Nguyễn Ngọc Loan sinh năm 1930 tại Huế nhưng gia đình gốc Bắc Kỳ. Năm 1952 ông bỏ lỡ sự học tại trường Dược để gia nhập quân đội với Khóa 1 Nam Định. Năm 1953 sang Pháp học lái máy bay chiến đấu tại Trường Salon de Province. Sau Hiệp định Genève ông về nước, trở thành phi công lái máy bay khu trục đầu tiên của Không quân VNCH. Đầu thập niên 1960 giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Phi đoàn 2 Quan sát tại Nha Trang. Đến năm 1964 thăng cấp đại tá, giữ chức Tư lệnh phó Không quân do Tướng Nguyễn Cao Kỳ là Tư lệnh.
Mặc dầu là một cựu sinh viên dược khoa và là một pilot nhưng ông lại mang dáng dấp của một triết nhân diễu đời. Chức vụ càng cao, nhiệm vụ càng nặng thì ông càng diễu đời hơn. Ông giải quyết mọi khó khăn của quốc gia giống như đùa chơi với định mệnh. Phong cách làm việc của ông được nhiều người ghi lại với ít nhiều chê trách:
Hồi ký của Đại tá Văn Văn Của ghi lại nguyên văn một đoạn đối thoại với Nguyễn Ngọc Loan về chuyện mấy ông Tướng tính chuyện thành lập chính phủ quân đội :
“Một buổi sáng tôi đang sửa soạn đi Biên Hòa thì điện thoại reo, đầu giây bên kia là ông em vợ, Đại tá Không quân Nguyễn Ngọc Loan : (Loan) -“Ông ơi (trong nhà chúng tôi xưng hô với nhau bằng Ông, vửa nửa đùa nửa thật, khỏi phải rường rà vai vế) Ông hôm nay chờ tôi ra đón lên chỗ tướng lãnh họp. Thành lập chính phủ quân nhân mới. Thiệu làm Quốc trưởng, Kỳ làm Thủ tướng. Ông phải lãnh Đô trưởng! Lên đó thì biết”. Tướng Loan đã ghi nhận chuyện quốc gia đại sự giống như là phân vai đóng tuồng trên sân khấu; như một trò vui nửa khôi hài, nửa bi đát.
Hồi ký của nhà báo Dân biểu Võ Long Triều kể lại những mẫu đối thoại của Đại tá Nguyễn Ngọc Loan từ Miền Trung gọi về cho Tướng Kỳ trong những ngày hành quân ổn định biến loạn. Võ Long Triều kể lại :
“Tôi đến trễ, chỉ nghe được lõm bõm : (Loan) - “Ông ơi bây giờ con khỏi sự ra khỏi căn cứ không quân (Đà Nẵng) của mình đây”. Thỉnh thoảng lại nghe : - “Cụ ơi, tụi nó bắn rát quá”- “Ông ơi con dẹp được đám này rồi” – “Ông ơi con tóm đầu cả đám rồi” – “Ông ơi con đưa ông thầy Có (Tướng Nguyễn Hữu Có) của mình và thằng Cao (Tướng Huỳnh Văn Cao) về Sài Gòn cho ông, bây giờ con tiếp tục ra Huế hay đi về?” Tướng Kỳ trả lời: - “Ra Huế” – “Ông ơi con đi đường bộ nhé”. Kỳ trả lời: - “Đồng ý”.
Và một đoạn nói chuyện bằng điện thoại giữa Bộ trưởng bộ Thanh niên Võ Long Triều với ông trùm mật vụ Nguyễn Ngọc Loan :
“(Triều) : - Loan đó hả, Triều đây. Anh Kỳ bảo tao đến gặp mày để giải trừ những thắc mắc, coi như đó là một lỗi lầm nên bỏ qua. Mầy có rảnh không? Anh Kỳ muốn tụi mình gặp nhau để đả thông tư tưởng và tránh mọi tai hại về sau”. – “Rảnh, mais chez moi” (nghĩa rảnh mà tại văn phòng tôi). Câu trả lời xấc xược làm tôi bất bình nhưng cũng nén giận trả lời – “Mầy đừng có giở cái giọng khó nghe đó. Nếu là bạn bè gặp nhau thì chỗ nào cũng được. Còn nếu thẳng thừng mà nói thì tao có quyền yêu cầu Nội các triệu kiến mày đến trình bày trước Nội các về hành động phi pháp lộng quyền của mầy để Chính phủ xét đoán”. – “Dạ bẩm cụ, con biết mà cụ, cụ là quan lớn con làm sao dám bì với cụ”. – “Mầy đừng dở hơi nữa. Ngày mai lúc 11 giờ trưa tao sẽ đến gặp mầy ở đâu?”. - “ Bẩm cụ tại Cục An ninh quân đội của con ạ”.
Nghĩa là ông Giám đốc Tổng nha Cảnh sát, là người dưới quyền của ông Bộ trưởng bộ Nội vụ, mà lại coi ông Bộ trưởng bộ thanh niên không có ký lô nào cả, hẹn gặp tại Cục An ninh thì có ý nghĩa như mời tội phạm đến trình diện Công quyền. Theo như ông Triều thì ông Loan có vẻ mát giây, làm việc mà không tôn trọng nguyên tắc. Nhưng thực ra ngay cả Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ cũng được ông Loan coi chẳng ra gì:
“Ngồi vào ghế đối diện với Tướng Loan tôi thấy trên bàn có một chai la-ve lớn hiệu “33 Larue” đang uống dỡ. Ông cố tình dở giọng lè nhè hỏi tôi: - “Mầy tới đây để chửi tớ đấy à? Thì mầy cứ chửi đi. Thằng này là thằng mọi, bán thân chết sống cho các ông ngồi mát ăn bát vàng, bây giờ lại chửi ông là thằng lộng quyền hả?” – “Loan à, tao đến gặp mầy do anh Kỳ khuyên chúng mình nên trực tiếp bàn thảo để giải tỏa mọi sự bất đồng và tránh gây mọi sự đổ vỡ giữa anh em”. – “Bố Kỳ biết con mẹ gì mà khuyên tao hay khuyên mầy? Ổng ngồi cao quá mà. Chỉ có tao là thằng trâu phải cày để phục vụ cho các ông thôi” (Võ Long Triều, Hồi ký, Tập 1, trang 432-433).
Võ Long Triều nghĩ rằng Nguyễn Ngọc Loan là thuộc cấp của Nguyễn Cao Kỳ ắt phải nể nang Nguyễn Cao Kỳ nhưng thực ra cái chức vụ Thủ tướng của Nguyển Cao Kỳ nếu không có Nguyễn Ngọc Loan thì đã không đứng nổi lấy một ngày. Từ việc lựa chọn nhân sự cho tới cách thức đối phó với giặc trong thù ngoài đều do một tay Nguyễn Ngọc Loan cáng đáng. Từ chuyện “Biến động Miền Trung” cho tới cuộc làm reo gây rồi loạn của các công đoàn công nhân Điện lực, Ô tô buýt, Sở rác; cho tới các cuộc xách động của Thượng tọa Thích Thiện Minh, của các ông trùm Chợ Lớn v.v…đều do một tay của Nguyễn Ngọc Loan giải quyết trong khi Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ kể như bó tay.
Thế nhưng ngoài Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ và CIA thì ít ai biết được bản lĩnh thực sự của Nguyễn Ngọc Loan. Thuở đó Washington và dư luận báo chí Sài Gòn đều khó chịu với cung cách làm việc nửa điên nửa khùng của Nguyễn Ngọc Loan. Võ Long Triều kể :
“Đột nhiên bảy người trong chúng tôi nhận được thiêp của Chủ tịch Ùy ban Lãnh đạo Quốc gia, chính thức trịnh trọng mời dự “tiệc thông cảm” tại dinh Thủ tướng…”. “Đến dự tiệc tôi thấy toàn bộ các tướng lãnh bận y phục đại lễ, các vị trong Ban lãnh đạo Quốc gia và Tổng, Bộ trưởng khăn áo chỉnh tề…”. “Đột nhiên Tướng Loan từ ngoài cổng đi vào, dù không được mời, ông mặc áo chim cò ngắn tay, bỏ lòng thòng ngoài quần jean, chân mang dép trần lẹp xẹp, chào hỏi mọi người bằng câu nói bâng quơ trống rỗng : “Bẩm các cụ ạ”, rồi ông tự động rót rượu, tay bốc lia lịa những thức ăn trên bàn đi quanh quẩn ôm cổ người này nói đùa vài câu, người khác than thân phận thấp hèn của ông đang giang cổ ra mà cày vì đại cuộc v.v…” (trang 440).
Cho tới 40 năm sau ông Võ Long Triều vẫn nghĩ rằng bữa tiệc hôm đó là do vô tình chứ không có sắp đặt cho nên ông mới trách Tướng Thiệu đã im lặng trước thái độ ngang ngược của Nguyễn Ngọc Loan. Nhưng nếu tinh ý một chút ông Triều sẽ thấy rằng: Buổi tiệc nhằm mục đích hòa giải giữa các ông Bộ trưởng Miền Nam với ông Bắc Kỳ Nguyễn Ngọc Loan nhưng không mời ông Nguyễn Ngọc Loan(?!). Và đến khi ông Loan đến phá đám thì Tướng Thiệu và Tướng Kỳ cũng chẳng dám làm gì. Điều này chứng tỏ một là hai ông Thiệu, Kỳ sợ ông Loan một nước; hai là các ông đã có sắp đặt với nhau để thăm dò phản ứng của các phe phái trong cuộc, kể phản ứng của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ.
Đã từ lâu Washington đã biết rằng mọi chuyện rắc rối trong chính trường Miền Nam đều xuất phát từ chủ trương “đất Nam Kỳ của người Nam Kỳ”. Chủ trương này do người Pháp xướng ra sau năm 1945 nhằm mục đích tách Nam Kỳ ra khỏi đất nước Việt Nam. Họ chỉ muốn trao trả đất Bắc Kỳ và Trung Kỳ cho Bảo Đại nhưng giữ Nam Kỳ như tài sản riêng của nước Pháp. Để thực hiện mưu đồ này họ đã bồi dưỡng cho một nhóm chính trị gia Nam Kỳ và tìm cách đưa họ lên các vị trí lãnh đạo chính trị tại Miền Nam. Cho tới khi ông Ngô Đình Diệm lên lãnh đạo đất nước thì người Mỹ đã hỗ trợ cho Tổng thống Diệm gạt các chính trị gia Nam Kỳ ra khỏi sân khấu chính trị Miền Nam để chấm dứt ảnh hưởng của người Pháp. Nhưng sau khi Tổng thống Diệm bị lật đổ thì Nhóm Nam Kỳ Quốc hoạt động trở lại dưới thời Nguyễn Ngọc Thơ, Nguyễn Khánh, Trần Văn Hương, Phan Khắc Sửu. Cho đến khi Nguyễn Cao Kỳ thành lập Nội các chiến tranh thì cũng phải dùng tới 9 ông Nam Kỳ trong Chính phủ, đó là các ông : Nguyễn Lưu Viên, Phó Thủ tướng; Nguyễn Văn Trường, Tổng trưởng bộ Giáo dục; Nguyễn Hữu Hùng, Tổng trưởng bộ Lao động; Trần Ngọc Liểng, Tổng trưởng bộ Xã hội; Âu Trường Thanh, Tổng trưởng bộ Kinh tế; Trần Minh Tiết, Tổng trưởng bộ Tư pháp; và Võ Long Triều, Tổng trưởng bộ Thanh niên. Đó là chưa kể các ông Thứ trưởng hay Đổng lý văn phòng của các Bộ đều là chính trị gia Nam Kỳ. Tất cả đều học trường Tây và đa số du học tại Pháp.
Những khuôn mặt chính trị thân Pháp khiến cho Washington lo sợ một ngày nào đó Chính quyền Miền Nam có khuynh hướng thân Pháp, chạy theo chủ trương “Trung lập hóa”. Vì vậy Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn ủng hộ Tướng Thiệu và Tướng Kỳ loại bớt các chính trị gia Nam Kỳ ra khỏi Chính Phủ. Hai tướng Thiệu Kỳ “bán cái” cho Tướng Loan giải quyết vụ này. Tướng Loan bèn sắp đặt bữa tiệc để đo lường phản ứng của phe Nam Kỳ quốc. Nếu hôm đó phe Nam Kỳ Quốc làm mạnh thì kể như Tướng Loan đánh giá sai về tinh thần và nhiệt huyết của phe này. Còn như không có ai phản ứng thì có nghĩa là Tướng Loan đã đoán đúng, áp lực của phe Nam Kỳ Quốc không có gì đáng sợ. Hơn nữa, nếu như phe Nam Kỳ Quốc phản ứng bằng cách từ chức tập thể thì kể như trúng kế của Tướng Loan. Nếu họ từ chức thì Tướng Kỳ khỏi mang tiếng là đuổi người này, người kia để thay vào đó một nội các có 3 Miền đồng đều. Quả nhiên sự việc ngày hôm đó đã đưa tới kết quả là 7 ông Nam Kỳ trong số 9 ông đã từ chức để phản đối Nguyễn Ngọc Loan. Tướng Thiệu và Tướng Kỳ càng phục Tướng Loan.
Một vụ dàn cảnh khác của Tướng Loan cũng đã được Tướng Nguyễn Chánh Thi kể lại lúc ông bị ra Hội đồng kỷ luật của Quân đội về vụ “Biến loan Miền Trung”. Sau một ngày họp chưa ngã ngũ, Tướng Thi kể lại :
“Tôi bâng khuâng bước ra khỏi phòng hội của Bộ Tổng tham mưu, đầu óc trống rỗng. Nguyễn Ngọc Loan bước tới nắm tay tôi kéo sang phòng bên cạnh, vừa say (mặt vừa đỏ vừa méo), Hắn ta nói oang oang : “Thôi ông ơi! Ông chịu khó đi ra ngoại quốc một thời gian đi! Chúng nó ngại ông lắm. Nếu ông còn lẩn quẩn ở đây thì chúng nó còn khó chịu và còn nhiều chuyện ồn ào lắm”. Tôi hỏi “Chúng nó là ai?”. – “Chúng nó là cả cái chính phủ, cả tụi chính trị chính em nữa”. Vừa nói, miệng vừa nốc chai bia đang cầm ở tay. Nhìn hắn tôi buồn cười, nhịn không được – “Đi thì đi, có sao đâu! Đất nước như thế này thì còn gì nữa để luyến tiếc? Tôi chỉ muốn hứa là sẽ thả hết cho tất cả anh em của tôi đang bị bắt cầm tù”. Nguyễn Ngọc Loan sốt sắng : - “Tôi sẽ nói lại với chúng nó”. Hắn ta phùng mang trợn mắt chưởi bới tùm lum, nước mắt và nước miếng chảy ra như đứa con nít đang lên cơn sốt, thấy hắn tôi đâm thương hại”.
Sau 21 năm Tướng Nguyễn Chánh Thi vẫn đinh ninh rằng lúc đó Tướng Loan say quá nói bậy. Nhưng lời đối đáp của tướng Thi cho thấy tướng Thi biết Tướng Loan không say cho nên ông đã trả lời Tướng Loan như đang trả lời rất nghiêm chỉnh cho Hội đồng tướng lãnh hay cho dư luận quần chúng.
Thực ra tự xâu xa trong đáy lòng Tướng Thi vẫn biết rằng Tướng Loan là cánh tay mặt của Tướng Kỳ và Tướng Thiệu cho nên ông bỉết nếu ông không chịu đi ngoại quốc thì tới lúc đó ông Trùm mật vụ Nguyễn Ngọc Loan sẽ ra tay. Và với cung cách này thì Tướng Loan sẽ giải quyết bằng luật giang hồ, nói ra thì có vẻ như là luật của rượu bia nhưng sẽ không nhờ tới pháp luật và không dính dáng tới pháp luật. Đây là một tối hậu thư của Nguyễn Ngọc Loan đối với Tướng Thi. Một khi ông ta đã ngang ngược gọi Thiệu, Kỳ bằng “chúng nó” thì dĩ nhiên ông ta coi luật pháp quốc gia không quan trọng bằng lời nói danh dự của ông ta. Nếu Tướng Thi không chịu khuất phục thì sẽ bị thanh toán theo cách riêng của trùm mật vụ Nguyễn Ngọc Loan. Vì vậy mà tự nhiên Tướng Thi đã trả lời : “Đi thì đi”, nghĩa là ông đã chịu bỏ cuộc sau lời đe dọa nửa thiệt nửa đùa của Tướng Loan. Như vậy Tướng Loan đã đi nước cờ cao chứ không phải nát rượu như Tướng Thi thương hại.
Thêm một lời chứng khác của Tướng Westmoreland cho thấy Nguyễn Ngọc Loan rất bản lĩnh khi phải đối phó với thái độ “bề trên” của ông tướng Tư lệnh TQLC Hoa Kỳ tại Đà Nẵng trong cuộc hành quân dẹp loạn Miện Trung :
“Tướng Walt lo sợ cho các nhân viên dân sự Hoa Kỳ trong thành phố nên đã thương lượng với sĩ quan chỉ huy Không quân trong căn cứ nên hoãn cuộc tấn công, nhưng người này từ chối vì cho rằng không dám cãi lại lệnh của Sài Gòn.
Được tin phi cơ khu trục chong chóng của Không quân Việt Nam cất cánh khỏi căn cứ, Walt cho 4 chiếc phản lực chực sẵn. Khi các khu trục cơ Việt Nam bắn vào khu vực gần trại lính của TQLC của Hoa Kỳ, ba trái lọt vào bên trong trại làm 3 binh sĩ bị thương. Tức thì Walt cho 2 chiếc lên ngăn cản và cho viên chỉ huy Không quân bên Việt Nam biết là nếu còn bắn thêm trái nào nữa thì các phản lực cơ sẽ bắn vào các khu trục cơ, Không chịu nghe, bên Việt Nam còn đưa thêm 4 chiếc khác quần bên trên các phản lực cơ Hoa Kỳ. Buộc lòng Walt phải cho thêm 2 chiếc nữa lên để bao trên cùng.
Suốt hai tiếng đồng hồ vần vũ trên bầu trời. Cuối cùng Kỳ rút lại lệnh trên và ra lệnh cho các phi cơ trở về căn cứ” (Bản dịch của Duy Nguyên, trang 252).
Tướng Westmoreland không nói rõ ai là người trực tiếp ra lệnh cho các phi công khu trục tại Đà Nẵng nhưng mọi người thừa biết đó là Đại tá Nguyễn Ngọc Loan, ông đã đem quân từ Sài Gòn ra Đà Nẵng và thừa lệnh Bộ tổng tham mưu chỉ huy trực tiếp cuộc hành quân này. Lệnh cho các máy bay khu trục lên trời cũng là lệnh của Đại tá Loan bởi vì ông vừa là người chỉ huy trực tiếp nhưng cũng là một sĩ quan cao cấp của Không quân. Chỉ có quyết định của ông mới đủ khiến cho các pilot tuân theo mặc dầu biết rằng máy bay khu trục không thể nào chọi lại với máy bay phản lực. Đây là vấn đề danh dự và kỷ luật của Không quân VNCH. Đại tá Loan đã “thử phổi” tướng Walt và ông đã thắng trong trận đấu trí này. Cuối cùng sau 2 tiếng đồng hồ thấy đã đủ thì Đại tá Loan mới làm ra vẻ chấp hành lệnh Sài Gòn và cho máy bay đáp xuống phi trường. Trong 2 tiếng đó ông Loan thừa biết Tướng Walt không dám ra lệnh tấn công vào máy bay của Không quân Việt Nam và ông cũng biết người có thẩm quyền giải quyết vụ này là Washington và Sài Gòn chứ không phải là ông Tướng Hoa Kỳ tại Đà Nẵng. Quyết định của ông nhằm minh định lại tư thế đồng minh giữa quân đội Hoa Kỳ và quân đội VNCH.
Sau vụ này thì Tướng Walt bị cách chức vì ông ta đã dùng tới sức mạnh để giải quyết một vấn đề có tính cách ngoại giao; kết quả chỉ làm cho ông và phía Hoa Kỳ bị mất mặt chứ chẳng hù được ai.
Có thể Võ Long Triều, Nguyễn Chánh Thi, Tướng Walt và dư luận báo chí hiểu lầm về bản lĩnh của Nguyễn Ngọc Loan nhưng CIA thì không lầm. Tài liệu CIA ghi lại :
“Tướng Nguyễn Ngọc Loan là một sĩ quan thông minh, quyền biến và tuyệt đối trung thành với Kỳ, nhưng Loan có tính độc lập ít nghe lời cố vấn của Hoa Kỳ và đôi khi có tác phong rất “hề” như đi làm mặc đồ trận, chân đi dép cao su và không bao giờ đúng hẹn, và đặc biệt coi thường quyền cá nhân của người khác và xem thường các chương trình của chính phủ để thu phục lòng dân. John Hart sau này nhận xét rằng, Hart thích tính của Loan dù chưa có lần nào Loan nghe lời ông ta, và có lẽ Loan là giới chức Việt Nam duy nhất dám thẳng thắn nói với giới chức Hoa Kỳ rằng ông không đồng ý khi ông không đồng ý việc gì.
Khi Langley tính thay thế Loan, CIA và tòa đại sứ Hoa Kỳ đứng trước một vấn đề nan giải là ai có khả năng thay Loan. Hart nói rằng nếu Hoa Kỳ muốn ủng hộ Kỳ thì không thể thay thế Loan. Loan đã chứng tỏ rất hữu ích trong hai nỗ lực của CIA trong năm 1967 là: (1) Phát triển một đường giây tiếp xúc với thành phần MTGP có khả năng độc lập với Hà Nội và (2) Duy trì sự ổn định của chính phủ Kỳ “ ( CIA and The Generals, bản dịch của Trần Bình Nam )
Langley là một cách gọi cơ quan đầu não của CIA tại Hoa Kỳ. Sở dĩ Langley phải tính chuyện thay thế Nguyễn Ngọc Loan bởi vì ông ta không thể nào đáp ứng được những yếu tố cần có của một nhân viên CIA, nghĩa là ông ta chỉ trung thành với quốc gia của mình chứ không hề trung thành với Hoa Kỳ. Trong khi đó Washington đang cần một ông trùm mật vụ cỡ Trần Kim Tuyến, Đỗ Mậu hay Phạm Văn Liễu; những người này sống chết với quyền lợi do “ông chủ lớn” mang tới cho họ. Họ sẵn sàng thi hành những chỉ thị mật của Washington mà không hề thắc mắc, những chỉ thị này có hiệu lực quan trọng đến nỗi có thể thay đổi vận mạng của một quốc gia hay tính mạng của một số lãnh tụ. Do đó ông trùm mật vụ của Việt Nam phải là người khác hẳn Nguyễn Ngọc Loan mặc dầu Tướng Loan được đánh giá là thông minh tài trí; những đức tính này chỉ có hại cho công việc “điều khiển ngầm” của CIA chứ hoàn toàn không có lợi. Chính vì vậy mà mọi phương tiện truyền thông của CIA từ Sài Gòn cho tới Washington hay Paris đều đồng thanh lên tiếng bôi bác Nguyễn Ngọc Loan. Những lời đồn thổi của giới truyền thông sẽ mở đường sau này cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu có thể loại bỏ Nguyễn Ngoc Loan mà dư luận và ngay cả Tướng Loan cũng phải chấp nhận.
Chẳng qua là Tướng Loan quá cứng cựa nhưng lại thích làm theo sở thích của mình và coi mọi chuyện trên đời là không có gì quan trọng. Ông không ham tiền bạc, cũng chẳng ham danh vọng, cũng chẳng muốn trả thù đời cho nên CIA không có một thứ gì để có thể mua chuộc hay khích tướng được ông. Tuy nhiên một khi CIA muốn hạ ông thì cũng rất dễ dàng, bởi vì tính hạnh bất cần đời của ông có rất nhiều điểm yếu. Một trong các điểm yếu đó là tác phong không được đàng hoàng và coi thường dư luận. Với điểm yếu này ông sẽ có nhiều kẻ thù hơn là có bạn. Trong khi đó xã hội Miền Nam có quá nhiều những tay cơ hội chủ nghĩa, chủ trương kiếm ăn trên nỗi thê lương của dân tộc. Mà những người này đều có bản lĩnh đáng nể trong tầm cỡ quốc gia. Do đó khi Tướng Loan bị loại trừ ra khỏi trung tâm quyền lực thì không ít kẻ thở phào nhẹ nhỏm. Riêng người quyết định loại Tướng Loan là Tướng Nguyễn Văn Thiệu thì có hơi khác. Tướng Thiệu đành phải loại bỏ Tướng Loan chỉ vì Tướng Loan là người thân thiết của Tướng Kỳ trong khi Tướng Kỳ là một mối đe dọa chính cho chiếc ghế Tổng thống mà Tướng Thiệu đang ngồi.
Nhưng hồi ký của Đại tá Phạm Văn Liễu (quyển 2, trang 322) cho thấy ông Kỳ và ông Loan không thân nhau như người ta thường nghĩ. Tháng 2 năm 1965 Tướng Kỳ nhờ ông Liễu trình với Thủ tướng Phan Huy Quát đẩy ông Loan đang giữ chức vụ Tư lệnh phó Không quân đi làm tỉnh trưởng Kontum hay Pleiku. Lúc đó Thủ tướng Phan Huy Quát đang cần người thay thế chức Giám đốc Nha An ninh quân đội do Đại tá Trang Văn Chính đang nắm giữ vì ông này “có vấn đề”. Vì vậy Đại tá Liễu đã làm phiếu trình, xin Thủ tướng Quát bổ nhiệm Nguyễn Ngọc Loan làm giám Đốc Nha An ninh quân đội. Sau khi nắm giữ Nha An ninh quân đội, ông Loan tỏ ra xuất sắc trong việc ổn định lại nề nếp của quân đội, chấm dứt nạn đảo chánh và loạn kiêu binh của sinh viên học sinh và phe Phật giáo đấu tranh. Từ đó ông Loan được sự tín nhiệm trở lại của Tướng Kỳ.
Theo chỗ hiểu biết của Đại tá Liễu thì ông Kỳ và ông Loan cùng khóa đào tạo sĩ quan Nam Định và cùng khóa đào tạo pilot ở Pháp nhưng ông Kỳ học lái máy bay vận tải C.47, còn ông Loan học lái máy bay chiến đấu. Do đó trong thời chiến tranh các phi công chiến đấu nể phục ông Loan hơn ông Kỳ. Trong khi ông Kỳ có uy thế trong Hội đồng tướng lãnh là nhờ làm Tư lệnh Không quân, ai muốn làm đảo chánh mà có ông Kỳ thì có thể thành công, còn nếu ông Kỳ không đồng ý thí ông cho lệnh phi cơ lên trời sẵn sàng bỏ bom vào các chiếc xe tăng của phe đảo chánh. Nhưng trong Không quân thì các phi công chiến đấu chỉ chịu nghe lời của Nguyễn Ngọc Loan. Vì vậy mới có chuyện Tướng Kỳ muốn bứng Nguyễn Ngọc Loan đi, e sợ có ngày ông Loan sẽ thay thế ông ta giữ chức Tư lệnh Không quân. Hoặc nếu có để lại làm Phó cho ông thì rất khó làm việc do bản tính ngang tàng của Nguyễn Ngọc Loan.
Đáng tiếc cho lịch sử Việt Nam là sau 2 năm xuất hiện, Tướng Loan không còn có cơ hội phục vụ thêm cho đất nước, nhưng sự ra đi của ông cũng là chuyện phải đến bởi vì đất nước không thể được điều hành bằng ý thích riêng của một ông trùm mật vụ. Lối làm việc của ông chỉ có hiệu lực nhất định trong thời loạn nhưng sẽ trở thành tai hại trong thời bình. Điều này cũng đúng cho trường hợp Bảy Viễn dưới thời Bảo Đại.
Bùi Anh Trinh
Tro ve dau trang