TT. OBAMA CÔNG DU Á CHÂU LẦN II
TẠO THẾ LIÊN MINH CÁC NƯỚC DÂN CHỦ
LÝ ĐẠI NGUYÊN
Trước khi thực hiện chuyến công du 4 nước Á châu là Nhật, Indonesia, Nam Hàn và Trungcộng, trong vai trò Ngoại Trưởng của chính phủ Dân Chủ Obama vào tháng 2 năm 2009, bà Hillary Clinton đã tuyên bố với báo chí: “Không nên để các cuộc tranh luận với Trungquốc về nhân quyền làm cản trở những tiến bộ trong các lãnh vực khác. Lập tức 2 tổ chức nhân quyền uy tín quốc tế là Ân Xá Quốc Tế ở Anh và Human Rights Watch ở Mỹ đều lên tiếng quyết liệt phản đối, cho đây là ‘Chính Sách Ngoại Giao Hoakỳ Đổi Mới’ của chính quyền Dân Chủ Obama: “Dùng Nhân Quyền đổi lấy công trái phiếu của Mỹ ở Trungcộng”. Thế rồi, sau khi gặp Hồ Cẩm Đào chủ tịch Trungcộng ngày 21/02/2009, bà Clinton tuyên bố: “Bắckinh vẫn tin tưởng vào công trái phiếu của Mỹ”. Tính đến tháng 12 năm 2008, Trungcộng là nước mua nhiều công trái phiếu của Mỹ nhất, lên tới 700 tỷ USD, chưa kể những món tiền khổng lồ không tên, mà tư bản Tầuđỏ đã bị thua lỗ trong cuộc khủng hoảng tài chánh của Mỹ và toàn cầu.
Phải nói kể từ khi tổ chức Khủng Bố Quốc Tế al-Qaeda, ngày 11 tháng 09 năm 2001, cướp máy bay dân dụng của Mỹ, lao vào toà tháp đôi World Trade Center ở New York, Ngũ Giác Đài tại Hoa Thịnh Đốn, Hoakỳ đã phải dốc tận lực vào cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, buộc phải cần tới sự hậu thuẫn của Trungcộng, nên Trungcộng được thế nới rộng ảnh hưởng trên toàn thế giới: Chính trị khởi sắc. Kinh tế cất cánh. Quân lực củng cố. Tham vọng bành trướng được nuôi dưỡng kéo dài gần một thập kỷ. Nay lại được chính quyền Dân Chủ Obama o bế, bảo sao không tự cho mình được phép nuốt trọn Biển Đông, và đang trên đà muốn chia đôi Thái Bình Dương với Mỹ. Nhưng thực tế thì Bộ Quốc Phòng Mỹ không bao giờ quên đi mối họa bành trướng của Tầu Đỏ. Ngày 08/03/2009, hải quân Mỹ đã cho tàu USNS Impeccable thăm dò đại dương tiến vào vùng biển Hoàngsa, nơi mà Trungcộng chiếm của Việtnam và tự nhận có chủ quyền nơi đây. Ngày 10/03/2009, bộ quốc phòng Mỹ xác định: “Hoakỳ sẽ duy trì các chiến dịch hải quân của mình tại vùng Biển Đông, bất chấp đòi hỏi của Bắckinh”.
Trước khí thế hung hăng đe dọa toàn vùng Đông Nam Á và Á Châu của Trungcộng, các nước đều lo sợ, kể cả Nhậtbản là cường quốc kinh tế thế giới, đang muốn quân đội Mỹ phải ra khỏi xứ Phùtang này, cũng vội níu lấy chân Mỹ. Ngày 22/07/2009, trước khi vào họp với Hiệp Hội Quốc Gia Đông Nam Á – ASEAN trên đảo Phuket Tháilan, nữ ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton bỗng tuyên bố: “Hoakỳ đã trở lại Á Châu, sẵn sàng tái tục và củng cố những quan hệ đối tác với các quốc gia đồng minh”. Tiếp đến chuyến công tác đầu tiên của tổng thống Mỹ, Barack Obama tại các nước Á châu ở Nhật, Singapore, Trungquốc, Đạihàn. Ngày 15/11/2009, ông gặp các nguyên thủ của 10 nước Asean. Hai phía đã mở rộng và thúc đẩy hợp tác giữa Mỹ và Asean.
Lời nhắn của tạp chí Phố Wall, với tổng thống Obama trước khi ông công du Á châu lần thứ I - mà phố Wall New York vốn là chủ nhân ông của hệ thống tư bản Mỹ và thế giới - Rằng: “Sự thịnh vượng và ổn định lâu dài của thế giới ngày nay phụ thuộc vào vai trò của Á châu…Trungquốc đã thay thế Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của các nền kinh tế hàng đầu Á châu. Nước này cũng đã trở thành cứng rắn trong các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, và Bắckinh cũng sẵn sàng gửi hải quân tới các mặt trận xa hơn…Các nước Á châu sẽ không hoàn toàn thoải mái với Trungquốc ngày càng mạnh…Tổng thống Obama nên tìm cách tăng cường, hơn là làm yếu đi sự gắn kết giữa Mỹ với các đồng minh Thái Bình Dương”. Sau cuộc găp giữa ông Obama và các lãnh đạo Bắckinh, ông cho hay: “Đã nói với chủ tịch Trungquốc, Hồ Cẩm Đào là nhân quyền phải được tôn trọng khắp nơi kể cả đối với cộng đồng sắc tộc thiểu số”. Đúng là hoàn toàn ngược lại với lời tuyên bố của bà Clinton hồi thàng 2/2009.
Nhưng rồi trong Diễn Đàn Hợp Tác An Ninh Asean tại Hànội ngày 23/07/2010, bà Clinton đã phát pháo lệnh về tranh chấp biển Đông, nhấn mạnh đến quyền tự do lưu thông trên biển Đông. Với tư cách ngoại trưởng Hoakỳ, bà Clinton tuyên bố: “Vì quyền lợi của quốc gia, Hoakỳ mong muốn thấy các quốc gia liên quan đến vụ tranh chấp chủ quyền ở Hoàngsa và Trườngsa giải quyết với nhau bằng đường lối ôn hòa, tôn trọng các điều khoản được ghi trong công ước về biển và lãnh hải do Liên Hiệp Quốc soạn thảo…Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các bên phải tôn trọng tự do hàng hải, và hàng không trên biển Đông, như được quy định trong các nguyên tắc đã được thừa nhận của luật pháp quốc tế”. Ngày 08/08/10 để kỷ niệm 15 năm bang giao Việt-Mỹ, siêu hàng không mẫu hạm USS George Washington kéo theo một đoàn tàu hộ tống vào đậu tại cảng Đànẵng Việtnam, đánh dấu sự trở lại của hải quân Mỹ tại đây.
Đặc biệt chuyến công du Á châu lần thứ II này, tổng thống Obama không ghé Trungquốc, mà chỉ gặp Hồ Cẩm Đào trong hội nghị G 20 tại Seoul Hànquốc. Ông Obama đi thăm các nước Dân Chủ Á Châu như Ấnđộ, Indonesia, Nam Hàn và Nhậtbản. Tại nước Ấnđộ Dân Chủ, tổng thống Mỹ, Barack Obama và thủ tướng Ấn, Manmohan Singh đã đưa Hoakỳ và Ânđộ bước vào kỷ nguyên mới với các quan hệ được củng cố. Tổng thống Obama nói: “Mối quan hệ giữa Hoakỳ và Ấnđộ sẽ giúp định hình thế kỷ thứ 21… Ủng hộ một Hội Đồng Bảo An Liện Hiệp Quốc cải tổ trong đó gồm việc đưa Ấnđộ trở thành một thành viên thường trực”. Phát biểu trước quốc hội Ấnđộ, ông Obbama nói rằng: “Mỹ mong muốn một Liên Hiệp Quốc có năng lực , hoạt động hiệu quả, khả tín và chính đáng và đó là lý do tại sao Mỹ ủng hộ Ấnđộ trở thành một thành viên thường trực”. Rõ ràng là chuyến công du lần 2 tại Á châu đến các nước Dân Chủ giầu mạnh của tổng thống Obama, dù vô tình hay cố ý, đây cũng là bước đầu đặt nền tảng cho một Liên Minh Các Nước Dân Chủ, theo đúng với hướng đi của chính sách lưỡng đảng Mỹ.
Nhớ lại, khi thượng nghị sỹ Cộng Hòa, John McCain ra tranh ghế tổng thống Mỹ với ông Barack Obama của đảng Dân Chủ có đề xuất việc “Đoàn kết các nước dân chủ trên thế giới”. Theo ông: “Hiện nay quân đội Hoakỳ đang cùng chiến đấu với binh sĩ nhiều nước dân chủ khác như Anh, Canada, Hoàlan, Đức, Ý, Úc, Nhật…nhưng mỗi nước có một tổ chức khác nhau. Vì vậy có nhu cầu thành lập một Liên Minh Các Nước Dân Chủ - League of Democracies – Liên Minh này sẽ cùng nhau làm việc để giải quyết những bế tắc mà Liên Hiệp Quốc bị bó tay”. Dù sao đây cũng chỉ dưới nhãn quan của một nhà quân sự. Nhu cầu của thời đại là Dân Chủ Hoá Toàn Cầu, mà tầm vóc của Liên Hiệp Quốc với bản chất đề cao quyền dân tộc tự quyết, nhằm chống lại với tàn dư của phong trào Thực Dân xưa. Nên các chế độ độc tài đã có được chiếc dù quốc tế che chắn, tha hồ tước đoạt Nhân Quyền, đàn áp dân chúng của chính nước họ, mà các nước khác và Liên Hiệp Quốc đành bó tay. Vậy việc Liên Minh Các Nước Dân Chủ nhằm thúc đẩy các nước tự Dân Chủ Hoá chế độ để được đãi ngộ ngang nhau, tạo thành thế mạnh tổng lực thay Liên Hiệp Quốc, bằng một cơ cấu hợp tình, hợp lý, hợp pháp trong việc bảo vệ hữu hiệu Tự Do Nhân Quyền của mỗi người và Quyền Chủ Động của mọi quốc gia trong tiến trình toàn cầu hóa và Dân Chủ Hóa Toàn Cầu. Little Saigon ngày 09/11/2010.
No comments:
Post a Comment