Nguyễn Hoài Vân
Theo tin đọc được ngày hôm nay, thứ bảy 19 tháng 2, thì :
Tại Yemen cuộc nổi dậy ngày càng thêm mãnh liệt trước sự đàn áp không kém mạnh mẽ của chính quyền. Sáu người biểu tình đã bị giết trong ngày thứ sáu 18 tháng 2. Tân Hoa Xã cho biết ít nhất là 50 người biểu tình đã thiệt mạng từ lúc cuộc đấu tranh khởi phát. Điều quan trọng là cuộc nổi dậy đang chuyển sang khuynh hướng bạo động.
Tại Lybia, « Ngày Thịnh Nộ » , cũng vào thứ sáu 18, đã rất mạnh bạo. Chính quyền Lybia đã cắt mạng Internet từ thứ sáu, và chỉ phục hồi lại một cách hạn chế trong ngày hôm nay. Các trang Face Book và Al Jazeera vẫn bị chặn. Chính phủ Ai Cập cũng đã làm như thế vào lúc khởi đầu của cuộc nổi dậy. Cũng xin ghi nhận là một nguồn tin từ Thụy Sĩ cho biết chính quyền Lybia đã chủ động tổ chức biểu tình để lật mặt nạ những người chống đối ... Một điều rất khó kiểm chứng.
Tại Bahrein, cũng ngày thứ sáu, lực lượng đàn áp đã bắn vào đoàn biểu tình, làm bị thương nhiều người. Hôm trước, thứ năm, chính quyền cũng đã cho nổ súng để giải tán những người chống đối tụ tập từ thứ hai 14, làm “mất tích” không dưới 60 người. Quân đội đã tái xác nhận vai trò thành trì của chế độ, khiến cuộc nổi dậy sẽ rất khó khăn (xem : Tunisia rồi Ai Cập: những yếu tố quyết định sự thành công của một cuộc cách mạng). Dư luận và báo chí, như tờ Independant (Luân Đôn) đẵ lên tiếng chỉ trích Hoa Kỳ và Anh Quốc tiếp tục bán khí giới cho Bahrein và Lybia, yểm trợ cho những quân đội đàn áp giết hại người dân. Kết quả : Paris và Luân Đôn quyết định ngừng xuất cảng võ khí sang hai nước này ...
Một điểm nóng khác là Iran : hôm qua, những người thân chính quyền đã biểu tình rầm rộ đòi treo cổ hai lãnh tụ đối lập ! Trước đó, vào ngày thứ hai, nhiều ngàn người đã bất chấp lệnh cấm, tham gia một cuộc biểu tình chống chính quyền tại Teheran. Hai người đã thiệt mạng, nhiều người bị thương và bị bắt giữ. Một giáo sĩ cao cấp tuyên bố trên tòa giảng là “tính mạng của hai nhà lãnh tụ đối lập đã kết thúc” ...
Cũng ngày thứ sáu, ở Jordanie, tám người biểu tình đã bị thương trước sự đàn áp của lực lượng vũ trang bảo vệ vương quyền tại Amman.
Tại Djibouti, những cuộc biểu tình đã được tổ chức từ thứ tư vừa qua, và một lãnh tụ đấu tranh cho nhân quyền đã bị bắt giữ.
Báo China Morning post cũng cho biết những hành động đấu tranh đã khởi phát tại Pakistan.
Tại Algerie, ngày thứ bảy tuần trước, 3000 người đã biểu tình trước sự đàn áp của 30 ngàn quân nhân và cảnh sát ... Những người tổ chức kêu gọi một cuộc biểu tình khác, ngày hôm nay, 19 tháng 2. Cần biết là tình trạng “khẩn trương" vẫn hiệu lực tại nước này, từ năm ... 1992 !
Tại Maroc, nguy cơ nổi dậy khiến chính quyền vội vã lên án những âm mưu giật dây từ nước ngoài, để tổ chức sự đàn áp. Phe đối lập đã kêu gọi triệu tập một “Ngày Nhân Phẩm” vào ngày mai, chủ nhật 20 tháng hai. Lãnh tụ của họ là một chuyên gia tin học ...
Tin học ! Sau cuộc « cách mạng tin học » trên lãnh vực khoa học kỹ thuật, đảo lộn hẳn đời sống của mỗi người chúng ta, làm sao có thể ngạc nhiên trước sự kiện cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật ấy được nối dài trên lãnh vực chính trị ? Thật vậy, những người chống đối có thể họp hành, thảo luận, trao đổi tin tức và tổ chức những hành động đấu tranh trong một không gian ảo, với thật nhiều người tham dự, mà không sợ bị cảnh sát ập tới bắt bớ, đàn áp. Thông tin đã thực sự trở thành một lợi khí đấu tranh vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, một cuộc cách mạng không chỉ giới hạn trong những hành động nổi dậy.
Camus viết trong « L’Homme Révolté », rằng những người nô lệ, có khi không biết mình là nô lệ, chỉ nổi dậy để tiếp tục làm nô lệ. Họ sẽ bán mình cho người chủ trả giá cao hơn. Một số họ sẽ chiếm được quyền hành và sẽ cư xử như những chủ nhân cũ mà họ đã lật đổ, vì động cơ của họ là làm người chủ mới, thay thế người chủ cũ. Lúc viết lên những điều này, Camus nghĩ đến cuộc cách mạng Bolchevik. Những người làm cuộc cách mạng ấy là nô lệ của một chủ thuyết. Dù thành hay bại, họ vẫn là nô lệ. Cuộc cách mạng tại Iran năm 1979 cũng thế, chủ thuyết ở đây là một thần quyền phi nhân.
Các cuộc nổi dậy tại Bắc Phi và Trung Đông có vẻ dựa trên những ưu tư thực tế, hơn là những giáo điều, chủ thuyết. Đó là một điểm tích cực quan trọng. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý là các đòi hỏi cụ thể của những người đấu tranh, đại khái quay quanh một đời sống kinh tế khả quan hơn, sẽ không dễ đạt được, vì bối cảnh khủng hoảng chung trên toàn hệ thống Tư Bản Chủ Nghĩa, dù cho người cầm quyền là ai đi chăng nữa.
Điều này khiến chúng ta suy nghĩ về một khái niệm : không còn hình dung được một cuộc cách mạng phá đổ tất cả và giải quyết mọi vấn đề nữa, mà chỉ có những bước tiến cánh mạng, dân chủ, và ôn hòa (nếu có thể), đưa người dân đến gần một sự quản lý xã hội hợp lý hơn, hữu hiệu hơn.
Nguyễn Hoài Vân
19 tháng 2 năm 2011
Ghi thêm chủ nhật 20/2/2011 :
- Cuộc biểu tình dự trù hôm thứ bảy tại Algerie đã bị dàn áp dữ dội bởi 40 ngàn quân nhân và cảnh sát
- Cuộc biểu tình được dự trù hôm nay, chủ nhật, tại Maroc đã quy tụ 3 đến 5000 người, không bị đàn áp
- Tại Lybia, 173 người bị giết trong cuộc biểu tình hôm nay
- Barhein và Yemen cũng có biểu tình ngày hôm nay
- Tunisia lại biểu tình đòi lật đổ chính quyền chuyển tiếp ... Một linh mục người Ba Lan bị người Hồi giáo quá khích giết và một nhà chứa bị tấn công
Tro ve dau trang
No comments:
Post a Comment