Mường Giang
Ngày còn nhỏ rất thích đọc ‘ Tôi Ði Học’ của Thanh Tịnh và bài thơ ‘ Nghĩ Hè’ của Xuân Tâm. Chắc có lẽ tâm hồn tôi đa cảm và cô đơn, nên được làm quen với những nhân vật của hai tác giả trên, khiến luôn xúc động đến rớm lệ một cách thành thật, khi nghĩ tới những chuổi ngày thơ ấu trên quê hương mình.
Tôi không hề biết hai ngôi làng Mỹ Lý và Bảo An ở đâu, ra sao nhưng vẫn tin tưởng rằng các thế hệ học sinh mọi thời trong đó có chúng tôi, ai cũng đã trải qua những cảm xúc, tâm trạng, những ao ước trong sáng ngây thơ của một cậu bé nhà quê, buổi sáng nắm vạt áo mẹ tới trường lần đầu. Hay như đàn chim non sung sướng, khi buổi học cuối cùng đã hết, để cùng nhau chạy ùa ra sân ga đón tàu về quê nghĩ hè.
Òa lên từ một niềm vui nho nhỏ của tuổi học đường nhưng nó đã theo thời gian, vừa bừng bừng lặng lẽ, vừa mong manh như tơ trời, vậy mà vẫn dai dẳng theo tôi đến trọn đời. Ngày ấy tôi đã khóc vì không được theo bạn lên tàu. Nhưng tuổi thơ vốn mau quên vì ồn ào, ầm ĩ cho nên rồi cũng vội vàng, hăm hở cùng bạn lại chuẩn bị một mùa hè sắp tới.
Rồi thì thời gian lãng đãng theo bóng mây chiều, những chàng trai đang lớn đã biết thả hồn mình mơ mộng theo những cánh phượng ở sân trường và những con đường dẫn vào lớp học, trước lúc lên tàu trở lại quê xưa.
‘Kiểm sót kỹ có khi còn thiếu sót,
rương chật rồi khó nhốt cả niềm vui’,
(Xuân Tâm)
theo thời gian lửa loạn, nên đâu có còn êm ả như những mùa hè thiếu thời mà huyên náo sau lũy tre làng. Tất cả đã ngoa ngoắt quay lưng chạy vào quá khứ, bỏ ta ở lại trong cái cảm xúc thân thuộc mà xa lạ, giữa cõi lòng trước sân trường của một mùa hạ tím ngắt.
Nay trở về quê xưa Phan Thiết trong ký ức của tuổi già viễn mộng nơi đất người. Chắc là vẫn như hôm nào ? chiếc xe đò từ Sài Gòn vào thành phố, cũng phải qua những lò gốm làm tỉn đựng nước mắm, nằm dài hai bên quốc lộ 1 thuộc xóm Giếng Rọc, Ấp Ðức Long. Dù bây giờ nghề đã dẹp nhưng cái mùi võ ốc, nghêu sò, muối mắm.. ở đâu đâu như khói, cứ bay và xộc cả vào miệng mũi.. Thế nhưng mọi người đâu có ai thấy khó chịu, trái lại rất vui mừng vì biết chắc là mình đã tới nhà. Trong cái hương vị đậm đà của biển đọng trên da, thử đưa lên ngửi như thấy có mùi rất riêng của quê tôi Phan Thiết.
Rồi thì ngơ ngơ ngẩn ngẩn trên những nẻo đường quê hương, càng nhìn càng thấy ngùi ngùi. Phố xá nói mở nhưng đi một vòng xe đã hết. Buồn trong cảm giác lẫn lộn, trước cảnh vật vừa lạ hoắc lại cũng thân quen. Phan Thiết bây giờ qua tâm tư của kẻ ly xứ vừa trở về như là một thành phố nào khác. Về quê nhân mùa Tết, trước quang cảnh ồn ào của những phiên chợ đông người làm dáng, như nữa thực nữa mơ của chốn phồn hoa đô hội đủ đầy, khiến thấy nực cười một mình, khi biết sẽ chẳng bao giờ có được một Phan Thiết rừng tiền biển bạc ở đời này, dưới cõi thiên đường xã nghĩa, chỉ đẹp giữa giấc mơ hay trong đầu óc của tưởng tượng.
Dường như không còn một mùi quê xa cũ, dù đó là mùi rêu mốc của những tường vách đền tháp, đình chùa, bởi đâu đâu cũng đã sơn lại một lớp màu hào nhoáng, làm mất hết cái rêu phong cổ kính của những nơi chốn thân quen, chùa xưa đền cũ. Anh em bè bạn và làng xóm cùng chung lứa, nay cũng không còn bao người. Những kẻ còn sót lại già trước tuổi. Rồi đây nếu trở lại quê xa lần nửa, chắc cũng như Hạ Trí Chương, ngậm ngùi trong nổi :
‘ Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi
Hương âm vô cải, mấn mao tồi
Mục đồng tương kiến, bất tương thức.
Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai ‘
Thuở nhỏ bỏ nhà ra đi, già mới về, quê nhà giờ thay đổi hết, ai cũng trố mắt nhìn mình và cười hỏi từ đâu tới ?. Bao chục năm phải xa quê hương vì hoàn cảnh và đã chịu biết bao thăng trăm nơi đất khách, nên lòng ai cũng mưốn trở về quê, để trút hết những ưu phiền đã cưu mang suốt thời gian lưu lạc chốn quê người.
Giờ biết tìm ở đấu, cái mùi đất ẩm pha gió biển mằn mặn của Phan Thiết ? và trong đó chẳng những có mùi cá mực, mà còn thắm đượm cả mùi lá tre, rạ rơm, hương lúa mới, làm cho mình bổng thấy sảng khoái hít hà hết cái hương quê riêng của tuổi xuân thì.. Tóm lại, qua cái mùi riêng còn sót lại, như đã đánh thức trong tôi cả một ký ức của thời xưa cũ, hình như đã ngủ quên trong đời của một tên lãng tử, sắp bước vào ngưỡng cửa ‘ cổ lai hi ‘.Nhưng thấy được quê rồi, không vui mà vẫn bâng khuâng ngậm ngùi.
Phan Thiết bây giờ cũng thay đổi, khi những đồi cát hoang sơ, chạy dài từ Ðá Ông Ðịa, Rạng, Mũi Né tới Hòn Rơm, được đánh thức bởi những bước chân người. Vâng quê tôi là thế đó, từ bao đời luôn quyến rũ mọi nhân sinh bằng nét đẹp thiên nhiên, rất hoang sơ mà lãng mạn, như tiếng mời gọi của sóng biển rì rầm hay bóng mát dịu hiền của mặt trời khi xuyền qua rừng dừa xứ Rạng. Về Phan Thiết, để cùng với cái tĩnh lặng của đêm trường , để lắng nghe tiếng sóng vỗ trong gió, mang theo cả hương nồng vị mặn từ biển, ngược sông Cà Ty xuồi về Cồn Cỏ, Mường Mán, để nhớ những địa danh một thời như Cồn Chà, Xóm Ốc, Phố Hải, Bến Lội.. tuy mộc mạc nhưng đượm thắm hồn quê.
+TỪ HAMULITHÍT TỚI PHAN THIẾT, NHỮNG ÐIA DANH MỘT THỜI HOA MỘNG
Theo tài liệu còn sót lại cho biết địa danh Hamulithit là một xóm chài của người Chàm, nằm rải rác trên một dải đất rộng, ven theo bờ biển, sát đồi cát mênh mông lẫn lộn hai màu vàng trắng. Một dòng sông lặng lờ từ núi rừng mù mịt ở hướng tây, chảy về thung lũng xanh mịt cây cối và xuôi thẳng ra biển nước muôn trùng. Hai bờ con sông mọc đầy những cụm bần, mắm, lau sậy.
Ðó là quang cảnh của Phan Thiết từ ba trăm năm trước. Tất cả rất hoang sơ cô tich với một vài xóm Chàm, sống nghề rẫy ruộng và chài lưới. Xa hơn về hướng đông, nằm trên một ngọn đồi thấp, sát biển, là một vài tháp Chàm cổ kính, tường gạch rêu phong, trơ vơ với bụi cát thời gian. Ở đây biển Ðông trước mặt, với cái cảnh cá mòi, cá nục nổi đầy mặt nước sát bờ. Ngoài xa từng đàn cá voi trửng giỡn với thân hình bóng loáng chập chùng theo sóng, phun cao vòi nước rồi mất dạng, rồi lại hiện làm cho biển lúc nào cũng xao động vì các loại cá. Sở dĩ vùng này dân cư thưa thớt ở hai thế kỷ đầu là vì cảnh tao loạn triền miên không bao giờ dứt, nên các nhóm lưu dân đầu tiên từ miệt ngoài vào, chỉ ở tạm rồi lại tiếp tục xuôi Nam, vì trong đó đất đai phì nhiêu và tình hình rất ổn định, nên ai cũng cảm thấy yên bụng.
Mãi đến đầu thế kỷ thứ XVIII, một số ngư dân sống ven biển các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình vào tới Phú Yên, mới bắt đầu định cư tại Bình Thuận, khai phá rừng núi, biến đổi sông lạch ao hồ, thành ruộng nương thôn xóm. Tại Phan Thiết, lưu dân tới lập nghiệp hầu hết là các vạn chài từ Ngũ Quảng vào, hành nghề sóng nước và làm nước mắm cá biển theo truyền thống đã có từ lâu đời ở miệt ngoài..
Là một vùng đất mới rất rộng nhưng người thưa, nên tỉnh Bình Thuận được tổ chức các đơn vị hành chánh rất giản lược và luôn thay đổi, chia cắt không ngừng. Bắt đầu năm 1692 là Thuận Phủ, năm 1694 là Thuận Thành Trấn, năm 1697 là Phủ Bình Thuận. Ðời Minh Mang vào năm 1832 là tỉnh Bình Thuận, lúc đó Phan Thiết nằm trong tổng Ðức Thắng, thuộc huyện Tuy Lý, phủ Hàm Thuận.
Năm 1889, phủ thành của tỉnh Bình Thuận được dời từ Hoà Ða về thôn Phú Tài, thuộc phủ Hàm Thuận. Ngày 20-10-1898 đời vua Thành Thái, Phan Thiết được tách ra khỏi phủ Hàm Thuận và chính thức được công nhận là Thị Xã (Centre Urban), cùng lúc với các thị xã Thanh Hóa, Huế và Quy Nhơn, đồng thời trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Bình Thuận từ đó.
Ngày 28-11-1932 thị xã Phan Thiết được nâng lên là thành phố cấp 3, có 5 cơ sở hành chánh là các thôn Thiềng Ðức, Nhuận Ðức, xã Ðức Thắng, Lạc Ðạo và hộ Ðảng Bình. Ngoài ra còn có 4 làng ven ô như Phú Tài, Trinh Tường, Tú Luông và Hưng Long. Năm 1934, Khâm sứ Trung Kỳ đem tất cả các đơn vị hành chánh trong và ngoài thị xã nhập lại rồi chia thành 6 phường ‘ Ðức Thắng, Ðức Nghĩa, Lạc Ðạo, Phú Trinh, Ðức Long và Bình Hưng ‘ .
Năm 1957 thời VNCH, thị xã đổi thành xã châu thành thuộc quận Hàm Thuận. Các phường đổi là ấp và lập thêm các ấp mới như Kim Hải, Hưng Long, Vĩnh Thủy và Vĩnh Phú. Sau ngày 30-4-1975, Phan Thiết chia thành 9 phường gồm Ðức Thắng, Ðức Nghĩa, Ðức Long, Lac Ðạo, Bình Hưng, Hưng Long, Phú Trinh, Phú Thủy, Thanh Hải. Năm 1977 lại sáp nhập thêm xã Hàm Hải của huyện Hàm Thuận vào Phan Thiết. Năm 1979 thêm hai xã Tiến Lợi và Phong Nẫm, đồng thời đổi tên Hàm Hải là xã Phú Hài. Năm 1982, mở rộng đia giới thị xã Phan Thiết, sáp nhập thêm xã Hàm Tiến và phường Mũi Né. Năm 1983 lại nhập thêm xã Tiến Thành. Như vậy đến nay, thành phố Phan Thiết bao gồm 10 phường và 5 xạ.
Lúc đầu những lưu dân tới Phan Thiết, dựng lều trại dọc theo bờ biển và cất nhà chồ dọc theo hai bờ sông Cà Ty. Sau đó, nhà ở được củng cố và làm thành những xóm nhỏ trong vịnh Phan Thiết thường lặng gió sóng êm. Ta biết hầu hết tổ tiên người Bình Thuận là lớp người bình dân miệt ngoài, nên bản chất cũng chân thành mộc mạc. Vì vậy họ đã gọi nơi mình sinh sống, bằng những cái tên có liên quan tới nghề nghiệp như Xóm Chỉ, Xóm Bánh Tráng, Xóm Ốc, Xóm Ghe, Xóm Câu, Xóm Biển.. là những địa điểm nằm dọc hai làng Lạc Ðạo và Tú Luông. Phía tả ngạn có Xóm Ðầm, thuộc làng Hưng Long, ở đó nhờ có một cái đầm nước ngọt, giúp dân địa phương quanh năm sản xuất rau cải cung cấp cho thành phố. Riêng Xóm Tỉnh, thuộc làng Phú Tài, một địa phưong quanh tỉnh thành Bình Thuận, được dời từ Hoà Ða vào cuối thế kỷ XIX. Rồi thì Cồn Chà Ðức Thắng là một cồn cát bồi gần cửa biển, được các dân chài làm nơi bó các cột chà tre và lá dừa, dùng cho nghề đánh cá nục. Còn Cồn Cỏ là tên gọi cái cồn nhỏ mọc đầy cỏ giữa sông Cà Ty, hai bên bờ Phú Tài và Ðức Nghĩa. Riêng Phật Quang tự, là một trong những ngôi chùa cổ kính tại Bình Thuận, gần động cát nên gọi là chùa Cát.
Năm 1697 Phan Thiết chính thức là một trong bốn đạo của dinh Bình Thuận. Tuy nhiên thời đó dù đạo chỉ dưới dinh nhưng thật ra chỉ là chốn hoang vu, nên không thể nào sánh nổi với đạo Ninh Thuận, được coi như là một tỉnh nhỏ năm 1901.
Căn cứ vào tài liệu còn lưu trữ, ta thấy tỉnh Bình Thuận luôn luôn thay đổi về hành chánh và diện tích, cho nên đạo Phan Thiết cũng chẳng có văn bản nào xác nhận xuất xứ rõ ràng. Năm 1825 đời Minh Mạng, bãi bỏ đạo Phan Thiết và trực thuộc vào huyện Tuy Lý. Theo các địa bạ do Hộ BộThị Lang là Ðào Tri Phú lập ra thời Minh Mạng thứ 17 vào năm1837, cho biết Phan Thiết năm đó trực thuộc tổng Ðức Thắng huyện Tuy Ðịnh, gồm tới 31 làng xã, hiện nay thuộc hai huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Tân. Như vậy lúc đó, Phan Thiết gồm các xã Ðức Thắng, Nhuận Ðức, Lạc Ðạo, các thôn Thành Ðúc và Tú Luông bên hữu ngạn và xã Trinh Tường cùng các thôn Long Khê, Minh Long và Long Bình.
Theo thời gian có nhiều địa danh cũ biến mất như Minh Long, Long Bình thuộc Bình Hưng hay Long Khê của Phú Trinh. Các xã thôn khác như Phú Tài, Phú Hội, Xuân Phong, Ðại Nẫm và tổng Ðức Thắng, lúc đó cũng được coi như là ngoại ô của Phan Thiết. Riêng hai thôn Long Khê và Thành Ðức là đất thị tứ, nơi đặt lỵ sở, học xá. Còn thôn Minh Long, tức là bãi Thương Chánh, đã có đồn phòng thủ cửa biển.
Cuối thế kỷ XVIII, một cây cầu gỗ dài 41 trượng, tương đương khoảng 164m, bắc ngang sông Cà Ty, nối liền con đường cái quan, nên thuở đó được gọi là Cầu Quan hay Thắng Kiều.
Năm 1802 ngay khi lên ngôi hoàng đế, vua Gia Long đã sai Lê Quang Ðịnh, sức cho các trấn địa phương, từ Cao Bằng tới Hà Tiên gồm 31 nơi, do các đường quan, chia đặt dịch điếm, dịch trạm, đều phỏng theo đời xưa. Con đường bưu chính bắc-nam đời nhà Nguyễn, cũng là con đường cái quan, là con đường mòn dọc theo bờ biển VN, không xa lằn nước thủy triều là bao nhiêu. Từ năm 1809 cũng thời vua Gia Long, đường cái quan được tu bổ, mở rộng có quân xá và trạm dịch chuyển công văn. Riêng đoạn đường ngang Phan Thiết, dài từ 70-80 dặm, khoảng 40-50 km, là khu vực sầm uất, nằm giữa hai bưu trạm Thuận Lý và Thuận Phan. Tóm lại Bình Thuận sản xuất muối, cá khô, nước mắm, bông vải, đậu phộng, heo sống, da thú các loại.. được ghe bầu chuyên chở bán khắp nơi và Phú Hài cùng Phan Thiết, đã trở thành hai hải cảng quan trọng nhất lúc đó, trên hải lộ từ Sài Gòn tới Nam Ðịnh.
Thời Toàn quyền Ðông Dương A. Klobukowski năm 1910, thị xã Phan Thiết gồm 16 làng xã, chia ra phía hữu ngạn có xã Ðức Thắng, Thành Ðức, Nhuận Ðức, Nam Nghĩa, Lạc Ðạo, Tú Long và tả ngạn có Long Khê, Phú Trinh, Trinh Tường, Ðảng Bình, Quảng Bình, Thiện Mỹ, Thiện Chánh, Xuân Hòa, An Hải, Sơn Thủy. Tóm lại trong số 11 làng của Phan Thiết, chỉ có 7 làng nằm trong địa giới châu thành, còn 4 làng khác ở ngoại ô.
Cuối cùng ngày 28-11-1933, điạ giới Phan Thiết mới được sắp xếp rõ ràng như Ðức Thắng, Ðức Nghĩa (gồm Thành Ðức và Nam Nghĩa), Lạc Ðạo, Ðức Long (gồm Nhuận Ðức, Tú Luông). Riêng tả ngạn có Phú Trinh (gồm Phú Tài, Trinh Tường), Bình Hưng (gồm Ðảng Bình, Hưng Long, Quảng Bình). Làng Long Khê bị xóa tên và trở thành khu vực xây dựng các cơ quan, dinh thự của chính quyền. Cũng từ đó, về hành chánh đứng đầu tỉnh là Công Sứ người Pháp kiêm đốc lý, cũng là chủ tịch ủy ban thành phố. Quan Tuần vũ của triều đình Huế, chỉ là phó chủ tịch. Việc bổ nhậm các quan lại, đều do Khâm sứ Trung Kỳ chọn, quan lại Nam triều chỉ có chức năng tư vấn. Ngoài ra còn có Bang Tá, trực tiếp nhận lệnh của đốc lý Pháp. Hương chức đắc cử lý trưởng, tương đương với phường trưởng ngày nay.
Một trong những sự kiện quan trọng nhất, đó là việc kiến thiết lại thị xã Phan Thiết, để phù hợp với một tỉnh thành quan trọng nhất Trung Kỳ bấy giờ, về dân số và kinh tế. Trước kia, Phan Thiết chỉ mới là chốn thị tứ của phủ Hàm Thuận mà thôi, dù đã được công nhận trên giấy tờ, kể từ ngày 26-11-1899 là tỉnh lỵ tỉnh Bình Thuận.
Chợ búa mọc lên khắp nơi, đông nhất là chợ lớn ở sát cầu quan, thường có tới vài trăm người đến mua bán. Ngoài ra còn có nhiều chợ nhỏ hơn như chợ chiều tại Long Khê, chợ cồn chà tại Ðức Thắng, chợ Ðội Thiều tại Ðức Long.. Do tình trạng dân cư càng ngày càng đông đảo, mà thành phố lúc đó lại chưa được chỉnh trang từ nhà cửa tới đường xá, cho nên khắp nơi còn lẫn lộn nhiều ao đầm, bụi rậm, vì vậy Phan Thiết lúc đó thường bị bệnh dịch hoành hành, giết hại nhiều người, mà chứng nhân lịch sử, vẫn là khu Mã Lạng ở xã Tú Luông mạn nam thành phố.
Tới nay trong kho tư liệu còn lưu trữ tại Pháp, người ta chỉ còn tìm thấy vài tấm bản đồ cũ của Phan Thiết được vẽ những năm 1904, 1916 và 1926.. được coi là nhân chứng của quá khứ, cho nên ngày nay khó biết được Phan Thiết ngày xưa có diện mạo thế nào. Tuy nhiên nhờ còn nhiều công trình kiến trúc xa xưa, không bị chiến tranh và thời gian tàn phá, giúp cho ta tìm lại phần nào những biến chuyển lịch sử, qua các công trình trên.
Ðó là một khách sạn lớn có tên là Grand Hôtel, trực thuộc phân cuộc khách sạn Ðông Pháp gồm vài chục phòng trên hai tầng lầu, dành làm nơi tạm trú cho những thương gia người Âu khi tới kinh doanh hay du lịch tại Bình Thuận. Ðược xây năm 1904, bên tả ngạn cầu Quan ( cầu giữa), trên một đồi thấp có nhiều cây to mát mẻ đối diện với tòa sứ gần đó, trên đất làng Long Khê cũ. Chủ nhân của khách sạn này là một người Pháp tên Guerry.
Tháng 3-1945, Nhật đảo chánh Pháp khắp toàn cõi Ðông Dương nói chung và Bình Thuận. Khách sạn trên được Nhật chiếm dụng và đổi tên là Bangalow, vừa để nhốt người Pháp tại các phòng trên tầng lầu, cũng là nơi làm câu lạc bộ cho các sĩ quan Nhật trong đơn vị Thiên Hoàng đang chiếm đóng Phan Thiết. Ngoài ra còn có một khách sạn khác tên Ngọc Lâm trên núi Cố, kế Phú Hài, nơi có phần mộ của Nguyễn Thông (1827-1884) và gia đình, nổi tiếng vì phong cảnh hữu tình, không khác gì vùng Ðịa Trung Hải.
Ngày 3 tháng 9 năm 1945, Nhật thua trận và đầu hàng Mỹ cùng Ðồng Minh vô điều kiện. Quân Thiên Hoàng tại Ðông Dương được lệnh bất động và buông súng chờ giải giới. Một nhóm nhỏ Cộng sản đệ tam tại Bình Thuận lợi dụng cơ hội chánh quyền bị bỏ trống, nên lượm quyền lực rơi vãi ngoài đường phố vào ngày 24-8-1945, giữa sự thờ ơ của quân đội Việt, Pháp và Nhật tại địa phương, rồi gọi đó là cướp chính quyền. Việt cộng chiếm Bangalow tức Grand Hôtel, rồi đổi tên là Lữ quán Hồ Quang Cảnh, tên một đảng viên cọng sản đệ tam quốc tế sinh quán Nghệ An nhưng trưởng thành ở Rạng, có học trường Pháp Nam Phan Thiết. Cảnh cũng là nhân viên hỏa xa, theo Việt Minh nên bị Pháp bắt và đày lên nhà tù Ban Mê Thuột và chết trong tù vào khoảng thập niên 30.
Sau năm 1954, Grand Hôtel là nơi đặt doanh trại của nhiều đơn vị QLVNCH như Bộ Chỉ Huy của Biệt khu Bình Lâm, Tiểu Khu Bình Thuận, Quân trấn Phan Thiết, Tỉnh đoàn Xây Dựng Nông Thôn, Tòa Sơ Thẩm .. Năm 1977, tỉnh lỵ của tỉnh Thuận Hải dời từ Tháp Chàm, Phan Rang vào Phan Thiết. Trụ sở Ủy Ban Nhân Dân đóng tại Toà Hành Chánh Bình Thuận, còn tỉnh ủy thì ngự tại Bangalow. Từ đó, bằng tiền bạc vơ vét tại Bình Thuận, Việt Cộng sửa sang nơi này khang trang lộng lẫy như cung điện của hoàng đế Mãn Thanh với đèn trần thả chùm, tường ốp gỗ đỏ, mái ngói mới, máy lạnh thay quạt trần. Khắp các phòng đồ đạc cũng thay mới, bàn họp dài hình quả trám cẩn mica, nền lót gạch hoa còn đường xe chạy từ cổng vào tới tiền sảnh, được lót đá hoa cương. Nói chung khách sạn cũ bị phá bỏ hoàn toàn, để xây một tòa nhà 5 tầng nguy nga lộng lẫy, chung quanh có vườn hoa, còn cảnh cũ từ trăm năm trước nay chỉ còn trơ lại cây me cổ thụ, không ai biết đã bao nhiêu tuổi đời.
Kế cận còn có nhà Dây Thép (Bưu Ðiện) ở ngã tư lên Chợ Gò. Trên đường đi Phú Hài có sở lục lộ, trại giam, chuồng ngựa, đồn binh. Năm đó, chưa có kho bạc và nhà thương nhưng người Pháp có đặt một trạm tri bệnh phong (lazaret) và một chiếc xe cứu thương, kế nhà ga Phan Thiết. Giữa khách sạn và tòa sứ năm đó, có một khu đất trống, sau này làm vườn hoa và xây tháp nước. Cũng theo tài liệu, thì vào năm 1736, tại thôn Long Bình có chùa Cát, tức là chùa Phật Quang và một chùa khác ở Long Khê nhưng chùa này đã bị phá bỏ.
Bên hữu ngạn vào năm 1904, chỉ có cơ sở nấu rượu của hoa thương Nhiêu Tân Hiếu ở làng Thành Ðức. Ngoài ra nhà cửa của dân chúng còn lụp sụp, đây đó có nhiều ao hồ, lạch đầm chưa lấp. Khắp phố chỉ có một con đường duy nhất từ Sài Gòn ra, người Pháp gọi là Grand Rue, chạy ngang nhà thờ Lạc Ðạo, trước Chùa Ông và tới bờ sông Cà Ty tại cầu Quan. Buổi đó, khắp khu vực này trải dài tới thôn Thành Ðức, là một động cát rất lớn trên mọc đầy cây cối. Ở đâu cũng có bãi tha ma kể cả trong khuông viên của nhà thờ đạo Thiên Chúa.
Riêng khu vực phía nam sông, ngoài là nơi nhóm chợ hằng ngày, còn là trung tâm sản xuất nước mắm với nhiều nhà lều cất dọc ven sông và cửa biển. Ðây cũng là bến cá, ghe thuyền cập bến. Ðường Trần Hưng Ðạo ngày nay nguyên thủy chỉ là một con lạch nhỏ, chảy từ sông Cà Ty vào tới gần nhà thờ Lạc Ðạo, trên lạch có bắc ba cây cầu gỗ nhỏ, để mọi người qua lại.
Bắt đầu năm 1916, địa giới Phan Thiết mới được phân định rõ ràng, 11 vạn chài điều chỉnh thành đơn vị hành chánh, các làng Chùa Cát, Long Khê, Long Bình bị xóa tên. Tháng 1-1918, làng Phú Hài được tách ra, nhập vào tổng Lại An phủ Hàm Thuận. Cũng năm này, người Pháp xây kho bạc, nhà xẹc và một nhà thương gần tỉnh thành ở Phú Tài. Tại mũi Thương Chánh có dựng lên một cây đèn biển. Ðường Gia Long cũng được hoàn thành chạy ngang qua khu phố chợ sầm uất. Ngoài ra con lạch ở Ðức Thắng, được bồi lắp bằng cát ở động Làng Thiền, và trở thành đại lộ Sài Gòn, tức Trần Hưng Ðạo sau này.
Năm 1924 chợ lớn Phan Thiết xây cất xong, trên địa điểm ngày nay. Tháng 12-1925, đã có hệ thống điện, đường sá cũng được quy hoạch và mở rộng để xe cộ và người đi lại. Các công sở cũng lần lượt được xây dựng. Năm 1934 lập vườn bông và đầu thập niên 40 mới xây tháp nước. Trong khoảng 1925-1927, chánh quyền bán rẻ đất cho người Âu, xây nhà cửa và cơ sở kinh doanh. Về giáo dục, chỉ mới có trường Pháp-Nam, đầu tiên ở khu vực trường Nữ ngày nay, sau dời về Ðức Thắng từ tháng 5-1924. Tuy vậy ở khu vực này vẫn còn lưu lại một trường nữ sơ học. Tính đến năm 1930, toàn tỉnh Bình Thuận có 10 trường công lập với 1406 học sinh, 50 trường công hương với 2682 học sinh, 9 trường đạo, 4 tư thục và nhiều lớp học tại gia. Tóm lại toàn tỉnh chỉ có 5309 học sinh tới trường, còn tuyệt đại trẻ em nhà nghèo đành chịu cảnh mù chữ.
+ TẾT XƯA TẠI PHAN THIẾT :
Bắt đầu giữa tháng 11 âm lịch, những hiệu buôn và các người buôn bán nhỏ, trên đường phố chính và Chợ Lớn Phan Thiết, chuẩn bị hàng tết và đầu tháng 12 đã thấy không khí tết khắp nơi. Từ 27 tới 29 tháng chạp, có chợ đêm. Theo tài liệu củ ghi lại, chợ tết thời trước cũng rất phong phú, gồm hàng hóa của người Tàu và địa phương, còn có các sản phẩm khắp nơi dồn về buôn bán.
Cũng như bây giờ, muôn đời không có gì vui bằng đi chợ tết. Mọi người khắp các làng quê trong tỉnh, tấp nập kéo về mua sắm hàng hóa và vui chơi những ngày cuối năm. Thành phố Phan Thiết mới bắt đầu được gắn đèn điện loại bóng tròn, hình ảnh của thời đại văn minh, mà trước đây khắp nơi chỉ có ngọn đèn dầu lờ mờ hắt hiu, khi mờ kh tỏ trước gió. Trong dòng người vui tết, ngoài người Kinh ở miền xuôi, còn có người Chàm mặt lễ phục của họ và đặc biệt là người Thượng từng đoàn, đóng khố, ở trần, mang gùi và tay cầm chà gạc. Họ đến vừa đi chơi cũng là mua các mặt hàng như cá khô, muối, trống, phèng la và ché sành đựng rượu cần. Buôn bán đông đảo vui nhộn nhưng tới trưa 30 là vắng tanh, chỉ còn lưu lại mấy ông thầy đồ viết đối và một vài hiệu tạp hóa mở cửa muộn.
Ngoài ngày 23 đưa ông Táo về trời và chiều 30 rước tổ tiên ông bà về nhà, khắp nơi còn có tục dựng nêu ngày tết. Bàn thờ khói hương nghi ngút, cổ cúng ê hề. Trước hiên pháo đỏ nổ vang, mọi người quây quần bên bữa tiệc tất niên vui vẻ hạnh phúc, kéo dài nhậu nhẹt chờ đón giao thừa. Rồi thì tiếng chuông chùa cũng như nhà thờ đổ vang cùng lúc với pháo nổ. Mọi người kéo nhau ra đường tìm vui đón tết, hầu như suốt đêm không ngủ.
Ngày xưa, dân ta rất kiêng cử, nên ngày mồng một tết kín cửa khóa rào, chỉ có các đội lân đi khắp phố múa mừng tuổi các nhà giàu. Tới chiều mới xuất hành, ai nấy đều ăn mặc mới mẻ. Ðàn ông mặc quần trắng áo dài, đầu quấn khăn nhiễu, chân đi guốc vông đồng. Người giàu sang thì áo nhiễu, khắn đống, giày da và che dù đen. Phụ nữ nhất là tầng lớp trung niên trở lên, đều nhuộm răng ăn trầu, mặc đồ bà ba bằng gấm hay lụa Quảng hoặc lụa dệt tại xóm Lụa ở Phú Long. Ða số đội nón lá kiểu Huế, Gò Găng, Quảng Nam. Các cô gái nhà quê thì búi tóc, bịt khăn và đội nón nia. Họ đi hàng ba hay bốn nói cười vui vẽ. Tất cả chỉ đi bộ hay xe kéo, chưa có xe đạp.
Tóm lại những ngày tết thời đó, chỉ để ăn chơi mà thôi, nên từ mùng hai tết, hè phố nào cũng có sòng bạc, còn các đình chùa thì hát bội, chèo bá trạo suốt mấy ngày xuân. Tại Phan Thiết bấy giờ chỉ có một rạp hát duy nhất, gọi là rạp Bà Ðầm trên đường Gia Long, những ngày tết là chỗ các đoàn cải lương từ Sài Gòn-Lục Tỉnh thời đó, ra trình diễn như đoàn Kim Cương, Nhạn Trắng, Phụng Hảo, Bầu Bòn, Tân Thịnh.. kể luôn đoàn Tân Việt Ban từ miền Bắc vào.
+ PHAN THIẾT QUA NHỮNG DI TÍCH VĂN HÓA VÀ LỊCH SỬ :
Bắt đầu cuối thế kỷ thứ XVII, làn sóng di dân từ miệt ngoài tràn vào Ðàng Trong càng ngày càng nhiều, đa số dùng ghe thuyền và Phú Hài là một trong những địa điểm đầu tiên tại Phan Thiết có làng xóm. Tại đây còn ít nhà cửa cổ, coi như là những di tích còn sót lại, qua thời gian thăng trầm, nhắc nhớ và hàm chứa bao kỷ niệm của một thời lịch sử có liên quan tới sự phát triển quê hương miền biển mặn.
Những ngày đầu, chắc ai cũng không nghĩ tới sự làm nhà cao cửa đep, ở một vùng đất đầy hải hùng, cọp ma sơn lam chướng khí, mà họ vừa đặt chân tới. Vì vậy các gia đình làm biển chỉ dựng tạm lều chòi dọc theo bờ biển chạy dài của Phan Thiết. Nhà làm sơ sài bằng tre nứa, chen chúc bên mép nước, thành những xóm nhà chồ, mà sau này ta thấy dọc theo hai bờ sông Cà Ty từ Cồn Cỏ, Lò Heo chạy ra tới cửa Cồn Chà và Thương Chánh.
Qua đầu thế kỷ thứ XVIII, Bình Thuận-Phan Thiết đã khá nổi tiếng qua nghề làm nước mắm cá biển, nên lưu dân muôn phương, chẳng những ở Ngũ Quảng, Thanh NghệTỉnh mà còn trong Nam, đổ xô về đây lập nghiệp và buôn bán, dù dân chúng chưa được đông đúc như Ðồng Nai, Bến Nghé nhưng rõ ràng Phan Thiết, Phan Rí, Phú Hài lúc đó đã là chốn thị tứ sầm uất. Có điều dù làm ăn phát đạt nhưng mức sống dân sinh vẫn chưa phát triển, nhà cửa trong vùng chủ yếu cũng chỉ là nhà tranh vách lá như Ðổ Kè đã diễn tả, khi đặt chân tới Phú Hài :
‘ thiện thân phong cảnh thiệt nơi đây
non nước vui xem nhớ đọc khuây
rực rỡ cửa chùa in giá báu
dựng bên nuí Tháp mấy tầng mây
phên vôi, nhà lá xen liền mái
nốt lưới thuyền buôn đậu dắt dây
xe ngựa dập dìu đưa rước khách
bán buôn hai buổi chợ đông đầy. ‘
Thế rồi cuộc sống càng ngày càng thay đổi, hơn nữa Bình Thuận lúc đó rừng núi đầy gỗ lá, tre nứa, nên việc làm nhà cũng rất dễ dàng. Tuy nhiên dân thường đâu có đủ điều kiện làm nhà cao cửa rộng, nên người ta thường làm nhà 2 gian 1 chái, với vật liệu rẻ tiền có sẵn nơi bản địa. Do trên nhũng ngôi nhà này nếu không bị chiến tranh tàn phá, cũng bị thời gian vùi dập và hầu như không còn vết tích. Riêng những ngôi nhà xưa còn lại tới nay, là nhà của giới quan quyền, phú gia xây dựng. Hai căn nhà tiêu biểu, thuộc loại trên, một của Lê tộc ở Xuân An, Xuân Phong và căn khác của Lê Hoàng Chung tại đường Phan Bội Châu, Phan Thiết .. coi như là những ngôi nhà mang dấu ấn thời gian của ba trăm năm Bình Thuận. Căn của Bái Lê dựng năm 1840, gồm 3 gian 2 chái rất bề thế. Theo chủ nhà hiện tại thì căn nhà hiện nay trên 150 tuổi.
Hiện nay không thể biết được tại Phan Thiết còn lại bao nhiêu ngôi nhà cổ, tuy nhiên dù ít ỏi nhưng những căn nhà này vẫn nằm rải rác khắp nơi, từ Phú Hài, Xuân Phong về tới Ðức Nghĩa, Ðức Thắng, Bình Hưng, thỉnh thoảng ta vẫn bắt gặp trong sự tình cờ. Hỡi ôi thời gian cứ mãi lạnh lùng trôi đi, mưa gío phũ phàng khắc nghiệt đã cứ vô tình xóa dần nét xưa của Phan Thiết. Tóm lại từ những ngôi nhà tranh vách đất của ngươi dân nghèo, cho tới những ngôi nhà xưa còn lại của giới trưởng giả phú gia, đều mang tính chất văn hiến văn minh độc đáo, của người Bình Thuận, một miền đất trung du và duyên hải, do tổ tiên mang từ miệt ngoài vào.
Tại Phú Long, đến nay cũng chưa biết từ bao giờ và ai là người đầu tiên đến khai hoang, lập ấp, mở nên Xóm lụa nổi tiếng tại Bình Thuận. Tuy nhiên đến nay, khắp thị trấn vẫn còn sót lại những mái nhà cổ, lợp ngói âm dương, rêu phong cổ kính. Ðó là nhân chứng duy nhất của các dòng tộc đã định cư trên mảnh đất này. Ở Nhơn Hiệp, tức khu phố Phú Mỹ, Phú Long hiện còn nhiều nhà xưa của tộc họ Nguyện. Ðây cũng là địa danh nổi tiếng một thời, trên bến dưới thuyền, có chợ Dinh luôn luôn sầm uất. Các ghe bầu từ Ðàng Trong cho tới Miệt Ngoài, ra vào buôn bán, theo cửa Phú Hài lên đậu san sát hai bờ sông Cái. Theo những người thừa kế, thì hầu hết các nhà trên đều quá trăm tuổi. Tất cả những kiến trúc của ngôi nhà, từ trong ra ngoài, đều khá độc đáo, không thua kém những ngôi nhà xưa khác tại Xuân Phong và Phan Thiết.
Một trăm năm Phan Thiết, ba thế kỷ Bình Thuận, ngày nay với phố phường náo nhiệt, ngựa xe như nước, nhà lầu, công viên, ngư cảng, bến tàu.. tất cả đều là hình ảnh của nếp sống văn minh , gợi cho ta trở về gốc nguồn của vùng đất này, theo từng bánh xe lịch sử quay tròn. Nhắc tới Phan Thiết, không phải chỉ để nói tới bãi biển đẹp, đồi cát thơ mộng hay là nơi du lịch lý tưởng hiện nay, mà còn phải nói tới một địa phương có rất nhiều lễ hội truyền thống diễm tuyệt như Ngày Thanh Minh, Ðại Lễ Tuần Du của Quan Thánh, Lễ cúng cầu ngư và vía Nam Hải đại tướng quân với hò bá trạo, hội đua thuyền trên sông Cà Ty.. Hiện nay qua các công trình khảo cổ và sự hiện diện của những di tích lịch sử văn hoá còn sót lại tại lầu ông Hoàng, thuộc xã Phú Hài, mang nét đặc trưng của nền văn hóa cổ Sa Huỳnh có từ 3000 năm trước, chứng nhận sự hiện hữu của người Phan Thiết xưa, trước khi người Phù Nam cũng như người Chàm tới sống ở vùng này.
Tù năm 1693, sau khi tiếp quản châu Panduranga, người Việt theo nền văn minh riêng biệt, đã tạo dựng những nền kiến trúc dân gian như đình làng, vạn dinh, chùa chiền, thờ cúng trời Phật và và các vị thần thánh bản địa. Do trên đình làng hầu như được xây dựng theo bước chân của người lưu xứ. Hiện còn nhiều ngôi đình làng rất xưa tại Ðức Thắng, Ðức Nghĩa, Tú Luông, Phú Khán, Phú Hài, Bình Hưng, Hưng Long, Ðảng Bình, Lạc Ðạo.. Tóm lại, dù lớn hay nhỏ, giàu hoặc nghèo nhưng tất cả đều đã trở thành những di tích văn hoá, trong dòng lịch sử ba trăm năm Bình Thuận.
Hởi ơi buồn làm sao khi đứng trên quê hương mà lòng cứ lâng lâng ngậm ngùi. Dù những giấc mơ trong men nồng đã dắt ta trở về những nẻo đường năm nào xa lắc. Những đền tháp, lầu nước, cổ mộ, dòng sông, mái đình và dư âm của những cuộc tình hoa niên mộng mị.. nay cũng đã tàn lụn theo cơn gió thoảng với vận nước và phận người sau cuộc đổi đời không ai biết trước. Giờ chỉ còn lại nổi nhớ trong tâm tưởng vì đó mới chính là khoảnh khắc cho ta được tâm tình với bạn bè, cây cỏ, núi sông một thời tuổi học.
Xin cám ơn Phan Thiết, cám ơn Bình Thuận, cám ơn tình đời đã dạy cho ta những ngày đáng sống với niềm tin sắt đá về một ngày trở về. Mặc ai có thay đổi quê tôi nghìn năm vẫn còn đó -/-
Viết từ Xóm Cồn Hạ uy Di
Tháng chín 2009
Mường Giang
==================================================
==============================================================
No comments:
Post a Comment