“ Chỉ có tôn giáo là đáng kể ở Việt Nam ”
JAMES McALLISTER
Nghiên cứu của JAMES McALLISTER, giáo sư Williams College,
dựa trên hồ sơ lưu trữ của Bộ ngoại giao Mỹ.
Trần Ngọc Cư / dịch từ tiếng Anh
Phần 3
Cuộc khủng hoảng Phật giáo 1966 và sự thất bại của Mỹ tại Việt Nam
Nếu Trí Quang là một điệp viên cộng sản trong Chiến tranh Việt Nam, thì thật chẳng cường điệu chút nào khi cho rằng Bắc Việt đã thực hiện được “ một trong những kỳ công vận dụng tài tình nhất và hiệu quả nhất hoạt động bí mật trong lịch sử ” (82). Các nhà phân tích tình báo Mỹ ở Sài Gòn và Washington đã nhiều lần xem xét khả năng này để rồi luôn luôn phải kết luận rằng chứng liệu tìm thấy không biện hộ cho lời cáo buộc. Các nhà phân tích này không hề nhắm mắt làm ngơ đối với những sai lầm của Trí Quang cũng như đối với những cản trở ông tạo ra trên con đường dẫn đến một chính phủ VNCH ổn định có khả năng điều hành cuộc chiến hữu hiệu. Mặc dù người ta không bao giờ có đủ chứng cớ để phản bác luận cứ cho rằng Trí Quang chỉ lừa bịp các nhà phân tích Mỹ bằng những tư tưởng chống cộng diều hâu của ông, nhưng cũng nên nhớ rằng các đối tượng nghe ông nói không phải là những người chủ hoà cả tin hay các trí thức hàn lâm đầy lý tưởng, nhưng là những nhà phân tích tình báo dày dạn với quyết tâm giành thắng lợi trong chiến cuộc Việt Nam như John Negroponte và George Carver. Như Carver ghi nhận, ý kiến cho rằng Trí Quang chỉ đưa ra những tư tưởng chống cộng và chủ chiến để lấy lòng các viên chức Mỹ “ không có khả năng thuyết phục chút nào đối với bất cứ ai đã trực tiếp thảo luận những vấn đề ấy với ông ” (83).
Đương nhiên là, những nỗ lực của Trí Quang cũng chẳng đóng góp được gì cho sự nghiệp chống cộng và, bất chấp mọi ý định của ông, những can thiệp của ông vào sinh hoạt chính trị Miền Nam thường thường rốt cuộc chỉ có lợi cho những mục tiêu của cộng sản và MTDTGPMN. Các nhà phân tích Mỹ nhiều lần nhìn nhận thực tế phũ phàng này, nhưng họ coi vấn đề này như một sai lầm trí tuệ về phía Trí Quang, một sai lầm có gốc rễ trong cá tính, hơn là một mưu đồ có ý thức. Những can thiệp thường xuyên vào chính sự và những lời kêu gọi đòi hỏi một “ cuộc cách mạng xã hội ” mơ hồ của ông vốn đã không phù hợp với mục tiêu của Mỹ về ổn định chính trị và xã hội. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tình báo Mỹ chắc chắn đã nhìn nhận rằng luận cứ của ông không hẳn là thiếu chính đáng hay sai lầm ; nghĩa là, Mỹ và VNCH không thể thắng được cuộc chiến trừ phi chính phủ Miền Nam phản ánh được nguyện vọng của nhân dân và quy tụ được quần chúng để chống lại MTDTGPMN. Trí Quang chắc chắn không đại diện cho toàn thể nhân dân Việt Nam, hay thậm chí đa số Phật tử, nhưng rõ ràng là ông đại diện cho một lực lượng chính trị hùng hậu và có tổ chức. Ngay trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Phật giáo, các nhà phân tích tình báo Mỹ vẫn chưa tìm được cách chuyển hướng hành động của Trí Quang đi theo những đường lối xây dựng hơn, nhưng họ cũng loại bỏ ý kiến cho rằng Trí Quang hay phong trào Phật giáo do ông lãnh đạo cần phải cho qua một bên, không cần đếm xỉa đến.
Bẽ bàng là, chính Henry Cabot Lodge lại là người lãnh trách nhiệm chính trong việc thay đổi đường lối của Mỹ đối với Trí Quang trong cuộc khủng hoảng Phật giáo 1966. Với vai trò là kẻ bao che Trí Quang khỏi bàn tay của Diệm trong cuộc khủng hoảng 1963, Lodge được Phật tử coi là một nhân vật thân Phật giáo, cũng dễ hiểu thôi. Lodge bắt đầu phê phán gay gắt những sách động bài Công giáo của Trí Quang trong các vụ án xử Thiếu tá Đặng Sĩ và Ngô Đình Cẩn, nhưng mãi đến tận tháng Ba 1965, ông vẫn khuyên chính quyền Johnson đừng từ bỏ khối tín đồ Phật giáo vì họ có vai trò rất quan trọng ở Miền Nam (84). Tuy vậy, trong suốt cuộc khủng hoảng Phật giáo 1966, Lodge lại quay ra ủng hộ lập trường của Chính phủ VNCH cương quyết đối đầu với phong trào tranh đấu Phật giáo. Lodge hoàn toàn ủng hộ quyết định của Kỳ cách chức tư lệnh Vùng I của Tướng Nguyễn Chánh Thi mặc dù Thi được coi là rất được lòng quần chúng Phật tử. Trong khi nhìn nhận ông không thể trưng ra chứng cớ, Lodge vẫn chấp nhận ý kiến cho rằng Trí Quang và một số nhân vật Phật giáo khác đang cố tình phục vụ những mục tiêu của cộng sản và MTDTGPMN (85). Trong suốt cuộc khủng hoảng lần này, Lodge nhất mực chủ chiến và ủng hộ nỗ lực của Chính phủ VNCH nhằm đè bẹp phe Phật tử tranh đấu.
Chắc chắn là, Lodge nhận được một số hậu thuẫn ở Washington dành cho lập trường cứng rắn của ông đối với Trí Quang. Maxwell Taylor, người mà nhiệm kỳ đại sứ tại Sài Gòn bị đánh dấu nhiều lần bởi các cuộc khủng hoảng chính phủ do phe Phật giáo gây ra, cho rằng Lodge cần phải chuyển đến các nhà lãnh đạo Chính phủ VNCH “ nhận thức của chúng ta về tầm quan trọng phải triệt hạ Trí Quang như một thế lực chính trị ”. Taylor đã từng bác bỏ ý kiến cho rằng Trí Quang là người của Cộng sản trong thời gian ông ta còn là đại sứ ở Miền Nam, nhưng bây giờ ông ta cho rằng Lodge và Chính phủ VNCH “ phải triển khai một kế hoạch nhằm vạch trần Trí Quang trước công luận Việt Nam và cộng đồng quốc tế như là một tên phiến loạn được cộng sản hậu thuẫn với chủ tâm tiêu diệt chính phủ không cộng sản tại Sài Gòn nhằm phục vụ lợi ích của VC và Hà Nội ” (86). Mặc dù chính sách của Hoa Kỳ trước cuộc khủng hoảng Phật giáo đặt cơ sở trên quan niệm cho rằng Trí Quang là kẻ gây rối nhưng không phải là Cộng sản, nhưng bây giờ Lodge lại đặt hẳn chính sách ngoại giao Mỹ trên ý kiến cho rằng Trí Quang gần như là một bộ phận khắng khít trong nỗ lực phá hoại của cộng sản. Quan điểm chính trị của Trí Quang trong suốt cuộc khủng hoảng cơ bản không có gì thay đổi so với quan điểm ông vốn có trước đó, nhưng Lodge dứt khoát không còn coi ông như một nhà hoạt động chính trị chính đáng. Trong một điện văn gửi Washington tháng Tư 1966, ông nói “ Chúng ta phải ý thức rõ ràng rằng giới lãnh đạo Phật giáo là những kẻ thù nghịch của chúng ta ” (87). Thảm kịch của chính sách Mỹ trong vụ khủng hoảng Phật giáo là nhiều viên chức trong chính quyền Johnson đã phản bác chính lập trường mà Lodge cổ vũ, nhưng không có hiệu quả bao nhiêu. Bộ Ngoại giao nhiều lần đặt nghi vấn về những quyết định và giả định của Lodge suốt cuộc khủng hoảng này. Bộ trưởng Ngoại giao Dean Rusk đích thân yêu cầu Lodge đừng chuẩn y những luận điệu quy kết những nhà lãnh đạo Phật giáo là cộng sản bởi vì những luận điệu này vẫn không đưa ra được bằng chứng về sự móc nối và bởi vì một đường lối như vậy sẽ gặp phải sự phẫn nộ của nhiều lãnh đạo Phật giáo, những người có thể được chứng minh là không cộng sản (88). Sau khi nghe Cy Sulzberger của báo New York Times nhấn mạnh vai trò quan trọng của Việt Cộng trong nỗ lực điều khiển phong trào tranh đấu Phật giáo, Robert Komer đã nói Sulzberger rằng ông “ thấy rất ít bằng chứng vững chắc khẳng định VC đã thực sự điều khiển vụ binh biến Huế-Đà Nẵng. Chắc chắn là, có nhiều báo cáo ở các cấp thấp nói về những nỗ lực xâm nhập hàng ngũ tranh đấu của cộng sản và mọi người đều tin VC đã cố gắng làm việc đó, nhưng tôi không thể đưa ra cho ông ấy bằng chứng vững chắc nếu bằng chứng ấy không hề hiện hữu ” (89). Komer lấy làm tiếc là Lodge đã đưa ra cho Sulzberger và nhiều ký giả khác một lối giải thích về cuộc khủng hoảng Phật giáo hoàn toàn sai lạc và không được nhiều quan chức khác tán thành. Theo quan điểm riêng của Komer, chính quyền Johnson cần phải đặt vụ khủng hoảng Phật giáo trong một tầm nhìn xa rộng và cần phải “trấn an những người hoảng hốt ” : “ Trí Quang và nhiều người khác nhất định là không cố tình làm cho người Mỹ phải rời bỏ Việt Nam. Chúng tôi cũng không hề thấy những Phật tử bất đồng chính kiến cũng là những người chủ trương trung lập, hay muốn thương thuyết với VC. Họ biết như chính phủ VNCH đang biết, làm như thế tức là phó thác sinh mạng của mình cho VC. Nói đúng ra, cái điều mà những người bất đồng chính kiến này theo đuổi (và họ nhiều lần nói cho chúng tôi biết) bằng cách biểu tình, bằng biểu ngữ chống Mỹ và thậm chí bằng tự thiêu, là tạo sức ép và gây lúng túng khiến Hoa Kỳ phải ủng hộ họ thay vì hậu thuẫn cho Thiệu Kỳ ” (90).
Bản đánh giá tình hình của Komer nhận được sự đồng ý rộng rãi trong giới chức chính quyền Johnson. Thomas Hughes, Giám đốc Phòng Tình báo và Nghiên cứu của Bộ Ngoại giao (INR), gửi đi một bản phân tích dài dòng về tình trạng bế tắc giữa phe Phật giáo và Chính phủ VNCH trong tháng Ba, trong đó thậm chí ông không hề ám chỉ dù gián tiếp là phe Phật giáo bị chi phối bởi tinh thần chống Mỹ, bởi ý muốn trung lập, hay chấm dứt chiến tranh bằng bất cứ mọi giá. Cội nguồn của cuộc khủng hoảng, theo lý luận của Hughes, được tìm thấy trong những “ mối bất bình đối với tập đoàn lãnh đạo Thiệu-Kỳ, một chế độ mà phe Phật giáo cho là chuyển động quá chậm chạp và miễn cưỡng trong việc hợp pháp hoá tình trạng của nó, như tổ chức tuyển cử quốc gia, và giao quyền điều khiển chính phủ lại cho giới chức dân cử nói chung, chế độ này đã đi ngược chứ không đẩy mạnh cuộc cách mạng 1963 ” (91). Đường lối cơ bản để đối phó cuộc khủng hoảng Phật giáo do CIA đề xuất rất phù hợp với đường lối mà Phòng Tình báo và Nghiên cứu (INR) đưa ra. Trong nhiều tham luận dài dòng nhưng sâu sắc, George Carver bác bỏ toàn bộ quan niệm cho rằng người Mỹ nhất định sẽ thất bại trong cuộc chiến nếu phe Phật giáo tranh đấu lên nắm chính quyền tại Miền Nam. Mặc dù nhìn nhận sẽ có những vấn đề ngắn hạn do một chiến thắng của phe Phật giáo đặt ra cho nỗ lực chiến tranh hiện nay, Carver tin rằng sự tương hợp của các mục tiêu của Mỹ và của phe Phật giáo vẫn còn tồn tại. Carver không hề nghĩ là nên trao quyền bính cho Trí Quang hay những Phật tử đấu tranh khác, nhưng ông cho rằng không có sự ủng hộ tích cực của giới Phật giáo thì chính sách của Mỹ không thể nào thành công được. Thật vậy, Carver mạnh dạn hàm ý rằng quyền lợi của Mỹ có thể được phục vụ tốt hơn nhờ một chiến thắng của phe Phật giáo vì “ một chính phủ trong đó quần chúng Phật tử có một tiếng nói ưu thế sẽ tạo được điểm hội tụ cho chủ nghĩa quốc gia đang vươn dậy, một chủ nghĩa nhiên hậu có thể cung ứng cho toàn bộ cơ chế quốc gia chủ nghĩa và phi cộng sản một nền móng vững chắc hơn cơ chế hiện nay đang có được ” (92). Lý luận cơ bản của Carver không có gì độc đáo ; từ lâu Trí Quang vẫn lập luận rằng Chính phủ VNCH không thể nào chiến thắng MTDTGPMN và Bắc Việt trừ phi nó có một nền móng vững chải hơn và được lòng dân hơn. Một liên minh gồm Bộ Ngọai giao, CIA, và Robert Komer có bề ngoài rất hùng hậu, nhưng chính Lodge mới thật là người đạo diễn “cuộc hí trường” vì ông là nhân vật duy nhất gặp gỡ và thảo luận thường xuyên với Kỳ và Thiệu. Tuy thỉnh thoảng Lodge cũng lắng nghe những quan ngại của Bộ Ngoại giao về cách ông đối phó cuộc khủng hoảng, nhưng ông chỉ tiếp thu một cách khiên cưỡng. Sau mỗi cuộc khủng hoảng do Trí Quang châm ngòi trước đây, các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ luôn tìm cách tái lập quan hệ tốt đẹp với Phật giáo vì lý do hiển nhiên là phe Phật giáo không thể bị triệt tiêu khỏi bài toán đi tìm phương cách xây dựng một xã hội không cộng sản khả dĩ đứng vững ở Miền Nam. Tuy nhiên, đối với Lodge, không còn con đường hoà giải với Trí Quang hay phe Phật giáo tranh đấu thậm chí sau khi họ đã bị quân Chính phủ VNCH đè bẹp tháng Sáu 1966. Khi Bộ Ngoại giao bày tỏ niềm thất vọng vì không có ứng viên nào từ phong trào tranh đấu Phật giáo ra tranh cử Quốc hội Lập hiến mới, mà việc triệu tập của nó vốn là một nhượng bộ quan trọng do lực lượng đối lập giành được, Lodge trả lời rằng phe Phật giáo tranh đấu không phải là một “ tổ chức đối lập trung trực ” và rằng ông chống lại mọi nỗ lực có mục đích khuyến khích họ tham dự sinh hoạt chính trị (93). Hầu như Trí Quang và phe Phật giáo tranh đấu đứng ngoài sinh hoạt chính trị Miền Nam cho đến ngày VNCH không còn tồn tại. Mark Moyar tin rằng việc Chính phủ VNCH dùng vũ lực vào mùa Xuân 1966 đã chứng minh rằng “ phe Phật giáo tranh đấu có thể bị dẹp bỏ mà không hề phương hại đến nỗ lực điều hành cuộc chiến ” (94). Có lẽ là thế, nhưng vẫn còn một lối lý giải khác là, cuộc khủng hoảng chỉ chứng minh được rằng phe Phật giáo có thể bị chính phủ dùng quân lực để đánh bại, điều này cơ bản không có ai ngờ vực. Còn liệu chính quyền Johnson và Trí Quang lẽ ra có thể đã xây dựng được một mối quan hệ phong phú, một quan hệ khả dĩ vận dụng được sức mạnh của phong trào Phật giáo để chống lại Bắc Việt và MTDTGPMN, thì điều này vẫn không rõ ràng, và chắc chắn có nhiều lý do để hoài nghi rằng một quan hệ đối tác như thế hoặc là có thể xảy ra hoặc là đáng mong muốn. Tuy nhiên, có một điều hình như ít ai đem ra tranh luận là việc triệt tiêu Trí Quang và phong trào Phật giáo năm 1966 đã giảm thiểu hơn nữa những viễn ảnh vốn đã mong manh về một chế độ không cộng sản được lòng dân xuất hiện ở Miền Nam.
JAMES McALLISTER
Nguyên tác tiếng Anh : "Only Religions Count in Vietnam :
Thich Tri Quang and the Vietnam War,"
tạp chí Modern Asian Studies 42, 4 (2008), pp. 751–782
Còn tiếp / Phần 4 ( phần phụ chú )
No comments:
Post a Comment