Năm 1963, sau khi người ta giết ông Ngô Đình Diệm thì chính trị Miền Nam Việt Nam bị loạn bởi vì các nhân vật cầm quyền sau đó không đủ uy tín để lãnh đạo đất nước. Các nhân vật này không phải là một minh chủ do dân chúng lựa chọn. Trước đây ông Ngô Đình Diệm được chấp nhận làm minh chủ bởi vì ngoài ông không có ai có uy tín hơn. Còn những lãnh tụ sau Ngô Đình Diệm bị dân chúng loại bỏ bởi vì họ không có thành tích chứng minh bản lĩnh của họ. Trái lại thành tích của họ lại là thành tích phản bội, thành tích dùng bạo lực để đoạt chính quyền, thành tích tự phong mình làm lãnh tụ chứ không được dân chúng tôn lên. Với những thành tích như vậy thì dĩ nhiên không có ai đủ điều kiện làm minh chủ. Đưa tới tình trạng người này không phục người kia, rồi mạnh ai nấy muốn làm minh chủ bằng vũ lực thì làm.
Rất nhiều cuộc đảo chánh và phản đảo chánh đã xảy ra, giống như loạn 12 sứ quân thời Đinh Bộ Lĩnh. Cuối cùng thì quyền lực gom vào tay của một sứ quân mạnh nhất trong đám, đó là ông Nguyễn Văn Thiệu. Ông này có tham gia lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy rằng ông ta chủ tâm lật Ngô Đình Diệm để lên thay thế Ngô Đình Diệm. Một thời gian dài sau đó ông ta đứng tránh xa chuyện tranh giành quyền lực. Tuy nhiên giữa lúc lộn xộn, các tướng lãnh đồng lòng bầu ra một người lãnh đạo tập thể các tướng lãnh để ổn định tình thế. Do đó ông Thiệu mới trở thành Chủ tịch Hội đồng Tướng lãnh nhằm chấm dứt tình trạng dùng súng đạn để tranh quyền; và dẹp nạn kiêu binh, tức là nạn những thế lực chính trị từng góp công trong việc làm cho chế độ Ngô Đình Diệm bị sụp đổ, đó là nhóm “Phật Giáo Tranh Đấu” của nhà sư Thích Trí Quang. Nhà sư này muốn mình trở thành một lãnh tụ tinh thần của quốc gia cho nên ông ta không vừa ý bất cứ một lãnh tụ chính trị nào. Ông muốn người lãnh đạo quốc gia phải là người của ông. Để chứng tỏ quyền lực của mình, ông chỉ huy nhóm sinh viên kiêu binh biểu tình đạp đổ bất cứ chính phủ nào mà ông không vừa ý.
Đến nông nỗi đó thì nhóm chịu trách nhiệm trong vụ lật đổ ông Ngô Đình Diệm phải ra tay ổn định tình thế bằng cách đưa một người trong nhóm tướng lãnh ra nắm chính quyền. Do đó Hội đồng Tướng lãnh được biến thành Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia. Và chính phủ do Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Thủ tướng được đặt tên là Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương. Sau đó thì Tướng Kỳ thành công trong việc điều hành quốc gia và trấn áp được thế lực chính trị của nhà sư Thích Trí Quang. Tuy nhiên dân chúng cũng không chấp nhận chuyện quân đội nắm chính quyền, họ đòi hỏi phải trả chính quyền về cho dân sự.
Nhưng khi có cuộc bầu cử trả quyền về cho dân sự thì dân chúng Miền Nam biết rằng chỉ có những nhân vật xuất thân trong hàng tướng lãnh trong quân đội mới đủ khả năng ổn định tình thế lâu dài. Nhất là lúc đó quân Cọng sản đang đánh mạnh và quân đội Hoa Kỳ đã vào tham chiến tại Việt Nam với quân số còn đông hơn là quân đội VNCH. Vì vậy cần phải có một chính phủ mạnh về thế lực cũng như về vũ lực. Việc phải tới là nhân dân Việt Nam quyết định phải chọn một tướng lãnh làm người lãnh đạo quốc gia và ông này sẽ ra khỏi Quân đội một khi ông ta trở thành Tổng thống. Dĩ nhiên là dân chúng không rõ ông tướng nào là “bảnh” nhất trong các ông tướng. Nhưng họ tin rằng nhóm tướng lãnh sẽ tự cử ra vị tướng nào có uy tín nhất trong nhóm của họ. Và rồi nhóm tướng lãnh đã đề cử Tướng Nguyễn Văn Thiệu.
Thế thì ông Thiệu không phải là minh chủ của nhân dân Miền Nam. Rõ ràng ông ta là người của thời cuộc, không phải do dân chúng tôn lên. Nói cho đúng ra là dân chúng đã giao cho ông ta làm Tổng Thống chứ không phải tôn ông ta lên làm Tổng Thống. Có thể tài cán ông ta không bằng ai, đạo đức của ông ta không thuyết phục được ai; nhưng ông ta là người duy nhất đáp ứng được yêu cầu của tình thế. Và ông ta không có hô hào gì cũng như không có hứa hẹn gì, không đưa ra một đường hướng hay chủ thuyết nào. Lúc nhận nhiệm vụ lãnh đạo đất nước ông chỉ biết hứa là ông sẽ làm hết khả năng và nhiệt huyết của ông.
Thế nhưng sau này lịch sử lại quật ngược trở lại, đòi hỏi lẽ ra ông ta phải như thế này, phải như thế kia. Ông ta là minh chủ thì ông ta phải sáng suốt, phải đạo đức, phải quân tử, phải biết đối phó với Cọng sản như thế này, phải đối phó với Hoa Kỳ như thế kia, phải đối phó với ông Thích Trí Quang như thế nọ, phải đối xử với tướng này, tá nọ ra làm sao. Tất cả những đòi hỏi này là quá đáng bởi vì người ta chỉ nêu ra sau khi mọi chuyện đã xảy ra rồi, đó không phải là những giao hẹn trước khi người ta mời ông ông ta làm Tổng thống. Và ông Thiệu không hề hứa lèo hứa cuội gì với ai cả. Khả năng ông ta tới đâu thì ông ta làm tới đó, đạo đức của ông ta ra sao thì ông ta làm như vậy. Ông ta không tự phong cho mình là người lãnh đạo dân tộc, ông ta cũng không hề tự xưng là cha già của dân tộc, ông ta cũng không tự khoe mình là đệ tử của Khổng Tử để kêu gọi người dân ủng hộ mình. Nghĩa là ông không có bịp một ai cả. Trái lại, mặc dầu ông không nói ra nhưng hành vi của ông cho thấy ông là người trọng nghĩa và trọng chữ tín. Suốt thời gian lãnh đạo đất nước ông đã làm hết khả năng mà ông có được; nhất là những năm sau cùng mái tóc của ông ta bạc đi nhanh chóng so với tuổi tác của ông ta; chứng tỏ ông ta không sung sướng gì trong nhiệm vụ điều hành đất nước.
( Đoạn trên đây trích trong tác phẩm Bối Cảnh Lịch Sử Chính Trị Việt Nam Cận Đại và Hiện Đại, Quyển hạ, trang 449b ).
( Con tiep)
===========================================
==========================================================
No comments:
Post a Comment