Biên khảo: Mây-Cao-Nguyên
Mùa đông lại về, nhiều người không thích những ngày mưa gió triền miên lạnh lùng, cây cối trơ cành, tuyết phủ giăng đầy, nhưng phải chịu đựng. Có người du lịch đến những vùng có khí hậu ấm áp và tắm mình dưới hàng dừa xanh dọc theo bãi cát trắng phau được sưởi ấm bằng những tia nắng vàng rực rỡ. Những người chỉ thích không khí của những vùng nhiệt đới, họ không có dịp để thưởng thức cái cảnh trí tuyệt vời của mùa đông Bắc Mỹ.
Nhưng bạn phải đồng ý với tôi ở đây bốn mùa thật rõ rệt. Mỗi một mùa thay đổi đều mang lại cho chúng ta thừa hưởng những cách sống riêng. Và trong khi đó, thỉnh thoảng, chúng ta cũng càu nhàu về băng giá và tuyết phủ, thật sự chúng ta cũng không quan tâm quá nhiều, bạn tin hay không, riêng tôi rất thích mùa đông ở xứ này.
Bạn đã đê mê vẻ đẹp và sự hấp dẫn của những đêm hè dịu mát vào tháng Sáu hoặc tháng Bảy, cùng sự hứng thú đó bạn sẽ thấy nó trổi dậy chiếm trọn vẹn tâm hồn bạn vào những đêm mùa đông. Khi tuyết phủ giăng đầy bạn sẽ nghe được những âm thanh lạo xạo dưới gót giày, đêm đông trong suốt, lạnh và muôn vạn hành tinh lấp lánh trên bầu trời, ánh trăng trong vắt phản chiếu trên vùng sa mạc tuyết giống như mặt trời sáng rực lúc ban trưa. Những mảnh tuyết treo lơ lửng, đong đưa trên những cành liễu rũ tạo nên một cảnh trí thật tuyệt vời, ngôn ngữ khó có thể diễn tả hết cái kỳ công mà đấng Tạo Hóa đã dựng nên thiên đường nơi hạ giới.
Khi bạn đọc những dòng chữ này, ngày Giáng Sinh và Tết Dương Lịch sắp cận kề, tôi xin gửi đến: những vị lãnh đạo tinh thần, những cơ quan thiện nguyện có tính cách xã hội, các thương gia, các anh chị em văn nghệ sĩ, các hội đoàn chính trị và toàn thể gia đình người Việt trong cũng như ngoài nước, được hưởng nhiều ơn phước và được che chở trong vòng tay nhân ái của Thiên Chúa Ba Ngôi và hưởng mọi sự may mắn đúng như ước nguyện trong suốt 365 ngày sắp tới.
Các văn nhân, thi sĩ, nhạc sĩ đã đem hết tài năng và cảm hứng để ca tụng sự ra đời của Đấng Cứu Thế. Mùa Giáng Sinh không phải chỉ dành riêng cho các tín đồ, mà dành cho toàn thể nhân loại.
Bậc Thầy vĩ đại giáng thế trên cõi trần gian ô trọc, Ngài mang lại thanh bình và niềm vui cho nhân loại, một biểu tượng tâm linh thiêng liêng soi rõ tội lỗi và dẫn dắt chúng ta đến bến bờ hạnh phúc. Vì vậy, bạn đừng ngạc nhiên chúng ta cảm thấy thật sung sướng khi gặp nhau tay bắt, mặt mừng hoặc gửi thiệp để chúc nhau một mùa Giáng Sinh thật vui vẻ và một Năm Mới thịnh vượng.
Trong cuộc sống hàng ngày, tất cả chúng ta đều có những giây phút giận hờn, những cảm giác phẫn nộ hoặc bất thân thiện với một số người. Chúng ta mong họ thay đổi, nhưng ít khi chúng ta quan tâm đến chính bản thân của mình phải tự thay đổi trước. Thái độ, cách cư xử của mỗi người chúng ta phải thay đổi. Đó chính là phương cách giải quyết thật sự để tránh những phiền phức trong cuộc sống. Tinh thần của ngày Giáng Sinh sẽ giúp cho chúng ta để thực hiện điều đó. Chúng ta đang trên đường tiến đến năm 2011. Để bắt đầu một Năm Mới đúng đắn và đầy đủ y’ nghĩa, tôi đề nghị và có y’ kiến với bạn tìm cho mình một đời sống tinh thần sâu đậm hơn, một cái gì vui vẻ, nồng ấm và đẹp đẽ trong tận cùng tâm hồn. Lâu lắm rồi, chính cá nhân tôi cũng quên khuấy đi cái giá trị tinh thần quí báu này vì mãi mê chạy đua với cuộc sống vật chất. Đời con người thăng, trầm, vinh, nhục do chính tư tưởng của họ tạo nên. Hãy quên đi những sự giận hờn, những thất bại não nề, những yếu đuối, những sợ hãi, âu lo trong quá khứ để ung dung bước vào Năm Mới 2011 sắp tới với một sức mạnh mới mẻ tươi mát với mái đầu ngẩng cao và nhịp chân bước vững vàng.
Thế kỷ thứ 21 thật sự đã thay đổi rất nhiều đời sống của nhân loại. Bạn hãy tưởng tượng cuộc đời mà không có điện thoại, ra-đi-ô, máy vô-tuyến-truyền-hình hoặc máy điện toán….Nền kỹ thuật tân tiến như là các máy viễn vọng kính và phi thuyền con thoi đặt trên không gian giúp cho con người biết tất cả những gì xảy ra khắp nơi trên quả đất. Nhưng cũng chính cái sự văn minh vượt bực của con người, chúng ta cũng tạo nên những vấn đề trầm trọng: Quả địa cầu trở nên nóng hơn, những lỗ hổng trên các vùng khí quyển, các thực và động vật hiếm quí bị đe dọa tuyệt giống. Những quốc gia đang có trong tay các kho vũ khí nguyên tử. Chỉ một tai nạn tại một trong những lò nguyên tử đó sẽ thải ra những chất phóng xạ chết người và các chất phế thải của các lò nguyên tử vẫn còn tồn tại rất là nguy hiểm trong hàng thế kỷ. Nhưng cũng là một điều rất đáng mừng, các khoa học gia đã có trong tay những dụng cụ tối tân để nghiên cứu, trị liệu và giải quyết để đương đầu chống lại. Nhưng họ yêu cầu mọi người trên quả đất này hãy cùng nhận lãnh trách nhiệm và tiếp tay với họ.
Mọi năm, cứ đến cuối tháng Mười, cây cối bắt đầu rụng lá. Nhưng năm nay đã gần hết tháng Mười Một, tuy rằng mưa bão hơi nhiều mà cây cối vẫn còn thấy xanh tốt. Có thể vấn đề lớn lao nhất mà quả đất này đang gặp phải là quả đất mà chúng ta đang sống trở nên nóng hơn, bầu khí quyển bị hâm nóng do độc khí cạc-bô-níc (Co2)-và hơi đốt của các nhà máy, các nhà trồng cây đã để cho tia sáng mặt trời hâm nóng bề mặt quả đất, và khi bề mặt quả đất nóng lên thì không đủ lực để đẩy sức nóng đó trở lại vùng không gian.
Cho mãi đến gần đây, một vài khoa học gia tin tưởng rằng sức nóng của quả địa cầu này là sự thật. Những dữ kiện và tin tức thâu thập được gần bề mặt quả đất đã chứng minh hơi nóng có gia tăng chút đỉnh. Cách đây không lâu, có hai khoa-học-gia đã khám phá những chiếc vệ tinh bị giảm độ cao nên đã gây ra vấn đề đọc thời tiết không được chính xác. Khi dữ kiện được điều chỉnh, họ quả quyết quả địa cầu nóng thật. Theo như dự đoán của đa số các khoa-học-gia trên toàn cầu cho biết nhiệt độ sẽ tăng từ một đến ba độ bách phân trong một trăm năm sắp tới.
Một khi quả đất càng nóng, thì nước càng bốc hơi, biển cả, sông hồ, cây cối, đất đai sẽ thiếu nước. Điều này sẽ càng gây nhiều hạn hán, đất đai khô cằn, mùa màng hư hỏng và tạo nên sự khan hiếm thực phẩm.
Sức nóng của quả địa cầu cũng có thể gây cho những băng đá của vùng Bắc Cực tan chảy, gây cho mực nước biển dâng lên cao từ 0.3 đến 0.6 m. Những phố xá dọc theo các vùng duyên hải khắp nơi trên thế giới sẽ bị lụt lội. Một vài quần đảo sẽ biến mất. Các khoa-học-gia nói rằng chúng ta không thể làm gì nhiều để ngăn sức nóng của quả địa cầu trong vòng một trăm năm tới đây. Nhưng chúng ta có thể đề phòng độ nóng gia tăng thêm hơn vào thế kỷ 22-Nếu ngay từ bây giờ chúng ta cương quyết cắt giảm sự thải hồi độc khí cạc-bô-níc (Co2).
Nhưng điều này không dễ dàng thực hiện được. Độc khí CO2 được hình thành do các chất khí đốt như: dầu máy, than đá và hơi đốt…Chúng ta dùng chúng mỗi ngày để chạy xe, máy cày, phi cơ, sưởi ấm nhà cửa, chạy nhà máy…Các rừng cây bị đốn để lấy gỗ cất nhà với một nhịp độ đáng báo động. Nạn phá rừng bừa bãi tại những quốc gia chậm tiến, đặc biệt tại Việt Nam, đã gây ra hạn hán và lụt lội kể từ khi Cộng quân về cưỡng chiếm miền Nam đã gây ra không biết bao nhiêu đau khổ cho đồng bào ruột thịt tại quê nhà.
Các nhà bảo vệ môi sinh, các khoa-học-gia, các vị lãnh đạo đang lãnh trách nhiệm một cách trực tiếp để đương đầu với một vấn đề quan trọng nhất, có tính cách sinh tử, để tìm cách bảo quản cho quả đất này được an toàn. Và họ đã kêu gọi mọi người ở khắp nơi trên thế giới hãy tự mình nhận lấy trách nhiệm bằng cách y’ thức và cùng tiếp tay để giải quyết những vấn đề quan trọng này. Những công việc mà tất cả chúng ta dễ dàng thực hiện là mỗi lần đi đâu nên dồn nhau lên một xe, đi làm bằng xe buy’t hay skytrain, đi bộ hoặc đạp xe đạp…Càng ít xe cộ trên đường thì độc khí cạc-bô-níc (Co2) ít thải ra trong bầu khí quyển. Trồng thêm cây cối sau sân nhà để có nhiều dưỡng khí o-xy và diệt bớt độc khí CO2.
Nhân dịp Giáng Sinh và Năm Mới, tôi xin gửi hầu bạn những truyền thuyết, những tập tục, những câu chuyện… liên quan đến cái ngày vĩ đại này để bạn đọc cho vui.
Thời xa xưa ở nước Anh, dịp Giáng Sinh, người ta thường cầu nguyện như thế này: “Xin Chúa cho chúng con một ít mặt trời. Một ít công việc, một chút nghỉ ngơi. Cho chúng con trong cuộc đời lao động. Đồ ăn hàng ngày, và chút phó-mát tươi. Cho chúng con xin: sức khỏe và bao dung. Một ít thơ ca, ít nhiều sách vở. Cầu xin Chúa cho chúng con có thể trở thành người mỗi ngày một tốt hơn. Vì rằng con người sống nơi trần thế, chưa biết sống với nhau như những anh em”.
Những lời giản dị mà thể hiện đầy đủ quan niệm của người xưa về hạnh phúc và một cuộc sống yên bình theo y’ Chúa. Chúng ta hãy nâng cốc mừng Giáng Sinh và tạ ơn Đức Chúa vì những ân huệ mà Ngài ban tặng!.
Trong ngày lễ Giáng Sinh này, bỗng nhớ mấy câu thơ của Joseph Brodsky: “Trang sách và lửa, lúa và cối xay. Mũi giáo nhọn và mái tóc cắt ngắn. Chúa giữ gìn tất cả-đặc biệt là lời. Của tha thứ, tình yêu-như là giữ giọng.”
Tình Yêu, An Bình và Niềm Vui đã đến trên địa cầu trong lễ Giáng Sinh để làm cho bạn hạnh phúc và hân hoan. Chúc cho niềm hạnh phúc tràn ngập cuộc đời bạn.
Tôi xin kể cho bạn nghe một câu chuyện có thật, đã được nhạc sĩ Tony Orlando phổ thành nhạc với tựa đề: “Cột dãy lụa vàng quanh cây sồi già”:
Vào mùa Giáng Sinh năm 1980. Ba đứa trẻ vị thành niên bước lên xe buy’t tại tiểu bang New Jersey. Một ông hành khách ăn mặc nghèo nàn ngồi cô độc và thầm lặng. Khi xe buy’t dừng lại trạm đầu tiên, mọi người bước xuống nghỉ xả hơi ngoại trừ người đàn ông này. Khi ba đứa trẻ trở lại xe buy’t, một trong ba đứa chào hỏi ông và ông mỉm cười e thẹn đáp lễ.
Đến trạm thứ nhì, trong khi mọi người xuống xe, một trong ba đứa cuối cùng quay lại nói với ông: “Bác ơi! Xuống đây với tụi cháu. Ít nhất dưỡi chân tay cho khỏe”.
Ông nghe vậy theo xuống. Bọn trẻ mời ông dùng cơm trưa chung. Một đứa nói: “Tụi cháu đi Florida để nghỉ cuối năm. Ở Florida nắng ráo và quang cảnh đẹp lắm”.
Ông ta trả lời: “Ờ, thì đẹp”.
-“Bác đã từng ở đó chưa?”.
Ông nói: “Bác đã từng ở đó”.
Một đứa hỏi: “Bác còn nhà cửa và gia đình ở đó không?”.
Ông nhìn một cách xa xôi và trả lời: “Bác- bác không biết nữa”.
-“Bác định nói gì, không biết nữa là sao?”.
Cảm kích vì sự nồng ấm và cởi mở chân tình của chúng, ông đã chia sẻ tâm sự của ông qua câu chuyện sau đây:
-“Không dấu gì các cháu. Nhiều năm trước đây, bác bị nhốt tại nhà tù Liên Bang. Bác có một người vợ rất xinh đẹp và đàn con tuyệt vời. Bác đã nói với vợ bác rằng, “Em yêu, đừng viết thư cho anh. Anh sẽ không viết thư cho em. Con cái sẽ không biết cha của chúng đang bị ở tù. Nếu em muốn, cứ việc và đi tìm một người đàn ông khác-Một người sẽ là một người cha tốt cho những đứa con của mình”.
-“Bác không biết là bà ta có giữ trọn vẹn phần của bà về sự yêu cầu này hay không. Bác đã giữ đúng phần của bác. Tuần vừa qua khi bác biết chắc bác sẽ được ra khỏi tù, bác viết một lá thư gửi cầu may đến địa chỉ cũ; ngay sát vùng ngoại ô của quận lỵ Jacksonville. Bác đã viết để nói với bà rằng: “Nếu mình còn sống ở đó và nhận được lá thư này, nếu mình chưa có tìm được một ai khác để gá nghĩa, và nếu mình cho anh cơ hội để trở lại với mình-thì đây là cái cách mà mình báo cho anh biết. Anh sẽ đáp trên chiếc xe buy’t chạy xuyên qua quận lỵ. Anh muốn mình lấy một miếng khăn trắng và treo nó lên cây sồi già bên ngoài quận lỵ”.
Khi tất cả lên xe buy’t và họ chỉ cách quận Jacksonville vào khoảng mười dặm, bọn trẻ dồn về phía người đàn ông và áp những khuôn mặt vào cửa sổ xe buy’t để nhìn. Ngay khi họ tiến đến sát vùng ngoại ô quận Jacksonville ở đó một cây sồi đứng sừng sửng. Bọn trẻ la lớn và nhảy khỏi xuống hàng ghế ngồi. Chúng nó ôm nhau vừa nhảy múa vừa hét lớn: “Nhìn cây sồi kia đi! Nhìn kỹ đi bà con ơi!”.
Không những một miếng vải trắng mà còn có cả tấm chăn trải giường, những quần tây trắng của các con, và những bao gối màu trắng! Cả cây sồi được bao phủ với hàng tá vải màu trắng.
Bạn biết không? Sau động tự “YÊU”….động tự “GIÚP ĐỠ” là một động tự đẹp đẽ nhất trên thế giới.
Có một người, vào một đêm ông ta nằm mơ. Ông ta đã mơ thấy ông chết và đang ở trong căn phòng rộng. Trong căn phòng này có đặt một cái bàn lớn với đủ loại thức ăn ngon lành, mọi người đều ngồi sẵn trên ghế, hẵn nhiên đang đói bụng. Nhưng những cái ghế đó lại cách cạnh bàn cả một thước và mọi người lại bị dính chặt không thể đứng dậy khỏi ghế. Những cánh tay của họ không đủ dài để với gắp thức ăn trên bàn. Trong cơn mơ chỉ có duy nhất một cái muỗng (thìa) lớn, dài một thước. Mọi người đều giành giựt, cãi nhau, xô đẩy để cố gắng giữ lấy cái muỗng đó. Cuối cùng, trong cảnh hỗn loạn, xô bồ, một tên anh chị trong nhóm giành được cái muỗng. Hắn chìa ra để múc thức ăn, và cố đưa thức ăn vào miệng nhưng cái muỗng quá dài và lớn không làm sao đưa tới miệng của hắn được. Thức ăn đổ xuống sàn nhà. Lập tức, người khác chớp lấy cái muỗng để múc lấy thức ăn, nhưng hắn ta không ăn được miếng nào cả. Vì cái cáng quá dài.
Trong mơ, người đàn ông quan sát tất cả cảnh ấy và nói với người hướng dẫn, “Đây chính là địa ngục-có thức ăn và không thể nào ăn được”.
Người hướng dẫn ông ta trả lời, “Ông nghĩ ông đang ở đâu vậy? Đây chính là địa ngục. Nhưng đây không phải là chỗ của ông. Xin mời theo tôi”. Và họ đi vào phòng kế bên. Trong căn phòng này cũng có một chiếc bàn lớn ngập tràn thức ăn ngon như trên. Mọi người đang ngồi an vị trên ghế, và không hiểu vì một ly’ do gì tất cả không thể nào nhổm dậy ra khỏi ghế.
Giống như những người ở phòng kế bên, họ không thể lấy được thức ăn trên bàn. Tuy nhiên tất cả đều lộ rõ nét nhìn mãn nguyện và vui vẻ. Trên bàn chỉ có một cái muỗng lớn cáng dài. Không một ai giành giựt cái muỗng đó làm gì. Thực vậy, một người nắm lấy cái cáng muỗng, đưa ra múc thức ăn và đút vào miệng của người khác. Và họ thay phiên làm như vậy cho đến khi ai nấy đều được ăn no nê. Người hướng dẫn nói: “Đây đúng là thiên đường”.
Bạn suy ngẫm đi. Điều gì đã xui khiến chúng ta đối xử với con người một cách bội bạc như vậy? Đó chính là sự giận dữ, ganh tỵ, bản chất tham lam hoặc do cái cảm giác cho rằng người khác là mối đe dọa trầm trọng cho chính bản thân của chúng ta.
Cho phép tôi kể hầu bạn một câu chuyện nữa:
Suốt thời đại của cố tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt, tình hình trong nước thật khó khăn. Tổng Thống hứa hẹn một ánh trăng rạng rỡ hơn, nhưng gia đình Beasleys chẳng thấy mặt trăng nào mọc trên bầu trời tỉnh lỵ của tiểu bang khốn khổ Texas.
Vì vậy khi ông Beasley nhận một cú điện thoại cho biết con ông ở California bị trọng bệnh và không mong gì qua khỏi, Bill Beasley không biết làm cách nào gom góp đủ tiền để cho vợ chồng ông để đi thăm viếng con mình. Bill đã làm tài xế xe vận tải suốt đời, ông không bao giờ dành dụm được đồng xu cắc bạc nào cả. Nuốt nhục, ông điện thoại cho những người bà con gần để vay mượn, nhưng họ cũng chẳng giàu có gì.
Trước hoàn cảnh chẳng đặng đừng ông lội bộ cả dặm đường để đi đến trạm xăng và bảo với người chủ trạm: “Con trai tôi bị bệnh nặng quá và tôi cũng chẳng còn đồng xu nào dính túi. Ông có thể cho phép tôi gọi chịu một cú điện thoại viễn liên đi California hay không?”.
“Ông cứ gọi đi và nói chuyện bao lâu cũng được”, ông chủ trạm xăng trả lời. Ngay khi ông bắt đầu quay số để gọi, ông bị một giọng nói cắt ngang: “Ông có phải Bill Beasley không?”.
Đó là một người lạ mặt, nhảy xuống từ một xe vận tải chở hàng với bảng số ngoài tiểu bang khác. Cậu thanh niên trai trẻ này trông lạ hoắc, và Bill nhìn cậu ta một cách bối rối và trả lời: “Chính tôi đây”.
“Con của bác là một trong những người bạn thân nhất của cháu lúc còn nhỏ. Sau đó cháu đi học cao đẳng, chúng cháu đã mất liên lạc”. Hắn ngừng lại một chút rồi hỏi tiếp: “Cháu nghe bác nói con bác đang bị trọng bệnh phải không?”.
“Ừa! Tình trạng tồi tệ lắm, bác nghe được như vậy. Bác gọi điện thoại hỏi thăm và cố tìm cách sắp xếp để gửi bác gái đến thăm nó. Chúc cháu một mùa Giáng Sinh thật vui vẻ. Ước gì ba cháu vẫn còn với chúng ta”.
Ông già Beasley bước vào văn phòng trạm xăng để gọi cho một người bà con ở vùng duyên hải miền Tây, thông báo cho anh ta biết ông hoặc vợ của ông hy vọng có thể đến đó sớm.
Khuôn mặt già nua cằn cỗi bao trùm một nét buồn thảm lo lắng ông đoan chắc với người chủ trạm xăng ông sẽ trả lại tiền điện thoại viễn liên sớm chừng nào tốt chừng đó.
“Cậu tài xế xe tải, người bạn thuở bé của con ông đã trả hết tiền điện thoại cho ông rồi- đã để lại hai chục đô-la và còn bảo trả lại tiền dư cho ông. Hắn cũng để lại cho ông phong thư này”.
Ông già Beasley run run mở phong thư và lôi ra hai tờ giấy. Một tờ được viết: “Bác là một tài xế xe tải mà cháu đã từng đi chung với bác, người đầu tiên ba cháu rất tin tưởng để cho cháu đi theo xe của bác khi cháu vừa đúng năm tuổi. Cháu nhớ bác đã mua cho cháu phong kẹo sô-cô-la hiệu Snickers”. Tấm giấy thứ hai, nhỏ hơn, một tấm ngân phiếu được ky’ sẵn với một câu ghi chú: “Bác ghi số tiền cần thiết cho bác và bác gái để làm một chuyến du hành qua Cali thăm con của bác…và mua cho con của hai bác, bạn thân của con, một phong kẹo sô-cô-la hiệu Snickers. Chúc hai bác một mùa Giáng Sinh thật vui vẻ”.
Bạn có công nhận với tôi khi bạn cầm một cánh hoa hồng tặng cho một người nào đó, bàn tay của bạn phảng phất mùi thơm trước hết, phải không?.
Vẫn còn ngứa miệng, bạn cho phép tôi kể hầu bạn một cốt chuyện nữa: Điều ước đêm Giáng Sinh: (Alan D. Shultz)
Khi bé Ami Hagadorn vòng qua góc phòng họp bên cạnh lớp học, cô bé không để y’ nên va phải một cậu bé học lớp 5 đi ngược lại. Cậu này hét vào mặt cô bé: “Đi đứng thế hả, đồ dị hợm”, sau đó với ánh mắt giễu cợt, cậu ta nhấc chân phải lên và bắt chước dáng đi cà nhắc của Ami.
Bị xúc phạm, nhưng cố hết sức, Ami tự nhủ “kệ xác hắn” và lầm lũi bước về lớp học. Thế nhưng khi đi học về, Ami cứ nghĩ mãi về hành động của đứa bé kia, và cậu ta không phải là đứa duy nhất. Kể từ lúc học lớp 3, Ami đã phải chịu đựng những lời giễu cợt của các bạn về cách phát âm và cái chân cà nhắc của mình. Ami cảm thấy tủi thân, trong phòng học đầy bạn bè, nhưng cô bé lúc nào cũng thấy mình cô độc.
Bữa ăn tối hôm đó, Ami chẳng nói một lời nào. Mẹ cô đoán ngay là đã có gì không hay xảy ra. Để giúp bé vui hơn, bà thông báo: “Ami này, có một cuộc thi về Điều Ước Đêm Giáng Sinh. Hãy viết thư cho ông già Noel và con có cơ hội đạt giải thưởng. Mẹ nghĩ cô bé tóc vàng đang ngồi trên bàn ăn có thể tham gia đấy”.
Ami cười khúc khích, cuộc thi có vẻ thú vị. Ami bắt đầu miên man suy nghĩ về điều ước của mình.
Chợt cô bé mỉm cười, biết mình phải ước gì. Lấy giấy và bút chì, cô bé bắt đầu viết về điều ước của mình bằng câu: “Kính gửi ông già Noel”. Cả nhà bắt đầu đoán già đoán non Ami sẽ ước gì, chị Ami- Jamine và mẹ cô đoán Ami sẽ ước con búp bê có 3 chân, bố Ami lại đoán là một cuốn sách hình. Còn Ami thì vẫn giữ bí mật. Đây là bức thư Ami gửi ông già Noel:
“Kính gửi ông già Noel,
Cháu tên là Ami. Năm nay cháu chín tuổi. Cháu có chuyện khó xử ở trường ông có thể giúp cháu không? Các bạn luôn chế giễu cách cháu phát âm và cái chân cà nhắc của cháu. Cháu bị bệnh liệt não. Cháu chỉ ước một ngày không bị cười nhạo. Thương yêu ông. Cháu Ami”.
Hôm ấy tại đài phát thanh WJTL ở Fort Wayne, bang Indiana, rất nhiều thư từ khắp nơi đổ về tham gia cuộc thi “Điều Ước Đêm Giáng Sinh”. Nhân viên đài đôi khi phải bật cười vì những món quà khác nhau mà các cô bé, cậu bé mong ước.
Đến lá thư của Ami, giám đốc Lee Tobin đọc đi đọc lại mãi. Ông biết liệt não là một căn bệnh rối loạn cơ, mà bạn bè của Ami chắc chẳng thể nào hiểu được. Ông cho rằng, cần phải cho mọi người ở Fort Wayne nghe về câu chuyện đặc biệt của cô bé học lớp 3 và điều ước khác thường của cô. Ông nhấc máy gọi một tờ báo địa phương đến.
Ngày hôm sau, hình Ami và lá thư cô bé gửi ông già Noel xuất hiện trên trang nhất của tờ News Sentinel. Câu chuyện nhanh chóng lan nhanh. Trên cả nước, báo chí, đài phát thanh và truyền hình đều tường thuật về câu chuyện của cô bé ở Fort Wayne, Indiana, cô bé chỉ mong một món quà đơn giản nhưng đầy y’ nghĩa của đêm Giáng Sinh- Một Ngày Không Bị Cười Nhạo.
Hôm ấy như thường lệ bưu tá lại đến nhà Hagadorn. Rất nhiều thư được gửi cho Ami, cả trẻ em và người lớn trên khắp nước Mỹ. Đó là những thiệp mừng hoặc những lời động viên khích lệ.
Suốt mùa Giáng Sinh, hơn hai ngàn người trên khắp thế giới đã gửi đến cho Ami những lá thư thân ái và động viên. Cả nhà Ami đọc từng lá thư một. Một số viết rằng họ cũng bị tật và bị chế giễu khi còn nhỏ. Mỗi lá thư là một lời nhắn gửi đặc biệt. Thông qua những lá thư và thiệp của mọi người, Ami phát hiện ra một thế giới toàn những bạn bè thực sự quan tâm và lo lắng cho nhau. Cô bé nhận ra rằng, không còn bất cứ lời chế giễu nào có thể làm cho cô cảm thấy bị bỏ rơi. Nhiều người đã cám ơn Ami đã dám mạnh dạn bày tỏ mong ước của mình. Những người khác động viên Ami bỏ ngoài tai những lời chế nhạo và phải luôn luôn ngẩng cao đầu-Lynn- một cô bé học lớp 6 ở Texas, đã gửi cho Ami: “Mình muốn làm bạn của cậu và nếu cậu muốn thăm mình, chúng ta có thể chơi đùa với nhau. Không ai có thể cười cợt chúng ta, và dù họ có làm như thế, chúng mình cũng chẳng thèm nghe”.
Ami đã có một điều ước thật đặc biệt không bị giễu cợt ở trường tiểu học South Wayne. Hơn thế, tất cả mọi người ở trường được thêm một bài học. Cả thầy và trò cùng nói chuyện với nhau về việc chế nhạo đã làm cho người khác cảm thấy bị tổn thương như thế nào.
Năm đó, thị trưởng Fort Wayne chính thức tuyên bố ngày 21/12 là ngày Ami Jo Hagadorn trên khắp thành phố. Thị trưởng giải thích rằng, bằng cách dám đưa ra một điều ước đơn giản như thế, Ami đã dạy cho mọi người một bài học.
Thị trưởng phát biểu rằng “Mọi người đều mong muốn và xứng đáng được người khác đối xử tôn trọng, thân ái và quí mến”.
Để giải khuây cho tinh thần của bạn thoải mái đôi chút. Tuần vừa qua, vợ chồng tôi đi tham dự một bữa tiệc tiễn đưa một cặp vợ chồng người bạn thân đi về Việt Nam để thăm quê hương tại nhà hàng hải sản The Roc trên đường Kingsway, Vancouver, B.C. Bữa tiệc chỉ có 5 cặp, chúng tôi đã chuyện trò rất cởi mở đủ thứ chuyện đời. Một anh bạn đã than thở: “Vừa rồi, trên xe buy’t đông người, ông tài xế lại mở sưởi lớn cho nên nóng quá, tôi cởi cái áo lạnh để trên ghế, lúc bước xuống xe quên hẳn không nhớ. Lúc nhớ lại, thì xe đã chạy mất. Cái áo lạnh đó rất hợp với bộ đồ thể thao mới ác chứ, vả lại tôi mới mua tuần trước”.
Tôi an ủi anh ta: “Của mất người còn là phúc lắm rồi. Lần sau nếu anh có đi xe buy’t đó lại, nhớ cởi cái quần vắt ngay chỗ anh ngồi. Biết đâu người đã nhặt được cái áo, nay họ nhặt được cái quần sẽ cho họ có được nguyên bộ? Như vậy không tốt hay sao?”.
Cả bọn chúng tôi cùng cười vui vẻ sau câu nói đùa đó.
Tôi nói tiếp: “Các bạn biết không? Cũng vào dịp Giáng Sinh, Thánh Gandhi, ông leo lên một toa xe lửa, một trong hai chiếc giày của ông bị sút ra và rớt xuống đường rày xe lửa. Ông chụp lại không kịp trong khi xe lửa bắt đầu lăn bánh. Những người bạn đồng hành với ông rất lấy làm ngạc nhiên thấy ông Gandhi bình tĩnh cởi chiếc giày còn lại vứt nó xuống ngay chỗ chiếc giày bị tuột khỏi chân. Một người hành khách đi cùng chuyến hỏi tại sao ông làm như vậy?. Thánh Gandhi cười và nói: “Một người nghèo khổ nào đó thấy chiếc giày nằm ở đường rày, bây giờ họ sẽ có được một đôi để mang”.
Bây giờ xin mời bạn trở lại vấn đề tìm hiểu:
Lễ Giáng Sinh: Năm nay mùa đông tại tỉnh British Columbia, Canada rất khắc nghiệt, năm của nữ thần băng giá mang mỹ danh: La Ninã. Bà chằn tinh này đang “hô phong hóa vũ” làm cho mọi người run cóng cả lên. Theo các nhà khí-tượng-học, đây là mùa đông tệ hại nhất kể từ năm 1955. Vợ nhà còn chịu được sá gì mụ phù thủy này? Quên mụ ta đi, phải không bạn?. Bây giờ tôi xin kể cho bạn nghe: Sự Tích Giáng Sinh:
Giáng Sinh là ngày lễ hàng năm vào ngày 25 tháng 12 để kỷ niệm ngày Đấng Cứu Thế (Jesus Christ) ra đời. Nguồn gốc của ngày lễ không rõ, nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng một phần bắt nguồn từ những nghi lễ cử hành bởi những người Tiền Cơ Đốc Giáo thuộc dân Đức và Âu Châu để kỷ niệm ngày Đông Chí (khoảng 22 tháng Chạp ở Bắc Bán Cầu). Những lễ hội Giáng Sinh đã thông thường cử hành từ thế kỷ thứ 4 bởi những người Cơ Đốc được hội nhập những tập tục của người ngoại giáo như dùng nhánh cây Holly, cây Mistletoe để trang trí, khúc củi Yule đốt trong đêm và những chén rượu chúc mừng sức khỏe. Tên cây Giáng Sinh (Christmas tree), một cây xanh tươi bốn mùa được cắt tỉa đẹp đẽ và trang hoàng với những ngọn đèn và đồ trang trí, rút từ những vỡ kịch tôn giáo của người Đức (thời Trung Cổ) gọi thông thường là cây thiên đàng, biểu tượng cho vườn Địa Đàng (Eden).
Việc dùng cây Giáng Sinh đã bắt đầu vào tiền thế kỷ 17 ở Pháp tỉnh Strasbourge, và từ đó lan rộng sang Đức và sau đó vào Bắc Âu Châu. Vào năm 1841, chồng của nữ hoàng Victoria đã đưa cây Giáng Sinh vào phong tục Anh quốc; rồi cây Giáng Sinh được đi theo người di dân Hòa Lan (Dutch) vào Hoa Kỳ. Trong thời gian này người di dân Hòa Lan cũng đã mang vào Tân-Thế-Giới một tập tục kỷ niệm ngày Thánh Nicholas vào ngày 6 tháng Chạp. Đặc biệt nhất là vào ngày Eve (ngày hôm trước ngày Thánh Nicholas), trẻ con được những quà tặng từ những người đóng vai Thánh Nicholas. Dân định cư người Anh đã tiếp thu tập tục này vào ngày kỷ niệm Chrismas Eve (ngày hôm trước ngày Christmas). Santa Claus, tên của một người huyền thoại với mũ đỏ và luôn vui vẻ phát quà cho trẻ con ngoan vào ngày Christmas, đã rút từ tiếng Hà Lan “SinterKlaas”, cải danh từ Sint Nikolaas.
Tiếng Anh gọi lễ Giáng Sinh là Christmas, tiếng Anh cổ thời xưa gọi Lễ Giáng Sinh là Cristes Maesse. Từ Cristes Maesse có nghĩa ngày lễ của Chúa (Christ’s Mass). Ngày lễ Giáng Sinh được tổ chức vào ngày 25 tháng 12 Dương Lịch để kỷ niệm ngày sinh của Chúa Jesus Christ và được coi là ngày nghỉ lễ chính thức của các nước theo đạo Thiên Chúa.
Cây Nô-Ên: Tiếng Nô-Ên do tiếng Pháp mà ra và có nghĩa là Giáng Sinh. Người Anh gọi cây Nô-Ên là Christmas tree. Cây Nô-ên thường là cây thông nhân tạo làm bằng ni-lông (nylon) hay là cây thông thật được chặt ở rừng đem về nhà. Người ta trang trí cây thông này bằng dây đèn đủ màu cùng với các đồ trang hoàng khác như giấy bạch-kim để giả làm tuyết phủ, kẹo xanh trắng đỏ có hình cây gậy (candy canes), các gói quà giả, các quả bóng nhỏ đủ màu làm bằng thủy tinh, hình thiên thần, và cây Thánh giá..v.v..Dưới chân cây Nô-ên người ta có các gói quà do những người trong gia đình mua để tặng cho nhau. Cây Noel là một thứ không thể thiếu được trong mùa Giáng Sinh.
Việc dùng cành thông và vòng hoa kết bằng lá xanh (wreath) treo ở mặt ngoài cánh cửa nhà để biểu lộ sự ước mong vĩnh cửu cho đời sống con người là cổ tục của người Ai Cập (Egyptian), Trung Hoa và Do Thái. Việc tôn thờ cây thông và vòng hoa rất được thông dụng ở Châu Âu đối với người không theo đạo Thiên Chúa. Tục lệ này vẫn còn tồn tại sau khi họ nhập đạo Thiên Chúa.
Người ở các nước Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy, gọi chung là người Scandinavian, thường trang hoàng nhà cửa và vựa lúa với các loại cây vạn-niên-thanh vào dịp Năm Mới để xua đuổi ma quỷ. Họ còn dựng cây cho chim trú ngụ trong mùa Giáng Sinh. Phong tục này còn có ở Đức. Người ta đặt cây Noel ngay ở lối ra vào hay ở trong nhà vào những ngày nghỉ lễ giữa mùa đông.
Cây Noel hiện đại ngày nay có được là do phong tục của Tây Đức. Cái khung cảnh chính của vở kịch nổi tiếng hồi trung cổ về sự tích ông Adam và bà Eve là một cây thông có treo những quả táo gọi là Cây Thiên Đàng. Người Đức dựng Cây Thiên Đàng (Paradise Tree) tượng trưng cho Vườn Địa Đàng (Garden of Eden) vào ngày 24 tháng 12, ngày hội tôn giáo để kỷ niệm ông Adam và bà Ê-và (Eve). Người ta treo những miếng bánh bít-qui (biscuits) gọi là wafers trên Cây Thiên Đàng tượng trưng cho dấu hiệu của Chúa Jesus đứng ra chuộc tội cho nhân loại. Sau này người ta thay thế bánh wafers bằng bánh cúc-ki (cookies) có đủ hình dáng khác nhau. Kể cả những cây đèn cầy hay nến cũng được dùng làm biểu tượng của Chúa đứng ra chuộc tội cho nhân loại.
Thánh ca Giáng Sinh: Trong tiếng Anh, những bài hát vui đêm Giáng Sinh được gọi là Carol, tiếng Pháp là Noel, tiếng Y’ là Pastorelles và tiếng Đức là Kristilieder. Chúng bắt nguồn có lẽ từ các nhà thờ xưa, nơi thường diễn những vở kịch nhớ về sự ra đời của Chúa và có kèm theo những bài hát vui. Ngày nay, những bài Thánh ca Giáng Sinh đã được sáng tác thêm rất nhiều, một số ngợi ca Thiên Chúa, một số khác có nội dung mừng lễ hội. Một trong những bài Thánh ca nổi tiếng và được dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất trên thế giới, đó là bài “Silent Night, Holy Night” (Đêm Thánh Vô Cùng). Tác giả của bản nhạc bất hủ này là Cha xứ Joseph Mohr (1792-1848) viết lời và nhạc do thầy giáo Franz Xaver Gruber (1787-1863) soạn một lần đầu tiên bản thánh ca này được hát vào ngày 24 tháng 12 năm 1818. Cha Mohr sinh tại Salzburg, Áo quốc. Sau khi chịu chức linh mục năm 1815, cha về làm việc tại nhà thờ St. Nikolaus Oberndorf, Đức. Bài Thánh Ca Weihnachtslied “Stille Nacht! Heilige Nacht! Silent Night! Đêm Thánh Vô Cùng” ra đời và được hợp ca với một cây đàn nhỏ phụ họa, đó là bài thánh ca bất hủ.
Viết về truyền thuyết của ngày Giáng Sinh, ông già Noel, cây thông, cách đón rước Ngày Đại Lễ này của các quốc gia trên thế giới…thì không biết bao giờ mới chấm dứt.
Chúng ta đã trải qua 35 mùa Giáng Sinh nơi xứ người. Đất nước đang nằm trong tay bọn Rợ Hán (qua chủ nghĩa siêu thực dân kiểu mới không cần tốn một viên đạn). Dân tộc Việt Nam đang đói khổ, lầm than, sống bị một cổ hai tròng, như những đàn cá trong ao tù được chúng nuôi bằng những thực phẩm trộn độc dược. Một cọng rau không dám ăn, một miếng thịt không dám nuốt..v.v…
Tôi đang ngồi trước máy điện toán để đánh những dòng tâm sự này gửi đến bạn mà lòng đau như cắt, nước mắt muốn chực tuôn trào. Mưa gió, bão bùng ngoài kia đang gầm thét, đó là:
Những giọt nước mắt từ trên trời: Vào một buổi tối mùa đông lạnh lẽo, ngồi cùng chồng bên cạnh lò sưởi, Kim Hạnh chợt hỏi:
-“Mưa là gì vậy hở anh?”.
Bên ngoài thời tiết thật là tồi tệ, những giọt nước mưa đập vào ô cửa sổ tách, tách, tách, tách.
-“Anh ơi! Mưa là gì vậy hở?”. Kim Hạnh vừa lặp lại câu hỏi vừa lay bàn tay chồng.
-‘‘Mưa hả em, đó có nghĩa là trời đang khóc đấy ».
-‘‘Nhưng tại sao trời lại khóc?’’.
-‘‘Ừ, cũng không hẳn là trời khóc đâu. Đúng hơn đó là những giọt nước mắt của tất cả những người buồn sầu trên thế giới đã kết lại thành mây.
-‘‘Tất cả những giọt nước mắt ư? Thật thế hả anh?
-‘‘Không phải tất cả nhưng là hầu hết. Những giọt nước mắt từ trời là của những người buồn sầu mà không được ai an ủi. Còn nếu như họ được an ủi thì những giọt nước mắt ấy sẽ đọng lại và cất giữ trong tim giống như một kho tàng quí giá.
-‘‘Nhưng tại sao mưa nhiều quá vậy?’’.
-‘‘Điều đó có nghĩa là ngày nay nhiều người than khóc nhưng lại có quá ít người an ủi’’.
-‘‘Vậy làm sao để cho mưa tạnh? Em phải an ủi tất cả mọi người trên thế giới này ư? Em muốn ngày mai trời lại nắng.
-‘‘Chỉ cần an ủi một người là đủ, ngay khi họ đang khóc, khi mà em gặp họ. Nhưng anh không chắc là em làm được điều đó’’.
-‘‘Vậy tối nay em sẽ đặt nhiều ly ở bậu cửa sổ để hứng nước mưa. Và em sẽ mang trả lại cho những người chủ thật sự của chúng, những người đã buồn sầu than khóc.’’
-‘‘Nhưng làm sao em có thể trả lại đúng giọt nước mắt cho từng người được?. Họ đâu có ghi tên trên đó.’’
Kim Hạnh đã không trả lời được câu hỏi của chồng nhưng nàng biết rằng có một cách. Sáng hôm sau, nàng kiên nhẫn đặt từng giọt nước lên lòng bàn tay và nhìn vào bên trong. Những giọt pha lê nhỏ bé ấy còn đọng lại một khuôn mặt.
Nhân mùa Giáng Sinh, tôi chân thành :
-Chúc cho Giáng Sinh này đặc biệt đến nỗi bạn sẽ không bao giờ còn cảm thấy cô đơn nữa và luôn có những người thương yêu bên cạnh.
-Bạn thật đặc biệt. Bạn thật tuyệt vời! Chúc Giáng Sinh của bạn cũng đặc biệt và tuyệt vời như bạn vậy.
-Tình Yêu, An Bình và Niềm Vui đang đến trên địa cầu trong dịp Giáng Sinh để làm cho bạn hạnh phúc và hân hoan. Chúc cho niềm hạnh phúc tràn ngập cuộc đời bạn.
Mây-Cao-Nguyên
No comments:
Post a Comment