Giải phóng. Cho nên cái thư của anh Tường trở thành lối thoát của tôi. Mấy hôm sau tôi ra đi trong bộ cà-sa của một nhà sư (10.7.1966). Không chỉ một thời gian ngắn như anh Tường viết mà rong ruổi xuôi ngược Trường Sơn đến chín năm (1966-1975).”
(Trích trong bài “Hòa Thượng Thiện Siêu, Người không chấp trước những thị phi thế trị” của Nguyễn Đắc Xuân).
Đó là “bi kịch một thế hệ trí thức” cuồng tín đấu tranh cho những tham vọng phiêu lưu. Họ bị dồn vào chỗ phải chấp nhận thân phận “tự lưu đày”, bị bên này lùng bắt, bên kia xử dụng rồi ruồng bỏ vì không tin. Những nỗ lực của họ đã trở thành những “vết chân dã tràng” như ca giao Việt Nam đã mô tả: “Dã tràng xe cát bể đông, nhọc lòng mà chẳng nên công chút gì.” Trái lại, đa số các trí thức của Miền Nam không đi theo con đường đấu tranh cho mục tiêu phiêu lưu của một số tăng sĩ Phật Giáo đều được sống theo ước nguyện của mình.
Câu hỏi thứ hai được phóng viên tạp chí Da Màu đặt cho bà Ban Mai: Từ đâu bà có ý tưởng viết tập sách này? Bà trả lời:
“Tập biên khảo “Trịnh Công Sơn - Vết chân dã tràng” là sự tu chỉnh, bổ sung từ luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam, mà tôi đã bảo vệ năm 2006. Sau khi bảo vệ đề tài với số điểm tối đa, Hội đồng bảo vệ luận văn gợi ý tôi nên viết lại thành sách để công bố. Qua một năm bổ sung nhiều tài liệu và hoàn chỉnh lại, tôi gửi bản thảo đến Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây ở Hà Nội. Sau khi xem bản thảo tôi gửi ra, họ đồng ý tài trợ việc in ấn và xuất bản. Đến tháng 10/2008 tập sách mới hoàn thành và đến tay bạn đọc.”
CHUẨN BỊ TẤN CÔNG
Trước khi ra lệnh ngưng phát hành cuốn “Trịnh Công Sơn - Vết chân dã tràng”, Bộ Công An đã cho “cò mồi” đưa ra những bài phản đối cuốn sách này để chuẩn bị dư luận. Bà Ban Mai cho biết:
“Cách đây ba tháng, khoảng gần cuối tháng 3/2009, tôi nhận một cuộc điện thoại từ Hà Nội, thông báo có một bài viết rất nặng tay của một bạn đọc gửi báo An Ninh Thế Giới, có lẽ sẽ đăng vào ngày mai. Họ báo trước để tôi chuẩn bị tinh thần. Sáng hôm sau, tôi ra sạp báo để tìm bài viết, nhưng không thấy, qua hôm sau cũng vậy. Nóng lòng, tôi truy tìm trên mạng và bắt gặp bài viết của tác giả Nguyễn Hoàn trên trang web “Bàn tròn văn nghệ của Hội nhà văn”, bài viết tập trung, phê phán Chương IV, phần Trịnh Công Sơn và Chiến tranh Việt Nam. Cuối bài, Nguyễn Hoàn đề nghị Cục xuất bản thu hồi sách, nếu tôi không viết lại theo đúng quan điểm mà ông ta đưa ra. Bài viết đăng ngày 17.3.2009, không có ý kiến phản hồi nào của bạn đọc. Đến ngày 30.3.2009, báo An Ninh Thế Giới mới đăng bài này. Nhưng lúc đó, đang có cơn sốt về bài viết của Trịnh Cung, nên bài của Nguyễn Hoàn không ai để ý. Để tiếp tục khuấy động văn đàn trong nước về đề tài Trịnh Công Sơn, tháng 4/2009 Nguyễn Hoàn đăng lại bài này trên Tạp chí Sông Hương, sau đó ngày 8.5.2009, ông ấy lại tiếp tục đăng trên báo Nhân Dân và Tạp chí Ban Tuyên giáo. Đó là những tờ báo tôi biết, còn những tờ báo đăng lại trên web thì nhiều vô kể.”
MỤC TIÊU TẤN CÔNG
Tất cả mục tiêu tấn công đều tập trung vào Chương IV của cuốn sách. Chương này nói về “Trịnh Công Sơn và Chiến Tranh Việt Nam”, trong đó những lời ca của Trịnh Công Sơn và một số nhận định của tác giả Ban Mai là đối tượng của cuộc tấn công. Dưới đây chúng tôi xin trích lại những đoạn chính trong Chương IV có thể bị coi “có nội dung thiếu khách quan, xuyên tạc sự thật lịch sử”.
Mở đầu Chương IV, Ban Mai đã viết như sau:
“Mở đầu tập Ca khúc da vàng viết năm 1967, Trịnh Công Sơn bày tỏ nỗi đau thống thiết: “Tất cả đã bể, đã vỡ toang. Tiếng thét đã chìm xuống biển thành tiếng nói trầm tư, thành lời kêu uất về thân thế Việt Nam. Tiếng nói vang lên từ những hố bom đào lên cùng khắp. Ơi những bạn bè thân yêu đã chết từ đỉnh cao hay vực thẳm. Con người đã hóa thân làm vết thương. Cái chết hóa thân làm biểu tượng vô nghĩa. Ám khí dày đặc, làm sao thấy rõ mặt nhau. Hãy thử bắt đầu bằng tiếng hát như ca dao của tổ tiên ta ngày xưa đó...”
(“Da vàng ca khúc”).
Tác giả viết tiếp:
“Trong ca khúc “Gia tài của mẹ” sáng tác năm 1965, Trịnh Công Sơn cho rằng đây là cuộc chiến tranh nội chiến.
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ để lại cho con
Gia tài của mẹ là nước Việt buồn.
(Gia tài của mẹ – 1965)
Tác giả đã đưa ra một số nhận xét về cách nhìn của Trịnh Công Sơn về chiến tranh Việt Nam:
“Chính quan điểm này đã làm cho chính quyền Miền Bắc e ngại ông. Bởi vậy, trong giai đoạn đầu của thời hậu chiến, có người quá khích ở chiến khu đã tuyên bố khi về Sài Gòn sẽ “xử tử” Trịnh Công Sơn. Cho đến ngày nay, quan điểm về tên gọi cuộc chiến vẫn là điều tranh cãi. Với tôi, tôi đồng cảm cùng suy nghĩ của Trịnh Công Sơn, bởi vì đứng trên góc nhìn dân tộc, cái chết nào cũng đau xót như nhau. Vì tất cả đều chung giòng máu Lạc Hồng. Đó chính là bi kịch của người dân Việt. Với trái tim nhạy cảm và nhân ái vô cùng, Trịnh Công Sơn đã nhận ra điều vô lý ấy... Đúng, nhạc chiến tranh của ông bắt nguồn từ tình yêu thương, nó là những bài tự tình dân tộc, ông nói hộ cho dân tộc thân phận khổ ải của kiếp người trong chiến tranh, là tiếng kêu thương tuyệt vọng của người dân trong cảnh thịt xương tan nát.”
Bà viết tiếp:
“Là một trí thức, ông ý thức được thân phận nhược tiểu của đất nước mình trong bối cảnh tranh giành ảnh hưởng của các thế lực quốc tế. Cảm nhận được nỗi đau mất mát ấy, cho nên dù đang ở trong cái thế chống đối nhau, tự trong thâm tâm của người dân Việt, họ vẫn thấy yêu nhau, gần nhau...
“Cái bi thảm nhất là ở chỗ: cùng là người Việt Nam, nhưng người Việt lại bắn giết người Việt. Trong thực tế cuộc đời, có khi họ là anh em, cha con, là người yêu của nhau, nhưng vì khác chiến tuyến, nên nhìn nhau xa lạ. Khi người Việt đó: Bỏ xác trôi sông, chết ngoài ruộng đồng / Chết rừng mịt mùng, chết lạnh lùng / Mình cháy như than, chết cong queo / Chết vào lòng đèo, chết cạnh gầm cầu / Chết nghẹn ngào, mình không manh áo (Tình ca của người mất trí - 1967).
“Trịnh Công Sơn cho rằng, đây là cái chết do một trận địa chấn, một cơn hồng thủy. Một cái chết không nằm trong dự tính của họ. Họ bị những cơn hiểm hoạ cay nghiệt nhất của nhân loại, vô hình xô đẩy nhau vào mâu thuẫn, hận thù. Nhưng trong sâu xa nơi tâm hồn, họ không thấy sự mâu thuẫn, hận thù mà chỉ thấy một màu da thơm mùa lúa chín, thấy yêu nhau, thấy gần nhau trong tiếng nói Việt Nam.
Huế Sài Gòn Hà Nội
Hai mươi năm tiếng khóc lầm than
Huế Sài Gòn Hà Nội trong ta đau trái tim
Việt Nam.
(Huế – Sài Gòn – Hà Nội – 1969)
“Như vậy thì quả dân tộc ta đang gặp một cơn đại nạn. Và triệu người đã chết bất đắc kỳ tử, chỉ là nạn nhân của một cuộc chiến tranh phát xuất từ đâu tới, chớ không phải từ trong lòng anh em Việt Nam, mà ngày nay có những quan điểm cho rằng đó là cuộc chiến tranh “ủy nhiệm” của các nước lớn.
Hai mươi năm là xác người Việt nằm
Làm sao ta giết hết những đứa con Việt Nam?
Xưa ta không thù hận
Vì đâu tay ta vấy máu?
(Tuổi trẻ Việt Nam – 1969)
“Nói như Bửu Ý “Chiến tranh diễn ra không phải ở chiến trường, không phải do người cầm súng, nó diễn ra ở bàn tròn, ở trong lòng người, ở trong đầu óc những con người mua bán chiến tranh… Giữa một nền trời như vậy, thân phận con người là một vấn nạn, ta nên nói ngay: đây là một chủ đề tư tưởng, nếu không muốn nói là triết lý.” Theo Lê Trương, những bài ca nổi tiếng trong giai đoạn này như “Tình ca của người mất trí”, “Ca dao mẹ”, “Gia tài của mẹ”, “Đi tìm quê hương” là những bài hát có ca từ rất buồn thảm, giai điệu blues dìu dặt, thở than, kể lể như tiếng khóc của một người đàn bà trong góc phòng tối, rồi bỗng nhiên nức nở, gào thét thảm thiết. Ông nói hộ những gì trong tâm hồn họ bị nổ ra vì quá đau khổ, u uất, vì không thể đè nén lại được nữa. Những ước mơ từ lâu họ không được quyền nói tới, phải được chôn sâu vào trong lòng, nay bỗng bùng lên trong tiếng hát của người mất trí.
“Không chỉ riêng Trịnh Công Sơn, hầu như người dân miền Nam nào cũng sống trong bi kịch ấy. Để minh chứng cho một thời đại đầy biến động này, chúng ta hãy đọc bài thơ của Nguyễn Bắc Sơn khi viết về bộ đội miền Bắc với một giọng thơ ngất ngưởng:
Kẻ thù ta ơi, những đứa xăm mình
Ăn muối đá và điên say chiến đấu
Ta vốn hiền khô, ta là lính cậu
Đi hành quân, rượu đế vẫn mang theo
Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
Xem chiến cuộc như tai trời ách nước
Ta bắn trúng ngươi, vì ngươi bạc phước
Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí
Lũ chúng ta sống một đời vô vị
Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau”…
(Chiến tranh Việt Nam và tôi – Nguyễn Bắc Sơn)
......
“Người miền Nam thấy mình trong ca khúc “Cho một người nằm xuống”, Trịnh Công Sơn thương tiếc Lưu Kim Cương, một Đại tá Không quân Việt Nam Cộng hòa tử nạn, là một người bạn hào hiệp của ông:
Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên
Tiễn đưa nhau trong một ngày buồn
Đất ôm anh đưa về cội nguồn
Những xót xa đành nói cùng hư không.
(Cho một người nằm xuống – 1968)
“Người miền Bắc lại bắt gặp mình khi ông chia sẻ nỗi đau:
Tôi mất trong chiến tranh này
Bao nhiêu bao nhiêu nụ cười
Em từ Hà Nội có bao giờ được yên vui
(Tôi đã mất – 1970)
......
“Nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn là thế. Có người tán thành, có người còn nghi ngại. Âu cũng là lẽ thường tình vì cách nghĩ của con người có bao giờ là như nhau. Nó luôn vận động và nhận chân lại những giá trị, lý giải lại những gì đã qua. Cuộc đời này mãi mãi là như vậy.”
* * *
Chỉ cần trích một số đoạn của Chương IV, chúng ta cũng có thể hiểu được tại sao nhà cầm quyền Việt Nam đã ra lệnh ngưng phát hành cuốn “Trịnh Công Sơn - Vết chân dã tràng” của Ban Mai.
CÁCH NHÌN TƯƠNG PHẢN
Trong lời khai mạc lễ kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lâp Đảng đọc tại Hà Nội ngày 5.1.1960, Hồ Chí Minh nói:
“Đảng là con nòi, xuất thân từ giai cấp lao động. Trong đại gia đình vô sản quốc tế dười ngọn cờ chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Đảng ta có những người anh vĩ đại như Đảng Cộng Sản Liên Sô, Đảng Cộng Sản Trung Quốc, Đảng Cộng Sản Pháp và các Đảng anh rm khác, gồm 35 triêu anh em chiến sĩ tiền phong của giai cấp công nhân.”
Sau đó, trong bài diễn văn khai mạc Đại Hội Đại Biểu Toàn Quốc Lần Thứ Ba đọc tại Hà Nội ngày 5.9.1960, Hồ Chí Minh lại nói:
“Ngày nay, chủ nghĩa xã hội đã thành một hệ thống thế giới hùng mạnh, vững chắc như lũy thép thành đồng. Nhân dân ta vô cùng phấn khởi trước những thành công vĩ đại của Liên Sô trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa cộng sản và những thắng lơi to lớn của Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội... Cuộc tranh đấu kiên quyết của các dân tộc bị áp bức nhất định sẽ đánh bại bọn đế quốc thực dân. Chủ nghĩa xã hội cuối cùng nhất định sẽ toàn thắng khắp thế giới.”
(Lịch sử Đảng CSVN, Tập III, tr. 89, 99).
Cuốn “Lịch Sử Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước” có ghi rõ:
Nghị Quyết Hội Nghị lần thứ 15 của Trung Ương Đảng khẳng định cơ bản miền Nam là giải phóng miền Nam: nhiệm vụ trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm tay sai của đế quốc Mỹ; phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng...”
(Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi và bài học, tr. 44).
Thế nhưng những lời ca của Trịnh Công Sơn được tác giả Ban Mai diễn tả lại, đã nói lên những bi thảm của chính sách nói trên của Đảng:
- Tất cả đã bể, đã vỡ toang.
- Con người đã hóa thân làm vết thương. Cái chết hóa thân làm biểu tượng vô nghĩa.
- Cho đến ngày nay, quan điểm về tên gọi cuộc chiến vẫn là điều tranh cãi. Với tôi, tôi đồng cảm cùng suy nghĩ của Trịnh Công Sơn, bởi vì đứng trên góc nhìn dân tộc, cái chết nào cũng đau xót như nhau.
- Hai mươi năm nội chiến từng ngày
- Hai mươi năm tiếng khóc lầm than
- Cái bi thảm nhất là ở chỗ: cùng là người Việt Nam, nhưng người Việt lại bắn giết người Việt.
- Họ bị những cơn hiểm họa cay nghiệt nhất của nhân loại, vô hình xô đẩy nhau vào mâu thuẫn, hận thù.
- Như vậy thì quả dân tộc ta đang gặp một cơn đại nạn. Và triệu người đã chết bất đắc kỳ tử, chỉ là nạn nhân của một cuộc chiến tranh phát xuất từ đâu tới, chớ không phải từ trong lòng anh em Việt Nam, mà ngày nay có những quan điểm cho rằng đó là cuộc chiến tranh “ủy nhiệm” của các nước lớn.
Vân vân và vân vân
Nhật báo Nhân Dân của đảng CSVN đã coi những lời này như là những sự "phỉ báng xương máu của bao thế hệ cha anh đã ngã xuống tô thắm nền hòa bình của đất Việt".
NHẬN DIỆN THỦ PHẠM
Lời tiên đoán “Chủ nghĩa xã hội cuối cùng nhất định sẽ toàn thắng khắp thế giới” của Hồ Chí Minh ngày nay đã bị thực tế chứng minh ngược lại: Chủ nghĩa cộng sản đã hoàn toàn bị sụp đổ. Tuy các đảng CS Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn và Cuba vẫn còn nói đến “tiến lên xã hội chủ nghĩa”, nhưng trong thực tế, chủ nghĩa này chỉ còn là một chiêu bài không hơn không kém. Sự sụp đổ của chế độ cộng sản đã đưa đến những hệ luỵ sau đây đối với đảng CSVN:
1.- Việc đem chủ nghĩa cộng sản áp dụng vào Việt Nam là một sự sai lầm nghiêm trọng: Khi đi theo chủ nghĩa Maoist hay Stalinist, đảng CSVN đều đem thảm hoạ đến cho đất nước.
2.- Nếu đảng CSVN không cướp chính quyền năm 1945, Pháp đã không thể trở lại Việt Nam: Hiến Chương Đại Tây Dương ngày 11.8.1941 do Anh và Mỹ ký kết đã tuyên bố: “Đồng Minh hứa sẽ tôn trọng quyền của các dân tộc được lựa chọn hình thức chính phủ cai trị của họ”. Sau khi cướp chính quyền, ngày 17.10.1945, Hồ Chí Minh đã gởi cho Tổng Thống Truman một điện văn yêu cầu công nhận chính phủ của ông. Nhưng trước đó cả Hoa Kỳ lẫn Anh đều nhận ra rằng Hồ Chí Minh là cộng sản nên đã đồng ý để cho Pháp trở lại Việt Nam. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tuyên bố: “Hoa Kỳ nhìn nhận chủ quyền của Pháp trên Đông Dương”. Ngày 11.10.1945, Ngoại Trưởng Anh cũng tuyên bố như vậy. Rỏ ràng là nếu năm 1945, đảng CSVN không cướp chính quyền, Pháp đã không trở lại Đông Dương, và đã không có cuộc chiến tranh “giải phóng” hay chống cộng kéo dài 30 năm với những hậu quả rất nghiêm trọng mà Trịnh Công Sơn chỉ mới mô tả được một phần nhỏ.
3.- Tài liệu lịch sử cho thấy không có Trung Quốc thì không có Điện Biên Phủ, không có Hiệp Định Genève 1954, không có chiến thắng 30.4.1975. Tại sao Trung Quốc đã giúp đảng CSVN tận tình như vậy? Thủ Tướng Chu Ân Lai nói:
“Nước chúng tôi lớn nhưng không có đường ra, cho nên rất mong Đảng Lao Động Việt Nam mở cho một con đường xuống Đông Nam Châu Á.”
Nói một cách khác, Trung Quốc muốn biến Đảng CSVN thành một tên lính đánh thuê (mercenary) của Trung Quốc.
4.- Để có thể đánh chiếm miền Nam, Đảng CSVN đã chấp nhận làm ngơ cho Trung Quốc chiếm một phần lãnh thổ ở biên giới Việt - Trung. Tập “Tình hình Trung Quốc lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam từ năm 1954 đến nay” của nhà cầm quyền Hà Nội đã cho chúng ta thấy những phần lãnh thổ ở biên giới đã bị Trung Quốc chiếm, cách chiếm và chiếm khi nào. Ngày 4.9.1958 Trung quốc tuyên bố nới rộng hải phận ra 12 hải lý chung quanh các đảo mà Trung quốc cho là của mình như Hoàng Sa và Trường Sa. Để lấy lòng Trung Quốc, ngày 14.9.1958 Thủ Tướng Phạm Văn Đồng nói rằng chính phủ Việt Nam công nhận và đồng ý tán thành lời tuyên bố ngày 4.9.1958 của Trung Quốc, mặc dầu Hà Nội thừa biết Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về VNCH chứ không thuộc về Hà Nội. Khi hành động như vậy, Hà Nội tính toán đơn giản rằng nếu chiếm được miền Nam mà mất một phần lãnh thổ ở phía Bắc và các đảo ở Biển Đông thì coi như đã lời quá rồi. Nhưng hậu quả của sự tính toán này là Việt Nam đã bị mất vĩnh viễn một phần đất và biển, không còn đòi lại được nữa. Đảng CSVN phải chịu trách nhiệm trước dân tộc và đất nước về sự sai lầm này.
Như vậy, những lời ca mà Trịnh Công Sơn đã dùng để mô tả về cuộc chiến Việt Nam vừa qua không có gì sai lầm và bà Ban Mai, tác giả cuốn “Trịnh Công Sơn - Vết chân dã tràng” đã đưa ra những vấn nạn cần phải được nêu lên:
(1) Cho đến ngày nay, sau hơn 30 năm kết thúc chiến tranh, nhìn lại những chặng đường thăng trầm của đất nước, có lẽ đã đến lúc chúng ta dũng cảm nhìn nhận lại cuộc chiến đã qua...
(2) Cái bi thảm nhất là ở chỗ: cùng là người Việt Nam, nhưng người Việt lại bắn giết người Việt.
(3) Cho đến ngày nay, quan điểm về tên gọi cuộc chiến vẫn là điều tranh cãi.
(4) Thân phận da vàng người Việt ngày nay đã thực sự thoát đời nô lệ ngoại bang chưa?, v.v.
Cho đến nay, đảng CSVN đã mặc thị nhìn nhận rằng đưa chủ nghĩa cộng sản vào áp dụng tại Việt Nam là một sai lầm lớn gây thảm hoạ cho đất nước, nên đã không “tiến lên xã hội chủ nghĩa” nữa mà chuyển qua kinh tế thị trường. Đảng CSVN cũng không còn “chống Mỹ cứu nước” mà “nhờ Mỹ cứu Đảng”, v.v. Do đó, những vấn đề tác giả Ban Mai nêu lên đã trở thành những vấn đề cần được làm sáng tỏ.
Nếu hôm nay nhà cầm quyền ngăn cản chưa cho đặt lại trách nhiệm lịch sử, những thế hệ tiếp theo cũng sẽ tiếp tục làm và sự thật lịch sử chắc chắn sẽ được đưa ra ánh sáng.
Nhìn lại, vì thời cuộc và vì tình bạn bè, trong cuộc chiến Việt Nam Trịnh Công Sơn không có con đường nào khác là phải đi chàng hảng để sinh tồn. Nhưng cũng chính cái thế phải đi chàng hảng này đã gợi lên trong tâm thức của Trịnh Công Sơn những bài ca bất hủ.
Hiện nay, ở hai bên “chiến tuyến”, bên nào cũng còn có một số người chống nhạc Trịnh Công Sơn vì cho rằng Trịnh Công Sơn đứng về phía bên kia. Nhưng trước năm 1975, Tạ Tỵ đã viết:
“Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam không nhạc sĩ nào có thể tạo cho mình, cho thế hệ mình những cơn lốc nghệ thuật làm lay động đến chiều sâu tâm thức con người trong và ngoài kích thuớc quốc gia như Trịnh Công Sơn.”
Tiếng nhạc quen thuộc của Trịnh Công Sơn vẫn đang vang vọng lên ở đâu đó hay trong lòng người, trên đất nước cũng như ở hải ngoại:
Tôi muốn yêu anh, yêu Việt Nam
Ngày gió lớn, tôi đi môi gọi thầm,
Gọi tên anh, tên Việt Nam,
Gần nhau trong tiếng nói da vàng.
(Tình ca của người mất trí – 1967)
Lữ Giang
(Ngày 7.9.2009)
Ghi chú: Nếu tìm không thấy bài, cứ vào motgoctroi.com, mục "Mỗi tuần một chuyện" sẽ thấy trong đó.
__._,_.___
================================================
==================================================
No comments:
Post a Comment