Washington đang củng cố quan hệ với các nước ASEAN vì lo ngại ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc. Đông Nam Á trước đây đã bị chính quyền George Bush bỏ rơi, vì muốn tập trung cho Ấn Độ. Nhưng chuyến công du mới đây của Ngoại trưởng Mỹ tại Việt Nam, Cam Bốt và Malaysia, và vòng công du châu Á của Tổng thống Obama đã chứng tỏ, Hoa Kỳ công khai cho thấy chính quyền Mỹ đang lại chú ý đến khu vực Viễn Đông.
Trong bài phân tích đăng trên của nhật báo Le Monde số đề ngày hôm nay, thông tín viên tại của tờ báo tại Bangkok, Bruno Philip đã nhận định, Washington đang củng cố quan hệ với các nước ASEAN vì lo ngại ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc.
Theo nhận xét của tác giả bài báo, thì Đông Nam Á trước đây đã bị chính quyền George Bush bỏ rơi, vì muốn tập trung cho Ấn Độ. Ấn vốn là đối thủ của Mỹ, luôn ủng hộ Liên Xô vào thời chiến tranh lạnh, nhưng sau đã được Hoa Kỳ xem là đối trọng trước Trung Quốc. Chuyến công du mới đây của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Việt Nam, Cam Bốt và Malaysia, cũng như vòng công du châu Á của Tổng thống Barack Obama đã chứng tỏ, Hoa Kỳ đã công khai cho thấy chính quyền Mỹ đang lại chú ý đến khu vực Viễn Đông này.
Cho dù ASEAN là một cộng đồng gồm những nước đôi khi có những tị hiềm với nhau, và khó thể tìm được một tiếng nói thống nhất trong vấn đề đối ngoại, nhưng khu vực này của châu Á với trên 580 triệu dân vẫn có lợi ích chiến lược dưới mắt người Mỹ. Một phần là do vùng biển của ASEAN khá quan trọng, đặc biệt là Indonesia, nơi Tổng thống Mỹ Obama vừa viếng thăm, với 15.000 hòn đảo. Ngay trước chuyến đi, ông Obama đã tuyên bố rằng, Hoa Kỳ là một cường quốc biển. Điều này có thể được hiểu là, Washington đang lo ngại về sức mạnh tương lai của hải quân Trung Quốc, trong lúc Bắc Kinh đang tập trung hiện đại hóa binh chủng này với mục đích ngáng chân Hoa Kỳ trong việc kiểm soát vùng Thái Bình Dương.
Những hành động khiêu khích mới đây của Bắc Kinh tại Biển Đông, nơi mà các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đang bị tranh chấp giữa các nước Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei, đang làm cho một số quốc gia ASEAN lo ngại ; khi mà các nước này ngày càng lệ thuộc vào kinh tế với Trung Quốc. Theo Le Monde, Hoa Kỳ dựa vào sự quan ngại này để gây ảnh hưởng. Trên Tạp chí Chính sách Đối ngoại, cây bút Christian Caryl đã nhận xét : « Việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông ở mức « lợi ích cốt lõi », tương đương với Tây Tạng và Đài Loan, đã gây ra sự phẫn nộ cho các quốc gia trong khu vực ». Còn Robert Kaplan, trên tờ International Heralg Tribune đã nhận định, sự chia rẽ ngoài mặt của châu Á có nguyên nhân từ thời chiến tranh lạnh, đã không còn chấp nhận được nữa. « Từ nay, Trung Đông, Nam Á và Đông Á hợp thành một thể thống nhất. Chuyến viếng thăm bốn nước châu Á của Tổng thống Mỹ tập trung cho cùng một thử thách, đó là thế mạnh đang lên của Trung Quốc cả trên đất liền lẫn trên biển ».
Một quan sát viên ngoại quốc ở Djakarta cho rằng, ngay cả khi trao đổi thương mại giữa Indonesia và Trung Quốc trong năm nay đạt đến khoảng ba chục tỉ đô la, Indonesia vẫn cần đến Hoa Kỳ, để tránh việc quá lệ thuộc vào Trung Quốc – nước đang cung cấp các nhà máy nhiệt điện cho Indonesia. Vài ngày trước khi Tổng thống Mỹ đến, tờ Jakarta Globe đã nhấn mạnh đến cuộc đua tranh giành ảnh hưởng Mỹ - Trung tại đảo quốc này. Tờ báo nhắc đến việc Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc, ông Ngô Bang Quốc vừa viếng thăm chính thức Indonesia, ông này đã gợi ý Trung Quốc có thể đầu tư đến 50 tỉ đô la vào Indonesia từ nay cho đến năm 2014.
Một chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Indonesia nhận xét : « Indonesia rất khó xử nếu phải công khai chọn lựa giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ…Nhưng rõ ràng là các nước ASEAN có biển không có ý định gây sự với một Trung Quốc ngày càng tỏ ra ngạo mạn ». Còn một chuyên gia khác cũng làm việc cùng trung tâm nghiên cứu, trong bài xã luận đăng trên tờ Jakarta Post đã nói thêm : « Tổng thống Obama đã hiểu ra rằng, Hoa Kỳ cần phải dựa vào các nước đồng minh và bạn bè trong khu vực. Và sự hiện diện của Mỹ tại phương Đông rất quan trọng, vì nhờ đó Indonesia có thể tiến hành được một chính sách ngoại giao độc lập».
No comments:
Post a Comment