Hoa Kỳ muốn tham gia giải quyết tranh chấp Biển Đông
Chỉ huy trưởng Hải quân Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc hợp tác trong vấn đề Biển Đông cho dù Bắc Kinh tuyên bố "chủ quyền không thể chối cãi" với phần lớn khu vực này.
Hãng tin Reuters trích lời Đô đốc Gary Roughead nói hôm thứ Tư tại một diễn đàn ở Washington DC rằng xây dựng quan hệ hợp tác với quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc là công việc quan trọng.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, có tới hơn 50̀% lưu lượng tàu chở dầu trên thế giới là qua khu vực Biển Đông.
Ông Roughead được trích lời nói: "Theo quan điểm của tôi, những gì chúng ta làm tại Somalia cần phải được nhân ra ở Biển Đông và các nơi khác, ở cùng mức độ hợp tác."
Gần hai năm trước, Trung Quốc cử một nhóm công tác gồm ba tàu chiến tới khu vực ngoài khơi Somalia để bảo vệ tàu hàng của mình hoạt động tại đó.
Hải quân Trung Quốc và hải quân các nước cùng hoạt động trong khu vực, kể cả Hoa Kỳ, thường xuyên chia sẻ thông tin về các cuộc tấn công của hải tặc cũng như về các con tàu tình nghi.
Đây là điều mà Mỹ cũng muốn làm ở Biển Đông.
Người phát ngôn của Sứ quán Trung Quốc tại Washington đã không phản hồi trước câu hỏi liệu có bình luận gì trước đề xuất của Đô đốc Roughead hay không.
Biển Đông là nơi đang có tranh chấp phức tạp giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á, trong có Việt Nam.
Đường chín đoạn
Mới đây, Cục Đo đạc Bản đồ Quốc gia Trung Quốc đã khai trương dịch vụ bản đồ trực tuyến Map World, trong đó có đường chín đoạn mô tả yêu sách của nước này đối với Biển Đông.
Đường chín đoạn, hay còn gọi là đường lưới bò, bao trùm hầu hết khu vực, kể cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Nhiều tuyến hàng hải chính nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cũng đi qua hải phận Biển Đông.
Tổng cộng diện tích theo yêu sách của Trung Quốc là tới hơn 648.000 dặm vuông, tức trên 1,7 triệu cây số vuông.
Trung Quốc nói sẽ không ngăn cản tàu thuyền nước ngoài đi lại qua khu vực này, với điều kiện không vi phạm luật pháp quốc tế.
Điều này làm Hoa Kỳ và một số nước, vốn coi đây là khu vực lưu thông hàng hải quốc tế, bất bình.
Mỹ tuyên bố tự do đi lại ở Biển Đông là một trong các mối "quan tâm quốc gia" của Mỹ. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton hồi tháng Bảy đề xuất một cách tiếp cận đa phương cho tranh chấp Biển Đông.
Trung Quốc chưa có phản hồi về đề xuất của Đô đốc Roughead
Đề xuất của bà Clinton đã làm Trung Quốc tức giận.
Cũng trong thời gian gần đây, một số báo Trung Quốc trích lời giới quan chức nói Nam Hải (Biển Đông) không phải là vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi của Trung Quốc như Đài Loan hay Tân Cương.
Từ đầu năm nay, cụm từ "lợi ích cốt lõi" được nhắc tới như ngầm quy định độ cấp bách và quan trọng của một số vấn đề trong chính trị quốc nội của Trung Quốc.
Việc Trung Quốc có thể không coi Biển Đông là một trong các "lợi ích cốt lõi" được một số chuyên gia cho là dấu hiệu tích cực, chứng tỏ Bắc Kinh bắt đầu nhượng bộ trước áp lực quốc tế, nhất là từ sau khi Hoa Kỳ tỏ thái độ sẵn sàng tham gia bảo đảm an ninh hàng hải tại khu vực này.
Tuy nhiên, cũng có người nhận định dù có dùng cụm từ "cốt lõi" hay không, thì Biển Đông, cùng với các vấn đề thuộc về chủ quyền và lãnh thổ đều là lĩnh vực mà Trung Quốc không bao giờ nhân nhượng.
Bà Lý Kiến Vĩ, phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Biển thuộc Viện Nghiên cứu Biển Đông của chính phủ Trung Quốc, trong một cuộc phỏng vấn với BBC nói "lợi ích cốt lõi" không phải là một định nghĩa khép kín mà bất kỳ điều gì liên quan tới chủ quyền đều được cho là "lợi ích cốt lõi".
No comments:
Post a Comment