Chiến hạm Kearsarge của Hoa Kỳ, ngày 19/09/2005, tại cảng Aqba (Jordani).
REUTERSAbraham Faroujian/Files
Tú Anh
Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế gia tăng áp lực lên nhà độc tài Kadhafi vào lúc phong trào nổi dậy đã kiểm soát hầu hết các khu dầu khí. Washington cho biết các lực lượng không quân và hải quân của Mỹ đã được bố trí ngoài khơi Libya. Mục tiêu chính thức của lực lượng này là để « can thiệp nhân đạo ». Tuy nhiên, tại khóa họp của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva, ngoại trưởng Hillary Clinton không loại trừ khả năng quân sự. Bà tuyên bố là ngày nào Kadhafi còn tại vị và tiếp tục sát hại dân lành, thì Hoa Kỳ không loại trừ bất cứ phương án nào để bảo vệ thường dân Libya.
Từ Washington, thông tín viên Raphael Reynes phân tích dụng ý của Mỹ:
« Hai chiến hạm, hàng không mẫu hạm Enterprise và trực thăng hạm Keasarge hiện đang hoạt động trong khu vực chính xác là ở Hồng hải và Địa Trung hải. Các căn cứ của hạm đội 6 tại Napoli, nước Ý, có thể sẽ được sử dụng làm địa điểm xuất quân can thiệp vào Libya.
Khi thông báo bố trí chiến hạm ngoài khơi Libya, Hoa Kỳ chứng tỏ một cách rõ ràng là không loại trừ một phương án nào kể cả giải pháp quân sự. Ngoại trưởng Hillary Clinton còn nhắc lại thông điệp này , tại Geneva,vào ngày hôm qua 28/02/2011, bên lề khóa họp Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh « chưa có một hoạt động quân sự nào sắp diễn ra ». Hiện tại, các nước Tây phương đang điều nghiên biện pháp phong tỏa không phận Libya. Dự án này có thể sẽ được thực hiện với sự trợ lực của Ý và Pháp.
Hoa Kỳ cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng nhân đạo. Một tài khoản 10 triệu đôla đã được giải ngân để chi phí cho chiến dịch cứu trợ khẩn cấp. Ngoại trưởng Mỹ thông báo hai đoàn chuyên gia y tế sẽ đến biên giới Tunisia và Ai Cập để chăm sóc cho thường dân di tản.
Cùng lúc đó, bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết đã phong tỏa 30 tỷ đô la tài sản của Libya. Đây là số tiền lớn nhất từ trước đến nay bị Hoa Kỳ niêm phong trong chính sách trừng phạt kinh tế một chế độ ».
Thi hành nghị quyết của Liên Hiệp Quốc trừng phạt 26 nhân vật chủ chốt Libya, hôm nay đến lượt ngân hàng Áo và Đức thông báo phong tỏa tài sản của gia đình Kadhafi và những người thân cận. Theo thông tin đầu tiên, tài sản mà giới lãnh đạo Libya cất tại Áo lên đến 1,2 tỷ euro, nhưng không rõ bao nhiêu là của gia đình Kadhafi . Tại Đức, tài khoản 2 triệu euro của một người con của Kadhafi đã bị phong tỏa.
« Điện Kremli : Kadhafi, chính trị tiêu vong, phải ra đi tức khắc »
Tại Washington, Tổng thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon tố cáo thái độ của Kadhafi với nhận định là một lần nữa “cộng đồng quốc tế bị đặt trước thách thức », 70 năm sau thảm nạn diệt chủng người Do thái.
Tại Pháp, thủ tướng François Fillon cho biết : Tây phương đang nghiên cứu mọi biện pháp trong đó có phương án phong tỏa không phận Libya, một đề nghị mà Ý chấp thuận tham dự, để không cho chính quyền Libya sử dụng không quân oanh kích phong trào nổi dậy.
Theo AFP, Viện nghiên cứu Quốc tế vì Hòa bình ở Stockholm, Thụy Điển, phát hiện nhiều chuyến bay buôn lậu vũ khí từ Belarus cung cấp cho Libya. Đối lập tố cáo Kadhafi cho máy bay oanh kích thường dân, nhưng Tripoli cải chính.
Mặc dù, lực lượng trung thành do các con trai chỉ huy chỉ còn kiểm soát được thủ đô và một tỉnh bên cạnh, nhưng ông Kadhafi dường như đã mất hết sáng suốt. Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Mỹ ABC, ông tuyên bố tình hình « khắp nơi yên tĩnh , tôi được dân thường ủng hộ và dân sẽ tử chiến để bảo vệ tôi ». Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc , bà Suzan Rice cho đây là phản ứng « điên loạn ».
Trong khi đó, phe nổi dậy, được Tây phương ủng hộ, cho biết là họ đang chuẩn bị tiến về Tripoli. Phát ngôn viên Abdelhafez Ghoqa tuyên bố là họ đã thành lập « Hội Đồng quốc gia độc lập » đại diện cho các thành phố được giải phóng. Cơ quan này là đại diện chính thức của Libya trong giai đoạn chuyển tiếp.
Trong số phản ứng quốc tế mới nhất và dứt khoát nhất, phải kể đến « thông điệp » của Nga. Theo Interfax, tổng thống Medvedev tuyên bố là « Kadhafi, chính trị tiêu vong, phải ra đi tức khắc ».
No comments:
Post a Comment