Kết quả chuyến công du Ấn Độ và Nam Dương
của Tổng thống Hoa Kỳ Obama.
Nhữ Đình Hùng /
Nhóm suy nghĩ Đất Mới / 10.11.2010
*Báo chí Ấn Độ xem chừng không dịu dàng với ông Obama.
Những câu hỏi thường thấy được trên báo chí Ấn Độ trong chuyến Ấn du của ông Obama đã phản ảnh điều đó,như "tại sao Hoa Kỳ không chú tâm tới Ấn Độ" hay "Bị khó khăn lớn trong nước,tổng thống Hoa Kỳ đã đến nơi này cốt để nhận một chi phiếu lớn ở New Delhi".Và theo một chuyên gia của Ấn Độ,Vinod Kumar,"Chúng tôi trông đợi rất ít nơi Hoa Kỳ trong những hồ sơ quan trọng.Hoa Kỳ có đồng minh là Pakistan nhưng cần đến Ấn Độ.Trong cốt chuyện 'hậu chiến' ở Afghanistan,ông ta cần phải làm sáng tỏ vị thế'!
Những bình luận hay nhận xét không dễ chịu với tổng thống Mỹ đã là hậu quả của những phát biểu của ông ta tại Ấn Độ.Trong bài diễn văn ngày thứ bảy khi ừa tới Ấn,tại khách sạn Taj Mahal,nơi xảy ra vụ khủng bố làm chết hằng trăm người,ông Obama đã vận dụng ngôn từ ngoại giao để tránh đề cập đến Pakistan.Điều này không làm hài lòng người Ấn. Một mặt,ông Obama đánh giá Hoa Kỳ và Ấn Độ là hai nước dân chủ lớn trên thế giới đoàn kết với nhau chống chủ nghĩa khủng bố,mặt khác,tránh không lên án Pakistan (những quân khủng bố tấn công khách sạn Taj Mahal là người Pakistan và hoặc là đến từ Pakistan),chỉ nói Pakistan tiến triển trong việc chống 'ung thư chủ nghĩa khủng bố' nhưng không nhanh như chúng ta mong muốn!Như thế,ông ta đã không muốn làm mất lòng đồng
minh chiến lược chính trong nỗ lực chống khủng bố và cho chiến cuộc Afghanistan,mặt khác,ông ve vãn một quốc gia đang trở thành cường quốc trên thế giới! Cái khó là hai nước này là kẻ thù của nhau hay ít ra,không phải là bạn của nhau!
Nhân chuyến Ấn Du này,ông Obama đã có những nỗ lực nhằm đưa Ấn Độ và Pakistan xích lại gần nhau,nhưng đây là một việc khó khăn và khó có thể nói là ông Obama đã có kết quả: Hoa Kỳ và Ấn Độ còn nhiều dị biệt.
Tổng-thống Hoa Kỳ đã kêu gọi Ấn Độ và Pakistan tạo ra một cơ chế để giải quyết các dị biệt bằng đường lối đối thoại,nhưng thủ tướng Ấn Độ Mammohan Singh đã trả lời rất 'thẳng thắn' rằng "Ấn Độ không thể thảo luận với Pakistan khi bộ máy khủng bố vần còn hoạt động".Trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Singh tiếp sau cuộc hội kiến chánh thức,ông Obama đã cho rằng lợi ích của New Delhi và Islabamad là làm dịu sự căng thẳng giữa hai nước và Cachemire là một vấn đề có từ lâu giữa hai nước cần phải được hai nước giải quyết.Tuy cho rằng Hoa Kỳ không thể áp đặt một giải pháp cho hai nước nhưng Hoa Kỳ rất sung sướng được giữ vai trò mà đôi bên cho là thích ứng trong việc làm giảm thiểu căng thẳng.Đây là ích lợi của hai nước,của vùng và của cả Hoa Kỳ!Đáp lại,thủ tướng Ấn Độ cho biết không chống lại việc thảo luận nhưng việc khủng bố xuyên qua biên giới phải được chấm dứt.Một nước Pakistan mạnh,hoà bình và ôn hoà nằm trong lợi ích của Ấn Độ,của vùng Đông Nam Á và của thế giới.
Nhưng việc Hoa Kỳ muốn giữ một vai trò thích ứng cũng không được tiếp nhận một cách tích cực. Omar Ađullah,thủ lãnh vùng Cachemir thuộc Ấn mong rằng Hoa Kỳ không giữ vai trò trung gian hoà giải nhưng chỉ giúp làm thuận lợi việc đối thoại giữa Ấn Độ và Pakistan, nói khác đi, Hoa Kỳ giữ vai trò xúc tác nhưng không phải là trung gian!
Tổng Thống Obama cũng nói đến việc Hoa Kỳhỗ trợ cho mong muốn của Ấn Độ muốn trở thành hội viên thường trực của hội đồng bảo an LHQ.Trong bài diễn văn đọc trước Quốc Hội Ấn Độ,ông Obama đã biện minh cho một trật tự quốc tế công chính và trường cữu,điều này đòi hỏi trong những năm sắp tới,LHQ phải hữu hiệu,đáng tin tưởng và chính đáng.Ông Obama đã bày tỏ "Ngày hôm nay tôi có thể nói,trong những năm sắp tới,tôi sẽ hân hoan về việc thành phần của hội đồng bảo an LHQ sẽ được cải tổ,bao gồm Ấn Độ như một thành viên thường trực".
Trước đó,ông Obama cũng đã tuyên bố là "Ấn Độ không còn là một quốc gia đang trỗi dậy" nhưng nước này đã trở thành một "cường quốc trên thế giới" và bày tỏ việc Ấn Độ đảm trách nhiều trách nhiệm hơn nữa.Lời tuyên bố được đưa trong buổi tiếp kiến tại dinh tổng thống Ấn Độ.
Ông Obama cũng nói đến vấn đề cấm phát triển hạch tâm,thừa nhận rằng các quốc gia có quyền phát triển về nguyên tử dân sự nhưng với điều kiện phải tôn trọng các cam kết quốc tế và nhắc thêm điều này liên hệ tới cả Iran.( Ghi nhận riêng:Giữa Ấn Độ và Iran cũng có những hợp tác đáng kể nhất là trong việc cộng tác thiết lập một hệ thống giao thông đến tận biên giới Afghanistan).
Về điều tuyên bố Hoa Kỳ ủng hộ Ấn Độ trong việc dành cho nước này qui chế hội viên thường trực của hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc 'Ấn Độ đã làm áp lực để đòi hỏi điều này từ nhiều năm qua), phân tích gia chánh trị người Ấn Mujibur Akbar cho rằng những lời tuyên bố của ông Obama không cần thiết phải có những hành động cụ thể tiếp theo!
"Người ta có cảm tưởng ông ta không thành thực trong ý định hỗ trợ cho việc Ấn Độ ứng cử vào ghế hội viên thường trực của hội-đồng bảo-an.Ông ta đã nói rằng mọi thành viên của Hội Đồng phải áp dụng nghiêm chỉnh các trừng phạt đối với Iran.Điều này có nghĩa là chúng ta phải thay đổi thái độ chúng ta đối với nước này.Ấn Độ có sẵn sàng làm việc này? "
Về vấn đề Cachemir,những phát biểu của ông Obama cũng không được Ấn Độ tiếp nhận.Cachemir là vùng mà Ấn Đô và Pakistan đã có những tranh chấp từ 1947 đến nay,đó là nguồn gốc cho sự bất ổn trong vùng Nam Á và cũng là nguồn gốc cho các vụ khủng bố từ Pakistan.Ấn Độ bác khước sự can thiệp của nước ngoài vào một vấn đề mà họ coi là tay đôi giữa Ấn Độ và Pakistan.
Phân tích gia Ấn Độ Sumit Ganguly cũng coi Cachemire là một ác mộng trong trận chiến của Hoa Kỳ ở Afghanistan,trước mắt Pakistan là đồng minh của Hoa Kỳ. Nhưng,vì vấn đề Cachemir,Pakistan không thể dốc toàn lực quân sự để tiễu trừ các taliban và nhóm khủng bố Al Qaïda dọc theo biên giới Pakistan và Afghanistan. Việc Hoa Kỳ ủng hộ Ấn Độ vào ghế hội viên thường trực của hội đồng bảo an nhắm vào thời kỳ hậu chiến ở Afghanistan.Khi đó,Ấn sẽ là đồng minh chính của Hoa Kỳ trong vùng trong cái nhìn địa lý chiến lược.Ông Obama vì thế bó buộc phải có một cữ chỉ đẹp!
Những phát biểu của ông Obama cũng không được Pakistan vừa ý.Theo tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari,Ấn Độ hiện nay chưa có đáp ứng "một cách tích cực" các 'mở ngõ" của Pakistan trong tiến trình hoà bình giữa hai 'cường quốc quân sự có trang bị vũ khí nguyên tử".Tuy thế,ông Zardari cũng thừa nhận việc tấn công ở Ấn Độ của những quân khủng bố đến từ Pakistan đã làm hư hỏng nỗ lực vãn hồi hoà bình giữa hai nước.Ấn Độ đã ngưng các cuộc thảo luận về hoà bình được mở ra vào năm 2004!Ông Zardari cũng nói Pakistan hợp tác để truy lùng và đưa ra trước công lý những người đã tham dự vào cuộc tấn công ở Bombay.Nhưng Ấn Độ cho rằng Pakistan làm chưa hết sức để truy lùng các thành viên của Lashkar-êTaiba,một nhóm khủng bố có liên hệ với Al Qa¨da và chủ trương giải phóng vùng Cachemir thuộc Ấn!
Về việc Obama ủng hộ Ấn Độ vào vai trò hội viên thường trực của hội đồng bảo an cũng gặp sự chống đối của Pakistan. 'Đáp lại lời phát biểu của ông Obama,tổng trưởng ngoại giao Pakistan đã phát biểu "Pakistan coi là việc hỗ trợ của Hoa Kỳ cho yêu cầu được ấn Độ đề ra là có một ghế thường trực ở hội đồng bảo an chỉ làm khó khăn thêm cho tiến trình cải tổ của hội đồng" (Ghi chú thêm : về điều này,Trung Hoa cũng chỉ ủng hộ "đầu môi chót lưỡi' khi nói rằng Trung Hoa 'hiểu biết' sự yêu cầu của Ấn Độ.Giữa Ấn Độ và Trung Hoa trước đây cũng có tranh chấp biên giới).
Có thể nói rằng trong chuyến viếng thăm Ấn Độ ba ngày,ông Obama đã không thành công về mặt ngoại giao,ngược lại,về mặt kinh tế,ông chỉ thu đạt được một thắng lợi nhỏ: các khế ước trị giá 10 tỉ đô la (so với Pháp trong chuyến công du của ông Hu Jintao taị Pháp,Pháp đã có các khế ước trị giá từ 14 đến 20 tỉ euros).Như nhận định của Jean-Luc Racine ,trận thế trước nhất của chuyến công du Á Châu của ông Obama là vấn đề kinh tế.Ông muốn cho công luận Hoa Kỳ thấy,sau cuộc thất bại qua các tranh cử giữa nhiệm kỳ của đảng Dân Chủ,là Hoa Kỳ phải có vị thế ở nơi Á Châu trỗi dậy để tạo ra các công việc ở Hoa Kỳ. Chứng minh:ông đã rời Ấn với các khế ước trên 10 tỉ đô la,tương ứng cho việc có được trên 50.000 công việc ở Mỹ.
*Trong ngày thứ ba,09/11,ông Obama đã sang Indonésie,nơi ông đã từng ở với người bố dượng 4 năm,trong một cuộc viếng thăm chớp nhoáng kéo dài chưa tới 24 giờ!
TT Obama & Phu Nhân - TT Nam Dương và Phu Nhân
Tổng thống Mỹ Obama đã đến Nam Dương vào ngày thứ ba trong một cuộc viếng thăm "chớp nhoáng". Đây là nơi ông đã từng sống khi còn thơ ấu (từ 1967 đến 1971) với người "bố dượng" Nam Dương.Đất nước này giờ đây được coi là nước 'đối tác' hàng đầu ở Á Châu!
Trong ngày thứ ba,ông Obama sẽ ký kết với bạn đồng sự Nam Dương,Susilo Bambang Yudhoyono một "đối tác" chiến lược!Theo lời của Ben Rhodes,cố vấn phụ tá về an ninh của tổng thống Mỹ,"chúng tôi quan tâm về Á Châu,những cường quốc trỗi dậy và những nước dân chủ mà chúng tôi coi là cột trụ cho các định hướng chiến lược của Hoa Kỳ ở thế kỷ XXIè.Ấn Độ nằm rõ ràng trong hạng loại này,cũng như Nam Dương".
Nam Dương được coi là quốc gia dân chủ đứng hàng thứ ba trên thế giới về mặt dân số,điều nói lên tầm quan trọng về mặt 'thị trường tiêu thụ'! Một năm rưỡi sau bài diễn văn quan trọng và nổi tiếng ở Caire,một lần nữa,tại Indodésie,ông Obama lập lại điều mong muốn cởi mở với thế giới hồi giáo.Nhưng ông ta cũng ta cũng nhận rằng "Hoa Kỳ còn phải làm nhiều hơn nữa".
Ngày 04/09/2009,tại Le Caire (Ai Cập),ông Obama đã tạo ra một sự xúc động lớn trong thế giới 'musulman' khi ông tuyên bố "tôi đến nơi đây để tìm kiếm một khởi điểm mới cho Hoa Kỳ và cho người Musulman trên toàn thế giới,một khởi điểm đặt nền tảng trên quyền lợi hổ tương và sự tôn trọng hỗ tương".Xong,chiến cuộc ở Irak và chiến cuộc ở Afghanistan đã dần dần làm mất đi nhiệt tình của khối hồi giáo dành cho ông vì chánh sách của Hoa Kỳ ở những nơi cứ là 'Vũ Như Cẫn' với 'Nguyễn Y Vân',cũng giống như dưới thời ông Bush.Lần này,một năm rưỡi sau bài diễn văn đầy xúc động ở Le Caire,tại Nam Dương,quốc gia có số dân theo hồi giáo đông nhất thế giới,liệu rằng tài hùng biện của ông Obama có tạo lại một đợt sóng ủng hộ?
Vào ngày thứ tư,trong một bài diễn văn dài nửa giờ, đọc tại đại học Jakarta,trước một cử toạ gồm 6500 sinh viên,ông Obama đã ca ngợi quốc gia hồi giáo đông dân nhất (240 triệu dân với 90% theo hồi giáo) có những định chế dân chủ và có những phát triển đất nước,có một dân chúng khoan dung nhất về vấn đề tôn giáo.Đây cũng là nơi ông đã từng sống trong thời thơ ấu (1967-1971). "Indonésia,bao gồm những người có tín ngưỡng và sắc tộc khác nhau...đã là một mẫu mực cho toàn thế giới...Chính vì thế quốc gia với 240 triệu dân có 90% là người musulman sẽ giữ một vai trò hàng đầu trên thế giới trong thế kỷ XXI..".Ông Obama nhắc tới thời kỳ niên thiếu trải qua ở Indonésie,nhắc tới ông bố dượng người Nam Dương,một người "đã tin tưởng một cách vững chắc là mọi tôn giáo đều phải được tôn trọng."
Bà Michelle Obama được cảm tình của dân
Nam Dương khi choàng khăn trong cuộc viếng
thăm ngôi đền Hồi Giáo
Bên cạnh vị tổng thống nước Nam Dương,ông Obama đã có một cái nhìn về tình hình đã qua,đã đưa ra nhận xét "Tôi nghĩ là những nỗ lực của chúng tôi là nghiêm chỉnh và được tiếp tục...Chúng tôi không chờ đợi việc loại trừ hoàn toàn việc không thông cảm và sự nghi ngại đã được chồng chất từ lâu nhưng tôi tin là chúng tôi đang đi đúng đường..Tôi nghĩ đây là một dự án chưa hoàn tất...nó không loại trừ cũng như không thay thế cho cuộc đối thoại về một số vấn đề chánh trị cụ thể".
Tổng thống Mỹ cũng đã đưa ra một số minh chứng về sự mong muốn thành thực của Hoa Kỳ trong việc mở ngõ với thế giới người musulman như việc tổ chức trong năm nay một hội nghị tại Washington với sự hiện diện của các doanh nhân musilman trên toàn thế giới,coi đó là điều cần cho việc cảm thông giữa Hoa Kỳ và thế giới người musulman "Khi mở rông mối quan hệ này,người ta đã tăng cường hay tạo ra sự tin tưởng,người ta tạo ra nhiều tiếp xúc giữa cá nhân...Điều này tốt cho nền an ninh của chúng tôi,nhưng cũng là vì lý do tổng quát hơn là sự cảm thông giữa Hoa Kỳ và thế giới người hồi giáo"
Khác với buổi nói chuyện ở Caire,lần này ông Obama đã không đề cập đến vấn đề nguyên tử của Iran,nhưng đã đề cập đến sự tranh chấp giữa Israël và Palestine,điều khiến có sự bất hoà giữa Hoa Kỳ và thế giới người musulman.Ông Obama,người được trao giải Nobel về hoà bình 2009,đã bảo đảm rằng Hoa Kỳ đã làm hết sức để tìm kiếm một giải pháp công chính cho vùng Cận Đông.Ngay như khi "Israël và Palestine đã nối lại các cuộc thương thuyết trực tiếp....hãy còn nhiều trở ngại đáng kể phải vượt qua để đạt tới hoà bình" Và ông Obama nói thêm "Hãy còn nhiều việc phải làm ...một bài diễn văn đơn giản không thể loại đi những năm dài nghi ngại ".
Nhìn chung,chuyến đi Nam Dương của ông Obama tuy "chớp nhoáng" nhưng đã đáp ứng được yêu cầu là gởi đi một thông điệp cho thế giới người musulman nói chung và vận động cảm tình của người musulman tại Indonésie.Điều này xem chừng đã đạt được,chẳng những qua bài diễn văn xúc tích của ông mà còn cả qua việc,khi đi thăm đền thờ Hồi Giáo ở Jakarta,bà Obama đã đội khăn,một cử chỉ được dân chúng Nam Dương tán thưởng.
Tổng Trưởng Sembiring (bảo thủ ) bắt tay Michelle Obam
bị báo chí phản đối vì phạm luật hồi giáo
( Cấm Không đụng tay người phụ nữ)
Chuyến đi Nam Dương của ông không có gì gọi là 'tình cảm' dù ông đã có một thời niên thiếu ở đây.Chuyến đi này là một sự cần thiết,một chặng đường không thể không có trong nỗ lực tìm kiếm một đồng minh ở Á Châu để ngăn chặn Trung Quốc.Một quốc gia với 240 triệu dân,đã từng là một quốc gia chống cộng dữ dội với việc tàn sát các đảng viên cộng sản và bài Hoa dưới thời Suharto,với hàng ngàn đảo tạo thành một tuyến dài từ đông sang tây đến gần 5000 cây số,một 'trường thành' để ngăn chận bước nam tiến của Trung Hoa nhằm tạo một gạch nối giữa nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương,có thể nào Hoa Kỳ bỏ qua vị thế địa lý chiến lược đó!(Trước kia,ở Nam Thái Bình Dương Hoa Kỳ có hai thế lực là khối SEATO (liên phòng đông nam á) và khối ANZUS (liên minh Úc,Tân Tây Lan và Hoa Kỳ))?
Nam Dương hiện là quốc gia theo thể chế dân chủ đông dân hàng thứ ba trên thế giới,sau Ấn Đô,Hoa Kỳ.Nhưng,dẫu với 90% dân số theo hồi giáo,Nam Dương vẫn không có ảnh hưởng mạnh trong khối hồi-giáo vì việc chuyển sang hồi giáo đã được diễn tiến chậm chạp.Những di tích Phật Giáo trong nước Indonésie cho thấy nước này trước đây không phải là quốc gia theo hồi giáo.Cho đến nay,định chế dân chủ ở Nam Dương vẫn chưa vững chắc,nước này đã trải qua chế độ độc tài thời Soekarno, rồi đến độc tài quân phiệt Suharto.Vị tổng thống đương nhiệm,tuy là do phổ thông đầu phiếu bầu ra nhưng gốc là tướng lãnh trong chế độ cũ.Nam Dương hiện cũng có tệ nạn tham nhũng.
Ngược lại,với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Hoa trong vùng Đông Nam Á,Nam Dương là một điểm tựa tìm kiếm của Hoa Kỳ.Hãy xem các vận động của Hoa Kỳ trong vùng:từ các chuyến công du của bộ trưởng quốc phòng Robert Gates (Tân Gia Ba,Jakarta,Hà Nội) và bà Hilary Clinton,bộ trưởng ngoại giao (Mã Lai,Cam Bốt,Việt Nam)! Và nay,với chuyến công du của ông Obama qua các nước Ấn Độ,Nam Dương và sau đó Đại Hàn,Nhật Bản. Toàn những quốc gia thuộc hàng cường quốc .
Indonésie cũng thuộc khối G20, có mức tăng trưởng trong năm nay ước lượng 6%,là quốc gia có thể được thêm vào khối BRIC (Brésil,Nga,Ấn,Hoa) mà sự liên minh với Hoa Kỳ sẽ trở thành một đối lực mạnh trước sự bành trướng của Trung Hoa trong vùng Nam Thái Bình Dương.
Nhữ Đình Hùng/Nhóm suy nghĩ Đất Mới/10.11.2010
==================================
===================================================
No comments:
Post a Comment