(‘The Most Brilliant Commander’: Ngo Quang Truong)
By James H. Willbanks
Tướng Ngô Quang Trưởng qua đời ngày 22/1/2007 tại Fairfax, Virginia. Để tưởng niệm ông, người dịch xin gửi tới độc giả bài báo của Giáo Sư cựu chiến binh tại chiến trường An Lộc, James H. Willbanks, công bố ngày 15/10/2007 trên chương trình truyền hình Lịch Sử Hoa Kỳ băng tần C-SPAN3 (HistoryNet.com C-SPAN3 AMERICAN HISTORY TV). http://www.historynet.com/the-most-brilliant-commander-ngo-quang-truong.htm
(Nguyễn Tường Tâm)
Tướng Ngô Quang Trưởng
Ông Ngô Quang Trưởng được xem là một trong các vị tướng có khả năng và ngay thẳng nhất của quân đội Miền Nam VN trong cuộc chiến lâu dài ở Đông Nam Á. Tướng Bruce Palmer mô tả ông trong cuốn “Cuộc Chiến 25 Năm” (The 25-Year War) là một “tư lệnh chiến trường nhiều kinh nghiệm mà địch thủ khó đương cự” (a tough, seasoned, fighting leader) và “có thể là vị tư lệnh chiến trường giỏi nhất của quân đội Nam Việt Nam” (probably the best field commander in South Vietnam.) Tướng Creighton Abrams, Tư Lệnh Quân Đội Hoa Kỳ tại Việt Nam từ năm 1968 tới 1972 đã nói với ban tham mưu của ông rằng ông nghĩ là Tướng Trưởng có khả năng chỉ huy một sư đoàn Hoa Kỳ (…told subordinates that he thought General Truong was capable of commanding an American division).
Ông Ngô Quang Trưởng thuộc một gia đình giầu có tỉnh Kiến Hòa. Tốt nghiệp Trung Học Mỹ Tho ông gia nhập trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Ra trường năm 1954 ông được bổ nhiệm làm đại đội trưởng đại đội 1/tiểu đoàn 5 Nhẩy dù. Năm 1955, trong cuộc hành quân tảo thanh Bình Xuyên ông được vinh thăng trung úy tại mặt trận. Năm 1964, được vinh thăng thiếu tá và bổ nhiệm làm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 5 Nhẩy Dù, ông chỉ huy đơn vị hành quân trực thăng vận vào Mật Khu Đỗ Xá, quận Minh Long, Quảng Ngãi, xóa tan căn cứ của Bộ chỉ huy B-1 của Việt Cộng. Trong khi đó ông nổi tiếng là một vị chỉ huy được mến mộ vì đã lăn lộn với binh sĩ ngoài mặt trận và chăm sóc họ.
Năm 1965, Tiểu Đoàn 5 Nhẩy Dù, vẫn dưới quyền ông đã hành quân trực thăng vận vào Mật Khu Hắc Dịch trong vùng Núi Ông Trình tỉnh Phước Tuy (Bà Rịa), căn cứ của Sư Đoàn 7 Việt Cộng. Sau hai ngày tiểu đoàn của ông đã gây tổn thất nặng nề cho hai trung đoàn địch, ông được vinh thăng trung tá tại mặt trận và được tặng Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương.
Sau trận Hắc Dịch, ông Trưởng được bổ nhiệm tham mưu trưởng Lữ Đoàn Nhẩy Dù và sau đó trở thành tham mưu trưởng Sư Đoàn Nhẩy Dù năm 1965. Như sử gia Dale Andrade cho biết, vị trí không chiến đấu này có thể đã làm đình trệ binh nghiệp của ông, nhưng sự nổi tiếng về can đảm và công bằng của ông đã khiến giới lãnh đạo cao cấp nhất tại Saigon chú ý. Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Nam Việt Nam từ năm 1965 tới 1975, sau này đã mô tả ông Trưởng là “một trong các cấp chỉ huy giỏi nhất ở mọi chức vụ mà Sư Đoàn Dù có từ trước tới nay.”
Năm 1966, khi bùng nổ vụ bạo động tại miền Trung, ông được bổ nhiệm là quyền tư lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh ở Huế. Là một phật tử, mặc dù ông Trưởng không thấy thoải mái phải chỉ huy một đơn vị bị lên án là đàn áp phong trào Phật Giáo chống lại chính phủ quân nhân, ông Trưởng đã thi hành nhiệm vụ một cách chuyên nghiệp và Sài Gòn đã bổ nhiệm ông làm tư lệnh thực thụ của sư đoàn này. Với tài lãnh đạo nhiều kinh nghiệm thực tế, ông mau chóng huấn luyện Sư Đoàn 1, có tai tiếng trước khi ông đảm nhận, trở thành một trong các sư đoàn giỏi nhất trong quân đội miền Nam Việt Nam. Trung Tướng Robert E. Cushman, Tư Lệnh Lực Lượng Thủy Bộ số III (III Marine Amphibious Force) tại vùng I Chiến Thuật, và người thuộc cấp chính của ông, Trung Tướng Richard G. Stiwell, Tư Lệnh Quân Đoàn XXIV, đều cảm thấy rằng nhờ những cố gắng của ông Trưởng mà Sư Đoàn 1 Bộ Binh của QLVNCH “tương đương với bất cứ một sư đoàn Hoa Kỳ nào.”
Cố vấn của ông Trưởng thời đó đã viết, ông Trưởng là người “chuyên tâm (dedicated), khiêm tốn, nhiều sáng kiến và giỏi chiến thuật.” Và Tướng William C.Westmoreland, Tư Lệnh MACV (Military Assistance Command, Vietnam-Bộ Tư Lệnh Quân Viện tại Việt Nam) nói rằng ông Trưởng “được đánh giá cao trong số mọi cấp chỉ huy có khả năng của miền Nam Việt Nam.”
Năm 1967, sau khi các đơn vị của Sư Đoàn 1 tấn công và phá hủy cơ sở hạ tầng và một số lớn đơn vị của Việt Cộng tại Mặt Trận Lương Cơ, Đông Xuyên và Mỹ Xá thuộc quận Hương Trà, Thừa Thiên, ông được vinh thăng chuẩn tướng.
Trong Tết Mậu Thân năm 1968, Tướng Trưởng chỉ huy Sư Đoàn 1 Bộ Binh trong một số những trận đánh đẫm máu nhất tại Huế trong cuộc chiến tranh. Hai đêm trước khi cuộc tấn công của Việt Cộng bắt đầu, ông Trưởng và bộ tư lệnh của ông tại Thành Nội đã cảm thấy có điều không ổn và đặt binh sĩ trong tình trạng báo động. Khi đêm đó trôi qua không có biến cố gì, ông cho các cố vấn về nghỉ nhưng vẫn cấm trại đối với binh sĩ của ông.
Trận tấn công của Việt Cộng bắt đầu lúc 3:30 sáng ngày 31/1/1968 với 2 tiểu đoàn Bắc quân thuộc Trung đoàn 6 tấn công Thành Nội và Trung đoàn 4 Bắc quân tấn công cơ quan MACV tại khu hành chánh phía nam Sông Hương. Nhờ đại đội phản ứng nhanh Hắc Báo của ông chống được cuộc tấn công ban đầu giữ được Bộ Tư Lệnh, Tướng Trưởng lập tức ra lệnh cho Trung đoàn 3 bộ binh, lúc đó đang hành quân ở phía bắc thành phố chạy về giải vây cho ông. Trung đoàn này, được tăng cường ba tiểu đoàn Nhẩy Dù, đã tới được Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn ở góc phía đông bắc của Thành Nội vào chiều tối cùng ngày (31 tháng 1). Ngày hôm sau, ông Trưởng bắt đầu phản công chiếm lại toàn bộ Thành Nội và giải tỏa bờ bắc Sông Hương. Theo yêu cầu của ông, Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Hoa Kỳ nhận trách nhiệm giải tỏa bờ nam Sông Hương.
Ngày mùng 4/2, tiểu đoàn 1/Sư đoàn 1 TQLC-HK được tăng cường bởi tiểu đoàn 2 /Sư đoàn 5 TQLC-HK, bắt đầu chiếm từng căn nhà, đẩy lui địch quân ra khỏi khu vực. Cho tới ngày 9/2, bờ nam sông Hương đã được giải tỏa. Khi cuộc tấn công của Sư đoàn 1 BB-VNCH ở bờ bắc sông Hương bị chặn lại vào ngày 12/2, sư đoàn được tăng cường bởi hai tiểu đoàn TQLC/VN. Ông Trưởng cũng yêu cầu Hoa Kỳ tiếp viện, và tiểu đoàn 1/sư đoàn 5 TQLC-HK tham chiến. TQLC Hoa kỳ cùng với các chiến sĩ Bộ binh và TQLC Việt Nam đã cùng nhau chiến đấu chiếm từng căn nhà để đẩy lui địch quân ra khỏi khu vực. Ngày 2/3/1968, trận chiến Huế chính thức kết thúc. Hơn 50 phần trăm thành phố đã bị hư hại hoặc phá hủy. Lực lượng bộ binh và TQLC VNCH thiệt hại 384 tử thương và 1,830 bị thương. TQLC Hoa kỳ bị 142 tử thương và 857 bị thương. Bộ binh Hoa Kỳ bị 74 tử thương và 507 bị thương trong lúc chiến đấu bên ngoài thành phố.
Như thường lệ, ông Trưởng đã hành xử một cách ngoạn mục, chỉ huy binh sĩ một cách bình tĩnh nhưng ấn tượng (Truong had performed magnificently, directing his troops in a calm but charismatic fashion). Trung tướng Cushman, người sau này trở thành bạn thân của ông sau khi đã làm việc với ông, đã mô tả hành xử của ông Trưởng trong trận chiến Mậu Thân như sau: “Ông Trưởng sống sót trong lúc bị địch quân bao vây tứ phía. Địch quân chưa chiếm được bộ tư lệnh của ông như họ đã chiếm được phần còn lại của Thành Nội.”
Sau Trận Tết Mậu Thân, ông Trưởng được đặc cách thiếu tướng. Tháng 8/1970, ông được bổ nhiệm Tư Lệnh Quân Đoàn IV tại Cần Thơ vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Tháng 4/1971, ông được vinh thăng trung tướng.
Với tư cách tư lệnh lực lượng quân sự vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, chiến lược của ông Trưởng là thiết lập một hệ thống tiền đồn dọc theo biên giới với Cao Miên để ngăn chặn sự chuyển quân và tiếp liệu của Cộng Sản vào trong vùng, trong khi đó ông chia ba sư đoàn bộ binh trực thuộc thành các lực lượng đặc nhiệm cấp trung đoàn để thực hiện các cuộc hành quân lùng và diệt địch trong các căn cứ lâu năm của đối phương trên toàn vùng. Trong khi đó, với sự hết sức ngay thẳng (scrupulously honest) ông Trưởng tung ra một chiến dịch truy quét “lính ma” và “lính kiểng”, đào binh và trốn quân dịch trong vùng IV. Ông cũng gia tăng khả năng của các lực lượng Nghĩa Quân và Địa Phương Quân trong vùng, biến các lực lượng này thành một thể thống nhất trong kế hoạch phòng thủ tạo an ninh cho Đồng Bằng sông Cửu Long.
Ngày 30/3/1972, Bắc Quân tung ra cuộc tấn công “Đông Xuân” (Easter Offensive). Lực lượng tấn công gồm 14 sư đoàn và 26 trung đoàn độc lập với hơn 120,000 quân và khoảng 1,200 chiến xa và xe cơ giới vũ trang khác. Mục tiêu chính của Bắc Quân là tỉnh Quảng Trị ở phía bắc, Kontum ở Cao Nguyên Trung Phần và An Lộc ở xa hơn về phía nam thuộc Vùng III Chiến Thuật.
Cuộc tấn công bắt đầu vào trưa ngày thứ Sáu, ngày kỷ niệm Chúa bị đóng đinh (Good Friday), với các cuộc pháo kích nặng nề vào tất cả các căn cứ hỏa lực trong Vùng I Chiến Thuật, phía nam của khu Phi Quân Sự (DMZ). Ngày hôm sau, ba sư đoàn thuộc Mặt Trận B-5 của Bắc quân tấn công một loạt các căn cứ hỏa lực của QLVNCH ngay phía nam khu Phi Quân Sự, được trấn giữ bởi Sư đoàn 3 Bộ Binh tân lập. Các binh sĩ QLVNCH bị tràn ngập với tỉ số 1 chống 3, đã rút lui trong khi Bắc quân tấn công về phía nam. Trong khi hết căn cứ hỏa lực này tới căn cứ hỏa lực khác rơi vào tay 40,000 Bắc quân, căn cứ chiến đấu tại tỉnh Quảng Trị bị đe dọa và cuối cùng di tản trước cuộc tấn công. Trong cuộc chiến đấu cay đắng đó, Sư đoàn 3 Bộ Binh VNCH bị tan nát và không còn khả năng chiến đấu.
Ngày mùng 1/5/1972, Cộng quân chiếm tỉnh Quảng Trị. Điều này giúp Cộng quân kiểm soát các vùng lân cận và tiếp tục tấn công về phía nam. Biết được tình hình nguy ngập, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã giải nhiệm Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh Vùng I Chiến Thuật, người không có khả năng ngăn chận cuộc tấn công của Cộng Quân và ra lệnh Tướng Trưởng đảm nhiệm chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn I kiêm vùng I chiến thuật. Ông Trưởng rời bộ tư lệnh Quân Đoàn IV ở Cần Thơ và tới Đà Nẵng ngày mùng 3/5. Sử gia Lewis Sorley sau đó viết rằng việc thay đổi cấp chỉ huy này có ảnh hưởng như nhanh như điện. Sự trở lại của ông Trưởng đã giúp trấn an tình hình, và chỉ riêng sự hiện diện của ông cũng mang lại niềm hy vọng mới cho các lực lượng VNCH tại Vùng I.
Tướng Trưởng mau chóng nhận quyền chỉ huy, ra lệnh bắn tại chỗ tất cả các đào binh nào không trở về trình diện đơn vị trong vòng 24 giờ. (ghi chú của người dịch: Trong vòng thân mật gia đình, ông tâm sự chưa bao giờ ông ra lệnh bắn ai) Ông lên truyền hình và hứa sẽ giữ Huế và đẩy lui Cộng quân. Ông thiết lập ban tham mưu rồi chuyển bộ tư lệnh của ông ra Huế, nơi đang bị rối loạn trước cuộc tấn công đang tiếp diễn của Cộng quân. Sau khi ổn định tình hình, ông thiết lập kế hoạch phòng thủ toàn diện nhằm chận đứng cuộc tiến công của Cộng quân. Đồng thời ông thiết lập kế hoạch tái huấn luyện và bổ sung các đơn vị trước đó bị tơi tả trong lúc rút lui khỏi Quảng Trị. Với thiết bị mới được Hoa Kỳ cung cấp, ông tập hợp các đơn vị đó lại và cho tái huấn luyện cấp tốc.
Cho tới giữa tháng 5, cuộc phòng thủ Huế đã được củng cố, tình hình đã ổn định và các đơn vị tái phục hồi đã sẵn sàng. Ông Trưởng tung ra một cuộc phản công với ba sư đoàn để tái chiếm những vùng bị mất, với sự trợ giúp của hỏa lực Hoa Kỳ, trong đó có các cuộc oanh tạc của pháo đài bay B-52, không yểm cận chiến của các oanh tạc-chiến đấu cơ (fighter-bombers) của Không, Hải Quân và TQLC Hoa Kỳ; trực thăng tấn công (Army attack helicopters); và hải pháo của Hạm Đội 7 Hoa Kỳ. Đây là một tiến trình chậm chạp và được xem xét cẩn thận, nhưng các lực lượng của ông đã đẩy lui được sáu sư đoàn quân Bắc Việt để tái chiếm Quảng Trị vào ngày 16/9. Nhiều căn cứ hỏa lực dọc theo vùng Phi Quân Sư được tái chiếm (1), và tới cuối tháng 10 tình hình Vùng I được ổn định. Với việc tái chiếm Quảng Trị, và đứng vững của QLVNCH tại Kontum và An Lộc, Cuộc tấn công của Bắc quân đã thất bại. Ông Trưởng đã hoàn toàn biến đổi tình hình thê thảm khắp Vùng I nhờ sức mạnh cao ngất của tài lãnh đạo của ông (by the sheer force of his personal leadership.)
Năm 1975 ông Trưởng đứng trước thử thách lớn nhất đời ông. Công cuộc phòng thủ của QLVNCH tại Cao Nguyên Trung Phần sụp đổ trước một cuộc tấn công mới của Bắc quân. Tổng Thống Thiệu ra lệnh ông tử thủ Huế, và ông đã bắt đầu củng cố công cuộc phòng thủ thành phố này, chuẩn bị chiến đấu tại đây. Tuy nhiên, sau đó là một tuần lễ tranh luận (debate) với TT Thiệu và các sĩ quan tham mưu quân sự cao cấp của tổng thống, nổi bật bởi những lên án (highlighted by accusations), những lệnh lạc mâu thuẫn và các đề nghị không thể thi hành được. Trong các cuộc thảo luận này, ông Trưởng được lệnh bỏ Huế, mặc dù ông quả quyết rằng vẫn có thể phòng thủ được. Trong khi ông chuẩn bị thi hành lệnh mới nhất của Tổng Thống, thì vào phút chót Tổng Thống lại ra lệnh ngược lại bảo ông giữ Huế bằng mọi giá. Theo một quan sát viên cho phóng viên tuần báo Time biết: “Giống như là một người ngu hay một chàng điên (It was like a yo-yo) (2). Đầu tiên, ông Thiệu ra lệnh rút lui Huế và phòng thủ Đà Nẵng. Rồi ông lại hủy bỏ lệnh đó và bảo giữ Huế. Rồi ông lại đổi ý và bảo binh sĩ rút lui.”
Lệnh lạc rối mù (Confusion reigned). Ông Trưởng không nhận được rõ ràng những lệnh mới, nhưng ông cố gắng tuân hành theo khả năng của ông. Mặc dù vậy, việc rút lui khỏi Huế đã trở thành một thảm họa tương đương về mức độ với cuộc rút lui ở Cao Nguyên Trung Phần. Dưới cuộc pháo kích của đại bác hạng nặng, các lực lượng của ông tan rã. Vì những lệnh lạc mâu thuẫn, thiếu chuẩn bị và sự mất tinh thần, cuộc di tản trở thành một thất bại hoàn toàn. Lãnh đạo yếu kém ở nhiều đơn vị, sự mất thống nhất của các đơn vị và lo lắng về gia đình đã mau chóng đưa tới hoảng hốt và hoàn toàn rối loạn.
Tình hình tại Đà Nẵng cũng tồi tệ như vậy. Trong khi thành phố bị hai sư đoàn Cộng quân pháo kích, ông Trưởng cố điều động cuộc di tản bằng đường biển. Nhưng tiếp theo đó là một địa ngục, khi các thường dân cũng như binh sĩ cố thoát về phương nam bằng mọi cách. Đà Nẵng rơi vào tay Cộng quân vào ngày 30/3. Trong tiến trình bỏ rơi một thành phố có 3 triệu dân, bốn sư đoàn chủ lực quân tan rã, trong đó có hai sư đoàn ưu tú nhất của QLVNCH: Sư đoàn 1 BB và sư đoàn TQLC.
Tướng Trưởng, một người quyết tâm muốn giữ Huế, đã bị đặt trong tình huống không thể phòng thủ nổi bởi các lệnh lạc mâu thuẫn nhau của TT Thiệu. Khi Đà Nẵng thất thủ, ông Trưởng và sĩ quan tham mưu của ông đã dùng phao bơi ra đoàn tầu cấp cứu của Hải quân Việt Nam. Ông Trưởng đã hết sức đau lòng vì sự mất mát các lực lượng của ông, đặc biệt là Sư đoàn 1 BB mà ông yêu mến. Tin tức cho hay ngay khi về tới Saigon ông vào nằm bệnh viện vì mất tinh thần (nervous breakdown). Một sĩ quan Hoa Kỳ đã từng làm việc thân cận với ông nghe thấy vậy đã đi tìm ông và thu xếp để đưa gia đình ông ra đi trên một chiến hạm Hoa Kỳ khi Saigon rơi vào tay Cộng sản.
Gia đình ông bị chia rẽ một thời gian: Vợ ông và người con trai lớn tới được căn cứ Fort Chaffee, ở tiểu bang Arkansas; các con gái ông và người con trai giữa đã chạy được với một nhân viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tới thành phố Seattle; và người con trai út không biết một chữ tiếng Anh, ở trại tị nạn Pendleton, tiểu bang California trong nhiều tuần lễ trước khi danh tánh của em được tìm thấy.
Sau khi tái hợp, ông Trưởng và gia đình chuyển tới Falls Church, tiểu bang Virginia. Sau khi ổn định ở đây, ông viết nhiều bài nghiên cứu lịch sử về cuộc chiến Việt Nam cho Trung Tâm Quân Sử của Quân Đội Hoa Kỳ. Năm 1983, cùng năm ông trở thành công dân Hoa Kỳ, ông chuyển tới Springfield cùng tiểu bang. Ông làm nhân viên phân tích điện toán (computer analyst) cho Sở Hỏa Xa Hoa Kỳ (Association of American Railroads) trong 10 năm cho tới khi ông về hưu năm 1994.
Mặc dù kết quả của cuộc chiến tại Vùng I và cuộc sụp đổ sau đó của miền Nam VN, danh tiếng của ông Trưởng không thay đổi. Trong hồi ký năm 1992, Tướng Norman Schwarzkopf đã gọi Tướng Trưởng là “vị tư lệnh chiến thuật sáng giá nhất mà tôi được biết”. Ông viết, “Chỉ hình dung địa thế và rút kinh nghiệm chiến đấu chống địch quân trong mười lăm năm của mình, Tướng Trưởng đã chứng tỏ khả năng phi thường (an uncanny ability) tiên đoán những gì địch quân sẽ thực hiện.”
Tướng Schwarzkopf viết: “Ông ấy trông không có vẻ một thiên tài quân sự (a military genius): chỉ cao có 5 feet 7 (khoảng 1m70)… rất gầy, vai xuôi và cái đầu dường như quá khổ so với thân mình… Gương mặt dài và nghiêm nghị… và luôn luôn ngậm điếu thuốc trên môi. Tuy nhiên ông được các sĩ quan và binh sĩ kính nể và những tư lệnh Bắc quân biết khả năng của ông sợ hãi.
Không giống một số tướng lãnh Miền Nam, những người đã trở nên giầu có cùng với sự thăng tiến cấp bậc, ông Trưởng ngay thẳng và theo một người bạn thân của ông thì ông sống một cuộc sống “khắc khổ” (spartan and ascetic life). Trung Tướng Cushman cho biết Tướng Trưởng không có một bộ đồ vest, và vợ ông nuôi heo trong khu nhà khiêm tốn của ông trong doanh trại ở Cần Thơ. Tướng Cushman mô tả Tướng Trưởng, “Ông ấy rất sáng tạo và luôn luôn tìm cách cải thiện đời sống binh sĩ và gia đình họ.”
Một con người khiêm tốn, ông Trưởng là một người không ích kỷ, dốc lòng cho binh nghiệp. Ông hết lòng với thuộc cấp, và nổi tiếng trong việc chăm sóc binh sĩ, thường bay trong lửa đạn để tới đứng với binh sĩ trong mưa và bùn lầy trong lúc bị địch quân tấn công. Ông đối xử với mọi người như nhau và không dành đặc ân cho ai. Có câu chuyện kể rằng ông từ chối đáp ứng một yêu cầu đưa người cháu gọi ông bằng bác ruột về đơn vị không chiến đấu, để rồi sau đó người cháu của ông đã hy sinh tại mặt trận.
*
Ghi chú: JAMES H. WILLBANKS là Giám đốc Khoa Lịch Sử Quân Sự tại Trường Chỉ Huy Tham Mưu Lục Quân Hoa Kỳ tại Căn Cứ Fort Leavenworth, Kansas. (director of the Department of Military History at the U.S. Army’s Command and General Staff College at Fort Leavenworth, Kansas). Ông là một cựu sĩ quan bộ binh trong 23 năm, đã trải qua cuộc bao vây bằng pháo binh khốc liệt dài hai tháng tại An Lộc trong cuộc Tấn Công Đông Xuân (Easter Offensive) của Bắc quân vào năm 1972.
*
Có một số ý kiến phản hồi của các độc giả gốc Việt cũng như người sắc tộc khác. Người dịch chỉ dịch vài ý kiến tiêu biểu của mấy độc giả người sắc tộc khác dưới đây:
- Robert Valenzuela viết: Một tấm gương tốt của một vị chỉ huy và một quân nhân thực sự. Đã sống hiểm nguy ngoài mặt trận như các thuộc cấp. Ước gì Việt Nam có nhiều người như ông…
- Cav Advisor viết: Tôi đã có may mắn được phục vụ với tư cách cố vấn tại Thiết đoàn 7 kỵ binh thuộc Sư đoàn 1 BB-VNCH khi Tướng Trưởng làm tư lệnh. Ông ấy là một vị tư lệnh xuất sắc (superb leader). Tôi luôn luôn kính trọng nhớ mãi những kỷ niệm với ông.
- Robert Branson viết: Tôi có may mắn đặc biệt được thuyết trình cho Tướng Trưởng tại Quận Kế Sách, tỉnh Ba Xuyên. Ông là người hiểu biết, chú ý và ngay thẳng với lỗi lầm. (honest to a fault). Quan trọng hơn nữa, ông đối xử với các sĩ quan trong đơn vị và các sĩ quan tham mưu của ông cùng một tiêu chuẩn.
Ghi chú:
(1): Tác giả có sự lầm lẫn ở đây. Sau khi tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị, Quân Lực VNCH được lệnh không tái chiếm lại vùng đất bên bờ bắc sông Thạch Hãn. Từ đó tới sông Bến Hải cũng còn xa khoảng 30 km trong khi vùng Phi Quân Sự chỉ cách sông Bến Hải có 5km thôi, cho nên QLVNCH không tái chiếm lại những căn cứ hỏa lực dọc theo vùng Phi Quân Sự như tác giả viết (ghi chú của Nguyễn Tường Tâm).
(2): yo-yo: a stupid or foolish person (Merriam-Webster’s Dictionary and Thesaurus).
© Nguyễn Tường Tâm
DCV
No comments:
Post a Comment