Nhiều cuộc cách mạng Dân Chủ đang dồn dập nổ ra ở Tunisia, Algeria, Yemen, Ai Cập…Giới trẻ Việt Nam thấy có nhu cầu tìm hiểu.
Nhớ lại những năm tháng nằm trong lao tù cộng sản, tôi có nghe nhiều anh em nhắc đến Thế Chiến Lược Tòan Cầu Mới do Bs Nguyễn Đan Quế phổ biến.
Ra khỏi tù, tôi có dịp gặp Bs Quế và hỏi về Thế Chiến Lược này.
Tôi xin ghi lại đây nội dung chính để gửi đến những anh chị em đang tranh đấu cho Nhân quyền và Dân chủ tại Việt Nam như tài liệu nội bộ để nghiên cứu, cũng như những Quí Vị nào quan tâm đến vấn đề này.
Nguyễn Bắc Truyển
Tù chính trị hiện bị quản chế.
====================================
CHỦ NGHĨA ĐA PHƯƠNG MỚI
Thế kỷ 21 đặt ra cho nhân loại những thách thức cấp bách, lớn lao, chưa từng có trong lịch sử, vượt xa khả năng giải quyết của bất cứ siêu cường nào. Điều này đòi hỏi phải có một chiến lược chung của ‘ tập thể các siêu cường ' mới có thể đối phó được.
Hướng đi là phải như thế. Nhưng để các siêu cường đồng ý thực thi mới vô cùng khó khăn.
Ý chí chính trị cuối cùng có tính quyết định nằm nơi Mỹ, cường quốc số một trên hành tinh. Hoàn cảnh nào? Khi nào? Và ai? đã khởi động tiến trình.
Chính trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu do bể bong bóng ngân hàng và địa ốc ở Mỹ năm 2008; trong khi Mỹ đang dính líu vào hai cuộc chiến chống khủng bố ở Afganistan và Iraq, cùng lúc phải đối phó với đe dọa hạt nhân từ Iran và Bắc Triều Tiên còn nhùng nhằng chưa xong. Các thăm dò ngoại giao hậu trường cho thấy có lẽ hướng giúp giải quyết tốt đẹp hữu hiệu nhất chỉ có thể là: hợp tác trong cạnh tranh (chứ không phải đối đầu) giữa các siêu cường.
Chính quyền Obama cam kết thực hiện một chính sách ngoại giao khôn ngoan hơn, hứa sẵn sàng nói chuyện với kẻ thù, thay vì đe dọa sử dụng hay sử dụng sức mạnh quân sự, Ông mạnh mẽ lên tiếng cổ võ chính sách đa phương mới, nhằm thiết lập một trật tự thế giới mới về kinh tế. Obama cũng cố gắng biện minh cho đa phương có thể dễ giúp giải quyết tốt hơn những mâu thuẫn quyền lợi trên thế giới, từ Hồi giáo đến bất đồng với Nga, với Trung quốc, cũng như những khó khăn với đồng minh Âu Châu hay Nhật Bản. Điều này nói lên tầm vóc điều chỉnh chiến lược chưa từng có của Mỹ kể từ sau Chiến tranh Thế giới II.
NHƯNG ai cũng hiểu rất rõ rằng:
Mỗi siêu cường có thế chiến lược toàn cầu riêng của mình. Vấn đề nào dính líu đến quyền lợi thiết thân của nhiều siêu cường, thì hướng giải quyết là thương lượng, nhân nhượng để tìm ra cách đối phó chung. Có quyền lợi chung, tất nhiên phải có trách nhiệm chung.
Chiến tranh giờ đây không phải là giải pháp tối ưu, vì chiến tranh giữa các siêu cường có thể dẫn đến dùng võ khí nguyên tử, hủy diệt nền văn minh nhân lọai. Muốn nói gì thì nói, nền văn minh trên hành tinh của chúng ta là độc nhất vô nhị, chưa thấy ở bất cứ nơi nào trong vũ trụ. Nhân loại hơn 6 tỉ người có quyền lên tiếng đòi những nhà lãnh đạo các nước trên thế giới, cả giầu lẫn nghèo, trân trọng và làm nở rộ hơn nền văn minh này, để truyền lại cho đời sau. Nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin toàn cầu, bất cứ từ hang cùng ngõ hẻm nào trên trái đất này, tiếng nói của 1 cá nhân nhỏ bé cũng có thể được nhiều người khắp nơi lắng nghe, chia sẻ, ủng hộ.
I. NHỮNG THÁCH THỨC TÒAN CẦU
Nghèo gây bất ổn.
2/3 nhân loại hiện sống trong nghèo đói thiếu thốn. Hố xa cách giữa các nước giầu và các nước nghèo trên thế giới là vô cùng gay gắt. Người dân hay chính phủ của nước giầu hay nước nghèo đều thấy cần phải giải quyết hố xa cách giầu – nghèo quá đáng này. Điều này có thể thực hiện được khi mà khoa học đang mang lại nhiều tiến bộ chưa từng có cho nhân loại.
Cùng là con người cả, người giầu sẽ khó cảm nhận hạnh phúc giữa hàng tỉ người nghèo bao quanh. Khi bị dồn vào đói khổ quá con người dễ làm liều, vì người ta không còn con đường nào, phương cách nào, khả năng nào ngoài bạo động cướp của nhà giầu để sống còn. Trước bất công đó, nước giầu nào giúp các nước nghèo sẽ được cộng đồng nhân lọai trọng thị, vì nể.
Thế giới ngày nay đang cố gắng tiến đến chỗ tạo dựng một bầu không khí cảm thông, trong đó hạnh phúc và tương lai nhân loại phụ thuộc lẫn nhau, để các nước giầu sẵn lòng chia sẻ giúp các nước nghèo phát triển.
Đương nhiên, không dễ xóa bỏ một bất bình đẳng qui mô toàn cầu, đã kéo dài nhiều thế kỷ, và hiện đang có nguy cơ tiếp tục mở rộng.
Tuy nhiên, bằng việc thừa nhận rằng nguyên nhân chính của nghèo đói là do thất bại của các chính phủ cùng các định chế, chúng ta có cơ hội để đảo ngược tình thế. Bằng cách nào? Đó là bầu cử tự do.
An ninh ổn định trên thế giới
Sau vụ khủng bố đâm máy bay vào toà tháp đôi ở New York ngày 11-9-2001, Mỹ và các nước giầu cảm thấy bất an ngay trong nội địa đất nước mình, đâu cũng có thể bất thần bị đánh bom, không đâu còn là an tòan 100% nữa.
Mỹ hiện cầm đầu nỗ lực chống khủng bố trên thế giới, trực tiếp tham chiến tại Iraq và Afganistan, và đang cố gắng tháo gỡ mối đe dọa nguyên tử của Iran và Bắc Triều Tiên .
Thực tế chứng minh nỗ lực sử dụng sức mạnh quân sự không đưa lại kết quả mong muốn, và có nguy cơ còn bị sa lầy kéo dài.
Đối với an ninh của Mỹ, chống khủng bố là quan trọng hàng đầu. Bởi vậy, chính sách ngọai giao Mỹ là hỗ trợ các nước nghèo phát triển kinh tế, kết hợp với hợp tác quốc phòng. Nhưng thực thi nay cần mềm mỏng mới có thể đạt kết quả mong muốn.
Ấm nóng khí hậu toàn cầu và bảo vệ môi trường sống
Từ khi xuất hiện nền công nghiệp trên trái đất cách đây hơn 3 thế kỷ, các hoạt động của con người đã thải vào bầu khí quyển một lượng khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, khiến nhiệt độ bề mặt trái đất ấm lên. Nạn phá rừng bừa bãi lấy đất trồng trọt làm giảm mức hấp thụ CO2 là lý do lớn khác nữa. Tan các tảng băng ở Bắc cực, Nam cực và các đỉnh núi cao như Hy Mã Lạp Sơn để lộ xác động thực vật chôn vùi lâu ngày cũng thải ra 1 lượng lớn CO2. Tan băng đồng thời cũng làm nước biển dâng cao, nhấn chìm một số đảo và biển lấn đất liền, thu hẹp diện tích trồng trọt.
Mấy lúc gần đây, thiên tai, băng giá, bão lụt, hạn hán, thời tiết trái mùa đang liên tiếp xẩy ra khắp nơi trên thế giới
Giảm CO2 gây hiện tượng nhà kính là vấn đề cấp bách. Các nước nghèo qui trách nhiệm cho nước giầu, yêu cầu các nước giầu phải cắt giảm nhiều và phải trợ giúp các nước nghèo. Các nước giầu có nhân sự, có kỹ thuật, có tiền bạc để chuyển đổi nền kinh tế sang xử dụng năng lượng sạch. Làm sao các nước nghèo có thể làm theo tiêu chuẩn mà các nước giầu đề ra? Mặc dầu nghị định thư Kyoto, một văn kiện có tính ràng buộc pháp lý năm 1997 được 37 quốc gia đặt bút ký và sẽ chấm dứt vào năm 2012, nhưng 2 nước thải CO2 nhiều nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc lại không ký. Hội nghị Copenhagen do LHQ tổ chức từ 7 đến 18-12-2009 đã không đạt kết quả như nhiều nước mong đợi, nhưng lần này có được thoả thuận: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Tây và Nam Phi đồng ý sẽ ký. Bản Thỏa thuận Copenhagen ấn định mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ ở 2 độ C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp, nhưng không đề ra những phương cách đạt được mục tiêu ấy. Mới đây, hội nghị Cancun từ 29-11 đến 10-12-2010 đạt được thỏa thuận bao gồm một Quỹ khí-hậu-xanh (Green Climate Fund) nhằm quyên góp và giải ngân 100 tỉ USD mỗi năm từ nay tới năm 2020 để bảo vệ các nước nghèo chống lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hỗ trợ họ phát triển với mức thải CO2 thấp. Một Ủy ban Thích ứng mới sẽ hỗ trợ các quốc gia khi họ lập kế hoạch bảo vệ khí hậu. Quỹ khí-hậu-xanh ban đầu sẽ sử dụng Ngân hàng Thế giới là cơ quan được ủy thác (theo đòi hỏi của Mỹ, EU và Nhật Bản) trong khi việc giám sát sẽ được giao cho một cơ quan mới cân bằng giữa các nước phát triển và đang phát triển. Các nước đang phát triển sẽ có biện pháp kiềm chế phát khí thải của mình, và phải chịu xác minh của quốc tế chỉ khi nào họ được tài trợ bằng tiền của Tây phương.
Kiểm soát phổ biến để đi đến loại bỏ hẳn vũ khí nguyên tử. Mỹ và Nga chiếm 96% toàn kho của thế giới. Hiệp ước giảm vũ khí chiến lược START (strategic arm reduction treaty), ký năm 1991, đã hết hạn ngày 5-12-2009. Ngày 8-4-2010 Mỹ và Nga ký START MỚI tại thủ đô Praha của Cộng hòa Czech.Theo hiệp ước mới, mỗi bên sẽ được phép lưu kho 1.550 đầu đạn và dưới 700 hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo bắn từ tàu ngầm, và máy bay ném bom hạng nặng trang bị vũ khí hạt nhân. Ngày 22-12-2010 Thượng viện Mỹ đã thông qua Start mới. Viện Douma Nga cũng đã thông qua ngày 26-1-2011.
Phi quân sự hoá không gian.
Kinh nghiệm khó khăn trong việc giải quyết hậu quả chạy đua vũ trang nguyên tử trước đây, các nước trong câu lạc bộ không gian cảm thấy ngay từ bây giờ cần thoả thuận có tính ràng buộc trong việc xử dụng hoà bình vũ trụ, nghiêm cấm đặt vũ khí nguyên tử trong không gian.
Khan hiếm lương thực - thực phẩm
Biến đổi khí hậu, biển lấn đất, sa mạc hóa, đô thị hoá, đã thu hẹp đáng kể đất canh tác khiến lượng sản xuất kém đi. Theo nhiều nhà khoa học, kỹ thuật biến đổi ‘gien’ có thể giúp giải quyết khó khăn về số lượng lương thực ; nhưng khó khăn nằm ở chỗ làm sao huy động số dư ở những nơi khác và phải có hệ thống phân phối nhanh, an toàn đưa ngay đến những vùng khủng hoảng. Điều này đòi hỏi phải có cơ chế hợp tác hữu hiệu liên chính phủ.
Khan hiếm nhiên liệu - năng lượng
Sau củi, than đá, khí đốt, dầu hoả, năng lượng hạt nhân... nhân loại đang hướng về năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, gíó, thuỷ triều, năng lượng lấy từ lòng đất.
Khan hiếm tài nguyên kỹ nghệ
Tài nguyên lục địa đang cạn kiệt dần. Bây giờ chú ý đang nhắm vào tài nguyên dưới đáy biển. Biển chiếm 71% vỏ quả đất, tài nguyên đa dạng và phong phú như trong đất liền, còn trinh nguyên chưa bị khai thác. Kỹ -thuật-cao nay cho phép mở những kho tàng này. Nhưng vì đáy biển thuộc hải phận quốc tế là của chung nhân loại, cần phải có luật quốc tế về vấn đề này. Có ý kiến đề nghị: từ đáy biển xuống sâu 200m là của tất cả các nước. Sâu xuống hơn 200m đáy biển thuộc về ai có kỹ thuật khai thác. Và ai cũng biết chỉ có các siêu cường mới có khả năng này.
Nạn nhân mãn và di dân kinh tế.
Dân số thế giới hiện trên 6 tỉ, lên 9 tỉ vào năm 2050. Ngoài lo ăn mặc, còn lo giáo dục, y tế, việc làm, sao cho thế hệ sau khá hơn thế hệ trước.
Kiểm soát sinh nở có trách nhiệm và phát triển tốt kinh tế là ưu tiên toàn cầu. Sẽ có bùng nổ dân số, nếu không có kế hoạch. Khi đó không thể trách cứ người dân bỏ nước ra đi kiếm đời sống dễ thở nơi khác.
Và còn nhiều vấn đề khó khăn khác, như:
Vấn đề nổi loạn, chém giết lẫn nhau vì nghèo đói.
Tự do hoá mậu dịch và đầu tư toàn cầu
Thăng tiến chất lượng cuộc sống, phẩm giá con người, nhân quyền và dân chủ
II. NHÂN LỌAI ĐANG ĐI VÀO NỀN VĂN MINH MỚI
Thế kỷ XX, thuyết tương đối của Einstein và cơ học lượng tử đã mở ra chân trời mới, đưa đến hàng loạt những phát minh quan trọng, và sau đó được đem ứng dụng trong kỹ nghệ để phục vụ con người, như: thám hiểm không gian, xử dụng năng lượng nguyên tử trong y khoa - canh nông - kỹ nghệ, transitor, laser, chip điện tử, máy vi tính, kỹ thuật số…mà chúng ta thường gọi chung là cuộc cách mạng vi-điện-tử (hay cách mạng kỹ-thuật-cao).
Năm 1955 F. Crick và J. Watson chứng minh toàn bộ sự sống (con người - động vật - thực vật) có chung bốn chất: guanin, adenosin, cytosin và thymin phân bổ ở những vị trí khác nhau trên chuỗi xoắn desoxyribonucleic acid (DNA). Nghĩa là: Con người và thiên nhiên tương quan phụ thuộc lẫn nhau khắng khít.
Chính vì có những phát kiến vi-điện-tử và hiểu biết mới về con người - động vật - thực vật quá ư ghê gớm, quá ư bất ngờ, quá ư căn bản này, mà nhân loại đang đi vào nền văn minh mới, với hai cuộc cách mạng xã hội:
- một về kỹ thuật và sinh học mà tiến bộ đang diễn ra vũ bão trên toàn cầu.
- một về triết lý sống khôn ngoan hơn, minh triết hơn: Nhân Bản Hoá Xã Hội.
III. SỰ HÌNH THÀNH CHỦ NGHĨA ĐA PHƯƠNG MỚI
Đi vào nền văn minh mới, đòi hỏi phải giải quyết cấp bách một loạt những thách thức toàn cầu ngay trong thế kỷ 21 này, không thể trì hoãn được.
Trách nhiệm lớn nhất đặt lên vai những siêu cường có nền kinh tế kỹ-thuật-cao như: Mỹ, Nhật, Đức với liên minh Âu Châu (EU), Nga và Trung Quốc.
Mỗi siêu cường có đường lối chiến lược toàn cầu riêng của mình.
Trước những thách thức chung có tính toàn cầu cần chiến lược chung đối phó.
Từ đó, THẾ CHIẾN LƯỢC TOÀN CẦU LIÊN HÒANH ĐA PHƯƠNG MỚI đang nhanh chóng hình thành (hay còn gọi là MỘT NỀN TRẬT TỰ KINH TÊ QUỐC TẾ MỚI):
Mỹ, Nga, Nhật, Đức với EU, và Trung Quốc hợp thành thế liên hoành để
- một mặt, giữ vững thế của nước giầu đối với nước nghèo, lọai trừ khủng bố, bảo đảm an ninh thế giới để cùng phát triển
- mặt khác, chuyển giao kỹ-nghệ-hoá cho các nước nghèo qua vốn, kỹ thuật, quản lý để lấp bớt hố xa cách giầu - nghèo, một điều kiện quan yếu không thể thiếu được, nếu các nước giầu muốn tiến thêm bước nữa.
Mâu thuẫn quyền lợi giữa 5 Siêu Cường có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu, trên bất cứ vấn đề gì, nhưng không phải là đối kháng, mà là cạnh tranh trong phát triển. Những mâu thuẫn này có thể thương thuyết tương nhượng, giải quyết thông qua mối quan hệ quyền lợi chằng chịt đa phương mang tính liên hoành.
Khi có điễm nóng tại nơi nào trên thế giới đi ngược lại thế chiến lược toàn cầu chung, 5 Siêu Cường phát huy cơ chế liên hoành dựa trên tham khảo và hợp tác nhằm đạt mức đồng thuận nào đó cho hướng giải quyết chung, nhất là trong trường hợp cần dụng binh. Sau đó, mỗi siêu cường có chiến lược, chiến thuật, kỹ thuật thực hiện, cùng nghệ thuật thi hành riêng của mình, để hướng các bên tranh chấp đi đến thoả hiệp quyền lợi hợp tình, hợp lý dựa trên công pháp và thông lệ quốc tế.
Nói một cách khác, thế giới đang đi vào thế Hợp Tác Bắc - Nam:
· Khối Bắc: Sở dĩ gọi như vậy vì đường nối liền 5 thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Đông Kinh, Bắc Kinh, Mạc Tư Khoa, Bá Linh nằm về Bắc bán cầu. Khối Bắc chiếm gần 1/3 dân số toàn cầu.
· Khối Nam chiếm khoảng 2/3 gồm tất cả những nước đang phát triển. Khối Nam gồm 5 vùng: Đông Nam Á - Thái Bình Dương, Tiểu lục địa Ấn Độ, Phi Châu, Trung Đông và Châu Mỹ La Tinh.
Giữa Bắc và Nam là những nước giầu, tiến hành mạnh mẽ cuộc cách mạng vi-điện-tử (kỹ-thật-cao) như Canada, Úc, Bắc Âu, Ấn Độ, Ba Tây, Nam Phi, Nam Triều Tiên, Singapore...nhưng không phải là những trung tâm quyền lực trong nền sinh hoạt chính trị toàn cầu./.
Ý của Bs Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Bắc Truyển ghi.
Xuân Tân Mão 2011
====================================
=====================================================
No comments:
Post a Comment