Hội Luật Gia Việt Nam
tại California tuyên cáo:
Bản Án LM Nguyễn Văn Lý
Là Một Bản Án Quái Ðản
Hội Luật Gia Việt Nam tại California tuyên cáo:
Bản Án LM Nguyễn Văn Lý Là Một Bản Án Quái Ðản.
(Luật Sư Nguyễn Hữu Thống)
Cách đây 10 năm, ngày Thứ Sáu 29-11-1991 bác sĩ Nguyễn Ðan Quế đã bị truy tố ra trước Tòa Án Nhân Dân Thành Phố SàiGòn về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" chiếu điều 73 Hình luật mà hình phạt có thể đến tử hình. Trong một phiên xử chớp nhoáng trong 3 giờ, Bác Sĩ Quế đã bị kết án 20 năm tù và 5 năm quản chế.
Hai năm sau đó, ngày 30-3-1993 giáo sư Ðoàn Viết Hoạt cũng bị truy tố về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" và cũng đã bị tuyên phạt 20 năm tù và 5 năm quản chế. (Sau này Tòa Phúc Thẩm đã giảm hình phạt xuống 15 năm).
Trước đó một năm, ngày 14-5-1992 luật sư Ðoàn Thanh Liêm đã bị truy tố về tội "tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa" chiếu điều 82 Hình Luật và đã bị kết án 12 năm tù.
Tuần qua cũng nhằm ngày Thứ Sáu, 19-10-2001, linh mục Nguyễn Văn Lý đã bị truy tố ra trước Tòa Án Nhân Dân Tỉnh Thừa Thiên -Huế và đã bị tuyên phạt 13 năm tù về tội "phá hoại chính sách đoàn kết" hay phá hoại chính sách thống nhất quốc gia chiếu Ðiều 81 Hình Luật. Ngoài ra cha Lý còn bị phạt 2 năm tù về tội "vi phạm quyết định quản chế" vì đã không tuân hành một quyết định của cơ quan hành chánh địa phương cấm không cho hành sử chức năng linh mục. Cũng như vụ án Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế, vụ án LM Nguyễn Văn Lý đã diễn ra chớp nhoáng trong 3 giờ vào ngày Thứ Sáu cuối tuần, không có sự tham dự của dân chúng và cũng không có sự biện hộ của luật sư. Ðây là một bản án tiền chế quái đản của một nhà cầm quyền đã mang đất nước ra khỏi cộng đồng nhân loại văn minh.
Trong 10 năm qua, từ 1991 đến 2001, trái với lời hứa hẹn tuyên truyền đổi mới, nhà cầm quyền Hà Nội vẫn siết chặt bộ máy khủng bố và đàn áp các tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị và tù nhân tôn giáo là những công dân thiết tha với tương lai của đất nước và số phận của đồng bào.
Về mặt pháp lý, đây là những bản án quái đản căn cứ vào những tội trạng quái đản như phá họai chính sách đoàn kết quốc gia, tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa.
Bác sĩ Quế và Giáo Sư Hoạt chỉ phổ biến những lời kêu gọi và những bài bình luận để yêu cầu nhà cầm quyền thực thi quyền dân tộc tự quyết, bãi bỏ chính sách độc quyền lãnh đạo và tổ chức tổng tuyển cử để người dân được tự do lựa chọn chế độ chính trị của quốc gia và tự do lựa chọn những người lãnh đạo để thực thi chế độ đó. Vậy mà họ đã bị truy tố và kết án về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền dầu không có một tấc sắt trong tay và không có những hành động võ trang. Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế chỉ công bố Lời?234;u Gọi của Cao Trào Nhân Bản với chủ trương đấu tranh ôn hòa, bất bạo động. Giáo Sư Ðoàn Viết Hoạt chỉ ấn hành 4 tờ nguyệt san đánh máy yêu cầu nhà cầm quyền thực thi chính sách hòa giải và hòa hợp dân tộc.
Ðạo đạt thỉnh nguyện lên nhà cầm quyền là hành sử công khai và hợp pháp quyền của người dân trong một xã hội dân chủ. Trong lịch sử chính trị học, chưa thấy một chính quyền nào lại nhẫn tâm truy tố các công dân chỉ vì họ đã có thiện chí đóng góp ý kiến để cải thiện chính sách quốc gia. Quyền đạo đạt thỉnh nguyện được ghi chú trong tất cả các hiến pháp của các quốc gia văn minh trên thế giới. Nó cũng được long trọng xác nhận trong Ðiều Thứ Nhất của Ðạo Luật Dân Quyền Hoa Kỳ (Bill of Rights) và được coi là một trong những quyền thiết yếu bất khả xâm phạm trong sinh hoạt chính trị quốc gia.
Theo công pháp quốc tế, Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế và Giáo Sư Ðoàn Viết Hoạt chỉ hành sử ôn hòa và hợp pháp những quyền tự do căn bản của con người, như quyền đạo đạt thỉnh nguyện lên nhà cầm quyền, quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu quan điểm được tuyên dương trong các bản văn của Luật Quốc Tế Nhân quyền, như Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1948) và Công Ước Liên Hiệp Quốc về những Quyền Dân Sự và Chinh Trị (1966), cũng như trong Hiến Pháp Việt Nam (các Ðiều 50, 53, 54 và 69).
Năm 1977, khi gia nhập Liên Hiệp Quốc, Nhà Cầm Quyền Hà Nội có nghĩa vụ pháp lý phải tôn trọng và thực thi Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.
Năm 1982, khi ký tên tham gia vào các Công Ước Quốc tế Nhân Quyền, nhà cầm quyền Hà Nội có nghĩa vụ pháp lý phải tôn trọng và thực thi Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị.
Các tội tuyên truyền chống chế độ và vi phạm chính sách thống nhất quốc gia do nhà cầm quyền Hà Nội viện dẫn trong hai bản cáo trạng để truy tố và kết án Luật Sư Ðoàn Thanh Liêm và Linh Mục Nguyễn Văn Lý là những tội trạng quái đản.
Từ thế kỷ 19, khi Các Mác phổ biến bản Tuyên Ngôn Ðảng Cộng Sản hô hào vô sản toàn thế giới đứng lên dùng bạo lực để lật đổ chế độ tư bản, ông ta cũng không bị truy tố về tội tuyên truyền chống chế độ tư bản.
Tuyên truyền tự nó không cấu thành tội hình sự. Ðây chỉ là việc hành sử quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu quan điểm được ghi chú trong tất cả các hiến pháp trên thế giới cũng như trong Luật Quốc Tế Nhân Quyền.
Tội vi phạm chính sách đoàn kết quốc gia (Ðiều 81 Hình Luật) trừng phạt những người gây chia rẽ giữa nhân dân và chính quyền nhằm phá hoại chính sách thống nhất quốc gia (to undermine the national unity policy).
Về mặt tư tưởng không thể mà cũng không nên có một chính sách thống nhất quốc gia. Vì đó là chính sách nhất nguyên, độc tôn, phản tiến hóa và phản nhân tính.
Về mặt tín ngưỡng, nhân loại văn minh không chấp nhận tính thống nhất của các tôn giáo trong một nước. Khi quốc gia có quốc giáo, thì đó là bước đầu của suy thoái và sa đọa.
Về mặt chính trị, cũng không thể và không nên có một chính sách thống nhất quốc gia. Vì đó là chế độ độc tài phản dân chủ của Tần Thủy Hoàng, Hitler hay Stalin.
Trong sinh hoạt văn hóa xã hội, tính đa nguyên là phổ biến. Do đó không thể có sự độc tôn về tôn giáo, chủ thuyết, chính trị hay văn hóa.
Phá hoại chính sách thống nhất quốc gia là một tội danh giả tạo. Nó sẽ đưa đến những giải thích quá bao quát và những định nghĩa quá mơ hồ. Bất cứ hành vi tư tưởng nào khác biệt với đường lối chính sách của nhà cầm quyền cũng có thể cấu thành tội này.
Trong chế độ đa đảng hay lưỡng đảng, những đường lối chính sách thường khác biệt và đối lập nên không thể có một chính sách quốc gia thống nhất. Ðó là bí quyết của dân chủ đa nguyên để lựa chọn chính sách và lựa chọn lãnh đạo. Nếu đã không có sự thống nhất trong chính sách quốc gia thì cũng không có tội phá hoại chính sách thống nhất quốc gia.
Chiếu Ðiều 15 Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị "Không ai có thể bị kết án về một tội hình sự khi có những hành động không cấu thành một tội trạng hình sự chiếu luật pháp quốc gia hay luật pháp quốc tế, luật pháp quốc tế là những nguyên tắc luật pháp tổng quát được thừa nhận bởi cộng đồng các quốc gia".
Những nguyên tắc luật pháp tổng quát này đã được quy định thành văn trong Luật Quốc Tế Nhân Quyền (International Bill of Human Rights), như Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị.
Trong hiện vụ, Linh Mục Nguyễn Văn Lý chỉ có những hành vi ôn hòa, bất bạo động để đạo đạt thỉnh nguyện lên nhà cầm quyền, yêu cầu tôn trọng và thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo và hành đạo. Quyền này được nhà cầm quyền cam kết bảo vệ trong Ðiều 70 Hiến Pháp.Vậy mà cha Lý đã bị giam giữ và kết án 13 năm tù về tội phá hoại chính sách đoàn kết. Ðây hiển nhiên là sự bắt giữ và giam cầm độc đoán.
Tháng 12-1991, Hội Ân Xá Quốc Tế khiếu tố nhà cầm quyền Hà Nội tại Ủy Ban Nhân Quyền Liên HiệﰠQuốc vì đã bắt giữ và giam cầm độc đoán hai tù nhân lương tâm Việt Nam là Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế và Giáo Sư Ðoàn Viết Hoạt. Ngày 30-4-1993, Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc qua Khối Công Tác về Giam Giữ Ðộc Ðoán (United Nations Working Group on Arbitrary Detention) đã tuyên Nghị Quyết lên án sự bắt giam này là độc đoán chiếu Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (các Ðiều 9,10,11,19 và 20), và Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị (các Ðiều 9,14, 15, 19, 21 và 22).
Tháng 3 vừa qua, Linh Mục Nguyễn Văn Lý đã gởi bản điều trần đến Quốc Hội Hoa Kỳ và Ủy Ban Tôn Giáo Quốc Tế để tố cáo chính sách đàn áp tôn giáo và chủ trương tiêu diệt tôn giáo của nhà cầm quyền Hà Nội. Ngoài ra Cha Lý còn công bố 9 bản Lời Chứ?#273;òi tự do, nhân quyền cho người dân.
Ðể trả đũa, nhà cầm quyền địa phương đã ra quyết định hành chánh ngày 9-5-2001, cấm Cha Lý không được hành sử chức năng của một linh mục. Quyết định này hiển nhiên vi hiến. Căn cứ vào quyền tự do lập hội quy định trong Ðiều 69 Hiến Pháp và nguyên tắc sinh hoạt tự trị của các hội đoàn (như giáo hội), tư cách, chức năng và nghĩa vụ của vị linh mục chỉ có thể được quy định bởi Hội Ðồng Giám Mục. Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh không có thẩm quyền về việc này chiếu nguyên tắc biệt lập giữa tôn giáo và nhà nước, một nguyên tắc đã được nhân loại văn minh chấp nhận. Bằng việc cấm đoán Cha Lý không được truyền giáo và hành đạo chỉ vì đòi tự do tôn giáo, nhà cầm quyền Hà Nội đã vi phạm hiến pháp và đã đưa đất nước ra khỏi cộng đồng các quốc gia văn minh.
Ngày 17-5-2001, Cha Lý bị bắt giữ khi đang sửa soạn dâng thánh lễ buổi sáng cho các giáo dân. Do việc hành sử chức năng linh mục, Cha Lý đã bị truy tố về tội vi phạm quyết định quản chế, và đã bị phạt thêm 2 năm tù, tổng cộng là 15 năm tù và 5 năm quản chế.
Theo luật pháp phổ thông, vi phạm một quyết định hành chánh địa phương không cấu thành tội đại hình. Sự vi phạm hành chánh nếu có chỉ có thể bị chế tài về mặt hành chánh (như tái lập tình trạng cũ, phạt vạ hay phạt vi cảnh). Nó không thể bị phạt tới 2 năm tù. Theo Quy chế Quản Chế Hành Chánh (Nghị Ðịnh 31 ngày 14-4-1997), người bị quản chế hành chánh là người chưa có những hành vi với đầy đủ yếu tố tội phạm để bị truy tố về mặt hình sư (nghĩa là không có tội hình sự).
Vì không có tội hình sự, Cha Lý không thể bị tuyên phạt 2 năm tù, (một hình phạt đại hình) chỉ vì đã không tuân hành một quyết định hành chánh địa phương vi hiến.
Trong những thập niên vừa qua, nhà cầm quyền Hà Nội đã bắt giam các tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, tù nhân tôn giáo trong các trại tập trung mệnh danh là trại học tập cải tạo: Giáo Sư Ðoàn Viết Hoạt 12 năm, Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế 10 năm, Linh Mục Nguyễn Văn Lý 10 năm.
Ðây là những vụ bắt giam độc đoán, các tù nhân không bị truy tố ra tòa mà cũng không bị tòa kết án.
Ngày nay mặc dầu hứa hẹn thiết lập nhà nước pháp quyền, nhà cầm quyền Hà Nội vẫn chủ trương đảng trị thay vì pháp trị. Họ đã đi giật lùi trong mọi lãnh vực đặc biệt là lãnh vực tư pháp.
Trong 3 vụ án trước, nhà cầm quyền đã dùng Tòa Án làm công cụ để thanh trừng các đối thủ chính trị như Nguyễn Ðan Quế, Ðoàn Viết Hoạt, Ðoàn Thanh Liêm. Ngày nay nhà cầm quyền lại dùng Tòa Án làm công cụ để đàn áp, khủng bố các nhà tu hành là những người không tham dự vào chính quyền và cũng không chủ trương giành giựt chính quyền. Nguyện vọng của họ là được hành sử những quyền con người và quyền công dân như quyền tự do tín ngưỡng, tự do truyền giáo và hành đạo, tự do hội họp và lập hội, đặc biệt là quyền của giáo hội được sinh hoạt tự trị, không bị nhà nước xâm nhập, lũng đoạn, đàn áp hay khủng bố. Những quyền này đã được nhân loại văn minh thừa nhận và tuyên dương.
Làm tại California, ngày 23-10-2001
T.M. Hội Luật Gia Việt Nam Tại California
Luật Sư Nguyễn Hữu Thống
No comments:
Post a Comment