Không coi thường chuyện nhỏ
Vũ Quốc Uy
Xung quanh bài báo trên trang Điện tử Đảng CSVN
Vụ báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đăng tin Hải quân Trung Quốc tập trận ở Trường Sa, mà không một lời bình luận hay phản đối, phải được hiểu thế nào nhỉ?
Kể ra, trong điều kiện đất nước thanh bình, không có chuyện gì lớn phải quan ngại, thì cũng có thể tặc lưỡi cho qua, ai chẳng có lúc nhầm, bài xóa rồi thì thôi. Nhưng hoàn cảnh đất nước hiện nay có phải cảnh thanh bình an lạc như thế không, không nói chắc mọi người đã rõ.. Bài học thấm thía mấy chục năm qua về sự mất cảnh giác trong sự nghiệp giữ gìn đất nước buộc mỗi người Việt Nam yêu nước phải nghĩ xa hơn, không thể cứ dễ dãi, tào lao, chờ việc lớn xảy ra thì đã muộn.
Thật vậy, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là việc tối hệ trọng, hệ trọng đối với sinh mệnh quốc gia, hệ trọng đối với sinh mệnh 86 triệu con người, nên mọi sự cố trong lĩnh vực này luôn phải được xử lý ở tầm đặc biệt: Bất cứ một sai lầm nào thuộc lĩnh vực ấy, ngay cả những sai lầm kỹ thuật, cũng phải bị xem xét một cách gắt gao và xử lý vì lợi ích của Tổ quốc – chỉ có sít sao như thế mới mong ngăn chặn được những thảm họa. Lỡ tay bấm nhầm một nút phóng tên lửa đầu đạn hạt nhân đương nhiên bị tội tử hình, cho dù kẻ lỡ tay là người xưa nay ai cũng yêu mến chăng nữa.
Huống chi ở đây lại không hề có sự ngẫu nhiên tương tự, mà trái lại, nếu nối các sự kiện đã biết lâu nay sẽ kết luận được tính hệ thống và có thể dự đoán trước, với tình hình hình như thế, kẻ gian nhất định sẽ làm như thế, và sẽ còn làm hơn thế! [*].
Vậy tại sao nhà cầm quyền không có phương án phòng xa, ngăn chặn khi chưa xảy ra, và xử lý tội phạm khi đã xảy ra rồi? Chẳng những thế còn trừng trị những người yêu nước, khác nào muốn giữ tay họ cho những kẻ bán nước hành nghề. Thế là thế nào? Câu trả lời xin hỏi một trẻ thơ đang học phổ thông, bời đáp án đâu có rắc rối gì, đã có từ muôn thuở.
Nếu chúng ta có sự cảnh giác cần thiết ắt không thể lặp đi lặp lại hiện tượng một cơ quan phát ngôn chính thức của Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam lại truyền đạt luận điểm của phía xâm lược, tự nhiên trở thành cơ quan phát ngôn của họ, đi ngược lại lợi ích dân tộc!
Tôi nhớ, trong một bài viết, ông Hà Sĩ Phu đã tiên liệu: Đã theo chủ nghĩa Cộng sản thì sự phản bội chỉ còn là vấn đề thời gian. Ấy là trên bình diện lý luận chung khi nói về chủ nghĩa Mác-Lê, không khu trú vào một nước cụ thể. Nhưng nay chính cựu trung tướng Đặng Quốc Bảo, người vừa nhận huân chương Hồ Chí Minh năm ngoái, cũng đã phải dùng hai chữ “BÁN NƯỚC” (chẳng đúng nghĩa phản bội hay sao?), chắc vị lý luận gia lão thành này không lỡ miệng nói nhầm !
Mới hôm qua đây, trên trang bauxitvietnam. info, hai tác giả Nguyễn Trọng Tạo và Hà Văn Thịnh đã có hai bài bình luận về việc cụ thể này rất sáng tỏ. Tại sao với những người bộc lộ thái độ cứu nước thì mạng lưới gác cổng lại phòng xa chặt chẽ theo kiểu “bắt nhầm còn hơn bỏ sót”, mà trước những hành động mang tính bán nước thì lại “khoan dung” theo kiểu “bỏ sót còn hơn bắt nhầm”?
Hai phương châm xử lý ấy hoàn toàn ngược nhau. Đã đành không “người gác cổng” nào có thể chặt chẽ, chính xác được trong mọi trường hợp. Nhưng một khi sai sót có tính định hướng chủ quan, một chiều và có hệ thống thì vấn đề lại khác.
Điều vô lý nữa là hai chữ “AN NINH”, trong khi luôn được treo lơ lửng trên đầu để trị tội tất cả những người bất đồng chính kiến một cách ôn hòa (tưởng như hai chữ AN NINH là quan trọng lắm), mà sao trong việc xét duyệt vụ Bô-xít thì mặc dù mấy vị tướng đã nhắc đi nhắc lại vấn đề AN NINH quốc gia, mà Chính phủ vẫn cứ làm lơ, nói sang chuyện khác? Dễ hiểu thôi, một bên nói AN NINH cho Tổ Quốc, một bên nói AN NINH cho nhà cầm quyền, không nói rõ ra thì có khi lại “ngôn ngữ bất đồng”, ông nói gà bà nói vịt.
Đến đây, tôi lại nhớ ông Bùi Minh Quốc, nhà thơ của tình yêu, đã chia ra hai loại “yêu nước” và “yêu ghế”. Yêu cái gì thì giữ AN NINH cho cái ấy, lẽ thường này có chi mà lạ, nhưng khốn nỗi hai thứ AN NINH này đang chống lại nhau! Được cái này thì cái kia phải mất.. Khó chiều lòng cả hai!
10-9-09
[*] Muốn có cái nhìn hệ thống để nối các sự kiện với nhau, không cần tìm đâu xa, chỉ đọc bauxitvietnam. info thiết nghĩ cũng tạm đủ.
Nguồn: http://danluan. org/node/ 2619
===============================================
===========================================================
No comments:
Post a Comment